Quần cộc, mình trần, mắt tiết trâu, đôi tay gân guốc hất ra phía sau chống lên mặt chiếc chõng tre một cách nặng nề đó là Ngạnh. Anh ta vừa dồn đập thở vừa hằm hằm nhìn đứa con gái hư hỏng của mình, có cảm giác cái nhìn và màu da mặt của người bố như mảnh sắt gỉ nung lửa.
Dưới chân Ngạnh, hai thanh tre bánh tẻ đã đập nát gãy. Trước mắt Ngạnh, phía cột giữa nhà đứa con gái hư hỏng quần áo cũng rách nát như chiếc roi tre nó vừa bị đánh. Tay bị trói quặt đằng sau, đầu nó rũ xuống với mớ tóc ngắn, hoe đỏ rối tung và lấm láp...
- Mịn...
Ngạnh gầm lên rồi chồm dậy. Mớ tóc con bé bị bố túm chặt và kéo giật ra phía sau đề lộ ra dưới ánh sáng nhợt nhạt của ngôi nhà thấp một khuôn mặt trẻ nhớn nhác, tím tái bởi lồi lõm những vết thâm, vệt đỏ với cặp môi xưng húp và đôi mắt hoảng loạn, trắng dã...
- Mày muốn tao sống hay tao chết hả con mất dạy?
Ngạnh vừa nói vừa quào năm ngón tay gân guốc và nhớp nháp mồ hôi của mình vào đám quần áo đang mặc trên người của Mịn mà túm mà xé. Con bé sợ hãi rú lên rồi oằn oại một cách bất lực vì hai tay đã bị sợi dây dây trói chặt:
- Ối giời ơi... Bố ơi... con van bố, Con cắn rơm cắn cỏ con lạy bố.
Ngạnh vẫn không tha. Đôi bàn tay anh ta càng hung hăng hơn. Cơn giận dữ vẫn ngùn ngụt.
- Ối bà ơi là bà ơi... Bà ở đâu về cứu cháu với bà ơi!...
Mịn gào bà rất to. Ngạnh nghiêng bàn tay tát chéo vào mồm con. Môi Mịn tóe máu tươi. Chỉ nghe tiếng thở ào ào của bố và tiếng rên ư ử của con. Bố kiệt sức sau "trận cuồng phong" của tay và chân giờ đứng chống háng, mắt nheo nheo nhìn con như đang tự thưởng thức thành tựu nuôi dạy bằng roi vọt của mình. Còn con, quần áo đã bị bố giật xé tơi tả giờ chỉ còn một hình khối chằng chịt những vệt roi, to có, nhỏ có của cơ thể con gái đang đợi lớn. Sợ hãi và xấu hổ khiến Mịn đổ gục xuống chân cột như một đống thịt nát.
Ngạnh xoa tay làm liền ba điếu thuốc lào. Điếu cày rít chói nhà và đặc xanh khói. Sau đó anh ta làm hai hơi hai bát nước chè đầy. Tiếng uống nước ừng ực, vội vã như đứa trẻ mải chơi quá khát. Mịn lấm lét nhìn bố uống nước những mong vị chát và mát của nước chè sẽ làm bố nguôi giận.
Ngạnh lần cởi từng nút thừng trói con một cách lặng lẽ. Chỉ nghe tiếng thở của bố mà Mịn nức lên, ân hận. Qua tiếng nức nở ấy, Mịn muốn nói hết với bố sự đau đớn, ân hận tột cùng của mình. Tuy bị đòn đau nhưng biết, mình có tội, có lỗi, Mịn không dám oán bố một lời...
Cổ tay Mịn đã được giải phóng khỏi những vòng thừng đay. Không đợi cho bàn tay hết tê và cổ tay đỡ vệt đỏ, Mịn đã vội chắp tay lại vái bố. Ngạnh lơ đãng nhìn con. Bàn tay anh ta vươn ra, nắm chặt cánh tay trần của Mịn và lôi bật lên. Anh ta đùng đùng kéo lê con gái ra khỏi nhà, Mịn sợ hãi vùng vẫy và kêu toáng lên:
- Ối giời ơi... Con van bố, con lạy bố, bố tha cho con...
Ngạnh vẫn kéo lê con ra phía cổng. Biết ý định của bố, Mịn quẫy cựa chống lại. Không được! Ngạnh vẫn mắm môi kéo Mịn như kéo một cái cây bị chặt, một bao tải đựng đất cát vô dụng...
Mịn tru tréo co người lại như con sâu bị nướng. Sức con gái mười một, mười hai lại bị đòn roi đã chịu thua sức vóc và sự hùng hổ giận dữ của người bố ngoài bốn mươi tuổi...
- Bố ơi, bố giết con thì bố giết chứ bố làm thế này con xấu hổ lắm bố ơi.
- Cho mày chết. Tha này...
Ngạnh lấy gân tay lâng mạnh con ra cổng. Chỉ nghe tiếng Mịn rơi bịch trên nền đất và tiếng cài then gỗ của người bố quá giận.
Vốn là một công nhân địa chất vì sợ cảnh rừng thiêng nước độc, sống gửi nằm nhờ, nay đây mai đó trên những lộ trình hoang vắng, Ngạnh đã bỏ đơn vị về quê. Cầm bằng như một thằng đào ngũ chịu cái án kỷ luật của đoàn trưởng và những lời nặng nhẹ của đồng đội nhưng mãi mãi không phải nhặt đá, cầm búa; không phải lênh đênh như con thuyền độc mộc trên những dòng suối nhỏ và dốc của vùng rừng Tây Bắc. Nhưng thật oái oăm! Về làng cầm cày theo đít con trâu, luôn mồm "vắt, diệt", lùi lũi như con cua lấm Ngạnh lại thấy ngán. Cái danh của hai tiếng "thoát ly", cái giá của kẻ được đi làm việc cho nhà nước lại trỗi dậy hành hạ kẻ đã từng ở trong biên chế. Ngạnh bức bối, hậm hực...
Một sớm vừa vác cầy, dắt trâu ra tới đầu ngõ bỗng dưng Ngạnh giật căng dây thừng kéo trâu quay lại nhà. Anh nhốt trâu vào chuồng, quẳng chiếc cày ra giữa sân, quăng cái nón chảo vào góc nhà...
Bà Tầm - Mẹ Ngạnh, hỏi con:
- Sao lại về?
Ngạnh hùng hổ nhìn chiếc cày nằm chỏng trơ trên nền đất nói vung lên:
- Mẹ đi mà cày. Tôi đái vào...
