Hãy cười vào bản thân và cười vào cuộc đời. Không phải kiểu cười nhạo hay rên rỉ thương hại, mà là như một biện pháp khắc phục, một liều thuốc thần kỳ để giảm đau, chữa trầm cảm hoặc giúp bạn sửa chữa tình cảnh thảm hại ở một thời điểm nào đó. Hãy trút bỏ căng thẳng, buồn phiền, lo lắng bằng một tràng cười vào sự bất đắc chí, từ đó giải phóng tâm trí của bạn để bạn có thể suy nghĩ sáng suốt về những giải pháp chắc chắn sẽ tìm đến với bạn. Đừng bao giờ quá nghiêm khắc với bản thân.
Ngày hoang vắng nhất là ngày không có tiếng cười của bạn. Một nụ cười tươi là ánh sáng mặt trời có thể thắp sáng bất kỳ ngôi nhà nào, vì vậy đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà thiếu đi vẻ mặt hạnh phúc của bạn, ngay cả khi lòng bạn đang chất chứa bao nỗi ngổn ngang. Mỗi khi bạn mỉm cười, và nếu cười phá lên càng tốt, là bạn đã thêm những khoảnh khắc quý giá vào cuộc sống của mình.
Con người là sinh vật duy nhất được ưu đãi có được sức mạnh của tiếng cười, và có lẽ là sinh vật duy nhất xứng đáng với điều đó. Tuy nhiên, tiếng cười sảng khoái nhất là tiếng cười của người có đủ tự tin để cười chính mình. Điều này cho thấy khả năng hiếm có khi ta có thể nhìn vào chính mình một cách khách quan, và nếu bạn có thể làm điều đó, mọi lo lắng của bạn sẽ được đơn giản hóa.
Đúng vậy, có những quy tắc để chơi trò chơi khó khăn này của cuộc sống một cách hiệu quả, nhưng bạn không bao giờ được quên rằng nó vẫn là một trò chơi – một trò chơi mà không bao giờ và không ai trong chúng ta nên quá nghiêm túc. Nếu chúng ta không thể xoay xở để có được một chút niềm vui mỗi ngày thì cuộc sống còn ý nghĩa gì? Cười vào chính mình, và chắc chắn không nên quá nghiêm khắc với bản thân, là một quy tắc mà tôi phải học đi học lại. Bất cứ khi nào tôi bắt đầu ra vẻ quá hay ho hoặc chìm đắm vào vai trò “tác giả nổi tiếng”, Đấng Tạo Hóa luôn dành cho tôi vài cú ngã nhào xứng đáng để chỉnh đốn tôi lại... cho đến lần sau.
Tôi đã trải qua vài ngày ghé thăm đài phát thanh và truyền hình ở khu Atlanta, và lúc đó tôi đang ngồi trong một chiếc limo đen, để đến buổi ký tặng sách trong một trung tâm mua sắm cách thành phố gần hai tiếng. Theo lịch trình, trên đường đi tôi sẽ ghé thăm một đài phát thanh Thiên Chúa giáo nhỏ, nơi tôi sẽ dành khoảng ba mươi phút lên sóng phát thanh trực tiếp với quý ông được gọi là “Mục sư John”.
Cuối cùng, chúng tôi dừng trước một ngôi nhà nhỏ mà lớp sơn trắng của nó bắt đầu tróc loang lổ. Người lái xe của tôi quay lại, vẻ ngần ngại nói:
– Đây là đài phát thanh, thưa ông.
Khi tôi bước gần hết bậc thềm, cánh cửa phía trước mở ra, và Mục sư John đứng đó. Tôi biết đó là ông ấy bởi vì ông mang chiếc phù hiệu đỏ thêu trau chuốt dòng chữ “Mục sư John” trên túi áo ngực của bộ jumpsuit trắng.
– Chào mừng ông đến với nhà đài khiêm tốn của chúng tôi! – Ông nói lớn khi ôm tôi. – Thật vinh hạnh quá.
Chúng tôi đi ngang một căn phòng lộn xộn những thiết bị điện tử, băng đĩa và những đống hồ sơ, có vẻ từng được dùng làm phòng khách. Âm thanh của những bài thánh vịnh dẫn tôi đến phòng thu ở phía sau.
– Chúng ta sẽ bắt đầu sau vài phút nữa. – Vị chủ nhà nói. – Hãy ngồi xuống đó và thoải mái đi.
