Không phải chỉ có chuyện ăn uống. Thiền viện Eihei cũng coi việc nấu ăn là một hình thức tu hành Phật đạo quan trọng. Tại khu bếp của thiền viện (tiếng Nhật gọi là Tenzaryou – một trong sáu khu vực quan trọng của những thiền viện theo phái Thiền), tất cả mọi việc liên quan đến nấu ăn đều phải được thực hiện theo nghi thức vô cùng nghiêm ngặt được quy định từ trước. Trong khu bếp Tenzaryou (nơi các tăng lữ nấu ăn, cung cấp thức ăn cho các tăng lữ tu hành tại thiền viện), cũng có những người mới gia nhập thiền viện, chưa hề có kinh nghiệm. Nhưng trải qua vài tháng, những người mới đó đã có thể chế biến ra những món ăn cầu kỳ giống như những người vào trước dày dặn kinh nghiệm. Để làm được như vậy, chắc chắn nghi thức nấu ăn được thực hiện tại thiền viện đóng giữ một sức ảnh hưởng vô cùng lớn.
Trong cuốn Điển tọa giáo huấn, thiền sư Dogen có nhấn mạnh nhiều lần rằng, nấu ăn chính là một công việc cao quý. So với ăn, hẳn nấu ăn không phải là một điều kiện cần thiết để sống và tồn tại. Tuy nhiên, tại sao lại coi trọng việc nấu ăn đến vậy?
Tiếp tục nghiên cứu cuốn Điển tọa giáo huấn, tôi đã nghiệm ra một chân lý vô cùng thú vị. Đó chính là, bản thân thiền sư Dogen khi còn trẻ cũng đã từng không coi trọng việc nấu ăn.
Thiền sư Dogen sinh năm 1200 Dương lịch tại Kyoto. Năm mười bốn tuổi, thiền sư Dogen rời bỏ gia đình, đến xuất gia tại chùa Enryaku trên núi Hiei, Nhật Bản. Năm 1223, tức khi hai mươi tư tuổi, thiền sư Dogen đã đi theo tiếng gọi của đạo Phật, vượt đại dương để đến Trung Hoa học đạo.
Cập bến cảng Ninh Ba, Trung Quốc, trong khi chờ lệnh cho phép lên đất liền, một thầy tu già đã leo lên con thuyền đang thả neo trên cảng để tìm kiếm nấm hương. Thầy tu già ấy chính là nhà sư đứng đầu khu bếp Tenzaryou trên núi A-dục Vương cách cảng Ninh Ba khoảng hai mươi cây số. Thầy tu già nói rằng thầy đã vượt qua một quãng đường dài đến đây để tìm kiếm món gì đó ngon lành cho những nhà sư đang một lòng nguyện chí tu hành. Cuộc gặp gỡ với thầy tu già ấy là một cú đả kích lớn tới thiền sư Dogen.
Thiền sư Dogen cùng thưởng trà với thầy tu, người hỏi khi nào thầy tu già sẽ quay trở về thiền viện. Thầy nói, vì thầy chưa được cho phép qua đêm bên ngoài thiền viện nên sau khi lấy được nấm hương, thầy sẽ ngay lập tức trở về. Đứng trước thầy tu già tuy đã ngoài lục tuần nhưng vẫn cố gắng hết mình để thực hiện công việc, thiền sư Dogen cất lời hỏi:
“Cớ sao một người đã nhiều tuổi như thầy lại không tọa thiền, tu hành, tụng những bài kinh cổ cho lớp tăng lữ trẻ tuổi? Cái công việc ở trong gian bếp nhàm chán và phiền phức ấy thì có gì tốt thưa thầy? Chẳng phải tốt hơn là giao phó lại cho những tăng lữ trẻ tuổi hay sao?”
Thầy tu già bật cười, đáp lại:
“Này cậu thanh niên trẻ tuổi đến từ đất nước Nhật Bản, có vẻ cậu vẫn chưa biết tu hành là gì. Thế nhưng, tôi biết, nếu là cậu, khoảnh khắc giác ngộ nhất định sẽ tới”.
