Khi bạn như bị cuốn vào cơn hứng thú trong lúc theo đuổi thành công, bạn thường có nguy cơ mất nhiều hơn được trừ phi bạn cẩn trọng hết sức.
GIÁO SƯ ALLAN FROMME
Trong mùa đông đầy bất mãn khắc nghiệt năm 1929, một cuộc họp đã được tổ chức ở khách sạn Edgewater Beach tại Chicago. Trong bàn hội nghị, tám ông trùm tài chính quan trọng nhất trên thế giới mà những mong muốn và quyết định của họ có ảnh hưởng đến cuộc sống của một nửa dân số lúc ấy. Họ là:
Chủ tịch công ty thép lớn nhất
Chủ tịch công ty dịch vụ công ích lớn nhất
Chủ tịch công ty khí đốt lớn nhất
Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán New York
Một thành viên Văn phòng Chính phủ Mỹ
Nhà đầu cơ lớn nhất Phố Wall
Chủ tịch của thể chế độc quyền lớn nhất thế giới
Tổng giám đốc Ngân hàng cho Người nhập cư quốc tế
Chúng ta hẳn đều đồng tình những người tập hợp ở đây là những người thành công nhất, những người hiển nhiên đã tìm ra được “bí mật” để có được của cải và quyền lực.
Hai mươi lăm năm sau, Charles Schwab phá sản và chết. Samuel Insull trốn chạy công lý, không một xu dính túi. Howard Hopson mất trí. Richard Whitney phải vào nhà tù Sing Sing. Albert Fall được tại ngoại để có thể chết tại gia. Jesse Livermore tự sát. Ivan Krueger tự sát. Leon Fraser – tự sát.
Dường như lúc nào cũng có điều gì đó lạ thường xảy đến khi chúng ta tới gần mục tiêu. Những giá trị trở nên đảo lộn. Chúng ta trở nên mù quáng với thành quả trong tay. Trên cái đà tuột dốc hỗn loạn ấy, chúng ta bỏ lại vợ con, những người yêu thương và phụ thuộc vào chúng ta – và thành công mà chúng ta đã căng người dùng cả tâm sức để vươn tới không còn gì hơn là đống tro tàn.
Không cần phải như thế! Trong bài này, giáo sư Allan Fromme, một tác giả xuất sắc và là một nhà trị liệu, trong cuốn sách rất xúc động, Khả năng yêu thương (The Ability to Love), sẽ chỉ ra những lựa chọn bạn có thể thực hiện để mãi mãi được bảo vệ khỏi những cái bẫy giăng ra với những người chỉ mới chớm “thành công”...
Ta đều thích vật chất – những thứ tốn tiền mới mua được. Chúng ta yêu chúng đến nỗi chúng thực sự trở thành những thứ ưu tiên trong đời sống tình cảm. Chỉ cần ngồi nghe người ta quả quyết về tình yêu này hết lần này đến lần khác là biết ngay. “Tôi muốn có chiếc xe mới quá.” “Tôi thì mê cái áo lông thú.” “Chúng tôi yêu ngôi nhà mới lắm.” Có phải họ diễn đạt từ “yêu” với một ý nghĩa khác khi nói như vậy? Câu trả lời dứt khoát là: Không. Chúng ta thông thường gắn tình yêu với sự lãng mạn, quan hệ, hôn nhân. Nhưng tình yêu là một thứ tình cảm quyến luyến mà bản thân tình cảm này không chỉ giới hạn trong một thứ gắn bó riêng biệt nào đó của một người.
Trong những mộng tưởng vật chất đó, người ta không chỉ hé lộ những khao khát – vì những khao khát này rất mạnh mẽ và thường tái diễn – mà họ cũng đồng thời gợi ra việc họ mê mải thế nào và họ có thể làm tới đâu để đạt được những thứ đó. Sự mê đắm này thậm chí có thể chiếm nhiều thời gian, tâm trí và năng lượng hơn là tình cảm dành cho một người đặc biệt nào đó.
Chúng ta thường nghĩ rằng bản thân có thể có một tình yêu vĩ đại theo nghĩa lãng mạn, chứ không phải tình cảm mê đắm, muốn thâu đoạt vật chất trái ngang như vậy. Rõ ràng là chúng ta có thể mơ mộng, ước ao, thậm chí có những cảm giác mạnh mẽ trào dâng trước một người “đẹp như trăng trên cao”. Nhưng hiếm người có thể cảm thấy tự do, không bị những lực tinh thần bên trong và những áp lực xã hội mạnh mẽ quanh ta chi phối không để ta phản ứng lại một cách mạnh mẽ với niềm cám dỗ phải sở hữu. Chúng ta thấy rõ điều này trong giai đoạn trẻ con khoảng bốn - năm tuổi, khi trẻ bắt đầu nói những câu như “Con muốn” hay “Cho con”. Nhiều người không thể vượt qua được.
ĐỒ VẬT ĐÃ LÀM GÌ TA
Văn hóa phương Tây của chúng ta hẳn nhiên là đánh giá cao sự thu vén vật chất. Điều đó không chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây mà đã tiếp diễn hàng thế kỷ rồi. Thu vén tài sản tới mức thừa mứa sẽ đem lại địa vị. Và điều này về phương diện tâm lý đem lại cảm giác gì đó. Hầu hết mọi người cảm thấy an tâm hơn trên những chiếc xe bóng loáng đắt tiền thay vì trên chiếc xe cà tàng. Nhiều ông bỏ thời gian ngày Chủ nhật để đánh bóng và chăm sóc chiếc xe hơi với niềm tự hào còn hơn thời gian dành cho vợ. Tài sản và địa vị loại bỏ cảm giác lo lắng chúng ta phải chịu đựng ở các mức độ khác nhau. Những thứ đó còn cho ta cảm giác về một tình yêu vô điều kiện, hay nếu không phải là tình yêu thì ít nhất chúng cũng thỏa mãn những khát khao vô thức từ thời bé.
