Vikram Talwar (tốt nghiệp năm 1970)
EXL Service
Sau một thời gian làm việc lâu dài và để lại nhiều dấu ấn tại Bank of America, ông Vikram Talwar đã có thể sử dụng hết những năm tháng còn lại của cuộc đời mình để chơi gôn. Thay vào đó ông đã mở một công ty mà ngày nay là một trong những công ty BPO(*) lớn nhất tại Ấn Độ.
(*) Viết tắt của Business Process Outsourcing – Thuê ngoài Quy trình Kinh doanh.
Đâu là thời điểm thích hợp để trở thành một nhà kinh doanh? Bạn có nên bắt đầu ngay sau khi tốt nghiệp hay nên chờ đến khi bạn có một vài năm kinh nghiệm? Thế còn khởi doanh sau một sự nghiệp dài và thành công ở một công ty lớn?
Tôi gặp ông Vikram Talwar, giám đốc điều hành của EXL Service để tìm kiếm câu trả lời. Sau 26 năm làm việc ở Bank of America, ông đã trở thành một “nhân viên điển hình của những tập đoàn lớn”. Ở thời điểm này của sự nghiệp, lẽ ra ông đã trở thành một nhà tư vấn hay tận hưởng sự nghỉ ngơi – như “thông lệ” của cuộc sống. Nhưng ông Vikram đã chọn con đường mạo hiểm hơn. Con đường xây dựng một công ty của riêng ông.
Là người đứng đầu một công ty hoạt động trong một lĩnh vực của thời đại mới, nhưng bản thân ông Vikram Talwar lại thuộc về trường phái cổ điển. Ở ông tỏa ra khí chất của “người đàn ông đẳng cấp thế giới” hết sức nổi bật. Ông nói thứ tiếng Anh chính xác và rõ ràng, điều mà bạn không thường nghe thấy thời nay. Ông trang trọng và luôn giữ một khoảng cách nhất định.
Giống như công ty của ông vậy.
Vào được trụ sở chính của EXL Service tại Noida, bang Uttar Pradesh quả là một trải nghiệm đáng nhớ. Bạn phải trình báo tất cả thiết bị mà bạn mang theo – laptop, máy ảnh kỹ thuật số, máy thu âm, điện thoại. Và như bạn có thể đã đoán được, còn có cả phần máy dò kim loại. Và rồi, người gác cổng chỉ vào một thùng đầy những trái bóng: “Mời lấy một quả”.
Nếu bạn nhặt lên một trái bóng màu đỏ, như tôi chẳng hạn, thì bạn sẽ được đưa vào phòng an ninh để rà soát thêm một lần nữa. Bằng tay.
Cuối cùng thì tôi cũng được vào bên trong. Tôi chờ ông Vikram trong phòng họp khoảng 45 phút. Cuối cùng, ông đã bước vào và chúng tôi bắt đầu.
---
Ông Vikram học tại Trường La Martiniere tại Lucknow và tốt nghiệp Trường St. Stephen’s. Ông vào Học viện Quản lý Ấn Độ, Phân viện Ahmedabad (IIMA) ngay sau đó, khi chưa hề có kinh nghiệm làm việc. “Vào thời điểm đó, kinh nghiệm làm việc không phải là điều quan trọng, mặc dù tôi tin rằng ngày nay, nó đã trở nên rất quan trọng. Khi đó, nhiều nơi ở Ấn Độ, người ta còn chưa hề nghe đến bằng quản trị kinh doanh (MBA)” .
Đó là năm 1968.
“Về mặt nền tảng gia đình, cha tôi làm hành chính, mẹ tôi làm việc cho nhà nước, cả hai người đều từ quân đội ra. Vì vậy nền tảng của tôi không phải là kinh doanh. Mọi người ở trong gia đình tôi, ít nhất là một, hai thế hệ, đã làm việc cho chính phủ, quân đội và hành chính”.
