Vậy là đã hơn ba tuần bố rời cõi tạm. Giờ này, ở chốn cao xanh thẳm xa, chắc hẳn bố đã được gặp ông bà nội ngoại, gặp chú Tráng, gặp hai anh trai và em Thục của con... Mỗi tinh sương bố lại dậy thật sớm tất bật luộc nồi khoai, pha tích chè xanh rồi âu yếm đánh thức hai anh và em trai con dậy ăn sáng để kịp đến trường. Còn bố sau khi nhấp chén trà lại thẩn tha nhặt từng bông hoa cau, hoa đại trong thanh thản tiếng chuông chùa và ngạt ngào nỗi thương yêu quyến thuộc...
Bố ơi!
Con thương nhớ bố thật nhiều…
Mỗi lần dừng lại ở căn buồng tầng hai, con luôn lẩn mẩn nghĩ về cái dáng ngồi cặm đăm nhẫn nại của bố bên chiếc tivi chỉ bật hình mà không có tiếng.
Bố đã về cõi thinh không rồi mà mỗi khi màn đêm buông xuống con vẫn mở cánh cửa tầng ba thật rộng để sẵn sàng ào xuống mỗi khi bố lên cơn sốc.
Mỗi lần ăn món ăn gì con lại khắc khoải nhớ cái cách bố ý nhị nhường phần ăn cho đàn con bằng câu nói nhẹ như gió thoảng: Các con ăn đi, món này bố không thích…
Và đêm đêm, cứ nhắm mắt lại là hình ảnh bố mướt mải mồ hôi gánh gồng gồng gánh, cặm cụi đập lúa, may vá, đan lát hay âm thầm chèo đò dọc bến sông... lại lũ lượt hiện về như những thước phim quay chậm…
Trí nhớ của con tràn ngập bố. Âu yếm và dịu dàng, tảo tần và siêng khó.
Nước mắt con cứ chầm chậm rơi từng đêm từng đêm trong lặng phắc những canh khuya quạnh vắng.
Hơn năm mươi tuổi đầu, đã trải qua biết bao nhiêu giông gió dập vùi, vậy mà nghĩ về bố, nhớ về bố, con vẫn khóc hồn nhiên như đứa trẻ.
Dù đã hết lòng thương yêu nâng giấc bố bằng tất cả những gì có thể sao lòng con vẫn cứ thấy trào lên muôn phần tiếc nuối.
Nhớ lắm cái đận đưa bố mẹ đi du lịch Thái Lan, ánh mắt bố rạng ngời khi cùng mẹ tạo dáng chụp ảnh bên vườn hoa kết hình trái tim. Kỳ là lạ lần nào chụp ảnh bố cũng giơ hai ngón tay hình chữ V. Con hỏi, bố có biết giơ hai ngón tay thế nghĩa là gì không, bố cười nhỏn nhẻn: Cái Ngọc tồ nó bảo chữ V nghĩa là chiến thắng trong tiếng Anh tiếng em gì đấy. Bố chẳng biết, nhưng nếu cứ giơ hai ngón tay như thế mà các con, các cháu luôn thành đạt, còn bố thì chiến thắng bệnh tật thì bố giơ cả ngày cũng được…
Con không bao giờ quên được lần cả nhà mình đi thăm thú miền Tây sông nước. Bố ngồi trên xuồng máy chạy rầm rầm mà miệng thì nắc nỏm: Sao có thứ thuyền gì chạy nhanh như máy bay thế hả con? Chả bù cho bố ngày xưa xoạc cẳng chèo đò mà cả đêm cũng chỉ được mươi cây số… Vào thăm vườn roi, bố vừa ngắm nghía vừa lẩm nhẩm: Quả roi rõ ràng mà lại bảo quả mận, còn quả mận thì gọi là gì? Rồi bố tấm tắc khen: Sao chỉ có vườn roi bé xíu mà họ thu hút bao nhiêu là khách, giá như đồi chè sau nhà mình hay rặng nhãn dọc bờ sông mà làm được thế này thì có ối khách đến thăm con nhỉ…
Bố thích nhất nơi nào trang trí thật nhiều điện như Thiên Đường Bảo Sơn, bờ hồ Hoàn Kiếm… Lần nào bố cũng xuýt xoa: Sao họ dùng nhiều điện vậy hả con. Chỉ riêng cái khoản thắp điện mỗi tối cũng bộn tiền con à. Rồi bố đứng lặng say sưa ngắm nhìn ánh điện nhấp nháy. Những lúc ấy chắc bố đang nhớ đến những đêm trăng sao vời vợi chốn quê nghèo góc làng Nghè yêu dấu…
Quên làm sao được những đêm cả nhà nghỉ ở khu Tản Đà Resort. Được ở trong ngôi nhà kiến trúc theo kiểu nhà địa chủ ngày xưa bố hãnh diện lắm. Bố bảo: Cả tuổi thơ bố làm người ở, chuyên đi cày thuê cuốc mướn cho hết nhà địa chủ này đến nhà địa chủ khác. Giờ các con cho bố mẹ “thành ông bà địa chủ” thế này thật bõ công bố cõng gạo xuống Nam Định cho con ăn học. Rồi bố trầm ngâm: Dưng mà nghe nói, ở mỗi đêm thế này giá tiền phòng bằng cả mấy tạ thóc… tốn kém quá con à. Lần sau đừng hoang phí thế nhé, chúng mày còn núi việc phải lo…
Bố là thế! Ở đâu và lần nào cũng thế, dù chỉ là ăn một que kem bố cũng quy ra thóc. Rồi xa xót thương bà con chòm xóm ở quê…
Chỉ mới vậy thôi…
Khoảng thời gian vàng dành cho bố mẹ bên chúng con đâu có dài.