Nói một cách ngắn gọn và thẳng thắn, vật chất thỏa mãn chúng ta và trong sự thỏa mãn này, yếu tố lớn nhất về tổng thể là việc tự yêu bản thân. Bước đầu tiên trong việc học yêu thương là biết yêu bản thân, và tình yêu bản thân là cảm xúc chúng ta hiểu rõ nhất trong những năm đầu đời. Chúng ta chưa bao giờ từ bỏ thói yêu bản thân một cách trẻ con đó hoàn toàn, dù chúng ta có học được khả năng chuyển hóa nó, chế ngự nó, theo những cách đem lại cho chúng ta sự thỏa mãn người lớn hơn.
Động cơ hướng tới tài sản và vị thế, sau đó được xã hội công nhận đem lại cảm giác thỏa mãn trực tiếp cho thói yêu bản thân trẻ con. Việc này không quá phức tạp, không đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến nhu cầu mong muốn của người khác. Chúng ta không phải để ý người khác để có được sự công nhận chung này. Chúng ta chỉ cần để tâm tới bản thân mình và giành lấy vật chất. Sau một thời gian, những gì đạt được trở thành một phần của chúng ta – một phần không thể phân biệt được – vì thế mà kết quả là chúng ta cảm thấy to lớn hơn, quan trọng hơn.
Vật chất có tính hữu hình khiến cho sự thanh tao của tình yêu dường như mờ nhạt và khó nắm bắt. Chúng ta được dạy rằng “Cái thằng giật ví tôi chỉ cướp được đồ bỏ đi”, nhưng chúng ta rất cẩn thận không để bị cướp. Chúng ta dùng khóa và chuông chống trộm, ngoài ra còn cả bảo hiểm nữa. Và chúng ta trở nên nghi ngờ chính tình yêu. Nhiều người tự hỏi không biết người ấy yêu mình hay yêu tiền.
Tình yêu dường như không vững bền, không đáng tin. Chúng ta nhận ra điều đó từ khi còn nhỏ, một số nhận ra lần nữa khi trưởng thành. Ngược lại, của cải thì đáng tin cậy, giúp ta không thất bại trong kinh doanh hay khi thị trường chứng khoán sụp đổ. Vật chất không đáp lại tình yêu của chúng ta, nhưng cũng không buông lời cay độc hay bỏ ta theo người khác.
Vật chất cân đong đo đếm được. Ta có thể đếm, liệt kê và giá trị của chúng có thể quy đổi thành tiền mặt. Còn tình yêu làm sao mà đo đếm định lượng đây? Nhà thơ Elizabeth Barrett đã thử, trong một thi phẩm viết cho ngài Robert Browning:
Em yêu anh nhường nào? Hãy để em tính đã
Yêu anh như độ sâu, khoảng rộng và tầng cao
Tâm hồn em có thể vươn đến…
Bà có ý nói đến tính chất ấy. Quả là một thi phẩm tuyệt hảo, nhưng cuối cùng ta chỉ biết được là bà rất rất yêu.
Chúng ta được dạy bảo, nửa đùa nửa thật, rằng ai cũng có vấn đề và tiền thì không chữa dứt những vấn đề đó, nhưng nếu phải thế thì thà lo nghĩ trên một chiếc Cadillac vẫn hơn. Ít ra cũng bớt đau đớn hơn. Chúng ta cũng được dạy rằng dù thế nào thì cũng phải làm việc, cũng như hãy làm tốt công việc và kiếm tiền hết khả năng.
VỀ VỚI NHỮNG TÌNH NHÂN
Chỉ có người đang yêu mới hiểu được tình yêu. Bản thân người đang yêu dễ bị định hình bởi những tác động, tạo ra nhiều mối ràng buộc để rồi nảy sinh tình yêu mà người đó xem là quan trọng nhất. Với nhiều người, tình yêu giữa người nam và nữ sẽ giống như một cuốn sách mà bản thân họ trải nghiệm hay bức thư họ viết dành cho nhau. Bằng một cách nào đó, mặc cho những khao khát của họ là chính đáng, ý định là tốt đẹp, vật chất lại dự phần vào.
Lý do cho việc này khá nhiều. Đầu tiên, việc là một cá nhân trong xã hội khiến ta phải hành xử như những người khác. Và ta đã làm thế. Chúng ta dành phần thời gian không ngủ buổi ngày hòa vào guồng quay cuộc sống. Những việc ấy gồm đi làm kiếm sống, nấu ăn, dọn dẹp, tích cóp hay mua những món nhu yếu phẩm mỗi ngày, chỉ còn rất ít thời gian cho tình yêu, giải trí, tự học hay chơi đùa. Điều này khiến chúng ta dễ thành thục trong công việc hơn.
Thứ hai, dù chúng ta bị hấp dẫn bởi một ai đó vì nhiều lý do, nhưng tình cảm nảy nở chỉ là một cách làm giảm lo lắng chúng ta gặp phải. Những cách làm giảm lo lắng khác thì sẵn hơn. Nhiều thứ ta dễ dàng mua được đóng vai trò như khoảng đệm bảo vệ ta khỏi những gì chúng ta sợ hãi. Tất cả những gì chúng ta cần là tiền. Và có vô số cách cổ vũ chúng ta kiếm tiền.
MÂU THUẪN VÔ TẬN
Hai cách làm vơi bớt nỗi lo âu ở trên từ xưa đã mâu thuẫn với nhau. Mâu thuẫn này đã có từ trước cả thời Chúa Cứu thế, mà vì vậy Người đã nhấn mạnh chúng ta hãy yêu anh em như yêu bản thân mình và lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu được vào Nước Trời. Chúa Jesus đã giữ mình như lời giáo huấn. Theo sách Phúc Âm Matthew, khi Quỷ Satan đưa Người lên một ngọn núi cao, hứa sẽ cho Ngài cả thế gian và những vinh quang ở đó, Chúa Jesus đã khước từ và nói thẳng: “Hãy lui đi, Satan”.
Dù Chúa Jesus đã thành công trong việc cổ vũ niềm tin tưởng vào tầm quan trọng của việc yêu người khác, Người lại ít thành công hơn trong việc dạy chúng ta tiết chế thói yêu vật chất. Nhà cải cách John Calvin, một lãnh tụ tôn giáo nổi tiếng, một ngàn năm trăm năm sau đã giảng một giáo điều khác hẳn. Khi truy tầm một tôn giáo chân phương loại đi những hình thức bề ngoài và lễ nghi, đưa tôn giáo về đúng với bản chất, ông đã rao giảng rằng thành thục nghề nghiệp và sống tiết chế giúp một người được Chúa chấp nhận.
