Ruby Ashraf (tốt nghiệp năm 1983)
Precious Formals
Chị Ruby đã biến sở thích thiết kế quần áo của mình trở thành một công việc kinh doanh phát đạt. Công ty Precious Formals của chị là nhà cung cấp váy dạ hội hàng đầu tại Mỹ.
Tôi gặp chị Ruby Ashraf tại lễ kỷ niệm bạc, dịp hội ngộ của những sinh viên IIM, Phân viện Ahmedabad khóa 1983. Có rất nhiều vòng eo đã được nới rộng và những chiếc đầu hói ở khắp nơi, trong khi chị Ruby Ashraf trông còn quá trẻ đẹp. Một bạn cùng khóa tới bên chồng của chị, anh Javed, và nhận xét nửa thật nửa đùa: “Dẫu rất nhiều năm đã trôi qua... Tôi vẫn muốn nói rằng anh thật may mắn khi cưới được cô ấy”.
Hai vợ chồng cùng mỉm cười, có vẻ như họ đã từng nghe được lời nhận xét này. Nhưng nếu bạn nghe câu chuyện về cuộc đời họ, về cách họ cùng nhau vận hành công ty thì bạn sẽ nghĩ lại, rằng: Liệu ai mới thực sự là người may mắn đây? Có bao nhiêu người đàn ông để cho người vợ thông minh và xinh đẹp của mình cầm lái, lại còn chấp nhận vị trí hành khách, làm người đồng hành cùng vợ mình?
Chị Ruby Ashraf là giám đốc điều hành của Precious Formals, một công ty có giá 10 triệu đô trong ngành kinh doanh thời trang. Anh Javed thì không chỉ là đối tác của chị Ruby trong đời sống, mà còn trong cả công việc.
Hoạt động trong lĩnh vực thời trang, mặt hàng chủ lực của Precious Formals là các loại đầm dạ hội cuối cấp . Những buổi dạ hội cuối cấp (hay còn gọi là prom ) là đỉnh cao trong cuộc sống của một thiếu nữ Mỹ trước tuổi trưởng thành. Sự kiện này giống như một nghi lễ tất yếu, đánh dấu sự lớn lên của mỗi người. Không chỉ đơn thuần là một điệu nhảy, homecoming prom còn là thời khắc đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn và mở ra thời trưởng thành của người thiếu nữ, là một trong những dấu mốc được trân trọng suốt rất nhiều năm sau đó. Với ý nghĩa đó, chiếc đầm dạ vũ được mặc trong buổi dạ hội không chỉ đơn thuần là một món trang phục, nó phải thỏa mãn được những ước mơ.
Vậy làm thế nào mà một phụ nữ Ấn Độ không được đào tạo chính quy về thiết kế thời trang có thể thâm nhập vào ngành kinh doanh này và nhanh chóng thành công? Sau khi lắng nghe chị Ruby giải thích mình đã làm thế nào để đạt được điều đó, tôi chỉ có thể kết luận rằng “Nếu có khát khao trong trái tim thì ta sẽ tìm ra được con đường”.
---
Chị Ruby lớn lên tại Delhi, từ khi còn nhỏ chị đã được tiếp xúc với thế giới kinh doanh thông qua các cuộc họp và những khách hàng.
Cha của chị làm việc trong Bộ Quốc phòng, rồi ông từ chức, dấn thân vào việc kinh doanh và mở công ty của mình. “Khi tôi đi học về thì bố còn bận họp, vì thế ông cho tôi vào tham dự luôn. Thật ra, tôi chỉ ngồi đó và lắng nghe ông bàn bạc với các khách hàng. Ông tư vấn cho rất nhiều người”, chị kể lại. Tuy nhiên khi đó, chị Ruby không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà kinh doanh. Song tại thời điểm hiện tại, khi nhìn lại quá trình trải nghiệm cuộc sống của mình thì chị có cảm tưởng là một cách vô thức, chị đã được “huấn luyện để làm một nhà kinh doanh”. Cũng vì thế mà đến khi trưởng thành, ở chị Ruby có một điểm mà bạn thường thấy ở các nhà kinh doanh, đó là sự tự nhận thức về bản thân, biết rõ khả năng của mình nên có thể đảm đương và thực hiện những quyết định khó khăn.
