Ba Tầm vừa đi thăm con gái lấy chồng ở làng bên về đến đầu ngõ thì biết hết mọi chuyện. Bà sấp ngửa chạy về. Đúng như lời làng xóm mách bảo, con bé Mịn đang ngồi thu lu ở trước cổng nhà mình mà chờ bà. Quanh nó, dăm ba đứa trẻ trong xóm đang đứng nhìn. Có ai đó đã vứt cho Mịn một mảnh ni lông rách đề nó choàng lên người. Trông con bé tội nghiệp như một đứa trẻ cầu bơ cầu bất ở phương nào vừa đến làng xin ăn, xin mặc.
Bà Tầm nhào vào với cháu. Con bé bật lên ôm chầm lấy bà. Tấm ni lông rách tuột khỏi lưng nó, rơi xuống chân. Tay bà Tầm gai lên khi sờ nắn phải những vết lằn trên da thịt cháu.
- Trời cao đất dầy ơi, sao cháu bà ra nông nỗi này.
Bà cởi tấm áo cánh nâu mặc cho cháu. Mịn cúi xuống nhặt mảnh ni lông rách quấn quanh người rồi lại ngồi thụp xuống úp mặt vào tay. Bà Tầm vầy vầy tay trước những đứa trẻ đang đứng xem:
- Đi về nhà đi các cháu. Có sung sướng đẹp đẽ gì mà đứng xem!
Bọn trẻ vẫn trơ mắt ếch nhìn. Có đứa còn ré lên cười. Mịn bỗng thôi khóc. Nó bật đứng lên. Một tay túm ni lông, một tay cầm hòn đá dứ dứ vào lũ trẻ:
- Cút cha chúng mày đi!... Muốn không ?
Bọn trẻ bị khiêu khích càng nhâng nhâng tợn:
- Thách đấy!
Mịn cầm hòn đá nhào lên. Bọn trẻ lùi lại rồi tán loạn. Sự nhẫn nhục của cô bé đã bùng ra. Mịn tợn tạo để chống lại sự nhạo báng, tò mò của những đứa cùng lứa. Từ lúc bị bố vất ra ngoài ngõ, Mịn phải chịu đựng sự bu quanh dòm ngó và trêu chọc của chúng. Lúc ấy Mịn chỉ có một mình. Cánh cổng gỗ vào nhà đã đóng im ỉm. Bây giờ Mịn đã có bà, nên có sức mạnh.
Trong lúc đó, bà Tầm đấm cửa đến mỏi tay mà Ngạnh vẫn không chịu mở. Trong nhà chỉ thỉnh thoảng vọng ra tiếng ho khan hoặc đằng hắng ra vẻ có nghe đấy nhưng không thèm mở. Ác nghiệt đến thế là cùng. Đánh con thừa sống thiếu chết. Lột trần lột truồng con rồi vứt ra ngoài đường. Nó đâu phải mới lên hai, lên ba. Con gái mười một, mười hai ngồng ngỗng ra thế mà thằng bố nỡ đang tâm... Nó có biết đau, biết xót, biết xấu hổ?
Hiền lành như bà Tầm mà bỗng phải đập đầu vào cánh cổng thình thình rồi tru tréo lên:
- Ôi Ngạnh ơi là Ngạnh ơi! Ối con ơi là con ơi...!
Mày mà không ra mở cổng cho bà cháu tao vào là tao cắn lưỡi tao chết cho mày sống một mình đây này... Ối trời cao đất dày ơi, sao cái thân tôi nó cơ khổ thế này!
Mịn sợ hãi ôm chặt lấy vai bà, kéo bà ra xa chỗ cánh cổng. Con bé sợ bà mình đập đầu vào cánh gỗ rồi cán lưỡi mà chết thật. Nó rối rít gọi bà, van bà đừng giận thân mà tội nghiệp cháu. Bà Tầm thì vẫn cứ gạt tay cháu ra mà lao đến đập cổng thùm thùm...
- Có tiếng lạch cạch mở then. Một bên cánh cổng hé ra. Một khuôn mặt lạnh như đá ló ra tiếp:
- Làm gì mà ầm ầm như chợ vỡ thế này? Bà vào thì vào đi...
Ngạnh với tay ra lôi bật bà Tầm vào phía trong. Mịn nhanh như sóc lao theo đã bị tay bố bật ra gạt lại. Mịn ngã bổ chửng ra trên nền đất trong tiếng sập cổng rất mạnh của Ngạnh.
Bà Tầm tìm đủ mọi cách kể cả khóc lóc, van xin con giai hãy nguôi giận mà cho con bé vào trong nhà nhưng không được. Trước sau Ngạnh vẫn giữ một nét mặt lầm lì và cái lắc đầu nặng nề. Cẩn thận hơn, người con trai còn lấy cái chiếu ra nằm ngang cổng ngay dưới chỗ then cài để canh gác mẹ.
Bà Tầm vẫn mở được then cổng để ra ngoài. Ấy là lúc Ngạnh vì mỏi mệt quá thiếp đi trong tiếng gáy ầm ầm. Bà Tầm sè sẽ từ trong nhà đi ra hè rồi lần tay xuống sân. Bàn chân bà dẫm trên nền đất tối mà có cảm giác đêm đen như vỡ vụn ra kêu rào rạo đến ghê người. Tiếng ngáy của Ngạnh bần bật cả cánh cổng. Bà Tầm biết giờ có ai khiêng vứt xuống ao, xuống chuôm hắn cũng không biết.
Cánh cổng khẽ kẹt rồi hé rộng ra. Một khoảng sáng nhờ nhờ ngoài ngõ ùa vào hai vòm mắt gầy của bà Tầm. Bà lần lần tay bước ra. Trước cổng nhà mình chỉ còn là một khoảng đất mờ ảo trống hoác.
- Mịn ơi, Mịn...
Bà Tầm gọi tên cháu. Chỉ có tiếng giun dế và tiếng gió. Bà quờ quờ tay ra bốn xung quanh, chỉ thấy khí lạnh của đêm lùa vào lớp da thịt nhăn nheo mà thôi.
- Mịn ơi! Con ở đâu...?