Ở thành phố giàu có Geneva nơi Calvin thuyết giảng, đây là giáo lý được mến mộ nhất, và những sự kiện trong các thế kỷ sau đó củng cố ảnh hưởng của giáo lý này. Địa vị quý tộc cha truyền con nối và quyền lực bị hủy hoại trong những cuộc cách mạng ở Pháp, Mỹ và cuộc Cách mạng Công nghiệp diễn ra trong thế kỷ tiếp theo khiến mọi người có thể tiếp cận với của cải và địa vị. Một người có thể sinh ra là vô danh tiểu tốt, nhưng nếu người ấy theo lời dạy của Calvin, làm việc chăm chỉ và sử dụng đồng tiền kiếm được một cách khôn ngoan, thì sẽ có ngày người ấy trở nên giàu có và được nể trọng. Người ấy sẽ có được vị thế danh dự.
Từ “vị thế” thường được thốt ra ngày nay nhưng đó không phải là từ mới. Người đã đưa từ này vào hệ tư tưởng Mỹ là Thorstein Veblen, nhà kinh tế độc đáo nhất trong hai mươi lăm năm đầu thế kỷ 20. Quyển sách của ông có tựa đề Lý thuyết về tầng lớp trưởng giả (The Theory of the Leisure Class), là một nghiên cứu phê phán động lực muốn thu vén và muốn địa vị, cho tới lúc ấy vẫn được kính trọng hơn là một câu hỏi.
Ông khảo nghiệm hành vi của những người tuân theo giáo lý chăm chỉ làm việc và tiêu dùng khôn ngoan, và ông phát hiện ra họ không quá lý trí như họ nghĩ. Họ nghĩ rằng họ mua những gì cần thiết và những gì họ thích; và sự chi tiêu cho hàng hóa đó có động cơ mang tính lý trí từ những nhu cầu sinh lý và thẩm mỹ. Một người có thể nghĩ rằng mình mua chiếc áo khoác là để giữ ấm, do đó thỏa mãn nhu cầu sinh lý, và người ấy chọn mua chiếc áo này chứ không phải áo kia vì nó tốt hơn cho mình, thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ. Không phải thế đâu, theo Veblen. Một người mua chiếc áo khoác hay căn nhà, đồ nội thất, ngựa, xe không phải là do nhu cầu lý tính, mà là do động cơ cạnh tranh. Người ấy tìm cách để có được sự chú ý và tôn trọng tương xứng với người đã có những tài sản như vậy.
Hình mẫu hành vi xã hội này không sinh ra tại Mỹ, nhưng đặc biệt dễ nhận thấy ở đất nước này khi mà nhiều người khởi đầu chẳng có nguồn lực gì. Chẳng hạn như cùng thời gian có rất nhiều người đến định cư trên miền đất trù phú Indiana, sau một thập niên, ai đó có thể có một trang trại sung túc, có nhiều gia súc, một ngôi nhà khang trang, có kho, trong khi những người hàng xóm khác vẫn chỉ vừa đủ ăn và một số thì vẫn chật vật nghèo túng. Thế là người giàu ấy tự nhiên được cộng đồng nể trọng. Mọi người nhìn nhận ông ta có khả năng vượt trội. Họ đến xin lời khuyên, trân trọng lắng nghe ý kiến của ông ở cuộc họp của thị trấn, bầu ông vào giúp việc nhà thờ và là người bảo trợ trường học. Của cải của ông chứng tỏ vị thế tôn quý và ông được trọng vọng nhờ nó.
Khi của cải trở thành yếu tố cơ bản để được cộng đồng trọng vọng, bằng một sự chuyển biến tâm lý, của cải trở thành yếu tố cơ bản cho sự tự trọng. Đến giờ những hình mẫu này dường như vẫn còn lý tính và hợp lý. Nhưng rồi Veblen quan sát thấy một sự đảo nghịch phi lý trí. Thay vì tiết kiệm những gì họ vất vả đạt được để có thêm nhiều của cải, nhờ đó, được cộng đồng trọng vọng và có được tự trọng nhiều hơn, người ta có khuynh hướng tiêu tiền theo một kiểu cách rất khinh suất.
TIỀN: SỰ THỂ HIỆN BẢN THÂN
Vâng, chuyện này không hề quá lý trí như ta tưởng. Để giành được sự chú ý và kính trọng, người ta phải phô bày tài sản. Nếu một người sống trong cảnh tồi tàn và lúc chết người ta tìm thấy nửa triệu đô-la trong chiếc giường của người ấy thì cũng không ai kính trọng cả. Nhưng nếu người ấy bỏ ra nửa triệu đô dựng một dinh thự nguy nga và mua một chiếc du thuyền, thì thậm chí có lâm vào cảnh nợ nần để duy trì chuyện ấy, mọi người cũng sẽ kính trọng anh ta. Có cơ may cộng đồng kinh doanh địa phương không chỉ ban cho anh ta cái danh người hào phóng, mà còn đưa anh ta đến cơ hội kiếm thêm nhiều triệu đô nữa.
Có khối tài sản lớn thôi vẫn chưa đủ, theo Veblen. Nó phải được phô bày. Điều này được ông sáng tạo ra một cụm từ để miêu tả, “tiêu dùng phô trương”, và đi kèm với nó là “trưởng giả học làm sang”.
Khi nói tiêu dùng phô trương, Veblen muốn nói là sự phô trương rình rang khối tài sản. Nguyên lý này đối nghịch với hành động kiếm tìm thêm lợi nhuận. Thay vì thử kiếm lời hết mức từ một đô, ý nghĩ này lại tạo nên một ấn tượng rằng tiền của là vô hạn. Đã có thời kỳ suốt cả giai đoạn giàu có hoang dại những năm 1920, khi một người lo nghĩ đến việc thiết lập địa vị xã hội của mình sau khi đã tích lũy được khối tài sản, người ấy sẽ trở thành nhà sưu tập nghệ thuật. Những thứ anh ta tậu về không cần phải tương xứng với số tiền trả cho nó – anh ta mua vì chuyện ấy sẽ tạo nên tin tức trên trang bìa. Nếu một chiếc bồn tắm cũ từ thời vua Louis XIV đủ đắt tiền, nó đáng để mua.
