Chúng ta chắc chắn sẽ đọa đày con em đến thất bại và chán chường nếu cứ cố đặt mục tiêu cho chúng.
GIÁO SƯ JESS LAIR
Oscar Wilde từng nói: “Lúc đầu con trẻ yêu thương cha mẹ. Rồi theo thời gian, chúng phán xét họ. Họa hoằn lắm con trẻ mới tha thứ cho cha mẹ”.
Không có trọng trách nào trên thế gian khó khăn cho bằng nuôi dạy một đứa trẻ từ thuở lọt lòng tới tuổi trưởng thành. Như Adam và Eve với hai người con Cain và Abel, bậc cha mẹ phải lao tâm khổ tứ với một nghĩa vụ đòi hỏi rất nhiều tài năng, năng lực, kiên nhẫn, sự thông thái và tình thương mà phần lớn chúng ta khó lòng đáp ứng. Nhưng chúng ta vẫn thử, phải vật lộn với hàng loạt những vấn đề càng ngày càng tăng qua các thế kỷ trong việc nuôi dạy trẻ.
Bài học rất vui sau đây rút từ quyển sách của Giáo sư Jess Lair Tôi không giỏi – nhưng tôi sẽ khá lên (I Ain’t Well – But I Sure am Better), đề cập đến một khẳng định mà bậc làm cha mẹ nào cũng phải đương đầu. Phải hướng dẫn, uốn nắn và chỉ dẫn thế nào để trẻ lớn lên và thành công chứ không thất bại? Những nguy cơ và hiểm họa liên quan đến thử thách này rất hiếm khi được xem xét kỹ ngay cả ở các bậc cha mẹ quan tâm nhiều.
Giúp trẻ thành công có thể trở thành nỗi ám ảnh với các bậc cha mẹ, đặc biệt với những bậc cha mẹ không thành công. Con cái của họ phải bù đắp lại thiếu thốn của cha mẹ bằng mọi giá. Ở trường chúng phải thông minh, sau này phải giàu, có địa vị, kết hôn khôn khéo, vì cha mẹ chưa bao giờ thành công trong những mặt đó.
Nhưng giả thử như con trẻ bẩm sinh không có được điều kiện để hơn cha mẹ chúng thì sao? Giả thử chúng sẽ hạnh phúc hơn nếu chỉ là người bình thường, là người có ích nhưng chỉ sống một cuộc đời bình thường? Có những đứa trẻ đã bị hủy hoại vì bị những bậc gia trưởng trong gia đình ép buộc phải thử những điều quá sức và không theo ý muốn. Những bậc cha mẹ này vì vậy khiến con trẻ thất bại, không thể phản ánh ý muốn phù phiếm, tham lam và thể hiện cái tôi của họ.
Hãy lắng nghe một giáo sư nổi tiếng thế giới, một người rất nồng nhiệt, đã tư vấn cho hàng ngàn người, chỉ cho bạn cách làm thế nào giúp con cái trưởng thành và chăm lo khu vườn ước mong của chúng, chứ không phải của bạn.
Khi điều đó xảy ra, cả bạn và các con đều thành công!
Vợ tôi cứ khăng khăng rằng tôi là mẫu người độc thân bẩm sinh – có khi trở thành thầy tu cũng nên. Khi tôi cảm thấy thật khó để đối diện với những vấn đề hằng ngày khi sống cùng vợ và các con, tôi thường nghĩ vợ tôi thật là chí lý.
Nhưng tôi biết tôi chẳng thích hợp sống độc thân chút nào. Tôi cứ bon chen suốt hai mươi ba năm đầu đời thực hành những gì mà bất kỳ ai mong muốn làm. Tôi có nhiều thú vui cùng trò phá phách thuở thiếu thời. Tôi vào trường quân đội và nhập ngũ trong một năm rưỡi. Tôi tốt nghiệp đại học sau những chuyến trượt tuyết ở vùng núi phía Tây, leo núi và câu cá. Tôi làm một chuyến hải trình dài ngày tới Canada. Tôi làm nhiều việc để có tiền cho những chuyến đi của mình. Tôi có nhiều bạn bè và yêu sâu đậm một vài cô gái tốt.
Tháng Tám năm 1947, ngay trước khi tôi tròn hai mươi mốt tuổi, tôi đến Berkeley sau một mùa hè làm việc trên núi. Tôi đi tìm cô người yêu thời trung học đã bỏ rơi tôi khi tôi còn trong quân ngũ.
Trời chạng vạng tối và khi cảm thấy nỗi cô đơn xâm chiếm mình, tôi trải tầm mắt khắp vịnh, nhìn những ánh đèn tỏa ra từ Cầu Cổng Vàng. Và nghĩ: “Quả là khung cảnh đẹp nhất mình từng thấy. Nhưng mình đang cô đơn và thật không muốn tận hưởng nó một mình. Mình sẽ về nhà”.