Bà Tầm ngồi xổm trên nền đất cằn rồi vừa rê chân vừa sờ sờ tay như người tìm cái kim, cái cúc bị rơi. Ngón tay gầy và nhăn của bả chỉ gặp những viên sỏi trơn nhẵn hoặc gai góc vương vãi. Cả các xó xỉnh ở chung quanh nhà, cả các gốc cây bụi cỏ ở tận ngoài đường cũng không thấy.
Người bà Tầm choáng váng như gặp gió độc. Mắt bà hoa lên như có hàng trăm nghìn con đom đóm đang bay. Bà dò dẫm đi trên đường làng. Những ngôi nhà thưa thớt nằm lọt thỏm trong những vườn cây im ắng như không có người. Giờ biết tìm đâu, hỏi ai. Đêm tối vây bọc khắp chốn, khắp nơi. Không một tiếng ho, không một ánh đèn...
- Mịn ơi... Cháu bà ơi... con ở đâu?
Bà Tầm đi ra đầu làng. Gió từ ngoài đồng lùa vào làm người lạnh toát. Bà nhìn một vệt sao trên trời đang vạch một đường sáng giữa nền đen. Lòng bà thổn thức, lo lẵng...
"Cầu trời, cầu phật dun dủi cho cháu tôi quay về với bà, với bố...".
Tối nay cháu ngủ vạ ngủ vật nơi đâu thì sáng mai khi nghe tiếng gà gáy cháu nhớ quay về với bà. Bố giận rồi bố lại thương. Bà nóng rồi bố lại nguội. Có ai coi con cái mình đẻ ra là quân thù, quân hàn đâu cháu. Còn thương bà, còn nhớ tới bà thì cháu phải về, Mịn ơ, đầu gối, tay ấp, bà nuôi cháu ròng rã hàng bao năm nay mà sao cháu nỡ bỏ bà cháu đi. Có sai, có quá thì vẫn là bố mình con ạ. Cầm bằng con có giận bố con đến đâu đi nữa thì vẫn có bà, còn bà...
Mịn ơi... Tối nay cháu ở đấu, cháu vạ vật chỗ nào? Mong có nơi ấm cho cháu nằm, miếng no cho cháu ăn, có nơi hiền lành phúc đức cưu mang cháu...
Cầu trời, cầu phật dun dủi cho cháu tôi sớm mai khi nghe tiếng gà gọi sáng là nhớ về với bà, và bố...
Mịn ơi, cháu tha tội cho bà. Cháu đừng bỏ bà đi mà tội..."
Bà Tầm lầm rầm những lời nguyện mong ấy khi bất lực trước cánh đồng vắng lặng và bóng đêm. Ba ngao ngán quay trở về ngõ nhà mình...
Ngạnh vẫn ngáy ầm ầm. Người anh ta nằm nghiêng, chân co lên, mặt hướng về phía cánh gỗ. Bà Tầm lấy tay đập mạnh vào vai con trai. Ngạnh giật mình ngồi nhổm lên:
- Cái gì thế?
Bà Tầm mếu máo:
- Con cháu Mịn nó bỏ trốn rồi con ơi...!
Ngạnh dụi mắt hừ một tiếng to về phía mẹ rồi vươn tay cài lại then cổng. Lúc này anh ta mới đứng thẳng lên, lững thững đi vào nhà:
- Bà cũng đi ngủ đi. Kệ mẹ nó. Xéo cho khuất mắt. Chết tôi cũng không tiếc.
Bà Tầm vẫn đứng ở cổng nhìn theo con, thở hắt ra cay đắng ngẫm về số kiếp của mình...
Lụa lẳng lặng nuôi con bà Tầm cũng nhiều lần trốn được Ngạnh lên thăm dâu và cháu. Lụa tiếp bà không ra lạnh nhạt, không ra vồn vã. Cũng chào hỏi, thưa gửi mẹ chồng lễ phép, chu đáo như mọi khi nhưng đã có gì xa xa. Bà Tầm biết lỗi của mình và con trai khi bế đứa cháu nội trên tay. Nó giống bố như tạc, nhất là cái trán dô và đôi mắt hơi xếch. Nó thừa hưởng được từ mẹ cái nước da trắng và cặp môi nhỏ. Bà lựa lời khuyên nhủ dâu con. Lụa chỉ cười:
- Bà yên tâm. Con đủ tiền, đủ sức nuôi cháu.
- Câu nói của Lụa như gáo nước lạnh dội vào lòng bà. Nhất là mỗi lần lên mang cho cháu dăm cân gạo quê, đôi chục trứng, Lụa nhất mực không nhận và bắt bà phải mang về. Bà đâu có chịu. Bà rủa thân rủa phận mình vè mát mẻ nói với con dâu:
- Bố nó hư chứ tôi không hư. Chị có cho tôi đi lại với cháu tôi thì chị phải nhận. Nhược bằng nếu chị cứ khăng khăng chối là chị cắt đường ruột thịt của bà cháu tôi đấy.
Bà Tầm nói dỗi. Lời nặng như chì mà vẫn hàm chứa một sự yêu thương hết lòng với mẹ con Lụa. Cuối cùng Lụa đành phải nói:
- Bà cho thì con xin. Mịn chắp tay ạ bà đi con. Bà cho gạo quê đê nấu cháo cho Mịn ăn đấy.
Lụa đổ túi gạo mới vào cái hòm gỗ. Bà Tầm thấy vui vui. Nhưng đến lúc Lụa cầm cái túi của bà ra rồi xếp vào đấy những quả trứng gà bà cho đang bầy ở đĩa thì bà Tầm giãy lên:
- Chị không được làm thế. Chị coi tôi là khách đến thăm hay sao mà của nhận, của không?
Lụa cũng có cách nói của mình:
- Bà xem, mẹ con cháu nuôi những bốn ổ mái đẻ. Bà cứ coi như đây là của mẹ con cháu biếu bà.
- Không...
