Chương 11Tiền tài và danh vọng
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà tất cả đang bị mê hoặc bởi tiền tài và danh vọng. Tôi không phủ nhận rằng tôi sở hữu một khối tài sản không nhỏ và có chút danh tiếng. Tuy nhiên, những tiền tài và danh vọng đó chưa bao giờ là mục đích của tôi, chúng đơn giản là kết quả của quá trình lao động miệt mài cũng như quyết tâm liên tục tạo ra cho mình những cơ hội mới để kinh doanh và làm việc.
Tôi thật sự không biết mình đã trở thành triệu phú vào lúc nào. Jay và tôi đầu tư hầu hết số tiền kiếm được vào việc kinh doanh (đặc biệt là vào những năm đầu tiên) và tự trả cho mình một mức lợi nhuận căn bản. Nhưng rồi sẽ có một ngày, bạn thức giấc và nói: “Chà, công ty này cũng đáng tiền đấy chứ!”. Cảm giác đó rất khác với việc bạn có nhiều tiền của riêng mình. Tôi nhớ có lần hiệu trưởng một trường đại học địa phương tới xin tài trợ. Thế nhưng khi đó, tôi đã đáp:
– Tôi không nghĩ mình có nhiều tiền tới vậy.
– Nhưng ông sở hữu một công ty lớn mà. – Vị hiệu trưởng chỉ ra vấn đề, còn tôi thì giải thích:
– Đúng là chúng tôi sở hữu một công ty lớn. Nhưng hiện tự thân tôi chưa có được số tiền đủ lớn để cho đi. Hẳn sẽ có lúc tôi làm được việc ấy, nhưng như ông thấy đấy, tạm thời chúng tôi vẫn phải dành phần lớn số tiền kiếm được cho việc tái đầu tư.
Chúng tôi không lấy tiền từ công ty để chi xài cho riêng mình. Chuyện đó không khác gì việc tôi nói với các cầu thủ: “Các bạn cứ việc lấy cục tiền này đi chơi đi”, để rồi một ngày họ phải tự hỏi: “Sao tiền đi đâu hết rồi? Chuyện gì đã xảy ra với sự nghiệp của mình?”.
Đối với Jay và tôi, trách nhiệm quan trọng nhất của một công ty luôn là trả lương đúng hạn. Nếu cần phải chỉ ra những vấn đề mà mọi công ty đều gặp phải thì một trong số đó là việc không thể trả tiền lương. Và trách nhiệm phải trả lương đúng hạn cho nhân viên không phải là chuyện nhỏ: Bạn cần có tiền để có thể chi trả cho nhân viên của bạn.
Khi Jay và tôi lái xe qua một ngọn đồi để tới làng Ada và nhìn xuống khu phức hợp Amway, gồm các nhà máy, văn phòng và nhà kho bên dưới, chúng tôi thường nói: “Những thứ ấy có thực sự lớn đến thế không?”. Có lần tôi hỏi Jay:
– Cậu thấy thế nào mỗi khi lái xe qua đồi?
– Tớ thấy vô cùng tuyệt vời, nhưng tớ sẽ không chìm đắm mãi trong khung cảnh tuyệt vời đó. Tớ sẽ nghĩ ra cách để chúng ta khiến nó to lớn hơn và tuyệt vời hơn nữa. – Cậu ấy đáp.
Và chúng tôi luôn thảo luận với nhau về việc làm thế nào để công ty lớn hơn và tốt hơn nữa. Quy mô và giá trị của công ty trong bất cứ giai đoạn nào cũng không quan trọng nếu công ty không thể tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi: Làm thể nào để lớn mạnh hơn nữa? Làm thế nào để chia sẻ ý tưởng về hy vọng và tiềm năng này tới nhiều người hơn nữa? Làm thế nào để truyền nhiệt huyết đến cả thế giới và cho mọi người biết rằng họ đều rất tuyệt vời?
