Kết thúc quá trình học đạo tại Trung Hoa, người trở về Nhật Bản. Khi thiền sư Dogen quay trở về thiền viện Kennin, lúc đó người hai mươi tám tuổi. Khi được hỏi mình đã học được gì trong quãng thời gian tại Trung Hoa, thiền sư trả lời: “Mắt ngang mũi dọc, tay trắng hoàn hương”. Tám chữ của người ứng với ý nghĩa: “Ta trở về nhưng không mang theo bất cứ thứ gì. Phật đạo vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống bình thường đến đương nhiên như quy luật hai con mắt nằm ngang, lỗ mũi thì đứng thẳng”.
Những đệ tử tu tâm theo Phật đạo dưới sự giảng dạy của thiền sư Dogen đã cùng nhau tập hợp, xây dựng nên tông đường chính thức tận sâu bên trong núi tại thành phố Echizen, tỉnh Fukui, Nhật Bản. Trải qua mười năm kiên trì và khổ cực, cuối cùng thiền viện Eihei đã được hoàn thành. Trong thiền viện lưu giữ hai cuốn sách Điển tọa giáo huấn và Phó chúc phạn pháp.
Khi số lượng người đến tu hành chỉ ở con số nhỏ, họ được truyền đạt những việc mà tưởng chừng như “đương nhiên” ấy. Tuy nhiên, khi số lượng người đăng ký tăng lên, quy mô của tập thể lớn dần, thì việc truyền đạt những nghi thức dường như là “đương nhiên” ấy không còn được thực hiện nữa. Nếu chỉ tập trung dạy những điều đương nhiên mà ai cũng biết như nấu ăn là vô cùng quan trọng thì sẽ bị coi là “những kẻ lắm chuyện lo việc dư thừa”. Có lẽ chính vì thiền sư Dogen nhìn thấu được vấn đề ấy nên người đã ghi chép lại những việc mà bị coi là “đương nhiên”. Người miệt mài biên soạn đến mức không màng tới ăn uống.
Nhờ vào những nội dung được lưu lại trong hai cuốn sách này, nghi thức dùng bữa và nấu ăn được thực hiện như một “lẽ đương nhiên” từ xa xưa đã được truyền tải cho lớp hậu thế một cách rõ ràng và chính xác.
Trong cuốn Phó chúc phạn pháp, thiền sư Dogen buồn rầu, lên án gay gắt tình trạng coi thường nấu ăn và dùng bữa tại Nhật Bản thời đó, người coi thái độ đó “không khác gì muông thú”. Thiền sư Dogen viết: “Pháp đẳng thực đẳng”. Phật pháp và ăn uống là “bình đẳng,” người khẳng định ăn và nấu ăn là một công việc quan trọng và cần thiết trên con đường tu hành Phật đạo. Có lẽ tư tưởng đó của người là một sự tồn tại mang tính cách tân đầy táo bạo trong xã hội thời bấy giờ. Cho dù có là nhà sư xuất chúng tới đâu đi nữa, nếu như không ăn thì sẽ không thể thực hiện những giáo lý của Phật giáo. Bởi thế, bốn chữ “Pháp đẳng thực đẳng” – cái nhìn và cách đối xử công bằng giữa ăn uống và Phật pháp – cũng tuyệt đối không phải là những lời nói quan trọng hóa vấn đề.
Trong phái Thiền, việc coi trọng bữa ăn, quá trình nấu ăn cũng chính là một trong những lời răn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đây cũng là lời nhắn mà thiền sư Dogen gửi gắm tới thế hệ lớp người đi sau là chúng ta.