Sức khỏe bố mẹ cứ mỗi lúc một yếu dần, những chuyến đi trở nên xa xỉ.
Nhưng bố thương yêu ơi, có những chuyến du lịch vượt không gian và thời gian mà lúc nào con biết bố cũng muốn đi. Ấy là những “chuyến du lịch” khắc dấu vào… kỉ niệm của lòng con.
Bố ơi, bố trở về với ngày con còn nhỏ xíu xịu xìu xiu. Gầy gò nhỏ thó và ốm nhách. Hồi ấy, con thường chạy theo chị Lụa khóc lóc đòi bám áo chị lên đồi hái chè, trồng sắn hay cắt cỏ kiếm củi. Nhiều lần chị sợ con leo cao vấp ngã nên không cho đi cùng. Con cứ đứng ở chân núi mà lôi tên bố ra rồi hét váng cả làng: Tẩu Phi. Khi đó, con nghe người lớn nói: “Bố mày lúc nào cũng tẩu như phi”. Con đâu có biết Tẩu tên bố nghĩa là chạy. Bố luôn tất tưởi nên cái dáng đi cứ lao về phía trước như phi. Con chỉ nghĩ, người làng nói vậy thì “ông Phi” ắt là có họ hàng gì với nhà mình. Ngày ấy, có lẽ, ở làng quê, chắc chẳng có đứa trẻ nào lại dám lôi tên bố ra mà réo gọi mỗi lúc khóc hờn. Vậy mà con làm vậy. Vậy mà cả bố và chị đều chẳng ai mắng. Con lớn lên cùng với thanh âm của tiếng gọi bố thân thương bạt đồng bạt núi hiền hòa như thế…
Bố ơi, bố trở về ngày con mới đi học trường làng. Mới học vỡ lòng thôi nhưng con đã được thầy cô và bạn bè thán phục vì một thằng bé chuyên mò cua bắt ốc mà lại học giỏi và còn biết làm thơ. Bố thì chẳng biết nói lời khen nhưng bố âm thầm vui, âm thầm tự hào. Con nhớ năm con học hết lớp 4 (ngày ấy là tốt nghiệp tiểu học), bố còn hái mấy chùm nhãn - thứ quả duy nhất có trong vườn nhà để con đem biếu cô giáo. Rồi bố lụi hụi dắt con đến cảm ơn cô Tâm đã kèm cặp dạy dỗ con học hành giỏi giang. Con vui lắm. Con nghĩ bố phải yêu trường lớp của con, yêu việc học của con nhiều lắm nên bố mới làm vậy. Và những năm sau, cứ mỗi khi con được bằng khen, bố lại cặm cụi tẩn mẩn cẩn trọng vót nan tre lồng các loại bằng khen rồi tìm chỗ treo khắp tường nhà. Cho đến khi con lớn, những tấm bằng khen ấy vẫn còn nguyên chỗ cũ, giấy ngả vàng, rách mục lỗ chỗ. Vậy mà mỗi lần nhìn vào con luôn thấy cả tuổi thơ dào dạt vỗ sóng trong lòng thổn thức khôn nguôi…
Bố ơi, bố trở về cùng con ngày con xuống học trường chuyên dưới Nam Định. Bố lặm lụi mỗi tuần lội bộ hàng mấy chục cây số mang gạo cho con. Bố thập thõm bước cao bước thấp. Bố quên mình cho muôn nỗi tin yêu. Con chẳng bao giờ biết nói cảm ơn bố nhưng khi chia tay bố xa khuất nẻo trong ánh nắng chiều nhấp nhóa là nước mắt con lại chầm chậm ứa mi. Con muốn gọi bố cho lòng đỡ tủi nhưng cứ đứng lặng dõi thầm theo cái dáng chấp chơi mỏng mảnh như một dấu chấm than của bố in trong hoàng hôn tím thẫm…
