Nirmal Jain (tốt nghiệp năm 1989)
India Infoline
Ông Nirmal đóng cửa công ty dịch vụ thông tin của mình vào năm 1999 và đặt tất cả vận may vào Internet. Sự đánh cược đã được trả giá và ngày nay India Infoline là một trong những sàn giao dịch trực tuyến lớn nhất Ấn Độ.
Là một thạc sĩ quản trị kinh doanh xuất thân từ IIMA, lại từng hoàn thành khóa chuyên ngành Kế toán và Kế toán Chi phí thì đương nhiên, ông Nirmal Jain sẽ làm việc trong ngành tài chính rồi. Tuy nhiên, công việc đầu tiên của ông Nirmal sau khi ra trường lại là ở Hindustan Lever(*) (HLL). Ông làm việc tại đây trong vòng năm năm, từ 1989 đến 1994, cụ thể là “quản lý những mặt hàng như đậu phộng hay dầu. Công việc đó đã đào tạo tôi tốt về mặt giao dịch”.
(*) Một công ty sản xuất hàng tiêu dùng thuộc tập đoàn Unilever.
Nắm bắt cơ hội là biết cách ghép những mảnh ghép lại với nhau. Vào khoảng năm 1991, cùng với sự tự do hóa, lĩnh vực dịch vụ tài chính Ấn Độ bắt đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều người kỳ vọng rằng ngành tài chính ở đất nước này sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân. Ông Nirmal cũng không phải ngoại lệ.
“Có một nền tảng giáo dục tốt cũng như đầu óc dành cho dịch vụ tài chính”, cùng với khao khát muốn trở thành nhà kinh doanh, vậy nên khi thời cơ đến, ông Nirmal quyết định bắt tay vào làm. Thay vì gia nhập một ngân hàng nước ngoài hay một thể chế đầu tư nước ngoài (FII), ông đã chung tay với hai nhà môi giới, ông Motilal Oswal và ông Ramdev Agrawal, để thiết lập một đơn vị nghiên cứu vốn sở hữu mang tên Inquire vào tháng 3/1994.
Một năm rưỡi sau, ông Nirmal quyết định rằng mình đã sẵn sàng để mở công ty một mình. Năm 1995, Công ty TNHH Tư nhân Dịch vụ và Nghiên cứu Probity ra đời. “‘Probity’ có nghĩa là toàn vẹn hoặc trung thực hoặc độc lập . Nó còn là từ viết tắt của một phương pháp thăm dò vốn sở hữu, thuộc về hoạt động kinh doanh của chúng tôi”. Sản phẩm chủ chốt của công ty là Probity 200, chuyên theo dõi, nghiên cứu về top 200 công ty niêm yết đứng đầu thị trường.
Quyết định đưa ra sản phẩm Probity 200 là rất hợp lý, vì 200 công ty này chiếm đến 90% khối lượng giao dịch cũng như các danh mục đầu tư. Từ đó làm nảy sinh nhu cầu thị trường cho các thông tin, không chỉ cho các nhà môi giới mà còn cho cả các công ty, ngân hàng và FII. Về sau, Probity cũng tham gia thực hiện báo cáo ngành. Vào cùng thời điểm đó, công ty INFAC được hai cựu sinh viên của IIM thành lập và cũng góp mặt trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường; tuy nhiên, họ đã bỏ qua một vài ngành công nghiệp như dầu, gas, hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin và dược phẩm. Probity đã lấp đầy khoảng trống này và những báo cáo của họ được đón nhận rất tốt.
Tuy nhiên, đến năm 1999 thì thị trường chứng khoán hoạt động không tốt. “Công việc kinh doanh có thể đã tốt hơn nếu ở trong môi trường kinh tế thuận lợi”, ông Nirmal trầm ngâm. “Nhưng theo một cách nào đấy thì đó cũng là một điều tốt bởi vì chúng tôi học được cách đối mặt với những thời điểm khó khăn và vượt qua được giai đoạn đi xuống của một chu kỳ kinh tế, và có lẽ điều này đã có ích với chúng tôi”.
Với tinh thần sẵn sàng đối mặt với nghịch cảnh, năm 1999 đã trở thành năm bước ngoặt của Probity. Trên thực tế, “bước ngoặt” là một từ chưa đủ mạnh để miêu tả hướng đi mà Probity đã chọn. Đó là một sự đổi hướng hoàn toàn, một sự đánh cược táo bạo: được ăn cả, ngã về không. Vậy là India Infoline ra đời từ đây.
