Già rồi nên thường hay lẩn mẩn nghĩ ngợi chuyện nọ xọ chuyện kia. Có lần mình bảo Áo vàng: Anh có quá nhiều dấu mốc để điểm lại những chặng đường đời mình đã trải qua nên chưa biết tính cách nào hay ho nhất.
Có thể đó là mốc của những lần chuyển nơi học, từ góc làng Nghè nghèo khổ lên phố huyện, xuống thành phố Nam Định rồi lên Hà Nội.
Có thể đó là mốc của những năm tháng hàn vi buôn bờ bán bụi, nay ngược Thái Nguyên buôn trà, mai sang Bắc Ninh buôn rượu, kia xuôi về quê, vô Thanh, Nghệ buôn ớt bột, lạc, trứng vịt lộn, vịt, gà, cua cáy...
Có thể đó là mốc của những lần sang tận Campuchia, tiếng là đi làm chuyên gia nhưng dạy thì ít mà quăng quật với “hàng nghĩa địa”, dép tông Thái, quần áo “si đa”, cao trăn… thì tạp phí lù.
Có thể đó là mốc của những năm tháng ở xứ sở Mặt trời mọc, làm việc bên những người bạn Nhật hiền lành uyên bác và sinh con với một tổ ấm gia đình bé nhỏ, dẫu xa xứ mà ngập tràn hạnh phúc.
Có thể đó là mốc những lần… thay mái nhà, từ nửa gian nhà lợp nứa khô mưa dột tứ bề đến mái nhà lợp giấy dầu mùa hè nóng như rang như luộc. Rồi trải qua bao năm tích cóp căn cơ mới có căn nhà tường xây mái ngói...
Có thể đó là…
Đang liên thiên với lông bông những hoài niệm, bỗng nghe Áo vàng thẽ thọt: Thôi, anh cứ tính mốc hơn năm mươi mùa “khoai sọ thối” của anh bằng những “mối tình câm, mối tình nói và mối tình bỏ dở” đi cho lành. Hết yêu cô này chuyển sang cô khác, loanh quanh mà cũng tốn cả mấy chục năm trời.
Mình giật thót người thầm nghĩ, thì ra phụ nữ tài thật, họ luôn có khả năng thiên tài là biến những việc vô cùng trong sáng thậm chí rưng rưng cảm động thành những việc rất chi là “trong tối”.
Nhưng mình thì không thèm chấp. Nam nhi đại trượng phu, ai hơi đâu đi để ý mấy câu nói “dìm hàng”.
Ừ nhưng mà, chính cái điều Áo vàng nói lại khiến mình... mênh mang nhớ mẹ.
Vì nhờ có mẹ, mình mới thật sự thấu hiểu dấu mốc của… muôn vàn những yêu và thương đích thực.
Có mẹ, mình biết yêu gian bếp nhỏ. Hồi nhỏ, đâu có biết yêu quê hương đất nước là gì. Có lần được vào Bồng Lạng đun xe chở muối cùng bố. Đến Phố Cà, bố chỉ con đường nhựa dài tít tắp rồi bảo: Đây là con đường dài nhất nước, dài hàng ngàn cây số đến tận mũi Cà Mau đấy con à. Mình đã vô cùng kinh ngạc bởi đối với mình, mũi Cà Mau hay địa đầu Móng Cái chỉ có trong trí tưởng tượng chứ bới đâu ra cái con đường dài như thế...
Nên mình yêu cái bếp nhà mình ghê gớm mặc dù nó chẳng có gì khác thường. Bếp nằm phía trái nhà, mặt trông ra khoảng sân nhười nhượi nắng. Cửa bếp thấp nên mỗi lần vào cứ phải cúi khom người. Sân nắng là thế nhưng trong bếp bao giờ cũng tôi tối, âm ẩm. Phía dưới bố dùng đất sét đắp bếp để đun. Một cái bếp đơn bằng ba ông đầu rau. Một bếp lò chuyên nấu rượu, đun cám lợn. Áp tường đất là cái chạn úp bát đĩa và treo lủng lẳng nồi niêu xoong chảo… Cái nào cái nấy ám khói đen sì hưng thơm nức mùi rơm, mùi cá kho, mùi trấu đượm nồng. Sát gian bếp là chuồng lợn. Phía trên chuồng lợn là cái gác chất đầy chất đốt với lủng củng củi, cỏ khô, rạ rơm. Thi thoảng, bị mẹ mắng mình thường trốn lên đó vùi mình trong rơm, trong cỏ ngủ ngon lành…
Tường bếp trát bằng rơm nhào bùn. Mái bếp thì lợp rạ. Nấu cơm vào những hôm trời mưa, từng giọt nước chui qua mái rạ lách tách rơi xuống vung nồi cơm cháy xèo xèo.
Và ôi chao mơ màng là lọn khói bếp bay la đà những hoàng hôn tím thẫm. Mình không bao giờ có thể phác họa được vẻ đẹp đượm đà của làn khói mỏng mảnh trôi miên man từ mái bếp. Mỗi chiều đi học hay từ ngoài đồng về, mình cứ đứng lặng người trước vẻ đẹp giản dị mà khó có thể gọi thành lời ấy.
Và từ gian bếp, mình biết đến khái niệm “thân thương” và “gắn bó” bằng những đường nét thật mộc mạc. Ấy là khi mỗi chiều, thấy mẹ lui hui trong bếp. Mẹ nấu ăn không giỏi như bố. Mẹ cũng không hay vào bếp như bố nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần nhìn thấy mẹ khom người cầm rổ rau, rá gạo, mớ tép, củ khoai ngang qua cửa bếp là tim mình dội lên những thanh âm êm ả, dịu lành.
