Bạn, người đang lướt qua những dòng này, là bằng chứng sống của việc một người không được ngừng học hỏi, phát triển, ngay cả khi đã qua thời tuổi trẻ.
JOHN W. GARDNER
“Chúng ta luôn muốn tìm ý nghĩa trong cuộc đời. Khi chúng ta ngẩng cao đầu, phấn đấu để trở nên xuất sắc, cống hiến vì những mục tiêu cao nhất của xã hội, tức là chúng ta đã chọn lấy một mục đích đầy ý nghĩa có từ xa xưa – cuộc đấu tranh trường kỳ của một người để nhận ra phẩm chất quý giá nhất của mình.”
Trên đây là những lời của John W. Gardner, người sáng lập Liên minh vì mục đích chung và cựu chủ tịch Quỹ Carnegie vì tiến bộ giáo dục. Trong bài học được trích từ tác phẩm Xuất sắc (Excellence) của mình, thầy Gardner sẽ gợi lên cho bạn nhiều câu hỏi quan trọng về bản thân và về xã hội quanh ta.
Với bạn xuất sắc nghĩa là gì?
Khi nào nên chấm dứt việc sự tự hài lòng về bản thân?
Tự do sẽ có ích gì nếu không có một nguyên tắc đạo đức?
Vì sao nhiều người không khôn ngoan hơn cùng với tuổi tác?
Công ty bạn đã làm gì để nuôi dưỡng sự phát triển của bạn?
Hoa Kỳ đã và vẫn là một quốc gia của thành công. Chúng ta chắc chắn là những người thành công nhất trong việc phát triển một nền kinh tế thịnh vượng và quyền lực. Vậy nhưng, mặc cho những tràng vỗ tay tán thưởng hay sự kính trọng nhiệt thành dành cho những người vươn lên từ khu ổ chuột, chúng ta vẫn đang lợi dụng các quyền dân chủ thường xuyên hơn bao giờ hết để hạn chế hay kìm hãm sự vươn lên của những ai thể hiện nhiều tham vọng hơn chúng ta. Và nếu những thủ đoạn ấy không thành công, chúng ta cũng sẽ tước đoạt những quả ngọt từ thành công của người ấy thông qua thuế khóa. Điều gì sẽ khuyến khích, thay vì làm nản lòng, ý tưởng hoàn thiện cá nhân?
Bạn đã đi được một chặng dài từ khi bắt đầu Bài học số 1. Đã đến lúc bạn cân nhắc về tương lai cho bản thân bạn và con cái…
Mấy năm về trước tôi đã có cuộc trò chuyện đáng nhớ với đứa con mười tuổi của một người giáo sư đồng nhiệm. Tôi đang tới lớp của mình, còn cháu thì đang đến lớp học vĩ cầm. Chúng tôi bắt đầu chuyện trò, cháu than vãn rằng cháu vẫn chưa chơi được một bản nhạc thực sự nào – chỉ toàn những bài thực hành chán ngắt. Tôi nói điều ấy sẽ thay đổi nếu cháu tiến bộ hơn, thế là cháu trả lời với vẻ sầu muộn: “Nhưng cháu chẳng muốn cải thiện gì cả. Cháu mong sao cho cháu chơi tệ hơn nữa cơ”.
Ý nghĩ về sự xuất sắc hấp dẫn hầu hết mọi người nhưng chỉ gây cảm hứng cho một số người. Nhưng xét riêng rẽ ra thì đó là một quan điểm khá trừu tượng. Đó không phải là một động lực mạnh mẽ phổ quát mà một người có thể mong muốn. Vì vậy chúng ta phải tự hỏi bản thân, những ý tưởng thôi thúc và có ý nghĩa nào sẽ gây cảm hứng và giúp chúng ta luôn phấn đấu đạt được sự xuất sắc.
Trong xã hội của chúng ta, người ta không cần tìm kiếm ở đâu xa để có một ý tưởng đầy sinh động và mạnh mẽ để phụng sự cho mục đích trở nên xuất sắc. Đó chính là ý tưởng vững chắc về sự hoàn thiện cá nhân. Ý tưởng này ẩn ngầm trong những niềm xác tín của chúng ta về giá trị của cá nhân. Nó củng cố niềm tin về sự công bằng của cơ hội. Nó biểu hiện trong niềm tin của chúng ta rằng mỗi cá nhân nên được kích hoạt để vươn tới phẩm chất tốt nhất của người đó.
