Khi có được nấm matsutake quý giá, người ta sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc và phấn khích. Dù thế nào đi nữa cũng phải cắt đi những cọng rau xanh thô kệch, phải thật chú ý và cẩn thận. Thậm chí càng là những thứ thô kệch càng phải cẩn thận và chăm chút, nỗ lực để tạo ra được một món ăn tuyệt vời nhất có thể. Không phải là sẽ ăn cái gì, mà là ăn như thế nào. Tâm ý xuyên suốt của các tăng lữ tại Tenzaryou chính là trái tim nguyện cố gắng hết sức để cung cấp những món ăn luôn trong trạng thái tươi ngon, dễ ăn nhất có thể dâng lên Đức Phật và phân chia cho các vị tăng lữ tu hành trong thiền viện.
Ban đầu tôi đã nghĩ, thông thường những món ăn không sử dụng thịt và cá chính là món ăn chay. Quả thực tại thiền viện Eihei hoàn toàn không sử dụng đến thịt và cá để chế biến món ăn, cũng có nhiều người Nhật có thói quen ăn uống mà món ăn chủ đạo là ngũ cốc và các loại rau xanh. Bản thân tôi cũng từng nghĩ là có thể sống và tồn tại chỉ bằng hai loại thực phẩm như vậy. Tuy nhiên, khi thử sinh hoạt ở thế giới bên ngoài thiền viện, trước khi quen với phong cách ăn uống như vậy, tôi cảm thấy cơ thể mình gần như kiệt sức, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Tuy vậy, một khi món ăn chay đã trở nên quen thuộc, thậm chí tôi cảm thấy cơ thể mình nhẹ bẫng, tâm trạng cũng tốt hơn so với trước rất nhiều.
Tuy nhiên, tôi không bắt gặp bất cứ một câu nói nào như “Không được sử dụng thịt và cá” được viết trong cuốn Điển tọa giáo huấn.
Gần đây, tại Nhật Bản, số lượng nhà hàng chuẩn bị cả thực đơn dành cho những người ăn chay đang tăng lên. Ngay cả ở Berlin cũng có nhiều nhà hàng nấu món ăn chay. Trong số đó có những người lựa chọn ăn chay bởi lòng khoan dung tồn tại trong trái tim và tâm hồn. Họ cảm thấy đau đớn khi biết được quá trình chăn nuôi và sản xuất thịt phục vụ cho bữa ăn của con người. Tuy nhiên, tôi lại có cảm giác vô cùng tiếc nuối và buồn phiền khi nhìn thấy dáng hình những người như vậy bỏ lại rau củ đã được dày công chế biến và vứt chúng đi.
Năm ngoái, tôi đã có cơ hội được sinh hoạt cùng với một vị sư thầy từ Tây Tạng đến thiền viện Eihei, hướng dẫn thầy về cách dùng bộ bát lồng khi ăn. Tại Tây Tạng lạnh giá, các loại thực phẩm là rau củ thường rất ít. Nghe nói các bữa ăn truyền thống của họ chủ đạo đều là các món ăn làm từ thịt. Thậm chí trong số các vị sư thầy của đạo Phật tại Tây Tạng, cũng có người chỉ ăn thịt. Tôi thực sự vô cùng ấn tượng với dáng vẻ của sư thầy đó khi nhận lấy món ăn được phân phát. Dù là món ăn gì đi nữa, thầy cũng đều kính cẩn và tỏ thái độ vô cùng trân quý.
Nếu như có người ăn thịt trong khi tu hành đạo Phật, thì cũng có người chỉ ăn rau trong khi tâm trí đầy tạp niệm. Vị sư thầy đó hiện đang trong tình trạng không thể quay trở về Tây Tạng – nơi mà anh ấy được sinh ra. Có thể, một Nhật Bản hạnh phúc của hiện tại vẫn chưa ở trong tình trạng đó, nhưng chẳng ai có thể biết trước rồi tương lai sẽ ra sao.
Những vận mệnh trước mắt được mang tới đây bằng cách nào, làm thế nào để mọi sự tồn tại trên tinh cầu này có thể kết thúc sự sống trong khỏe mạnh, vừa xướng bài kệ “Năm phép quán” cùng với người anh em đến từ Tây Tạng trong bộ trang phục màu vàng, tôi vừa nghĩ như vậy.
Món ăn chay không phải là những món ăn không sử dụng đến thịt, mà là món ăn được tạo ra bởi một trái tim đầy từ bi và ngập tràn tấm lòng khoan dung. Khoan dung là thừa nhận sự thật rằng, tất cả mọi sự trên thế gian này đều tồn tại bằng cách hỗ trợ và lệ thuộc lẫn nhau. Đừng phân biệt nguyên liệu nấu ăn, hãy cùng cố gắng hết mình để tạo ra những món ăn thật ngon lành, làm thỏa mãn trái tim và tâm hồn của những người sẽ ăn món ăn do mình làm nên.