Sau này khi xa quê, có những buổi chiều nhưng nhức nhớ, mình cứ vẽ mãi trong đầu về hình ảnh mẹ với bếp. Và câu thơ trong bài tập đọc thuở ấu thơ lại hiện về: Thôn xóm đã lên đèn/ Cơm chín thơm làn gió…
Vậy là, có những yêu thương được đắp bồi một cách vô cùng giản dị và quyến thuộc, chẳng cần dùng ngoa ngôn hay khoa trương mỹ từ gì mà vẫn đọng lại trong tâm hồn ta một cách “tự nhiên như nhiên” thế đó.
Mình nhớ mang máng nhà văn Võ Hồng từng viết: Muốn yêu một quê hương cũng không phải dễ. Sao không thong thả như con chim bay về cái tổ của nó.
Ừ nhỉ, đời người vội vàng lắm, bon chen nhiều lắm, ganh đua nhiều lắm, trần ai lắm, có phải thong thả như chim được đâu.
Chỉ có hình ảnh mẹ chui ra chui vào gian bếp mỗi hoàng hôn là ở trong trí nhớ mình thật thong thả, dịu dàng, viên miễn cùng với những niềm dấu yêu thao thiết.
Mình biết yêu có lẽ bắt đầu từ khi ấy.
Có mẹ, mình biết yêu những ngọn đèn. Hồi đó nhà mình nghèo nên đèn bấc thắp bằng dầu ma zút cũng phải tiết kiệm. Mỗi buổi tối, mẹ chỉ cho thắp đèn học bài đến 10 giờ tối. Mình lọ mọ một mình một bóng với cây đèn leo lét, muội dầu bốc lên ám đầy mặt. Sáng nào tỉnh dậy ngoáy mũi cũng đầy lọ nghẹ.
Cũng bên ngọn đèn ấy, mẹ mình thường ngồi khâu vá, ngồi bóp đôi bàn chân nứt nẻ rồi than vãn chuyện bao đồng.
Mình nhớ dáng mẹ in trên mảng tường cong cong như hình trăng khuyết. Chỗ cái lưng hơi gồ lên. Cả cái búi tóc đong đưa, đong đưa...
Sau này lập thân lập nghiệp, đôi khi một mình trong gian phòng vắng, nhìn cái bóng mình trên tường thấy quen quá. À, vì giống như bóng mẹ. Một ngọn đèn, một cái bóng, cứ thế nằm mãi trong lòng, bứt dứt, trở trăn mà chan chứa yêu thương.
Nhớ những đận đi tàu hỏa, khi tàu hú còi lao vào màn đêm, qua mỗi trạm gác nhìn thấy người gác tàu cầm cây đèn đứng lặng trên sân ga, đợi cho đoàn tàu rầm rập lao qua, chẳng hiểu sao mình nhớ mẹ đến ứa nước mắt.
Cái công việc lặng lẽ cần mẫn của người cầm ngọn đèn hướng con tàu băng mình lao về phía trước khiến mình cảm nhận rõ hơn thế nào là đơn độc và nhẫn nại.
Và ôi chao là giống mẹ.
Cứ thế mà yêu biết bao nhiêu những ngọn đèn.
Có mẹ, mình biết yêu cái rổ, cái rá, cái giần sàng nong nia thúng mủng mẹ thường hong gió ngoài sân hay vo gạo đãi thóc.
Có mẹ, mình biết yêu những cây rau tập tàng, những ngọn khoai, ngọn ổi, nắm mồng tơi, mấy quả mướp mẹ vun trồng rồi mẹ nấu canh mỗi trưa hè tháng Sáu.
Có mẹ mình biết yêu và cưới… Áo vàng.
Cho đến trước lúc gặp cô ấy, mình đã dẫn về nhà 5, 7, 9, 10 cô với ý đồ “ra mắt”. Nhưng chỉ đến khi gặp Áo vàng, mẹ mới gọi mình ra góc vườn thì thầm: Mẹ 70 tuổi rồi con à, mẹ không nhầm đâu, con lấy nó được đấy.
Ơ lạ nhỉ, trong khi các cô khác mình dẫn về nhà có khối cô chân dài đến nách, da trắng tóc dài. Em nào cũng ngoan hiền cũng một điều bu hai điều bu mà chẳng thấy mẹ ý kiến ý cò gì. Vậy mà mẹ lại mê cái cô thấp tẹt, mặt lúc nào cũng lơ ngơ như bò đội nón.
Nhưng rồi, là nhờ có câu nói của mẹ khiến mình với Áo vàng đã cùng nhau vượt qua bao nhiêu lận đận, bão giông, bao lần cãi cọ “nộ khí xung thiên”. Để mà đồng cảm, chia sớt và gắn bó…
Thế chẳng nhờ mẹ mà mình biết yêu là gì.
Ai nói mình “lệ thuộc” vào mẹ cũng kệ. Mẹ mình càm nhàm suốt ngày, giận dỗi suốt ngày. Ở với mẹ, hai vợ chồng loay hoay “đuổi hình bắt chữ” suốt ngày.
Nhưng cũng vì thế mà yêu thương đầy lên. Nhưng cũng vì thế mà trân quý hơn từng ngày mình đang sống và tận lòng cống hiến.
Nhưng cũng vì thế mà nâng niu những gì trôi qua thường ngày trong giản dị âm thầm…
Như mùa xuân có hoa xoan nở, như mùa hè có tiếng ve kêu.
Chẳng có gì khác thường nhưng mà yêu
thương mà quyến luyến vô bờ...
Vì mẹ là MẸ.
Vì mẹ là TỔ ẤM.
Mà ai chẳng yêu TỔ ẤM của mình cơ chứ!