Chương 12Xây dựng truyền thông trong mỗi gia đình
Công ty gia đình! Cụm từ này luôn có một âm vang đặc biệt. “Gia đình” là một trong bốn nền tảng cốt lõi cho việc kinh doanh ở Amway. Trên thực tế, có rất nhiều cặp vợ chồng cùng làm nhà phân phối cho Amway, thậm chí sau này con cái cũng làm cùng họ. Jay và tôi luôn tự hào khi nói với họ rằng Amway là một công ty gia đình. Họ có thể yên tâm rằng chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định điều hành công ty với tư cách là những nhà sáng lập chứ không phải tư cách những cổ đông. Vì Amway là công ty của riêng mình, chúng tôi không ngại bất kỳ khó khăn nào để thấy được sự thành công của nó, cả trong ngắn hạn lẫn trong dài hạn. Các nhà phân phối cũng được đảm bảo là chúng tôi luôn đưa ra các giải pháp đã được suy tính kỹ lưỡng, dựa trên kinh nghiệm sau nhiều năm kinh doanh thành công. Ngoài ra, sự đảm bảo còn nằm ở chỗ chúng tôi luôn đối xử với nhân viên và các đối tác một cách công bằng vì nó xuất phát từ nền tảng đạo đức và nguyên tắc hành xử Kitô giáo của chúng tôi.
Ngày hôm nay, tôi khó mà giấu được niềm tự hào khi thấy Amway vẫn tiếp tục là một công ty gia đình. Con trai út của tôi, Doug, là Tổng giám đốc; con trai trưởng của Jay, Steve, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Hai cháu làm việc theo cách mà Jay và tôi từng làm việc với nhau; dựa trên những nguyên tắc được chúng tôi vạch ra, các cháu điều hành một tập đoàn quốc tế trị giá hàng tỷ đô-la với quy mô to lớn và phức tạp gấp nhiều lần so với công ty mà Jay và tôi từng điều hành lúc ban đầu.
Hồi các con vào trung học (Jay và tôi – mỗi người đều có 4 đứa con), cả hai đều nghĩ rằng một ngày nào đó, ít nhất thì một vài đứa sẽ muốn làm việc cho công ty gia đình, hay chí ít thì chúng cũng nên làm thử ở các bộ phận khác nhau trong công ty để hiểu rõ Amway và cách nó hoạt động. Cuối cùng, cả tám đứa đều tham gia vào kế hoạch năm năm của chúng tôi: Làm việc ở tất cả các bộ phận, mỗi bộ phận sáu tháng. Chúng làm trong nhà kho, ở nhà máy sản xuất, phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, văn phòng điều hành – cả ca ngày và ca đêm. Vài đứa thực tập vào các kỳ nghỉ hè trong những năm trung học, khởi đầu với việc lau sàn và cắt cỏ. Con trai cả của tôi hướng dẫn khách tham quan công ty trong một thời gian ngắn. Nó dùng tên đệm (Dick Marvin) để tự giới thiệu với du khách, tránh bị nhận ra là con tôi. Bọn trẻ đều phải biết dùng chổi, phải học để biết thế nào là làm việc trong dây chuyền lắp ráp. Đương nhiên, càng về sau, công việc càng phức tạp hơn.
Vào những năm đầu thập niên 90, bệnh tim của tôi trở nặng và tôi cần phẫu thuật lắp tim nhân tạo. Bệnh tình đã ngăn tôi làm việc. Lúc đó, Dick đã làm việc ở Amway 15 năm, trong năm năm cuối thì đảm nhiệm chức Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng thị trường quốc tế. Tuy nhiên, Dick cảm thấy bị gò bó và đã rời công ty vài năm để tự mình kinh doanh, nhưng tôi vẫn đề nghị con trở về để thay thế vị trí của tôi. Sau đó, sức khỏe của Jay cũng giảm sút và cậu ấy đã sẵn sàng chuyển giao trách nhiệm của mình. Một vài năm sau khi Dick kế nghiệp tôi, Jay và tôi quyết định rằng con trai Steve của Jay là người có năng lực xuất sắc nhất để trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Khi Dick và Steve tiếp quản công việc của Jay và tôi, chúng lập tức tiếp bước và giải quyết một vài thử thách khó khăn. Chúng lèo lái công ty qua đợt suy giảm doanh thu nghiêm trọng vào cuối thập niên 90. Khi đó, chúng phải đưa ra các quyết định khó khăn về việc cắt giảm nhân sự và thay đổi quy trình quản lý cũng như cấu trúc công ty. Tôi nhớ rõ lần Dick nói với tôi rằng, vì công ty không tạo đủ lợi nhuận để trả lương cho nhân viên nên chúng cần mượn tiền để đền bù cho những người bị buộc phải nghỉ làm.