Về quyết định này, ông Nirmal cho biết: “Internet đã trở nên rất phổ biến, truyền thông Mỹ lúc nào cũng nói về Internet. Thậm chí có người nào đó đã đưa ra một ý tưởng điên rồ, rằng nếu chúng ta đưa những nghiên cứu của mình lên web miễn phí, thì thay vì có 250 khách hàng chúng ta sẽ có nửa triệu khách hàng. Chúng tôi đã thực hiện ý tưởng đó và hủy bỏ mô hình kinh doanh lúc trước. Chúng tôi đưa tất cả những nghiên cứu của mình lên trang web miễn phí”.
Vào năm 1999, trang India Infoline có doanh thu khoảng 1 crore, lợi nhuận là 10 – 20 lakh. Vậy là tiếng gọi cho đi đã được thị trường đáp lời. Cho đi doanh thu thì cũng được thôi, thế nhưng còn chi phí? Trên thực tế, dù có doanh thu hay không thì công ty vẫn phải đầu tư vào cả công nghệ nữa. Vì vậy, công ty phải huy động vốn từ bạn bè và một nhà đầu tư cá nhân. Ông R Venkataraman (một người tốt nghiệp IIM, Phân viện Bangalore với kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng ICICI, Barclays và công ty cổ phần tư nhân GE) cũng gia nhập công ty dưới cương vị một nhà đồng sáng lập.
Mặc dù gặp phải những trục trặc kỹ thuật ban đầu, trang web của India Infoline vẫn trở nên phổ biến. Trang web có nội dung rất khác biệt, có thể nói là “không đụng hàng”. Ngay sau đó, công ty đã nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Quỹ đầu tư mạo hiểm CDC (nay được biết đến với tên Actis) đã đầu tư một triệu đô-la.
Trong khoảng thời gian này, công ty đã đưa ra một kết luận quan trọng: “Chúng tôi nhận ra rằng dịch vụ thông tin và truyền thông không phải là một mô hình kinh doanh có thể được mở rộng sau một thời điểm nhất định. Nó sẽ không tạo doanh thu dù cho ngày đó người ta vẫn luôn cường điệu hóa về những công ty như Yahoo !”.
Vì vậy mà India Infoline đã quyết định chuyển tiếp sang dịch vụ giao dịch. Công ty bắt đầu xây dựng một mô hình giao dịch trên mạng. Ý tưởng là phát triển một thứ gì đó mới mẻ nhưng trên thực tế, việc này đã mất đến ba năm để thực hiện. Trong khi chờ đợi, công ty đã quyết định mua lại một số công nghệ có sẵn.
Vào tháng 3/2000, India Infoline đã huy động được năm triệu đô-la từ Intel Capital và một số nhà đầu tư khác. Ngay sau đó thì thị trường chứng khoán, cụ thể hơn là Sàn Giao dịch Chứng khoán Mỹ sụp đổ, cộng với việc bong bóng dotcom vỡ tại Ấn Độ, India Infoline rơi vào tình trạng khủng hoảng. Ông Nirmal cho biết tình trạng lúc bấy giờ của công ty: “Chúng tôi thiết lập rất nhiều mảng kinh doanh, đã tuyển người nhưng lại không có vốn. Các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nguồn vốn cá nhân cứ hứa đi hứa lại rằng họ sẽ đưa tiền cho chúng tôi nhưng phải mất đến 16 tháng, chúng tôi mới nhận được thêm một khoản vốn nhỏ”.
Cả ông Nirmal và ông Venkat đều đổ tất cả tài sản cá nhân của mình vào để có được ba crore nhằm duy trì hoạt động cho công ty. “Chúng tôi đã phải thu nhỏ quy mô và chuyển từ trạng thái ‘tăng trưởng’ sang ‘cầm cự’ từ năm 2002 đến khoảng năm 2004… Chúng tôi làm tất cả mọi việc có thể, như cắt giảm từng đồng chi phí một,… chuyển từ các văn phòng giá cao sang giá rẻ, rút khỏi những hoạt động kinh doanh không có lãi như các khoản cho vay và thế chấp cá nhân. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch thực hiện một kênh truyền hình thời sự kinh doanh nhưng rồi phải từ bỏ”.