- Bà Tầm mủm mỉm cười. Cái tính cả thèm chóng chán của nó bà còn lạ gì. Sùng sục đòi đi làm công nhân địa chất bằng được rồi lại giãy lên bỏ về. Hôm đầu nó còn hoắng lên, nào là "tôi sẽ theo đít con trâu lấy tiền cho bà xây nhà ngói", nào là "thà chết gục sau đít con trâu còn hơn bỏ mình nơi vực đá...". Giờ thì... về nhà cầy ruộng chưa được một tháng đã phơi ra cái tính của thằng chóng chán...
Bà Tầm nhấc chiếc cày dựng vào tường bếp. Bà treo cái nón chảo lên chiếc đinh ở chiếc cột ngoài hiên:
- Muốn gì thì muốn cũng phải cày bừa cho mẹ hết vụ này. Vụ sau, anh có cánh anh cứ bay. Tôi không làm được thì tôi thuê. Còn bây giờ anh bỏ bê ra đấy là không có ai người ta đến ngửa tay hứng việc cho nhà mình đâu. Giờ đang vào vụ, nhà nào đều có việc nhà nấy.
"Bà già đến lắm điều?" - Ngạnh lừ mắt nhìn mẹ rồi đùng đùng đứng lên vác cày, dắt trâu đi. Ra đến gần cổng, Ngạnh còn quay lại vùng vằng:
- Tôi chỉ làm cho bà hết vụ này là tôi "xéo".
Bà Tầm lại mủm mỉm cười. Bà với tay lấy chiếc nón chảo xuống, đi vội ra sân. Bà đội chiếc nón lên đầu con:
- Được! Vụ sau anh có đi lên giời tôi cũng không cấm.
Ngạnh đi thật. Ngạnh đi làm Công nhân xây dựng. Mới vào nghề lại có sức khỏe, anh được đội trưởng phân làm phụ vữa cho hai thợ chính. Nơi làm việc của Ngạnh: Công trường xây dựng phòng khám đa khoa của bệnh xá huyện. Công việc nhiều, nặng nhọc, suốt ngày toàn vôi cát với gạch lại nắng gắt của những ngày đâu hè nữa, không thể nói là nhẹ nhõm hơn nghề của anh thợ cày. Mồ hôi thấm sũng áo như bị nhúng nước, chân tay bợt bạt vì vôi ăn, cơm công trường thì nửa phần ngô nửa phần gạo cộng với đậu phụ kho muối và rau muống già. Vậy mà Ngạnh chịu được. Không một lời kêu ca mỗi lần về thăm mẹ và phần nào đó còn có vẻ vênh vênh với lớp trai cùng lứa ở làng.
"Cơ quan tớ... ", "Đơn vị mình..." hoặc "Trong ngành kiến trúc thì anh thợ nề bao giờ cũng là lính xung kích"... Ngạnh thường khoa chân múa tay khi trò chuyện với bạn bè như vậy. Nhiều cậu nghe không đến mức "há hốc mồm", nhưng cũng đã xuýt xoa vì cái vinh dự mà bạn mình đang có.
Sự kiện chấn động hơn cả đối với bà Tầm và làng là chuyện Ngạnh đưa cô người yêu ở tỉnh về.
Tối thứ bảy như thường lệ, bà Tầm nấu cơm rồi ngồi chờ Ngạnh. Thường thường mọi khi sáng thứ hai Ngạnh đi làm rồi ăn ở tại công trường cho tới tận chiều thứ bảy, khoảng sâm sẩm là bà Tầm đã thấy con dắt xe lọc cọc về. Còn hôm nay tối mịt rồi mà vẫn không thấy. Bà Tầm sốt ruột đi ra đi vào. Hết lên nhà lại xuống bếp. Chán chê, bà ngồi dãi thẻ ở biên nhà ăn hết miếng trầu nọ đến miếng trầu kia chờ con...
Sáng bạch hôm sau anh chàng mới mò về.
- Mẹ ơi, mở cồng...
Tiếng gọi to mà vui. Linh cảm của người mẹ đã cho bà Tầm nhận xét ấy. Bà vội vã ra mở cổng...
- Cháu chào bác ạ!
Bà Tầm sững người trước lời chào. Mắt bà nhòa đi rồi tỉnh dần lại. Đứng bên Ngạnh là một cô gái trạc mười tám, mười chín, tóc cặp buông lưng vai, đội chiếc nón bài thơ trắng bóng, mắt nhìn xuống. Nhác vậy bà Tầm đã ưa. Con gái thấy người lạ mà mắt chỉ nhìn xuống là con gái khôn. Cái duyên là ở chỗ ấy, ý tứ cũng từ chỗ ấy mà ra.
Ngạnh giới thiệu bạn gái mình với mẹ. Bà Tầm vui ra mặt, Bà cầm tay kéo cô gái vào nhà sởi lởi và thân tình như với người ruột thịt lâu ngày mới gặp.
Cô gái đó có tên là Lụa. Lụa người thị xã nhưng lại được bố mẹ đặt cho cái lên rất làng quê. Lụa học hết lớp năm ở tuổi mười sáu. Vì lớn người cộng với việc học hành không được sáng dạ nên bố mẹ đa xin cho Lụa đi học lớp y tá mười tám tháng của trường y tế tỉnh. Ra trường. Lụa được phân về bệnh xá huyện. Chưa làm nghề được mấy ngày, Lụa được điều ra công trường xây dựng nhà khám bệnh đa khoa lo việc cơm nước cho thợ. Ngạnh biết Lụa ngay từ hôm đầu nhưng mãi đến vài tuần sau anh mới có dịp trò chuyện với cô. Duyên cớ bắt đầu từ con ruồi sa vào bát canh rau muống nấu mắm cáy. Mâm cơm bốn người thì ba người nhao nhao đòi mang bát canh rau muống có con ruồi tự vẫn lên gặp bệnh xá trưởng. Họ chỉ trỏ vào xác con ruồi đang lập lờ trong bát rau rồi lớn tiếng về tính nguy hại của nó. May mà kịp phát hiện ra. Con ruồi tuy nhỏ bé như vậy nhưng lại là một ổ vi trùng nguy hiểm. Chưa ai ăn phải đâu cũng là phúc lớn cho cả mâm. Giả sử, nói dại, một trong bốn cậu thợ này, anh nào nuốt phải thì tác hại không thể lường. Phải vạch trần khuyết điểm và quy trách nhiệm. Người múc rau, người sắp mâm là Lụa. Tội này thuộc về Lụa cho dù cô không cố ý; cho dù con ruồi có sa cơ lỡ bước mà sà xuống đây một cách vô tình. Ba người nổi giận lôi đình đòi bưng bát rau đi.
