Ngoài những khu nhà chính thức dùng để thực hiện hoạt động tập thể, thiền viện Eihei được chia thành khoảng hai mươi khu ký túc xá (giống như phân chia cấp bậc).
Việc bạn sẽ được phân bổ vào ký túc nào hoàn toàn là dựa vào lựa chọn ngẫu nhiên. Vậy nên, chẳng thể kỳ vọng và đoán trước mình sẽ được cử đến khu nào. Bản thân tôi, nhờ may mắn, ngay sau khi lên núi, gia nhập thiền viện Eihei, tôi đã được bố trí đến Tenzaryou, nơi được coi là có quy định hà khắc nhất thiền viện. Tôi được ban cho cơ hội tu hành tại đó. Thời gian ngủ của tăng lữ thuộc Tenzaryou rất ít. Đã từng có lần, tôi phải dậy từ lúc một rưỡi sáng, khi mà vạn vật vẫn còn chìm trong đêm tối để chuẩn bị nấu ăn cho ngày hôm đó. Cho dù đầu óc có đang trong trạng thái mơ màng vì buồn ngủ đi nữa, với tư cách là một tăng lữ thuộc Tenzaryou, tôi vẫn phải cố gắng dành trọn tâm trí và sự nghiêm túc để có được một bữa ăn ngon cho các tăng lữ trong thiền viện.
Người Nhật có một truyền thống, đó là sau khi ăn xong họ sẽ nói: “Cảm ơn vì đã cho ăn”.
Nguyên gốc câu nói này trong tiếng Nhật là “Gochisou sama deshita”. Trong đó, có xuất hiện hai chữ Hán là “Trì” (mau lẹ, nhanh nhẹn 馳) và “Tẩu” (chạy 走). Cụm từ này có nguồn gốc từ câu chuyện rằng, thời xa xưa, để có được nguyên liệu nấu ăn, thiết đãi khách quý, chủ nhà đã leo lên lưng ngựa, rong ruổi tìm kiếm những nguyên liệu quý giá và mang về nhà chế biến món ăn. Tại Tenzaryou, chúng tôi tôn thờ vị thần Skanda, vị thần tương truyền có đôi chân không ai bì kịp. Thực i cũng rất muốn có thể ượn đôi chân của con ống như vị chủ nhà u chuyện thời xưa.
Thời điểm mà Tenzaryou bận rộn và hối hả không chỉ có khi chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn. Sau khi hoàn thành việc nấu nướng, chúng tôi cũng phải tận tâm tận lực mang đồ ăn tới cho các tăng lữ. Điều quan trọng là, chúng tôi phải thật nhanh nhẹn, để kịp thời phân phát món ăn cho từng tăng lữ. Phải mang những món đang nóng hổi đến trong khi nó vẫn còn nóng, những món để lạnh cũng phải được mang tới tận tay tăng lữ trong khi vẫn còn đang lạnh. Có lẽ chính vì mang ý niệm như vậy nên những tăng lữ thuộc Tenzaryou mới tôn thờ thần Skanda chăng?
Tuy nhiên, trước đây, Phật giáo vốn dĩ không hề có quy định phải chạy ngược chạy xuôi, chăm chút cho quá trình chuẩn bị bữa ăn. Tại Ấn Độ, các vị sư thầy ra giới luật là không được để “lao động” gắn liền với cuộc sống. Việc chuẩn bị nấu ăn cũng được coi là một loại “lao động”. Điều này hoàn toàn bị cấm. Người ta cho rằng, thói quen tận tâm chuẩn bị bữa ăn mới được hình thành khi Phật giáo truyền bá đến Trung Hoa và dung hòa với một số quan niệm tại đây.
Có một giai thoại nổi tiếng về sự quan trọng trong việc chuẩn bị bữa ăn của thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, một trong những thiền sư danh tiếng đời nhà Đường, Trung Hoa. Cho dù người đã cao tuổi nhưng vẫn một lòng chăm chút cho bữa ăn của các tăng lữ trong thiền viện. Vì lo lắng cho sức khỏe của thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, đệ tử của thiền sư đã đem cất giấu dụng cụ nấu ăn của người. Vậy là sau đó, thiền sư Bách Trượng không ăn không uống, người nói: “Một ngày không nấu ăn sẽ là một ngày tuyệt thực”.
Một lần khác, khi được hỏi:
“Nhổ cỏ, chặt cây, đào đất, cày cấy, những việc làm đó có phải là đang phạm vào tội lỗi hay không?”
