S B Dangayach (tốt nghiệp năm 1972)
Sintex
Ông không phải là chủ của một công ty nào. Nhưng ở tất cả những khía cạnh khác, ông là một nhà kinh doanh đúng nghĩa. Người đàn ông đứng sau biểu tượng bình chứa nước Sintex tin tưởng vào sự liên tục phát triển và tạo ra sản phẩm mới. Sau 34 năm làm việc với một công ty, ông vẫn giữ nguyên sự đam mê với nó.
Bạn sẽ sốc một chút khi phỏng vấn một người cho cuốn sách về kinh doanh và câu đầu tiên ông ta thốt ra là: “Tôi chắc chắn là cô biết điều này... Tôi không làm chủ một công ty nào cả nhưng xét trên tất cả những khía cạnh khác thì tôi là một nhà kinh doanh”.
Thành thật mà nói tôi không biết điều đó và đó là lý do vì sao mà tên ông có trong danh sách, thưa ông. Nhưng tôi tò mò và chúng tôi đã bước vào cuộc phỏng vấn. Tôi vui vì mình đã làm điều đó bởi ngài S B Dangayach của công ty Sintex là một nhân vật thực sự thú vị.
Ông S B Dangayach đã làm việc cho Sintex 34 năm. Khi ông kể cho tôi câu chuyện ông đã xây dựng công ty này ra sao, ông có tất cả sự nhiệt huyết, những cảm nhận và tất cả những tình cảm của một nhà sáng lập . Giống như người làm cha mẹ yêu thương sâu sắc đứa con nuôi và tin tưởng rằng nó là máu mủ ruột thịt của mình.
Trong thế giới doanh nghiệp khốc liệt, đây là một điều hiếm có và nó thật đẹp đẽ.
---
Ông S B Dangayach lớn lên tại Rajasthan. Sau khi tốt nghiệp ở Bombay, ông theo học IIMA và rồi gia nhập Công ty Sơn Á Châu vào năm 1972. “Sơn Á Châu là một công ty rất nổi tiếng ngày đó... Nó có cấu trúc tốt, hệ thống quản lý tốt, sự kiểm soát tuyệt vời – họ đứng trên cả Hindustan Lever ở một số lĩnh vực”, ông Dangayach nhận xét.
Sơn Á Châu là một công ty rất có uy tín để làm việc lúc bấy giờ. Và ông Dangayach đã ngạc nhiên khi được nhận vào đây. Hồ sơ tuyển dụng nhắc đến việc chỉ xem xét các kỹ sư có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA). Còn ông Dangayach chỉ là một tú tài khoa học (dù rằng ông đã bất chấp hạn chế này và đăng ký xin việc).
Trong buổi phỏng vấn, ông được hỏi: “Anh không phải là một kỹ sư. Làm thế nào anh có thể đảm bảo cho công việc ở đây?”. Và ông đưa ra câu trả lời đơn giản: “Rất nhiều kỹ sư từ IIT đã học hỏi tôi trong các môn như phương pháp định lượng hoặc những mảng tương tự”. Đó là một tuyên bố táo bạo nhưng đúng sự thật.
Nhưng có một khúc mắc nữa về vấn đề tuổi tác của ông. Ông Dangayach còn chưa đủ 18 tuổi khi theo học ở IIMA. Và thực tế, ông chưa đủ 20 tuổi khi xin đi thực tập.
Người phỏng vấn, ngài Chari, hỏi: “Anh là một người rất trẻ. Làm thế nào để anh đảm bảo được cho công việc ở đây?”.
Ông Dangayach trả lời: “Tôi có sức trẻ và thực tế, việc tôi đã vượt qua rất nhiều người lớn tuổi hơn mình để thành công chứng tỏ với ông rằng tôi có năng lực”.
Câu hỏi thứ ba được đưa ra: “Anh là người Marwari. Những người Marwari không bao giờ làm việc quá lâu với bất cứ ai. Họ sẽ ra đi và thành lập công ty của mình”.
Câu trả lời của ông Dangayach là: “Tôi không coi trọng tiền bạc nhiều như hầu hết những người Marwari khác. Tôi sẽ hài lòng nếu các ông cho tôi sự độc lập trong công việc”.
Và ông giành được công việc đó. Một đặc điểm mà bạn nhìn thấy ở rất nhiều các doanh nhân: khi họ thực sự muốn một điều gì đó, họ sẽ tranh đấu với tất cả những trở ngại và giành được nó.