Bà Tầm vuỗi vuỗi tay rồi tất tả ra về. Lần nào cũng vậy, khi ra khỏi cổng khu nhà tập thề là bà khóc. Bước thấp bước cao trên con đường cái quan về làng mà bà Tầm cảm thấy mình như người vừa đi chợ huyện về bi mất cắp. Con đấy, cháu đấy mà sao mình như bị ai lấy đi, ai giằng giật mất. Máu mủ ruột thịt của mình hẳn hoi mà bỗng như người dưng nước lã. Bà đâu muốn thế. Suốt ngày bà chỉ tâm niệm sớm được bể cháu trên tay. Vậy mà... chỉ một cơn điên khùng, hoảng loạn của con trai, bà mất hết. Chính Ngạnh đã tước mất của bà nguồn tình cảm hiếm hoi ấy. Lụa không nói thành lời, không tỏ ra bằng thái độ, nhưng cứ xem cung cách cư xử của dâu con với mình, bà biết là nó đang muốn xa mình, đang muốn tách mình ra khỏi cái hòn ngọc quý báu ấy. Mịn ơi, cháu có hiểu cho lòng bà. Bà muốn đến với cháu thì bị bố mày ngày đêm cấm đoán. Khi đến được với cháu rồi thì mẹ mày lại ngại ngần, xa cách. Bà biết lỗi ấy không phải do mẹ cháu gây ra, mà sao... Mịn ơi... Mẹ cháu cứ cư xử với bà như thế này thì làm sao bà đến được với cháu. Hóa ra, tu nhân tích đức một đời để bây giờ có cháu mà lại hóa tay khôn. Nhưng, Mịn-ơi... máu chảy đến đâu, ruồi bâu đến đấy. Bà còn sống ngày nào bà còn tìm đến cháu ngày ấy.
- Mày cấm tao bao nhiêu tao càng quyến nó bấy nhiêu. Nó là máu mủ ruột mềm nhà tao chứ đâu phải của con nhà vô phúc mà tao phải lánh xa, ghẻ lạnh.
Bà Tầm đã nhiều lần nói với Ngạnh câu ấy. Ngạnh biết cái tính sắt đá của mẹ nên lâu dần cũng không gay gắt cấm đoán bà lên thăm Lụa nữa. Ngạnh coi như đó là chuyện vơ vào của bà già lâm cẩm. Riêng Ngạnh thì chứng nào vẫn tật ấy. Suốt từ hôm Lụa đau đẻ cho đến hết ngày bé Mịn cai sữa, Ngạnh không thèm bén mảng đến bệnh xá.
Sau ngày Mịn thôi bú sữa mẹ, vào một trưa vắng ngày chủ nhật, Lụa đang ru con ngủ thì Ngạnh len lẻn bước vào phòng. Ngạnh chìa ra trước mặt Lụa một tờ giấy đã viết sẵn:
- Cô ký đi!
Lụa cầm tờ giấy từ tay Ngạnh rồi lẳng lặng đặt xuống mặt chiếu cạnh chỗ bé Mịn đang ngủ. Cô ngước nhìn chồng với nét mặt bình thản:
- Anh ngồi xuống đãy đã nào!
Ngạnh ngoảnh mặt đi, sẵng giọng:
- Tôi không có thời gian.
Nói vậy nhưng Ngạnh vẫn kéo chiếc ghế đầu ra giữa phòng ngồi đối mặt với Lụa. Đối mặt nhưng không đối mắt. Mắt Ngạnh nhìn xuống đôi bàn chân mình. Ngạnh không muốn nhìn Lụa. Lâu nay Ngạnh đã ghê tởm khuôn mặt ấy. Khuôn mặt cứ hơn hớn ra cười nói mà đầy những nham hiểm, lọc lừa. Chỉ có cả tin như Ngạnh, u mê như Ngạnh mới đến nông nỗi này. Giờ thì Ngạnh đã quyết. Suốt đêm qua Ngạnh hí hoáy ngồi viết. Mới đầu Ngạnh đề là "đơn ly dị" rồi lại gạch đi, lấy tờ giấy khác viết lại là "Đơn bỏ vợ". Ngạnh viết một thôi một hồi, hết lý do nọ đến lý do kia. Chữ to như cua bò. Cuối trang là loằng ngoằng ký một chữ Ngạnh như một đoạn lò xo gãy. Thế là xong đơn cắt đứt...
Lụa vẫn lặng như không. Tờ đơn bỏ vợ của Ngạnh vẫn nằm chỏng chơ trên mặt chiếu. Lụa rót nước mát đưa cho chồng:
- Anh uống nước đi!
Ngạnh gạt tay cầm chén của Lụa. Cả chén nước đầy đổ hắt vào quần áo Lụa cùng với lời nói cộc cằn của Ngạnh:
- Cô có ký không thì cô bảo?
Lụa lấy khăn tay thấm thấm những chỗ quần áo bị ướt rồi nhẹ nhàng nói:
- Anh bảo em ký cái gì?
Giọng Lụa tỉnh như không. Cái tờ giấy mà Ngạnh vừa đưa cô không thèm đọc lại còn khinh khỉnh vứt nó ra góc giường. Như vậy là cô ta coi thường mình, rẻ rúng mình. Thế này thì quá lắm. Ngạnh chồm người vươn tay cầm lại tờ giấy rồi giơ ra trước mặt Lụa:
- Cô có nhìn thấy tờ giấy gì không ?
Lụa cúi mặt xuống không nhìn. Cô lấy chiếc khăn tay thấm thấm mồ hôi trán cho Mịn rồi phe phẩy quạt cho con. Điên tiết, Ngạnh giậm chân rồi gắt lên:
- Cô Lụa?
Lụa ngước mắt nhìn Ngạnh. Trong mắt Lụa đã loang loáng nước:
- Anh bảo gì em?
- Đừng giả vờ giả vịt nữa. Ký đi!
- Cô khốn nạn nó vừa vừa chứ. Định bắt tôi nuôi đĩ cả đời hay sao mà không ký?
Đôi mày Lụa lúc này mới hơi động đậy. Cồ lắc đầu nhìn Ngạnh. Nước mắt đã giàn ra ướt cả hai gò má, Lụa cầm tờ giấy từ tay Ngạnh, cô không đọc mà bất ngờ bóp chặt nó trong lòng tay mình rồi cứ thế chậm chạm, đôi bàn tay nhỏ bé của Lụa chà đi chà lại tờ giấy cho đến lúc nó nát nhàu:
- Khi yêu anh, khi quyết định lấy anh, em không bao giờ nghĩ có chuyện này xảy ra!
- Nhưng, tại tôi hay tại cô?
- Em không có một tý lỗi nào trong những ngày yêu anh rồi sống với anh.