Thầy đáp:
“Không thể nói có tội, cũng chẳng thể nói không có tội. Điều đó còn tùy thuộc vào bản thân người thực hiện hành động đó”. (Theo Bách Trượng quảng lục)
Con người, trong khi còn sống và tồn tại, việc không sát sinh là không thể. Phải vừa thấu hiểu trọn vẹn việc đó, vừa đề cao giới luật đầy mâu thuẫn “Không được sát sinh”. Thiền sư Bách Trượng tự đặt bản thân vào cương vị là một con người trong thế giới hiện thực, luôn tự vấn với lương tâm của mình. Cảm giác căng thẳng và lo lắng tuyệt diệu ấy của thiền sư thực sự đã truyền cảm hứng cho bản thân tôi. Nét văn hóa giản đơn “Việc của chúng ta, chúng ta sẽ làm” chính là truyền thống quý báu mà thế hệ sau có được nhờ vào thành quả lao động cực nhọc của lớp người đi trước. Thấu hiểu được chân lý ấy, dù cho có phải dụi đi đôi mắt nhắm tịt vì buồn ngủ, tôi cũng buộc bản thân phải nỗ lực, thức dậy từ sớm, vo gạo, chuẩn bị đồ ăn với một trái tim và linh hồn ngập tràn năng lượng và hứng khởi.
Chính vì những việc như “Chuyện của hôm nay sẽ phải được kết thúc trong hôm nay” là quá đỗi đương nhiên, vậy nên vô hình trung chúng ta không coi trọng và sao nhãng. Nhưng thật may mắn, tất cả những việc đương nhiên này đều đã được ghi chép lại trong cuốn Điển tọa giáo huấn. Những nội dung ghi trong cuốn Điển tọa giáo huấn sẽ là nguồn động lực thúc đẩy khiến ta thực hiện những việc vốn dĩ bị coi là lẽ đương nhiên.
Chẳng hạn, tại thiền viện Eihei, việc đi ngủ còn được gọi là “Khai chẩm” (Mở gối), tuy nhiên “Khai chẩm” không phải là kết thúc một ngày mà được coi là bắt đầu của việc tu hành. Mười giờ rưỡi tối, toàn bộ đèn đã tắt, kể từ lúc đó cho tới sáng cho dù có đi vệ sinh cũng không được phép. Ban đầu tôi đã nghĩ là sẽ giống như trung tâm huấn luyện dành cho học sinh tiểu học. Nhưng sau đó, thứ tôi cảm nhận được nhờ vào việc thực hiện quy định đó là bản thân có thể kết thúc một ngày trong trọn vẹn và không trì hoãn.
Tôi nghiệm ra rằng, cũng giống như khi kết thúc màn đêm, cuộc đời con người đến một thời điểm nào đó sẽ dừng lại. Tôi không cho phép bản thân nghĩ rằng, thời gian là vô hạn. Cuộc đời này là hữu hạn, vậy nên tôi sẽ sống và phải sống một cuộc đời thực hiện được toàn bộ những việc mà nên làm vào ngày hôm đó.
Sư thầy cao niên trong Tenzaryou tự mình đứng trong gian bếp, cắt rau, vo gạo, hầm, nướng, chú ý gia giảm lửa trong bếp. Người tự mình vận động cơ thể và chỉ dạy những quy tắc nhỏ nhặt, chi tiết. Sư thầy trong Tenzaryou không chỉ coi trọng công việc của bản thân, mà đối với phần công việc của người khác, thầy cũng rất trân quý.
Khoảng thời gian tôi mới bước chân đến Tenzaryou, tôi hoàn toàn là một kẻ mù mờ, không biết từ những thứ vụn vặt nhất. Khi đó, tôi đã từng được giao nhiệm vụ nấu trà xanh. Nói ra thì thật ngượng ngùng, nhưng tôi của khi ấy đã vài lần làm cháy khét cả nồi vì vụng về và không biết cách làm. Sư thầy của Tenzaryou đã ở bên và làm mẫu cho tôi xem, thầy đã rất kiên nhẫn và chỉ dạy tôi cẩn thận. Sau một khoảng thời gian, cuối cùng tôi đã có thể nấu được món trà ngon tuyệt. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác vui sướng khi mình cuối cùng cũng giúp ích được cho Tenzaryou. Một người vụng về như tôi đã có thể nấu bát nước trà xanh với hương vị ngon tuyệt – thành quả do tôi nỗ lực hết sức để hoàn thành.
Phải chăng vì vị sư thầy đó đã không ngần ngại tận tình chỉ dạy nên khi trở về cuộc sống ngoài thực tại, tôi cảm thấy bản thân mình cũng cần phải coi trọng công việc của người khác, giống như cách tôi coi trọng công việc của mình? Chẳng hạn, cho dù là trẻ con, tôi cũng muốn bọn chúng cảm thấy hạnh phúc khi làm những công việc nhỏ nhặt như tự lấy bát đũa hay lau dọn bàn ăn.
Ăn uống liên quan tới mọi việc. Tìm kiếm những việc mình có thể làm được, tạo cho mọi người cơ hội phân chia công việc và cùng nhau sum vầy, thưởng thức một bữa ăn đầm ấm, ấy cũng chính là một công việc quan trọng của Tenzaryou.