Chuyện này trở thành cách phát ngôn kiểu: “Tôi có khả năng, tôi quá mưu trí, nên tôi thừa sức chi trả cho bất kỳ ý thích bất chợt nào, mà không mảy may lo lắng gì đến nguy cơ đe dọa sự bền vững của khối tài sản”. Khối tài sản đồ sộ đòi hỏi phải được chú ý, ghen tị, kính trọng và chủ sở hữu không tránh khỏi trở thành đối tượng được chú ý. Thêm nữa, nếu những gì anh ta sưu tập thể hiện phong vị tốt, tầm vóc của anh ta sẽ tăng thêm; và ở mức độ nào đó chuyện này chỉ có thể tình cờ là kết quả của những điều kiện vật chất để cho anh ta lựa chọn. Một ý nghĩa nào đó hẳn phải là hệ quả của chuyện ấy; thậm chí một người ngủ gật thường xuyên trong khán phòng nhà hát cũng không tránh được việc quen với lời hát và giai điệu hay cả hai mà.
Bất chấp tình trạng trì trệ vào cuối thập niên 1920, hành vi này vẫn tiếp diễn. Thực tế gần đây ta lại thấy sự hồi sinh trở lại của thú vui mua các tác phẩm nghệ thuật. Không cần phải nghi ngờ chuyện nhiều nhà sưu tập thích tác phẩm họ mua thật, nhưng giá trị quy bằng tiền của một tác phẩm thường lấn át những suy nghĩ và bàn luận về nó.
Dù xã hội dân chủ của chúng ta đã dần dần từ bỏ những nghi lễ và hình thức thừa hưởng từ thể chế quân chủ thời xưa, nhưng vẫn còn nhiều dịp để phô bày của cải. Dự đêm chiếu mở màn tại nhà hát opera là một trong số đó, không chỉ ở New York mà cả ở Paris, London, Rome. Những ghế được chọn nhiều không phải là vị trí có thể nhìn sân khấu rõ nhất mà là vị trí khán giả có thể dễ thấy mình nhất. Những tờ báo sáng hôm sau đăng hình và những dòng mô tả về phục sức của các bà. Điều này bao gồm hai thứ mà Veblen gọi thẳng là “thể hiện khả năng tiêu pha không ngừng nghỉ”: trang sức và trang phục từ các nhà thiết kế nổi tiếng. Cũng như những bức họa, quý bà quý cô được gắn với tên của nghệ sĩ.
Phụ nữ, dù không phải ai cũng miễn cưỡng, được đàn ông sử dụng để trưng ra khối tài sản của mình. Ngay khi một thiếu nữ tới tuổi trưởng thành, quá trình đó bắt đầu. Ngay cả thời nay, cha của một thiếu nữ mới lớn cũng không nghĩ đến gì hơn ngoài việc chi hàng ngàn đô cho phần hoa trang hoàng trong sảnh tiệc lễ trưởng thành của con gái, hoa đó rồi cũng lu mờ khi đến điệu vũ giữa cha và con cuối buổi tối đó. Hành vi tiêu dùng phô trương này thường tái diễn sau đó, khi những cô gái kết hôn, bằng số tiền các đức ông chồng cho lễ cưới. Những phụ nữ này được để mắt tới tại các sự kiện xã hội, trên tàu, tại những khu nghỉ mát đắt đỏ khi diện trên mình những bộ cánh lộng lẫy và không động tay gì cả.
Một người đàn ông có thể sưu tập nhiều thứ khác để tôn cao địa vị của mình. Chiếc xe hơi dài nhất hay mắc nhất, thẻ thành viên cao cấp câu lạc bộ hiếm khi sử dụng, nhà sang, người hầu, chỗ ngồi tốt nhất trong đêm diễn mở màn, bữa tối tại nhà hàng tốt nhất, bàn tốt nhất tại những nhà hàng hay câu lạc bộ đêm, những thú tiêu khiển tốn tiền như polo, du thuyền, săn bắn – những thứ này mang lại địa vị trong xã hội đáng để ganh đua. Việc tìm kiếm địa vị xung quanh những chuyện như vậy đôi khi hài hước đến đỉnh điểm như nhu cầu có một con chó trong nhà và một con chó ngoài vườn.
Với hầu hết chúng ta, những người không thể kham nổi những thú tiêu pha này, Veblen mô tả những yếu tố bắt chước trong hành vi tiêu dùng. “Ganh đua về tiền” là thuật ngữ mà ông dùng để gán cho việc mua sắm phi lý trí không phải để thỏa mãn nhu cầu sinh lý, mà thỏa mãn khao khát được người khác xem trọng hơn.
Chúng ta mua một chiếc áo khoác mới không phải vì cái cũ đã sờn rách hay không còn ấm nữa, mà vì thời trang đã thay đổi và chúng ta thấy thương hại bản thân nếu không theo kịp mọi người. Món đồ đó phải là thời thượng nhất và nó đóng dấu cho sự ganh đua. Những mẫu quần áo sản xuất hàng loạt mà hầu hết phụ nữ mặc nhìn chung là phiên bản sao chép của những bộ trang phục đắt tiền được các nhà thiết kế làm riêng cho người giàu. Tương tự, những người phụ nữ dưỡng móng tay dài và sơn bóng nói chung không hề ý thức những mẫu trang trí thời thượng đó ban đầu là biểu tượng của sự giàu sang, vì rõ ràng những đôi bàn tay đó không phải làm việc nhà.
Dù chúng ta nhận định rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu”, trong thực tế chúng ta lại thường tự nhắc nhở mình tầm quan trọng của ấn tượng về bản thân chúng ta. Và đến lượt, điều này lại khiến ta dễ bị ảnh hưởng. Quảng cáo chiêu dụ chúng ta hết lần này đến lần khác bằng những thứ thường gắn liền với sự giàu có. Dù trong trường hợp nào, những thứ bỏ tiền mua này cũng cho ta hưởng cảm giác ở địa vị do của cải mang lại.