- Cô nói thì hay ho lắm. Ăn vụng sờ sờ ra đấy mà cứ định chùi mép. Giấu ai chứ không giấu được thằng này đâu!
Lụa hơi nhếch miệng. Tính tình Ngạnh trong những ngày sống bên nhau cô đều hiểu. Cái gì cũng ra vẻ biết nhưng nào có biết được sâu sa gì. Cả tin lại cả ngờ. Người như thế thì làm sao có thể gọi là người sâu sắc.
- Em cũng không hiểu vì duyên cớ gì mà anh lại bỏ mẹ con em anh đi. Em ngậm miệng, cắn răng đợi lúc anh quay về để hỏi cho ra chuyện. Nào ngờ hôm nay anh về với con, với em thì lại bằng cái tờ giấy này đây.
Lụa vứt tờ giấy bị vo tròn vào góc nhà rồi quay lại nhìn trừng trừng vào Ngạnh.
- Anh hãy nhìn thẳng vào em xem em có đến nỗi khốn nạn như anh nghĩ không. Đứa nào nó ác mồm xúi bẩy anh về dằn hắt mẹ con em. Vợ con mình bẵng thật không tin, lại đi tin người ngoài thì em và con biết sống với ai.
Ngạnh khỉnh bỉ cười mũi rồi gằn giọng:
- Con cô chứ nào phải con tôi mà sống với chả chết. Gọi cái thằng nào đi "hủ hóa ra nó" về mà sống với nhau.
Ức quá, Lụa bật khóc thành tiếng:
- Anh không được đổ tiếng nhơ nhuốc ấy cho em, cho con. Đứa nào nó xúi anh về dựng đứng chuyện ấy? Đứa nào? Anh nói đi, đứa nào?
- Hừ... Thằng này cần gì phải nghe đứa nào. Cái đứa chưa lấy chồng được tám tháng đã bĩnh ra con ấy chứ đứa nào.
Lụa bế bé mịn trên tay. Cố giơ đứa bé ra trước mặt Ngạnh:
- Anh nhìn xem. Nhìn cho kỹ rồi hãy nói. Nó là con ai? Anh thử hỏi mẹ xem, nó là con ai?
Ngạnh vẫn không thèm nhìn đứa trẻ. Lụa càng lấn tới thì Ngạnh càng lùi. Ra tới cửa, Ngạnh sững lại, Lụa cũng không ôm con lấn tới nữa. Mắt họ nhìn nhau. Đôi mắt lụa vẫn thẳm đen, hiền lành không một thoáng bối rối, van xin. Đôi mắt nhìn thẳng không khiêu khích nhưng là sự thách thức về lòng ngay thật và tình cảm trong sáng của mình. Ngạnh không thấy ra điều ấy mà cảm như đó là sự trâng tráo, lỳ lợm của một loại con gái hư hỏng nhưng giàu kinh nghiệm mồi chài tình ái. Chính vì lẽ này mà Ngạnh càng cảm thấy khinh bỉ và căm ghét Lụa!
"Nó xinh đẹp như tiên, trót mang tiếng là loại ruồi nên nó mới vơ quàng lấy loại xấu tựa quỷ xứ như mày. Không tin thử lên thị xã mà tìm lại lai lịch oanh liệt của nó thời đi học. Nó không thế nó sẽ làm bà nọ, bà kia chứ không phải làm vợ mày!" - Trong lúc này đầu óc Ngạnh nhói lên câu nói đó. "Trên đời không đau gì hơn bằng cái đau của thằng đàn ông bị vợ phản bội, xỏ mũi..." - Lại câu này nữa! Ngạnh run hết cả người vì uất ức. Giá nó không bế con bé thì sẽ ăn một quả tống vào mặt. Ngạnh choãi chân, giơ ngón tay trỏ vào mặt Lụa:
Tôi nói cho cô biết, không ký không xong với tôi đâu. Cả cái tên trong giấy khai sinh của con bé nữa ai cho phép cô ghi vào. Thằng bố nó ở trên thị xã kia kìa..
Câu nói của Ngạnh thoáng gợn lên trong mắt Lụa một điều gì nhưng cô đã bình thản được ngay:
- Đổ oan cho người khác, anh không sợ mắc tội hay sao? Còn nếu như vì chán em, chán con mà sinh ra chuyện ấy thì anh cứ đi. Bao giờ anh cảm thấy biết thương, biết nhớ vợ con thì anh về. Còn cái tờ giấy kia thì không bao giờ em đặt bút ký cả. Lấy anh, em không nghĩ đến chuyện bỏ anh. Còn anh muốn bỏ mẹ con em, anh cứ bỏ. Mịn là con anh, con em. Dù có phải cắt lưỡi, chặt chân, chặt tay em vẫn nói thế. Còn việc anh nghi ngờ nó sinh sớm, sinh muộn là cái chuyện không có gì lạ đối với người chửa con so. Không tin, anh hỏi mẹ, hỏi các chị trong bệnh xá anh sẽ rõ... Em nghĩ đó là chuyện đơn giản, Anh có chịu hỏi đâu mà anh biết.
- Thôi...
Ngạnh gầm lên Bé Mịn giật mình khóc thét. Lụa nhíu mày nhìn chồng rồi ôm chặt con vào lòng rung rung. Người Ngạnh lúc này như phình to ra, choán gần hết khung cửa ra vào. Hỏi gì cái bà già lẩm cẩm ở nhà, nghe gì mấy con mẹ ở bệnh xá lúc nào cũng bênh nó chằm chặp. Đến mức áy mà vẫn còn chối quanh. Chả nhẽ ông lôi những đứa biết chuyện nó đến nói cho mà nghe. Lúc ấy có chui xuống đất cũng không thoát. Ghê gớm thật. Ai đo hết lòng người. Đúng là gan cóc tía. Cứ tưởng bở như đất mà lại câng câng như đá.
- Anh cứ đi. Em không gây phiền hà cho anh đâu. Mẹ con em tự nuôi nhau được. Lúc nào anh cảm thấy không thể thiếu con và em được thì anh về...
- Khốn nạn!
