Chương 13Thành phố của những người làm giàu cuộc sống
Thành phố của những người làm giàu cuộc sống(*)
(*) Trong bản gốc tiếng Anh của tác giả, chương 13 "A singer saved by Grace" (Tạm dịch: Ơn trên cứu chuộc). Bạn có thể đọc thêm chương này tại http://globalnews.amway.com/a-sinner-saved-by-grace.
Hãy tưởng tượng tình huống bạn bất ngờ được vào một ủy ban có trách nhiệm kêu gọi đóng góp hàng triệu đô-la. Tôi đã nhận được một lời mời như vậy từ ngài thị trưởng của Grand Rapids, mục tiêu là lập quỹ tái thiết thành phố để nó tìm lại vinh quang của những ngày xưa. Như hầu hết các thành phố vào thập niên 70 của thế kỷ 20, Grand Rapids đã để mất nhiều nguồn thu và lượng cư dân về tay các vùng ngoại ô. Thành phố đang lâm vào cảnh tàn lụi và cần được hồi sinh. Một trong những con đường huyết mạch, đại lộ Monroe, vẫn còn vài cửa hàng bách hóa và một hai hiệu bán đồ bình dân, có điều mặt trưng bày của rất nhiều cửa hàng lại trống rỗng hàng hóa. Đã từng có thời tấp nập người ra kẻ vào, vậy mà giờ đây khách sạn Pantlind chỉ còn là một tòa nhà xơ xác. Xe buýt thỉnh thoảng vẫn chạy trên đường nhưng ngoài việc đó ra, hầu như không còn âm thanh hoạt động nào khác ở khu buôn bán này. Mọi hoạt động đã đổ về những khu vực ngoại ô, vùng lân cận và những trung tâm mua sắm hiện đại.
Như tôi đã trình bày, cảm giác cùng được sở hữu một công ty, một thành phố,… mà mọi người dân chia sẻ sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng. Nếu chúng ta tự hào về thành phố của mình và mong muốn được thấy nó phát triển, chúng ta sẽ sẵn sàng tạo ra những thay đổi tốt đẹp ngay tại chính nơi chúng ta sống. Tôi cũng đã nói về ích lợi của việc trở thành một người làm giàu cuộc sống và làm thế nào mà thái độ sống và hành động tích cực có thể giúp mọi người thành công. Nhưng 40 năm trước, ngay khi thành phố đang dần hoang phế và cần giúp đỡ thì không mấy ai có suy nghĩ về sự chung tay góp sức.
Thế rồi Lyman Parks, thị trưởng da màu đầu tiên của Grand Rapids, đã bước lên và phát trái bóng đầu tiên. Ông thành lập một ủy ban, gồm các doanh nhân thành đạt và những người lãnh đạo cộng đồng, để gây quỹ cải thiện trung tâm hội nghị cũ kỹ và xây dựng một phòng hòa nhạc mới. Một trung tâm hội nghị đẳng cấp là hết sức cần thiết vì nó sẽ thu hút các cuộc hội thảo và sự kiện về lại với thành phố; trong khi đó, phòng hòa nhạc sẽ hỗ trợ sự phát triển của các bộ môn nghệ thuật trong thành phố, đặc biệt là cho Dàn nhạc Giao hưởng Grand Rapids vốn đang phải biểu diễn ở trung tâm văn hóa – hành chính già nua.
Tôi được mời vào ủy ban và được yêu cầu làm việc với một vị chủ tịch ngân hàng được trọng vọng trong vùng, ông Dick Gillette. Để kêu gọi ủng hộ, hai chúng tôi thuê một kiến trúc sư người Chicago chuyên thiết kế khán phòng về để thiết kế phòng hòa nhạc mới – công trình đầu tiên thuộc thể loại này của Grand Rapids. Ông Dick và tôi đã đi gặp hầu hết những người “có máu mặt” trong vùng để xin tài trợ một khoản tiền sáu triệu đô-la cho việc xây dựng – một con số khổng lồ vào thời điểm thập niên 70 đó. Kết quả, chúng tôi chẳng nhận được đồng nào.