Ông Dangayach làm việc cho Sơn Á Châu trong hai năm nhưng ông không vui với công việc. Công ty đã ở trong lĩnh vực kinh doanh này được 30 năm và trở thành thủ lĩnh trong ngành công nghiệp sơn vào thời điểm đó. Có rất ít sự tự do hay không gian để suy nghĩ độc lập hay sáng tạo. Chàng thạc sĩ quản trị kinh doanh – như hầu hết những MBA trẻ khác – cảm thấy bị gò bó.
Ông Dangayach nhận ra rằng làm việc ở nơi như vậy không phù hợp với tính cách của mình. Qua một quảng cáo ở bảng thông báo của IIMA, ông biết tới Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tư nhân Nhà máy Bharat Vijay. Đó là một nhà máy dệt, họ bắt đầu mở một bộ phận sản xuất nhựa nhỏ.
“Tôi đăng ký và nghiễm nhiên có được cơ hội vì không có một ai khác muốn gia nhập Nhà máy Bharat Vijay”, ông nói với đôi mắt lấp lánh.
Nhà máy Bharat Vijay nằm ở vị trí cách Ahmedabad khoảng 30 km, tại thị trấn Kalol. Đó là một nơi nhỏ bé nhưng đây cũng chính là lý do vì sao nó thu hút ông Dangayach. Ông đã nhìn thấy cuộc sống của mình ở mảnh đất “lớn” và biết rằng tương lai của mình thuộc về nơi khác.
Nhà máy Bharat Vijay tập trung vào dệt may. Với tầm nhìn hướng đến tương lai, công ty đã tính đến việc xâm nhập vào ngành hóa chất và nhựa. Ý tưởng là mở một công ty nhỏ mà một ai đó có thể quản lý như một đơn vị kinh doanh chiến lược. Ông Dangayach được lựa chọn cho bộ phận nhựa.
“Gia đình Patel hứa cho tôi không gian và sự tự do để hành động. Một khi tôi chứng tỏ được bản thân mình thì sẽ không có bất cứ sự can thiệp nào của người chủ”.
Công việc kinh doanh được triển khai với vốn đầu tư ban đầu là 30 lakh. Trong vòng vài tháng, ông Dangayach đã cùng gia đình Patel, xây dựng một phương trình tuyệt vời. Ông kể lại: “Tôi đã rất thoải mái, họ cũng thoải mái. Từ đó tôi cứ tiếp tục và vậy là đã gần 33 năm tôi làm việc ở đây. Và đương nhiên là tôi đã quản lý công việc kinh doanh như bất cứ doanh nhân nào quản lý, trừ một thực tế là đôi khi, các nhà kinh doanh bỏ tiền túi của mình vào”.
Gia nhập với tư cách một giám đốc tiếp thị vào tháng 9/1974, ông Dangayach đã được hứa hẹn sẽ có “toàn quyền quyết định” nếu ông có thể chứng tỏ bản thân mình. Và điều đó đã xảy ra. Tới tháng 12, ông đã trở thành Tổng Giám đốc. Đương nhiên, bấy giờ quy mô của công ty còn chưa lớn. Vì vậy trên thực tế, chàng trai 22 tuổi Dangayach đã quản lý tất cả các mảng hoạt động của công ty – từ sản xuất, tiếp thị, đến tài chính – kế toán.
Toàn bộ các quyết định kinh doanh từ việc sản xuất sản phẩm nào, tuân thủ chiến lược nào, nhận được nguồn quỹ từ những cơ quan như cơ quan tài chính GSFC, thành lập đội ngũ sản xuất – tất cả mọi thứ đều nằm trong tay ông Dangayach.
Và không có một sự can thiệp nào?
“Một khi tôi đã thuyết phục được họ rằng tôi có thể quản lý thì họ chỉ đóng vai trò danh nghĩa thôi”.
Điều trớ trêu là bộ phận nhựa mà ông Dangayach chịu trách nhiệm đã phát triển to lớn đến mức trở thành một thực thể ngang hàng với Nhà máy Bharat Vijay. Đến một ngày, cả hai trở thành Sintex . Cái tên Sintex được ghép từ “dung kết” (sintering) – một quá trình. Nó cũng phù hợp bởi nó kết hợp hai sản phẩm của Nhà máy Bharat Vijay – dung kết và dệt may (SINtering và TEXtiles).