Rõ ràng một sự phóng đại không mấy thiện cảm về tuyên bố của Veblen có thể dễ khiến nó trở nên phi lý. Nhưng mặt khác nó đúng khi nhận xét nhiều mong ước của chúng ta có tính chất kim tiền vật chất. Và mơ mộng không gì khác hơn là sự mở rộng từ các suy nghĩ thường ngày. Thật ngây thơ khi tin rằng chúng ta không hành xử theo mộng ước. Chúng ta có lẽ sa vào thói đó nhiều hơn chúng ta chịu thừa nhận. Và như Veblen đã giúp ta nhận ra, có những áp lực xã hội vô hình dẫn dắt và xúi bẩy quá trình đó.
RẮC RỐI VỚI NGƯỜI KHÁC
Xét trên quan điểm tâm lý thuần túy, tình yêu đồ vật luôn dễ thỏa mãn hơn tình yêu với người khác. Những thiếu sót của chúng ta không gây khó khăn cho việc kiếm tiền nhiều nhặn gì nếu so với những khó khăn nó gây ra cho việc thỏa mãn các mối quan hệ với người khác.
Nhiều người tin rằng thời gian ở nơi làm việc là lúc tinh thần bình thường nhất. Họ nói, “Không thể ở nhà được – ai cũng có tâm trạng riêng. Tôi không thể chịu nổi vợ mình, không ai có thể quản con nổi; không có gì bình thường hết. Ở sở làm, nếu việc không như mong đợi, có thể xoay xở đâu vào đó. Có những quy trình, biểu mẫu, quy tắc chúng ta phải tuân theo suốt. Ở nhà, dù chúng ta yêu quý nhau nhưng mọi chuyện đều mất kiểm soát, không có gì đúng như mong đợi. Rối tinh rối mù hết”.
Người ấy nói vậy. Từ quan điểm của bản thân, người ấy nói khá đúng. Những thăng trầm trong công việc và thị trường cổ phiếu với anh ta còn dễ dự đoán hơn con người. Nhiều quý ông cảm thấy phụ nữ khó dự đoán đến vô vọng, họ dễ thay đổi cảm xúc, biến động còn hơn thời tiết.
Chúng ta có thể chú ý rằng người cảm thấy điều này rõ ràng nhất chính là những người dành phần lớn thời gian và sự tập trung của mình cho công việc, cùng thú vui sắm sửa đồ đạc, họ chỉ còn chút ít thời gian dành để làm quen với những nhu cầu, mong muốn của các bà vợ. Họ xem xét báo cáo thị trường và thư tín kinh doanh, luôn cập nhật thông tin nên những ngoắt ngoéo của tài chính kinh doanh không làm họ ngạc nhiên. Nhưng điều tương tự lại không xảy ra nếu họ cũng gặp chừng ấy rắc rối khi tìm hiểu về con người, họ có thể nhận ra việc tìm hiểu về hành vi của con người có giá trị tương đương như nghiên cứu công việc.
Với nhiều người, việc không đoán được người khác sẽ hành xử và cảm thấy thế nào khiến họ sợ hãi mà không biết. Kể cả những điều bất ngờ cũng khó chấp nhận được với nhiều người chứ không như ta vẫn nghĩ. Với hầu hết chúng ta, một điều ngạc nhiên thực sự, mà chúng ta chưa chuẩn bị tâm lý trước, có thể gây khó chịu dù cho đó là một tin vui. Hãy nhớ lại lần gần đây nhất bạn bị bất ngờ; hãy nhớ lại cách hành xử của người mà bạn thông báo một tin quan trọng mà họ thực sự không được chuẩn bị gì. Phản ứng đầu tiên không phải là dễ chịu mà là bị sốc. Người ấy phải ngồi thừ ra, hít một hơi và làm quen với điều mới đó. Một số người bật cười nhưng dường như là cười gượng. Có người thì bật khóc. Có người cố nặn ra một nụ cười nhưng có phần rụt rè.
Sự thực là chúng ta không thích điều bất ngờ như chúng ta vẫn nghĩ. Lúc nhỏ, chúng ta chắc chắn không thích chúng. Lý do khiến trẻ em khó chấp nhận điều bất ngờ hơn là vì chúng, theo các nhà tâm lý, có “khối tổng tri giác” nhỏ, là một tổng thể những kinh nghiệm hay cảm giác tích lũy được, những điều mới mẻ sẽ được đưa tới khối này. Bất kỳ điều gì hoàn toàn mới mẻ thì rất đáng sợ; điều ấy chỉ trở nên dễ chịu khi trẻ bắt đầu quen với nó. Trẻ nhỏ thường chống đối ngay cả những người lạ mặt lịch sự và tử tế nhất, cho tới khi chúng quen nhìn thấy người ấy trong một khoảng thời gian.
Trẻ em cảm thấy không an toàn với những gì không quen thuộc, vì nó không dự đoán được. Nếu một đứa trẻ phải tiếp xúc với một trải nghiệm mới mẻ, tốt hơn nên chuẩn bị cho trẻ trước những gì nó sắp nhìn thấy. Đứa trẻ cần biết trước để nó có thể tận hưởng niềm vui trước điều bất ngờ chứ không bị sốc vì những thứ lạ lẫm và cùng với đó là nỗi khiếp đảm bám theo.
Chúng ta không hoàn toàn vượt qua được điều này khi trưởng thành. Ngay cả khi khối tổng tri giác, hoàn cảnh trải nghiệm của chúng ta lớn lên cùng cuộc sống, chúng ta vẫn thận trọng trước bất ngờ. Kinh nghiệm khiến những tình huống không còn hoàn toàn bất ngờ, nhưng cũng có thể gợi lại nỗi lo sợ cơ bản, cảm giác bất an ban sơ về cuộc sống. Một sự kiện không mong đợi có thể gợi lên cả trời lo sợ trong vô thức; một bất ngờ lớn có thể tạo nên một cơn sóng trào dâng. Phản xạ đầu tiên là khó chịu. Chỉ tới cảm xúc thứ hai chúng ta mới đánh giá được ý nghĩa của sự kiện và cảm thấy dễ chịu trước điều đó.