– Ba nghĩ chúng ta cần giảm chi phí bằng cách cho nhân viên nghỉ bớt. – Trước đó, tôi nói với Dick.
– Sẽ không cần làm vậy nếu chúng ta cố gắng vượt qua chuyện này. Nếu bắt buộc phải cắt giảm nhân sự, con nghĩ chúng ta cần chuẩn bị các thủ tục kỹ lưỡng, đền bù cho họ xứng đáng và giúp họ tìm việc mới. – Dick trả lời.
Sau này khi nghĩ lại, tôi nhận ra chính Jay và tôi là những người không muốn thực hiện việc cắt giảm. Chúng tôi không muốn đối diện với sự thật. Chúng tôi nghĩ rằng rồi cơn bão sẽ tan, mọi việc sẽ tiến triển trở lại trong vòng vài tháng hay vào năm tới. Kết quả là Dick và Steve buộc phải đưa ra các quyết định khó khăn, nhưng rồi chúng đã giúp công ty vượt qua lúc đen tối nhất, sau đó nhanh chóng đưa Amway sinh lời trở lại.
Khi Dick nhận chức Tổng giám đốc, nó nói: “Con sẽ giữ vị trí này trong sáu năm rồi lại rời đi”. Một phần của điều này đã thành sự thật vì sau mười năm, Dick mới rời công ty. Khi đó, Doug, con trai út của tôi, đã hoàn thành khóa thực tập ở Amway. Nó đã sống ở thủ đô Brussels, Bỉ và Vương quốc Anh để giữ chức vụ quản lý chi nhánh ở các khu vực này, sau đó từng bước trở thành Phó giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương và giám đốc bộ phận Quan hệ Phân phối Quốc tế, rồi trở thành Giám đốc Điều hành Amway. Doug đã sẵn sàng tiếp quản một vị trí mới, trong khi Dick đang trong tư thế đón chờ các thử thách và cơ hội mới, đang nóng lòng phát triển công ty mà nó gầy dựng trước lúc quay về Amway.
Giờ thì Dick đã làm được việc ấy, thậm chí nó còn cùng vợ mình, Betsy, sở hữu một vài công ty khác nhau. Nó cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn RDV (một công ty khác của gia đình), chịu trách nhiệm việc kinh doanh của gia đình DeVos bên ngoài Amway lẫn việc của đội bóng Orlando Magic. Dick cũng đảm nhận một trách nhiệm mới: người lãnh đạo toàn gia đình và gia cố thêm sự quan tâm của các thành viên trong việc khuyến khích để các thế hệ kế thừa và tiếp nối sự thành công, để gia đình chúng tôi luôn luôn phát triển thịnh vượng.
Ngoài nhiệm vụ xử lý công tác kinh doanh bên ngoài Amway và quản lý Orlando Magic, RDV còn có một chức trách quan trọng hơn: thúc đẩy các thành viên gia đình có những buổi gặp gỡ nhau thường xuyên và cùng quyết định những vấn đề quan trọng trong gia đình. Chúng tôi lập nên Hội đồng Gia đình DeVos, bao gồm con chúng tôi cùng gia đình của chúng và nhất trí rằng hội đồng sẽ họp mặt bốn lần một năm. Hội đồng đã thông qua kiểu cấu trúc gia đình có sự phù hợp với nhiệm vụ và giá trị của chúng tôi. Đây được xem là cách bảo lưu các nguyên tắc mà Helen và tôi đã tuân theo suốt đời, đồng thời bảo đảm rằng chúng sẽ được các thế hệ tiếp theo kế thừa. Hội đồng Gia đình cũng đưa ra những quy định về việc chia sẻ trách nhiệm, việc sử dụng lợi nhuận kinh doanh và các hoạt động thiện nguyện.
