Áo vàng, trong bài “nói xấu” mình gần đây, có kể đến việc, mình luôn coi Facebook là cuộc đời. Ừ, mà ngẫm lại thấy đúng là như vậy.
Hình như mọi người ưu ái cho mình nên những gì mình viết luôn có một lượng bạn đọc ổn định (dù nhiều bài dài lê thê). Mọi người đọc, cảm nhận rồi like, rồi vào comment bằng những tình cảm sẻ chia rất chân tình. Nên mình thấy lòng ấm áp và luôn cảm nhận dường như có một cuộc đời rất thật hiện hữu trên Facebook.
Ảo sao được khi nhờ Facebook mà mình có được những người bạn thân thiết ở mãi mảnh đất phương Nam xa xôi. Hễ nghe tin mình vào trong đó công tác là tíu tít hỏi thăm, là nao nức đón rước. Rồi nắm tay bá vai rủ nhau đi uống café. Rồi cùng nhau hàn huyên như người thân lâu ngày gặp lại... Ríu ra ríu rít, lí la lí lắc. Ngày Nam trở lại Mỹ học tập, gia đình các cô chú còn đặt vé dắt díu nhau ra Hà Nội tiễn cháu. Hôm ấy Sài Gòn mưa tầm tã, nước ngập đường băng, máy bay bị delay mấy lần, quá nửa đêm các em, các cháu mới tới nhà mình. Cả nhà mình cảm động đến trào nước mắt. Vậy mà, đêm hôm sau, vừa tiễn nhà mình lên máy bay, mọi người lại tất bật trở lại Sài Gòn. Ngoái nhìn mấy em, mấy cháu hối hả khuất vào màn đêm, thấy lòng mình ngân lên thiết tha những giai điệu không lời của bài ca tình người nồng hậu.
Ảo sao được khi nhờ có Facebook mình có thêm một cô em gái ở miền Trung. Hôm cả nhà vào Nghệ An, Hà Tĩnh, cô lái xe đưa đi thăm thú khắp nơi. Ngồi lái xe mà mặt bịt kín mít vì sợ cháy nắng. Mình vừa buồn cười vừa thương. Chắc bình thường thì toàn là chồng chở đi nhưng vì có anh chị từ Hà Nội vào nên cố. Mấy ngày nhà mình ở trong đó lúc nào cũng ríu ra ríu rít đón đón đưa đưa, không rời nửa bước. Rồi trổ tài nấu nướng. Rồi bán bán mua mua. Rồi tổ chức giao lưu giao liếc như thể nếu không có anh chị vào thăm dễ là em thất nghiệp. Lúc chia tay, đùm rúm chất cả đống quà lên tàu mà toàn quà quê thứ thiệt. Nào là bánh kẹo, bưởi, ổi, nào là nước mắm, rau rợ. Mình bảo: Anh bị tiểu đường mà em “nhồi” lắm bánh cu đơ thế này lỡ anh ăn nhiều đồ ngọt mà “cu” bị... “đơ” thì sao. Nghe xong, má đỏ bừng, cười lỏn lẻn, hệt như cái đứa em gái “quê mùa đến phát cáu” của mình. Muốn quát lên một tiếng rằng sao phải bày vẽ nhiêu khê thế nhưng tự nhiên cổ họng cứ nghẹn ứ. Ra đến bến tàu rồi, sợ tàu chạy, mình bảo thôi em và cháu về đi nhưng còn cứ nấn ná mãi. Rồi nắm tay nắm chân Áo vàng, rồi xoa mãi cái bụng thằng Bếu, rồi dúi phong bì vào tay nó dặn con đi may mắn nhé. Tàu chạy, vẫn thấy hai mẹ con cô ấy đứng lúp xúp trong nắng nở nụ cười hiền thật là hiền. Người đâu mà thương thật là thương...