Ngạnh đứng lên giằng lại. Anh đặt bát rau xuống bàn trước con mắt khó chịu của ba người kia. Họ lên tiếng;
- Mày bênh à?
Ngạnh lúng túng. Mai sau anh mới nói:
- Không may nó nhỡ...
- Láo! Nói thế là không có tinh thần tự phê, là cảm tình cá nhân.
Ngạnh gân mặt, sừng sộ:
- Chả nhẽ người ta nhặt ruồi bỏ vào canh cho mình à? Các cậu không ăn, tao ăn.
Ngạnh ngồi xuống kéo bát canh đến trước mặt mình. Anh lấy chiếc thìa nhỏ nhẹ nhàng hớt con ruồi chết đuối ra rồi vầy mạnh xuống nên đất. Ngạnh xúc cơm vào bát và gắp rau.
Một tiếng "cạch" trên mặt bàn cùng với bàn tay nào nhè nhẹ nắm lấy bàn tay đang cầm đũa của Ngạnh. Anh ngừng gắp rau ngẩng lên gặp đôi mắt Lụa đang dân dấn nước:
- Anh đừng làm thế. Chúng em xin thay đền các anh bát khác. Em xin lỗi các anh.
Lụa nói nhẹ nhàng rồi cũng rất nhẹ nhàng bưng bát canh bị ruồi sa đi vào phía trong.
Chiều hôm ấy, sau giờ nghỉ, nhân lúc vắng người, gặp Ngạnh đang rửa mặt bên bờ giếng, Lụa hỏi:
- Anh Ngạnh ăn thế không sợ mất vệ sinh à?
Ngạnh cười tít rồi "à" to một tiếng:
- Bụng mình giun sán đầy. Hồi bọn tôi ở địa chất còn uống cả nước vũng trâu đằm trong lũng núi. Có mỗi con ruồi mà chúng làm như cháy nhà!
Lụa cười khúc khích:
- Một con ruồi nhưng những mấy triệu con vi trùng cơ đấy anh Ngạnh ạ !
- "Bốc"!
Ngạnh và Lụa quen nhau từ đấy. Lúc miếng cháy ưu tiên, lúc thêm một bát canh... Cô cấp dưỡng Lụa và anh phu hồ Ngạnh thân nhau rồi quyến nhau. Có người vun vào, có người bới ra.
Cái đêm trăng ở bên cạnh mấy đống gạch khi quào tay ôm chặt được Lụa vào ngực mình, Ngạnh hỏi Lụa:
- Có yêu anh không ?
- "Không"!
- Vì sao ?
- Vì con ruồi...
Ngạnh khoái chí úp chặt đôi môi mình lên môi Lụa. Mãi sau vì ngạt thở quá, Lụa quẫy ra. Ngạnh đã dạn hơn, vừa vuốt vuốt tấm lưng thon của Lụa vừa hỏi:
- Ruồi đậu lâu thế có ghét không?
Lụa chỉ biết đấm thùm thụp vào lưng và vai Ngạnh.
Hôm nay, ngày chủ nhật, Lụa không về thị xã thăm bố mẹ mà theo Ngạnh về nhà là có ý của nó. Lụa về là đáp lại lòng nhiệt tình mời của Ngạnh. Cũng nhân thể cô muốn thăm qua gia cảnh nhà người mình yêu. Với Lụa cũng như con thuyền sắp có lái. Cô đã quyết định gắn bó cuộc đời mình với Ngạnh. Thô mộc và nóng như lửa nhưng được cái thẳng tính và tốt bụng. Lụa cũng đã thăm dò qua ý tứ bố mẹ đẻ. Hai cụ nghe chăm chú và nói mỗi câu "Tùy con...". Bố mẹ có vẻ ưng ý càng xui Lụa thêm gắn bó với Ngạnh. Đúng là "con ruồi nên duyên" như anh em ở công trường thường "chế" hai đứa. Nghe vừa vui lại vừa xấu hổ...
Sau buổi ra mắt của cô con đâu tương lai, bà Tầm bảo Ngạnh:
- Tao chỉ ngại tay chân nó trắng trẻo quá không hợp với nhà mình. Chứ xem cách đi đứng, ăn nói thì mẹ ưng. Tuy vậy con ạ! Nó là người thành phố.
Ngạnh chững người hỏi mẹ:
- Bà chê nó không biết đi cấy đi gặt chứ gì ? Các cụ lạc hậu thế. Ngày đi làm làm tiếng cho nhà nước thì còn thời gian đâu mà nhổ mạ, tát nước?
Bà Tầm vẫn đắn đo vì bà hiểu Ngạnh, biết Ngạnh hơn Lụa. Cái đắn đo của bà là cái đắn đo của một phụ nữ lớn tuổi đối với cô gái còn thơ dại mới bước vào đời. Ngạnh là đứa băm to, kho mặn, đùng đùng như lửa và tráo trâng như đá. Còn Lụa thì đúng như cái tên cha mẹ đặt, qua tiếp xúc bà thấy nó cứ nhẹ như không. Ngồi với nhau uống cạn một chén nước, đi với nhau một quãng đường thì không sao. Đằng này chúng lại quấn nhau như dây bện rồi thì một hai thề ăn đời ở kiếp với nhau. Bà lo cho chuyện đường dài của con trai.
- Lấy được dâu hiền là mẹ mừng. Đa quyết làm bạn với người ta thì phải nghĩ cho kỹ. Đừng như mưa nắng thất thường, nay thèm mai chán như cái chuyện đi làm ấy là không được.
Mạ nói đúng tật, Ngạnh chỉ biết cười xòa rồi chống chế:
- Mẹ buồn cười. Chuyện đi làm nó khác, chuyện lấy vợ nó khác.
Bà Tầm chỉ biết "ờ" theo con và cười...
Ngạnh Lụa nên duyên chồng vợ. Đám cưới của họ được tổ chức theo nếp sống mới tại bệnh xá huyện. Hôm tiệc trà, cánh thợ cùng lứa với Ngạnh không quên nhắc tới chuyện con ruồi chết trong bát canh rau muống nấu mắm cáy. Mọi người cười đến chảy nước mắt. Có người quá tếu còn chúc Lụa cố gắng mỗi năm đẻ ra một chú ruồi con cho cuộc tình của hai đứa thêm ý nghĩa. Quá quắt hơn, trong đống quà tặng của bạn bề có một gói giẫy nhỏ buộc bằng chỉ xanh hình chữ thập, khi hai vợ chồng về đến phòng hạnh phúc mở ra mới biết trong đó chứa toàn ruồi chết. Nghịch đến thế này thì không còn biết đến trời đất gì nữa. Người già hai họ mà biết chắc là chuyện chẳng lành. Với Ngạnh và Lụa thì cho đây là chuyện tếu vui. Người ta có quý mình người ta mới trêu mới đùa. Buồn nhất ở đời là những người sống không có tiếng cười của bầu bạn vây quanh. Lụa nghĩ thế để tự an ủi mình chứ thâm tâm thì cô thấy nó "sai". Nhưng... quỷ phải gọi thợ công trường bằng anh. Ngạnh thì văng ra trước mặt vợ một câu cũng rất công trường:
- Đ.m.! Đồ mất dạy... Hôm nào chúng mày cưới, ông sẽ tặng một gói sâu róm.