Ngoài ra, chúng tôi tổ chức Cuộc họp Gia đình mỗi năm một lần, bao gồm tất cả thành viên của ba thế hệ – Helen và tôi, các con chúng tôi và vợ chồng chúng, cùng một số cháu nhỏ. Khi các cháu được 16 tuổi, chúng sẽ được mời vào Cuộc họp Gia đình thông qua một nghi lễ trang trọng mà mọi người đều có mặt. Một người chú, bác hoặc cô, dì sẽ trình bày về thành tích của cháu, nhắc nhở về các trách nhiệm phía trước và đảm bảo các quyền lợi của đứa trẻ khi đã là thành viên của Cuộc họp Gia đình. Lúc đó, các cháu sẽ được mời họp và có quyền dự cuộc họp thường niên. Khi được 25 tuổi, các cháu sẽ có quyền bỏ phiếu để quyết định các vấn đề quan trọng, và các cháu phải chứng tỏ được năng lực của mình trước khi nhận lãnh trách nhiệm mới này.
Thông qua RDV, chúng tôi khởi xướng một chương trình giảng dạy các nguyên tắc kinh doanh, các kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm cho các cháu; chúng tôi muốn truyền tải các giá trị mang lại thành công trong cuộc sống và kinh doanh mà gia đình chúng tôi đã tìm thấy. Helen và tôi đã lớn lên và sống trọn đời với các giá trị đó và chúng tôi tin rằng việc thế hệ trước khuyến khích các thế hệ sau kế thừa và duy trì việc hiện thực hóa các giá trị đó là vô cùng quan trọng.
Tôi nhận ra ước muốn được làm việc cho Amway ở một số cháu. Nếu chúng thực sự nghiêm túc, chúng cần lấy được bằng đại học, làm việc ở một công ty khác trong vài năm trước khi quay về và xin vào Amway.
Khái niệm công ty gia đình đã trở nên có ý nghĩa quan trọng với tôi; có lẽ là vì tự thân khái niệm gia đình đã có tầm quan trọng lớn lao với tôi – bắt đầu từ gia đình mà tôi được sinh ra và lớn lên, đến cuộc hôn nhân giữa Helen và tôi, rồi những đứa con mà vợ chồng tôi đã nuôi nấng thành người, và cuối cùng là các cháu mà chúng tôi hết mực yêu thương. Tuổi thơ và cuộc đời tôi tràn ngập những ký ức về sự yêu thương và bảo bọc. Hẳn là tôi đã học được rất nhiều từ những trải nghiệm vô giá ấy, và tôi đã nhận phúc lành khi được là một người chồng, một người cha trong một gia đình giống như gia đình đã nuôi dưỡng tôi khôn lớn.
Hoàn cảnh khiến tôi gặp gỡ Helen cũng gần giống với hoàn cảnh khi tôi gặp và bắt đầu hợp tác với Jay Van Andel: một lần đi nhờ xe. Vào một ngày mùa thu tươi đẹp năm 1946, tôi đang lái xe cùng một cậu bạn qua khu Đông Nam Grand Rapids thì nhìn thấy hai quý cô xinh đẹp đang sánh bước. Bạn tôi biết cả hai cô vì học cùng trường đại học, vậy là chúng tôi dừng xe và đề nghị cho họ đi nhờ. Họ nói rằng nhà họ cách đấy không xa nên không muốn làm phiền chúng tôi, nhưng sau khi chúng tôi nài nỉ thì cả hai chấp nhận lời mời.
