Giờ khắc bố quy tiên, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước đó nhưng cả nhà mình vẫn tựa như bị cuốn vào một hốc xoáy dữ dội của vùng bão lũ.
Ai cũng đờ đẫn, chân tay trở nên thừa thãi vụng về. Lời vừa đậu trên môi lại trôi tuột xuống cổ họng rồi nằm đó nghẹn ngào, đau thắt.
Cho nên đến lúc chú em rể giục: “Ảnh bố đâu, phải có ảnh bố ngay chứ”, cả nhà mới tá hỏa đi tìm ảnh bố.
Và khi ấy mọi người mới “phát hiện” ra một điều, thật khó khăn để tìm được bức ảnh bố chụp một mình. Và càng khó hơn khi chọn bức ảnh để thờ thì nét mặt bố phải thật nghiêm cẩn. Hàng trăm bức ảnh chụp bố lưu trong bộ nhớ điện thoại của hết thảy con cháu trong nhà, bố đều chụp cùng mẹ. Ảnh nào bố cũng tươi cười rạng rỡ. Nụ cười hiền hậu, tươi tắn khoe hàm răng móm mém lấp lánh. Ngay cả tấm ảnh chụp bố trong những ngày cuối đời ở bệnh viện, giữa những cơn đau thấu trời đất, bố vẫn giữ vẹn nguyên nụ cười ấy…
Xa bố vĩnh viễn rồi, đêm đêm giữa chập chờn thức ngủ, mình luôn lưu giữ nụ cười của bố như một thứ hành trang dịu lành mà ấm áp, thiện lành.
Bỗng nhiên, thấy có thêm biết bao nhiêu bài học giản dị mà sâu sắc thấm thía học được từ nụ cười của bố…
Bố dạy mình về cách sống lạc quan, về niềm tin vào cuộc sống. Thì cứ nhìn bố đấy thôi. Từ thuở không một tấc đất cắm dùi cho đến lúc các con khôn lớn, trưởng thành, bố đã trải qua quá nhiều ghềnh thác, chông gai. Có nhiều năm, Tết cận kề rồi mà trong nhà không còn hạt thóc nào, bố phải bán “lúa non” để vay tiền lo cho các con có manh áo, khoanh giò ngày Tết. Bố tất tưởi từ ngoài đồng về chưa kịp rửa đôi chân lấm lem bùn đất đã chạy vội sang nhà hàng xóm chia phần thịt lợn. Rồi tay năm, tay mười chẻ củi, giã giò, gói bánh… lưng áo đầm đìa mồ hôi trong gió bấc mưa phùn lạnh buốt thấu xương. Lo toan vất vả là thế mà chẳng khi nào thấy bố kêu than. Một gánh chè xanh tím bầm vai bố ra chợ bán không mua nổi cho mình thếp giấy và cây bút ngày mình được đi thi “vở sạch chữ đẹp”. Bố lụi cụi cõng mình lên phố huyện, khi mình thi đạt giải, bố lại cặm cụi đóng khung treo bằng khen và nở nụ cười tươi như ánh nắng sớm mai. Bố bảo: Không ai giàu ba họ cũng chẳng ai khó ba đời đâu con. Gắng học giỏi lên, “còn da lông mọc còn chồi nảy cây” con à. Còn quá nhỏ để hiểu những điều bố nói, nhưng mình biết, trong bố luôn có niềm tin chắc chắn rằng, đời bố rồi ra không khó. Có các con là còn tất cả. Có các con là có tương lai. Niềm tin giản đơn mộc mạc ấy dẫn dắt bố đi qua những năm tháng dằng dặc của kiếp người cần lao nhọc nhằn, chất chồng gian khó.
Mười một năm trước, bố phải vào bệnh viện mổ sỏi thận. Đúng hôm đó thì cái chân của bố bị gout, sưng to vều. Vợ mình và bác Thiệp dìu bố cà nhắc đi vào phòng khám. Khi bác sỹ lo cái chân bố sưng tấy thế, chắc chưa mổ được. Bố cười lỏn lẻn và nhỏ nhẻ: Chân đau thế này có ăn thua gì so với ngày xưa đi cày tôi giẫm phải cái mảnh sành, chân sưng to như cái bát, tôi vẫn lội ruộng tối ngày mà có hề hấn gì đâu, bác sỹ cứ mổ cho tôi đi. Có bác sỹ giỏi, lại có con cái chúng nó chăm lo, bệnh gì rồi chả khỏi. Bác sỹ nghe xong phì cười… Mấy ngày sau mổ, bố nói nhỏ vào tai mình: Hôm ấy bố mạnh mồm thế thôi chứ bố đau lắm, cả nắm sỏi trong thận lẫn cái chân đều đau nhức không thể tả. Nhưng chờ chân khỏi mới mổ thận lấy sỏi thì chúng mày ăn chực nằm chờ đến bao giờ…
Những câu nói tưởng rất hồn nhiên, những việc làm tưởng rất đỗi bình thường như thế từ bố cứ lặng lẽ thẩm thấu sang mình. Từng ngày, từng ngày chúng như những hạt phù sa bồi đắp tâm hồn mình, giác ngộ nơi mình triết lý sống “thuận theo tự nhiên” để luôn thấy lòng an nhiên, tự tại. Khó khăn cỡ nào thì cứ cười đi đã, cứ cảm nhận và trải nghiệm hiện tại đi đã. Bố đã dạy thế mà.