Phương tiện chính mà chúng ta đặt ra để đưa ý tưởng về sự hoàn thiện cá nhân đi xa hơn là hệ thống giáo dục. Nhưng trong mối ưu tư có thể hiểu được về cách khiến phương tiện đó trở nên hoàn hảo, chúng ta có xu hướng quên đi mục tiêu rộng lớn hơn mà nó lẽ ra phải phục vụ khi được thiết kế ra. Hầu hết người Mỹ tôn vinh giáo dục, nhưng ít người hiểu ý nghĩa lớn lao của giáo dục. Những suy nghĩ của ta về giáo dục thường hời hợt, hẹp hòi, thiếu sự tiếp cận và thiếu tầm nhìn. Mục đích của giáo dục phải được nhìn nhận là cái khung kết cấu rộng lớn hơn cho những quan tâm tin tưởng của chúng ta và giá trị của cá nhân và tầm quan trọng của việc hoàn thiện cá nhân.
Giáo dục theo ý nghĩa thông thường chỉ là một phần trong nhiệm vụ to lớn của xã hội là cổ xúy cho sự phát triển về trí tuệ, cảm xúc và đạo đức cá nhân. Điều chúng ta cần đạt tới là một quan niệm về việc tự học hỏi, tự định hình suốt đời để nhận ra phẩm chất tốt nhất của bản thân, để là người mình muốn trở thành.
Đây là một quan niệm có phạm vi vượt khá xa so với hình thức giáo dục thông thường. Quan niệm này không chỉ bao gồm tri thức mà còn gồm cả cảm xúc, tính cách và phẩm chất. Nó không chỉ ở ngoài mặt, mà còn là những lớp sâu hơn bên trong như suy nghĩ và hành động. Nó liên quan đến sự thích nghi, sự sáng tạo và sức sống.
Quan niệm này cũng bao gồm sự phát triển về đạo đức và tinh thần. Chúng ta mong muốn cá nhân phát triển hết những khả năng có thể, nhưng hiển nhiên chúng ta không mong muốn phát triển những tên tội phạm hay những tên khốn xấu xa nhất. Học chỉ vì bản thân sự học thôi là không đủ. Trộm cướp học thói gian trá, nô lệ học thói phục tùng. Chúng ta có thể học phải những điều hạn chế tầm nhìn và bẻ cong sự đánh giá của mình. Chúng ta muốn dưỡng dục sự hoàn thiện trong khuôn khổ những nỗ lực vì luân lý và đạo đức định hình tính cách tốt nhất của một người. Trong một thế giới toàn những tổ chức lớn và những thế lực xã hội tác động rộng khắp làm cho cá nhân cảm thấy bé nhỏ và bị đe dọa, chúng ta phải xếp mình về phía một cá nhân mỗi khi có thể; nhưng chúng ta không thể tán dương tính vô trách nhiệm, phi đạo đức, hay hoàn toàn vì lợi ích cá nhân.
Sự vĩ đại của nước Mỹ vẫn luôn là sự vĩ đại của một cá nhân tự do nhưng sẻ chia những giá trị luân lý nhất định. Tự do bất chấp luân lý là sự mất phương hướng mà chẳng mấy chốc sẽ trở thành tự hủy hoại mình. Một sự thật mỉa mai là con người trong xã hội của chúng ta hướng về sự tuân thủ, nhưng chỉ ở hành vi bề ngoài, kỳ thực họ xa rời bất kỳ ý thức về những mục đích chung nào sâu sắc. Chúng ta cần phục hồi cả ý thức nhiệt huyết của cá nhân và ý thức về mục đích chung. Có bên này mà không có bên kia sẽ dẫn tới những kết quả mâu thuẫn với chính chúng ta.
Để được tôn trọng một cách chân thành, cá nhân phải vừa tìm thấy chính mình vừa đánh mất chính mình. Điều này không mâu thuẫn như ta tưởng. Chúng ta tôn trọng một người lấy bản thân mình phụng sự những giá trị đưa cá nhân lên tầm siêu việt – những giá trị về nghề nghiệp, về con người, về di sản và trên hết về những giá trị tôn giáo và tinh thần sẽ nuôi dưỡng lý tưởng hoàn thiện cá nhân như mục đích cao nhất. Nhưng “món quà bản thân” chỉ đạt được sự ngưỡng mộ nếu người trao nó đạt được một độ chín về cá nhân và hành động trao đi không dính dáng đến một sự méo mó không thể sửa chữa khi mất đi tính cá nhân đó.