Chuyến đi đến nhà họ khá ngắn – chỉ độ một dãy nhà. Họ xuống xe và một cô nói cám ơn thật lịch sự, và khi cô này vừa đi khỏi thì tôi quay sang hỏi cô còn lại về cô ấy. Cô gái đã viết vào tập tôi cái tên Helen, “Helen Van Wesep”, và cả số điện thoại của Helen. Bây giờ, chúng tôi vẫn còn giữ cuốn tập ấy, nhưng tôi phải thú nhận là hồi đầu, tôi đã cho một người bạn số của Helen và cậu ta đã gọi điện trước.
Tuy thế, Helen và tôi thế là cũng đã biết nhau, sau đó ít lâu thì tôi điện cho Helen lần đầu tiên. Cuộc hẹn đầu tiên của chúng tôi diễn ra trên máy bay, lúc này là đã vài năm sau vụ mở trường dạy lái máy bay nhưng vì tôi vẫn còn giữ được một số mối quen biết nên có thể đưa cô ấy vòng quanh trên bầu trời Grand Rapids vào một chiều Chủ nhật dịu dàng. Sau đấy, chúng tôi tiếp tục gặp nhau nhưng vẫn chưa chính thức hẹn hò, vì cả hai đều đang tìm hiểu những mối khác. Có một thời gian chúng tôi không gặp nhau, rồi tôi lại chủ động gọi cho cô ấy. Mọi việc cứ diễn ra như thế cho tới một buổi chiều mùa hè nọ, khi Helen đang thăm một người bạn dạy học ở một ngôi nhà thôn dã nhỏ gần nơi Jay và tôi neo thuyền của mình. Lúc Helen dẫn hai đứa con gái của người bạn đi dạo thì chúng bảo muốn tham quan mấy cái thuyền.
Tôi đang chuẩn bị chở chú và dì mình đi thì thấy ba người họ tới, và lại một lần nữa tôi hỏi Helen xem cô ấy có muốn đi nhờ một chuyến không. Hai cô gái nhỏ rất phấn khởi và cả ba cùng leo lên thuyền. Đó cũng chỉ là một chuyến đi ngắn, tới xưởng tàu để tôi tiếp thêm nhiên liệu rồi quay lại vì chuyến đi với chú và dì tôi đã kết thúc. Lần gặp gỡ này khiến tôi muốn gặp lại Helen, và tôi nhận ra rằng mình đã yêu cô ấy. Cuối năm đó, chúng tôi tính chuyện đám cưới.
Thời đó, chuyện tham khảo ý kiến mục sư hay một chuyên gia hôn nhân gia đình trước khi thành hôn vẫn chưa phổ biến. Có điều, tự thân Helen và tôi đã biết rất rõ rằng chúng tôi hòa hợp trong những mảng quan trọng nhất của một cuộc hôn nhân: Bên cạnh tình yêu mãnh liệt dành cho nhau, chúng tôi chia sẻ với nhau lòng tin nơi Đức Chúa trời và cả hai được dưỡng nuôi với những nền tảng gia đình và giá trị đạo đức tương tự. Chính trên nền móng ấy, cùng sự trân trọng năng lực, tính cách và quan điểm sống của nhau mà Helen và tôi đã xây dựng một cuộc hôn nhân viên mãn kéo dài suốt 60 năm và chúng tôi sẽ tiếp tục sánh bước bên nhau. Chúng tôi có với nhau bốn đứa con mà chúng tôi hết lòng yêu thương và tự hào; đến lượt mình thì các con lần lượt lập gia đình và tiếp tục mang đến một thế hệ DeVos mới – Helen và tôi có 16 đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Tại thời điểm này, chúng tôi vừa có thêm hai cô chắt gái. Trong suốt những năm tháng qua, tôi luôn được hỏi tại sao các con và các cháu tôi lại ngoan đến thế, và tôi chỉ có thể trả lời rằng đó là do Chúa đã ban tặng cho công sức của những người làm cha, làm mẹ. Tôi phải nói rằng Helen đã bỏ rất nhiều nỗ lực trong việc nuôi dạy con cái. Cô ấy ở nhà chu toàn trách nhiệm của một người mẹ khi tôi lao đầu vào công việc vào ban ngày và có đôi khi vào cả ban đêm, cả những khi tôi đi công tác triền miên. Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn khi cả gia đình mình đều là những người có năng lực, chấp nhận lao động miệt mài và có tấm lòng bác ái.