Dẫu vậy, khi mới vào đời, chị Ruby chỉ đi theo lộ trình vốn được sắp đặt trước: vào trường y khoa. “Năm đầu tiên, tôi phải thực hành môn giải phẫu học và không hề thích nó. Vì vậy tôi nghĩ rằng: ‘Việc này không dành cho mình...’”. Chị nghỉ học ở trường y, chuyển ngành rồi hoàn thành chương trình cử nhân, sau là chương trình thạc sĩ khoa học tại Đại học Delhi.
Kế đến, “Tôi được nhận vào Trường Birmingham ở Anh để học chương trình tiến sĩ, chuyên ngành Phôi cá. Đó là đề tài mà tôi đặc biệt quan tâm. Thế rồi cha tôi chỉ cho tôi xem quảng cáo của Học viện Quản lý Ấn Độ, Phân viện Ahmedabad (IIMA) trên báo. Tôi đã có chút e dè, quản lý là một nghề đòi hỏi sự quảng giao. Nhưng vì trước đó, tôi đã làm cha mẹ mình thất vọng vì không tiếp tục học trường y. Vậy nên tôi đã quyết định theo học IIMA”.
Chị Ruby được nhận vào trường, chị theo học, quyết định này đã khiến cuộc đời chị ngoặt sang một hướng hoàn toàn mới. Chị kể lại trải nghiệm đầu tiên của mình tại IIMA như sau: “Họ đưa cho tôi một bản khảo sát nhằm đánh giá tính cách. Có lẽ người chỉ ra những điểm cần củng cố ở tôi là Giáo sư Indira Parikh. Sau khi ra khỏi phòng, bạn đã được chuẩn bị hoàn toàn chu đáo cho bất cứ ngành nghề nào mà mình đã chọn”.
Không hề có khóa học về việc khởi doanh nào tại IIMA vào thời đó nhưng chị Ruby đã xác định rằng sau khi ra trường, chị sẽ làm công ăn lương trong khoảng năm năm và rồi mở công ty riêng – giống như cha chị vậy. Đương nhiên là chị chưa bao giờ nghĩ rằng công việc đó là trong ngành kinh doanh thời trang. Và chị cũng chưa hề nghĩ đến thị trường Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp IIMA, chị Ruby làm ở bộ phận nhân sự của Công ty Kỹ thuật và Sản xuất BHEL: “Tôi thực hiện phỏng vấn với hai công ty – BHEL và Metalbox. Tôi được nhận vào cả hai nhưng đã chọn BHEL vì nó ở Delhi, và cũng vì tôi thích nội dung công việc ở đây hơn”.
Rồi cũng giống như rất nhiều người phụ nữ khác, chị Ruby kết hôn – đó là vào năm 1987. Sau đám cưới, chị theo chồng chuyển tới Mỹ. Tuy nhiên, ý định ban đầu của chị khi đến Mỹ là muốn thuyết phục chồng trở về Ấn Độ (khi đó, anh Javed đang tìm việc ở phía Bắc, như New York chẳng hạn), còn bản thân chị cũng chưa xin nghỉ việc ở BHEL. Mặt khác, chị đang tìm kiếm cơ hội học tập chuyên sâu hơn.
Chị Ruby được nhận vào trường Đại học Rice ở Houston, ngành Hành vi Tổ chức. Nhưng trái tim chị lại lựa chọn Stanford hoặc Harvard, vậy là chị sẵn sàng chờ đợi thêm.
Nhưng số phận lại có một kế hoạch khác dành cho chị. Tình yêu sâu đậm mà chị dành cho quần áo đã đưa chị đi một hướng khác.
Ngày còn đi học, chị Ruby luôn được gọi là Cô gái ăn mặc đẹp nhất khóa. Chị thường tự thiết kế quần áo của mình, và sở thích đó vẫn tiếp tục. Một lần nọ, chị mặc một trong những chiếc váy tự may tới một bữa tiệc Giáng sinh của trường đại học (nơi anh Javed làm giảng viên). Chiếc váy đã thực sự nhận được sự chú ý. Người ta nhận xét: “Chị có tài năng thực sự, chị nên bán những chiếc váy như thế này!”.