LÃNG PHÍ DIỆN RỘNG
Trong xã hội chúng ta ngày nay, rất nhiều người trẻ không bao giờ hoàn thiện hết những tiềm năng của họ. Môi trường có lẽ không kích thích những kiểu hoàn thiện như vậy, hoặc thực tế nó còn tiêu diệt mầm phát triển. Gia đình ngập trong cảnh đói nghèo và không học hành hiếm khi cung cấp những sự động viên cần thiết để cá nhân phát triển. Hàng xóm xung quanh không lương thiện và xã hội phân rã là những điều kiện phổ biến khiến không thể tạo nên bầu khí quyển mà giáo dục giữ vị trí chủ đạo. Trong những môi trường như vậy, quá trình tài năng bị hủy hoại đã bắt đầu từ lâu trước giai đoạn mẫu giáo và tồn tại rất lâu sau đó.
Sự thật rằng số lượng thiếu niên Mỹ không thể đạt được đến sự phát triển toàn diện nhiều đến mức phải đánh động nhận thức ở tầm quốc gia. Và điều này không chỉ đơn giản là mất mát của cá nhân. Tại thời điểm mà quốc gia cần tận dụng hết nguồn lực con người, không thể tưởng tượng nổi chúng ta lại lãng phí những tiềm năng này. Những sự kiện gần đây như chiếc búa tạ giáng cho ta một bài học rằng chúng ta nên học hỏi từ truyền thống – rằng sức mạnh, sự sáng tạo và sự phát triển xa hơn như là một xã hội của chúng ta phụ thuộc khả năng phát triển tài năng và những tiềm năng của những con người của chúng ta.
Một sự tấn công đầy đủ vào vấn đề này không chỉ động đến những định chế giáo dục không thôi mà cần đi xa hơn nữa. Nó không chỉ liên quan đến nhà trường mà còn cả gia đình, nhà thờ hay hội đạo Do Thái, các sân chơi và tất cả những định chế nào góp phần định hình một cá nhân. Các hội nhóm chăm sóc trẻ em, các tổ chức nhận con nuôi, cô nhi viện, bệnh viện – tất cả đều có vai trò riêng. Cả những dự án xóa khu ổ chuột, cũng như các chương trình phúc lợi cho trẻ em hướng tới việc tạo nên gia đình và môi trường tốt giúp nuôi dưỡng sự phát triển bình thường cũng góp phần vào đó.
Nhưng chúng ta không chỉ đối mặt với những trở ngại để hoàn thiện cá nhân lúc còn là trẻ em. Những vấn đề kiểu khác cũng xuất hiện trong giai đoạn sau của cuộc đời.
Những diễn giả ở lễ tốt nghiệp thích nói rằng giáo dục là một quá trình cả đời. Vậy nhưng đây là một quan điểm không nên nói với bất kỳ một người trẻ tuổi nào mà nhận thức còn non nớt. Nhưng vì sao các diễn giả vẫn tiếp tục nói như vậy? Không phải vì họ thích tính đa cảm mà họ diễn đi diễn lại đến nhàm (dù họ vẫn diễn). Họ cũng không phải đánh giá thấp khán giả. Sự thật là họ biết điều mà các khán giả trẻ không biết – một điều không thể nói rõ được. Dù người trẻ có nắm chắc và hiểu rõ tinh thần học tập là quá trình suốt đời, thì cũng không thấm thía, ghi khắc trong tâm, với rất nhiều thỏa mãn cũng như hối tiếc mà một người lớn tuổi hơn sẽ cảm nhận được. Người trẻ chưa mắc đủ những sai lầm không thể sửa chữa. Họ vẫn chưa trải qua những ngã rẽ cuộc đời mà không thể quay đầu lại.
Những diễn giả trong lễ tốt nghiệp có thể sa đà vào việc cứ nói như thể học hỏi kinh nghiệm của người lớn tuổi là một tính cách hoàn toàn thận trọng và đầy vinh quang – cách mà lớp trẻ phần nào thiếu vắng. Chúng ta có thể bỏ qua cho họ. Thật không dễ gì mà kể cho người trẻ rằng chúng ta đã học hành một cách lơ là thế nào, rằng cuộc đời đã ném vào ta những trải nghiệm sâu sắc để cho ta những bài học ra sao, và chúng ta đã kháng cự mạnh mẽ thế nào quá trình trưởng thành của bản thân.