Ngạnh đã giơ thẳng tay tát vào má Lụa sau câu gầm "khốn nạn". Lụa lạng người đi nhưng không ngã. Cô lùi lại phía giường. Lúc này Lụa mới rúc mặt vào con mà rức lên đau đớn. Sự đau đớn này không phải bắt nguồn từ cái tát thô bạo mà bắt nguồn từ sự bất lực của người vợ không còn đủ sức thu phục và quyến rũ chồng. Lụa càng mềm mại, dịu dàng bao nhiêu, Ngạnh càng gai góc hung tợn bấy nhiêu. Sự nín nhịn của Lụa đã được trả giá bằng sự quá quắt của Ngạnh, Nhưng Lụa vẫn cứ nhịn, Lụa tin rằng điều lành sẽ đến với mình. Cho dù lúc này trước mặt mẹ con Lụa là một khung cửa trống hoác. Ngạnh đã mất hút sau cái tát đầy giận hờn lên má vợ...
Ngạnh bỏ đi trong sự cùng quẫn, giận dữ. Anh ta không về với mẹ, không đến công trường mà sà vào quán rượu. Cô chủ quán có tên là Nậm, trạc tuổi Ngạnh, da ngăm ngăm, mặc cái áo may ô trắng, cổ tròn, ngực căng phồng đon đả mời chào anh:
- Anh ơi, rượu em vừa lấy lúc sáng đấy. Gạo trăm phần trăm. Cứ gọi là cắm tăm. Anh nếm một chén nhé. Em không lấy tiền đâu mà sợ.
Nậm rót một chén rượu đầy đưa cho Ngạnh. Ngạnh đưa chén rượu lên môi tợp một hớp hết non nửa rồi hà to một tiếng và lại tiếp tục tợp hớp nữa cạn hết. Nậm nheo nheo con mắt lá lúa dài, mảnh, sắc nhìn như cứa vào mặt Ngạnh, ngọt ngào:
- Anh ơi... anh uống chén nữa nhé. Uống đi cho em có lộc.
Nậm lại rót tiếp một chén rượu đầy nữa cho Ngạnh. Đôi mắt lá lúa của cô vẫn liếc ngang liếc dọc gương mặt Ngạnh. Nậm có ý của mình khi niềm nở mời rượu anh chàng đang sắp bỏ vợ. Ngạnh thì không để ý tới chuyện đó. Men rượu bốc lên đã đưa anh chàng lạc vào mê hồn trận của thói nghi ngờ, đố kỵ. Sự kém cỏi về học thức, sự ích kỷ đến mức ti tiện trong tình cảm cộng với những cái lưỡi không xương và thiếu sạch sẽ của một số người đời, Ngạnh đã bị hun đốt trong ghen tuông, trong thua được, mất còn của một tâm trạng cuồng tín tới mức luôn luôn cảm thấy mình là kẻ bị lừa dối, thiệt thòi.
Trong đôi mắt lơ mơ của Ngạnh lúc này vẫn là Lụa. Không phải Lụa y tá hoa khôi, Lụa cấp dưỡng cơm dẻo canh ngọt mà là Lụa "va-li-a" rẻ tiền trong vở kịch "Câu chuyện ở IẾC-CÚT" của Liên Xô hồi cô còn là học sinh lớp 5, lớp 6 ở trường cấp hai thị xã.
Một người đã kể cho Ngạnh nghe những oanh liệt của Lụa hồi còn đi học. Họ kề rằng Lụa học dốt nhưng lại xinh gái nên được thầy giáo dạy toán có cảm tình. Tối nào thầy cũng bảo Lụa đến phòng riêng trong khu nhà tập thể để thầy phụ đạo. Còn có chuyện thầy hay mách bài kiềm tra trước để hôm sau Lụa cỏ thể được điểm cao. Gọi là có thể vì cũng có những hôm Lụa làm sai ý thầy hướng dẫn. Học thì dốt đến như thế nhưng cái khoản yêu đương thì khá thành thạo. Chả thế mà chưa học hết lớp 6, Lụa đã phải bỏ học. Còn thầy giáo dạy toán kia thì phải đổi tít lên tận miền núi. Nghe đâu ông thầy giáo nọ còn lén lút đưa Lụa đến nhà một bà lang vườn người dân tộc đề uống thuốc ra thai. Chuyện kín như hầm bí mật nhưng dân ở thị xã khối người biết. Chính vì vậy mà sau ngày đoàn kịch ở Hà Nội lên diễn vở "Câu chuyện ở Iếc-cút", người ta đa gọi Lụa là "va-li-a rẻ tiền". Lụa có tên này là vì ngoài ông thầy dạy toán, Lụa còn chài thêm cà thầy giáo dạy văn, dạy thể dục nữa. Các thầy này thường cho Lụa điểm khá thì làm gì mà chả được nó cho "tráng men", có khi còn được "đúc cốt" nữa. Quả tình người ta có kể ra thì Ngạnh mới biết. Đúng là Ngạnh đã yêu vội, lấy vội. Ngạnh có ngờ đâu những ngày ở thị xã mà Lụa lại hư đốn đến thế. Đâu phải vì học dốt bố mẹ mới phải xin cho đi học y tá. Chắc vì muốn bịt miệng thiên hạ, muốn che mắt thế gian nên phải vội cho đi học nghề rồi đẩy đi làm thật xa cho đỡ tai tiếng chứ gì. Thảo nào mà các cụ ấy cứ nắc nỏm lo rằng em nó hiền lắm, nó tốt nết lắm. Thì ra bố mẹ Lụa cũng đã cho Ngạnh ăn quả lừa. Bố mẹ mà còn giấu giếm cho con, hèn gì mà nó không "Ngựa quen đường cũ" hư đốn thêm.
Lại những ngày về bệnh xá công tác nữa. Nay ông bác sĩ nà, mai anh y sĩ nọ. Lúc bẹo má, lúc vỗ lưng. Có khi kéo cái màn trắng ở với nhau bên trong phòng khám đến hàng tiếng. Những tối trực thì mới kinh. Bệnh nhân thì đau yếu lấy hơi sức đâu mà để ý. Phòng trực thì một y tá, một bác sĩ. Một đàn ông, một đàn bà. Mỡ để ngay miệng mèo. Chao ôi, sao mà không ăn sống nuốt tươi ngay được. Khối người đã trông rõ mười mươi mà nào họ có thèm nói. Bệnh xá đang phấn đấu thành điển hình nên người ta phải xí xóa đi cho trọn vẹn. Chà chà, đúng là nhờ gió bẻ măng. Nhóa nhòa thế lại càng có cớ cho đứa ăn trộm không sợ bị đòn.