Bố dạy mình về lòng tự trọng. Nhớ ngày nhỏ có lần đi cắt cỏ mình bắt được cả ổ trứng vịt đến hơn chục quả. Nghĩ đến lúc được ăn những quả trứng luộc nóng hổi mà nước bọt tứa ra ướt đầm ngực áo. Mừng hú, mình vùi ổ trứng vào quang cỏ rồi ngạo nghễ gánh về nhà ríu rít khoe bố. Bố trầm ngâm một lát rồi vỗ vai mình an ủi: Trứng vun thành ổ thế này thì không phải vịt đẻ rơi đâu con. Con nhặt được ở ruộng nào thì mang trả lại ngay chỗ đó cho người ta. Nào bố con mình cùng đi…Mình miễn cưỡng lụi hụi theo bố mang ổ trứng trả lại bụi cỏ ở mãi cánh đồng Sải xa hun hút trong màn đem tối thẫm.
Bởi vậy, nhà mình nghèo đến độ cùng đinh nhưng làng trên xóm chẳng ai chê trách. Mọi người yêu thương bố, kính trọng bố, dành cho bố tình yêu như đối với bậc đức cao vọng trọng trong làng xã. Buổi sáng hôm tiễn bố về trời, có ông bạn già vốn là hội viên của Hội văn nghệ tỉnh đến đọc tặng bố bài thơ mộc mạc, chân tình mà âu yếm, diết da. Ai nghe cũng không cầm nổi nước mắt. Đọc xong, ông bỏ dép, phủi sạch bộ quần áo đang lấm lem bụi đất, phủ phục người vái bố ba vái. Ông quay ra gạt nước mắt nói: Với tôi và cả dân làng này ông Tẩu là một nhân cách lớn. Di sản lớn nhất ông để lại cho con cháu, họ tộc, xóm làng là lòng thương yêu và sự kính trọng. Cái đó không phải có tiền mà có. Cái đó không phải có chức có quyền mà có. Tất cả gói trong một chữ NỂ… Rồi ông quay lại ôm di ảnh bố nức nở: Tôi kính nể ông, ông Tẩu à...
Suốt thời thơ bé chỉ duy nhất một lần mình bị bố đánh đòn do dám xúc trộm mắm tép. Bố bắt gặp, tưởng mình bán mắm lấy tiền mua con quay vì hồi đó mình toàn trốn học đi chơi quay. Thế là bố đánh. Bố rút cái roi tre dắt ở đầu hè, vung lên, vừa đánh vừa nói lớn: Con nhớ là không bao giờ được nói dối, làm dối. Bố đánh để con chừa…. Đánh xong ba roi, bố buông rơi cái roi, rồi đi nhanh ra đầu ngõ. Buổi tối, biết mình xúc tép không phải để bán mà để biếu bà cụ Kháu khổ nghèo cùng xóm, bố nhào đến ôm chặt mình vào lòng, lặng lẽ nuốt những giọt nước mắt thương con âm thầm.
Mình nhớ mãi ba lằn roi ấy. Nhớ bài học bố dạy để sau này răn mình, dẫu khổ ải cỡ nào cũng phải biết giữ mình.
Giữa thời “cả nước rùng mình” trong những cơn nhậu nhẹt, người ta thường bàn chuyện làm ăn hay quan hệ “bán mua” trên bàn rượu. Còn mình thì ngược lại, không thể bàn bạc được chuyện gì nếu có rượu. Phần vì mình vốn không biết uống rượu bia, không ưa nhậu nhẹt xô bồ, uống lưng chén rượu hạt mít vào thì say đến chấy, thì đầu đau như búa bổ. Phần vì mình nghĩ, nội hàm hai từ “việc” và “rượu” không thể gắn với nhau trong bặm trợn ngả nghiêng, liêng biêng chớt nhả, giả lả nói cười...
Ngày ở Nhật Bản, mình thích không khí làm việc của họ lắm bởi với người Nhật, đơn giản, công việc là công việc. Có thể có những điều cần thông cảm, có những quan hệ làm ăn hay bất đồng chưa tìm được tiếng nói chung nhưng không thấy ai mang ra quán nhậu để “chén chú chén anh” hay bông đùa ngả ngốn.