Lụa nhăn mặt lườm chồng. Gói ruồi - quà tặng đêm tân hôn bị Ngạnh vo tròn lại ném qua cửa sổ. Thế là hết chuyện đùa cợt của bọn mày. Giờ là chuyện của ta, Ngạnh xoa xoa tay nhìn Lụa với cái nhìn nheo nheo trên nền màu da mặt đang ửng dần lên, định nói câu gì đó rồi chỉ biết nghệch ra cười. Anh chồng vụng về nhích dần, men dần về phía vợ...
- Kìa anh... Tắt đèn đi chứ!
- Kệ mẹ nó. Cho chúng xem cũng được.
Lụa bật đứng lên. Chiếc quạt trên tay Lụa phẩy mạnh. Ngọn đèn phụt tắt. Ngạnh hề hề cười...
- Tối quá... Em đâu?
Lặng một lát mới nghe tiếng Lụa:
- Đây... khiếp...
Trong bóng tối khúc khích tiếng cười của Lụa, tiếng thở và tiếng vật vã của Ngạnh. Họ như đôi chuột đói lạc vào bồ thóc mới gặt.
- Lụa! Lụa!
- Khiếp... nói gì mà to thế... ?
- Hì hì... Sợ quái gì...
- Ấy...
- Suỵt...
Nghe tiếng thở mạnh của Lụa, hình như cả tiếng nức lên như khóc của cô nữa. Còn Ngạnh cứ lặng phắc như kẻ ngấm thuốc, lát sau mới lấy lại được bình thường, an ủi vợ:
- Sợ quái g. Em sẽ đẻ cho anh một đàn ruồi con cho chúng biết tay...
Từ đêm hạnh phúc đầu tiên ấy của bố mẹ, Mịn đã hình thành. Lụa nhận biết và tính đủ ngày đủ tháng mang thai con. Nhưng Mịn ra đời không đúng thời gian như luật định. Lụa sinh con vào tháng thứ tám sau ngày cưới. Đứa bé sinh non không đầy hai cân. Ngày nó chào đời không có bà, có bố chỉ có mẹ và bệnh xá. Không ai có thời gian để dò xét về sự vắng mặt cố ý của người nhà sản phụ đã vội lao vào lo lắng cho đứa trẻ thiếu tháng. Sự ra đời non nớt của nó đã được bình phục dân dưới bàn lay chăm sóc của các thầy thuốc. Từ mềm oặt như cái dải khoai, đứa trẻ đã bú được sữa mẹ và khóc được tiếng to. Còn mẹ nó thì khóc từ lúc đau đẻ cho đến lúc nó ra đời. Tủi nào hơn khi lên bàn đẻ không có chồng bênh cạnh và mẹ chồng thì biệt tăm không có đến nửa lời thăm hỏi. Lụa đau đẻ đột ngột. Cô không nghĩ thời điểm này là thời điểm con ra đời. Là người hiểu biết về y học, Lụa dự đoán phải hơn tháng nữa mới trở dạ. Chính vì vậy mà cô chưa kịp nhắn bố mẹ ở trên thị xã xuống thăm nom. Vả lại, Lụa nghĩ có gì đã có chồng, có mẹ chồng. Bà Tầm rất mực quý dâu. Bà còn nói khi nào Lụa ở cữ, bà sẽ lên cơ quan bế cháu cho mấy tháng. Còn Ngạnh, tuy tính tình khác thường nhưng từ ngày biết vợ có nghén, anh vui ra mặt. Ngạnh ít văng tục hơn. Việc gánh nước, mua gạo, cuốc vườn, Ngạnh đều làm thay Lụa. Nhiều lúc Ngạnh còn nói với Lụa: Đẻ con giai, con gái gì cũng được, nhưng sẽ đặt tên nó là Ruồi cho có nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa gì thì ý nghĩa, nhưng đặt tên con là Ruồi, Lụa thấy ghê ghê thế nào ấy. Biết tính chồng hăng máu lại cực đoan nên Lụa chỉ ậm ừ qua chuyện.
Hôm Lụa ôm bụng kêu đau, Ngạnh nhướn mắt hỏi:
- Đau giun hay tháo dạ ?
Tuy đau đến vã mồ hôi trán, Lụa cũng phải bật cười:
- Người rừng hay sao ấy!
Vẫn đang đà nghĩ, Ngạnh tuôn ra một tràng:
- Tôi đã nói với cô rồi. Bụng mang dạ chửa phải ăn uống cho kiêng khem. Có kiêng có lành. Chắc lại ăn cái gì lạ bụng nên giun nó nguấy chứ gì?
Ngô nghê đến thế là cùng. Mình đau đến mức như ai đâm dao, đập búa trong bụng mà anh ấy vẫn nghĩ là giun nguấy.
- Anh cho em... sang... bệnh... xá...
Lụa chỉ nói được có thế rồi nằm vật ra giường. Hoảng quá. Ngạnh chạy sang gọi mấy chị hàng xóm cùng ở chung dẫy nhà tập thể. Khi mọi người xúm vào dìu Lụa đi đẻ, Ngạnh mới biết là vợ mình không phải đau bụng vì giun...!
Ba tiếng sau, người ở bệnh xã về gọi và báo cho Ngạnh biết là vợ anh ta đã sinh con gái thì thấy chiếc khóa nằm im ở khuy cửa và người bố đứa trẻ mới sinh ấy đã biến đi đâu từ lúc nào...
Ngạnh đã gói ghém quần áo của mình vào chiếc hòm gỗ rồi lấy dây cao su buộc chặt vào sau xe, hồng hộc đẩy qua mấy cái rãnh nước trong khu nhà rồi nhảy tót lên yên đạp miết như sợ có ai đuổi. Trước khi ra đi, Ngạnh còn nhớ găm một mảnh giấy lớn vào chiếc đinh trước cửa nhà bà phó thư ký công đoàn bệnh xá. Trên mặt giấy Ngạnh ghi nguệch ngoạc mấy dòng chữ bút chì với những nét khó chịu, bực tức đến rách cả giấy: Đứa bé ấy không phải là con tôi!