Nhưng chúng ta có thể sẵn lòng tha thứ cho diễn giả ấy nếu họ kể một phần khác nữa của câu chuyện. Phần đó là quá trình học tập cả đời không khi nào liên tục và không chút gì phổ quát cả. Nếu như tuổi tác tỷ lệ thuận với sự thông tuệ thì đã không có những kẻ to đầu mà dại – đây là một giả thiết đối lập rõ rệt với quan niệm thông thường. Sự thật đáng buồn là với phần lớn chúng ta, quá trình học tập kết thúc từ rất sớm. Còn những người khác thì lại học những điều sai lầm.
Sự khác biệt về năng lực phát triển liên tục của mỗi người thì ai cũng đã rõ và chúng ta không cần đào sâu thêm. Nhưng không nên nhầm lẫn những năng lực khác biệt đó với sự khác biệt về mức độ thành công – như thế giới vẫn đánh giá – mà cá nhân sẽ gặt hái được. Nhiều người bị xem là không thành công vẫn tiếp tục học tập và phát triển suốt đời; và một số nhân vật lẫy lừng thật ra đã ngưng học tập từ nhiều thập niên trước.
Chúng ta vẫn chưa hiểu rõ lý do vì sao một số người tiếp tục học hỏi và phát triển, còn số khác thì không. Đôi khi ta có thể dẫn ra một trường hợp đối nghịch làm nguyên nhân cho sự mất cân bằng trong phát triển cá nhân. Nhưng chúng ta không thể xác định những điều kiện cản trở hay nuôi dưỡng sự phát triển đó.
Dĩ nhiên là con người chưa bao giờ bị vùi dập bởi nghịch cảnh như vẻ bề ngoài. Người đã phát triển bản thân vượt bậc sau khi trải qua tình huống ngặt nghèo hẳn sẽ sẵn sàng phát triển trong bất kỳ hoàn cảnh nào khác. Pasteur nói rằng cơ hội chỉ ưu ái người đã có sự chuẩn bị. Còn thuyền trưởng James Cook từng nói: “Tôi… có tham vọng không chỉ giương buồm đi xa hơn những người khác, mà là đến bến bờ xa nhất con người có thể đi”. Như những chuyến đi từ đó đến cuối đời của James Cook đã đưa ông đến tận cùng thế giới, nhiều người cũng khởi hành với tư tưởng và tinh thần phiêu lưu của Odysseys trong mình.
Không may là quan điểm về hoàn thiện bản thân và học tập cả đời đã cổ vũ các diễn giả trong lễ tốt nghiệp cảm thấy phản ánh không đầy đủ qua các thể chế giáo dục. Đã từ lâu chúng ta thốt ra những lời đạo đức giả về quan điểm đó và xem nó là chuyện đùa. Như những người chỉ thực hành tôn giáo vào cuối tuần, còn trong tuần thì quên mất, chúng ta chỉ khu biệt ý tưởng về sự hoàn thiện cá nhân trong một phần của đời sống quốc gia, và bỏ bê ở những nơi khác. Chúng ta đặt “giáo dục” ở một góc riêng, bên ngoài những việc chính trong đời. Đó là điều diễn ra trong trường trung học và đại học. Nó chỉ xảy ra với những bạn trẻ từ sáu đến hai mươi mốt tuổi. Và chúng ta dường như cho rằng không cần quan tâm đến việc hoàn thiện bản thân trong suốt phần đời còn lại.
Nếu đặt hệ thống giáo dục qua một bên thì chúng ta cũng có một số ít minh chứng cho mối ưu tư trên. Một số nhóm tôn giáo đã làm rất xuất sắc. Thư viện và viện bảo tàng là những địa chỉ chính thống đáng tự hào. Những chương trình giáo dục cho người lớn ngày càng trở nên hiệu quả. Một số tổ chức nhất định chăm lo đến phúc lợi xã hội và sức khỏe tinh thần cũng đóng vai trò trọng yếu.