Mục sư John hất đầu về phía một chiếc bàn không sơn mà trên đó có một chiếc micrô bị treo chênh vênh, gắn vào tấm bảng bởi mấy chiếc đinh. Tôi trượt người trên băng ghế thô, tự hỏi liệu các nhà xuất bản của tôi, với những văn phòng sang trọng của họ ở Đại lộ số Năm, nghĩ thế nào mà lại đưa tác giả của mình đến đây. Sau đó, trong sự ngạc nhiên tột độ của tôi, Mục sư John ngồi xuống bên cạnh tôi trên băng ghế, và tôi chợt nhận ra rằng micrô trên bàn là micrô duy nhất, và chúng tôi sẽ phải dùng chung. Thật là một sự thay đổi hoàn toàn sau những hào nhoáng của các nhà đài ở Atlanta. Nhưng, tôi trấn an bản thân, tôi có thể chịu được bất cứ chuyện gì trong ba mươi phút.
Lần đó, chuyến quảng bá của tôi là về cuốn sách The Christ Commission, và không giống như những người phỏng vấn, những người không bao giờ đọc cuốn sách của bạn trước khi phỏng vấn, Mục sư John không chỉ đọc cuốn sách mà còn chuẩn bị một danh sách dài các câu hỏi rất sâu sắc, trong một cuốn sổ tay màu vàng, mà ông liên tục dùng đến khi chúng tôi lên sóng.
Tôi thực sự thích thú với cuộc thảo luận, khoảng nửa chừng cuộc phỏng vấn bỗng có tiếng chuông điện thoại reo lớn từ một căn phòng khác. Tất nhiên là phòng thu này không được cách âm, tiếng chuông thô lỗ đó cắt ngang câu trả lời của tôi, làm tôi mất tập trung, và tôi gần như lạc mất dòng suy nghĩ khi tôi lảo đảo để lấy lại bình tĩnh.
Chiếc điện thoại chết tiệt tiếp tục đổ chuông không ngừng. Cuối cùng, Mục sư John khó chịu liếc nhìn cuốn sổ, hỏi tôi câu kế tiếp, và rồi, trước đôi mắt kinh hoàng của tôi, ông ấy quay người lại, đưa một chân qua băng ghế, đứng lên rồi biến mất vào căn phòng kia, có lẽ là để trả lời điện thoại. Bây giờ tôi đang nói chuyện với một chiếc ghế trống – và một cái micrô trực tiếp – và tôi đã nói... rất... từ từ, câu giờ, không biết mình sẽ phải làm gì sau khi xong câu trả lời mà ông ấy vẫn chưa trở lại.
Cuối cùng, tôi đã kiệt sức với chủ đề đó, và Mục sư John vẫn không thấy đâu cả. Sau đó, lần duy nhất trong đời, tôi đã làm một điều sáng suốt. Tôi vươn tay chụp lấy cuốn sổ trước mặt tôi, di ngón tay dọc theo danh sách câu hỏi của ông ấy, tìm thấy câu hỏi tiếp theo, và nói: “Mục sư John, tôi tưởng tượng ông sẽ hỏi rằng tôi lấy ý tưởng cho cuốn The Christ Commission từ đâu?”.
... và trong mười bốn phút tiếp theo, tôi tự phỏng vấn chính mình!
Cuối cùng, tôi cảm thấy ai đó vỗ vai mình. Tôi trở nên say mê với vai trò vừa là người phỏng vấn vừa là người được phỏng vấn đến nỗi tôi thậm chí còn không nhận thấy người dẫn chương trình của tôi đã trở lại. Ông ấy chỉ vào chiếc đồng hồ to trên tường, cúi xuống và nói vào micrô: “Ông Mandino, được nghe ông nói chuyện hôm nay là một vinh dự lớn lao cho chúng tôi. Tôi xin chúc ông gặt hái được thành công lớn với cuốn sách tuyệt vời này và chúc chuyến quảng bá sách của ông thuận buồm xuôi gió. Cầu Chúa phù hộ ông”.
Cùng với câu nói đó, ông nhấn nút và bài hát Nearer My God to Thee được phát trong khi tôi ngồi lại, lau trán. Đó là khi tôi tự nhắc lại, một lần nữa, quy tắc rất quan trọng đối với chúng ta trong cuộc sống đó là tự cười chính mình. Mục sư John đang vẫy một xấp hồ sơ trước mắt tôi và trông có vẻ tự hài lòng.
– Ông Mandino, tôi xin lỗi vì đã làm khó ông, nhưng ông đã xử lý tình huống một cách khéo léo. Cuộc điện thoại đó là từ người mẹ tám mươi tuổi của tôi ở San Diego, và lần trước khi chúng tôi nói chuyện, bà ấy hứa rằng lần sau gọi điện sẽ cho tôi công thức gia truyền cho món bánh cà rốt.
Cười thế giới, và quan trọng nhất là cười chính mình. Nếu tiếng cười có thể được phân phát ở nhà thuốc, bác sĩ của bạn sẽ kê đơn cho bạn uống một ít mỗi ngày. Đó là một cách sống tốt đẹp hơn.