Ảo làm sao được khi nhờ có Facebook mà mình quen được bao nhiêu là người nổi tiếng. Toàn những nhà văn, nhà báo mình mê tít thò lò từ thuở thiếu thời. Có nhà thơ danh tiếng còn ưu ái đến mức gọi gia đình mình là “một trong những gia đình tuyệt vời”, coi Nam Bếu như “một thần đồng đích thực”. Ngày nhà mình ra sách, anh bỏ cả buổi giao ban quan trọng để đến dự và phát biểu những lời yêu thương chan chứa. Lại có nữ nhà báo tài năng, nhìn ảnh trên avatar thấy quá trẻ quá xinh nên mình xưng “anh, em” ngọt xớt. Sau rồi chắc chị biết mình nhỏ tuổi hơn chị, để tránh cho mình khỏi “lố”, chị ý nhị nhắn tin: Cảm ơn anh, dẫu tuổi là em. Vì sự ái mộ bậc thầy văn chương, chữ nghĩa nên đành lép vế vậy... Đã thế chị lại còn hào phóng phong cho mình danh hiệu “nhà giáo ưu tú” (dù mình chỉ thích iu...tí), “nhà văn xuất chúng của tình đời tình người” (dù từ thuở cha sinh mẹ đẻ mình chẳng biết cái hội nhà văn nó mồm ngang mũi dọc ra răng). Dẫu chẳng được chút mảy may như lời khen tặng của chị, mình vẫn vui cu ti củ tỉ.
Cũng nhờ Facebook mình còn có may mắn được kết bạn với một nữ thi sỹ mà cả tên gọi và tâm hồn chị đẹp dịu hiền như mây mùa thu. Mình thần tượng thơ chị từ thời trai trẻ. Giờ quen thân rồi cứ thấy chị thương yêu gụi gần như là chị gái. Có lần mình định dừng Facebook một thời gian, chị âu yếm nhắn tin: Chỉ vài dòng thông báo thôi, em đã khiến chị lo âu, nhưng rồi đọc kỹ lại, nghĩ kỹ lại, chị tin rằng sau chút bất trắc về sức khỏe, với sự chăm sóc của người vợ tri kỷ, với lòng thương yêu vô bờ bến của con trai, với những trân trọng và thương quý của bạn bè khắp nơi, cả với sự công bằng của của trời đất, rồi Đỗ Xuân Thảo sẽ tuyệt đối an toàn, không phụ lòng chờ đợi của rất nhiều người. Thương yêu em và đại gia đình em, chị luôn mong em an lành, hạnh phúc, vì em xứng đáng. Đừng xa lâu quá em nhé. Đọc những dòng tin nhắn ấy mình không cầm được nước mắt. Và những lời yêu thương nồng ấm như thế đã là nguồn động lực giúp mình trở lại với Facebook, gắng gỏi viết và viết bằng cả tấm chân tình...
Ảo làm sao được khi nhờ có Facebook, mình quen được cả một gia đình, từ mẹ đến các con dâu rể, ai cũng hiền lành, từ tâm, hồn hậu. Hôm mình và Áo vàng ra mắt sách ở Hoàng Thành Thăng Long, cả nhà đều đến dự. Ban đầu mấy mẹ con đứng xa xa, nhìn mình cười mủm mỉm. Đến lúc vãn người mới ào vào rồi ôm hôn lìu nhìu líu nhíu như kiểu thương mến nhau từ thời cao tằng tổ tỉ. Bà mẹ hỏi mình: Ông bà ổn không? Chị Lụa sao rồi anh Thảo ơi? Mình nghe hỏi mà thấy thốn qua tim. Câu hỏi hiền, câu hỏi ấm, câu hỏi thương như người thân trong nhà hỏi nhau. Những thông tin ấy có được chỉ là do chị luôn chăm chú dõi theo những bài mình viết trên Facebook. Cô con gái thì mới lấy chồng, chồng của nó cũng hiền như thế, cười ẻn ẻn nắm tay mình nói: Chú phải giữ sức khỏe, đừng lo lắng nhiều mất ngủ chú nhé. Rồi cả nhà biếu mình một túi ổi to vật vã. Suốt đường về nâng niu túi ổi bên lòng, cả mình và Áo vàng chẳng nói gì mà tự nhiên thấy không gian xung quanh nôn nao mùi hương thanh thao vấn vương đến lạ.