Những điều này là mục tiêu cao nhất của Amway – giúp đỡ mọi người đạt được ước mơ và cải thiện cuộc sống. Niềm tin, hy vọng, sự công nhận và thành tựu: tất cả chỉ có thế. Jay và tôi lớn lên trong thời kỳ Đại Khủng hoảng và cùng nhau trải qua một cuộc chiến tranh lớn. Những kinh nghiệm ấy đã thôi thúc chúng tôi nghĩ về giá trị vật chất và thái độ sống. Ngày nay, rất khó tìm được một người xem việc giúp đỡ người khác là yếu tố làm vững chắc thêm nền tảng đạo đức. Tôi nghĩ rằng nền tảng đạo đức của đất nước mình đã có sự tụt dốc: “Ai cần quan tâm tới cái gã kia chứ? Miễn sao tôi được phần mình là đủ rồi”. Chúng tôi đã tránh được thái độ đó một cách hiệu quả trong việc kinh doanh. Chúng tôi tập trung vào “cái gã kia”. Hãy giúp người khác bằng cách bảo trợ và hướng dẫn họ. Nếu anh ta làm tốt, bạn sẽ không chịu thiệt. Đây là kiểu làm việc gia cố từ phần móng trở lên.
Chính vào những ngày đầu, vì sống cạnh nhau nên Jay và tôi đã mời những nhà phân phối Amway tới nhà chúng tôi. Hai ngôi nhà lúc ấy không phải là biệt thự hay lâu đài gì, và so với rất nhiều những ngôi nhà ngày nay, chúng khá nhỏ và bình dị. Ấy vậy mà chúng tôi rất tự hào về chúng, những mái ấm nho nhỏ dựng trên một mảnh đất đồi đầy cây cối, có thể nhìn ra sông. Việc được mời tới nhà chúng tôi làm một vài nhà phân phối hết sức kinh ngạc, vậy nên câu hỏi liệu nhà chúng tôi nhỏ hay to, với họ không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là chúng tôi là những người sáng lập công ty và chúng tôi mời họ tới nhà. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đến họ chứ không nhằm khoe khoang gia tài.
Chúng tôi chưa từng xem bản thân mình là những người giàu có thượng lưu, lại càng không bao giờ tự giới thiệu mình như vậy. Chúng tôi dùng những chiếc xe hơi bình thường. Cha của Jay bán xe hơi Plymouth và DeSoto, vậy là chúng tôi dùng luôn những xe ấy. Tôi không có chiếc Cadillac nào cho tới tận khi đã có những thành công nhất định trong kinh doanh. Chúng tôi trở thành triệu phú vì chúng tôi luôn quan tâm và giúp những nhà phân phối kiếm được tiền. Chúng tôi luôn tái đầu tư vào công ty, vậy nên suốt một thời gian dài, chúng tôi chỉ nhận được chút ít tiền lời. Như tôi đã nói, chúng tôi rất dè dặt mỗi khi trích một phần tiền từ khoản lợi tức mà lẽ ra phải dành trọn vẹn để tái đầu tư vào công ty.
Nghĩ lại thì tôi phải nói rằng Jay và tôi vô cùng nhạy cảm với những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của chúng tôi với nhân viên và các nhà phân phối độc lập. Hàng ngàn người dựa vào chúng tôi. Tôi không thể tưởng tượng được chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng tôi thất bại. Ngày ấy, đó là một trách nhiệm nặng nề cho hai chàng trai trẻ; đến giờ, khi Jay đã mất còn tôi đã già, tôi vẫn không xem nhẹ trách nhiệm ấy. Thêm nữa, tôi không nghĩ bất kỳ ai trong chúng tôi có thể chịu đựng được việc Amway thất bại vì mọi chuyện không chỉ là công việc kinh doanh đơn thuần. Amway là ý tưởng, niềm tự hào và niềm vui của chúng tôi – công ty là sự xác nhận rõ ràng cho niềm tin rằng những doanh nghiệp hoạt động tự do sẽ thành công. Mỗi khi lập kế hoạch kinh doanh, chúng tôi nghĩ về gia đình, về con cháu, về trường học và về sự tiết kiệm – để dành tiền và dự toán ngân sách cho mọi việc. Chúng tôi luôn dành sẵn một số tiền để ủng hộ nhà thờ và làm việc thiện.
Trong trường hợp của chúng tôi, sự thành công về mặt tài chính là đủ lớn để cho phép chúng tôi mua gần như bất kỳ thứ gì. Vậy thì tại sao tôi không mua? Chà, một căn nhà lớn hơn hay một du thuyền hay một máy bay riêng? Tôi đã tự hỏi mình những câu tương tự, và câu trả lời có thể là một quyết định mua sắm thứ này thứ nọ, hoặc cũng có thể là không mua vì tôi không thấy có lý do gì để làm vậy. Có những khi, một chiếc máy bay hay thuyền buồm hay nhà lớn hơn sẽ không làm cho cuộc sống của bạn sung túc hơn. Nhưng trên hành trình sống, sẽ có lúc bạn đến một điểm mà tại đó, bạn buộc phải quyết định xem tại sao mình phải làm việc này hay tại sao không làm. Nếu có tiền dư, chúng ta có thể quyết định làm những việc như ủng hộ công tác từ thiện, đầu tư nhiều hơn, hay tiết kiệm nhiều hơn bởi đấy cũng là những cách hỗ trợ việc kinh doanh và giúp người khác đạt được thành công.