Tôi trở về khách sạn, trả phòng ngay tối đó và xin quá giang về nhà. Tôi không hối hả kết hôn. Tôi vẫn còn hãi hùng với chuyện đó. Nhưng đó là lúc tôi quay lưng với cuộc sống độc thân.
Ý nghĩa câu chuyện của tôi là tôi có tất cả cơ hội để sống độc thân và tận hưởng nó. Nhưng tôi lại muốn là người đàn ông của gia đình. Nếu đó là lựa chọn và tôi tin gia đình của mình là cách thức quan trọng nhất để thỏa lòng mong ước với những mối quan hệ, thì tại sao tôi lại không làm như vậy?
Tôi chỉ có thể tự biện hộ với mình rằng điều mà tôi cố gắng thực hiện đó, là một trong hai điều khó khăn nhất tôi từng thực hiện. Đầu tiên là tìm thấy Chúa khi tôi hiểu được Người, và luôn được hiệp thông với Người mà không phải cố trở thành Chúa. Điều khó khăn còn lại là trở thành chồng và cha.
Tôi không thể đổ lỗi cho ai khác về hai chuyện này. Tôi không thể trách người dạy tôi giáo lý về chuyện mình phải tìm đến một đấng tối cao. Các giáo lý viên của tôi rất tốt và đầy tình yêu thương. Tôi chưa từng bị trừng phạt. Nhưng bởi vì sự im lặng tồi tệ đầy mưu mô của chúng ta trước những người quanh mình về những chuyện tâm linh, tôi thấy nhiều người nghĩ mình hoàn toàn đơn độc trong hành trình đi tìm sứ mệnh tâm linh. Họ nghĩ mình thật đơn độc và họ mất một thời gian mới thừa nhận những vấn đề và nỗi sợ hãi của mình, vì họ nghĩ mình thật quái dị và khác lạ khi suy tưởng đến những điều đó.
Sự cống hiến là điều đúng nhất tôi có thể nói về những gì tôi làm cho gia đình. Tôi làm vì tôi tin ở vợ và con cái, tôi cống hiến vì họ.
Nhưng còn một động lực cao hơn – là động lực cao nhất. Đó là khi chúng ta làm điều gì đó vì tình yêu. Động lực này cực kỳ mạnh mẽ dù có cảm giác là nó chẳng có quyền năng gì hết. Nó cũng như một cú vút gậy hoàn hảo khi đánh golf – không có cảm giác căng thẳng hay phải dụng sức gì cả, chỉ là nhẹ nhàng tập trung vào tốc độ của đầu gậy để đưa bóng đi thẳng và đúng. Bạn có thể cảm nhận cú đánh gần như hoàn hảo đó trong toàn bộ cơ thể và cảm nhận cái giây phút đầu gậy chạm vào bóng tuyệt hảo thế nào.
Khi làm gì đó cho gia đình vì tôi thích như vậy, tôi cảm thấy nhiệm vụ đó hoàn toàn thoải mái. Và mọi người xung quanh cũng cảm thấy thoải mái.
Với các con, tôi cứ liên tục phải đấu tranh với cái khuynh hướng phải cố gắng nuôi dạy chúng – khiến chúng phải theo hướng tôi muốn để tôi được nở mày nở mặt. Tôi trông mong chúng chín chắn hơn tôi lúc bằng tuổi chúng, thậm chí già dặn hơn tôi lúc này đây, khi đã bốn mươi tám tuổi.
Khi tôi nói chuyện với các bậc cha mẹ về sự hão huyền là họ cứ lo sợ những gì con trẻ đang làm ngày nay. Điều duy nhất khiến họ sợ hãi như vậy là vì họ đã quên những gì họ từng làm khi còn con nít. Tôi đã nhong nhong suốt ngày cùng lũ bạn cùng trang lứa lúc còn ở Bricelyn, Minnesota. Tôi biết từng đứa chúng nó, chúng tôi chỉ chênh nhau độ hai, ba tuổi. Cả bọn như được đúc ra từ một khuôn. Mức độ phá phách có thể khác nhau đôi chút, nhưng không có khác biệt quá lớn. Vậy nhưng tôi chắc rằng, ngày nay vài người trong số những cô cậu đó lại đặt ra một mức độ cho con mình mà bản thân họ không bao giờ đáp ứng được.
Gần đây, một thằng con của tôi gặp vấn đề. Tôi kể cho con nghe những rắc rối tương tự khi tôi bằng tuổi nó. Thế là Jackie vợ tôi không thể kiềm chế được. Cô ấy nói: “Em biết là anh gặp những rắc rối như vậy rồi, nhưng em không muốn con lại cũng giống anh!”. Và đó chính là vấn đề. Khi chúng ta nuôi dạy trẻ, chúng ta biết chính xác mình muốn con trở nên thế nào.
Tôi muốn mọi người nhìn các con tôi là phải ngạc nhiên về cách hành xử, phong thái đĩnh đạc và tài năng của chúng. Tôi không muốn các con bắt đầu giống tôi. Tôi không muốn chúng mắc sai lầm như tôi hay bất kỳ người nào khác mà tôi muốn chúng phải tốt đẹp hơn. Tôi muốn chính xác điều đó với năm đứa con của mình.
