Thiền sư Dogen từng nói, khi nấu ăn, ta cần ba chữ tâm: “Hỷ tâm – Lão tâm – Đại tâm”.
“Hỷ tâm” tức là trái tim hạnh phúc với số mệnh đã an bài. Phật giáo luôn quan niệm, mọi sự việc, mọi sự vật trên trần gian này không phải tự nhiên xảy đến, mà là nhờ những mối lương duyên tụ hợp. Nếu như cứ cưỡng ép đánh giá mọi sự qua lăng kính của khoa học, coi con người là tập hợp của những nguyên tử siêu nhỏ, thì sự tồn tại của “Tôi” cũng chỉ là một sự lắp ghép, một tổ hợp, không hơn. Chỉ cần nhầm lẫn một chút, có lẽ “Tôi” sẽ biến thành hòn đá cuội, con côn trùng, hay thậm chí là một quả táo chăng? Được sinh ra làm một con người, hơn nữa còn được an bài vận mệnh nắm giữ tri thức về công việc cao quý giúp duy trì sinh mệnh của con người, đó chính là kỳ tích. “Hỷ tâm” chính là trước hết hãy cảm thấy hạnh phúc khi bản thân được đảm nhiệm trọng trách đó, mang niềm hạnh phúc từ sâu thẳm trái tim vào những món ăn mà mình nấu.
“Lão tâm” là tấm lòng những người mẹ dành cho đứa trẻ mà họ sinh ra, quan tâm từ những điều nhỏ nhặt nhất. Người mẹ, cho dù cả cơ thể đông cứng lại vì cái bụng rỗng, điều trước tiên mà họ nghĩ tới là lo lắng cho đứa con của mình. Hãy tiếp xúc với mọi thứ bằng tấm lòng như vậy, lời dạy đó được thực hiện vô cùng rõ ràng tại thiền viện Eihei, nơi đối xử với dụng cụ nấu ăn giống như một phần cơ thể của mình. Ngay cả với nghi thức dùng bữa gồm nhiều trình tự cứng nhắc, khó nói với người khác, thậm chí là bị đáp lại bởi một tràng cười lớn đi nữa, chỉ cần có tình yêu dành cho gia đình của mình, bạn có thể làm được.
“Đại tâm” là trái tim không phân biệt, không thiên vị. Đừng coi túi đựng đồ mua trong siêu thị là thứ bỏ đi, còn chiếc túi của nhãn hiệu cao cấp Prada là món đồ quý giá. Đừng để bị cuốn vào những giá trị quan vẫn còn bất công trên thế gian này. Hãy tiếp nhận mọi sự trong bình đẳng, với tấm lòng bao dung như đại dương mênh mông sâu thẳm. Nhưng tôi hiểu, cho dù bạn biết rằng những việc này là đúng, để thực hiện được lại là cả một quãng đường dài đấu tranh.
Để tạo nên được “Tam tâm”, mỗi chúng ta cần kết nối cả ba tấm lòng, ba lối suy nghĩ. Cho dù chỉ có một chữ “Tâm” đi lệch lạc thôi, “Tam tâm” sẽ không còn trọn vẹn. Chẳng hạn, nếu như “Hỷ tâm” và “Lão tâm” đi lệch lạc, kết quả sẽ là một trái tim thiên vị, chữ “Đại tâm” cũng từ đó mà bị phá vỡ, bị mất đi.
Khi “Hỷ tâm” được thực hiện triệt để, về vẻ bên ngoài, bạn có thể nhìn thấy duy nhất sự hạnh phúc và biết ơn hiện diện. Nhưng tại một khía cạnh khác, “Lão tâm” và “Đại tâm” vẫn đang hoạt động, một cách tiềm tàng. Giống như vậy, ta cũng không thể thực hiện triệt để “Lão tâm” nếu như không có sự tồn tại của “Hỷ tâm” và “Đại tâm”. Đừng coi ba chữ tâm này như là những yếu tố riêng biệt. Điều quan trọng là có thể áp dụng chúng như thế nào trong cuộc sống ngoài hiện thực.