India Infoline chuyển sang tập trung vào mảng đầu tư doanh nghiệp vì ở đó có các khách hàng riêng lẻ mà công ty có thể tiến hành tư vấn để tạo điều kiện cho họ đầu tư. Việc này bao gồm phân phối các quỹ tương hỗ, bảo hiểm nhân thọ và môi giới trực tuyến. Tất cả mọi mảng kinh doanh khác đều ngừng hoạt động. “Đó là một thử thách vì thật khó khăn để thu hút và giữ chân nhân lực. Dotcom bị xa lánh và không ai muốn làm việc ở một công ty dotcom cả”. Rất nhiều lần các nhà đầu tư đã trì hoãn việc thanh toán khiến cho việc trả lương bị chậm lại. Đó chắc chắn là giai đoạn vô cùng căng thẳng và đau đớn đối với ông Nirmal nói riêng và các nhà kinh doanh Ấn Độ nói chung.
Vào tháng 10/2001, India Infoline cuối cùng cũng huy động được thêm sáu crore rupee (tương 1,2 triệu đô-la) từ những nhà đầu tư hiện tại của mình. Số tiền này đổ về trễ mất 16 tháng và chưa phải là một khoản tiền lớn nếu so với khoản năm triệu đô mà công ty đã huy động được trước đó. Dẫu vậy, India Infoline vẫn lên kế hoạch huy động thêm 50 triệu đô-la nữa. Việc này được ông Nirmal giải thích như sau: “Trong thời điểm đó, luật chơi là phải mở rộng quy mô thật nhanh. Chúng tôi đã đăng ký phát hành Biên nhận Ký thác tại Hoa Kỳ (ADR) và tự tin rằng mình sẽ có thể huy động được 50 – 60 triệu đô-la. Hầu hết các giám đốc ngân hàng đều nói với chúng tôi như vậy. Chúng tôi đã nghĩ rằng trong trường hợp xấu nhất thì vẫn có thể huy động được 15 – 20 triệu đô-la”.
Cuối cùng thì vào tháng 5/2003, India Infoline cũng đã đi đến điểm kết thúc của giai đoạn tồi tệ. Thị trường phục hồi, sức giao dịch của công ty dần ổn định và thị trường chứng khoán bắt đầu đi lên trở lại. Vào năm 2003 – 2004, công ty tạo ra được số lợi nhuận đầu tiên đạt 7,5 crore rupee. Đòn bẩy hoạt động của công ty cao nhờ có Internet. Và năm sau đó India Infoline đã nâng lợi nhuận của mình lên 2,5 lần. Và doanh thu tiếp tục tăng vọt. Cuộc phỏng vấn với ông Nirmal Jain được thực hiện vào tháng 10/2007 và lúc này, doanh thu của India Infoline là 400 crore rupee(**) . Khi cuốn sách này được xuất bản vào tháng 5/2008, doanh thu công ty đã đạt mức trên 1.000 crore rupee.
(**) Vào năm tài chính 2008, tổng lợi nhuận sau thuế của tập đoàn India Infoline là 159,88 crore rupee, tăng 2,11 lần so với năm tài chính 2007. Tổng thu nhập trong năm tăng 2,4 lần trong vòng một năm, đạt 1.023,59 crore rupee.
Vậy điều gì đã giúp ông Nirmal vượt qua những ngày tháng khó khăn đó?
Ông đáp: “Bạn phải có hy vọng, bạn phải có niềm tin và bạn phải có sự kiên trì, và đó là những gì mà chúng tôi đã có, đã làm. Nhóm chủ chốt gồm 8 – 10 người và hiện vẫn còn làm việc trong công ty. Bạn phải giữ được chân họ vì đó là cột chống cho công ty. Bạn phải hiểu rằng mình không thể làm tất cả những điều đó một mình”. Đương nhiên, có một vài người bỏ việc, nhưng cũng có rất nhiều người đã quyết định trụ lại.
Câu hỏi tiếp theo: Điều gì đã giữ một số người ở lại với công ty ngay cả khi không có điều gì đảm bảo là họ sẽ được nhận lương, không có gì đảm bảo cho tương lai của họ?