Nhưng, chúng ta cũng thích và tìm kiếm những trải nghiệm mới. Có những người thích phiêu lưu mạo hiểm, số khác thì không. Phần lớn chúng ta không mong muốn chờ xem bất ngờ gì sẽ đến khi lên tới đỉnh Everest hay chỏm băng ở Bắc Cực. Chúng ta sẽ yên vị, ít chọn mạo hiểm. Chúng ta thích điều mới, nhưng trong sự hợp lý. Chúng ta phần lớn thích những gì dự đoán được. Và nhìn chung, con người luôn tạo ấn tượng khó đoán trước. Nỗi sợ những gì không đoán trước được trong mối quan hệ với người khác sẽ mạnh mẽ ở một số người. Nó có thể mạnh đến nỗi ngăn họ trải nghiệm tình yêu thương.
Họ có thể là người có cha mẹ thể hiện những cảm xúc và hành vi thay đổi cực đoan. Hay cha mẹ đơn giản là không nhất quán trong cách cư xử với họ. Hình mẫu này rất quen thuộc: một phụ huynh lơ là, có thể chỉ lo đọc báo hay tán chuyện với bạn bè, trong khi con trẻ thì loay hoay kiếm gì đó để chơi. Đứa con tìm được một thứ không nên chơi – có lẽ nó tháo cái bàn uống cà phê mới mua ra – và người cha hay mẹ bất ngờ lao đến giận dữ la rầy. “Đã nói không được đụng vào rồi mà! Sao con lại tháo tung ra thế này!”.
Với đứa trẻ, điều này không đoán trước được và là hành vi gây đau buồn cho trẻ. Phút trước tất cả đang yên bình, mẹ đang dễ chịu hay chí ít cũng thờ ơ, đứa trẻ được phép đi loanh quanh không bị quấy rầy. Phút sau nó bị túm lại, bị la, có thể bị phạt và tất cả những người lớn quan trọng trong đời nó lại trở nên đầy thù nghịch và đe dọa. Nếu những chuyện này xảy ra thường xuyên, trẻ có đủ lý do để mất niềm tin vào hành vi của con người trong cuộc đời sau này. Và suốt đời, những người như vậy có thể luôn cảm thấy đồ vật an toàn hơn con người.
NGƯỜI TÌNH CÓ THỂ ĐOÁN ĐƯỢC
Tính dự đoán được dường như khó mà phát triển được trong mối quan hệ giữa người với nhau, nhưng cũng không phải là không thể. Tất cả chúng ta đều có ít nhất một người bạn mà ta hiểu rõ, hành xử của người ấy dễ thấy trước được. Chúng ta đều cố gắng đoán trước hành vi của những người sếp hay đồng nghiệp mà phản ứng của họ là quan trọng với chúng ta: “Anh ta sẽ không thế đâu”, hay “Cô ấy sẽ không nghĩ vậy đâu”. Chúng ta sẽ không mong lần nào cũng đoán đúng sếp phản ứng thế nào. Nhưng ta cũng không hy vọng sẽ đúng tất về thị trường cổ phiếu hay chỉ số kinh doanh. Dự đoán chỉ là một phỏng đoán, nhưng là phỏng đoán được đào tạo.
Chúng ta có thể có cùng kiểu phỏng đoán về hành vi của con người nếu chúng ta cố học cách hiểu về người đó. Con người không phải không thể dự đoán được, còn lâu mới thế. Người ta không phải cứ than rằng họ sao quá dễ đoán, họ theo thói quen và có kiểu hành vi rất dễ nhận ra và không thay đổi gì. Chúng ta chỉ cần biết một người đủ lâu là được.
Những cặp tình nhân không phải là không thể dự đoán về nhau. Người yêu nhau ít gặp bất ngờ với nhau một khi họ dần phát triển từ tình yêu lãng mạn sang mối quan hệ dựa trên hiểu biết thực sự về nhau. Một số người yêu nhau đi tới mối quan hệ này trước khi kết hôn, một số thì mãi đến vài năm sau khi kết hôn mới hiểu được. Đỉnh điểm của tỷ lệ ly hôn là năm năm sau khi kết hôn. Có những đôi tình nhân hoặc vẫn chưa hiểu nhau, hoặc không chấp nhận thực tế khi họ phát hiện ra.
Những đôi tình nhân thay thế thành công hình ảnh lãng mạn của người tình với hình ảnh thực tế không còn lo ngại những gì họ phát hiện ra về nhau. Họ biết họ có thể tin tưởng người kia. Họ thấy an toàn với nhau và cảm nhận những phản ứng. Địa vị xã hội có thể vẫn còn quan trọng, nhưng không bằng vị trí trong lòng người thân.
NAM GIỚI DỄ NHẠY CẢM
Vì người nam dễ hình thành tình yêu với đồ vật hơn người nữ, nên chúng ta có thể hỏi liệu có phải nam giới dễ bị ảnh hưởng bởi kiểu tình yêu này hơn không. Để bắt đầu, chúng ta phải nhận ra rằng vai trò truyền thống của người đàn ông trong xã hội là người chu cấp cho gia đình. Anh ta chính là người ra ngoài kiếm sống. Vị thế của anh ta trong cộng đồng là một phong vũ biểu cho việc anh ta thể hiện vai trò của mình thế nào. Vị thế của anh ta phản ánh điều kiện thuận lợi hay những điều khác nữa cho vợ con anh ta. Hiểu theo nghĩa thực tế nhất, địa vị trong xã hội của anh ta là một phần của sự chu cấp mà anh ta còn làm được để chăm sóc gia đình.
Do đó nam giới dễ nhạy cảm trước cám dỗ từ của cải và địa vị hơn phụ nữ, đơn giản vì vai trò truyền thống của anh ta. Nhưng cũng còn những lực tâm lý sâu xa hơn hướng anh ta đến những mục tiêu của mình.
Từ những năm tháng đầu đời bé trai đã nếm trải cảm giác bị thay thế bởi người cha. Nó đang ở nhà với mẹ, đang chơi cùng mẹ hay có lẽ được mẹ đút cho ăn. Mẹ hoàn toàn chú tâm đến nó, bất chợt người cha trở về nhà và tình hình thay đổi hẳn. Mẹ bật dậy, hỏi thăm cha, trò chuyện với ông, rời đi để chuẩn bị bữa tối cho cha. Nếu mẹ có trở lại, nếu cha có ngồi xuống và đứa trẻ lại là trung tâm chú ý, thì bầu trời dường như cũng đã đổi khác rồi. Trước giây phút đó bé trai hoàn toàn sở hữu mẹ nó; chỉ một mình nó thôi. Giờ nó không hoàn toàn có được mẹ, với cha cũng vậy. Cha và mẹ mỗi người có một phần của người kia.