Nhưng bấy giờ, chị không có nhiều thông tin về ngành công nghiệp này. Có những nghiên cứu riêng lẻ về ngành dệt may, sản phẩm tiêu dùng và những mảng khác, nhưng không có gì “kích thích” được chị. Vì vậy chị Ruby đã tự mình nghiên cứu. Chị di chuyển khắp nước Mỹ, thăm các cửa hàng bán lẻ để hiểu về xu hướng thời trang, thứ gì đang được bán và đâu là ngách mà chị có thể hoạt động. Chị cho biết: “Ngày đó, không có gì tương tự như CNN thời nay cả. Tôi không biết xu hướng thời trang ở bờ Tây là gì. Tôi phải tự đi tìm hiểu thì mới biết được”.
Điều này nghe có vẻ mơ hồ. Đi khắp nước Mỹ để tìm hiểu xem loại váy nào đang được bày bán. Liệu đây có phải là một kế hoạch đúng đắn để xâm nhập vào thị trường may mặc của Mỹ?
“Về cơ bản, triết lý sống của tôi tựa như một shlok trích từ Bhagavad Gita , sử thi Mahabharata , rằng:
Karmanye Vadhikaraste, Ma phaleshou kada chana
Ma Karma Phala Hetur Bhurma Tey Sangostva Akarmani
(Tạm dịch: Hãy thực thi nghĩa vụ, song nhớ tự tách mình khỏi những thành quả thu được. Đừng để kết quả chi phối bản thân, mà hãy tận hưởng từng phút giây trên hành trình ).
Cũng nhờ vậy mà mỗi ngày, tôi dốc đến 120% sức lực và sự cố gắng vào công việc. Và chưa có một ngày nào bị bỏ phí cả”.
Chính triết lý sống trên mà chị Ruby mới quyết định bắt tay vào làm việc nghiên cứu thị trường chứ không ngồi yên chờ đợi xem liệu anh Javed có tìm được công việc ưng ý ở phía Bắc hay phía Tây, hay một cơ hội nào đó.
Quả thật, chị đã không hề phí công. Chị Ruby nắm bắt được rằng sản phẩm gì đang được bán. Chị bắt đầu may đầm và lập tức nhận được đơn đặt hàng từ tất cả các cửa hàng lớn. Chị tập trung vào mảng trang phục buổi tối, khi đó là một phân khúc thị trường mang lại nhiều cơ hội, với tỷ suất lợi nhuận cao, đồng thời đòi hỏi những kiểu cách thiết kế vốn phù hợp với sở trường của chị.
Với nhu cầu gia tăng, chị Ruby nhận ra rằng chị phải mở một xưởng may, đồng nghĩa với việc thuê thợ và người chủ phải nắm vững kỹ thuật may mặc. Ấy vậy mà lúc đó, chị Ruby “thậm chí còn chưa biết thế nào là khâu may”. Vì vậy, “tôi phải về Ấn Độ, trước hết là học về tạo dáng trang phục”.
Anh Javed lập công ty cho chị, rồi anh cùng chị học hỏi. Họ mở một nhà máy ở Delhi và dạy công nhân về cách tạo kiểu dáng. Hai người chọn Delhi (chứ không phải ở Mỹ) là “vì tất cả đều được làm bằng tay nên nếu làm tại Mỹ thì chi phí thuê nhân công quá cao và đội giá sản phẩm lên, khó mà bán được”. Đương nhiên, để có được chi phí sản xuất thấp, hai anh chị phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ khác, trong đó có sức khỏe (vì phải thường xuyên đi lại giữa Ấn Độ và Mỹ).
Vậy là với chỉ 5.000 đô-la tiền vốn, hai vợ chồng bắt tay gầy dựng công ty thời trang. Vốn liếng không nhiều trong giai đoạn đầu, nhưng khi lượng đơn đặt hàng nhiều lên thì họ có được sự đảm bảo để vay tiền từ ngân hàng, phát triển công ty.
À, nhưng làm sao họ tìm được những đơn đặt hàng?