Như vậy thì không có tự do gì cho các con cả. Cũng không thực sự học hỏi được gì. Làm sao bạn học được vũ khúc của cuộc sống nếu không mắc sai lầm?
Khi bạn hỏi tại sao tôi không muốn các con mình mắc sai lầm, tôi sẽ khẳng định tôi làm thế vì tôi không muốn các con tổn thương. Nhưng đó không phải lý do thực sự. Tôi chỉ lo lắng cho cái tôi của mình thôi. Tôi không muốn mọi người nghĩ tôi kém cỏi vì không biết dạy con. Tôi không muốn phải lôi mấy đứa con từ đồn cảnh sát về nhà. Tôi muốn chúng lên sân khấu nhận giải thưởng ở trường. Tôi muốn những đứa con là vật trang hoàng cho tôi như chiếc Cadillac vậy.
Một trong những học viên của tôi cứ một mực khẳng định rằng khi cô đối mặt với những vấn đề như chuyện tóc tai của con, hay liệu chúng có được lên bảng vàng danh dự ở trường hay không, thì điều cô thực sự lo nghĩ đến chính là đứa con. Càng nghĩ về chuyện đó, tôi càng thấy cô ấy điên rồ. Chúng ta thường nói chúng ta lo là lo cho con, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ chúng ta lo lắng cho cái tôi của mình nhiều hơn. Chúng ta lợi dụng con như cánh tay nối dài hay là công cụ của cái tôi, để tạo nên hình ảnh mình mong muốn.
Nếu các con của chúng ta ngoan ngoãn, vâng lời, lúc nào cũng có tên trên bảng vàng danh dự, không hỗn hào với người lớn, không ăn cắp ăn trộm và luôn kính trọng ta nhất mực, đại loại như vậy, thì chúng chính là những vật tô điểm như một chiếc nhẫn kim cương vậy. Chúng làm ta nở mày nở mặt và đi ra đường hiên ngang vì biết chắc chúng sẽ nghe và làm theo những gì chúng phải làm và ở đúng chỗ cần ở. Không ai có được những đứa con như vậy, thế mà chúng ta gây áp lực bắt con cái phải thế. Vâng, đứa trẻ nào có thể sống được với những điều như vậy đây? Chúng không phải là vòng cổ hay món nữ trang. Nếu ta muốn đồ trang sức thì đi mà mua về. Nhưng phải nói lại, khuynh hướng của chúng ta là ép trẻ vào những chuyện khiến ta tự hào. Bất kỳ lúc nào chúng lăm le làm ta bẽ mặt trước nhà hàng xóm về bất cứ chuyện gì, chúng ta gò chúng vào khuôn khổ ngay. Lạy trời, chúng ta hăm he cho chúng biết là chúng ta không chấp nhận những chuyện như vậy. Chúng phải để tóc tai như người thường. Chúng phải thế. Chúng ta phán xét con cái nhân danh sự lo lắng cho con.
Sự tự phán xét là điều nguy hiểm nhất trong chuyện đó vì nó làm ta mù quáng không nhận ra lý lẽ và hiện thực. Thật là kinh khủng khi phải đối mặt với sự thật rằng tôi đối tệ với con cái vì sợ hàng xóm đánh giá. Tôi có thể thấy rõ điều này khi tưởng tượng gia đình mình sống trên hoang đảo. Ở đó, chuyện tóc tai hay chuyện con không chăm học có làm tôi phiền lòng? Không đâu. Vâng, đó là câu trả lời. Khi để nỗi sợ không biết hàng xóm sẽ nghĩ gì về mình kiểm soát, tôi sẽ đặt đánh giá của họ về tôi lên hàng đầu. Và tôi phá tan lời hứa với gia đình.
“Vậy, những bậc làm cha làm mẹ có nên dạy con theo những giá trị chúng ta theo đuổi?”
Không, chúng ta không nên răn dạy những giá trị như chúng ta mong muốn bằng cách nói suông. Tôi nghĩ cách duy nhất bạn có thể dạy chúng những giá trị đó là sống với đúng giá trị của mình. Tôi nghĩ điều đáng buồn nhất trên thế gian là nói một đàng sống một nẻo. Nếu bạn muốn hỏi tôi có phải là một Kitô hữu không, tôi sẽ trả lời: “Chưa, tôi đang cố để là một Kitô hữu”. Nếu một đứa con hỏi tôi: “Cha nghĩ trung thực là thế nào ạ?”, tôi sẽ trả lời, “Cái đó thì hãy nhìn cuộc đời cha, con à, và con sẽ biết ngay là cha nghĩ gì về sự trung thực”. Tôi có thể biện minh cho lòng trung thực rằng đó là một phẩm hạnh hợp lý, nhưng điều gây ấn tượng nhất cho con là điều nó nhìn thấy. Và tôi thà chỉ cho nó câu chuyện của tôi ra hơn là chọn mối nguy khi nói suông về những điều đó.