Ảo làm sao được khi nhờ “phây” mà mình được gặp lại thật nhiều thế hệ học trò cũ và có thêm bao nhiêu là “học trò” mới (vì nhiều em, nhiều cháu vì yêu mến mà cứ gọi mình bằng Thầy dẫu mình chẳng được dạy các em, các cháu giờ nào). Vào xem avatar hình dung ra từng khuôn mặt thân quen, vẫn thấy thương thương, nhớ nhớ, quý quý, yêu yêu như thuở nảo thuở nào... Hôm rồi, đọc bài viết của mình, thấy thầy kêu mệt là nao nức hỏi han: Thầy ơi, thầy có sao không, có sao không? Thầy ơi, sao lại ốm, sao lại ốm? Thầy nhanh khỏi còn viết bài cho chúng em đọc chứ! Mình rưng rưng vì những lời hỏi thăm chân tình, ngọt ngào, ân cần. Những lời hỏi thăm mượt như những cánh hoa, nhẹ nhàng, kín đáo và lặng lẽ. Những chia sẻ âu yếm ấy cũng giúp mình ngộ ra rằng, cần phải biết giữ năng lượng để lan tỏa yêu thương, để cho đi mỗi ngày và để biến đời mình thành một bông hoa trong vô tận thời gian mà hữu hạn kiếp người. Còn gì hạnh phúc hơn khi được rực rỡ mỗi ngày, xanh mát mỗi ngày, hồn hậu nở mỗi ngày vào một sáng sương giăng hay một chiều nắng nhạt. Những lời hỏi thăm giản dị nhắc mình nhớ về những ngày thực sự sống.
Ảo làm sao được khi nhờ “phây” mà mình quen ối các em, các cháu chân dài. Viết đến đây bất giác mình nhớ đến một khuôn mặt, một vóc dáng đã trở nên quá thân thuộc với cả nhà. Em ấy đẹp một cách hồn hậu và rất dễ thương. Nụ cười như đoá hoa hàm tiếu và tấm lòng thì nồng ấm thương yêu. Dịp Đầu đinh tổ chức đêm nhạc từ thiện “Hát cùng những niềm vui”, chính em là người trao tặng số tiền thuê địa điểm tổ chức, rồi nao nức mua vé, rồi tay năm tay mười quay phim, chụp ảnh. Em thương Đầu đinh nhà mình bằng tình thương yêu của người mẹ dành cho đứa con trai bé bỏng, hễ gặp là thơm, là ôm ấp, là xuýt xoa nắc nỏm: Ôi cô yêu lắm í, yêu lắm í... Không hiểu sao mỗi lần nghĩ đến em, mình lại lẩn mẩn thương về những bông hoa cúc dịu dàng, cứ vàng đắm đuối trong nắng thu rười rượi, cứ bồi hồi nở trong sâu thẳm lòng nhau.
Nhờ Facebook mà mình được biết, được hiểu và trân quý những điều đẹp đẽ thế, ai bảo Facebook là ảo nhỉ.
Ảo sao được khi nhờ có Facebook mà mình hiểu thêm biết bao người. Qua từng trang cá nhân của mỗi người, thấy từng cuộc đời hiện ra. Người nóng nảy bộc trực, người tốt bụng hiền hòa, người “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”, người hiểu biết uyên thâm, người xuề xòa đơn giản... Cũng đôi khi có cả những người không tốt. Nhưng có sao đâu, giống như cuộc đời mà, có người này người kia.
Mình nhớ ngôi nhà của bố mẹ ở quê ngày xưa. Dẫu nhà cửa đơn sơ tường đất mái rạ nhưng hàng ngày bố mẹ không quên kê ở lối vào đầu ngõ một cái chõng tre. Trên mặt chõng đặt tích chè xanh, mấy cái bát và chiếc điếu cày, dư dả thì có thêm mấy củ khoai, củ sắn hoặc vài quả khế...