_ Hà hà...
Ngạnh chép miệng bực bõ ngẫm. Chén rượu thứ hai mà Nậm rót ra Ngạnh đã tợp cạn. Không đợi Ngạnh lên tiếng, Nậm đã vội vàng nhấc cái chai nửa lít lên. Một mảng da thịt trắng mập, mát và thoang thoảng mùi nước hoa "con đầm xòe" của cánh tay Nậm khẽ ốp vào má Ngạnh khi cô vươn người ra rót rượu. Ngạnh còn nhìn thấy cả múi ngực của Nậm phồng căng lên nơi cổ áo dệt kim tròn để hở. Mắt Ngạnh thấy gai gai...
- Anh ơi... Uống rượu không thì xót ruột lắm. Anh nhắm với mấy cái kẹo lạc này cho ngọt.
Vừa nói, Nậm vừa bày ra chiếc đĩa con dăm thanh kẹo lạc. Đôi mắt lá lúa của Nậm giờ nheo lại ánh nhọn như lưỡi cưa.. .
Ngạnh hình như không quan tâm tới sự săn đón, mời mọc ấy của Nậm. Đũa mốc nhưng Ngạnh vẫn muốn chòi mâm son. Tuy xấu trai nhưng Ngạnh vẫn thích con gái đẹp. Chính vì vậy - Ngạnh nuốt nước miếng giận thân - mà anh chàng háo sắc đã bị con phù thủy cho vào tròng. Càng nghĩ Ngạnh càng thấy Lụa là đứa đàn bà ghê gớm và đáng kinh tởm. Ngạnh không tiếc một lời bẩn thỉu nào mà không gán cho Lụa.
Băm vằm Lụa, mổ xẻ Lụa, phỉ nhổ Lụa trong suy nghĩ của mình nhưng chưa đủ hả cơn điên, cơn giận, giờ đến lượt thiên hạ bị Ngạnh lôi lên giàn hỏa. Đúng là không có những cái lỗ mồm ấy của thiên hạ thì Ngạnh không biết một tý gì về các nét xấu của Lụa. Nhưng cũng ác thay, thâm hiểm thay cái lũ người rỗi hơi ấy đã không thèm cho Ngạnh biết chuyện từ lúc trước. Giờ nó chềnh ềnh ra thế, thối tha ra thế. họ mới mở miệng. Mà nào có dám hỏi hết. Ngạnh muốn đào tận gốc, trốc tận rễ; muốn vạch mặt chỉ tên thằng nọ, thằng kia cho Lụa ớ ra thì họ lại mập mập, mờ mờ. Ai cũng ra vẻ nói cho mà biết, nói cho mà rút kinh nghiệm, còn kể tên tuổi cụ thể làm gì cho sinh ra đôi co, mách lẻo, Tội của Lụa chứa đầy trong bụng Ngạnh mà nó cứ đây đẩy chối vì Ngạnh không hề có vôi để vạch vào mồm kẻ điêu ngoa. Ngạnh đành giận dữ cả hai, hậm hực cả hai mà vẫn không sao thoát ra khỏi mối ngờ vực đầy tràn.
Chao ôi... Sự nghi ngờ ngu muội là một tội ác mà những kẻ thiếu sáng suốt thường đẻ ra nó để làm hại con người và làm hại chính mình - Những kẻ luôn nghĩ rằng mình đi tìm chân lý lại là những kẻ chà đạp lên chân lý một cách thô bạo nhất.
Tình yêu con người là chân lý vĩnh hằng của nhân loại. Chính vì tình yêu ấy mà bà Tầm đã khuyên giải đứa con dứt ruột của mình về sự dịu dàng trong sáng của Lụa. Ngạnh gạt mẹ ra khỏi tình cảm của mình và gọi bà là người lẩm cẩm. Bà phó thư ký công đoàn bệnh viện đã không tiếc lời xa xả như vãi đại liên vào mặt Ngạnh để khẳng định với anh chồng mù quáng về phẩm chất tốt của vợ anh ta, nhưng Ngạnh chỉ cười mỉm và cho qua. Nhiều người nữa cũng gom vào khuyên giải cho Ngạnh hiểu: nghi ngờ vợ là không đúng, đổ lỗi cho vợ là có tội với con nhưng Ngạnh lại cho đấy là chuyện tầm phào của mấy người ăn phải bả của Lụa, để đẩy anh ta lún sâu vào vũng bùn. Ngạnh không muốn nghe bất cứ lời hay lời đẹp nào về Lụa. Và cho đến tận lúc này, Ngạnh chưa hề dừng lâu đến năm tích tắc để ngắm nhìn bé Mịn - nguyên nhân sự bung phá không hề có nghĩ lại của anh ta - mà ngay như đến bà Tầm cũng nói là bé Mịn giống bố như tạc. Ngạnh muốn dứt hẳn nó ra khỏi mình mà không dứt được. Tờ đơn của Ngạnh xin bỏ vợ đã bị Lụa vò nát. Ngạnh bất lực ra đi trước sự lì lợm của Lụa...
Trời đã ngả chiều rồi mà Ngạnh vẫn ngồi như mọt rỗ trong quán rượu cửa Nậm. Mặt Ngạnh, đỏ đọc như mặt trời phía tây.
- Anh ơi...!
Nậm vẫn một giọng ngọt như mía. Ngạnh không say, đúng hơn là chưa say nên cảm nhận được cái giọng mơn trớn ấy của Nậm. Chả có nghĩa lý gì khi trong lòng Ngạnh đang ứ thừa sự chán chường.
Ngạnh nhìn đôi mắt như cười của Nậm, nhưng không thể chia vui được với cô gái chưa chồng này nên bực dọc hỏi lại sau tiếng gọi "anh ơi" một lần nữa của Nậm:
- Cái gì? Tiền hả?
Nậm nhíu mày, đôi môi cô dài ra, cả bầu má ngăm ngăm như trĩu xuống:
- Anh say đấy à?
- Tôi mà say? - Ngạnh cười khẩy.