Ngay từ khi các con còn nhỏ, tôi thường xuyên nói chuyện với chúng về vấn đề tiền bạc cũng như về những cám dỗ và những cạm bẫy đi cùng với sự giàu có. Giờ đây, chúng đã là người lớn và chúng tôi vẫn nói chuyện về các chủ đề này. Tất cả các con đều nghiêm túc chấp nhận những trách nhiệm chúng phải gánh vác khi là những công dân giàu có. Nếu lâm vào cảnh khó khăn, các ông bố bà mẹ chẳng có mấy lựa chọn – vậy nên khi bọn trẻ hỏi xin tiền, họ sẽ nói rằng: “Ba không có đủ số đó con ạ” và câu chuyện thế là kết thúc. Nhưng khi có dư dả tiền bạc, bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn và mọi chuyện sẽ không thể dừng lại ở một lời giải thích. Nhưng với chúng tôi, khi bọn trẻ đến hỏi: “Bố mua xe hơi cho con nhé!” Helen và tôi sẽ bàn bạc với nhau, cân nhắc xem liệu chúng tôi có nên giúp chúng mua xe hay không, rồi nếu có thì nên mua xe mới hay xe cũ. Chúng tôi cần tìm kiếm một lời giải thích thỏa đáng vì câu trả lời “Ba mẹ không lo nổi” không thể áp dụng cho trường hợp này.
Làm hư con cái là một việc dễ dàng. Nhưng thẳng thắn mà nói, tôi không nghĩ các con tôi hư hỏng. Mặc dù chúng rất giàu, tôi chưa khi nào phải lo lắng chuyện chúng tiêu tiền không đúng cách. Tôi biết có những đứa trẻ thoải mái tiêu xài sản nghiệp gia đình và phạm sai lầm. Có lẽ những đứa trẻ này, hoặc chúng là những người nhận tiền mà không hiểu số tiền đó được tạo ra như thế nào, hoặc là chúng chưa bao giờ phải động tay lao động, hoặc người lớn chưa bao giờ đặt kỳ vọng vào việc chúng tự lực cánh sinh. Tất cả những đứa con của tôi đều có cơ hội lao động và chúng đều chọn làm việc cho Amway trong một khoảng thời gian nhất định, bất kể là làm ở nhà kho hay văn phòng điều hành. Khi đến với Amway, chúng học được nền tảng thiết yếu của sự lao động và trở thành thành viên trong một bộ phận nào đó. Chúng không bị áp lực trong công việc vì chúng hiểu rằng làm việc là một phần quan trọng của cuộc sống và đã chấp nhận thực tế ấy một cách vui vẻ, thoải mái. Chúng tôi đã mua một nhà nghỉ mùa hè gần công ty để chúng có thể làm việc gần Ada vào mỗi dịp trường cho nghỉ. Buổi sáng, chúng lái xe đi làm như mọi đứa trẻ cố gắng kiếm thêm chút tiền mỗi khi hè tới.
Tôi rất vui khi thấy nguyên tắc làm việc này được các cháu tôi kế thừa rất thành công. Chúng trở thành thành viên của cuộc họp gia đình khi đủ 16 tuổi và qua đó được tiếp xúc với các khía cạnh khác nhau của việc kinh doanh trong gia đình. Mặc dù phải đến năm 25 tuổi, chúng mới được bỏ phiếu trong những cuộc họp này, chúng vẫn có thể tham gia, học hỏi và trình bày ý kiến của mình. Chúng tôi tuân theo các bước được quy định rõ ràng và đối xử với các cháu bằng sự tôn trọng tuyệt đối, dạy chúng về trách nhiệm và giúp chúng hiểu được giá trị của lao động.
