Cyrus Driver (tốt nghiệp năm 2000)
Calorie Care
Anh Cyrus làm việc tại J.P. Morgan ở Singapore trước khi trở về Ấn Độ vào năm 2004 để mở mô hình đặc biệt “Calorie Care” dịch vụ vận chuyển bữa ăn có tính toán lượng calo chuyên nghiệp đầu tiên tại Ấn Độ. Cuộc chiến của anh với cân nặng đã đem đến ý tưởng kinh doanh.
Anh Cyrus Driver là một đứa trẻ trong một gia đình mà mọi người đều đi theo sự nghiệp bác sĩ – kỹ sư và anh Cyrus cũng vậy. Anh theo học ở Học viện Công nghệ Ấn Độ, Phân viện Bombay. Nhưng trước đó rất lâu, từ lúc Ấn Độ mở cửa vào đầu những năm 1990, anh Cyrus đã bị cuốn hút vào việc kinh doanh và những doanh nhân lớn: “Tôi cảm thấy họ là những ‘ngôi sao nhạc rock’ thực thụ và biết rằng mình muốn mở một công ty riêng từ rất sớm”.
Giữ ý định này trong đầu, sau khi tốt nghiệp IIT, anh Cyrus vào Học viện Quản lý Ấn Độ, Phân viện Ahmedabad. Sau đó, anh gia nhập J. P. Morgan(*) , bộ phận quỹ đầu tư. Anh nghĩ rằng đó sẽ là “nền tảng học tập” tuyệt vời, và anh đã đúng. “Tôi làm việc ở cả Ấn Độ và Singapore, chúng tôi đầu tư vào rất nhiều công ty Ấn Độ mới thành lập và có triển vọng”. Công việc bao gồm tất cả các khâu từ thuê nhân viên bán hàng đến chăm lo mảng tài chính cho công ty được đầu tư. Đó là thời kỳ dotcom khi mà rất nhiều công ty được thành lập với ngân quỹ khoảng 5 – 10 crore. Và cũng rất nhiều trong số đó nhanh chóng thất bại.
(*) Một tổ chức thương mại và đầu tư được thành lập vào năm 1871, có trụ sở chính đặt tại New York, Mỹ.
“Tôi học được sự quan trọng của việc khởi đầu nhỏ và phát triển lớn. Và tôi biết rằng công ty của mình nên được xây dựng theo cách tự nâng cấp”, anh Cyrus tâm sự.
Vào tháng 8/2004, anh Cyrus nghỉ việc tại J. P. Morgan và trở về Mumbai. Anh đã có được một khoản tiết kiệm, cũng như một ý tưởng kinh doanh để đầu tư: những bữa ăn lành mạnh có lượng calo hợp lý. Anh cho biết: “Tôi luôn có vấn đề về cân nặng… Tôi biết chắc chắn rằng xã hội có nhu cầu về loại dịch vụ này bởi vì chính bản thân tôi cũng cần nó”. Không chỉ vậy, đây còn là một cơ hội tốt để làm người đến sớm trong một lĩnh vực đang phát triển. Vậy là Calorie Care ra đời.
Bước đầu tiên là xác định sản phẩm: thực đơn sẽ gồm những món ăn có lượng calo thấp mà vẫn ngon. Nhà dinh dưỡng thể thao Lisa John đã làm việc với hai đầu bếp chuyên nghiệp để tạo nên một thư viện các công thức nấu ăn có lượng calo hợp lý. Mất mười tháng để xây dựng cơ sở dữ liệu về 150 công thức nấu ăn để phân vào các bữa khác nhau. Về việc này, anh Cyrus nói: “Tải về danh sách các công thức nấu ăn có lượng calorie thấp chỉ mất 60 phút vì trên mạng có sẵn hàng nghìn công thức… Vậy nên lý do khiến công đoạn này mất gần một năm là vì chúng tôi phải thử nghiệm hàng ngàn công thức, thay đổi, gia giảm từng chút một để chọn ra 150 công thức mà chúng tôi đánh giá là ngon và bổ nhất”.
Rào cản tiếp theo là việc phải xin nhiều giấy phép khác nhau để thành lập cơ sở thực phẩm tại Mumbai. “Tham nhũng tràn lan! (Sau một thời gian làm việc ở những môi trường minh bạch), lần đầu tiên tôi phải đối mặt với thế giới hoàn toàn trái ngược”. Rồi việc tìm kiếm địa điểm để mở nhà bếp cũng không dễ. Phải mất năm tháng để tìm được chỗ đáp ứng được yêu cầu và giá cả hợp lý. Nó nằm ở vùng Sewri không quá đắt đỏ và việc đi đến thỏa thuận đòi hỏi rất nhiều công sức đàm phán.
