Chắc chắn ngay sau khi dành cả trái tim để chế biến đồ ăn, bạn sẽ muốn ai đó thưởng thức món ăn do mình làm đúng không? Bọn trẻ, bố mẹ, bạn bè, người yêu. Có lẽ bạn cũng có người mà bản thân mong muốn người đó ăn món ăn bạn nấu nhất. Nếu như có thể nấu ăn và truyền đi tâm trạng, ý nghĩ đó cho tất cả mọi người trong xã hội này, đó chính là điều tuyệt vời nhất.
Tại thiền viện Eihei, món ăn sau khi đã được nấu xong trước tiên sẽ dâng tặng lên Đức Phật. Nhưng, dù gì đi nữa, gọi là Đức Phật nhưng chỉ là bức tượng được làm bằng gỗ hoặc kim loại. Vậy nên, thực tế là không thể thưởng thức được hương vị của món ăn. Tuy nhiên, các tăng lữ tại Tenzaryou vẫn bày biện món ăn thật đẹp mắt giống như những người bình thường có thể ăn được, dâng lên trước Đức Phật khay đựng thức ăn mà trên đó, các món ăn đang ở trong trạng thái ngon lành nhất, chẳng hạn như có hơi nóng nghi ngút từ món súp bốc lên.
Nghi thức này được gọi là “Hiến thiện” (Dâng khay đựng đồ ăn). “Hiến thiện” cần được tiến hành với sự quan tâm từ tận đáy lòng, đảm bảo đầy đủ ba yếu tố “tĩnh lặng, nhanh chóng, đẹp mắt,” tuyệt nhiên không được thiếu đi một yếu tố nào cả. Khi quá ý thức về sự tĩnh lặng, động tác sẽ trở nên chậm chạp và trì trệ, thức ăn sẽ nhanh chóng bị nguội. Khi yêu cầu quá nhiều về tốc độ phân phát đồ ăn, những lần nấu ăn sau sẽ tiến hành trong vội vã, gây ảnh hưởng, thậm chí là làm mất đi vị ngon của thức ăn. Khi quá coi trọng sự đẹp mắt, khiến cho món ăn trở nên xa hoa quá mức cần thiết, vô tình có thể gây ấn tượng phiền phức cho người ăn.
“Hiến thiện” chính là tấm kính phản chiếu bóng dáng của chính bản thân mình. Đừng nói gì cả, hãy thực hiện nghi lễ đảm bảo được sự cân bằng giữa ba yếu tố, thành tâm cảm ơn Đức Phật từ tận đáy lòng. Chính bởi vì không tồn tại một mức điểm chuẩn như “chỉ cần như thế này là được” nên tự nhiên, sự nỗ lực với đức tính khiêm nhường sẽ được ươm mầm.
Sau khi rời khỏi thiền viện Eihei, tôi vẫn tiếp tục thực hiện nghi thức “Hiến thiện”.
Dù gọi là “Hiến thiện” nhưng thực ra cũng không cần phải làm gì đó quá đặc biệt. Chia đồ ăn mình nhận được sang một đĩa khác, trước khi ăn sẽ dâng lên Đức Phật và thành tâm hành lễ, chỉ cần như vậy là đủ. Nếu như trong nhà không đặt bàn thờ Đức Phật thì hãy tạo ra một khoảng trống ở đâu đó trong phòng và đặt tại nơi ấy một vật quan trọng với bản thân. Coi khoảng trống đó là bàn thờ và dâng thức ăn tới Đức Phật. Chẳng phải như vậy là đã đủ thành kính rồi hay sao? Chỉ cần đơm lên đĩa nhỏ món ăn chính trong bữa ăn của bạn như cơm hay bánh mì là được. Trước hết hãy thử thực hiện theo cách thức mà tôi vừa trình bày. Sau khi ăn xong, cũng đừng quên hạ khay thức ăn “Hiến thiện” xuống. Bởi nếu cứ để lâu, Đức Phật sẽ ăn no quá đấy.
