Những tăng lữ mới gia nhập thiền viện Eihei và được phân bổ vào Tenzaryou, ban đầu sẽ được giao nhiệm vụ lau sạch bếp gas. Tăng lữ phải tháo bỏ kiềng ba chân của bếp gas và lau sạch sẽ tất cả. Ban đầu, tôi nghĩ rằng đây chính là một cách để rèn luyện những tăng lữ mới bước vào thiền viện Eihei, nhưng thực tế không phải như vậy. Khi nấu ăn và sử dụng đến dầu ăn, có rất nhiều dầu sẽ bắn ra và dính vào bếp mà mắt thường khó nhìn thấy được, nếu như cứ để như vậy lâu ngày, bụi cũng sẽ dính vào và tạo thành cắn bẩn. Nhờ vào việc này, tôi đã có thể hiểu được rằng, đôi mắt của con người vốn dĩ chỉ muốn nhìn thấy mọi vật ở trong trạng thái tốt và sạch sẽ. Càng chần chừ và để lâu, việc xử lý sẽ càng vất vả hơn nên nếu như sau khi nấu ăn có thể lau dọn sạch sẽ ngay lập tức, kết quả bạn nhận được sẽ vui vẻ và thú vị hơn nhiều.
“Rửa, lau, khiến cho mọi thứ trở về trạng thái ban đầu”.
Đây chính là nguyên tắc cơ bản trong phòng bếp mà tôi được học tại thiền viện Eihei. Tại Tenzaryou, chúng tôi luôn được chỉ đạo nghiêm khắc rằng, phải lau dọn thật sạch sẽ những thứ mà có thể bị dính nước mỗi khi sử dụng, không được phép để sót lại dù chỉ một giọt nước.
Ban đầu tôi đã có ý nghĩ nông cạn rằng, nếu không phải bị dầu bắn vào mà chỉ đơn giản là dính nước thì “Vì sẽ lại dùng luôn thôi nên không cần phải lau kỹ tới mức đấy”. Khi cố gắng lau dọn mỗi ngày, có thể nhìn thoáng qua thì không có gì thay đổi, nhưng thực sự, tôi thấy trong tôi nảy mầm một thứ cảm giác kỳ lạ, dường như trên bàn có “cái gì đó” đang biến đổi. “Cái gì đó” khác với những thứ có thể nhìn bằng mắt, sờ bằng tay, một cảm giác vô cùng kỳ lạ, dường như tại nơi mà tôi lau dọn hàng ngày, ở đó có huyết mạch chảy qua, giống như nó đã trở thành một phần cơ thể của tôi vậy. Trong khi đó, những nơi mà tôi không lau chùi, nó tồn tại giống như một đám mây mù trong trái tim của tôi.
Thói quen được sinh ra từ cuộc sống sinh hoạt kéo dài tới vài trăm năm như một tính tất yếu có một sự hấp dẫn đến kỳ lạ mà ban đầu không tài nào lý giải. Trong cuốn Chánh pháp nhãn tạng, thiền sư Dogen có viết: “Cho dù chưa bẩn cũng phải rửa, cho dù đã sạch rồi vẫn phải rửa, ấy chính là việc dọn dẹp và lau rửa trong Phật đạo”. Cho dù có bẩn, hay không bẩn, cũng phải lau sạch. Bản thân tôi, một người đã từng nghĩ rằng dọn dẹp là việc làm với mục đích để loại bỏ những vết bẩn, đã vô cùng ngạc nhiên.
Tôi luôn cố gắng điều hòa bản thân với môi trường xung quanh. Khi có thể cảm giác được giữa bản thân và môi trường xung quanh có sợi dây liên kết, sự thay đổi giữa cơ thể và tâm hồn trong tôi cũng tựa như cảm giác mặt đất được đón một cơn mưa rào sau chuỗi ngày khô hạn. Tôi đã có thể đón nhận cảm giác yên tâm, không còn đơn độc, không còn những lo lắng bất an bản thân tự tạo ra, rằng rồi mọi chuyện sẽ khó khăn hay là thuận lợi.
Tôi cũng dành trọn cả trái tim để học và thực hiện cách xử lý đối với tấm vải sau khi được sử dụng để lau nước. Trong cách đối xử với tấm vải được trải lên cuối cùng trong quá trình triển bát, có một nghi thức mà tôi cảm thấy vô cùng hứng thú. Trước tiên, trải tấm vải ra, gập ngang làm đôi, đặt lên trên bộ bát lồng, mở ra và phủ lên trên. Ban đầu, tôi đã rất thắc mắc, chẳng phải là cứ phủ lên ngay từ ban đầu thì đơn giản hơn sao? Tại sao phải gập lại như vậy?
Sư thầy của tôi, người dành ra rất nhiều thời gian để học hỏi nghi thức, đã chỉ cho tôi rằng, cách làm như vậy chính là cẩn thận không để gió hay bụi bay vào người đối diện với mình. Nếu là trong bữa ăn bình thường, có lẽ là như thế nào cũng được. Bởi thực tế là, dù có tạo ra cơn gió nhẹ tới đối phương thì có lẽ cũng sẽ chẳng có ai cất lời phàn nàn đâu đúng không? Nhưng nếu thử tính toán, một ngày hai lần, một năm bảy trăm lần, mười năm là bảy nghìn lần, vậy năm mươi năm là ba mươi nghìn lần. Cứ như vậy suốt vài nghìn lần, vài chục nghìn lần dùng bữa trong cuộc đời của con người, nếu có thể thực hiện những nghi thức thể hiện sự lưu tâm và lo lắng tới đối phương, sự khác biệt sẽ ở mức độ nào?
Trong nghi thức, cho dù bạn có vắt óc suy nghĩ, thì vẫn có những quy tắc mà bạn không thể tài nào hiểu được lý do của nó. Với những sự tồn tại ở vị trí và lập trường yếu hơn bản thân mình, có lẽ cơn gió tạo ra khi bạn trải tấm vải sẽ có ảnh hưởng lớn hơn những gì mà bạn nghĩ. Khi có thể cảm nhận được điều đó, năng lượng tích cực của con người sẽ trở nên lớn hơn những gì mà họ cho rằng họ có thể.