“Hồi còn học ở IIMA, tôi từng thực hiện một nghiên cứu với Giáo sư AK Jain, đề tài là kế hoạch marketing cho sản phẩm bột yến mạch. Tôi đã đạt được điểm cao với bài đó, và tôi cũng học được rằng bạn phải đi đến từng nơi một, phải làm những công việc từ cấp độ thấp nhất. Chỉ là một công ty sản xuất nhỏ, bạn không thể cứ thế đổ hàng đống tiền vào những thứ như là quyển giới thiệu sản phẩm thôi… Việc đầu tiên trong buôn bán là bạn phải ‘chào hàng’ bản thân mình – tức làm sao để đối tác thấy họ có thể tin tưởng vào bạn. Người ta cần phải cảm thấy dù cho bạn là ai, dù bạn đến từ đâu, thì bạn thực sự thành thật trong khi nói chuyện. Bạn chân thành và bạn thực sự sẽ giao hàng đúng như giao kết. Nếu bạn đã thành công ở bước ‘chào hàng’ này, bạn sẽ bán được sản phẩm”.
Năm đầu tiên, quy mô kinh doanh của Precious Formals còn rất nhỏ. Rồi nó phát triển nhanh chóng. Nửa triệu đô-la trong năm kế tiếp, rồi một triệu. Giờ thì nó đạt mức mười triệu đô-la và Precious Formals vẫn tiếp tục phát triển.
Qua năm tháng, rất nhiều thứ đã thay đổi. Việc sản xuất đã chuyển từ Ấn Độ sang Trung Quốc, nhưng không phải chỉ vì lợi thế về chi phí. Chị Ruby giải thích kỹ hơn: “Là một nhà thiết kế, tôi nhận ra rằng mình có rất nhiều hạn chế khi làm việc tại Ấn Độ - máy móc ở đây không được cơ giới hóa, và công đoạn kết thúc không hoàn hảo. Thiết bị mà chúng tôi cần không có sẵn”. Không chỉ thế, người Trung Quốc cũng rất xuất sắc trong việc tạo kiểu dáng. Họ có thể thực hiện tốt việc này ngay từ bản vẽ - bạn không thực sự phải dạy họ.
Đương nhiên, khi lần đầu tiên chị nghĩ đến thị trường gia công Trung Quốc thì mọi việc còn khá khó khăn vì đó mới là năm 1991. Nhưng theo thời gian, hoạt động kinh doanh ở đây trở nên dễ dàng hơn.
Đặc điểm của ngành kinh doanh này nằm ở chỗ thời trang không chỉ đơn thuần là hình thức, nó phải đạt được đến mức độ nghệ thuật. Và để thành công trong ngành thời trang bạn phải dự đoán được xu hướng sắp tới. Vào tháng 12 năm 2007, tôi đã phải giao hàng cho dịp mùa xuân năm 2008, trong xưởng thì đang thiết kế cho mùa xuân 2009 hoặc giải quyết các đơn đặt hàng.
Vậy làm thế nào chị Ruby có thể định ra xu hướng thời trang cho các sản phẩm tương lai của mình? Một cách khiêm tốn, chị Ruby nói rằng chị đã “nhìn ngắm xung quanh” rất nhiều. Và theo dõi cả quần áo thể thao bởi vì trang phục buổi tối hoàn toàn có thể mang hơi hướm mạnh mẽ của thể thao. Không chỉ vậy, chị – một người nghệ sĩ – còn phải tìm cách hiểu được ý nghĩa của từng chi tiết trên những gì mà chị đang nhìn ngắm, suy ngẫm xem liệu chi tiết nào kích thích được cảm hứng sáng tạo, rồi làm sao để biến cảm hứng thành những mẫu vẽ.
Trong khi việc kinh doanh đang tiến triển thì vào năm 1996, chị Ruby lâm bệnh nặng. Lúc này, anh Javed phải xin nghỉ việc ở trường đại học và gia nhập công ty, hỗ trợ vợ mình trong khâu điều hành hoạt động. Từ đó anh đồng hành với Precious Formals. Nếu chị Ruby (với đôi mắt biểu cảm, giọng cười khàn khàn và gu thẩm mỹ không thể chê) là bộ mặt đại diện của Precious Formals, thì anh Javed là điểm tựa vững chắc và thầm lặng của công ty. Anh chăm lo mảng công nghệ thông tin, mảng tài chính – kế toán; thậm chí, anh ấy còn biến sở thích nhiếp ảnh của mình thành một tài sản quan trọng cho công ty.