Về tới nhà, Ngạnh quăng chiếc hòm gỗ đựng quần áo vào góc nhà, nói với mẹ:
Con Lụa nó đẻ rồi. Bà có thích bế cháu người khác thì lên bệnh xá mà bế.
Bà Tầm không tin ở lời nói của con, hỏi lại:
- Chúng mày lại xích mích với nhau cái gì mà đùng đùng bỏ về thế con?
Ngạnh giáng mạnh đít lên mặt chiếc chõng tre, cục cằn:
- Bà dốt lâm. Nói thế mà không biết. Nó đi ngủ với thằng khác, bà hiểu chưa?
Câu nói của Ngạnh làm bà Tầm chóng mặt. Nghe chuyện của nhà mà như nghe chuyện của người. Mấy tháng nay, từ lúc thấy bụng con dâu nhô lên lùm lùm như nắm cơm bà đã mừng. Ao ước mấy năm nay có đứa cháu nội đề bế bồng sắp thành hoa thành quả trên tay bà. Nỗi mừng có cháu cộng với nỗi mừng vợ chồng nó từ ngày ăn ở với nhau mưa thuận gió hòa làm bà Tầm như người nghèo bắt được của...
- Bà nghe tôi nói đây này - Ngạnh dằn giọng - Tôi cấm bà không được bén mảng lên đấy mà chăm bẵm, hỏi han con Lụa. Bà mả không nghe tôi là tôi đốt cái nhà này.
Người mẹ đã thành kẻ thù của đứa quá khùng. Bà Tầm tái mặt nhìn con. Muốn hỏi mà không dám hỏi. Nó đã từng đập vỡ ấm chén của bà nhiều lần. Nó đã từng chặt đổ cây cau khi trá ý. Chẳng lẽ con Lụa lại hư đốn đến mức ấy. Nhưng mà sao... bảo đến đầu tháng sau nữa mới nằm bồn kia mà? Chính Lụa đa thủ thỉ với bà câu ấy. Chính nó còn giao kèo với bà là khi nào con ở cữ cháu, bà lên ở với vợ chồng còn nửa năm cơ mà. Vậy là, nó đã sinh... Cũng có thể là sinh con thiếu tháng. Ai mà biết trước được khi mang thai đứa đầu. Thằng chồng thì cả giận, mất khôn. Giờ mà lên tiếng khuyên giải nó, có khi lại đổ vỡ thêm. Lụa ơi, nó đang cấm bà đi thăm nom đây này. Nó còn dọa đốt nhà nếu bà trái ý nó. Rối bời quá chừng cho tấm lòng của mẹ. Bà Tầm chỉ biết nhìn con. Nó nhìn lại bà. Cái con mắt đỏ đọc kia vẫn chưa hết giận. Đẻ ra nó mà giờ đành phải thua nó!
Ngạnh lại hùng hổ dẫn xe đi. Bà Tầm lo lắng hỏi:
- Mày còn đi đâu nữa hở Ngạnh?
Ngạnh dừng xe quay lại, trừng mắt:
- Đi công trường chứ còn đi đâu. Bà nhớ lời tôi dặn đấy.
Đời mỗi con người có ai là không ghềnh thác? Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, có ai là người thảnh thơi nhàn nhã như kẻ đi trên đường cái quan. Đời ba sáu bậc hay trăm nghìn bậc nổi chìm, có đi có biết. Có sống có hay...
Lúc này đây, người mẹ tựa vai áo bạc của mình vào vách đất, mắt ngơ ngác nhìn ra sân, ra cổng, ra ngõ. Mẹ nhìn theo bước con đi. Dáng nó chật chưỡng, xiêu vẹo. Đôi bàn chân nó đạp trên đất nặng như đôi vồ. Cái xe cũ tàng cứ loi choi, lóc xóc trên đôi tay dắt của nó. Nó đi công trường hay nó đi đâu? Nó sẽ sà vào nơi hiền hay đâm vào chỗ ác. Gan ruột nó bấy giờ như người ta cắm dăng dó vây quanh. Nó đang hờn giận, u mê. Nó đang tăm tối như thế mà bỏ đi một mình thế, sao bà có thể yên tâm.
- Ngạnh ơi, mẹ bảo đã!
Bà Tầm sấp ngửa chạy theo con: Ra sân! Ra ngõ! Ra tận đầu làng... Ngạnh vẫn hồng hộc đạp xe và không hề ngoái lại.
Trên đời rày đã có ai ngồi cộng lại những tác hại do thói nhẹ miệng mà đơm đặt nên những câu chuyện không có thật làm liên lụy đến số phận người khác. Chi một câu bông lơn, một lời nói nữa nạc nữa mỡ, đê tiện hơn là thói đố kỵ bản năng, giàu tính thú hơn tính người mà nhiều cái nguyên lành bỗng dưng đổ vỡ, cái thơm tho cao thượng thành trò hạ đẳng nhuốc nhơ. Cái tà tâm trong đáy ruột con người khi được thao túng nâng đỡ thì ró sẽ thành sức tàn phá ghê gớm, cái thiện tâm vốn là phẩm chất truyền thống của chính con người.
Ngạnh làm bạn với Lụa. Người tốt bụng thì cho đấy là phúc lớn của nhà bà Tầm. Người dửng dưng thì chép miệng cho qua cái chuyện buồn ngủ gặp chiếu manh. Một anh chàng thô kệch như gốc tre, gốc gạo mà bỗng dưng có hoa quỳnh, hoa lan, hoa huệ vào nhà. Cả người tốt lẫn người dưng đều nghĩ thế rồi cho qua để còn lo nghĩ những việc của mình. Nhưng còn người xấu...
Lụa là hoa khôi của bệnh xá khi Lụa chưa lấy Ngạnh. Ngay cả lúc phong thanh chuyện hai người có tình ý với nhau, Lụa cũng vẫn là hoa khôi. Thợ bên công trường, một vài chàng trai trong bệnh xá toàn loại trẻ trung, dẻo miệng, bằng cấp đầy túi ngực cũng đã nhiều lần mon men, ve vãn Lụa. Lụa ý tứ lặng im hoặc khất lần. Lụa biết mình có giá. Cái giá ấy Lụa đã nặng lòng trao cho Ngạnh. Trước sự kiện ruồi sa vào bát canh rau muống, Ngạnh không là gì trong mắt Lụa. Thậm chí Lụa còn không biết Ngạnh tên là gì nữa, mặc dù ngày ba bữa giáp mặt nhau. Nhưng sau cái sự kiện oái oăm ấy - nhất là cái hành động có một không hai ấy của Ngạnh đã để lại trong Lựa một ấn tượng. Chuyện như chẳng có gì lại mang vẻ hài hước nữa mà bỗng nhiên trở thành thời điểm thần thánh trong tình yêu của cô gái mới lớn. Lụa đã tự động tìm đến Ngạnh như kẻ chết đuối tìm đến với ân nhân của mình. Lúc ấy Lụa đầy bạo dạn và tự tin. Ngạnh thì, ngỡ ngàng, lúng túng. Chuyện như không có thật mà bỗng nhiên xuất hiện như bông hoa súng vừa nở trên mặt đầm. Anh cu Ngạnh bùn đất chỉ cần lội áo xuống quờ tay lên là có thể ngắt được hoa...