Một trong những việc đầu tiên tôi làm khi các con bắt đầu lớn là lập thời gian biểu chi tiết cho hoạt động của cả năm để có được những khoảng thời gian dành cho gia đình. Đầu tiên, tôi khoanh tròn các ngày sinh nhật, tất cả những ngày bọn trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa ở trường, khi chúng lớn hơn một chút thì các ngày có thi đấu thể thao ở trường cũng được đánh dấu lại. Các ngày nghỉ lễ cũng được đánh dấu rõ to và đó là những ngày cả đại gia đình sẽ quây quần bên nhau và ăn mừng. Gia đình rất quan trọng với chúng tôi, và mọi thành viên đều cố gắng hết sức để có thể cùng nhau làm càng nhiều việc càng tốt. Ngay từ đầu, tôi đã rất quyết tâm và nỗ lực gìn giữ sự gắn kết trong gia đình, cũng vì thế mà tôi quyết định không chơi golf. Với tôi, đó không phải là môn thể thao gia đình. Thuở nhỏ, tôi thường thấy các ông bố tụ tập chơi golf vào những ngày thứ Bảy. Vậy nên tôi cho rằng việc chơi golf có thể dẫn đến việc bạn rời bỏ gia đình mỗi sáng cuối tuần – và tôi không làm được việc đó.
Bất chấp những chuyện rắc rối Jay và tôi vướng vào khi bọn tôi còn mê thuyền, tôi vẫn yêu thích việc ra khơi. Vào giữa thập niên 60, Helen và tôi từng có một chuyến nghỉ mát cuối tuần ở khách sạn nổi, trôi lững lờ dọc theo con sông chính ở thành phố Saugatuck, bang Michigan. Vào đêm thứ hai của chuyến đi, trong khi chúng tôi thưởng thức không khí trong lành trên ban công thì một chiếc thuyền buồm cập sát vào tàu, có vẻ như người trên đó đang cần giúp đỡ. Vậy là tôi nhanh chóng nhảy xuống, giúp buộc thuyền. Tôi biết được chiếc thuyền nọ là của ba anh chàng và họ đang muốn bán nó (Tận ba người chủ à? Chẳng trách người ta muốn bán nó đi!). Tôi bắt lấy cơ hội này, kiểm tra kỹ càng chiếc thuyền và hỏi thêm các thủy thủ về tình trạng của nó. Rồi tôi quay lại ban công và cho Helen biết chiếc thuyền đang được rao bán. Cô ấy biết tôi yêu việc giong buồm ra khơi đến mức nào vì tôi luôn nói rằng một ngày nào đó, tôi sẽ lại lèo lái một chiếc thuyền. Có vẻ như cơ hội được trở lại làm việc ấy đã chủ động tìm đến tôi. Kỳ nghỉ đó đứng trước một bước ngoặt lớn – chúng tôi đang tận hưởng khoảng thời gian dành riêng cho hai người, rồi đột ngột phải quyết định một chuyện có thể mang đến những thay đổi lớn lao… một cách hết sức thú vị! Chúng tôi cùng ấn định ngày chạy thử với những người chủ chiếc thuyền và háo hức mong đến ngày đó.
Khi ngày hai bên gặp gỡ tới, tôi dẫn theo hai đứa con trai, lòng đầy mong đợi. Nhưng khi tới hồ, ngay lập tức chúng tôi muốn quay về. Sóng rất lớn, có ngọn cao đến ba mét – mấy chàng thủy thủ đã hồ hởi cho tôi biết tin. Tôi không lấy gì làm vui khi biết Helen đang hoảng, còn lũ nhóc thì trố mắt ngỡ ngàng. Nhưng rồi bốn người bọn tôi cũng leo lên thuyền, mặc áo phao đã khá cũ, là loại có cổ lớn và hơi khó dùng, sau đó rồ máy. Mọi việc bắt đầu thuận lợi nhưng được một đoạn thì thuyền nghiêng mạnh. Tôi thấy Helen ngồi cứng người lại, một tay vịn chặt ống dây, tay còn lại giữ kỹ một trong hai đứa nhỏ (mà đấy là vợ tôi đã dặn hai đứa ngồi xuống sàn và ôm chặt lấy nhau rồi).