Một năm nọ, Precious Formals quyết định đầu tư vào mảng hình ảnh trên catalogue sản phẩm. Họ thuê người chụp ảnh chuyên nghiệp, cả ê kíp làm việc ở New York, Mỹ. Có điều, khách hàng không thích bộ catalogue này. Họ nghĩ rằng sản phẩm anh Javed thực hiện năm ngoái đẹp hơn. Nguyên nhân có lẽ là “vì chúng tôi không coi việc chụp ảnh cho catalogue là công việc, chúng tôi xem đó là niềm đam mê. Sau chuyện này, anh Javed phụ trách việc chụp ảnh sản phẩm mẫu cho công ty luôn. Anh ấy đã thực hiện tất cả công việc thiết kế và chỉnh sửa”, chị Ruby tự hào nói và cho tôi xem catalogue mới nhất.
Hiện nay, chị Ruby phụ trách tất cả việc thiết kế, hầu hết việc marketing. Atlanta là trung tâm chính của thị trường trang phục buổi tối, vì vậy Precious Formals có một không gian rộng gần 93 m2 ở thành phố này, vừa làm nơi trưng bày, bán sản phẩm, vừa để thực hiện các buổi trình diễn thời trang. Những khách hàng tới đây năm lần mỗi năm, họ được các quản lý bán hàng trực tiếp chăm lo khâu dịch vụ.
“Tất cả nhân viên bán hàng đều báo cáo lên tôi. Tôi là nguồn động lực cho họ. Tôi nói chuyện với họ lúc tám giờ sáng mỗi ngày. Chúng tôi đặt mục tiêu, bàn bạc về công việc ngày hôm đó, về những gì đã làm ngày hôm trước. Họ cung cấp cho tôi tất cả các số liệu. Tôi lắng nghe họ nói về những vấn đề đang đối mặt”. Phần lớn đội ngũ bán hàng là các cô gái trẻ vừa tốt nghiệp trường thời trang. Một số đến với Precious Formals sau một thời gian làm tại Ralph Lauren vì muốn tìm kiếm những trải nghiệm và cơ hội mới.
Tuy đã phát triển rất nhiều về thị trường và giá trị công ty so với thời điểm thành lập, quy mô nhân sự là một vấn đề đối với Precious Formals. Một công ty trị giá 45 crore ở Ấn Độ thường có vài trăm người, nhưng vì chi phí nhân công ở Mỹ cao hơn ở Ấn Độ nên họ buộc phải “thắt lưng buộc bụng” trong việc thuê nhân sự. Trong mùa cao điểm, tính cả nhân viên toàn thời gian và bán thời gian thì công ty có khoảng 65 người.
Bù lại, với việc sản phẩm được gia công tại Trung Quốc, công ty có được sự đảm bảo về khâu này. Và Precious Formals chỉ phải chịu trách nhiệm cho khâu cuối cùng: kiểm tra chất lượng và gắn mác thương hiệu lên sản phẩm. Chị Ruby cho biết: “Chúng tôi phải kiểm tra từng sản phẩm trước khi chuyển hàng sang Mỹ. Ở Trung Quốc và Ấn Độ, việc kiểm tra được thực hiện nhưng tiêu chuẩn chất lượng của họ khác với tiêu chuẩn ở thị trường Mỹ. Vì vậy, việc kiểm tra lại là cần thiết, vì không được phép có bất kỳ sai sót nào, dù chỉ là một vết xước ở mặt trong phần vải lót của sản phẩm”.
Những chiếc váy của Precious Formals có giá bán lẻ trong khoảng 400 - 800 đô-la. Nếu khách hàng cần những trang phục có giá “nhẹ nhàng” hơn – ở mức khoảng 200 đô-la/sản phẩm, Precious Formals có nhãn hàngGlam Gurlz . Và ở khoảng giữa Glam Gurlz và dòng cao cấp nhất, công ty có nhãn hàng Posh Precious với mức giá tầm trên 600 đô.