Đôi mắt Nậm không áy lên mà thẫm lại:
- Sao anh lại nói chuyện tiền với em!
- Hừ... uống thì phải trả. Cô có múc được từ dưới giếng đâu mà xin.
- Anh buồn cười...
Nậm lại cầm chai rót thêm rượu vào chén cho Ngạnh. Lần này Ngạnh thấy những sợi tóc óng như mây của Nậm phơ phất nơi mũi mình. Mùi bồ kết, mùi nước hoa, mùi da thịt con gái ngầy ngậy... Thoảng thốt trong ngực chốc lát, Ngạnh lại thấy khó chịu. Ngạnh ngả hẳn người dựa vào chiếc cột lều để tránh cái mái tóc như mây chuốt của Nậm đang muốn là sát lại. Phải công nhận cái mái tóc óng ả và cái thân hình thon, đãy như cầu thủ thể thao của Nậm là đáng giá. Nhưng... mẹ kiếp, đến như tơ lụa mà vẫn bị lừa huống chi cái loại ngồi quán này. Ngạnh chỉ ước ao bây giờ có ai vào quán ngồi ăn một thứ gì đấy, uống rượu càng tốt, để mình đỡ phải đối diện một cách không thích thú với Nậm.
- Mấy giờ cô dọn quán...?
Nậm khúc khích:
- Em mấy giờ đóng cửa mà chẳng được.
- Cũng phải có giờ có giấc chứ!
Nậm buồn buồn:
- Mở quán còn có người ngồi. Đóng quán lúc nào là thui thủi lúc ấy.
Ngạnh nhếch miệng:
- Cô mà cũng buồn...
Rồi tự nhiên như người quá chén, Ngạnh bỗng ê a:
Còn trời còn nước còn non...
- Anh chỉ được cái lỗ mồm.
Ngạnh đứng lên, cho tay vào túi quần lấy tiền rồi quăng lên mặt bàn hàng :
- Cứ cầm cả. Còn thừa thì hôm nào tôi uống nốt.
- Kìa anh...
Nậm cầm gói tiền đút lại vào túi Ngạnh. Ngạnh không chịu. Nắm tiền lại được vứt xuống mặt bàn hàng:
- CÔ không cầm là tôi "cạch".
Nậm để yên đống tiền:
- Anh cho thì em xin.
- Xin xỏ mẹ gì. Khách khí!
Ngạnh dắt xe. Nậm chạy ra giữ vội tay lái:
- Anh đang ngà ngà thế này, trời lại gió to nữa, đừng đi vội.
- Trời đánh cũng không chết loại thằng như tôi. Thôi tôi về để cô còn đóng cửa.
- Anh Ngạnh này...
Nậm gọi nhưng Ngạnh không quay lại. Ngạnh nhảy phốc lên xe. Chiếc xe chòi chòi như gà què nhảy trên con đường đá gồ ghề ít được sửa. Nậm nhìn theo rồi hậm hực quay vào quán. Cô hất mạnh chén rượu Ngạnh uống dở ra phía xa rồi ngồi thần ra như người bị ai lấy mất hồn.
Nậm là con gái lớn một gia đình làm ruộng trong làng. Bố mẹ thì lam làm với cái cày, cái cuốc, Nậm lại có khiếu buôn chợ nọ bán chợ kia Mấy năm buôn bán Nậm đã có hoa tai, vòng tàu. Muốn kiếm được thì phải lén lút buôn lậu. Mà đã đem thân vào cảnh buôn lậu, có tiền có của đấy nhưng cũng kéo theo bao nỗi phiền hà. Sẵn có tiền, gia đình có bố là thương binh chống Pháp thuộc diện ưu tiên nên Nậm đã bàn với bố xin mở quán nước ở ngoài đường cái quan. Đường cái quan cách làng hơn cây số nhưng tiện đi lại. Ông bố ủng hộ ý kiến của con. Thâm tâm ông muốn có chỗ cho con ngồi hàng may ra kiếm được tấm chồng tử tế. Còn nay buôn chỗ nọ, mai buôn chỗ kia là dễ hư người. Đẻ được đứa con không may nó có khuyết tật nào là bố mẹ lo ngay ngáy về chuyện gia đình hạnh phúc sau này của chúng nó. Nậm trói không may đen đủi, giờ đã hai bốn hai lăm, thuyền chưa tìm được chỗ cắm sào, bố mẹ nào không lo. Về chuyện này thì Nậm lo gấp đôi, gấp ba bố mẹ. Có lẽ trong trăm ngàn cái khổ, cái khổ nhất với con gái là sự vô duyên...
Nậm quen Ngạnh, biết Ngạnh qua vài lần anh vào quán uống nước, uống rượu. Nậm thấy như có cái gì đó quý anh, muốn gần anh. Sau biết anh có vợ, Nậm buồn. Giờ nghe tin vợ chồng anh lục đục bỏ nhau. Nậm lại hy vọng. Nậm nghĩ ngợi rồi vận dụng hết khả năng của mình để quyến rũ Ngạnh. Bữa rượu hôm nay là bữa mà Nậm thi thố khả năng quyến rũ con trai của mình. Ngạnh dửng dưng như không hề để ý đến chuyện đó. Không được một lời cám ơn mà lại cục cằn bỏ đi. Người đâu như gỗ như đá... Nậm đã ví Ngạnh như thế rồi dằn hắt cả chén rượu Ngạnh uống dở. Nậm giận oan chén rượu rồi giận oan luôn cả Ngạnh. Anh ấy đang như người trong than, trong lửa ấy mà mình không biết an ủi, động viên. Ôi, giá lúc này có anh ở đây, Nậm sẽ tìm cách mà tạ lỗi với anh, Nậm sẽ an ủi anh...
Sâm sẩm tối, Nậm đang dọn hàng thì Ngạnh đạp xe quay lại. Nậm mừng quá luống cuống cả chân tay. Nậm chỉ biết nhìn Ngạnh mà không biết nói câu nào cho phải lẽ.
- Có chai không, không?
- Có. Chai không thì em thiếu gì.
Nậm bỗng ngượng vì câu nói quá vụng về của mình. Ngạnh như chả đề ý đến chuyện đó, chỉ hất hàm như ra lệnh:
- Cho nửa chai nữa. Buồn quá, mang về uống khan với bà già lẩm cẩm ở nhà cho khuây.
