Tăng lữ đảm nhiệm vai trò phân phát thức ăn được gọi là Jounin. Trước hết, vị tăng lữ này sẽ lau sạch phần viền tấm chiếu tatami bằng khăn lau (khăn ẩm và sạch). Sau đó, các vị tăng lữ sẽ đặt bộ bát lồng lên trên phần viền này.
Sau âm thanh của “Giới xích” (tiếng kêu giống như tiếng mõ đuổi chim), các vị tăng lữ sẽ hô vang bài kệ “Triển bát,” sau đó sắp xếp bộ bát lồng vào các vị trí dựa theo trình tự đã được quy định sẵn. Sau khi quan sát các tăng lữ đã bày biện xong bộ bát lồng, Jounin vốn đang đứng tại khoảng trống ở giữa tăng đường (vị trí Jounin chờ đợi và chuẩn bị chiếc xô dùng để phân phát thức ăn) sẽ bước vào nội đường (bên trong tăng đường), bắt đầu chia đều cháo cho các tăng lữ. Các vị tăng lữ ngồi tại nội đường sẽ hô vang bài kệ “Tên mười vị Chư Phật”.
Khi chưa nhận được thức ăn, thông thường, các tăng lữ sẽ tọa thiền và kiên nhẫn chờ đợi. Khi Jounin đi tới trước mặt, tăng lữ sẽ hành lễ, cầm bát bằng cả hai tay, đưa cho Jounin và nhận phần thức ăn của mình.
Về phần súp, tăng lữ sẽ trao bát tận tay cho Jounin. Jounin nhận bát, chia súp bằng muỗng.
Khi Jounin đã phân phát cho lượng thức ăn vừa đủ, tăng lữ sẽ ngửa lòng bàn tay, đặt ngang bằng với chiếc bát và di chuyển lên xuống. Đây là hành động truyền đạt tới Jounin rằng: “Tôi đã nhận được lượng thức ăn vừa đủ rồi”. Một khi đã nhận thức ăn, tuyệt đối không được để thừa. Chỉ nhận lượng thức ăn bản thân có thể ăn hết. Với lượng thức ăn không thể nào ăn hết, ngay từ đầu tuyệt đối không được phép nhận lấy. Sau khi được phân phát thức ăn, tăng lữ sẽ lại tọa thiền và chờ đợi.
Khi thức ăn đã được chuyển tới toàn bộ tăng lữ, tiếng chuông “Giới xích” reo lên, mọi người sẽ tiếp tục hô vang hai bài kệ “Năm phép quán” và “Ba phép chủy”.
Sau đó, đặt thìa vào bên trong chiếc bát lớn nhất được gọi là bát cả, đôi đũa sẽ được đặt trên chiếc bát nằm ở chính giữa, đầu đũa hướng về phía bên tay phải của mình.
Ở đầu thanh lau bát (thanh gỗ được quấn vải ở một đầu), xếp một vài hạt gạo lên trên, có thể là hạt gạo sống, sau đó Jounin sẽ tới và lấy đi.
Gạo sống sau khi được thu gom và tập trung lại sẽ được mang đến khu vườn phía sau thiền đường, đặt lên phiến đá mang tên “Đài gạo sống”. Số gạo sống đó sẽ ngay lập tức chui tọt vào trong bụng của những chú chim bồ câu nhỏ.