Không phải nấu ăn vì bản thân mình mà vì người khác, khi đó con người sẽ trở nên khỏe mạnh và tràn đầy sinh khí. Hơn nữa, cảm giác chú tâm để làm ra được một món ăn ngon cũng sẽ nảy nở trong trái tim bạn. Chẳng hạn như khi “Hiến thiện” lên Đức Phật một món ăn, bạn hãy thử thắp một nén hương xem sao? Nén hương ấy sẽ phảng phất trong không khí, những người có mặt tại đó cảm nhận được là điều đương nhiên, nhưng có người nói rằng, nén hương ấy sẽ gửi đi tâm tư của bạn tới những con người ở thế giới bên kia. Nhờ việc thắp một nén hương, mọi vật xung quanh trở nên tinh khiết, năm giác quan trở nên nhạy bén hơn, rồi bạn sẽ cảm nhận được dường như hương vị của đồ ăn ngon hơn bình thường. Nhất định hãy thử làm nhé.
Có người sẽ nghĩ rằng, nếu như ngay sau khi nấu ăn xong, mang đồ ăn dâng lên Đức Phật, thì có nghĩa là các vị tăng lữ tu hành tại thiền viện sẽ ăn đồ ăn thừa. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải như vậy. Tại tăng đường, các vị tăng lữ đang tu hành cũng sẽ nhận đồ ăn giống như Đức Phật. Tâm trạng được nhận đồ ăn giống như Đức Phật là vô cùng quan trọng.
Tại thiền viện Eihei, đồ ăn sau khi được chế biến xong xuôi sẽ được đặt vào trong xô bằng gỗ và mang tới tọa thiền đường, nơi các tăng lữ tu hành đang ngồi. Khi đó, sẽ thực hiện nghi thức “Tăng thực cửu bái” (thành tâm cúi lạy để các vị tăng lữ dùng bữa).
Các sư thầy tại Tenzaryou sẽ tự mình thắp nén hương trước vị thần Skanda mà Tenzaryou thờ cúng, sau khi hoàn thành nghi thức “Hiến thiện,” họ sẽ dâng món ăn của các vị tăng lữ, hướng về “tọa thiền đường nơi các vị tăng lữ đang ngồi,” chắp tay cúi lạy chín lần, sau đó mang đồ ăn đã được chế biến tới cho từng tăng lữ. “Tăng thực cửu bái” chính là mang ý nghĩa như vậy.
Nếu các tăng lữ chào hỏi nhau, thông thường chỉ cần cúi lạy một lần, khi làm việc vào buổi sáng thì sẽ cúi lạy bức tượng Đức Phật ba lần. Tuy nhiên, “Tăng thực cửu bái” là nghi thức phải cúi lạy chín lần, tức là gấp ba lần bình thường. Việc này được tiến hành mỗi khi mang đồ ăn đi phân phát. Đây chính là cách thể hiện tấm lòng thành kính to lớn nhất dành cho Đức Phật.
Jounin – người đảm nhiệm việc phân phát thức ăn sẽ chắp tay, cúi đầu. Sau khi hành lễ đủ chín lần, các Jounin sẽ nhanh chóng phân phát những món ăn vẫn đang trong trạng thái ngon lành nhất cho các vị tăng lữ đang ngồi tại tọa thiền đường. Lúc này các Jounin sẽ ở trong trạng thái tĩnh lặng, nhanh chóng và đẹp mắt giống như vị thần Skanda ở trên cao. Số chín trong chín lần cúi lạy ấy chính là mang ý nghĩa con số ở cấp bậc cao nhất. Việc nói ra thành lời “Coi trọng bữa ăn” là rất đơn giản, nhưng trên thực tế liệu có một tổ chức nào có thể thực hiện được đến cả những việc như vậy hay không? Ban đầu tôi chẳng hề hiểu rõ việc làm đó có ý nghĩa gì, nhưng khi đã biết được ý nghĩa ẩn sau hành động đó, tôi thực sự vô cùng cảm động.