Bị đáp trả như vậy, thiền sư Dogen rất đỗi xấu hổ. Thầy quay lại hỏi:
“Tu hành là gì ạ?”
Lắng nghe thiền sư Dogen lại một lần nữa đặt câu hỏi, thầy tu già trả lời:
“Có lẽ nếu tôi không lờ đi câu hỏi này của cậu, cậu sẽ có thể giác ngộ đạo lý tu hành đúng không?”
Thu vào tầm mắt dáng vẻ chẳng thể lý giải nổi của thiền sư Dogen, thầy tu già tiếp lời:
“Nếu như cậu vẫn không thể tự mình lĩnh hội, bất cứ lúc nào tôi cũng hoan nghênh cậu đến núi A-dục Vương. Khi ấy, hãy cùng nhau đàm đạo”.
Nói xong, thầy tu già đứng lên, trở về thiền viện trước khi hoàng hôn buông xuống. Sau đó, trong cuốn Điển tọa giáo huấn, thiền sư Dogen có viết rằng: “Dù thế nào đi nữa, thầy tu già làm trong khu bếp chính là đại ân sư của tôi, nhờ có thầy, rốt cuộc tôi đã có thể giác ngộ được chân lý của tu hành”. Đây là dòng chữ thiền sư Dogen viết sau khi có cuộc tái ngộ với thầy tu già. Nếu như không có lần gặp gỡ với thầy tu già đó, có lẽ phái Thiền cũng sẽ không coi trọng việc nấu ăn đến vậy. Thời gian sau, thiền sư Dogen gặp gỡ vị thiền sư Như Tịnh, thừa kế “Phật pháp chánh truyền” hay chính là những lời răn của Đức Phật. Sau đó người quay trở về Nhật Bản.
Lời răn của Đức Phật chính là lời răn của Đức Thích Ca Mâu Ni. Nói tóm lại là Phật giáo.
Những lời răn này chẳng thể nói ra được thành lời, giống như câu nói “Bất lập văn tự,” “Dĩ tâm truyền tâm”. “Bất lập văn tự” chính là mọi lời răn của Đức Thích Ca Mâu Ni không ràng buộc vào ngôn ngữ, hay chỗ chân thật của Pháp môn Thiền học không thể nào thể hiện hết được bằng văn tự của thế giới này. “Dĩ tâm truyền tâm” là dùng tâm để truyền tâm, không lập văn chữ, không nhờ vào kinh luận, dùng gương tâm chiếu vào nhau để truyền Phật pháp. Lời răn của Đức Phật được truyền lại bởi những đệ tử của người như tôn giả Ma-ha-ca-diếp, rồi đến đệ tử tiếp theo là tôn giả A Nâu Đà La…, từ người này tới người kia, từ thời đại này sang thời đại khác. Nếu tính từ Đức Thích Ca Mâu Ni, thiền sư Dogen là đệ tử thứ năm mươi mốt.
Cách truyền Phật pháp từ sư phụ cho đệ tử như vậy trong phái Thiền được gọi là “Trao truyền Y Bát”. “Trao truyền Y Bát” tương truyền được coi là minh chứng cho việc Đức Thích Ca đã truyền Phật pháp cho đệ tử đầu tiên của mình là tôn giả Ma-ha-ca-diếp. “Tương truyền Y Bát” bắt nguồn từ điển tích nhà sư đã truyền đi Y (Y phục) và Bát (Bộ bát lồng) – thứ mà vốn dĩ chỉ mình người có quyền sở hữu. Mặc dù không có bằng chứng nào chứng minh Y Bát có thực sự được truyền lại hay không nhưng chắc chắn trong phái Thiền, có thể khẳng định một điều, nấu ăn là một công việc rất được coi trọng. Phái Thiền cũng chính nơi mà “Nghi thức của Y Bát” được kế thừa và truyền lại nhờ các sư thầy.