Vậy vì sao ông Vikram lại không theo con đường đó? Ông không thấy hướng đi truyền thống trong gia đình mình là thú vị, ông muốn làm “một điều gì đó khác biệt”. Cha của ông không mấy hài lòng, các ông bố không bao giờ hài lòng với lựa chọn của đứa con dù họ thường không phải là người “hiểu con cái rõ nhất”. Nhưng có lẽ cảm giác của ông Vikram về khối nhà nước vào thời bấy giờ đã đúng, bởi trong những thập kỷ sau, công việc ở các tập đoàn lớn lại được theo đuổi hơn rất nhiều so với công việc làm cho chính phủ.
Sau khi tốt nghiệp IIMA, ông Vikram được mời vào làm việc ở Bank of America. Việc này đòi hỏi ông phải đến Mỹ – điều mà ông cho là “yếu tố thú vị duy nhất về công việc này”. Ông đã nhận việc và làm ở ngân hàng đó trong 26 năm, có được trải nghiệm ở 9 nước khác nhau và tận hưởng một cách trọn vẹn những điều đó. Ông tự nhận xét về mình là “một nhân viên điển hình trong các tập đoàn lớn ở lĩnh vực này”.
Vào năm 1996, ông Vikram nghỉ việc ở Bank of America, ông quyết định “không làm gì cả” trong sáu tháng sau đó. Nhưng ông sớm nhận ra rằng sự nhàn hạ không vui như ông nghĩ. Ở tuổi 48, việc nghỉ hưu non là không hợp lý, trong khi ông hiểu đủ về bản thân để chắc chắn rằng mình không hề muốn làm bất cứ công việc nào trong thế giới của những tập đoàn lớn nữa.
Nghĩ như vậy nhưng ông Vikram lại quay trở lại ngay với thế giới của những tập đoàn lớn. Ông làm một năm rưỡi ở New York cho công ty Tư vấn Ernst & Young (E&Y), giúp họ thiết lập hệ thống ứng dụng công nghệ tại Ấn Độ. E&Y muốn xâm nhập vào mảng gia công phần mềm, nhưng cuối cùng lại hoãn kế hoạch. Và vì vậy ông Vikram, với sự tin tưởng vững chắc vào năng lực của lao động ở Ấn Độ, đã quyết định tự làm việc đó.
“Tôi đã 51 tuổi. Thông thường mà nói thì đây không phải là độ tuổi mà người ta bước chân vào việc kinh doanh. Lại càng không phải loại công việc kinh doanh này. Bạn có thể trở thành tư vấn viên. Còn công việc này, tôi nghĩ là khá thách thức. Đương nhiên, ban đầu tôi không thực sự nhận ra nó đòi hỏi nhiều công sức đến vậy. Đây cũng là công ty mở đầu trong lĩnh vực này vì không hề có một bên thứ ba nào cung cấp dịch vụ BPO vào ngày đó”.
Đó là năm 1999 và ngay cả công nghệ cũng chưa thực sự phát triển.
Thế rồi, “Y2K(**) có nguy cơ xảy ra và các công ty công nghệ lập tức được ưu tiên, họ bước ngay lên vị trí dẫn đầu. Nhưng mọi việc chỉ dừng lại ở đó. Không có công ty nào niêm yết trên sàn chứng khoán hay có bất cứ một động thái gì khác. Đó là thời điểm khó khăn để bắt đầu một điều mới trong lĩnh vực chưa được thử nghiệm. Không có một nguồn tài chính nào. Còn tôi thì bước vào thời điểm mà tôi không còn thực sự cần phải trở thành một nhà kinh doanh nữa”.
(**) Sự cố máy tính năm 2000, diễn ra vào thời khắc đầu tiên bước vào năm 2000 do các vi mạch đồng hồ điện tử cũ có thể không nhận biết được sự khác biệt giữa các năm 2000 và 1900.
