Nếu chỉ vì anh vì em
Mỗi ngày anh ngủ hai đêm
Mỗi đêm em ngủ hai giấc
Sở dĩ chúng mình tất bật
Là vì ngoài anh ngoài em...
Nếu chỉ vì anh vì em
Mỗi ngày anh ngủ hai đêm
Mỗi đêm em ngủ hai giấc
Sở dĩ chúng mình tất bật
Là vì ngoài anh ngoài em...
Mình đã đọc đoạn thơ này ở đâu đó lâu rồi nên không còn nhớ nổi tác giả là ai. Nhưng ấn tượng về cụm từ “ngoài anh ngoài em” cứ đeo đẳng mình mãi. Nó lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn của những người biết sống “ngoài anh ngoài em”, biết quên cái tôi của mình để thảo thơm chia sẻ với muôn người.
Càng ngày mình càng thấm thía điều đó...
“Ngoài anh ngoài em” là thả hồn mình đồng điệu với những phận người cần lao, những thân cò thân vạc buôn thúng bán bưng đắp đổi qua ngày.
Nên biết thương đến nhói lòng trước cảnh những người phụ nữ bán hàng rong nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Vậy mà cũng chẳng được yên thân khi công an lúc dân phòng rập rình đuổi bắt. Lông lốc lăn theo chân là vài ba trái ổi, mấy quả chanh, mớ đòng đong cấn tép...
Nên biết thương đến ám ảnh cảnh người phụ nữ quê mùa phải đánh đổi mạng sống của mình để xin chút tiền bố thí nuôi đàn con nheo nhóc...
Nên biết thương đến đứt ruột phận người bọt bèo khổ đến tận cùng. Khi đã trở về với cát bụi mà thi thể vẫn phải lắt lẻo trên chiếc xe máy cà tàng vì gia đình không đủ tiền thuê xe bệnh viện.
Vậy nên, nhiều đêm không ngủ được, nghe những tiếng rao đêm xoáy vào màn đêm thăm thẳm, mình vùng dậy đôi khi chỉ để mua khi thì cái bánh mỳ, lúc chiếc bánh bao, bánh khúc... Rồi lặng lẽ dõi theo những phận người lụi lầm mưu sinh trong khắc khoải. Còn Áo vàng nhà mình thì sáng nào cũng nao nức dậy từ tinh sương đi chợ quê (chợ cóc họp ở ven đường do bà con ở quê ra bán những nông sản, thực phẩm tự chăn nuôi trồng trọt hoặc đánh bắt được). Đi chợ về, hôm thì bùi ngùi kể: Mớ tép này em mua của một bà cụ già lắm, già như mẹ mình ấy. Cụ bảo hai chục nghìn em trả cả ba chục mà mắt cụ cứ rưng rưng. Tội nghiệp, chắc lặm lội cả đêm mới cất được mớ tép. Nên mua xong, trả tiền rồi mà em cứ đứng tần ngần nhìn mãi vào cái vạt nón mê của bà cụ đang cúi gập người trên chiếc rổ trống không. Hôm thì nước mắt vắn dài: Thương quá anh ơi, sáng nay chợ cóc bị công an đuổi. Mọi người chạy tán loạn. Hoa quả, cá mú, thực phẩm rơi tung tóe. Có một bác bán rau bị ngã mặt mũi trầy xước. Mọi người chứng kiến cảnh ấy ai cũng xót xa. Mà sao những người chấp pháp họ vô cảm thế hả anh?
Mình lặng người. Trong đầu là lũ lượt hình ảnh những người dân quê nghèo khó cùng cực: Gánh cực mà đổ lên non/Còng lưng mà chạy cực còn đuổi theo. Trong sâu thẳm lòng mình lại vang lên nhưng nhức tiếng kêu than của những người dân mất đất, của những anh Lê Văn Đó trong văn Hồ Biểu Chánh. Cơ hàn đến mức Đó phải đánh liều ăn trộm nồi cháo dành cho heo để cứu người thân. “Bần cùng sinh đạo tặc”, người thanh niên ấy phải đổi cả tính mạng, danh dự để có được chút thức ăn mà nhà giàu dành cho súc vật. Vậy mà đâu có được. Nồi cháo bị đổ tung tóe dưới đất... Nghĩ đến đây, lòng mình như xát muối, có nỗi chát đắng dâng lên thắt nghẹn. Bao giờ cho dân mình bớt khổ?