Quả thật, đó là một cái tên dễ đọc, dễ nhớ.
Ngày nay ở Ấn Độ, thương hiệu Sintex luôn đi cùng với bồn nhựa chứa nước. Cũng như khi nhắc đến photocopy thì chúng ta nghĩ ngay đến thương hiệu Xerox. Nhưng bồn Nhựa Dung Kết thật ra được ra đời để phục vụ cho ngành dệt may. Những vật dụng như “hộp thẻ” được sử dụng để xử lý sợi bông.
Nhưng may mắn thay, công ty đã không thành công trong việc tiếp thị sản phẩm này. Nhờ vậy mà họ nghĩ đến việc sử dụng nhà máy vào sản phẩm khác. Sintex đã xâm nhập vào lĩnh vực bình chứa công nghiệp – cho việc lưu trữ, vận chuyển, chế biến và xử lý vật liệu. Nó trở thành một công ty có quy mô khá lớn. Vào năm 1975, Sintex đạt được mức doanh thu 3 lakh. Năm tiếp theo, công ty thu về 20 lakh, và rồi 60 lakh. Vào năm 1977, họ đã đạt tới điểm hòa vốn.
“Vậy là chúng tôi nghĩ tại sao mình không sử dụng quy trình này để sản xuất một thứ gì đó có ứng dụng nhiều hơn?”. Và thế là cả bồn chứa nước và triết lý lâu dài được ra đời.
Có điều, ngay khi một sản phẩm đã ổn định, hãy nghĩ đến một thứ khác mới.
Nhưng làm thế nào để một người có được những ý tưởng mới?
“Chúng tôi có một nhà máy sản xuất nhựa với công nghệ đúc quay. Nó rất tốt trong việc sản xuất những sản phẩm rỗng ruột, đặc biệt là có kích thước lớn. Những yếu tố này khiến cho tôi nghĩ đến bồn chứa nước. Vậy thì sao không thử sản phẩm này nhỉ?”.
Đương nhiên là họ đã suy nghĩ rất nhiều về mặt thiết kế và phân tích thị trường. Họ nói chuyện với quan chức nhà nước, cơ quan tài nguyên nước, viện nghiên cứu xây dựng, các tổ chức xây dựng – đủ loại người. Tất cả đều cho rằng cần sản xuất bồn nước có chất liệu khác ngoài xi-măng và thép. Tuy nhiên, khi công ty thực hiện điều tra thị trường thì họ nhận thấy không có thị trường cho bồn nước bằng nhựa. Ít nhất là ở giá cả mà Sintex đề xuất.
Nhưng ông Dangayach đã tin tưởng vào sản phẩm này. Sintex bất chấp những lập luận thông thường và đi vào sản xuất. Họ thậm chí còn chấp nhận mất tiền trong giai đoạn đầu tiên nếu cần.
Việc không có một đối thủ nào vừa tốt lại vừa xấu. Sintex tạo ra một loại sản phẩm mới và dành 4 - 5 năm cho việc tích cực tiếp thị. Họ bỏ qua những nhóm đối tượng hiển nhiên để tập trung vào những người sử dụng thực sự.
“Kiến trúc sư là những người thiết kế tòa nhà. Vì vậy, chúng tôi nói chuyện với một số người để xem sự phản ứng của họ. Chúng tôi sớm nhận ra rằng đó là những người quá nghệ sĩ và theo chủ nghĩa cá nhân. Họ không thích ý tưởng một bồn nước màu đen nằm ở trên đỉnh tòa nhà của họ”.
Vì vậy, ông Dangayach quyết định tiếp cận đối tượng sử dụng khác: chính phủ. Có một chỉ thị từ chính phủ Ấn Độ nhằm tìm kiếm chất liệu thay thế cho xi-măng và thép, vì thế mà các phòng ban của chính phủ đồng ý sẽ cân nhắc đến Sintex. Các kỹ sư công trình và dự án cũng cởi mở về việc thay đổi này, bởi họ có những kinh nghiệm không hay với những loại bồn khác.
Trong khi đó, qua việc quảng cáo, Sintex đã xây dựng được nhận thức trong cộng đồng về đặc tính không rò rỉ, không ăn mòn của bồn nhựa. Cả những vấn đề về vệ sinh, ô nhiễm và những ảnh hưởng của bình xi-măng tới cấu trúc của tòa nhà.