Mình cũng nhớ những ngày mùa đông tuyết rơi mù trời, mình và Giáo sư Tomita Kenji chủ nhiệm khoa thường rủ nhau đi uống sake. Trong quán ấm nồng, cả hai rót từng li rượu nhẹ thận trọng mời nhau. Thi thoảng khề khà nắm tay nhau hát vu vơ vài câu nhạc Việt rồi nhìn qua cửa sổ thấy tuyết bay la đà. Cảm giác nhẹ nhàng, an nhiên và thân thương đến lạ.
Và mình thích không khí ấy. Nó khiến những điều bố dạy mình, những bài học bố dành cho mình từ cuộc đời của bố không trở nên ngơ ngác, lạc lõng trước thế thái nhân tình như trong thời buổi đảo điên này.
Bố dạy mình về đức hy sinh. Có miếng ngon miếng ngọt nào bố cũng để dành phần các con. Quê mình có tục đi ăn cỗ ở đâu thì mang túi nilon đi theo, ăn phần nước còn phần khô gói lại để mang về dành cho con cháu. Bố mình thì không muốn làm vậy. Bố quan niệm, dẫu là lề thói nhưng bố vẫn thấy việc làm đó có vẻ như không được “đẹp” theo đúng phong thái khí khái của bố. Thế là bố “bù” cho các con bằng cách, cứ trước khi được mời đi ăn cỗ một ngày, bố ra chợ mua chút gì đó khi thì bìa đậu, lúc thì miếng thịt bạc nhạc hay con cá, mớ tôm về làm bữa ăn tươi cho các con. Bố bảo, có như thế đi ăn cỗ bố mới khỏi áy náy.
Cái sự dành dụm chắt chiu ấy theo bố trọn đời. Đến những ngày cuối cùng nằm viện, hễ ai mang vào biếu mấy quả na, nải chuối hay chùm nhãn, bố lại nhắc: Các con đem về cho mẹ, mẹ thích ăn mấy thứ quả này. Giờ nghĩ lại ánh mắt bố khi nói những lời giục giã ấy, mắt mình lại ầng ậng nước.
Bởi vậy, từ thời trai trẻ, dẫu nhọc nhằn với những đồng tiền chắt chiu thấm đẫm mồ hôi nhưng chưa bao giờ mình chỉ dành chúng cho chính mình hay sau này là cho gia đình nhỏ của mình. Tất cả đều được sẻ san chia sớt, phần dành tặng mẹ cha, phần chăm lo anh chị em, cho các cháu... Cái tinh thần ấy lâu dần đã trở thành văn hóa trong gia đình mình. Nên tất cả bao bọc lấy nhau, gần gụi, thương yêu quấn quyện...
Ngày lấy vợ, mình “lật bài ngửa” mà rằng, lấy anh, em sẽ rất khổ vì anh đầu đội vai mang vất vả tứ bề, hẳn em sẽ rất thiệt thòi. Nhưng đổi lại em sẽ “giàu có” hơn rất nhiều vì nhận được bao nhiêu tình cảm từ những người thân mà em thương yêu bảo bọc. Quả nhiên, Áo vàng nhà mình có cả đàn con. Các cháu gọi bác, gọi dì hay gọi mợ đều kêu Áo vàng bằng từ “u” quá đỗi thân thương, tối ngày chúng ríu rít “u u con con” nghe thật ấm lòng…
Thành ra, mình rất sợ sự vô tâm, vô cảm. Bởi tự trong sâu thẳm, trái tim mình thấm đẫm những gì bố đã thầm lặng truyền trao:
Bố dạy mình về sự tảo tần, thương khó…
Bố dạy mình về sự nhẫn nhịn và lòng tự trọng…
Bố dạy mình về đức hy sinh...
Bố dạy mình “khiêm xưng hô tôn” với những gì thuộc về văn hóa truyền thống, thuộc về nếp nhà..
Bố dạy mình nhiều lắm lắm!
Có những điều mình học được, có những điều mình vẫn còn đang cố gắng thấm nhuần.
Nhưng mình hiểu sâu sắc rằng, những bài học của bố chính là hành trang quý báu theo mình suốt cả cuộc đời…
Chiều nay, sau nhiều ngày vắng bố, mình trở về nhà khi ngoài trời oi nồng, ngột ngạt, khi trong lòng cuồn cuộn những nỗi thất vọng, u buồn.
Bước vào nhà, mình bỗng thấy lòng dịu dàng trở lại, lặng lẽ thắp nhang đèn dâng bố và mải mê ngắm nhìn bố trong di ảnh.
Lòng rưng rưng nhớ đến hai ngón tay bố giơ lên làm biểu tượng “chiến thắng” mỗi khi chụp ảnh. Tươi ngần, thơm thảo và rạng rỡ...
Nên mình chưa từng tiễn bố ra khỏi nhà.
Bố vẫn ở lại đây cùng với nếp nhà bố đã gầy dựng và với nụ cười mãi mãi lấp lánh trong trẻo rạng rỡ của Người.
Bất giác, mình thở ra một hơi nhẹ nhõm…
Hơi thở có hình nụ cười tròn đầy và viên mãn…