Mình nhớ có lần đã đọc cho Áo vàng nghe những câu thơ tả cảnh đồng quê trong mùa lũ lụt của Nguyễn Duy: Năm nay lại lụt trắng đồng/ Quê ta lại tỏng tòng tong mùa màng/ Làng ta lại lóp ngóp làng/ Lòng ta lại ếch nhái hoang cả lòng... Cái tiếng “ếch nhái hoang cả lòng” ấy thành âm thanh da diết lặn vào trong từng tế bào nỗi hoang hoải, đơn côi, tủi cực. Bởi vậy chỉ nhắc đến từ “lụt” thôi là đã thấy thông thốc lùa về những đợt mưa trắng trời và nước đồng duềnh lên mênh mông the thắt. Cả làng nháo nhào. Vàng mắt, bạc mặt vì đói. Ai đã từng trải qua những đận đói như thế mới thấy kinh hoàng thế nào. Trẻ con bị đói càng kinh khủng hơn, lúc nào trong đầu cũng chỉ mỗi một hình ảnh cái nồi bốc hơi nghi ngút và mùi cơm thơm quyến rũ đến mê mị... Giờ thì ít người bị đói nhưng nhìn những người nông dân lầm lụi: Đồng hí húi cố nhân đi cấy /Mông nứt đôi nhẫn nại chổng lên trời mới thấy bức tranh làng quê vẫn muôn phần ảm đạm. Vậy mà nông sản làm ra cứ rẻ như bèo không bao giờ có thể cạnh tranh nổi với hàng Tàu tẩm hóa chất. Xót xa thay!
Nên mình thường nhắc Áo vàng, mỗi lần mua hàng gì đó của những người dân quê thì đừng mặc cả. Và dù có vội vàng, hãy mỉm cười với họ. Mình luôn tin, cái khoảnh khắc của nụ cười trao gửi ấy, sẽ khiến người ta bớt mặc cảm phố phường, bớt đơn côi tủi phận. Và biết đâu nụ cười sẻ chia đồng cảm ấy sẽ giúp đôi bàn chân người quê khi quay về nơi mảnh vườn, thẻo ruộng sẽ bớt phần thập thõm.
Như chị giúp việc nhà mình ấy. Hôm rồi, chị ấy xin về quê rồi điện cho mình nói gia đình không cho đi làm giúp việc nữa. Vài ba hôm sau thấy chị xuống lại, mình hỏi: Anh đồng ý cho chị đi làm rồi à? Chị ấy nhìn xa xăm rồi thật thà: Chả giấu gì chú vừa rồi có người tìm cho chị chỗ làm mới. Nhà họ ở chung cư, không phải leo trèo như nhà chú nên chị nhận lời đến đó làm. Vừa làm vừa nghĩ đến cái lúc chị nói dối chú xin về quê. Ngoài tiền công, chú còn mua quà cho cả nhà chị. Rồi chú biếu chị tiền tàu xe. Trước lúc chị đi chú còn dúi thêm vào tay chị ba chục ngàn, bảo biếu chị tiền đi xe ôm ra bến xe. Dịp Tết năm rồi chú còn thuê cả taxi chở chị về quê... Nghĩ chú tốt thế, ân cần chu tất thế sao chị lại nỡ nói dối chú, nên chị không đành lòng. Chú thông cảm cho chị nhé! Mình an ủi: Em thoải mái mà. Lúc nào vợ chồng em cũng coi chị như người nhà chứ không phân biệt người ăn kẻ ở đâu. Nên khi nào phải về quê chị cứ báo trước vài hôm để em tìm người khác, chứ như hôm rồi chị làm em bị động quá.
“Ngoài anh ngoài em” là xót thương những người công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp bị vắt kiệt sức lao động. Đôi lần đi ngang qua một vài khu công nghiệp đúng giờ tan tầm nhìn những chiếc áo xanh nhàu nhĩ thấm bết bệt mồ hôi, những khuôn mặt phạc phờ, những đôi mắt lặng thầm vô hồn... mình không cầm được nước mắt. Trong hỗn hợp khói bụi và tiếng còi xe chát chúa, họ như bị bạt đi, như sắp bị đánh gục bởi áp lực công việc nặng nhọc và đồng lương rẻ mạt.
Mình và Áo vàng luôn hỏi nhau: Biết bao giờ, những giọt mồ hôi của họ được trả xứng đáng. Một câu hỏi xoáy tận tâm can không lời giải đáp... Trong tiếng Anh, sweet là ngọt ngào, còn sweat là giọt mồ hôi. Hai từ có tự dạng gần giống nhau mà nghĩa khác xa nhau. Biết đến bao giờ với những người công nhân khốn khổ ấy, giọt mồ hôi của họ được đền đáp bằng sự ngọt ngào. Nên hiện tại, họ vẫn ngày ngày sống trong những căn nhà trọ ổ chuột bẩn thỉu, nhếch nhác, ăn những đồ ăn ôi thiu, rẻ tiền. Và những giọt mồ hôi nhua nhúa vẫn cứ tiếp tục âm thầm rơi trong thinh lặng.