Chỗ này là nơi dành cho những người quê đi chợ hoặc đi làm đồng ghé ngang qua nghỉ chân uống chén trà, hút điếu thuốc vì nhà mình ở ngay đầu chợ. Có khi tinh sương đã có người ghé vào. Họ gánh gồng bó rau, mớ tép, giỏ cá, rổ khoai, thúng thóc... tất cả còn đẫm rợp sương sớm. Họ rôm rả nói cười, họ hào sảng hỏi to từ đầu ngõ: Ông bà Tẩu dậy chưa? Mình co ro trong ổ rơm mặm muội, lắng nghe tiếng nói cười từ ngoài vọng vào mà thấy lòng ấm áp. Những thanh âm cuộc sống ấy chảy tràn qua màn sương, hòa cùng tiếng lích rích của mấy chú chim se sẻ nơi đầu hồi thành một khúc ca ngân nga, vui nỗi vui mơ hồ mà dịu nhẹ.
Cũng có khi họ ào vào khi tan chợ, ai nấy đẫm mồ hôi. Họ giục nhau ra giếng rửa mặt mũi chân tay, họ nói chuyện với nhau về giá chè, giá rau, giá thóc. Họ mang cái hồn nhiên, chất phác của người nông dân ùa về đầy chật góc sân.
Nhà mình còn có một chiếc phản gỗ chuyên để dành cho những đội văn nghệ ở xóm khác sang xóm mình biểu diễn đến ngủ nhờ.
Mỗi lần họ ghé qua là một lần mình sung sướng đến nghẹt thở.
Mình ngắm chăm chú những bộ quần áo biểu diễn đầy màu sắc.
Mình nhìn như thôi miên vào bộ trống chèo.
Đêm đêm, mình như bị hút hồn bởi tiếng hát chèo lả lơi của những “diễn viên” nông dân dễ thương nhường ấy. Trong ánh trăng bàng bạc của làng quê yên ả, những âm thanh ấy đưa mình bay lên, bay lên.
Ngày ấy nhà mình nghèo lắm, nghèo đến mức cùng đinh trong làng nhưng ai ai cũng muốn ghé vào. Chẳng ai ngại ngần. Chẳng ai phân bì. Nhà mình đón những vị khách lạ lạ quen quen ấy như đón những người thân lâu ngày ghé lại. Họ thân tình đến nỗi có những người dễ đến mấy chục năm sau, khi đầu hai thứ tóc mới quay trở lại vẫn đứng tần ngần nơi góc sân thủ thỉ với bố mẹ mình: Chỗ này là nơi ngày trước con nằm đấy. Chỗ kia đặt cái máy nổ của đội văn công huyện. Chỗ nọ chúng con thường túm tụm chơi tam cúc... Vân vi như kiểu kí ức thơ dại vẫn còn ẩn hiện đâu đây, chỉ cần chạm nhẹ là tất cả ùa về lấp lánh.
Cái thói quen hiếu khách ấy trở thành một phần trong nét tính cách của cả nhà mình. Quen đến nỗi mỗi lần chuyển nhà, mình không quên mua thêm cái màn, cái chăn, để chừa ra cái giường đón khách dù không gian nhà có chật hẹp đến mấy. Vậy nên mùa thi đại học năm nào, nhà mình cũng giống như “nhà nghỉ”. Bà con cô bác khắp làng có con lên Hà Nội thi đều ghé qua. Có người chỉ để uống miếng nước, có người ở lại vài ngày. Họ đi đến đâu để lại “dấu chân” trên nền gạch hoa đến đó. Nhưng có hề gì. Một đời người có mấy lần được ghi dấu những kỉ niệm thân thương như vậy...
Cho nên mặc ai nói gì thì nói, mình vẫn cứ trao gửi niềm tin yêu vào những người bạn mình quen trên Facebook.
Những người mến thân ấy cho mình cảm giác được sống một cuộc đời khác ngoài cái đời sống bất an này. Tất cả bảng lảng như cụm mây chiều bồng bềnh trôi lang thang qua viên miễn những vùng đồi.
Và để mình không có cảm giác cô độc. Như hồi nhỏ lúc nào vo gạo nơi cầu ao cũng có bầy chim sẻ líu tíu giành chỗ đứng cạnh mình.
Ríu rít những thân thương...
Áo vàng đừng có hòng mà “giương đông kích tây”.
Kệ nhá.