Sau đó, chúng tôi tổ chức một buổi tiệc tối ở Amway cho một số khách mời đặc biệt – những người có tiềm năng đóng góp cho việc xây dựng phòng hòa nhạc, qua đó chúng tôi tập trung nói về việc công trình kiến trúc này rồi sẽ trở thành điểm gặp gỡ lớn nhất vùng hạ lưu sông Grand. Chúng tôi giải thích rằng từ rất lâu trước thời các di dân Hà Lan đổ về Grand Rapids, những thổ dân da đỏ bản địa sống ở vùng đất này và tất cả những đường mòn mà họ khai phá ngày xưa đều hướng về dòng Grand. Khi đường sá được xây dựng, người da trắng bám theo các vệt đường mòn và nó trở thành mối dây kéo mọi người tới một điểm tụ hội cạnh dòng sông. Và tên gọi của chiến dịch quyên góp là “Điểm gặp gỡ bên dòng sông Grand”. Kiếm được sáu triệu đô-la là một việc rất khó nhằn. Tôi tiếp cận một vài gia đình thật sự khá giả, đề nghị rằng nếu gia đình quyên góp một triệu đô-la thì phòng hòa nhạc sẽ được đặt tên theo họ của gia đình đó. Không một ai chấp nhận lời đề nghị cả. Lý do chủ yếu là vì ngày ấy, không mấy người quen với suy nghĩ đóng góp một khoản tiền lớn hay việc có một tòa nhà được đặt theo tên họ nhờ vào lòng hào phóng của họ với thành phố.
Cuối cùng, ông Dick Gillette đã nói với tôi: “Tôi thật sự không muốn thấy tên của bất kỳ ai trong số những người đó trên một trong những tòa nhà của thành phố. Thay vào đó, tôi muốn tên ông. Ông là người đại diện cho thế hệ mới của những người vị tha. Ông là một tay mới nổi, một người sẽ còn đi xa hơn và tôi muốn thấy ông trở thành người đầu tiên đóng góp một triệu đô- la. Và rồi họ sẽ gắn tên ông lên phòng hòa nhạc”.
Mặc dù tôi là một doanh nhân và có hứng thú với các trung tâm hội nghị hơn, song Helen lại rất đam mê nghệ thuật và lúc đó đang nằm trong Ban quản lý Dàn nhạc Giao hưởng Grand Rapids. Đóng góp một khoản kinh phí không nhỏ cho công trình là một chuyện, chấp thuận việc tòa nhà sẽ lấy họ chúng tôi để đặt tên lại là một chuyện khác. Chúng tôi cân nhắc việc này khá lâu, nghiêm túc bàn bạc và tham khảo ý kiến một số bạn bè thân thiết. Cuối cùng, chúng tôi đồng ý và chân thành hy vọng rằng mọi người sẽ không nghĩ chuyện tên tuổi này là nhằm khoe mẽ hay tự thỏa mãn mình. Vậy là phòng hòa nhạc mới của thành phố đã lấy “DeVos” làm tên và vẫn giữ cái tên này cho đến ngày nay.
Lần đóng góp đó có ý nghĩa quan trọng vì là lần đầu tiên chúng tôi đóng góp một khoản tiền ở mức triệu đô. Nhưng còn quan trọng hơn nữa là tầm nhìn chiến lược của ông Dick Gillette về thế hệ vị tha tiếp theo. Ông ấy nói: “Từ giây phút này trở đi, chúng ta sẽ có thể đến gặp nhiều người hơn và hỏi xin một khoản tiền lớn, nhờ anh đã làm ví dụ tiên phong. Việc này sẽ là bước khởi đầu cho một cộng đồng của những người quyên góp”. Ông thấy trước rằng nhiều dự án sẽ được bắt đầu theo cách này, cả việc đặt tên công trình theo tên người đóng góp nữa.
Và ông Dick đã đúng. Lúc phòng hòa nhạc hoàn thành cũng là lúc một làn sóng đóng góp mới xuất hiện ở Grand Rapids. Và chúng tôi, những công dân đã có tuổi của thành phố, chưa từng thấy một đợt đóng góp lớn như thế.
Một đốm lửa có thể làm khơi lên những đốm khác. Trung tâm hội nghị mới cần có các khách sạn gần bên. Khi đó, thành phố không có phòng khiêu vũ nào để tổ chức các sự kiện hay lễ lớn. Vậy là ý tưởng về một khách sạn có đầy đủ phòng họp, phòng khiêu vũ, nhà hàng,… bắt đầu nhen nhóm. Nếu thực sự nghiêm túc trong việc tái thiết khu kinh doanh của thành phố, trước tiên chúng tôi cần giải quyết sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng. Tôi liên lạc với tập đoàn khách sạn Hilton và những chỗ khác, tuy nhiên họ đều bảo rằng họ xây khách sạn gần sân bay chứ không phải ở một khu kinh doanh buôn bán.