Thực tế, doanh số của Precious và Posh Precious cao hơn doanh số của Glam Gurlz. Nhưng công ty vẫn phát triển thương hiệu Glam Gurlz vì mục tiêu mở rộng kênh phân phối của mình – bán sỉ hàng cho các cửa hàng bán lẻ lớn. Precious thì không được phân phối theo kiểu này nhằm tránh xung đột lợi ích với gian hàng/cửa hàng thời trang nhỏ trong các trung tâm thương mại. Chị Ruby bày tỏ về việc này như sau: “Là một nhà thiết kế, tôi chỉ muốn làm ra những sản phẩm thật tinh tế, thật đẳng cấp (và dĩ nhiên là đắt tiền). Khi đó, bạn có thể thêm tất cả những chi tiết mà bạn muốn, những hạt pha lê và những thứ khác. Nhưng theo chiến lược kinh doanh, bạn phải nhìn vào xu hướng thị trường, làm sao để sản phẩm nào của bạn cũng thu hút được khách hàng”.
Việc duy trì ba dòng sản phẩm là một sự cân bằng tinh tế cho cả hệ thống. Bạn không muốn sản xuất sản phẩm quá rẻ bởi vì bạn sẽ phải bán rất nhiều sản phẩm để bù chi phí. Và bạn cũng không muốn để giá quá cao vì điều này sẽ khiến người ta e dè hoặc không trân trọng sản phẩm.
Thêm nữa, bạn phải cung cấp được sản phẩm cho các cửa hàng.
Nếu không điều hòa được những gút mắc giữa các yếu tố như dòng sản phẩm – chi phí sản xuất – giá bán – khách hàng – nhà phân phối, cả hệ thống sẽ bị chao đảo. Một số chủ cửa hàng sẽ nói: “Ôi trời! Chúng tôi sẽ không thể bán một chiếc đầm với giá 600 đô-la được!”. Khi đó, bạn phải ra sức mà thuyết phục họ nhập hàng: “Không đâu, bạn có thể mà!”. Trong khi trên thực tế, một khách hàng sẽ đến và thử đồ, họ có thể mua, có thể không. Rất nhiều lần một nhân viên bán hàng phải mất đến 7 – 8 tiếng đồng hồ mới bán được một chiếc đầm.
Rồi nếu bạn bán một chiếc váy 600 – 700 đô-la, bạn chắc chắn có lãi. Nếu bạn bán một chiếc váy 300 đô-la, bạn đã chịu mất tiền vào phần dịch vụ (thuyết phục người mua). Vì vậy, sự ra đời của dòng trung Posh Precious là hợp lý. Theo đó, công ty và các nhà phân phối thỏa thuận rằng mỗi lần sẽ giao 3 chiếc đầm. Điều này sẽ giúp xoa dịu áp lực bán hàng cho các chủ cửa hàng, rằng ngay cả khi họ không thể bán cả ba chiếc thì có thể nhân viên của họ sẽ mua một chiếc. Vậy là mỗi nơi bắt đầu mua một vài chiếc. Và khi chúng bán được, họ đã tự tin để đặt nhiều hơn.
Precious Formals giờ được bán lẻ ở khoảng 2.000 cửa hàng ở Mỹ và đã bắt đầu lan đến châu Âu. Nhu cầu ở Dubai cũng tăng mạnh. “Bạn biết không, ở Trung Đông, người phụ nữ mặc những chiếc váy rất gợi cảm bên dưới chiếc abaaya (*) ”, chị Ruby cười. Sắp tới, việc mở rộng thị trường ra nhiều nước trên thế giới sẽ là trọng tâm mới của công ty.
(*) Tức chiếc áo choàng đen mà phụ nữ theo đạo Hồi thường khoác ngoài.
Bạn bắt đầu với một chiến lược nhưng tùy vào giai đoạn và mức độ phát triển của công ty mà bạn cần có sự điều chỉnh cho thích hợp với tình hình thực tế. Thị trường thay đổi, người mua cũng thay đổi, và bạn phải thay đổi theo.