Nhiều lúc Ngạnh tự hỏi: Lụa yêu mình thật hay yêu đùa? Đưa người yêu về ra mắt mẹ rồi mà Ngạnh vẫn cứ nghĩ cô ấy về với mình cho vui. Đến khi cưới nhau, ăn nằm với nhau, Ngạnh mới dám nghĩ Lụa thực yêu mình. Anh chàng lúc này mới ngẫm lại mình, sửa sang từ lời ăn tiếng nói đến việc làm cho phù hợp với cái duyên dáng xinh đẹp của Lụa, cho xứng với lộc trời cho!
Ác thay... Quanh cái yên ấm của vợ chồng Ngạnh lại nảy nòi những lời dèm pha, khích bác. Những đứa chọc gậy bánh xe, những thằng có thói không được ăn thì đạp đổ đã lấn vào lung lạc cái cơ ngơi đang ổn định dần của đôi vợ chồng trẻ...
- Lụa ơi... Thật đúng là bông hoa nhài cắm phải bãi cứt trâu. Ngọc nát vì ngâu vầy. Em vẫy đâu mà chẳng có đứa danh giá theo hầu. Bây giờ có khác gì cung nữ trên thượng giới với quỷ sứ dưới âm ty.
Khổng ít lần họ đã nói với Lụa câu ấy. Có kẻ còn xin chết để chuộc Lụa ra khỏi tay Ngạnh. Có đứa còn tỉ tê xin được Lụa cho ăn lại xái thì dù có phải lên ghềnh xuống thác cũng cam lòng. Có người thì lúc nào cũng trố mắt lên ngạc nhiên vì không hiểu sao Lụa lại lấy Ngạnh.
Với Ngạnh thì họ tấn công theo kiểu khác. Bằng cách nói xô bồ, anh chị, bằng những lần bá vai, bá cổ chè thuốc rồi rượu thịt, họ cố chứng minh cho Ngạnh biết rằng cái gói ruồi mà ai đó gửi tặng trong đêm lân hôn ấy không phải chỉ có ý đùa cợt. Đằng sau cái chuyện gói ruồi ấy là biết bao nhiêu những trò vớ vẩn khác có liên quan tới cái người nhận nó. Người ấy là Lụa. Mỗi con ruồi đựng trong gói là gắn với một chuyện lẳng lơ của cô y tá xinh đẹp người thị xã. Họ còn vạch ra cho Ngạnh nghe những chuyện như thật nhưng toàn là chuyện trước khi Lụa được phân công về bệnh xá công tác. Những điều này thì Ngạnh cóc tin. Ngạnh nghĩ chúng nó phịa ra để trêu mình. Còn chuyện vì lẳng lơ với người nọ người kia đến tiêm thuốc, chữa bệnh mà Lụa phải điều ra làm cấp dưỡng cho công trường thì Ngạnh ngờ ngợ. Bỏ mẹ, không khéo đấy lại là chuyện thật. Cũng là người mà sao chỉ có Lụa là phải điều ra làm cấp dưỡng trái với nghề y tá của mình?
Một cô gái xinh đẹp vào loại nhất nhì khu vực cơ quan huyện; một nữ y tá dịu dàng, tay mát như thạch bị điều ra cọ bát, rửa nồi đã thành "Lụa ruồi" sau ngày lấy Ngạnh. Và Ngạnh, thỉnh thoảng lại bị những kẻ ác miệng réo gọi bằng những từ ghép khó chịu: Thằng - đổ - vỏ!
Mưa lâu ngấm dần. Ngạnh buồn bực, ấm ức. Nỗi nghi ngờ vợ cứ nung nấu trong gan, trong ruột anh chồng đa nghi. Có điều Ngạnh không dám nói ra vì đa trót nặng lời với Lụa. Vả lại, những chuyện kia mới chỉ là lời đồn, còn hư thực thế nào thì không một ai dám chắc. Biết được nguyên nhân lì lợm của chồng qua những chuyện đơm đặt điêu ngoa của những đứa xấu, thỉnh thoảng. Lụa vẫn nói với Ngạnh:
- Vợ chồng ăn ở với nhau thì phải tin nhau. Em có điều gì không nên không phải thì anh cứ nói thẳng. Thiên hạ không thiếu gì người tốt bụng, nhưng cũng chả hiếm những kẻ ác khẩu. Vun vào cũng lắm mà bới ra cũng nhiều. Riêng em thì anh biết đấy...
Lụa không bao giờ nói hết câu cho Ngạnh nghe. Còn Ngạnh hình như chẳng bao giờ để tâm tới lời dãi bày ấy của Lụa. Vợ nói vợ nghe. Chồng thì càng ngày càng nổi cục nổi hòn trên mặt. Có cái lạ là không bao giờ Ngạnh to liếng với Lụa. Thần Lụa đang ngủ chăng? Chưa hẳn! Ngạnh cũng đã nhiều lần mượn rượu, gây nhiễu nhưng đã bị sự dịu dàng, nín nhịn của Lụa dập tắt ngay. Ngạnh chưa tìm được cớ gì cụ thể để có thể dằn hắt Lụa.
Lụa chịu đựng và mong ngày mong đêm cho đứa con ra đời. Có nó chắc tính tình Ngạnh sẽ khác và Lụa cũng bớt cô đơn hơn khi phải thui thủi một mình. Những chuyện này chỉ một mình Lụa biết, một mình Lụa chịu. Người con dâu tốt nết chưa một lần than vãn với mẹ chồng về cảnh ngộ của mình. Bà Tầm thỉnh thoảng vẫn lên thăm con và thường thơ thới ra về vì cuộc sống ngăn nắp, yên ấm của vợ chồng Ngạnh. Hàng xóm lúc nào cũng chỉ thấy Lụa cười. Nụ cười của Lụa như tấm lá chắn che giấu những uẩn khúc bên trong gia đình mình...