Dĩ nhiên bé gái cũng có cùng trải nghiệm như vậy. Nhưng sau đó những trải nghiệm của bé trai và bé gái bắt đầu khác nhau. Bé trai bắt đầu có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ theo kiểu cạnh tranh với cha. Và cảm giác tức giận khiến nó không cảm thấy dễ chịu vì nó cũng yêu cha mình và mong muốn tình yêu từ người bảo hộ mạnh mẽ này. Nên nó tiếp tục dần dần chuyển biến sự cạnh tranh đầy thù nghịch này thành sự ganh đua, vừa dễ chịu lại có lợi hơn. Nó dự định phải bằng cha mình hoặc, nếu có thể, phải vượt hơn ông ta.
Các nhà phân tâm học phân tích sâu hơn khi cho rằng bé trai nhạy cảm về kích thước giữa nó và cha mình, và nhận thức về kích thước này luôn có xu hướng đi cùng những mưu cầu của nó trong khi phát triển. Nó chẳng mấy chốc đã nhận ra trong thế giới trường học và thể thao, sức mạnh thể chất là một lợi thế lớn, và điều này một lần nữa lại liên quan đến kích thước và kỹ năng thể chất. Anh hùng trong mắt nó là người có thể chạy nhanh nhất, đánh bóng mạnh nhất, được vào đội và chiến thắng. Trở thành số một, lập nên những kỷ lục – đây là những tiêu chuẩn của sự xuất sắc khi một bé trai nghĩ về hình mẫu nó muốn trở thành.
Trải nghiệm của bé trai và bé gái càng tách biệt rõ rệt khi người cha thấy rằng các con đã đủ tuổi để lấy bằng lái. Mức bảo hiểm tăng lên ngay khi cậu trai bắt đầu lái xe hơi, vì tỷ lệ tai nạn ở nam thiếu niên là cao nhất so với bất kỳ nhóm tài xế nào. Các cậu trai, do tính cách, lái nhanh hơn thiếu nữ. Họ đua xe trên đường, như một mũi tên lao vút đi khi đèn mới chuyển từ đỏ sang xanh, bất chấp mọi nguy cơ để đến nơi đầu tiên và nhanh nhất.
Tuổi trẻ ở thời kỳ nào cũng bận tâm lo bị đẩy ra ngoài lề, từ những cuộc chơi thời Hy Lạp cổ đến những sân chơi ở Eton. Luật đầu tiên của bất kỳ trò chơi nào cũng là phải chiến thắng. Phần thưởng không được chia đều. Chỉ những người chiến thắng mới có được. Tương tự, sự thỏa mãn của người đã thi thố công sức phụ thuộc vào việc người đó có chiến thắng hay không. Sự ngưỡng mộ của người khác và sự ngưỡng mộ cho chính bản thân mình đều theo tính chất của thành tích đạt được. Đây không phải là tình yêu ở dạng thuần khiết hay tốt đẹp nhất, nhưng chắc chắn là một sự thay thế phổ biến.
Phụ nữ cũng hoàn toàn không được miễn trừ. Một bé gái sẽ cạnh tranh rồi ganh đua với mẹ, sau đó ganh đua về điểm số ở trường, về việc vào được trường đại học nào, về người chồng mà mình sẽ cưới. Cô muốn yêu chồng mình, hẳn nhiên rồi, nhưng cô cũng muốn có một cuộc hôn nhân tốt, thế nghĩa là có một ông chồng quan trọng, nổi bật, có lẽ phải có của cải và địa vị.
MỘT ÂM MƯU CHỐNG LẠI TÌNH YÊU
Tất cả những điều trên bổ sung một lực tâm lý đáng kể vào lòng cạnh tranh và tham vọng của mỗi người chúng ta, cả nam lẫn nữ. Trong xã hội chúng ta, nam giới bị tác động nhiều hơn nữ giới, nhưng xã hội dần thay đổi và phụ nữ đang tìm kiếm, có lẽ với rất nhiều nỗ lực, những cơ hội để thể hiện động lực cạnh tranh. Cha mẹ đóng một phần vai trò trong việc truyền tải động lực này cho con cái, gia đình với mối quan hệ tuyệt đối của nó đã kích thích những cảm giác và hành vi cạnh tranh. Đó là sự cạnh tranh giữa con với người cha hay mẹ để có được tình thương của người lớn kia, cạnh tranh giữa các anh chị em để có tình thương của cha mẹ, thậm chí là cơn ghét bỏ của cha mẹ dưới dạng trừng phạt. Cạnh tranh được cổ vũ trên sân chơi, ở trường hay sân thi đấu. Hướng tới thành tích và danh hiệu là điều vẫn thường thấy và trở thành một động lực được phóng đại hơn nữa suốt những năm trưởng thành, không ai trong chúng ta hoàn toàn thoát khỏi nó.
Tất cả hợp lại củng cố thêm cho động lực này khi ta trưởng thành. Đằng sau nó không chỉ là lịch sử, truyền thống, và ở một phương diện nào đó là ảnh hưởng tôn giáo của thuyết Calvin, mà đó còn là sự phụ thuộc dễ thấy nhất vào văn hóa sung túc. Quảng cáo đánh vào khao khát sở hữu đồ vật và lợi dụng nó để bán sản phẩm cho chúng ta. Báo chí của chúng ta viết sơ sài về John Doe nào đấy chỉ khi hắn cướp hay giết ai đó, hoặc hắn bị cướp hay bị giết, nhưng chúng ta lại đọc cặn kẽ từng chuyện đời tư của những người giàu sụ và có địa vị, còn khi họ chết, ta đọc tất tần tật cả trang cáo phó dài. Ở khía cạnh này, báo chí cũng giống như những cuốn sách sử. Trong tất cả người băng qua sông Rubicon, chỉ có Caesar là được đề cập.