Tôi bèn nói: “Jay này, sao chúng ta không tự mình làm việc này nhỉ? Cậu biết chúng ta có thể mà!”. Jay đồng ý, và chúng tôi bắt tay vào dự án. Chúng tôi không xây khách sạn mới mà mua lại khách sạn Pantlind lúc này đã héo hon, và nâng cấp tòa nhà tàn tạ đó thành một khách sạn cao cấp tên là Amway Grand Plaza. Chúng tôi mời hai kiến trúc sư địa phương, ông Marvin DeWinter và ông Gretchen Minhaar, cùng công ty xây dựng Dan Vos ở Ada, Michigan tham gia dự án. Tòa nhà gốc quá nhỏ so với chuẩn khách sạn hiện thời, thế nên chúng tôi gộp hai phòng cũ thành một phòng mới. Ở tầng hầm, các đường ống hơi nước, dẫn nước và nước thải được thay mới toàn bộ. Chúng tôi mời ông Carleton Varney, một nhà thiết kế danh tiếng từ New York đến đảm nhiệm phần nội thất – mọi thứ đều phải được làm mới để đưa một di tích xưa cũ thành một khách sạn bốn sao hiện đại. Ông ấy đã mang một phong cách hoành tráng với lá vàng trên trần sảnh, thảm nhung lông mềm mại, vải hoa văn cầu kỳ và trang thiết bị nội thất tinh tế đến khắp ngóc ngách trong không gian khách sạn. Một người bạn của chúng tôi, ngài đại sứ Peter Secchia, đã cho thuê hai khu đất để xây nhà hàng – một cao cấp (mà sau này trở thành nhà hàng 1913 Room, tức Phòng 1913 nổi tiếng) và một dễ tiếp cận hơn cho người bình dân (nhà hàng Tootsie’s).
Tu sửa khách sạn là một cuộc phiêu lưu lý thú và mỹ mãn, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình là những nhà kinh doanh khách sạn. Chúng tôi xem việc nâng cấp khách sạn như một trong những giải pháp phục hồi Grand Rapids, cũng như để thể hiện niềm tin vào khu vực kinh doanh của thành phố. Tại buổi lễ mừng công trình, Tổng thống Ford nói rằng: “Thành phố đã hồi sinh”. Vậy là người dân lập tức nhận ra tiềm năng của Amway Grand Plaza, rằng nó có thể trở thành nơi quy tụ các hoạt động gặp gỡ, đám cưới, hội nghị và các sự kiện trọng đại khác.
Khách sạn mở cửa vào năm 1981; chỉ vài tháng sau, Jay và tôi tính tới chuyện xây một cao ốc 29 tầng nằm kề bên nó. Giai đoạn thiết kế đã hoàn tất nhưng chúng tôi cảm thấy cần dừng lại và suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định cho xây một tòa nhà mới. Nhu cầu hiện thời chưa đạt đến mức cần mở rộng khách sạn. Mọi kế hoạch đều dựa vào thông tin thành phố sẽ xây thêm một trung tâm hội nghị nữa. Sau khi cân nhắc hồi lâu, chúng tôi thấy rằng mình sẽ không bao giờ có đủ dữ kiện để đảm bảo cao ốc sẽ thành công. Lại một lần nữa, tôi nói: “Jay, tớ nghĩ mình cứ làm đi. Cậu biết chúng ta có thể mà!”.
Cậu ấy đồng ý, vậy là chúng tôi khởi công.
Hai năm sau, khách sạn Amway Grand Plaza có một không gian mới – một cao ốc hiện đại cả về thiết kế lẫn trang thiết bị với những căn phòng dành riêng cho những người muốn đắm mình vào dòng chảy đương đại.
Chúng tôi cũng nhận thấy là mình cần có người sinh sống ở khu vực kinh doanh để giữ nó phát triển ổn định, vậy nên dự án tiếp theo của chúng tôi là tòa nhà chung cư đầu tiên ở Grand Rapids mà sau này, chúng tôi đặt tên là Plaza Towers. Những người sống trong tòa nhà đều yêu thích sự náo nhiệt và năng động của khu vực kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi không hề biết những nhà xây dựng từ nơi khác tới đã tự ý cắt giảm chi phí. Các hộ dân bắt đầu gặp vấn đề về nước, cả trong nhà lẫn ngoài hành lang. Những rắc rối khác cũng phát sinh và sau nhiều lần thảo luận căng thẳng, một giải pháp được nhiều người chấp nhận là phá hủy tòa nhà. Chi phí cho việc kéo sập sẽ ít hơn chi phí sửa chữa và nâng cấp. Nhưng rồi Jay nói một cách chắc chắn: “Chúng ta không phải là những kẻ đi phá sập. Chúng ta là những người xây dựng”. Không còn gì để bàn thêm, và một lần nữa chúng tôi bắt tay vào tu bổ một công trình nhằm giúp nó xinh đẹp và đáng sống trở lại. Xin được nói thêm, những cư dân trong chung cư đã rất tử tế khi chấp nhận tạm dời đi nơi khác trong lúc tòa nhà được trùng tu.