Khi thành công, bạn sẽ phải quyết định xem giá trị thật của sự thành công đó là gì và rồi bạn sẽ tiêu tiền ra sao. Lúc mới cưới Helen, cô ấy gợi ý rằng chúng tôi nên trích ra 10% lợi nhuận ngay từ ban đầu và dùng khoản ấy để làm công tác xã hội, chứ không chờ xem “có gì còn lại” không. Chúng tôi đã thực hiện được việc đó, thậm chí là hơn thế nữa. Số tiền ấy được đưa vào một nguồn quỹ, và cho đến nay, nguồn tiền này cho phép chúng tôi tự do thực hiện các kế hoạch từ thiện – xã hội của mình. Vậy nên khi được đề nghị tài trợ cho một tổ chức hay dự án nào, chúng tôi không phải lâm vào cảnh lục tung trong các túi xem có còn tiền để cho không. Nhờ thế, chúng tôi càng sẵn sàng cho đi nhiều hơn.
Tất nhiên, có một câu hỏi chắc chắn sẽ xuất hiện: “Mình có được phép có nhiều tiền như thế này không?”. Tôi cảm thấy Chúa trời đã cho chúng tôi một khoản tiền, trong đó một số là dành để chi tiêu vì niềm vui của bản thân, một số khác để trải nghiệm thế giới của Người, một số nữa để đầu tư mở rộng nền kinh tế và mang đến cơ hội nghề nghiệp cho người khác, và đương nhiên một số không nhỏ là dành cho việc chia sẻ với những người thật sự cần tiền. Không phải chúng tôi tốt đẹp hơn hay có đặc ân được giàu có; số tiền đó được tin tưởng giao cho chúng tôi và vì lẽ đó, chúng tôi phải hết sức có trách nhiệm với nó. Chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm mức chi tiêu cá nhân không lấn sang khoản tiền dùng để chia sẻ. Một khi bạn làm chủ được quá trình xác định ngân sách cho việc giúp đỡ “ngay từ lúc đầu”, bạn có thể dùng những gì còn lại để làm mọi thứ – bao gồm việc mua nhà, máy bay hay du thuyền. Ai đó có thể sẽ nói rằng mấy thứ như thế thật xa xỉ và bạn nên cho đi nhiều hơn nữa – ở đây tôi không phủ nhận ý kiến này. Có điều sự thật là nếu nhìn đời theo cách đó, bạn sẽ mãi mãi đi xe buýt.
Mặt khác, nếu bạn quá yêu tiền, có lẽ bạn không nên được ban cho sự giàu có.
Có lần tôi mua một chiếc trực thăng lớn và sau khi suy nghĩ lại thật kỹ lưỡng, tôi nói: “Tôi không cần cái máy bay này. Nó quá to và quá ồn!”. Khi đó, tôi cảm thấy mình đã đi quá xa khi quyết định mua nó. Tôi cảm thấy tội lỗi vì đã chi quá nhiều tiền cho một thứ tôi không cần và cũng không quá thèm muốn. Vậy là tôi bán nó đi (và điều kỳ lạ là tôi đã kiếm được ít tiền lời từ vụ mua bán đó).
Khi bạn không bị giới hạn về tài chính, bạn phải đưa ra quyết định xem mình sẽ làm hay không làm một việc nào đó trong khi với hầu hết người khác, họ thậm chí còn chẳng cần phải nghĩ đến chuyện cân nhắc cho những việc đó. Trước khi quyết định, hãy xem xét kỹ cái tôi của bạn, hãy cẩn trọng với nỗi khát khao được thể hiện bản thân. Tôi phạm lỗi khi mua chiếc trực thăng và tôi đã sửa chữa sai lầm. Ồ, tôi vẫn dùng máy bay riêng và trực thăng riêng mỗi khi cần – nhưng đó là sau khi tôi hoàn thành trách nhiệm giúp đỡ cộng đồng của mình.
Tương tự việc phải quyết định xem mình nên sử dụng nguồn tài chính cá nhân thế nào, tôi buộc phải nghĩ nhiều hơn về cách cư xử, tôi cũng cần học cách xử lý những tình huống phát sinh từ việc tôi ngày càng trở nên nổi tiếng. Khi Amway, với tư cách là một công ty thực thụ, đạt được những thành công đầu tiên và được chú ý hơn, tôi được các tổ chức khác nhau mời diễn thuyết thường xuyên hơn, và tôi cảm thấy hết sức biết ơn về việc này. Chúng tôi từng bị nhạo báng vào thuở mới khởi nghiệp, chủ yếu là do sự nhập nhằng rằng nên hiểu thế nào về thực phẩm bổ sung. Kế đó là việc bị Ủy ban Thương mại Liên bang FTC (Federal Trade Commission) phản đối và buộc tội bán hàng theo mô hình kim tự tháp cùng nhiều chuyện khác nữa. Kết quả là chúng tôi phải kiên nhẫn, sự chấp nhận chỉ đến với chúng tôi một cách chậm rãi.