“Tôi luôn rõ ràng và trung thực về mục đích của công ty. Chúng tôi đã rất minh bạch. Tất cả mọi người đều biết rằng tôi đã dùng tiền của chính mình để cố gắng cứu công ty. Vì vậy mà họ nhìn thấy niềm tin cũng như sự cam kết của tôi... Không những thế, tôi đã chia sẻ với họ lý do mà tôi gắn chặt với India Infoline, về tình cảm của tôi với công ty này”.
Không thể phủ nhận rằng chính nhóm chủ chốt cũng thấy rõ rằng Internet vẫn có thể tồn tại và phát triển sau cơn khủng hoảng. Từ đó, họ theo dõi thị trường và nhận định xu hướng tương lai, rằng kinh doanh tài chính trực tuyến là mảng kinh doanh rất có tiềm năng.
Ti-vi, tủ lạnh hoặc thực phẩm là những sản phẩm có thể sờ và cảm nhận. Với giao dịch ngân hàng và chứng khoán, bạn không thực sự cần phải “nhìn thấy” những gì mình đang làm, đặc biệt là trong thời đại mà mọi thứ đều có thể được phi vật chất hóa như ngày nay. Và một khi bạn có một sản phẩm tốt giúp tăng giá trị cho khách hàng thì tiền kiếm ra từ việc này cũng rất nhiều. “Chúng tôi có thể nhìn thấy sự thành công của một số mô hình kinh doanh ở Mỹ như E*TRADE. Và bằng tư duy thông thường, bạn có thể hiểu rằng nếu Internet sẽ thay đổi thế giới thì nó cũng sẽ thay đổi một vài mô hình kinh doanh, đặc biệt là dịch vụ tài chính”.
India Infoline có công nghệ, có nền tảng và có hiểu biết về hoạt động kinh doanh này. “Chúng tôi nhận ra rằng nếu chúng tôi từ bỏ bây giờ thì chúng tôi sẽ mất một cơ hội lớn, một người khác sẽ làm điều đó… Vì vậy, chúng tôi tiếp tục chiến đấu đến tận đồng xu cuối cùng, hay bạn có thể nói rằng đến giọt máu cuối cùng để xem chúng tôi có thể kéo dài nó được trong bao lâu. Nếu chúng tôi có thể đạt đến điểm hòa vốn trong giai đoạn tăng trưởng của chu kỳ kinh tế, sau đó bắt đầu làm ra tiền thì đương nhiên là chúng tôi sẽ có thể mở rộng quy mô rất nhanh. Đó chính xác là những gì đã xảy ra”. Từ 15 người vào năm 1999, công ty hiện đã có 15.000 nhân viên.
Nhưng ông Nirmal vẫn muốn công ty phát triển lớn mạnh hơn nữa, và ông quyết định lấn sân sang mảng giao dịch. “Tôi biết rằng tôi phải mở rộng quy mô… và bạn nhất định phải đón đầu sự rủi ro. Một trong những điều mà tôi không thể tưởng tượng được là sự tồn tại của một nhà kinh doanh có thể thành công mà không phải đối mặt với một sự rủi ro nào”.
Và sự cạnh tranh cũng là điều bạn phải tính tới. Không nghi ngờ gì ở việc các công ty khác cũng đã nhìn thấy quy mô tiềm năng của mảng giao dịch trực tuyến, bao gồm Ngân hàng ICICI, Ngân hàng HDFC và một số công ty nước ngoài.
Dẫu vậy, India Infoline vẫn có được lợi điểm bán hàng độc nhất (USP), đó là chất lượng nghiên cứu và dịch vụ. Ông Nirmal cũng tin tưởng rằng công nghệ mà công ty cung cấp có sự nổi trội về mặt tốc độ, linh hoạt và dễ sử dụng. Vậy nên, “giống như những khách hàng đơn lẻ của Bloomberg, bạn nhận được giá cổ phiếu, biểu đồ, thông tin, báo giá liên tục. Nó rất dễ gây nghiện”.
Ngoài ra, do công ty phát triển dựa trên tinh thần của một nhà kinh doanh nên càng ngày càng có nhiều dịch vụ cá nhân hơn. “Có 50 người tôi rất thân, như một gia đình vậy. Và họ biết 1.500 người khác và các mối quan hệ cứ thế phát triển”. Cũng trong quá trình điều hành công ty, ông Nirmal rút ra được bài học: bạn không nên né tránh việc tuyển những người giỏi. Có vậy thì công ty mới có thể có lợi thế đáng kể.
Một khía cạnh quan trọng khác là quản lý sự tăng trưởng ở các cấp độ khác nhau.