Tôi nghĩ mối nguy là khi chúng ta có một bộ các giá trị chúng ta hy vọng đạt được. Chúng ta cố sống với chúng nhưng không thành. Chúng ta muốn con mình nhận thấy những niềm hy vọng của chúng ta. Ôi tôi còn không nhận ra; sao tôi lại bắt các con phải thế. Tôi lăn lộn với các giá trị ấy nhiều hơn chúng mà. Vậy nên tôi nghĩ chúng ta sẽ đày đọa con cái đến thất bại vì cứ lập ra những mục tiêu phi thực tế cho chúng. Chúng ta muốn chúng làm nên những chuyện chúng ta không thể và đã không làm được. Những bậc cha mẹ nào nói rằng họ có thể làm được những chuyện họ bảo con cái phải làm, hãy để tôi theo họ khoảng một ngày xem sao.
Có nhiều người trong chúng ta luôn khẳng định rằng mình là người rất tuân thủ luật pháp. Tôi chắc rằng nhiều người trong chúng ta không biết làm sao để chuyển làn trên đường bốn làn xe một cách đúng luật. Nếu là cảnh sát giao thông, tôi cá rằng thể nào tôi cũng nắm thóp và bắt bạn trong vòng mười lăm phút vì vi phạm gì đó. Bạn có thể thanh minh: “Ồ, tôi không chủ ý làm thế. Mà nó cũng không trái luật nhỉ”. Chính bạn muốn định nghĩa lại luật ngay tắp lự.
Tôi không còn ăn cắp nữa. Trước đây thì có. À, đúng ra thì cũng còn nhón tay chút chút nhưng không còn ăn cắp như hồi trước. Làm thế nào tôi có thể giảm ăn cắp? Đơn giản. Tôi nhận ra việc ấy không tốt. Việc ấy khiến tôi thấy khó chịu. Và tôi thấy rất căng thẳng khi lo rằng việc ấy sẽ khiến mọi thứ tôi đang có bị hủy hoại. Và rồi có một số chuyện khác nữa ảnh hưởng. Vâng, thế là tôi nói với con trai: “Không được ăn cắp”. Tôi lập luận rằng đó là giá trị tôi học được. Mà làm sao tôi học được? Tôi học được từ những sai lầm và một số là từ cha ông tôi, không phải từ lời nói của họ mà từ hành động – từ những gì họ từng làm. Tôi vẫn còn học nhiều điều từ các hành động của cha, dù ông đã mất được hai mươi năm.
Tôi nghĩ chúng ta trở nên thái quá một cách tồi tệ với những gì chúng ta muốn con thể hiện. Chúng ta đánh giá quá cao sức mạnh của chúng vì chúng ta quá để mắt vào những điểm yếu của con.
Bạn thân của tôi, anh Vince, tin rằng chúng ta nên nâng đỡ một đứa trẻ như nâng đỡ một người nghiện rượu. Khi bạn của một người bạn tôi trong Hội những người nghiện rượu vô danh tái nghiện, các tình nguyện viên không đến và chửi mắng hay đánh đập anh ta. Họ chờ đến khi anh ta tỉnh dậy sau cơn say. Họ không đẩy mọi chuyện đến giới hạn khi anh ta đang cảm thấy tồi tệ. Họ đến nhà ngày hôm sau và hỏi thăm: “Anh cảm thấy thế nào?”. Và anh ta sẽ đáp: “Thật, tôi xin lỗi vì đã làm mọi người thất vọng và lại say xỉn thế nữa”. Họ an ủi anh ta: “Đừng nghĩ gì về chuyện đó nữa. Lạy trời, tôi cũng từng thế mà”.
Đây là ý Vince muốn nói “Bạn không chăm con. Cà rốt mới cần chăm. Bạn hỗ trợ con”. Mọi người sửng sốt khi nghe tôi nói vậy. Họ thốt lên: “Ôi trời ơi”. Nhưng theo như tôi thấy, cha mẹ tôi rất nhiều lần hỗ trợ tôi. Và tôi rất trân trọng điều đó. Tôi không chắc mình là người giỏi trình bày ý tưởng, nhưng tôi trân trọng chuyện cha mẹ làm cho tôi. Họ dành nhiều thời gian hỏi tôi: “Con tính làm gì tiếp theo?”. Tôi sẽ nói: “Dạ, con tính làm như vậy”. Rồi họ bảo: “Được. Cha mẹ chỉ thắc mắc con nghĩ gì thôi”. Tôi tự quyết định mọi chuyện của mình nên tất cả lỗi lầm là do tôi. Tôi không thể đổ lỗi cho ai.
“Ông nói rằng hãy để các con đón nhận trách nhiệm, tôi đồng ý, để con học qua việc con làm, tôi đồng ý. Nhưng, chẳng hạn như vầy, làm sao ông dạy con không lái chiếc xe đạp ba bánh lao ra ngoài đường khi nó chỉ mới ba tuổi? Ông không lảng tránh được trách nhiệm lo cho con. Hiển nhiên là, ông không muốn con bị thương hay chết.”