Đứa con ra đời trước hạn đinh, ngoài sự tính toán của Lụa. Âu cũng là lẽ thường tình của chuyện sinh nở. Lụa vừa lo vừa mừng. Lo vì sự non nớt của con nhưng lại mừng vì sớm được làm mẹ. Nỗi lo của Lụa đã có bệnh xá lo giùm, còn nỗi vui thì từ nay vợ chồng Lụa được hưởng. Oái oăm sao, niềm vui chưa kịp nở hết một nụ cười trên môi Lụa thì tai họa đã ầm ầm đổ xuống. Ngạnh đùng đùng bỏ đi. Bà Tầm không có mặt. Tờ giấy Ngạnh gài trước cửa nhà bà phó thư ký công đoàn, cả bệnh xá đã biết. Chỉ riêng Lụa là không được thông báo về chuyện này. Ai cũng lo Lụa "máu non" nên không dám cho cô biết sự thật. Họ tìm nhiều lý do khác nhau đề nói tránh. Lụa biết hết và im lặng chịu đựng. Cô từ chối cả việc báo cho gia đình bố mẹ đẻ ở trên thị xã. Con làm con chịu. Lụa không muốn người đẻ ra mình phải gánh những nỗi vất vả của con gái. Sự có mặt của các cụ lúc này không có lợi gì cho thanh danh gia đình khi mà Lụa đang phải sống trong cảnh bị bỏ rơi. Lụa tha thiết đề nghị với bệnh xá nếu thương Lụa thì không nên báo cho gia đình Lụa biết trong lúc này. Cô nuốt nước mắt chịu đựng. Tới bữa Lụa ăn như nhét cơm vào bụng. Ba bát rồi bốn bát cơm có thịt, có rau mà đắng chát nhưng Lụa vẫn cố nuốt. Có ăn được mới có sữa cho con bú. Có ăn được mới có sức mà nuôi con. Không có chồng, không có mẹ chồng, Lụa vẫn có cả bệnh xá xúm lại chăm sóc. Người con gà, người hộp sữa, cân đường, người giặt trưa giặt tối. Ai rảnh rỗi lúc nào là thăm nom, chăm sóc Lụa lúc ấy: Vừa là tình đồng nghiệp cơ quan lại cám cảnh cho thân phận một cô gái bị chồng hắt hủi, bị dư luận bôi nhọ, nhiều người đã đến với Lụa như chị em, gia đình. Cưu mang nhau lúc hoạn nạn là một phản ứng tự nhiên của con người. Lụa được sống trong sự đùm bọc ấy mà sao miếng cơm ăn cứ chát, hớp nước đường cứ đắng. Lụa đang phải tự gánh chịu sự trừng phạt của thân phận mình. Cái đau nội tâm ngấm rạ từ mỗi tế bào của kẻ chịu nạn.
- Lụa ơi, em đặt tên cháu là gì để chị làm giấy khai sinh cho nó?
Bà phó thư ký công đoàn bệnh xá lo thủ tục vào đời cho đứa trẻ đã hỏi Lụa câu ấy. Lụa ngớ ra như nghe tiếng bà hỏi ai. Sự nhãng quên tội lỗi. Nước mắt Lụa ứa ra. Qua làn nước mắt nóng bỏng, Lụa lẳng lặng nhìn bà phó thư ký công đoàn:
- Cô ơi, bố cháu bảo đặt tên cháu là Ruồi!
- Hả?
Bà phó thư ký công đoàn thốt lên một tiếng "hả" rồi trợn mắt hỏi Lụa:
- Mày có điên không thế hả cháu?
Lụa khẽ cười, cay đắng:
- Anh ấy dặn cháu thế mà...
Máu nóng nổi lên, bà phó thư ký công đoàn đứng bật dậy đi ra ngoài. Lụa bối rối nhìn theo rồi úp mặt mình xuống gối ân hận. Bà phó thư ký công đoàn đã bị Lụa xúc phạm. Chính Lụa cũng đang, tự xúc phạm mình. Mang thai nó, đẻ nó ra mà vẫn chưa tìm được cho nó một cái tên. Ối... con gái bé bỏng và đáng thương của mẹ - Cái hòn máu vô tội của mẹ! Mẹ thật đáng trách, đáng nguyền rủa. Ủ ấp con trong tình yêu của mình, nâng giấc con bằng những mơ ước tốt đẹp của mình mà đến lúc này vẫn chưa tìm được cho con một cái tên để con có mặt điểm danh với đời. Tình yêu vô tâm quá. Trách nào mà đến lúc con có mặt ở cõi đời này rồi mẹ vẫn vô duyên!
Trong lúc Lụa bồi rối về chuyện đặt tên con, tự dày vò xỉ vả mình về chuyện này thì bà phó thư ký công đoàn đi làm xong thủ tục khai sinh cho đứa bé. Bởi vì, để chậm ngày nào thiệt ngày ấy. Tiêu chuẩn sống của nó gắn liền với tên tuổi nó. Con người bắt đầu sinh ra là bắt đầu chịu sự ràng buộc với các thể chế xã hội. Con mẹ nó vô tâm thật đáng trách. Nhưng... nó còn gan ruột nào nghĩ đến chuyện quan trọng này. Còn bà, bà đủ tỉnh táo để nghĩ về tiêu chuẩn, chế độ của đứa trẻ với lương thực, thực phẩm, vải vóc nếu nó có tên trong giấy khai sinh.
- Này Lụa... Cô đặt tên cho con gái của mày là Mịn được không!
- Ôi... Cô!
Lụa ôm lấy tay bà phó thư ký Công đoàn. Bàn tay gầy xanh của Lụa run run sờ nắn từng ngón gầy mà xuýt xoa cảm tạ tấm lòng tốt của bà đối với mẹ con mình.
- Thế là xong mọi thủ tục cho con bé. Từ nay cứ yên tâm mà nuôi con. Không có gì phải lo lắng, buồn phiền cả cháu ạ. Bố nó biết nghĩ lại mà quay về là cái tốt. Nhược bằng... mà thôi! Không thèm nói đến cái quân ấy nữa. Vợ con bằng thật chứ đâu phải là cái bút với tờ giấy mà nó ngoáy thế nào nên thế. Cô sẽ đề nghị với cơ quan gô cổ nó lại để nó có trách nhiệm với con bé chứ không thể vuỗi như vuỗi bụi thế được...