Cuối cùng, người ta ngừng hẳn việc gieo rắc những chuyện không tốt và báo chí bắt đầu viết những bài tích cực về việc kinh doanh của chúng tôi đã giúp đời sống của mọi người thay đổi ra sao. Thậm chí, thái độ tiêu cực ban đầu của FTC rồi cũng chuyển sang hướng tích cực hơn và cuối cùng, họ công nhận tính hợp pháp của Amway. Jay và tôi được mời vào ban điều hành của nhiều tổ chức, và các thành viên ở đó tôn trọng và lắng nghe ý kiến của chúng tôi. Những người trong ngành kinh doanh bị mê hoặc với những ý tưởng chúng tôi nghĩ ra.
Tôi từng trình bày bài “Làm giàu từ vật chất” trong một hội thảo của tập đoàn Hóa chất Dow ở thành phố Midland, bang Michigan. Nội dung của bài nói chuyện này có giải thích cách thức mà nhiều người dùng để làm giàu – đó là dùng các nguyên liệu thô(*) để làm ra sản phẩm rồi bán chúng ở những thị trường tự do. Khi đó, tập đoàn đa quốc gia khổng lồ này quan tâm tới ý tưởng về sự tự do trong kinh doanh và họ sử dụng bài nói chuyện của tôi như một công cụ đắc lực để hướng dẫn nhân viên. Thay vì quên đi phần Amway sau bài diễn thuyết, nhiều người ở hội thảo hỏi han về công ty chúng tôi và bắt đầu tìm hiểu về nó. Khi thành công của Amway lan đến những đất nước khác, chúng tôi được biết tới nhiều hơn và thông điệp của chúng tôi về cơ hội to lớn dành cho những người kinh doanh tự do ở những đất nước cởi mở cũng đi xa hơn.
Tôi không rõ liệu việc Amway và tôi (với tư cách một nhà sáng lập công ty) được nhiều người công nhận có làm tôi tự thấy mình khác biệt hay không. Sự thật là Jay và tôi hạnh phúc với những gì chúng tôi làm, chúng tôi mãn nguyện khi nhìn thấy mọi sự tiến triển tốt và ngày càng có nhiều người ủng hộ chúng tôi. Nổi tiếng có nghĩa là chấp nhận rằng có những người thích bạn và có những người không quan tâm chút nào tới bạn. Chúng tôi thấy rằng những người chú ý tới Amway là những người có hứng thú với việc kinh doanh – cụ thể là kinh doanh theo một cách thức hoàn toàn mới. Thành công từ kế hoạch kinh doanh của chúng tôi đã làm nhiều người ngạc nhiên. Không ai nghĩ một công ty được xây dựng từ ý tưởng người giúp người để giúp chính mình lại có thể phát triển tới mức này.
Tôi đã quen với việc chúng tôi xuất hiện thường xuyên trên trang nhất tờ báo địa phương của Grand Rapids. Tôi không biết từ khi nào Jay và tôi trở thành các công dân tiêu biểu, trở thành những nhân vật quan trọng và đóng góp tích cực cho thành phố. Sự công nhận này hẳn xuất phát từ việc hỗ trợ cộng đồng nhiều hơn là từ thành công của việc kinh doanh. Nhiều công trình mới xuất hiện được đặt theo tên Jay và tôi; tên chúng tôi đột nhiên hiện ra ở quá nhiều nơi, đến nỗi khó mà ngó lơ được.
Suốt nhiều năm, trong những chuyến đi đến mọi miền thế giới để nói chuyện với các nhà phân phối, tôi luôn được khán giả hưởng ứng bằng cách đứng dậy và vỗ tay không dứt. Tôi đã được hỏi rằng mình cảm thấy thế nào với phần thưởng đó. Tôi phải nói rằng việc đứng sau cánh gà của một khán phòng chật kín với hàng chục ngàn khán giả, đầu tiên là nghe phần giới thiệu vô cùng hoành tráng, rồi kết thúc trong âm thanh của tràng pháo tay rền vang như sấm quả là một trải nghiệm tuyệt vời cho bất kỳ ai.