Sau sự nghiệp cá nhân đồ sộ của mình, tất nhiên ông Vikram đã có một nguồn tài chính dư dả. Vậy vì sao không gia nhập vào ban giám đốc của một vài công ty và chơi gôn hầu hết các buổi chiều? – Tôi đã hỏi ông ấy như vậy.
“Trên tất thảy mọi thứ, sự vui vẻ khi được làm việc đã thôi thúc tôi. Đó là khía cạnh sáng tạo trong bản năng của tôi – ví dụ như việc tôi thích nấu ăn. Tôi thấy nó rất sáng tạo. Cuộc sống làm công ăn lương thì không sáng tạo – nó bình thường hơn, nó là những thói quen...”, ông Vikram đáp.
Vấn đề cốt lõi là: Liệu đây là một thử thách để thử xem liệu tôi có thể làm điều đó một mình hay không? Liệu tôi có thể tồn tại và đột phá khi thoát ra ngoài thế giới an toàn của những tập đoàn lớn hay không? Đó là những câu hỏi mà không phải người giàu có làm việc trong những công ty đa quốc gia nào cũng dám trả lời.
Ngày nay, EXL là một công ty 720 crore(***) và BPO là ngành khổng lồ. Nhưng vào năm 1999, liệu ông Vikram có thực sự nhìn thấy tiềm năng trong ngành kinh doanh này? Liệu ông có nhận ra rằng một ngày nào đó nó sẽ trở nên lớn đến thế?
(***) Theo tác giả, doanh thu năm 2007 của EXL là 179.9 triệu đô-la, tăng 47,7% so với năm trước đó.
Không hẳn. Cơ hội đã ở đó, quy mô của ngành bắt đầu xuất hiện rõ ràng hơn trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, có một vấn đề rõ ràng: Đây là một ngành kinh doanh đòi hỏi nhiều vốn đầu tư. Vì vậy mà việc huy động vốn là vô cùng quan trọng. Cho dù có xây dựng một kế hoạch kinh doanh thì cũng rất khó khăn để bán nó.
Nhưng cuối cùng thì EXL cũng có đủ tiền nhờ một người tên là Gary Wendt, vị cựu chủ tịch của GE Capital. Đây là một mối quan hệ cá nhân, nhưng phần quan trọng hơn là ông Wendt cũng là một trong số ít người biết ngành này và muốn tham gia vào.
EXL thực tế đã bắt đầu với ba đối tác. Giống như rất nhiều các công ty khác, trong quá trình hoạt động, mọi thứ bắt đầu trở nên rõ ràng khi đến một giai đoạn nào đó. Với EXL, ngay trong giai đoạn đầu, một đối tác sớm rời bỏ công ty. Song, đó chỉ là một phần của những thăng trầm mà EXL phải đối mặt trong những năm đầu. Ông Vikram đã kể lại tình hình công ty khi đó: “Một trong những khách hàng đầu tiên của công ty là Conseco, một công ty bảo hiểm lớn. Có một xung đột về quyền lợi nhỏ xảy ra do ông Gary Wendt trở thành Chủ tịch và CEO của Conseco. Và rồi chúng tôi quyết định rằng tốt nhất là ông ấy nên mua lại công ty của chúng tôi và tạo dựng mô hình GECIS (trung tâm Internet ngoài khơi tại Ấn Độ)”.
Vậy là EXL đã được bán. Nhưng ngay sau đó, Conseco gặp phải những vấn đề nghiêm trọng – thực tế công ty đã phá sản. Vậy nên ông Vikram và đối tác của mình, ông Rohit, đã mua lại công ty. “Chúng tôi đã thực sự bắt đầu lại vào năm 2002 mà không có một khách hàng nào, bởi vì khách hàng duy nhất của chúng tôi là Conseco. Họ gặp rắc rối, vì vậy chúng tôi không nhận được công việc nào từ phía họ. Chúng tôi có một số tòa nhà, một số tài sản tại chỗ và khoảng 1.200 người lao động. Nhưng không có công việc và chỉ còn một khoản tiền hạn chế, đủ để cầm cự trong vòng sáu tháng”.