Bà phó thư ký công đoàn nói thêm về độ chính sách mà mẹ con Lụa được hưởng. Bà vạch thêm cả kế hoạch sống và cách trói buộc Ngạnh với đứa bé mới ra đời. Lụa nghe bà mà cảm thấy ở đáy lòng tốt được cụ thể bằng những công việc. Trong lúc lúng túng này, có bà - Lụa khác nào người đi đêm có đèn. Cơ quan như gia đình lớn của Lụa. Không có cơ quan, không biết những ngày này mẹ con Lụa sẽ sống ra sao. Tuy vậy Lụa vẫn thấy mình còn bao nhiêu thiếu hụt, trống vắng. Ai bù lắp nổi cho Lụa lúc này bằng Ngạnh. Lụa ao ước dù chỉ chốc lát thôi, anh ấy có mặt bên con, bên vợ. Chỉ chốc lát thôi, anh ấy ghé xuống nhìn mặt con bé và nói với Lụa những lời động viên, an ủi...
Ngạnh vẫn bằn bặt. Nỗi khổ vẫn âm ỉ cháy trong lòng Lụa bằng nhiều mạch ngầm khác nhau, rất khó thấy nhưng đau đớn ê chề.
Ngạnh không sung sướng gì hơn Lụa. Nỗi đau tuy khác màu nhưng độ dứt da, dứt thịt lại có phần dữ dội hơn. Ngạnh tưởng chừng cỏ thể phát điên lên được khi biết đích thực là Lụa. đau đẻ. Sự nghi ngờ nung nấu trong gan trong ruột mấy tháng nay giờ được dịp bùng lên sau cơn đau đẻ của Lụa. Thiên hạ đồn không có sai. Nếu thiếu lửa làm sao có khói. Chỉ được nhu mì, đoan chính cái mẽ ngoài, còn bên trong thì đến tám tầng lẳng lơ, đĩ thõa. Người ta đã mách mình từ hôm cưới bằng cái gói ruồi bóng gió ấy mà nào mình có nghĩ ra. Thiên hạ sao mà thâm đến thế. Cả đến lúc họ réo gọi mình là "thằng đồ vỏ" mà mình vẫn bưng tai, bịt mắt. Mình vẫn ngu ngơ như thằng điếc đi trong trường bắn. Mình vẫn mù mờ như lão thông manh sờ tượng chùa. Giờ thì thằng ngu lâu đã trắng mắt ra. Lấy vợ chưa tròn tám tháng đã có con. Mình có khác gì con gà mái đi ấp trứng không công cho con vịt. "Ngu đần! Ngu đần!" - Ngạnh tự nguyền rủa mình như thế và mường tượng ra trong óc bao nhiêu kiểu làm tỉnh lẳng lơ, tục tĩu của Lụa với hết người nọ đến người kia. Thân thể Lụa phơi trần ra trong mắt của Ngạnh với nham nhở bao nhiêu vết tay của bao nhiêu gã đàn ông đã từng sờ mó, dày vò. Gan như Ngạnh mà cũng rùng mình như người sợ chuột mới đẻ, sợ cóc hoặc sợ sâu cước. Chỉ khác là Ngạnh không dám hét to lên mà đành phận âm ỉ chịu đựng. Càng hét to càng xấu, càng nhục. Thà câm miệng ngậm bò hòn mà bỏ chạy là tốt hơn cả. Ngạnh đã nghĩ như thế và đã có gan làm. Nỗi đau tưởng có thề đập đầu vào đá mà chết được cứ nguội dần, nguội dần sau ngày Ngạnh bỏ chạy khỏi Lụa. Ra khỏi căn phòng tập thề ở bệnh xá, về được đến ngôi nhà của mình là Ngạnh cảm thấy như vừa trút khỏi mình cơn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ngạnh thấy căm Lụa vô cùng. Cứ nghĩ Lụa mang hạnh phúc đến cho nào ngờ đấy lại là nỗi sỉ nhục đối với thằng đàn ông. Lấy phải của thừa, ăn nhầm của thải mà vẫn nghĩ rằng mình được thứ tươi nguyên. Lụa đã lừa Ngạnh, đã dùng cái vẻ ngoài mỹ miều của đứa con gái đang độ xinh đẹp để đánh bả thằng đàn ông háo sắc và ngốc nghếch. "Ức có thể vung dao mà chém chết ngay đối thủ tại trận" - Ngạnh nghĩ thế về Lụa nhưng không dám. Còn lúc này chi có căm, căm vô cùng. Đến mức Ngạnh lên mặt hỗn hào với cà bà Tầm, cấm đoán đe đọa bà không được qua lại thăm nom Lụa. Bà Tầm đa mấy lần gói gạo, gói trứng định đi bộ lên huyện thăm Lụa nhưng lần nào cũng bị Ngạnh, đạp xe đuổi theo ngáng đường bắt quay trở lại.
Dạo này công trường ở cạnh nhả. Ngạnh đi làm bữa đực bữa cái. Thường là Ngạnh ở nhà, hút thuốc lào đến nhem nhuốc cả một góc. Chán chê Ngạnh lại vác chai ba ra quán mua rượu. Khi thì đĩa dưa chua, khi thì vài con bống kho. Ngạnh nhồm nhồm ăn uống và chửi đồng. Hễ thấy bà Tầm đội nón, xách túi ra ngoài cổng là Ngạnh chầu mỏ ra hỏi:
- Bà đi đâu đấy...?
Khi thấy mẹ tỏ vẻ lúng lúng muốn nói quanh là Ngạnh đứng bật dậy, lao ra. Bàn lay chắc nịch của thằng con nắm chặt lấy cánh tay mềm nhũn của mẹ kéo vào nhà...
- Tôi đã nói với bà rồi. Không có đi đứng thăm nom gì cái loại đĩ thõa ấy cả. Bà mà không nghe tôi thì cứ liệu chừng. Có ngày cái nhà này sẽ ra tro.
Đứa con như một thằng cai ngục tàn ác và người mẹ trở thành tù nhân. Trước sự giam hãm hà khắc của nó, bà chỉ biết quặn gan, quặn ruột rồi ngồi khóc. Bà có lỗi lớn với Lụa, với cơ quan bệnh xá mà chưa tìm được cách chuộc.
- Mày giận dỗi nó nên giận dỗi lây sang cả tao hay sao? Dù thế nào chăng nữa cũng phải để cho mẹ đi thăm nom nó kẻo thiên hạ họ cười, họ cho mình là kẻ không biết điều.
- Báu gì! Để cho thằng nào bĩnh ra nó thì mò về mà nuôi con, nuôi vợ.
- Ở hay... đã rõ đầu đuôi, tai nheo ra sao mà mày cứ bô bô cái miệng ra thế. Mày cứ để mẹ lên thăm nó một đôi lần xem sao...
Lần nào cũng ngàn ấy câu qua lại giữa mẹ và con. Và lần nào cũng vậy, Ngạnh hùng hồ chắn ngang cửa không cho mẹ đi và hắt ra một câu cộc lốc:
- Không!