Lên thực đơn cũng là một công việc quan trọng của Tenzaryou. Trong cuốn Điển tọa giáo huấn có ghi rõ, người lên thực đơn phải có trách nhiệm trong việc suy nghĩ xem nên nấu những món gì để đáp ứng được những yêu cầu như: làm thế nào có thể sử dụng hết và không lãng phí những nguyên liệu quý giá mà họ có được, làm thế nào thỏa mãn được cả tâm trí và cơ thể của các vị tăng lữ đang tu hành tại thiền viện, làm thế nào có thể đảm bảo và duy trì sức khỏe cho những người sẽ ăn những món ăn do Tenzaryou chế biến.
Khi bạn có thể lên thực đơn, chắc chắn tình trạng lãng phí sẽ không còn.
Khi còn đang đi học, tôi đã từng có nhiều ký ức cay đắng như những củ khoai tây tôi không dùng hết bị mọc mầm, nom giống như một khu vườn vậy. Ngay cả khi mới bắt đầu cuộc sống tu hành tại Tenzaryou, vì trộm nghĩ “chắc là không bị phát hiện đâu,” cộng thêm tính lười biếng nên tôi đã vứt bỏ phần cọng và vỏ rau. Nhưng sau đó tôi bị người anh vào thiền viện trước mình phát hiện. Kết cục là bị mắng cho một trận tơi bời. Việc lên thực đơn bản thân nó có tác dụng khiến cho bạn có thể sử dụng hết nguyên liệu, không làm lãng phí.
Thói quen lên thực đơn liệu có thực sự cần thiết hay không, suy nghĩ này chính là nguyên nhân để tôi một lần nữa nhìn nhận lại từ điểm xuất phát. Hiện nay, hầu như gia đình nào cũng đều sử dụng tủ lạnh. Thế nhưng không có nghĩa là sau khi đã cất thức ăn vào tủ lạnh thì có thể bảo quản đến lúc nào cũng được. Nếu bạn có thể viết ra rõ ràng ngày hôm sau sẽ nấu món gì, khi chọn lựa nguyên liệu nấu ăn, chắc chắn bạn có thể lựa chọn nguyên liệu với số lượng vừa đủ, không làm lãng phí. Cần tránh việc mua quá nhiều, từ đó tình trạng nguyên liệu nấu ăn nhét chật kín trong góc tủ lạnh bị dập nát hết cả cũng sẽ biến mất.
Tuy vậy, dù thế nào đi nữa thì cũng có những nguyên liệu không thể nào dùng hết. Khi đó, để không làm mất mùi của nguyên liệu, có một số mẹo nhỏ. Với đậu hũ hay khoai nưa konjac, để chúng không bị ám mùi, hãy ngâm vào trong nước. Với súp miso hay nước tương thì đặt tại nơi thoáng đãng, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Hãy chú tâm tới đặc tính của nguyên liệu và bảo quản chúng đúng cách.
Về cơ bản, tuyệt nhất là sử dụng hết nguyên liệu nấu ăn. Vậy nên, nếu như lỡ nấu quá nhiều, bạn có thể giữ lại phần thức ăn mà bản thân có thể ăn hết, phần còn lại hãy đem san sẻ với hàng xóm sống ở khu nhà bạn. Bên cạnh căn hộ mà tôi đang ở có một anh người Đức. Ban đầu hầu như chúng tôi không giao thiệp với nhau. Nhưng sau khi tôi chia sẻ đồ ăn của mình với anh ấy, chúng tôi đã trở nên thân thiết. Gần đây thậm chí tôi còn được mời đến dùng bữa cùng gia đình của anh. Những phần thức ăn nấu dư ra cũng chính là cơ hội để giữ mối quan hệ thân thiết và khăng khít với những người sống ở gần bạn.
Lên thực đơn cũng có hiệu quả trong việc áp chế tính tò mò. Có thể nói việc lên thực đơn, viết ra những món ăn dự định sẽ nấu và để mọi người cùng biết chính là thể hiện sự quan tâm tới các vị tăng lữ, để họ không còn phải có những lo lắng thừa thãi như “Không biết ngày hôm nay sẽ ăn món gì?”
Tại thiền viện Eihei, sau khi dọn dẹp vào buổi sáng, cũng có lúc các tăng lữ bậc trên sẽ thông báo:
“Hãy xác nhận nghi thức ăn đậu mochi azuki!” Nhờ biết trước như vậy, có thể mong chờ món mà mình sẽ được ăn, tính tò mò không đáng có cũng sẽ biến mất.
Bí quyết tạo thói quen lên thực đơn tại cuộc sống phàm tục bên ngoài:
1. Từ một tuần một lần
Sử dụng “Cố định” (giống như mọi lần) và “Thay đổi” (tùy theo hoàn cảnh), lên thực đơn theo khả năng bản thân có thể.
2. Đơn giản là được
Chỉ ghi lại tên món ăn và những nguyên liệu đã sử dụng. Lược bỏ những ghi chép chi tiết về số lượng và cách nấu.
3. Đơn giản và hấp dẫn bằng hương vị
Không cần phải chế biến những món quá cầu kỳ và tốn nhiều thời gian. Hãy cùng nấu ăn và trang trí bằng những nguyên liệu sẵn có.
Ban đầu chỉ cần một tuần lên thực đơn một lần là đủ. Khi lên thực đơn không nhất thiết phải quá cố gắng ghi chép lại chi tiết nội dung nguyên liệu và món ăn của tất cả các ngày. Chẳng hạn với trường hợp của tôi, thực đơn cố định sẽ là bữa sáng gồm cháo, củ cải giấm và mè rang. Nếu là bữa ăn mà lúc nào cũng giống như vậy, tôi ghi là “Cố định”. Khi không dùng bữa ở nhà do có dự định ăn ngoài hay cùng tụ họp và đi ăn với gia đình, tôi sẽ ghi “Thay đổi”.