Các nhà đầu tư mới rồi cũng xuất hiện nhưng họ không cung cấp khoản tiền lớn. Họ cung cấp một lượng chỉ vừa đủ và EXL tồn tại được phần lớn là nhờ dựa vào các nhà lãnh đạo. Và rồi họ cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Để nói một cách ngắn gọn thì tôi có thể cho các độc giả biết rằng EXL đã cố gắng xoay xở để có được những khách hàng mới. Trong vòng năm năm kể từ tháng 1/2003, công ty đã phát triển thành một “công ty ở quy mô khá lớn”. EXL nằm trong danh sách của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ NASDAQ vào năm 2006, và hiện tại đang nắm giữ lượng thị phần trên mức 750 triệu đô-la. Công ty hiện đã có gần 10.000 người lao động và doanh thu đạt 180 triệu đô-la. Vậy là mọi việc cũng đã tạm thời đâu vào đấy.
“Phải nói rằng đây không phải là một việc xảy ra thường xuyên. Cũng không phải là việc dễ làm. Đôi khi, sự may mắn cũng quan trọng như sự chăm chỉ. Thứ mà người ta không nhận ra là những điều xảy ra trong cuộc đời khi họ ở giai đoạn đang mải mê đeo đuổi công việc và những hy sinh mà nó đòi hỏi. Đó thực chất là sự liều lĩnh”.
Điều này có nghĩa là ông không có thời gian cho bất cứ điều gì ngoài công việc của mình, không cả gia đình. Và trong trường hợp EXL thì điều này còn tệ hơn bởi nó hoạt động không ngừng nghỉ. Bạn ở trên điện thoại 24 giờ mỗi ngày. Ông Vikram giãi bày: “Bạn cần phải tự nhắc rằng mình là một người hoàn toàn tận tâm với công việc. Bạn cần có sự hỗ trợ từ gia đình của bạn, từ bạn đời của bạn”.
Lại một lần nữa, câu hỏi được đặt ra là “Vì sao?”. Bạn đã cố gắng, bạn đã bán sạch đi, tại sao giờ đây lại quay trở lại với những gian nan và cực khổ bằng cách mua lại cả công ty?
“Đó là một thử thách. Thử thách xem liệu bạn có tự cho phép mình thất bại hay không. Chúng tôi đã có thể từ bỏ và kiếm được chút tiền từ đó”, ông giải thích. Có điều ông Vikram đã không từ bỏ – vì trách nhiệm.
“Bạn mở một công ty, bạn có 1.200 lao động cần phải chăm lo. Đến cuối cùng, tôi đã hứa với rất nhiều người đã đồng hành cùng với tôi, những người đã bỏ công việc tốt của họ để làm với chúng tôi. Tôi không thể đơn giản là bỏ đi... Và đương nhiên, cũng có cả nỗi khao khát được để lại đằng sau một điều gì đó lớn lao. Bạn gom tất cả những điều đó lại, và bạn tiến thẳng lên phía trước”.
Vậy sự hồi sinh đã xảy ra như thế nào?
“Có một chút may mắn và một chút nỗ lực. May mắn là nhờ chúng tôi đã từng phục vụ một khách hàng trong ngành bảo hiểm và rồi có một công ty bảo hiểm lớn đã tới Ấn Độ để tìm kiếm dịch vụ. Và chúng tôi đã có thể nói rằng chúng tôi làm được công việc một cách rất nhanh chóng. Bởi vì bất cứ một công ty nào khác đều sẽ phải học để làm việc này, còn chúng tôi thì không”.
Trong cuộc đời, thời gian là thứ quan trọng nhất.