Điều này thật khó tin với những người như chúng ta, lớn lên ở thế hệ sau này và đã quen với việc nhìn thấy bồn Sintex ở trên nóc của tất cả các tòa nhà. Chúng ta không bao giờ dừng lại và nghĩ rằng chúng trông có xấu xí không. Chúng ta chỉ đơn giản chấp nhận rằng nước cần được tích trữ và đó là cách để làm việc này.
Đó là thành quả của việc thúc đẩy một ý tưởng đi trước thời đại khi bạn hoàn toàn tin tưởng rằng nó sẽ giải quyết được những vấn đề cho khách hàng của mình. Việc lấy đà lúc ban đầu có thể đòi hỏi sự nỗ lực nhưng sau đó ý tưởng sẽ cất cánh!
Giai đoạn khó khăn kéo dài trong suốt năm năm. Ngay cả khi bình nước Sintex đang trong giai đoạn “giáo dục khách hàng” thì hoạt động kinh doanh sản phẩm công nghiệp vẫn tiếp diễn. Nhưng đó là điểm thú vị ở ông Dangayach. Sự chăm chỉ cần mẫn trong ông vẫn luôn cất tiếng.
“Nếu bạn hỏi, tôi là một nhà kinh doanh hàng loạt. Chúng tôi có những sản phẩm mới 2 - 3 năm một lần và có một số thứ chúng tôi làm mà chính chúng tôi cũng không thể tưởng tượng ra được 10 - 15 năm về trước. Chúng tôi luôn tìm kiếm những thứ khác biệt, những sự thử thách, những thỏa mãn về sự sáng tạo”.
Ông Dangayach tin tưởng rằng một nhà kinh doanh phải luôn giữ cân bằng được ba giá trị. Một mặt, bạn phải nhận ra rằng sản phẩm nào không tốt hoặc đang đi xuống để loại bỏ. Cùng lúc đó, bạn cần một sản phẩm có thể đảm bảo nguồn doanh thu hiện tại và một sản phẩm có thể thành công trong tương lại.
Vậy là từ sản phẩm công nghiệp tới bồn nhựa chứa nước – điều gì kế tiếp? Sintex quyết định sẽ sản xuất thêm một sản phẩm khác liên quan đến công trình xây dựng. Sản phẩm này thay thế cho vật liệu gỗ. Vào năm 1984 - 1985, công ty đã tạo ra một loại sản phẩm hoàn toàn mới dựa vào nhựa tạo hình để sản xuất cửa, khung và cửa sổ nhựa.
Cửa sổ PVC là loại cửa số một trên toàn thế giới - ở Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc. Ông Dangayach chưa mất hy vọng. Chỉ là thị trường Ấn Độ còn chưa sẵn sàng thôi. “Ban đầu, chúng tôi tiếp thị chúng như một loại sản phẩm cao cấp, rồi đến cửa sổ tiết kiệm năng lượng, sau đó là sản phẩm thay thế cho cửa nhôm. Chúng tôi nói rằng chúng có màu sắc đa dạng hơn, tốt hơn, vân vân. Tính tới thời điểm này thì chúng tôi vẫn chưa thành công. Nó chưa phải là dòng sản phẩm chính, chỉ là mặt hàng kinh doanh phụ trợ”.
Đã hai mươi năm vật lộn với sản phẩm này nhưng ông vẫn chưa hề bỏ cuộc. Và có thể ông sẽ chứng minh được rằng mình đúng. Cùng với việc tiết kiệm năng lượng trở thành vấn đề trung tâm của việc thiết kế công trình, cửa sổ PVC sẽ một lần nữa trở nên phổ biến.
Khả năng đối mặt với rủi ro, sự can đảm để thừa nhận sai lầm và sự dũng cảm để “nghĩ lớn” là những phẩm chất của bất cứ một nhà kinh doanh nào. Và ông Dangayach hội tụ tất cả những phẩm chất này.
Ví dụ như ông không mắc kẹt ở ý tưởng sản phẩm đồ nhựa. Sản phẩm lớn tiếp theo là công trình đúc sẵn, ông nghĩ. Nó có thể là PVC, bê tông, kim loại hoặc tấm xi-măng. “Chúng tôi nhận ra rằng mình không nên mắc kẹt ở một loại chất liệu. Hiện giờ, chúng ta đang trong giai đoạn lựa chọn vật liệu và công nghệ. Điểm mấu chốt là làm việc trong lĩnh vực phù hợp với môi trường chung và có triển vọng tốt”.