Vâng, đúng ạ. Nó cũng giống việc dạy ai đó đứng nước, bạn phải đỡ người họ một thời gian và từ từ buông tay. Càng nhanh càng tốt. Nhưng không quá nhanh vì sẽ khiến người ta chết đuối. Tôi nghĩ điều chúng ta làm với nguyên tắc vừa nêu là dùng nó để bào chữa cho cơn trút giận xối xả vào con. Như nhiều bậc cha mẹ có rất nhiều những lần không kiềm chế trước việc làm của con mà lao tới đánh vào bàn tay con. Phải dạy dỗ nó. Phải dạy dỗ nó. Cách đơn giản nhất là đừng để lộ cơn nóng giận.
Tôi không nói rằng bạn nên để trẻ chạm vào cái lò đang nóng. Nhưng trẻ thể nào cũng mắc sai lầm. Rồi nó cũng bị thương thôi. Và việc của cha mẹ là nâng đỡ. Bạn phải đỡ thật chắc tay lúc đầu, thậm chí đỡ bằng cả hai tay để con nổi lên hẳn mặt nước. Rồi mới từ từ rút tay ra.
Hãy để tôi kể một câu chuyện mang ý nghĩa liên quan đến việc này. Anh bạn Vince của tôi ở trong cửa hàng với một trong những đứa con của anh là Charlie. Đây là gia đình thứ hai của Vince. Anh đánh mất gia đình đầu tiên vì rượu. Nên anh rất chăm lo cho gia đình thứ hai này. Cháu Charlie là đứa áp út trong năm đứa con. Vince luôn đưa các con đi cùng khi làm việc trên chiếc xe hàn chì của mình cho đến khi chúng đủ lớn để đến trường. Hai cha con đang đứng ở sạp báo để Vince mua thuốc lá loại Copenhagen. Charlie hỏi, “Con lấy một ít kẹo nhé?”. “Được, Con tự đi lấy đi.” Charlie trở lại với một túi kẹo và Vince hỏi con: “Con chắc là đủ cho cả ngày rồi chứ?”. Rồi Charlie chạy đi lấy thêm ít kẹo nữa. Cậu bé trở lại và Vince lại hỏi: “Con thấy đủ chưa? Cả ngày dài đấy”. Thế là Charlie lại đi lấy thêm kẹo. Charlie quả rất quan trọng với Vince.
Chúng ta cho rằng như vậy là nuông chiều trẻ và thế thật là tồi tệ. Nhưng cha mẹ cũng làm thế với chúng ta và chúng ta có hư hỏng gì đâu, đặc biệt nếu việc đó không theo cách dạy hư. Món quà đó là việc cha mẹ dễ tính. Nhưng tôi chỉ thấy nhiều lần chúng ta cứ nghĩ rằng: “Không, mình phải dạy con. Mình phải bảo vệ con khỏi cái này cái kia, phải để con tránh cái này cái nọ”, và chúng ta cứ theo cái cách xưa cũ đó. Đúng là không thể tranh cãi gì về việc không để cho đứa con ba tuổi lái xe ba bánh ra đường lớn. Cũng có vài chuyện khác ta phải nói “Không”. Nhưng bạn không thể nói “không được” với quá nhiều thứ. Nên bạn cần đặt ra những gì tiên quyết và nói không với những gì bạn thấy thực sự quan trọng. Rồi sau cứ theo như vậy. Và phải có nhiều chỗ chúng ta không nên nói không. Nếu cái gì bạn cũng nói không thì bạn sẽ gặp khó khăn. Và tôi nghĩ chúng ta thường rơi vào hoàn cảnh đó. Người nêu ý kiến phải bảo vệ đứa con ba tuổi không có ý xem tôi ngốc. Câu trả lời đã quá rõ ràng. Nhưng điều thực sự đang quấy nhiễu cô là chuyện cô muốn cậu con trai mười tám tuổi không hẹn hò với ai hết. Cô muốn con tránh xa các bạn gái.
Nhiều người giận dữ khi tôi nói như vậy. “Này Jess, anh ấy cho phép hết.” Tôi không hề nói thế. Điều tôi muốn nói là chúng ta đang can thiệp rất nhiều vào không gian của các con mà lẽ ra không nên. Tôi có thể chỉ ra những đứa trẻ tốt nghiệp trường Bozeman, Montana ở đây để hình dung rất rõ thế nào là kiểm soát quá mức. Các em học một cách máy móc, theo kỷ luật kiểu Hướng đạo sinh. Thật phải mất rất nhiều nỗ lực để dạy các em những điều cần thiết trong cuộc sống. Tôi đã dõi theo một vài em trong suốt bốn năm ở trường đại học cố gắng sinh hoạt chung với các bạn học và vẫn không học được điều gì.