Tiếp theo là nhiệm vụ mở một nhà bếp chuyên nghiệp và việc này đòi hỏi khoản đầu tư đáng kể (45 lakh từ chính tiền túi của anh Cyrus). Calorie Care mô phỏng theo mô hình nhà bếp trên máy bay, bếp trưởng là ông Kamlesh Kumar (người từng làm việc với Đại sứ Skychef). Nhà bếp thì được thiết kế vô cùng ấn tượng: quầy thép không rỉ sáng bóng, người làm việc đều có đồng phục, phải đội mũ và đeo găng, và khu vực thái rau, làm salad và đóng gói thức ăn có sử dụng điều hòa. Sự quan tâm dành cho độ tươi ngon, cho vấn đề vệ sinh thực phẩm của công ty là rất rõ ràng: “Bữa ăn được vận chuyển bằng những chiếc xe tải trang bị điều hòa không khí”. Tôi cũng nhận thấy họ rất chú ý tới từng chi tiết nhỏ: bao bì hấp dẫn, khăn giấy đi kèm với từng phần ăn,...
Nhưng ý tưởng nằm ở chỗ các phần ăn không chỉ được tính toán lượng calo mà còn được làm theo yêu cầu. Khi tìm hiểu kỹ hơn thì hóa ra, khi bạn gọi món tại Calorie Care, trước tiên bạn phải tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng của họ (trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại). Tiếp theo, bạn xác định mong muốn của mình từ những chi tiết rất nhỏ như: “Tôi thích các món Ấn Độ và châu Âu nhưng tôi không thích những món Á. Tôi dị ứng với hành tây và không thích đỗ xanh – không có xốt sữa chua trong món salad. Giao hàng tại văn phòng từ thứ Hai đến thứ Sáu, và tại nhà vào thứ Bảy”.
Theo anh Cyrus thì “công nghệ giúp chúng tôi có thể xử lý được những yêu cầu như vậy”. Calorie Care sử dụng một phần mềm được lập trình chuyên biệt để mỗi ngày, nhà bếp đều có được một danh sách hoàn chỉnh đơn đặt hàng, bao nhiêu món ăn cần được đóng gói cho mỗi cá nhân do lượng đồ ăn khác nhau dành cho mỗi người.
Mỗi phần ăn được đóng gói trong hộp đựng thức ăn có dán nhãn, đề tên cá nhân – tương tự như phần ăn trên máy bay. Đương nhiên là dịch vụ này không hề rẻ - một tháng dịch vụ của Calorie Care có giá 3.500 – 4.500 rupee, tương đương với 57 – 73 đô-la. Song, khách hàng chính của công ty là những người làm việc trong ngành dịch vụ tài chính (Ngân hàng Deutsch, Goldman Sachs và các công ty tư vấn), vậy nên họ không hề phàn nàn về giá cả.
Đây chính là thành quả của việc định vị sản phẩm, xác định đúng đối tượng khách hàng của Calorie Care. “Chúng tôi xác định đối tượng khách hàng là những chuyên gia thành công với mức lương cao, lượng thời gian eo hẹp và chấp nhận chi trả cho những bữa ăn lành mạnh và tiện lợi”, ông Cyrus nói. Không những thế, vì ngành tài chính – ngân hàng là ngành có liên quan đến uy tín cá nhân, vậy nên khi một người hài lòng, họ sẵn sàng giới thiệu (dựa vào uy tín cá nhân của bản thân), và vì thế lượng nhân viên tài chính biết đến Calorie Care sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt của nó. Một dịch vụ cao cấp như thế liệu có thể phát triển được đến đâu nếu chỉ dựa vào việc giới thiệu giữa các khách hàng? Tại thời điểm tôi viết cuốn sách này vào khoảng năm 2008, Calorie Care vận chuyển khoảng 600 suất ăn mỗi ngày và phục vụ “bữa ăn lành mạnh” tại một số tòa nhà của các công ty lớn. Công ty đạt được mức doanh thu gần 2 crore trong năm hoạt động thứ hai, vì thế một khoản lợi nhuận được trích ra để tái đầu tư. Đây rõ ràng là một thành công lớn, nhưng sau đó thì công ty sẽ phát triển ra sao?
Một chiến lược liên doanh ra đời, kết quả của sự thương thảo hợp tác giữa Calorie Care cùng Sterling Biotech (một công ty đang phát triển hệ thống “trung tâm mua sắm lành mạnh” lúc bấy giờ). Rồi Calorie Care mở quầy thực phẩm lành mạnh ở một số phòng tập thể dục tại Mumbai. Cả hai hoạt động này mang lại lợi ích về mặt tần suất xuất hiện và sự nhận thức về thương hiệu đối với các khách hàng tiềm năng, còn doanh thu lớn thì chưa đến.