Sintex là công ty tiên phong trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm đúc sẵn cỡ vừa và nhỏ tại Ấn Độ. Các trường học, nhà ở, trung tâm mua sắm đều sử dụng sản phẩm đúc sẵn – đó là điều mà ông Dangayach tin tưởng sẽ xảy ra trong tương lai.
Biến một công ty nhỏ sản xuất bồn chứa nước trở thành một công ty có giá trị cao và siêu cạnh tranh, một người có thể ngủ ngon mà không phải lo lắng...
Rõ ràng, ông Dangayach là nhà tư tưởng và nguồn động lực chính tại Sintex. Loại công nghệ nào được lựa chọn, sản phẩm nào, chiến lược tiếp thị ra sao, nguồn quỹ từ đâu – ông không thể vắng mặt trong rất cả mọi thứ. Vậy thì vai trò của chủ sở hữu là gì?
“Họ không có hiểu biết về sản phẩm xây dựng nhưng họ biết chắc chắn rằng tôi là một người có đầu óc của một nhà kinh doanh. Hai nhà sáng lập – ngài Dinesh Patel và ngài Arun Patel – có tính cách rất giống tôi. Vì vậy sự hòa hợp đó cho họ sự tự tin rằng tôi là người sẽ không đưa ra những gợi ý sai lầm... Và rõ rằng, tôi có những lý do chính đáng cho điều đó. Có thể đó không phải là một bản báo cáo dài. Chúng tôi ngồi nửa tiếng, một tiếng với nhau, chia sẻ những câu hỏi và đưa ra quyết định. Thường thì đó là những quyết định được thực hiện không chính thức trong khi uống tách trà hay dùng bữa trưa. Chỉ trong 15 phút, chúng tôi quyết định được mình sẽ làm gì, tính toán nguồn quỹ để thực hiện và một cách tự nhiên các buổi họp định kỳ cũng được tổ chức”.
Đó là mối quan hệ mà rất ít đối tác trong kinh doanh có thể đạt được ngày nay – ngay cả giữa những người anh em.
Một cột mốc khác của công ty là khoản đầu tư cổ phần tư nhân từ Indocean vào khoảng thời gian 1998 - 1999. Nguồn quỹ do ông Pradip Shah chỉ đạo đổ vào Sintex vì họ tin tưởng rằng giá trị của công ty sẽ tăng. Vào thời điểm đó, doanh thu của Sintex là khoảng 170 crore. Indocean muốn ông Dangayach đồng hành cùng với công ty như một “nhà sáng lập”. “Thỏa thuận có nhắc đến ‘chúng tôi’, nghĩa là gia đình chủ sở hữu (nhà Patel) và tôi”, ông Dangayach cho biết.
“Vậy là ở thời điểm đó, ông trở thành người chủ chính thức?”, tôi hỏi.
“Không, tôi không phải là một chủ nhân”, ông nhắc lại.
“Nhưng ông có cổ phẩn trong công ty”.
“Không, rất ít thôi. Nhưng tôi hành động như một chủ nhân. Điều quan trọng là ngay cả khi không có quyền sở hữu thì bạn vẫn phải cố gắng làm công việc một cách tốt nhất. Và đó là điều mà tôi vẫn đang thực hiện... Tiền không quá quan trọng đối với cá nhân tôi ở một mức độ nào đó. Tiền không bao giờ điều khiển tôi hay điều gì tôi sẽ thực hiện tiếp theo”.
“Định dạng mở” này của công việc đã thu hút ông Dangayach. Và định dạng đó đã đáp ứng tất cả những mong muốn của ông.
Vài năm trước, công ty đổi tên từ Nhà máy Bharat Vijay sang Sintex, tận dụng thế mạnh thương hiệu của sản phẩm nổi tiếng nhất. Năm nay, bộ phận sản xuất nhựa Sintex sẽ đạt được mức doanh thu 1.000 crore(*) . 70% doanh thu của công ty là từ bộ phận này. Phần còn lại là từ bộ phận dệt may được gia đình Patel quản lý.