“Có phải ở một vài thời điểm, một số trẻ chưa có đủ kỷ luật chăng?”
Vâng. Bạn có thể khăng khăng giữ ý kiến của mình. Tôi không thấy chuyện đó nhiều những em đội sổ. Có vài em nhưng không nhiều, vì hầu như chúng không thể hiện ra ở trường đại học. Nhưng tôi có thể thấy ít nhất một phần ba đến một nửa những em thuộc hàng bảng vàng danh dự đang gặp khó khăn.
Tôi mới đọc tiểu sử của Einstein sáng nay. Ông có học vĩ cầm từ năm tám tuổi đến năm mười bốn tuổi. Giáo viên của ông rất máy móc. Có khá nhiều khuông nhạc nốt nhạc mà chẳng có gì thú vị. Ông đã chọn một số nhạc phổ thời kỳ đầu của Mozart để chơi vĩ cầm. Ông bắt đầu tự học tất cả và ông thực sự bắt đầu nhận ra tình yêu với vĩ cầm. Bài học từ tiểu sử của ông lại là một dẫn chứng nữa về việc chúng ta sẽ học hỏi nhanh nếu có lòng yêu thích thay vì trách nhiệm.
Tôi được mời đến nói chuyện tại lễ kết nạp vào Hội Học sinh Danh dự ở trường Trung học Bozeman. Tôi cố nói với các thành viên rằng một số thứ hạng học sinh đạt được là nhờ niềm yêu thích môn học và một số khác là do cảm giác sợ hãi và phải cạnh tranh. Tôi nói với các em rằng tôi lúc trước chỉ được tuyên dương ở một số môn tôi thích và một phần vì tôi đạt điểm cao hơn các bạn. Hy vọng các em sẽ tiến bộ vì yêu thích môn học nào đó và hứng thú nó, bớt phần cố gắng vì nỗi sợ hay áp lực cạnh tranh và mong muốn tiêu diệt người khác.
Sau bài nói chuyện, mẹ của một trong những học sinh được kết nạp đến gặp tôi và nói: “Thưa ông, ông tin rằng một người học thứ gì đó vì thích sao?”. Bạn có thể nói gì với bà ấy? Mẹ của một học sinh danh dự? Học sinh đó đến trường với một mũi dùi thúc sau lưng trong cả quãng đời đi học.
Khi tôi nói về sự tự định hướng và làm vì yêu thích như vậy, nhiều sinh viên và cả người lớn tuổi, nổi giận với tôi. Họ nói: “Thấy chưa, ông ta thực sự bị hâm rồi”. Một lần nữa, hãy xét đến Einstein. Bạn có biết cùng năm Einstein công bố phương trình nổi tiếng của mình cũng có ba người khác đã xuất bản những bài nghiên cứu chứa đựng hầu hết những phương trình cơ bản phản ánh thuyết tương đối? Ba người họ chỉ là cách phương trình một sợi tóc thôi. Thực tế, người ta nói rằng bạn có thể nghiệm ra lý thuyết tương đối từ bất kỳ bài nghiên cứu nào trong số những bài công bố đó. Nhưng tôi nghĩ một điều khiến Einstein khác biệt với họ đó là họ không đủ can đảm bước lên trên truyền thống như Einstein đã làm. Tôi nghĩ những người khác cũng thách thức truyền thống nhưng tới một điểm nào đó thì họ hoảng sợ. Tôi nghĩ có lẽ Einstein cũng gặp sự định hướng như ba người kia. Nhưng Einstein có dũng khí để đi qua những giới hạn đã được chấp nhận. Tôi sẽ chứng thực cho bạn; bạn có thể nuôi dưỡng nên những luật sư tầm thường, bác sĩ tầm thường, những nhà khoa học tầm thường bằng cách chĩa mũi dùi nóng đỏ sau lưng như vậy. Bạn có thể có những đứa con đầy trách nhiệm đạt thành tích cao, nhưng nỗi sợ sẽ ngăn cản họ đi xa hơn trong chuyện nào đó vì điều đó là bất kính và vô lễ.
Những đứa trẻ bị đào tạo cực đoan cuối cùng sẽ đâm ra nguyền rủa chúng ta. “Thế quái nào mà cha mẹ không cho mình biết còn có những nghề khác hơn là cái thứ mình chọn ở trường?”. Tôi nhớ đến một ông bố ở Minnesota bị đứa con trai đáp trả như vậy. Tôi chợt nghĩ: “Ông ơi, ông đang trả giá đó”. Ông có những đứa con rất nghiêm túc. Họ để tóc tai đàng hoàng và luôn làm điều đúng đắn. Nhưng một trong những đứa con nghề nghiệp đàng hoàng lại đáp lời ông ấy như thế này: “Cha biết không, con ước gì con không bị áp lực phải vào đại học. Con thà làm thợ còn hơn”.