Chúng ta học kinh doanh và kỹ năng nghề nghiệp để phát triển khả năng giành được của cải và địa vị, nhưng không có khóa học nào về tình yêu. Có trường Quản trị Kinh doanh Harvard, nhưng đến giờ vẫn chưa có trường Yêu Harvard, và nếu có vài cựu sinh viên triệu phú khác người có ý định tài trợ cho một ngôi trường như vậy thì ban quản trị trường Harvard hẳn sẽ rất khó xử.
Thế giới không cho chúng ta nhiều tiếng thơm vì có những thành quả về tình yêu. Khi một người bỗng hạnh phúc trong tình yêu, bạn anh ta sẽ nói “Cậu ấy may mắn thật!”. Khi hai người có được hạnh phúc quý giá trong hôn nhân, người ta sẽ nói, “Họ thật may mắn!” và “Họ quả là may mắn mới tìm được nhau!”. Chúng ta nhìn nhận việc thể hiện tốt và có được thành tựu trên đời là dấu hiệu của một khả năng xuất chúng. Nhưng thể hiện tốt trong tình yêu chỉ là sự tình cờ giữa hai người vô tình mà vớ được nhau và hóa ra mọi sự lại tốt đẹp. Không có nhận định rằng có lẽ chúng ta đã lựa chọn sáng suốt và đúng đắn, và khi chọn người ấy ta đã bỏ công sức và tâm tư vun đắp tình cảm để thỏa mãn khao khát hòa hợp, hạnh phúc và hoàn thiện lẫn nhau.
Với rất nhiều áp lực mà có lẽ sẽ khiến ta rẽ sang hướng khác, quả là rất đặc biệt nếu dành tình cảm cho người chứ không phải vật chất, vốn là một trong những lý tưởng quan trọng của chúng ta. Có thể chính những vật chất, việc sở đắc chúng và địa vị chúng mang lại không hề thỏa mãn cho nỗi cô đơn, cơn lo âu, nhu cầu cần có nhau và khát khao tìm kiếm hạnh phúc ở nhau của chúng ta.
Quả là rất khó để không dính dáng gì đến việc tích lũy vật chất trong một thế giới mà chúng quá nổi bật như vậy. Thành công rất quan trọng với chúng ta và chứng nhận phẩm chất phổ biến nhất là thành quả tài chính. Hầu hết mọi thứ đều có cái giá của nó và người ta cảm nhận được rằng tiền là cách dễ nhất và là phương tiện phổ quát để đo lường giá trị. Họ nhìn thấy từ những vật chất trần tục sự thỏa mãn, an toàn, địa vị, sự khuếch đại cái tôi, một sự xác nhận cơ bản cho sự xứng đáng và đủ đầy của họ. Như cậu bé Jack Horner53 khi có được quả mận, chúng ta sẽ nghĩ rằng: “Mình thật là tài giỏi”.
53 Cậu bé Jack Horner là nhân vật trong một bài dân ca của Anh. Nội dung phổ biến của bài hát này là: Cậu bé Jack Horner. Ngồi ở một góc nhà. Ăn chiếc bánh Giáng sinh. Nó chọc ngón tay cái. Và moi ra quả mận. Rồi nó khen: “Mình thật là tài giỏi”.
VẬT CHẤT LÀ KHÔNG ĐỦ
Tất cả những điều ấy đều tốt trừ hai điểm cần cân nhắc sau. Đầu tiên, có một mối quan tâm kéo dài không suy suyển với cái tôi gần giống với thói yêu bản thân của trẻ nhỏ hơn là những biểu hiện người lớn. Tại sao có người cứ liên tục theo dõi tin báo thị trường chứng khoán đến mức luống cuống? Tại sao những người có địa vị vẫn thương lượng chuyện làm ăn cả trong ngày cuối tuần hay ngày nghỉ. An toàn và thỏa mãn lẽ ra nên giúp ta thoát khỏi nhu cầu chứng tỏ bản thân liên tục; nó nên đem lại sự tự tin và tĩnh tại.
Điều thứ hai nên cân nhắc là chúng ta đang sống giữa xã hội người. Dù bạn có thành công trong việc tích lũy của cải bao nhiêu đi nữa, thì ẩn ý cảm xúc trong đời vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào những người gần gũi chúng ta và cách chúng ta tương tác với họ. Vâng, người khác có thể cho ta danh tiếng và địa vị, nhưng vị thế của chúng ta trong nhà mình vẫn có giá trị cao nhất trong cảm giác của mỗi người. Thành viên trong gia đình không phản ứng với chúng ta theo những quy luật xã hội. Và họ thấy ta trong khi không khoác lên các thành tựu kinh tế xã hội. Triệu phú hay người thường thì khi đối mặt với đứa con sáu tuổi – hay những người thân thích khác – đều có tình yêu đơn thuần như nhau cả. Không sớm thì muộn, sự thật sẽ phơi bày. Không phải thứ gì cũng có thể mua được. Không gì có thể thay thế được con người.
Tình yêu với vật chất và tình yêu với con người thường mâu thuẫn với nhau. Nhưng không có quy luật nào về bản tính người hay xã hội bắt buộc cần phải như vậy. Chúng ta không tránh khỏi có nhiều tình cảm và một trong những thách thức lớn trong cuộc cuộc đời là làm cho những tình cảm đó tương hợp với nhau. Giải pháp lý tưởng không đòi hỏi phải hy sinh cái này cho cái kia. Có nhiều người đã kết hợp những ích lợi của cả hai thứ tình cảm để khích lệ niềm tin rằng hai thứ tình cảm đó có thể tồn tại hòa hợp với nhau. Nỗ lực hợp tác không chỉ là giấc mơ. Chúng ta biết nhiều trường hợp thành tựu đạt được là do kết quả làm việc chung với người khác chứ không phải chống lẫn nhau. Ngay cả những mối quan hệ làm ăn cũng có chỗ cho phẩm giá, sự tôn trọng và tình cảm. Những hành vi thường ngày biểu lộ điều này nhiều bao nhiêu, thì công việc và tình cảm càng phù hợp với nhau bấy nhiêu. Những mối quan hệ với người khác sẽ đem lại sự thỏa mãn lớn hơn, chúng ta sẽ ít cần “xù lông” hơn, và những biểu tượng vật chất của địa vị sẽ ít hấp dẫn ta hơn là giá trị sâu sắc mà chúng ta nhận ra khi mọi người sẵn lòng chia sẻ với chúng ta.