Đôi lần về quê, bắt gặp những cô bé quê mùa cọc còi run rẩy lầm lũi đạp xe trở về nhà từ công trường khai thác đá mù trời khói bụi, mình tần ngần rút ví trao cho các cháu mỗi đứa một chút tiền bé mọn. Chẳng bao giờ có thể giúp được tất cả mọi người. Nhưng thôi, đành tự an ủi, biết thương cũng là biết sống...
“Ngoài anh ngoài em” là thương mến và cảm thông vô cùng với những ông bố bà mẹ đang bạc mặt ngược xuôi phố phường kiếm kế mưu sinh. Không những thế còn đau đáu lo cho con học hành, trường lớp. Là tan tầm tất tả đón con trong dòng xe cộ ken dày với bủa vây bất an rình rập. Là mướt mải đưa con đi học thêm sợ con học hành thua thiệt, dù biết có nhồi nhét bao nhiêu thì con học hành cũng chẳng khá hơn là mấy. Là nhịn ăn nhịn mặc để cho con lên thủ đô học đại học. Và rồi lại thảng thốt trước những tin... không cười nổi, kiểu như: Bốn năm trước, tin nóng là một cô bé bán khoai đỗ thủ khoa hai trường đại học. Bốn năm sau, tin nóng là cô bé tốt nghiệp thủ khoa hai trường đại học về quê... bán khoai!
“Ngoài anh ngoài em” là bù chi bù chút cho gia đình họ mạc xóm giềng.
“Ngoài anh ngoài em” là khi bỏ túi rác vào thùng xe rác cũng không quên gói riêng phần thức ăn thừa hoặc để riêng cái lon, cái chai, tập giấy... để người lao công lựa những gì còn dùng được.
“Ngoài anh ngoài em” là mỗi lần nấu đồ ăn, mình dặn Áo vàng nấu dư thêm một chút dành phần biếu người phụ nữ cô đơn trong ngõ xóm.
“Ngoài anh ngoài em” là đi xa về gần đều nhớ mua quà cho cả những những buôn thúng bán bưng đầu ngõ, là thi thoảng chạy sang biếu chút hoa quả cho anh hàng xóm từng hai lần đi tù nhưng giờ đã hoàn lương, là mỗi dịp Tết đến xuân về không quên lì xì cho hết thảy bà con lối xóm...
“Ngoài anh ngoài em” là mỗi lần vào đền chùa, vào siêu thị, nhà hàng hay công sở nhớ bỏ chút tiền nho nhỏ vào hòm công đức.
“Ngoài anh ngoài em” là mỗi lần bơm xe đều chống xe đứng xuống chứ không ngồi chễm chệ trên xe và khi trả tiền nhớ thêm vài đồng tiền lẻ cho ông lão bơm xe già đầu đường.
“Ngoài anh ngoài em” là...
Chả nhiều nhặn gì đâu nhưng mà nặng lòng thảo thơm với hết thảy...
Viết đến đây mình bỗng nhớ lại một câu chuyện của người Indiens Nam Mỹ. Truyện kể rằng: Ở một khu rừng bị cháy trụi. Mọi con vật đều tìm cách để thoát thân. Chỉ riêng có chú chim sâu nhỏ cứ bay đi, bay lại tìm nước bất chấp lửa nóng và khói bụi. Rồi chú ngậm trong mỏ của mình từng giọt nước nhỏ bé thả xuống khu rừng. Nhìn thấy vậy, con Tatou ngạc nhiên hỏi: Này chim sâu, bạn đang làm gì vậy, bạn tưởng là bạn sẽ dập tắt đám cháy bằng những giọt nước đó ư? Chim sâu trả lời: Không, tôi không tin điều đó, nhưng tôi đang làm phần việc của mình...
Bởi vậy, mình tin, nếu mỗi người đều giác ngộ được “ngoài anh ngoài em” là hồn nhiên xả thân làm việc thiện như “... tôi đang làm phần việc của mình” thì xã hội sẽ bớt phần hoang dã và vô cảm.
Đêm nối đêm, những tiếng “ếch hoang cả lòng” cứ day đi day lại trong từng giấc ngủ. Mình lại mơ về cánh đồng mùa lụt, mơ thập thõm những phận người dân lành hiền ngoi ngóp mưu sinh...
Giấc ngủ vì thế luôn bị xé nát.
Nhưng mỗi ban mai thức dậy, nhìn những người thợ lầm lũi nhào trộn bê tông trong trùng trùng khói bụi, nhìn những người buôn thúng bán mẹt chấp chểnh mưu sinh, nghe những tiếng rao đục khàn chấp chởi... lại thương đến hõm cả người...
Và lại “ngoài anh ngoài em” như cái bản tính nan di chẳng thể nào khác được của mình.