Trong lĩnh vực kinh doanh này, bạn phát triển rất nhanh. Năm đầu tiên dùng để huy động vốn, năm thứ hai để xây dựng cơ sở vật chất. “Bạn thực sự phải động tay vào mọi việc. Và đặc biệt là đối với những người đến từ thế giới của những tập đoàn lớn, nơi mà bạn có cơ sở vật chất rộng lớn, nơi bạn có một vị trí tốt – điều này là rất khó. Bỗng nhiên bạn phải tự đánh máy lá thư của mình. Bạn ngồi ở ngoài văn phòng của chính phủ, cố gắng làm sao để điều bạn làm được cấp phép. Một anh nào đó bắt bạn phải chờ đến sáu tiếng... Đây thực sự là một cuộc chơi khác so với thế giới văn phòng tại các tập đoàn lớn”.
Điều đó có nghĩa là phải biết bỏ qua cái tôi của mình. Để làm được vậy, bạn cần có một động lực lớn hơn cả cái tôi, và động lực đó không chỉ dừng lại ở đồng tiền: “Mục tiêu của bạn phải xuất phát từ sự thôi thúc đạt được thành công. Nó đến từ bên trong bạn, vậy nên nó không thể là tiền bạc. Nếu bạn muốn làm kinh doanh để kiếm tiền, tôi không nghĩ bạn sẽ đạt sự thành công to lớn. Bởi vì cuối cùng thì chỉ có duy nhất một thứ quyết định mọi chuyện: niềm đam mê. Tôi sẽ từ bỏ khi tôi không còn niềm đam mê cho công việc này nữa. Tôi chắc chắn như vậy”.
Và bạn cần biết chia sẻ tài sản, nếu không thì bạn sẽ không bao giờ xây dựng được một công ty có tầm cỡ và quy mô lớn.
Hiện nay, ông Vikram sở hữu 6% của EXL. Và ông không bao giờ sở hữu hơn 12%. Phần còn lại nằm trong tay các nhà đầu tư, cổ đông và nhân viên.
Thế còn trường hợp của ông Azim Premji, người làm chủ 80% Wipro?
“Wipro là công ty gia đình từ rất lâu trước khi họ bước chân vào lĩnh vực công nghệ. Có sự khác biệt lớn giữa một người đàn ông trẻ giàu có trở thành một nhà kinh doanh và một người từ tầng lớp trung lưu, không có tiền trở thành một nhà kinh doanh”.
Nhưng có những người không có tiền trở thành một nhà kinh doanh khi họ còn rất trẻ, còn ông Vikram quyết định theo nghiệp này khi đã gần bước sang tuổi xế chiều, theo quan niệm Á Đông.
“Vâng, bạn có thể khởi nghiệp dựa trên một ý tưởng bất chợt hay một sở thích như tôi. Nhưng nếu bạn muốn lên kế hoạch làm sao để trở thành một nhà kinh doanh, hãy chuẩn bị cho mình những kinh nghiệm vững vàng – công ty hoạt động như thế nào, quản lý con người ra sao, tài chính có ý nghĩa gì”, ông Vikram đã đáp như vậy khi bị tôi “vặn vẹo” về chuyện tuổi tác và thời điểm khởi doanh.
Ngoài ra, ông Vikram cũng cho rằng nếu bạn thực sự mở một doanh nghiệp, hãy chọn đối tác thật cẩn thận. Ở EXL, giống như rất nhiều doanh nghiệp mới khác, ba đối tác đồng sáng lập đã làm việc với nhau trong quá khứ. Một người rời đi rất sớm.
“Điều này thật khó khăn. Làm việc với một đối tác đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh, thấu hiểu và khoan dung. Nói cho cùng thì nó giống như một cuộc hôn nhân vậy. Có khi còn tệ hơn cả một cuộc hôn nhân... Đầu tiên, các bạn phải có một mục đích chung, phải có sự quan tâm lẫn nhau. Hai là phải có sự bình đẳng – không phải là ‘Tôi là ông chủ và anh làm việc cho tôi’, không thể làm việc theo cách đó được”.