Về quá trình phát triển sản phẩm của công ty, chị Ruby hồi tưởng: “Chúng tôi bắt đầu với những trang phục dịp lễ cho những người lớn tuổi, người trưởng thành. Chúng tôi bán ở các cửa hàng lớn. Rồi chúng tôi chuyển sang các cửa hàng nhỏ bởi vì ngày nay, người Mỹ không còn nhiều nhu cầu mặc đẹp vào Giáng sinh như trước kia. Giáng sinh trở nên đơn giản hơn, vậy nên chúng tôi chuyển sang đầm dạ hội… Đối với đầm dạ hội, các cô gái sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền – đây là một thị trường lớn. Dù cho nền kinh tế có không tốt thì các cô gái vẫn cứ mua đầm để đi dạ hội – và phải là đầm đắt tiền nữa. Các cô gái trẻ sẽ làm việc chăm chỉ để mua nó, hoặc họ sẽ nhận nó từ bạn trai, ông bà,…”.
Năm 1996 đánh dấu bước đột phá của Precious Formals khi họ chuyển sang sản xuất đầm dạ hội. Ngày nay Precious Formals là công ty chính trong thị trường này, thậm chí là ở phân khúc hàng cao cấp.
Rồi chị Ruby nhận ra rằng thời kỳ của thế hệ baby boomer (**) đã đến. Ngày nay, ngay cả các bà mẹ của cô dâu cũng mặc đầm không dây hay đầm ống, trong khi trước đây, các đối tượng này thường mặc những chiếc đầm với thân xòe rộng. Vậy là những chiếc váy kiểu dạ hội này cũng hấp dẫn cả những phụ nữ lớn tuổi. “Ví dụ như năm ngoái, vợ của Thống đốc bang Iowa đã mua một chiếc chỗ chúng tôi”, chị cho biết.
(**) Chỉ những người sinh ra trong khoảng năm 1946 – 1964 sau Thế chiến thứ 2, thời kỳ bùng nổ số lượng trẻ sơ sinh tại Hoa Kỳ.
Điều này cho thấy những chiếc váy trẻ trung thực sự không có tuổi. Nếu bạn thay đổi nó một chút, có thể là nâu sô-cô-la thay vì hồng đậm thì bạn có thể bán nó cho bất cứ ai. Sau một thời gian, bằng cách đặt mình vào vị trí khách hàng để thấu hiểu suy nghĩ của họ, Precious Formals đã gộp dòng sản phẩm đầm dạ hội vào chung với dòng trang phục buổi tối. Hiện tại, công ty đang triển khai sản xuất các sản phẩm khác, như áo khoác chẳng hạn.
Có thời kỳ đi xuống nào trong suốt 16 năm đó không?
“Mọi thứ có thể trở nên khó khăn hơn một chút khi chúng tôi có quá nhiều hàng trong kho. Rồi việc lưu chuyển tiền tệ gặp trục trặc, tiền mặt bị eo hẹp. Bạn phải rút kinh nghiệm, phải lập phương án quản lý tiền mặt, tìm cách thoát khỏi tình trạng này, và năm sau thì không để tồn quá nhiều hàng nữa”.
Xu hướng tiếp tục thay đổi và ngay cả trạng thái của nền kinh tế cũng vậy. Đến thời điểm nào đó, tất cả mọi người đều muốn một phong cách nhất định, và rồi bỗng nhiên người ta muốn một thứ khác.
Tăng trưởng đã chững lại trong 2 - 3 năm gần đây. Một phần là vì yếu tố bên ngoài, phần khác là vì yếu tố bên trong. “Khi tôi bắt đầu, tôi đã không nghĩ rằng công ty sẽ phát triển lớn đến vậy. Từ vài năm trước, công ty đã mắc kẹt ở quy mô 10 triệu đô-la. Thực ra là từ sự kiện 11/9. Toàn ngành thời trang bị ảnh hưởng. Đối với rất nhiều các công ty khác, doanh thu đã giảm sút. May mắn là chúng tôi vẫn duy trì được mức doanh thu ở mức ổn định… đó đã là một thành tựu”.
Và làm việc với anh Javed thế nào? Rất nhiều cặp vợ chồng thề thốt rằng không thể làm việc với nửa kia của mình dù chỉ là một ngày.
Chị Ruby bật mí bí quyết làm việc hàng ngày bên chồng mình: “Làm việc cùng nhau thực ra là phần tuyệt vời nhất... Anh ấy gánh vác những căng thẳng trong mảng kế toán và tài chính. Thật tuyệt vời khi làm việc trong cùng một nhóm bởi vì chúng tôi dành quá nhiều thời gian ở cơ quan. 14 - 16 giờ một ngày, bảy ngày một tuần. Thường thì chúng tôi không di chuyển cùng nhau nhưng chúng tôi đã cùng đi tới Trung Quốc và đó là một đất nước rất đẹp”.