Mấy tay thủy thủ bán thuyền đâu rồi nhỉ? À, họ đang đứng cạnh cây sào căng buồm, tựa vào cột chính với cánh buồm đang no gió, miệng nhâm nhi rượu. Khi chúng tôi hoàn hồn và quay lại bến, mấy người thủy thủ và tôi đều tự hỏi Helen sẽ phản ứng ra sao. Nếu chúng tôi mua thuyền thì Helen sẽ là đồng sở hữu và sau chuyến chạy thử, cô ấy trông không hứng khởi lắm. Nhưng Helen làm mọi người ngạc nhiên, cô ấy cho biết mình không thể tránh những việc không thể tránh nhưng vẫn nghĩ rằng chiếc thuyền sẽ là một điều tuyệt vời cho gia đình. Từ ngày đó trở đi, vợ chồng tôi cùng làm thủy thủ.
Cho đến tận bây giờ, quyết định đó đã mang đến những kết quả ngoài mong đợi và theo hướng tốt đẹp. Mặc dù có vẻ đáng sợ vào lúc đầu, đi thuyền buồm giờ đã trở thành môn thể thao được cả gia đình ưa thích vì chúng tôi có thể cùng chia sẻ và tận hưởng nó. Đây cũng là cơ hội để người lớn dạy cho lớp trẻ những bài học về trách nhiệm. Không gian trên thuyền rất hạn hẹp nên áo quần phải được sắp xếp gọn gàng để người khác không đạp lên hay vướng chân vào; những lúc không có người nằm thì giường nệm phải được xếp dọn để có chỗ ngồi. Lũ trẻ nhanh chóng học được rằng dọn dẹp là một trong những việc phải làm thường xuyên khi sở hữu một chiếc thuyền. Mỗi buổi sáng, sàn cần được lau, lan can tay vịn cần được chùi và cả chiếc thuyền cần phải sạch sẽ gọn gàng để chuẩn bị cho ngày mới. Và chó cũng cần được dẫn đi dạo – đúng thế, chúng tôi đã mang cả thú cưng lên thuyền.
Chiếc thuyền mang lại cho cả nhà tôi cơ hội đi tới nhiều nơi và làm nhiều việc khác nhau theo một cách độc đáo. Nhiều mùa hè, chúng tôi đã rong ruổi trên hồ Michigan suốt ba tuần, thăm hết các cảng dọc bờ hồ phía Tây. Hằng ngày, chúng tôi chỉ đi khoảng 50 hải lý(*); cả gia đình được học bài khi di chuyển trên mặt nước, khái niệm đi thẳng từ A đến B không tồn tại và việc dùng động cơ để điều khiển thuyền là rất cần thiết. Với chúng tôi, được lái thuyền là một sự kiện lớn! Tôi thường dậy sớm để sắp xếp công việc vì lũ trẻ rất nhanh chán khi phải ngồi yên trên thuyền, cứ đến tầm hai giờ chiều là chúng muốn lên bờ chạy chơi.
Nếu hồ yên và chúng tôi được dịp hờ hững trôi theo dòng nước, tôi sẽ dạy các con chà nhám mấy tay vịn và lan can để chuẩn bị đánh véc–ni cũng như cần đánh thế nào. Thuyền bằng gỗ nên có rất nhiều chỗ cần đánh véc–ni, và bọn nhóc thì rất hào hứng tham gia. Khi tới được đích trong ngày, chúng tôi sẽ buộc thuyền ở cảng nhỏ rồi lên bờ chơi bóng, hoặc đi lòng vòng trong thị trấn, mua ít kem và kẹo ngọt. Bọn trẻ nhớ mãi những kỷ niệm đó, cả tên những thị trấn chúng tôi ghé qua (như Pentwater, White Lake, Ludington, Leland, Frankfort, Charlevoix, Petoskey, Harbor Springs) và cả những chốn xa hơn nữa về phía Bắc Michigan.