Bố ơi, bố trở về cùng con những năm bao cấp gian khó chất chồng. Con vừa ra trường, nhà nghèo, mẹ lại mang bệnh trọng. Con đưa mẹ lên Hà Nội chữa trị trong khi bác sỹ chẩn đoán có thể mẹ sẽ bị ung thư vòm họng. Mỗi sáng vừa bóc cái bánh chưng cho mẹ ăn con vừa khóc tu tu như đứa trẻ. Khóc đến nỗi ai đi qua cũng dừng lại cám cảnh. Cũng thời gian ấy anh trai con phải biệt phái lên biên giới chống Tàu. Chị dâu đưa cháu nội về cho bố chăm. Thế là hàng ngày ông cày cuốc dưới ruộng, cháu vừa đầy tuổi ngồi chất chưởi trên bờ. Lúc ráo mồ hôi ông nội lại ào lên bờ, tay đỡ, miệng trệu trạo nhai miếng cơm lùa cho cháu. Cái cách “miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương” của bố dành cho thằng cháu đích tôn hệt như của một bà mẹ chỉn chu dành cho đứa con yêu. Mỗi lần về quê nhìn cảnh ấy con thương bố thắt héo ruột gan...
Bố ơi, bố trở về cùng con ngày con bảo vệ luận án tiến sĩ, ngày con làm nhà, ngày con đi Nhật Bản, ngày con cưới vợ, ngày con có cháu Nhật Nam… Tất cả đều là những dấu mốc quan trọng của cuộc đời con. Tất tần tật đều in khắc đậm sâu, nồng nàn dáng hình của bố.
Bố ơi, bố trở về cùng con những ngày Tết Nguyên Đán. Bố lại nấu chè kho. Bố lại giã giò làm bánh. Bố lại cười như mùa xuân tỏa nắng rổn rảng ấm áp tràn ngập gian bếp, phòng thờ và rộn rã khắp cả nhà...
Bố ơi, bố trở về cùng con những ngày cả nhà mình quây quần bên mâm cơm đạm bạc ngay cả khi bố đã mang trong mình căn bệnh trọng. Con lại bế bố ngồi vào cái ghế nhựa thật cao để ăn xong bố tự vịn vào tường đứng lên. Bố lại giục con cháu ăn nhiều vào, ăn nhiều vào. Và bố lại cười hiền để lộ hàm răng móm mém chỉ còn có hai chiếc răng cửa. Hồn hậu và thanh an…
Bố ơi, bố à, bố hãy trở về cùng con bố nhé…
Về cùng những kỉ niệm trong lòng con. Ấm nồng và viên mãn…
Và vì những kỷ niệm dấu yêu ấy đậm sâu trong lòng con, trong kí ức của con nên chúng không khi nào mất đi, không có chuyến trở về nào là không có bố.
Giờ con mới thấm thía câu: Thác là thể phách, hồn là tinh anh.
Bố đã hóa gió, hóa mây, hóa cỏ cây, sông suối hiền hòa. Bố đã quyện vào khí trời cho cháu con hít thở. Bố đã đượm vào trái tim con trong chập chờn thức ngủ hàng đêm.
Bố chẳng đi đâu xa đâu, phải không bố?
Con vẫn cảm nhận thoang thoảng đâu đây cái mùi hương trầm ngan ngát dịu dàng tỏa ra từ hơi thở của bố trước giây phút bố quy tiên. Con vẫn thấy hiển hiện khuôn mặt hồng hào của bố phút lâm chung. Con vẫn thấy mái tóc bạc trắng như cước của Người phảng phất thực hư giữa chốn bồng lai thánh thần huyền ảo. Con vẫn thấy bố khép mắt như cười an nhiên nhẹ nhõm đi vào giấc ngủ thiên thu...
Kỉ niệm lòng con tròn đầy bố.
Và nó sẽ chỉ tràn đầy lên chứ không bao giờ vơi đi.
Bố ơi! Sáng nay, bố vẫn uống chè xanh cùng các anh phải không bố?
Con nhớ bố, nhớ và thương bố không bút nào tả xiết bố à!
Bố à! Bố ơi…