Nhưng còn về phim ảnh, phát thanh, truyền hình với khả năng cực kỳ lớn trong việc phát triển cá nhân thì sao? Nói cho công bằng thì những khả năng ấy không chiếm phần nổi trội trong hình dung của giới lãnh đạo các phương tiện truyền thông đó. Về phía ngược lại, những phương tiện này cũng thường xuyên để cho lòng tham chiến thắng giá trị giáo dục. Còn báo chí với những tiềm năng rõ ràng để đào sâu trí tuệ và phát triển cảm xúc của một cá nhân thì sao? Khá nhất là một mảng nhỏ của ngành xuất bản đã chấp nhận gánh vác những trách nhiệm như vậy. Những nhà xuất bản sách ít bị giới phê bình công kích hơn, nhưng họ cũng không phải là không phạm sai lầm.
Theo đuổi nghiêm túc mục tiêu hoàn thiện cá nhân thậm chí còn đưa ta đến những địa hạt xa hơn. Công đoàn, đoàn hội, tổ chức nghề nghiệp, các câu lạc bộ xã hội tất cả có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và học hỏi của cá nhân, nếu những đoàn thể này có khuynh hướng như vậy. Nhưng hiếm hoi lắm họ mới thế. Có vô số những cơ hội mở ra cho những người chủ nào sẵn lòng nhận lấy trách nhiệm xúc tiến sự phát triển cá nhân cho các thành viên trong công ty họ. Nhiều doanh nghiệp hướng đến tương lai đã có những bước khởi đầu rất đáng chú ý trong việc đón nhận trách nhiệm ấy.
Điều chúng ta đang chỉ ra ở đây là mỗi tổ chức trong xã hội nên góp phần vào công cuộc hoàn thiện cá nhân. Dĩ nhiên mỗi tổ chức phải có mục đích và mối quan tâm riêng, nhưng ngoài tất cả những gì đang thực hiện, các tổ chức nên chuẩn bị trả lời cho câu hỏi từ xã hội: “Tổ chức bạn đang làm gì để nuôi dưỡng sự phát triển của các cá nhân trong đó?” .
Vậy thì tất cả những điều này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là chúng ta nên khai mở rộng ra cách suy nghĩ về giáo dục. Chúng ta nên có một bức bích họa toàn cảnh thật lớn trên một khoảng tường thật rộng. Điều chúng ta nên cố gắng thực hiện không gì hơn là xây dựng một nền văn hóa sáng tạo. Chúng ta nên đề xuất mọi người Mỹ nhận lấy một nhiệm vụ chung, đó là công cuộc nuôi dưỡng sự phát triển mỗi cá nhân trong một khung giá trị lý trí và đạo đức. Chúng ta đề xuất mọi người chấp nhận một mục đích bao hàm tất cả là sự xúc tiến phát triển cá nhân và học tập ở mọi lứa tuổi, trong mọi hoàn cảnh quan trọng, với mọi cách thức có thể tưởng tượng ra. Làm như vậy, chúng ta sẽ kiên định niềm tin cho lý tưởng về sự hoàn thiện bản thân, đồng thời đảm bảo liên tục sức mạnh và sức sáng tạo như là một xã hội.
Nếu ta chấp nhận mối bận tâm làm sao hoàn thiện cá nhân như một ưu tư đích thực của quốc gia, thì chính trường trung học và đại học sẽ là trung tâm của sự nỗ lực này. Họ phải cam kết một sự xúc tiến mục tiêu quốc gia và không lội ngược dòng chống lại lợi ích của công chúng khi họ nghĩ còn điều gì khác cấp thiết hơn, như hiện nay. Các trường học này sẽ phải đối mặt với một thách thức vượt ngoài những gì họ từng trải nghiệm. Chúng ta đã nói rằng sự phát triển của con người phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của cá nhân đối với việc học và sự phát triển của người đó. Điều này định nghĩa nghĩa vụ của trường trung học và đại học. Trên hết, trường học phải trang bị cho cá nhân một quá trình học tập không ngừng, phải tạo môi trường cho trí tuệ và tinh thần để con người có thể liên tục định hình và tái chất vấn bản thân mình. Họ không thể tự thỏa mãn với cái quy trình đã có từ lâu là nhồi nhét kiến thức cho sinh viên hay một quy trình dễ được chấp nhận hơn là huấn luyện sinh viên như trong quân đội. Bổn phận thiêng liêng của các trường trung học và đại học chính là truyền cho sinh viên thái độ luôn hướng đến phát triển, học tập và sáng tạo, mà đến lượt nó, sẽ tái định hình xã hội.