Những chuyến đi từ cảng này tới cảng khác cũng dạy cho lũ trẻ biết tầm quan trọng của việc lên kế hoạch và lý do mà mỗi ngày chúng tôi nên ra khơi khi trời còn sớm. Khi phải đi trong sương mù hay những điều kiện thời tiết bất ngờ khác, chúng hiểu mình cần dậy sớm và tới đích đúng giờ có ích như thế nào vì nếu như thế thì dẫu trời có xấu đi bất chợt, mọi người cũng không phải vất vả lèo lái bởi thay vào đó, cả nhà có thể đã yên vị trong chăn và ngủ ngon rồi. Mọi người lên đường mà không mang theo thiết bị hiện đại nào – không ti-vi, không điện thoại di động, máy tính cũng không. Đi thuyền là khoảng thời gian dành cho nhau, cho các cuộc trò chuyện về nơi chúng tôi đang đậu, về những dự định trong ngày, cho ngày mai, tính toán hải trình, xác định hải đăng hay cột mốc tiếp theo – chỉ trò chuyện mà thôi. Lũ trẻ không đi đâu xa được khi chúng đang ở trên thuyền, vậy nên đó là cơ hội để chúng tôi trao đổi về mọi thứ trên đời. Tôi hy vọng rằng những cuộc trò chuyện cũng như những trải nghiệm trên thuyền sẽ có ảnh hưởng nhất định đến các con. Ít ra thì trong những chuyến đi này, chúng đã học được cách lái thuyền.
Câu hỏi được đặt ra là: Liệu người ta có thể dạy nhau kỹ năng lãnh đạo không? Con cái chúng ta thường xuyên thấy, được nghe các nhà lãnh đạo nói chuyện nhưng kỹ năng lãnh đạo không phải là điều được dạy ở trường. Chúng học được nó khi dấn bước vào đời. Tôi nghĩ rằng kỹ năng lãnh đạo cần được lĩnh hội từ sự thực hành. Những người làm việc trong môi trường kinh doanh thường khám phá ra rằng họ có khả năng lãnh đạo, điều mà trước khi vào nghề chính bản thân họ không hề nghĩ tới. Điều đáng mừng là các con tôi đều trở thành những người lãnh đạo xuất sắc. Đây có lẽ là kết quả của quá trình thẩm thấu khi ngay từ bé, chúng đã được nghe những nhà lãnh đạo tài ba nói về cách họ xử lý vấn đề. Việc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo sẽ tạo ra những ảnh hưởng nhất định.
Con trai thứ của tôi, Dan, đã mẫn cán làm việc suốt 13 năm ở Amway trong mảng quan hệ với các nhà phân phối. Dan cùng gia đình riêng đã sống 13 tháng ở Tokyo và trong khoảng thời gian này, nó quản lý tám thị trường tại khu vực Thái Bình Dương. Đó cũng là vị trí cuối cùng ở Amway mà con tôi đảm nhiệm. Khi trở về Mỹ, Dan đã dũng cảm quyết định rằng nó sẽ bắt đầu lại từ đầu với tư cách một doanh nhân độc lập. Từ đó đến nay, nó đã ký được khoảng vài chục hợp đồng với các hãng xe hơi, còn hệ thống đại lý phân phối xe Fox Powersports thì xuất hiện ở khắp vùng phía Tây bang Michigan. Dan cũng làm chủ một đội bóng bầu dục nhỏ và kinh doanh trong một vài lĩnh vực khác. Gần đây, tôi đã chuyển cho Dan quyền quản lý đội Orlando Magic và đây là cách tôi công nhận năng lực của con mình.