Tôi nghĩ cậu ấy có đôi chút sợ hãi với nghề cậu đang theo. Và cậu cảm thấy không sẵn sàng với nó. Và cậu cũng cảm thấy bản thân không tự do để có thể thay đổi. Nếu cậu ấy thực sự muốn trở thành thợ thì đơn giản thôi, hãy học nghề vào buổi tối, rồi vài năm sau cậu sẽ trở thành thợ lành nghề.
Không có bất cứ thứ gì mà không phải trả giá cả. Bạn có thể đúc khuôn con mình như những chiếc bánh quy; những điều bạn cần làm là tạo ra đủ sự sợ hãi và áp lực rồi bạn muốn gì cũng được, nhưng bạn phải trả giá theo một cách khác. Nhưng không phải chỉ trả giá cho bọn trẻ, bạn còn phải trả giá cho chính mình. Bạn bị tách rời khỏi các con. Những người lớn tuổi thường nói thế này: “Sao các con không đến thăm mình?”. Như tôi đã nói trước đó, tại sao họ phải đến thăm? Tại sao họ muốn đến thăm? Bạn thường thấy điều này ở nhiều gia đình. Những đứa con kết hôn thường dọn đi càng xa càng tốt. Tôi biết nhiều gia đình mà con cái làm việc ở những bang khác nhau của Hoa Kỳ. Sự thể xảy ra như vậy có kỳ lạ không? Gia đình ông tôi có bảy người con, nhưng không ai ở cách xa quá sáu chục dặm. Họ không theo cách độc lập nhưng là cách sống tốt. Họ muốn làm việc nào có thể ở gần gia đình.
Tôi không nghĩ đây chỉ là sự tình cờ. Thời nay, chúng ta vẫn thấy những gia đình sống cùng nhau. Ở Đông Bắc Minneapolis, nơi người Ba Lan sinh sống, bạn thấy con cái vẫn trở về sống gần nhà. Họ thậm chí là luật sư, bác sĩ, nhưng nhiều người vẫn trở về. Nếu bạn muốn ở gần gia đình, bạn không chọn làm kỹ sư hóa dầu và làm việc ở Bắc Phi. Tôi nghĩ phần nhiều những làn sóng di động chúng ta thấy thời nay cơ bản không phải là nguyên nhân mà là hệ quả. Một cách tốt để tránh gần gũi là đi và cứ đi xa. Nếu gia đình được ưu tiên hơn so với công việc, bạn sẽ tìm công việc nào để được gần gia đình. Nếu công việc là quan trọng nhất trong cuộc đời bạn, thì bạn sẽ đi bất cứ đâu công việc đòi hỏi. Bạn có thể trả lời rằng: “Ôi, tôi cũng thương cha mẹ già lắm. Đã mười năm rồi chưa gặp họ, nhưng tôi chắc là tôi thương họ mà”. Tôi không hiểu nổi.
Mỗi mùa xuân cá hồi lại vượt thác. Mỗi mùa thu nai sừng tấm lại về Gallatin. Mỗi mùa đông tuyết lại rơi ở Bridgers. Mỗi ngày mặt trời lại mọc trên đồi. Ai muốn thì sẽ ở cùng nhau thưởng thức những điều ấy.
Bạn xa cách với cha mẹ vì hai nguyên nhân. Bạn có thể đi đến một nơi xa xăm trong một hành trình tâm linh. Hoặc bạn có thể tạo khoảng cách với cha mẹ vì cảm thấy không thể đứng cạnh họ. Người nào phải rời gia đình vì không thể ở cạnh họ thì đúng là tù nhân của gia đình đó. Anh ta mang những mong ước và kỳ vọng từ gia đình, những điều đó trói buộc anh ta về mặt cảm xúc dù anh ta có đi xa thế nào. Anh bị trói buộc với những điều đó cũng như một người mãi mãi lang thang đi tìm thứ anh ta không nhận được.
Tôi đã dõi theo ba trong năm đứa con nhìn chúng đấu tranh tư tưởng cho việc rời xa gia đình và thành công ít nhiều. Thật buồn lòng khi có những điều tôi không thể đáp ứng đầy đủ cho chúng. Và điều duy nhất có thể là chúng nhận ra là tôi chẳng có ác ý gì, chỉ là không thể thực hiện được thôi. Lúc mà tôi học được, dù chỉ ít ỏi, những điều mà các bậc cha mẹ cần biết thì đã trễ. Bá tước Rochester từng nói: “Trước khi kết hôn tôi có sáu lý thuyết về việc nuôi dạy con cái; giờ tôi có sáu đứa con, và chẳng còn lý thuyết nào nữa”.
Tệ hơn nữa là tôi không tốt ở những mặt rất quan trọng. Tôi dở tệ trong việc lắng nghe con khi chúng muốn bày tỏ vấn đề của chúng. Cũng có khi tôi có thể lắng nghe, nhưng phần lớn là không. May mắn là vợ tôi Jackie rất giỏi chuyện này. Cô ấy thường bắt tôi phải để ý lắng nghe con nhiều hơn, nhưng trừ phi đó là vấn đề rất đặc biệt, còn thì tôi thấy mình chẳng giỏi chút nào. Cô ấy nói dù gì cũng phải làm. Tôi cố thử, nhưng các con dễ nhận ra tâm tôi không đặt vào đó.