Với riêng tôi, sau khi trò chuyện với chị Ruby thì tôi đoán rằng bí mật giúp vợ chồng chị có thể làm việc cùng nhau là sự hạnh ngộ của trí tuệ, sự tương đồng về mục tiêu. Giữa họ không tồn tại vấn đề về cái tôi. Khi tôi đang phỏng vấn chị Ruby, anh Javed ngồi chỉ cách đó vài mét, kiên nhẫn chờ đợi. Anh không hề nói xen vào, anh không muốn “tranh giành ánh đèn sân khấu”.
Tôi thấy thích thú (và khá ngạc nhiên) về cách họ quyết định kết hôn. Đây là một cuộc kết hôn được sắp đặt trước nhưng chị Ruby đã gửi cho anh Javed một bảng câu hỏi điều tra FIRO-B (khá phổ biến vào thời đó để đánh giá tính cách) nhằm đánh giá trước khả năng tương thích của họ – còn anh Javed cũng đã sẵn sàng nhập cuộc chơi.
“Điều này vô cùng có ích. Nếu tôi gặp anh Javed ở IIMA thì có lẽ chúng tôi đã không hợp nhau bởi sở thích và sở ghét của chúng tôi rất khác biệt. Tôi thích tập thể dục, anh ấy thì không. Tôi thích chạy, anh ấy thì không. Nhưng mọi chuyện lại trở nên hoàn hảo. Chúng tôi đã rất hợp nhau ngay từ ban đầu... Cuộc sống của chúng tôi cân bằng. Chúng tôi đồng tình với nhau khá dễ dàng”.
Anh Javed không muốn có con và chị Ruby đồng ý với điều đó.
“Đương nhiên là có rất nhiều những sự điều chỉnh nho nhỏ, giống như trong hầu hết các cuộc hôn nhân. Ban đầu khi tôi mở công ty, tôi đã phải làm việc rất nhiều còn anh Javed thì về nhà sớm, chúng tôi có rất ít thời gian ở cạnh nhau. Giờ thì chúng tôi lúc nào cũng ở bên nhau”.
Không giống như các cặp làm việc cùng nhau khác, họ không gặp trở ngại nào trong việc phân công làm việc nhà: “Chúng tôi ăn, đọc, uống với công việc toàn bộ thời gian. Không phải là vì nó hợp với chúng tôi, đơn giản thì đó là cách mà chúng tôi sống”.
Chị Ruby và anh Javed hiện giờ muốn biến Precious Formals trở thành công ty một tỷ đô-la. Họ muốn để lại một di sản.
Và tôi tin chắc họ sẽ thành công trong bất cứ dự định nào của mình. Bởi vì họ thật tuyệt vời khi ở cùng nhau. Và ngay cả nếu họ không thành công thì có lẽ điều đó cũng không thể khiến tình cảm vợ - chồng của họ rạn vỡ. Bởi vì không giống nhiều nhà kinh doanh khác mà tôi phỏng vấn cho cuốn sách, hai anh chị không phải lựa chọn giữa công việc và gia đình. Với họ, kinh doanh, gia đình, vui vẻ, tất cả đều hòa quyện với nhau.
Tất nhiên, tôi không khuyên nhủ rằng tất cả mọi người đều có thể hay nên làm như thế. Nhưng ít nhất, chúng ta biết rằng điều này là có thể.
Lời khuyên cho những doanh nhân trẻ
Bạn có thể đạt được nhiều hơn cả những gì bạn mơ ước, vì vậy hãy cứ ước mơ và lập kế hoạch hành động để biến chúng thành sự thật.
Không có một công thức chung cho sự thành công – để đạt được đến thành công, mỗi người đều từng trải qua những thất bại. Việc bạn làm thế nào để đứng lên sau thất bại, học hỏi những gì từ nó, rồi dám đón đầu thử thách một cách mạnh mẽ hơn, những điều này sẽ quyết định xem bạn có thể thành công hay không.