Con gái tôi, Cheri, cũng học hỏi kinh doanh từ Amway. Con bé từng giữ chức Phó Tổng giám đốc mảng kinh doanh mỹ phẩm trên toàn thế giới và cũng từng dành vài năm giúp chúng tôi quản lý đội Magic (trong khi phải nuôi nấng đến năm đứa con). Cheri nằm trong Ban quản trị tập đoàn Alticor/Amway cũng như đảm nhiệm chức ủy viên Ban quản trị trường cũ của mình, Đại học Hope. Nó đã trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ. Các con dâu của chúng tôi cũng có tài lãnh đạo: Betsy có sự nghiệp chính trị ở địa phương và ở cấp quốc gia và luôn nỗ lực để mang giáo dục đến với toàn nước Mỹ; Pamella đã có một công ty riêng thành công trong ngành thời trang; còn Maria thì luôn nhiệt thành đề xướng các biện pháp có thể giúp mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng ở Tây Michigan.
Chúng tôi hoàn toàn không lo lắng về liệu các con có thể trở thành những lãnh đạo hiệu quả hay không, cũng như việc chúng có thể đồng thời hoàn thành các bổn phận như một công dân bình thường hay không. Chúng đều biết cách tôn trọng nhau. Helen và tôi đã tạo được ấn tượng với các con rằng mọi người đều đáng quý và đáng trân trọng. Nếu không tôn trọng người khác, làm sao họ có thể tôn trọng mình? Một nhà lãnh đạo tốt có được sự tôn trọng nhờ biết tôn trọng, đồng thời người đó cũng phải có đạo đức và đáng tin, cũng như không bao giờ “nói lời chẳng giữ lấy lời”. Những người làm được vậy sẽ luôn nhận được thái độ kính trọng từ người khác vì họ không khi nào khinh thường một người học ở trường kém hơn hay không có điều kiện tốt như họ. Những việc kém may mắn không làm giảm bớt tầm quan trọng của bất kỳ ai, cũng không có nghĩa là năng lực của người đó không tốt. Con cái chúng tôi học được từ Amway rằng ai cũng có điểm mạnh của mình. Lớn lên trong gia đình Amway đồng nghĩa với việc có được những trải nghiệm vô cùng tích cực.
Helen và tôi rất may mắn khi có cùng quan điểm nuôi dạy con. Nếu các bậc phụ huynh có lập trường khác nhau, họ phải tìm được điểm chung trước khi cùng nhau truyền đạt những điều có ý nghĩa tới con mình. Điểm khác nhau duy nhất giữa Helen và tôi nằm ở chỗ cô ấy là con một, vì thế thỉnh thoảng tôi phải đỡ đần thêm khi cô ấy có dấu hiệu âu lo về chuyện nhà cửa bộn bề cùng bốn đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Những lúc như vậy, cô ấy nói với tôi:
- Trở thành người trong một gia đình là thế này sao? Chẳng lẽ em phải trông chờ bọn trẻ lớn lên theo kiểu này sao?
- Không có gì bất thường cả, em yêu à! Hãy yên tâm vì đúng là thỉnh thoảng, lũ trẻ nên đánh nhau.
Khi tôi viết cuốn Hãy tin! (tức Believe!) vài năm về trước, tôi dành một chương để nói về niềm tin của tôi vào gia đình. Như tôi đã viết và vẫn luôn tin tưởng, “trụ cột của nền văn hóa Hoa Kỳ… phụ thuộc vào những điều diễn ra trong phòng khách, phòng ăn, phòng làm việc và sân sau của hàng triệu những gia đình Hoa Kỳ giản dị, khiêm nhường”. Tôi nhìn lại chính gia đình thuở niên thiếu và biết rằng những dòng trên là đúng đối với mái nhà đầm ấm của tôi, với những cuộc trò chuyện và những lời nguyện cầu quanh bàn ăn, những lời khích lệ từ cha tôi, những lần tranh luận với mẹ khi đang rửa bát, cả những khi chơi bóng bàn với em gái. Tôi biết rằng những dòng trên là đúng khi tâm tôi tràn ngập lòng biết ơn bởi thấy rằng giờ đây, các con tôi
cũng có chung niềm tin như Helen và tôi. Tôi thấy rằng tương lai của gia đình tôi tươi sáng. Tôi luôn dõi theo sự khôn lớn của các cháu khi chúng bắt đầu bộc lộ tài lãnh đạo và để lại dấu ấn của mình trên thế giới này.