Đừng ghi số lượng nguyên liệu cần thiết và phương pháp nấu ăn giống như cách trình bày của công thức nấu ăn. Hãy chỉ ghi những loại nguyên liệu sẽ chuẩn bị.
“Cà ri (cà rốt, khoai tây, hành tây, khoai nưa konjac, nấm hương), dưa muối fukujinzuke, táo”.
Đây chính là thực đơn thực tế trong một ngày tại thiền viện Eihei. Tại thiền viện Eihei, không biết bắt đầu tự lúc nào, những phần rau củ còn thừa đã được thái ra sẽ được tập trung lại để nấu món súp cà ri định kỳ. Chỉ như vậy thôi nhưng đối với tôi, đó là một thực đơn vô cùng tuyệt vời.
Viết thực đơn cho cả một tuần vào đầu tuần, dán ở chỗ dễ nhìn thấy. Nhờ vậy, chắc chắn bạn sẽ không làm lãng phí nguyên liệu nấu ăn, hơn nữa cũng khiến cho các thành viên trong gia đình không còn những lo lắng dư thừa cho việc ăn uống.
Khi đã từng nấu một lần, bạn có thể tham khảo dựa vào thực đơn của những tuần trước đó.
Khi lên thực đơn thích nghi được với hoàn cảnh xung quanh như vậy, dán lên vị trí mà mọi người dễ nhìn thấy, chắc chắn sẽ không làm kích thích những ham muốn trần tục. Cho dù bạn chỉ nấu ăn có một lần một tuần thôi, hãy cùng tôi thử viết ra thực đơn nhé.
Việc kể lại những truyền thuyết cho thế hệ sau cũng là một vai trò quan trọng của lên thực đơn.
Tại thiền viện Eihei, một năm có 365 ngày thì tất cả 365 ngày đó, các tăng lữ đều ghi lại thực đơn được lên sẵn cho bữa ăn. Họ xây dựng thực đơn bằng cách tham khảo những thực đơn tương tự như vậy đã từng soạn trong quá khứ. Sau đó sẽ phối hợp với nguyên liệu, thức ăn có theo mùa và còn lại trong kho để lên thực đơn.
Chính nhờ việc bắt chước những thực đơn mà các vị tiền bối đã bỏ công sức tạo nên, nấu những món dễ ăn, ngon miệng, hợp khẩu vị, vui vẻ và hiệu quả cao, dần dần bạn sẽ có thể nấu những món ăn khiến cho người ăn cảm thấy thích thú.
Cho dù là mẹ hay là bạn bè cũng không vấn đề gì cả. Không liên quan tới nấu ăn giỏi hay nấu ăn tệ, hãy hỏi những người nấu ăn mỗi ngày, thử lên thực đơn cho bữa ăn kể từ bây giờ nhé.
Tuy nói là vậy nhưng ngoài thế giới phàm tục, từ một tờ giấy trắng đột nhiên bảo lên thực đơn cũng giống như là bảo bạn mặc một chiếc áo phông, không đồ bảo hộ, không áo khoác và leo lên đỉnh ngọn núi Phú Sĩ vậy. Với những người có kinh nghiệm làm công việc bếp núc thì khi nhìn thấy một dãy hàng rau quả bày ở siêu thị, họ có thể ngay lập tức nảy ra ý kiến rằng “Hôm nay mình sẽ nấu cái này!” Nhưng thực ra, việc đó tôi cũng không làm được. Chính bởi thế nên tôi mới càng cần đến thực đơn.
Ngay cả ở Berlin, tôi cũng vẫn giữ thói quen xây dựng thực đơn một súp một rau giống như cách làm cơ bản tại bữa ăn của thiền viện Eihei. Trước hết là quyết định xem món chính là cơm, là bánh mì hay là mì udon, quyết định món súp (đôi khi là súp sumashijiru của Nhật Bản hay là món súp của phương Tây, cũng có khi tôi sẽ nấu cà ri), cuối cùng thêm vào một món nữa với cách làm đơn giản. Khi đó, một việc quan trọng phải làm nữa là xác nhận chi tiết số lượng người ăn là bao nhiêu, tình trạng sinh hoạt và sức khỏe của những người sẽ dùng bữa. Tôi sẽ mường tượng gương mặt nở nụ cười của những người sẽ ngồi trên bàn ăn, thưởng thức món ăn tôi chế biến. Nhờ vậy, việc suy nghĩ và xây dựng thực đơn đối với tôi luôn luôn là một việc làm đầy thú vị.
Hiện có hơn một trăm tăng lữ sinh hoạt tại thiền viện Eihei. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh, không phải lúc nào tất cả mọi người cũng có thể cùng dùng bữa tại một địa điểm. Khi đó, chúng tôi phải báo cáo chi tiết số lượng người dùng bữa trong mỗi bữa ăn.
Ai ở trong trạng thái sức khỏe như thế nào, ăn ở đâu. Việc nắm giữ các thông tin là một công việc quan trọng của Tenzaryou. Lên thực đơn chính là nhân tố cơ bản của bữa ăn trong phái Thiền, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn và một cơ thể khỏe mạnh. Hiện thân của một tâm hồn luôn coi trọng chữ “Hòa” hơn tất thảy, một trái tim không lung lạc cho dù có bị tác động như thế nào đi nữa, chính là lên thực đơn. Nhất định bạn hãy thử làm một lần nhé.