Nậm nhanh nhẹn rót rượu từ hũ ra chai. Khi đưa chai cho Ngạnh, Nậm dìu dịu nói:
- Buồn gì thì buồn nhưng uống ít thôi. Nhỡ không may cảm cái thì khổ.
Ngạnh nắm cổ tay Nậm, cười, văng luôn:
- "Mẹ gì!..." Yên trí!
Nậm cảm nhận cái nắm tay đấy như là sự tỏ tình của Ngạnh.
Còn Ngạnh, sau cái nắm vào cổ tay Nậm rất chặt đến mức cô nhăn mặt, anh ta buông ra, vồ lấy chai rượu đút vào túi quần:
- Nợ nhé...!
Ngạnh đưa tay vuốt tóc Nậm rồi vội vã "phốc" lên xe, cắm mặt đạp.
Nậm nhìn theo. Người cô ngột ngạt như khí trời trước cơn mưa. Cái sức vóc ngồn ngộn của tuổi con gái nhiều khát khao nhưng cũng không ít nén chịu, giỏi giang trong chiều chuộng mà đành phải ngơ ngẩn trước sự vô tình của anh chán đời. Nậm tủi thân cho mình. Nỗi niềm ấy càng muốn dập đi, nén xuống thì nó lại càng bùng lên, quẫy cựa...
Nậm đã dội lên người hết cả một vại nước đầy. Ba gánh chứ ít đâu. Cái lành lạnh dịu dàng của nước giếng đồng ào lên da thịt Nậm sao nó nhớp nháp, tanh tưởi. Nậm có cảm giác mình đang ngụp lặn trong mảnh ao tù có nhiều bèo ngứa. Cô cào cấu, dày vò da thịt mình, những mong nó nguôi ngoai sự thèm muốn đến héo gan héo ruột mà người con gái lỡ thì vốn có. Con gái vốn là hoa là nụ. Cô chỉ là cỏ, là rác. Nậm không có cái duyên trời phú để được quyền quyến rũ. Cô chỉ có cái đau của sự khát thèm mà không được đáp ứng. Nhiều gã đàn ông đã chờn vờn quanh cô rồi lại biến ngay như gió thoảng. Họ di nhanh đến mức trong cô chưa kịp gợn lên một chút gì đó rung cảm của con cái trước con đực. Đất đá còn có lúc xanh màu cây, màu cỏ. Còn cô, một nét rêu nhạt cũng không. Cứ khô héo dần, cục cằn dần. Đúng lúc ấy thì Ngạnh sà vào quán cô. Một chén rượu nhạt... Một tiếng thở dài. Ngày một, ngày hai. Quán rượu cô Nậm đã thành chỗ ghé chân của Ngạnh những lúc hết giờ làm, những chiều buồn. Ngạnh lúc nào cũng như người bực bõ, hậm hực. Anh ta ngồi cắm mặt vào chén rượu và miệng câm như hến. Nhưng rồi hến cũng phải mở miệng trước cô chủ quán xấu gái nhưng ngọt ngào, khéo gợi chuyện. Không khảo mà xưng, dần dần Ngạnh dốc tuột hết bầu tâm sự của mình cho Nậm nghe. Tai Nậm nghe, mồm Nậm xuýt xoa. Có lúc Nậm chớp chớp mắt cố tình cho Ngạnh thấy được hàng mi mình đang ướt nước. Trước đây Ngạnh gọi vợ mình là tiên nữ giáng trần. Giờ, trước Nậm, Ngạnh gọi vợ mình là con quỷ cái. Anh ấy căm ghét vợ không để đâu cho hết. Lòng ích kỷ và sự thèm muốn đã vẽ ra trong đầu óc Nậm bao nhiêu mánh lới để tìm cách lách vào. Vậy mà... anh Ngạnh ơi, chỉ một câu "nợ nhé!..." rồi anh bỏ em mà đi. Đêm nay anh lại vùi mặt vào rượu để rồi quăng quật thân xác mình với bao nỗi chán chường. Còn em đang muốn giơ vai ra gánh đỡ mà sao anh vẫn hững hờ...
Nậm thẫn thờ trước vại nước đã cạn. Da thịt cô sau những gáo nước ấy như vãi xuống giờ đã se se. Nậm thấy người mình nổi gai. Cô rũ ra, phờ phạc như tên bù nhìn đứng trông dưa trên ruộng vắng...
Có tiếng gì loẹt xoẹt trên mái quán. Nậm vơ vội chiếc áo cánh đang mắc ở dây phơi khoác lên người và hồi hộp... Biết đâu anh ấy chả quay lại!
- Nậm ơi...!
Tiếng ai như tiếng anh ấy gọi? Nậm mặc vội quần áo chạy vào. Tấm liếp cửa che trước quán phập phồng như người thở.
- Ai đấy?
Nậm run run hỏi bâng quơ!
- ...
- Thôi đừng đùa nữa. Đừng có cái kiểu câm miệng hến mà nát ma em nữa. Nào, vào đi. Em mở cửa cho anh đây. Nậm xoay xoay cái gióng tre níu ngang. Tấm liếp hé ra...
Con đường đá trắng nhởn trong đêm. Những bóng cây xà cừ lù lù như chiếc mả ông Đống. Gió thổi những chiếc lá xà cừ khô kêu loẹt quẹt như người quét trên mặt đá răm...
Nậm lang thang đi ra đường. Cô nhìn ngó khắp xung quanh. Chỉ nghe tiếng cá đớp mồi ở mấy ruộng nước ngập gần đấy. Tiếng cá đớp mồi mà như đang dứt da, dứt thịt Nậm ra từng mảnh nhỏ. Còn những gốc cây xà cừ kia cứ lù lù như những gã đàn ông không hồn. Cô đứng bên một gốc cây rồi chằm chẵm nhìn nó. Cô nắm tay đấm vào cái lớp da sần của cây. Cây vẫn bất động. Một cái gì đó thật khó tả, cứ ngân lên rồi buốt nhói trong tận thăm thẳm cõi lòng Nậm. Bất ngờ, cô dang rộng cánh tay, ôm ghì thân cây vào người và tức tưởi khóc...