“Khi các công ty có 10 – 15 người thì đó là một cấp độ. Nhưng 50 – 100 người đã là một cấp độ khác, và 500 – 1.000 người thì đã đạt cấp rất cao. Ở mỗi cấp độ, bạn đều phải thay đổi cách nhìn nhận công ty của mình, về hệ thống các quy trình, kiểm toán, đặc tính của các bộ phận,… Nếu không thì bạn sẽ không thể nào mở rộng được quy mô”.
Năm năm làm việc của ông Nirmal tại HLL – một công ty nổi tiếng về các hệ thống và các quy trình – là vô giá. HLL thuộc một tập đoàn đa quốc gia, có quy mô rất lớn với tiềm lực rất mạnh, và năm năm làm việc cho họ, ông Nirmal đã say mê tìm hiểu xem “các công ty lớn đã làm đúng những điều gì”. Từ đó, ông tìm hiểu xem làm thế nào để có thể thực hiện tốt việc đó với công ty riêng. Qua đây, chúng ta thấy được rằng kinh nghiệm và sự học hỏi không bao giờ là vô ích.
Khi được tôi hỏi về những tiêu chí tính cách nào sẽ giúp một người thành công trong kinh doanh, ông Nirmal đã bình thản đáp: “Bạn luôn phải đón nhận rủi ro. Và rồi làm việc thật chăm chỉ. Bạn phải có chút may mắn và biết chọn đúng thời điểm nữa”. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là không phải lúc nào, cả bốn yếu tố đó cũng xuất hiện cùng lúc nơi một nhà kinh doanh.
Ngoài ra, bạn không thể bắt đầu việc kinh doanh với duy nhất một “kết quả cuối cùng ở trong đầu. Bạn còn phải biết tận hưởng hành trình và từng bước đi trên con đường… Trong ba năm qua chúng tôi đã rất thành công về mặt xây dựng hình tượng trước công chúng lẫn việc vốn hóa thị trường, thế nhưng chỉ cần công ty tạo dựng được uy tín thì tôi đã thấy mãn nguyện rồi. Không phải chỉ có tiền bạc và của cải mới khiến cho bạn hạnh phúc, nếu bạn tạo nên một thứ khác biệt, đủ tốt và tạo ra được việc làm thì đó chính là nguồn gốc của sự mãn nguyện”.
Ái chà, India Infoline đã chọn “tiền bạc là tất cả” làm khẩu hiệu, nhưng xem ra ông Nirmal, với cương vị là một nhà kinh doanh, đã không xem đó là chân lý sống duy nhất của mình. Và sự thành công của ông lẫn India Infoline đã chứng minh rằng: Tất cả là vì đam mê.
Lời khuyên cho những doanh nhân trẻ
Bạn phải xây dựng một nhóm chủ chốt, chấp nhận ủy nhiệm và trao quyền cho những người đó. Khi bạn đã làm một điều gì đó một mình trong vòng 5 – 6 năm thì đương nhiên là bạn có thể làm tốt hơn bất kỳ ai tham gia cùng bạn, vì vậy bạn luôn gặp sự thất vọng khi nhận ra người mà bạn đã tuyển không làm theo cách bạn nghĩ hay cách bạn làm. Nhưng bạn phải vượt qua được điều đó, hãy đào tạo nhóm chủ chốt này và để cho họ có không gian vận hành công việc. Đương nhiên, bạn không thể buông tay quá sớm nếu không muốn mọi thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Đó là một sự cân bằng tinh tế.
Kinh doanh luôn đi kèm với rủi ro – điều này là không thể tránh. Vì thế, bạn nên có sự chuẩn bị để đối diện với thất bại. Nếu không, bạn sẽ không thể vượt qua được thất bại. Đến tận năm 2003, chúng tôi vẫn còn giữ tinh thần sẵn sàng cho tình huống xấu nhất là đánh mất mọi thứ, là phải bỏ cuộc và tự bắt đầu lại.
Bạn nên làm việc ở một tổ chức lớn hoặc vừa để lấy kinh nghiệm trước khi bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Điều đó luôn có ích.
Dù bạn có bao nhiêu đồng sự thì nhất định phải có một người lãnh đạo để thúc đẩy việc thương thuyết, giải quyết mâu thuẫn nhằm đưa ra quyết định cuối cùng cho các vấn đề.