Nhưng tôi cố gắng không để mình bị sự cuồng nhiệt đó cuốn đi. Tôi biết rằng mình chỉ là một tội đồ được ơn trên phù hộ (tôi không phải một ngôi sao nhạc rock, mặc dù nhiều người đối xử với tôi như thể tôi thực sự là siêu sao của thể loại nhạc này). Tôi tin rằng phần thưởng trong những giây phút nhiệm màu đó đến từ lòng biết ơn. Trong số các khán giả, có nhiều nhà phân phối đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và gặt hái được thành công với cơ hội mà Amway mang đến.
Lẽ tất nhiên là khi trình bày ở những tổ chức ngoài Amway, tôi có thái độ hơi khác – khi đó, những phản ứng tích cực từ khán giả rất quan trọng và chúng làm tôi phấn khởi. Khi không thấy khán giả đứng dậy vỗ tay, tôi tự hỏi liệu mình có làm gì sai không. Các bài nói chuyện của tôi luôn mang các thông điệp lạc quan và ủng hộ đất nước mình vì tôi hiểu khán giả cần nghe được những điều gì đó tươi sáng hơn về cuộc sống, trong thời buổi mà các chính khách và truyền thông thường có những nhận định khá tiêu cực về thực trạng ở nhiều nơi. Vậy nên nếu bài nói chuyện của mình không tạo được hiệu ứng tốt, tôi phải tự hỏi: “Phản ứng của khán giả không tốt có phải vì thông điệp của mình khác với những điều họ thường nghe không?”. Tôi luôn muốn mang đến những thông tin và thông điệp tích cực và tôi cũng mong nhận lại sự phản ứng nhiệt tình từ công chúng.
Trong khi đó, truyền thống của chúng tôi ở Amway là đứng lên đón mừng một diễn giả như một cách thể hiện sự tôn trọng và lòng cảm kích. Chúng tôi không đơn giản là nói cám ơn rồi vỗ tay lấy lệ. Chúng tôi đứng lên và hò hét chúc mừng, thậm chí là nhảy khỏi ghế. Tất cả mọi người đều xứng đáng được công nhận (có điều không phải lúc nào họ cũng được chúc mừng nồng nhiệt).
Jay và tôi luôn mường tượng cảnh cả hai cùng chung tay làm việc, khiến thế giới trở nên tươi sáng hơn. Có lẽ cuối cùng thì mấy cuốn sách và các bài nói chuyện của tôi cũng có tác động tới mọi người; và nếu thật như vậy, tôi thực sự rất biết ơn. Mục tiêu của chúng tôi là giúp bất kỳ ai muốn thay đổi cuộc đời mình. Thậm chí, nếu chúng tôi không có sản phẩm nào để bán thì cũng sẽ thật tuyệt vời khi được sống trong một cộng đồng mà vào mỗi cuối tuần, mọi người tụ tập để cùng ngồi nghe và nhận được lời khuyên, sự khích lệ về những điều tốt đẹp của cuộc sống, công ty và đất nước. Thái độ sống tích cực như vậy rất đáng được mọi người thực hành mỗi ngày.
Tôi cho rằng khán giả phản ứng nhiệt liệt trước những bài nói chuyện của tôi không chỉ vì những điều tôi đạt được khi xây dựng Amway mà còn vì họ cũng mơ ước sẽ làm được như tôi. Mọi người đều tha thiết muốn được nghe người khác nói về mình, rằng họ ổn, họ làm tốt và họ có khả năng làm tốt hơn. Tôi cố gắng mang lại cho họ sự tự tin đó và cả cơ hội để họ khai mở được những tiềm năng thực sự. Tôi vô cùng hạnh phúc khi có thể nói với mọi người: “Các bạn có thể làm được!”.