Trong trường hợp của EXL, ông Vikram và ông Rohit Kapoor đều là sinh viên tốt nghiệp từ IIMA nhưng ông Rohit kém 16 tuổi và có một quan điểm rất khác. “Rohit là một anh chàng quen dùng não trái – tôi thì ngược lại. Chúng tôi nhận ra điểm mạnh của người kia và tận dụng chúng. Điều này nằm ở sự nhận thức ở mỗi người, và bạn phải có dũng cảm để nói rằng ‘Tôi không biết cái này, sao anh không làm nó nhỉ’ – đó chính là bí quyết. Bạn cần phải bỏ cái tôi của mình”.
À, nhưng có những trường hợp mà chỉ một đối tác được biết đến nhiều hơn hoặc trở thành bộ mặt đại diện của công ty luôn (như ông Vikram đối với EXL). Khi đó, quan hệ giữa các đối tác sẽ thế nào?
“Như vậy thì có làm sao chứ. Mọi việc xảy ra tự nhiên. Điều quan trọng là hai người phải ăn rơ với nhau một cách hoàn hảo”, ông Vikram đáp.
Vậy nhưng cuộc sống không bao giờ là hoàn hảo. Bạn lập các kế hoạch và rồi sẽ phải thay đổi. Nhưng bạn cứ tiếp tục chuyển động, tiếp tục bước đi. Đơn giản là cứ tiếp tục đưa ra những quyết định trên cuộc hành trình. Ông Vikram thừa nhận rằng hiện nay, EXL là một “thực thể công ty bình thường” như bất kỳ một công ty nào có cùng quy mô: “Một công ty đã phát hành cổ phiếu ra công chúng thì không còn có thể tự do được nữa. Vì có những quy định mà bạn buộc phải tuân thủ. Tuy nhiên, nó vẫn rất thú vị”.
Tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn, nhưng để thâm nhập vào tâm trí của ông Vikram Talwar thì khó khăn chẳng khác nào bước vào trụ sở của EXL.
Tuy nhiên, trong số rất nhiều chi tiết trải nghiệm thú vị mà ông Vikram cung cấp thì hẳn, điều mà nhiều độc giả sẽ thấy tâm đắc là: Không bao giờ là quá già để dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới . Rằng bạn có thể nghỉ hưu, nhưng cũng có thể chọn phương án tái tạo năng lượng sống cho bản thân. Mái tóc có thể bạc nhưng trái tim vẫn sẽ luôn trẻ nếu bạn thực sự mong muốn.
Lời khuyên cho những doanh nhân trẻ
Đừng bao giờ bắt đầu ngay sau khi tốt nghiệp. Hãy làm việc khoảng 6 - 7 năm để tích lũy kinh nghiệm trong thế giới kinh doanh. Điều gì xảy ra và xảy ra như thế nào – tất cả bài học nằm ở đó. Hãy hun đúc kiến thức về mảng tài chính, đặc biệt là nếu bạn hướng đến loại doanh nghiệp tương đối lớn và phức tạp. Bạn không thể học được những kiến thức đó từ sách vở.
Đừng làm doanh nhân mà không có kiến thức tốt về tài chính. Bằng không, bạn phải kiếm được một đối tác tin tưởng biết tất cả về lĩnh vực này.
Việc làm một giám đốc ngân hàng đầu tư không hẳn sẽ đào tạo bạn trở thành một nhà kinh doanh. Vì vậy đừng đi theo hướng đó. Hãy nhận những công việc khó, thậm chí là việc nằm dưới đáy của bộ máy. Hãy làm ở một công ty không trả bạn nhiều tiền nhưng có thể cho bạn cơ hội để học hỏi.