Đó là những lỗi lầm của bậc làm cha mẹ. Tôi thấy mình có thể làm được vài chuyện và thật cảm tạ vì chuyện đó. Nhưng tôi chắc mình ghét cái viễn cảnh các con cứ quanh quẩn cho đến tuổi ngũ tuần, mong chờ có ngày nào đó tôi cuối cùng cũng thấy ánh sáng và bắt đầu lắng nghe chúng. Tôi đã thấy rồi, nhưng món quà biết lắng nghe thì vẫn chưa dành cho tôi. Và tôi biết suy nghĩ tích cực đó không thể làm tôi khá hơn. Thế nên tôi phải nỗ lực nhiều hơn trong những chuyện mình có thể làm được và mong được sự đồng cảm về phần các con. Đến giờ, các con đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi từng mong đợi.
Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của một người làm cha như tôi là nhận ra các con khác biệt nhau thế nào và học làm sao xử sự với mỗi đứa với tư cách một cá nhân.
Đứa con trai cả thường đi săn và đi câu với tôi lúc còn nhỏ. Khi nó mười lăm tuổi, nó có bạn thân và chuyển sang đi với bạn. Tôi nhận ra: “Ừ thì, giờ tới lượt thằng con thứ hai đi săn và đi câu với mình”. Nhưng đứa này lại không mặn mà lắm với chuyện đi săn và đi câu. Nhưng đứa con trai nhỏ tuổi nhất thì lại thích. Tôi đã nghĩ: “Cha không thể dẫn con theo, cậu út ạ, vì giờ là lượt của anh giữa”. Chỉ trừ việc con trai giữa của tôi không thích và không muốn.
Cuối cùng tôi cũng loại ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Rồi tôi nhận ra một chuyện còn tệ hơn. Cậu con giữa rất thích và muốn mày mò với xe ô-tô. Nhưng tôi không thích mày mò xe ô-tô. Tôi đã nói với con: “Hãy đến và cùng chia sẻ thú vui của cha này. Nếu con làm thế, chúng ta có thể chơi cùng nhau”. Thật là một thỏa thuận giới hạn.
Giờ thì tôi đã hiểu rõ năm đứa con khác Jackie, cũng như tôi và chúng khác nhau thế nào. Tôi đã hòa giải với bản thân rằng thực tế tôi không hứng thú với nhiều thứ chúng thích và tôi sẽ không thể giả vờ hứng thú nếu tôi không thích. Vậy là chúng tôi cùng nhau tham gia những chuyện chúng tôi cùng thích. Còn những chuyện khác thì mỗi người tìm bạn bè riêng.
Mối quan hệ giữa tôi và vợ là mối quan hệ thân thuộc. Tôi chọn cô ấy và cô ấy chọn tôi. Nhưng con cái là do trời cho. Một việc khó khăn nữa tôi phải đối mặt là tôi không thể thay đổi tình cảm thân thuộc giữa tôi và từng đứa con. Tất cả những gì tôi phải chấp nhận là sự khác nhau trong những tình cảm thân thuộc đó và làm những gì có thể. Điều đó cũng không mấy dễ dàng. Cái tôi của tôi nói rằng tôi là bậc cha mẹ vui nhộn. Tôi phải có mối quan hệ vui nhộn với tất cả năm đứa. Chỉ trừ chuyện sự thực không như thế.
Một khi thức tỉnh với hiện thực là tôi có năm mối quan hệ khác biệt thì mọi thứ nhanh chóng trở nên tốt hơn. Giờ tôi có thể thưởng thức những phẩm chất tuyệt vời của từng đứa mà không phải cố gượng ép giả tạo. Trong quá trình đó, tôi nhận ra được tình cảm thân thuộc đó như thế nào và đó là năm mối quan hệ rất giá trị với tôi. Các con cho tôi nhiều cảm xúc tốt đẹp về cuộc đời và về chính tôi. Chúng là một tấm gương rõ ràng để tôi nhìn lại bản thân mình được tốt hơn và đi theo con đường tâm linh một cách dễ dàng hơn.
Nhưng lúc nào điều khó khăn nhất cũng là để các con phạm sai lầm của riêng chúng. Tôi luôn tự dằn vặt mình: “Mình là kiểu làm cha tệ hại nào vậy? Sao mình không chăm lo cho bọn trẻ? Tại sao mình không làm những điều lẽ ra nên làm để nuôi nấng, chăm lo theo cách chúng đáng được chăm lo và chỉ ra con đường đúng đắn chúng nên đi?”.
Đến giờ điều duy nhất giúp sức là tôi biết mình sẽ không chịu được nếu có ai làm thế với mình, nên tôi cố gắng làm điều tương tự vì các con. Tôi không quá chăm chút các con, mà làm những gì cần thiết để nâng đỡ chúng.