Lần đầu tiên thấy tên mình trên báo, hẳn bạn sẽ cắt bài báo ấy ra vì nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ có cơ hội lên báo nữa. Tôi vẫn nhớ lần đầu diễn thuyết bài “Bán hàng kiểu Mỹ” trước những khán giả không thuộc Amway, tôi đã để mắt tìm xem có báo nào đưa tin không. Hóa ra bài nói chuyện của tôi chưa đủ sức hút để có hẳn một bài báo cho riêng mình. Rồi năm tháng cứ trôi qua, thành công của tôi trở nên rõ ràng hơn và báo đài bắt đầu chú ý hơn. Ngày hôm nay, Amway và tôi thường được lên báo, lên hình. Nhìn chung, giới truyền thông yêu thích những gì tôi làm và trình bày, và đương nhiên có đôi khi họ không đồng tình nhưng thế cũng không sao cả. Lúc này, tôi được xem như một người lãnh đạo cộng đồng và khi biết tin có một sự kiện sắp diễn ra, cánh báo chí thường xuất hiện ngay. Tôi thích nghĩ rằng mình được công nhận vì tôi đã luôn nỗ lực để có được thành công, đặc biệt là thành công trong việc tạo dựng ảnh hưởng tích cực lên cuộc sống của người khác.
Rick, đứa cháu trai lớn nhất của tôi, hồi còn học trung học có than với cha mẹ rằng tên tôi xuất hiện quá nhiều trên các tòa nhà và bạn bè cứ trêu ghẹo nó vì việc ấy. Khi đó, tôi nói với cháu rằng: “Rick à, cháu đã được sinh ra trong gia đình này. Chúng ta là một gia đình gồm những người thành công trong công việc, trong cuộc sống và trong việc giúp đỡ người khác. Đó không phải là những thành quả nhỏ bé và chúng xứng đáng được công nhận. Vì vậy, tên chúng ta được các tờ báo nhắc tới và được viết lên các tòa nhà. Thêm vào đó, gia đình ta đều có đóng góp để chi trả một phần chi phí xây dựng các tòa nhà đó, không thì giúp quyên tiền dựng nên chúng. Cháu đừng xấu hổ khi thấy cái tên DeVos ở quanh cháu – cháu có quyền tự hào về nó. Ông sẽ xem việc cháu được sinh ra trong một gia đình gồm những người đạt được nhiều thành công và xứng đáng được nhắc đến là một phúc lành”.
Từ đó, tôi không bao giờ nghe Rick than thở nữa. Cháu tôi đã lớn lên và làm được một số việc đáng kể với một chàng trai chỉ vừa đi qua độ tuổi 20 (chẳng hạn như khởi xướng cuộc thi ArtPrize). Sự kiện này thu hút hàng ngàn nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới cũng như hàng trăm ngàn khán giả tới thành phố Grand Rapids. Khán giả sẽ thưởng lãm và chọn ra những tác phẩm họ ưng ý nhất, và các tác giả sẽ nhận những giải thưởng có giá trị cao. Giờ đây Rick đã lên báo, thậm chí là các tạp chí quốc gia nhiều hơn hẳn tôi lúc bằng tuổi nó. Tôi rất tự hào về cháu.
Tán dương những người đã hoàn thành công việc có ý nghĩa, hay đứng dậy vỗ tay cho những người tài giỏi, đó là việc chúng ta nên thực hiện thường xuyên hơn. Khi các bài trình bày của tôi được khán giả vỗ tay, tôi xem đó như sự đồng thuận với những gì tôi nói chứ không phải sự khen ngợi cho riêng tôi. Được tán thưởng là một trải nghiệm hấp dẫn, nhưng tôi không để nó làm tôi xao động. Tôi hiểu rằng mình cần cố gắng để có được sự tôn trọng mỗi khi diễn thuyết. Chúng tôi làm việc trong một ngành kinh doanh cần phải có người khởi xướng mọi sự bằng cách tung hô náo nhiệt – và tôi đã trở thành người làm việc đó.
Tôi là một người lạc quan. Tôi nhìn nhận mọi việc dưới ánh sáng tích cực và luôn hướng về phía tươi sáng hơn của vấn đề. Tôi bị chỉ trích là không đủ nghiêm khắc và không tìm ra sai sót kịp thời – những lời này hoàn toàn không sai. Có điều, tôi thường không thấy được nhiều lỗi đến vậy. Tôi không quen nhìn vào mặt trái vấn đề. Bản năng mách bảo tôi hãy tìm phần tốt đẹp ở người khác. Tôi biết trong cuộc sống, bạn cũng cần phải có óc phân biệt gay gắt hơn nhưng tôi không phải là người như vậy. Với tôi, trong mỗi con người đều có phần tốt đẹp và bản thân mỗi người đều có điều gì đó xứng đáng để họ nói ra. Có lẽ, chỉ là có lẽ thôi, cách sống này đã mang lại cho tôi cả sự giàu có và danh tiếng.