(*) Lợi nhuận ròng của Sintex Industries đạt 216,33 crore với tổng thu nhập đạt 1700,26 crore vào thời điểm cuối tháng 3/2008.
“Chúng tôi phân chia trách nhiệm. Đó là cách giúp cho tất cả chúng tôi có khoảng không riêng, sự độc lập và tự chủ. Tôi có sự tự chủ trong phạm vi của mình. Chúng tôi đã có rất nhiều bước đi sai lầm, và chúng tôi cũng có những bước đi đúng. Nhìn chung thì chúng tôi làm việc ổn”.
Đó là một lời nhận xét khiêm tốn điển hình!
Ngoài quan hệ hợp tác tuyệt vời mà ông Dangayach đã xây dựng với người sáng lập (hay có thể gọi là “nhà đầu tư mạo hiểm”), thật thú vị khi được nghe cách ông suy luận. Mọi ý tưởng sản phẩm mà ông nghĩ ra đều có liên quan với những xu hướng vĩ mô.
Với vật liệu đúc sẵn, tầm nhìn được kết nối với ý tưởng nhà ở giá cả phải chăng. Và để ý tưởng về sản phẩm đúc sẵn trở nên khả thi hơn, Sintex đã tiên phong trong phương pháp xây dựng ít thời gian. Tận dụng các khuôn nhựa, họ tạo nên ý tưởng “xây dựng bê tông nguyên khối”. Tất cả các bức tường, mái, vách, gác xép – tất cả mọi thứ đều được đúc trong một lần. Họ đúc ngôi nhà theo nghĩa đen ngay tại công trình trong đúng một lần sử dụng xi-măng.
Mỗi tầng nhà được hoàn thành trong vòng 4 - 5 ngày. Phương pháp này đã được áp dụng ở Ahmedabad và các khu vực khác ở Gujatrat. Có một chỉ thị từ chính phủ cho xây dựng 10.000 nhà như vậy ở Delhi. Trong bối cảnh chính phủ đang tập trung vào việc tái xây dựng tại các khu ổ chuột ở các thành phố lớn, đây có thể là một cơ hội lớn. Đây là phương pháp có hiệu quả cao nhất nhằm tạo nên số lượng lớn nhà ở.
Cũng giống như với bồn chứa nước, chính phủ áp dụng sự cải tiến này trước khu vực tư nhân. Một thông tin có thể sẽ giúp ích cho những doanh nhân khác.
Ông Dangayach nói thêm: “Bạn thấy đấy, chính phủ ngày nay là một nhà tiêu thụ lớn. Bên trong chính phủ, tôi có thể nói rằng có một số kỹ sư, một số những người chủ chốt trong việc thực hiện các quyết định cũng làm việc hiệu quả và cởi mở với ý tưởng mới như ở trong khu vực tư nhân vậy. Từ kinh nghiệm của mình, tôi có thể nói rằng trong rất nhiều trường hợp việc thuyết phục họ sẽ dễ dàng hơn”.
Ông Dangayach cũng thừa nhận rằng mình có rất nhiều dự án không thành công. “Bồn nước nóng năng lượng mặt trời là dự án mà tôi rất yêu thích. Tôi đã nghĩ rằng chúng sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giá cả phải chăng và là giải pháp cho đất nước này. Song, đồng quá đắt nên chúng tôi nghĩ vì sao không làm nó bằng nhựa. Tôi thiết kế sản phẩm này với sự trợ giúp của nhóm mình. Chúng tôi làm tấm năng lượng mặt trời từ nhựa đen vì nó hấp thụ ánh sáng tốt hơn”.
Bồn chứa sử dụng cho hệ thống sưởi cũng được làm bằng nhựa. Nó tạo ra một hoạt động kinh doanh khá tốt 3 - 4 năm trước. Công ty đã bán 10.000 - 12.000 sản phẩm mỗi năm. Nhưng việc phục vụ, lắp đặt và rò rỉ lại trở thành vấn đề. Vì vậy sản phẩm đã bị ngừng sản xuất. Nhưng hiện tại, chúng đang được tái giới thiệu.
“Ý tưởng của tôi là nếu Israel có thể có hệ thống bình nước năng lượng mặt trời ở mỗi nhà, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Síp cũng có thì tại sao ít nhất một số vùng của Ấn Độ với nhiều ánh sáng mặt trời và hồ sơ nhiệt tương tự lại không thể?”.