Dẫu vậy, với anh Cyrus thì “chúng tôi có những kế hoạch đầy tham vọng về việc mở cửa hàng tại Delhi và Bangalore, song chúng tôi đang tạm gác lại. Vấn đề nằm ở chỗ phải tìm kiếm và giữ chân các quản lý cao cấp. Chúng tôi thấy điều đó cực kỳ khó khăn”. Như vậy, nhân sự quản lý là điều khiến anh Cyrus bận tâm chứ không phải là tiền bạc. Calorie Care đã huy động được một số nguồn đầu tư mạo hiểm, song không có người quản lý phù hợp thì có tiền cũng như không.
Phát triển từ một công ty nhỏ tự cung cấp vốn, trở thành một công ty lớn hoạt động ở nhiều thành phố với quy mô đáng kể luôn là một chặng đường gian nan. Một số các nhà kinh doanh được phỏng vấn trong cuốn sách này đã thực hiện được điều đó nhưng không ai thành công chỉ sau 2 - 3 năm. 8 - 10 năm là khoảng thời gian trung bình và thậm chí có thể kéo dài hơn. Anh Cyrus và nhiều nhà kinh doanh trẻ có thể không muốn chờ đợi lâu đến vậy. Mà nếu thế thì sẽ lại cần một chiến lược hữu hiệu.
“Tôi đã trao đổi với một số đối tác chiến lược. Công ty sẽ phải chia sẻ một phần lớn cổ phần – quyền kiểm soát sẽ không còn tập trung vào một người. Nhưng tôi cho rằng sự hồi đáp sau cùng là rất khá”. Vậy là sẽ không còn việc chỉ trông cậy vào sự giới thiệu của khách hàng nữa. Công ty cần thực hiện quảng cáo, xây dựng một đội ngũ bán hàng để tiếp thị sản phẩm tốt, và tất cả những yếu tố mà một tổ chức lớn có thể thực hiện để phát triển lên cấp độ tiếp theo.
“Nếu bạn cảm thấy mình không phát triển đủ nhanh thì liệu bạn sẽ chiến đấu để thực hiện nó một mình, hay là bạn sẽ chọn một con đường thực tế hơn như cách tôi chọn: tìm kiếm một đối tác? Đối với cá nhân tôi, ‘quyền kiểm soát’ không còn quan trọng khi công việc kinh doanh phát triển lớn hơn. Tôi trân trọng và ưu tiên cho sự lớn mạnh của thứ mà tôi đã sáng tạo ra hơn”.
Thực tế anh đã trung thực đến mức tàn nhẫn khi nói rằng hiện tại công ty “ chưa đi đến đâu cả ”. Và theo một cách nào đó, lời nhận xét này phản ánh tình trạng sự nghiệp của bản thân anh.
Hiện tại, anh Cyrus chia thời gian của mình cho Calorie Care và Đầu tư Helix (một công ty tư nhân đang tìm kiếm các công ty ở Ấn Độ để đầu tư) với tư cách người đại diện. “Helix là nơi tôi có thu nhập để chi trả cho cuộc sống của mình”, anh thổ lộ.
Đây là điều mà rất nhiều nhà kinh doanh làm để giữ cho giấc mơ của họ tồn tại. Nhưng người ta không thể không thắc mắc rằng việc chỉ dành 50% thời gian và sức lực cho công ty của mình liệu có đủ không.
Có rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp và câu trả lời thì đa dạng như các phần ăn theo yêu cầu của Calorie Care, bởi vì những gì có ích cho công ty này có thể sẽ không dùng được cho công ty kia. Calorie Care sẽ có những bài học và những trải nghiệm cần thiết nữa – nhưng tất cả còn đang ở phía trước.
Lời khuyên cho những doanh nhân trẻ
Khi khởi dựng công ty của mình, hãy nhớ rằng sẽ có những khó khăn mà bạn phải đối mặt. Bạn phải lên kế hoạch cẩn thận, làm thế nào để công ty mình ổn định về mặt tài chính. Hãy lập một khoản dự phòng để có được điểm tựa tài chính, hay chắc chắn rằng bạn có một số nguồn thu nhập khác giống như tôi. Lựa chọn khác là hãy kiên nhẫn chờ 10 - 15 năm, khi bạn đã là một chuyên gia, đã có uy tín thì hẵng mở công ty riêng.
Bắt đầu nhỏ và rồi mở rộng ra, sau khi bạn cảm thấy mình đã có được sản phẩm và quy trình phù hợp.
Trở thành người tiêu dùng cho chính sản phẩm mà bạn đang muốn quảng bá cũng là một cách hay, vì khi đó bạn sẽ không cần nghiên cứu thị trường quá nhiều. Khi đặt mình vào tâm thế người tiêu dùng, bạn có thể hình dung được khách hàng cần gì.