Đến đây, bạn sẽ nghĩ rằng để đạt được những điều này, Sintex phải có một bộ phận nghiên cứu và phát triển tuyệt vời. Thực tế thì đội ngũ này có số lượng khá hạn chế.
“Rất nhiều lần tôi làm việc như một người tạo ra ý tưởng và cả một nhà thiết kế. Tôi là một ‘kỹ sư dởm’, vì vậy tôi cũng giúp trong việc làm thế nào để một ý tưởng có thể trải qua quá trình nghiên cứu công nghệ và trở thành một sản phẩm. Tôi cũng quản lý cả dịch vụ bán hàng”. Ông cho biết thêm: “Nếu một bình nước nóng năng lượng mặt trời không hoạt động trong vòng hai ngày thì người vợ sẽ kêu ca về việc đó. Vì vậy có vấn đề về chất lượng và cả vấn đề về dịch vụ. Chúng tôi cần phải kiểm soát tất cả những việc đó nhưng tôi không có một đội lớn”.
Tuyên bố sứ mệnh của công ty là “những sáng kiến có ý nghĩa”. Bất cứ lĩnh vực nào mà công ty hoạt động cũng đều phải giải quyết những vấn đề lớn, có ảnh hưởng đến nhiều người. Một trong những ý tưởng đó là “hệ thống thu hoạch nước mưa”, cung cấp một giải pháp toàn diện cho vấn đề về tài nguyên nước.
Đương nhiên đó cũng là một cơ hội kinh doanh tốt. “Nó có thể trở thành một động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho sản phẩm chủ chốt bình chứa nước của chúng tôi. Ngày nay người ta mua một bình chứa nước 1.000 lít với giá 3.000 rupee. Nếu bạn có một hệ thống thu hoạch nước mưa thì bạn cần bình chứa 7.000 lít và cả hệ thống sẽ có giá là 60.000 rupee. Nếu dự án này thành công thì chúng tôi sẽ có một mô hình kinh doanh tuyệt vời”.
Với ông Dangayach, “tôi rất say mê tất cả những sản phẩm này. Đó chính là điều khiến cho chúng tôi liên tục sáng tạo”.
Và người ta nói rằng niềm đam mê có thể bị lây nhiễm. Trên một chuyến bay vài ngày trước cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Dangayach đã gặp kiến trúc sư huyền thoại, B V Doshi, và đã khiến anh quan tâm đến vật liệu xây dựng xanh.
Tôi thấy thật kỳ diệu khi một người đàn ông tóc đã bạc, ở độ tuổi ngoài 50 mà vẫn rất yêu quý công ty của mình, vẫn đam mê với những hoạt động kinh doanh sau 35 năm làm việc. Ngay cả khi ông không làm chủ công ty về mặt danh nghĩa, thực tế là “nhà Patel cũng không phải” luôn. Hơn 50% vốn chủ sở hữu của Sintex hiện thuộc về các tổ chức đầu tư nước ngoài (FII), các quỹ và các nhà đầu tư khác.
Và ông Dangayach đã cố gắng lần cuối cùng để làm rõ sự mơ hồ trong tôi: “Chúng ta thường đánh đồng quyền sở hữu với tiền bạc. Bạn có khoảng 30 - 40 - 50% cổ phần. Và bạn nghĩ rằng đây là thứ đem lại cho mình sức mạnh... Nhưng nếu tôi tiếp nhận một ý tưởng, có thể là một dự án mà tôi có thể chăm sóc, phát triển và thực hiện thì tôi nghĩ rằng điều đó cũng giống như việc làm chủ vậy. Động cơ lợi nhuận có thể khiến một người làm việc thêm một hay hai tiếng. Còn tôi có thể đảm bảo với bạn rằng tôi làm việc không ít hơn bất cứ ai bị điều khiển hay đang phát điên lên vì tiền”.
Ơn Chúa vì điều đó.
Lời khuyên cho các doanh nhân trẻ
Tôi nghĩ rằng đầu tiên bạn nên làm điều gì bạn thích nhất. Cần có sự tương đồng và tương thích giữa điều mà lương tâm bạn mách bảo và điều bạn làm.
Tôi làm điều lương tâm mình mách bảo. Đó chính là ý nghĩa của sự nhất quán, hoàn toàn nhất quán. Và đó cũng là lời khuyên của tôi dành cho những người trẻ.