Cuộc cách mạng ở khu vực kinh tế của Grand Rapids vẫn tiếp tục. Từng nhà quyên góp một xuất hiện, theo chân những người đi trước. Rồi các tòa nhà nối tiếp nhau mọc lên. Khu vực kinh doanh mới cuối cùng đã có thêm một sân vận động, một bảo tàng cho công chúng, một trụ sở của Trường Đại học Grand Valley State, một trung tâm hội nghị mới, một khách sạn thuộc về tập đoàn JW Marriott, một chuỗi trung tâm sức khỏe Medical Mile (gồm có Viện nghiên cứu Van Andel, Trung tâm Tim mạch Meijer, Trung tâm Ung thư Lemmen–Holton, Bệnh viện Nhi đồng Helen DeVos, tòa nhà y khoa Cook–Devos trực thuộc Đại học Grand Valley State và Trung tâm Secchia – một phần của Khoa Y học Con người thuộc Trường Đại học Michigan State).
Sân vận động Van Andel với 12.000 chỗ ngồi đã thu hút hàng ngàn người về với khu kinh tế mới. Nó trở thành thành lũy chính thức của đội khúc côn cầu Grand Rapids Griffins, đồng thời là địa điểm tổ chức hàng chục buổi trình diễn của những tên tuổi lớn nhất trong ngành giải trí. Một hội đồng nhân dân đã được thành lập và họ được chính quyền thành phố đồng thuận trong việc xây dựng sân vận động mới. Họ tiến hành kêu gọi đóng góp kinh phí thông qua sự cộng tác giữa các tổ chức tư nhân và cộng đồng người dân, và cuối cùng thì giấc mơ trong suốt nhiều năm trời đã thành hiện thực. Khi khách sạn và sân vận động đi vào hoạt động, thành phố Grand Rapids đã có thể xây thêm một trung tâm hội nghị lớn hơn mà tôi có vinh dự được đóng góp một phần chi phí. Trung tâm hội nghị DeVos Place giờ đây soi bóng xuống dòng Grand.
Những người đã sống ở Grand Rapids nhưng rời khỏi thành phố hồi 30 năm trước, giờ sẽ choáng ngợp khi trở về thăm và nhìn thấy những tòa nhà chọc trời sừng sững như hiện nay.
Sự hồi sinh của Grand Rapids có lẽ được nhận thấy rõ ràng nhất qua sự xuất hiện liên tục của các bệnh viện và trung tâm y tế nằm dọc trên đường Michigan trong suốt hai thập niên qua. Ban đầu, ở Grand Rapids có hai bệnh viện lớn nhất thành phố là Bệnh viện Butterworth (tọa lạc ở khu vực kinh doanh) và Bệnh viện Blodgett. Lẽ dĩ nhiên, có một sự cạnh tranh nho nhỏ giữa hai cơ sở, dẫn tới việc đôi bên “học hỏi” rồi sao chép các dịch vụ và trang thiết bị của nhau và rồi mua sắm một cách không hiệu quả. Thế rồi tôi tham gia Ban Giám đốc của Bệnh viện Butterworth – và tôi cho rằng đây chính là thành tựu đáng kể nhất của mình đối với lĩnh vực y khoa tại Grand Rapids, cũng như khởi đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời tôi. Khi được biết những người ở Blodgett chuẩn bị xây thêm một khuôn viên mới, tôi nói chuyện với ông Bill Gonzalez, lúc đó là Giám đốc Bệnh viện Butterworth:
– Ông đã nghĩ tới việc hợp nhất hai bệnh viện lớn nhất thành phố chưa? – Tôi hỏi.
– Chà, ông không phải là người đầu tiên có ý tưởng đó đâu.
– Ông ấy đáp.
– Tôi biết chứ. Nhưng tại sao chúng ta không thử một lần nữa nhỉ?
Và khi ông ấy nói sẽ ủng hộ nếu tôi quyết tâm thực hiện việc này, tôi liền nói:
– Tiến lên thôi! Nếu thành công thì đây sẽ là việc có ý nghĩa nhất mà chúng ta từng làm trong đời mình.
Đầu tiên, tôi cần thuyết phục các thành viên Ban quản lý bệnh viện Blodgett. Chủ tịch Hội đồng quản trị bệnh viện đã bị thuyết phục, rồi các thành viên khác cũng vậy. Một khởi đầu thuận lợi. Nhưng mọi việc chưa đi được bao xa thì Hội đồng Thương mại Liên bang FTC đã phản đối việc hợp nhất, với lý do nó sẽ dẫn tới sự độc quyền dịch vụ y tế ở Grand Rapids. Vì FTC cần có quyết định đồng thuận trước khi tiến hành sáp nhập hai bệnh viện ở cùng một khu vực, tôi phải ra đối chất tại một phiên tòa ở thành phố Lansing, thủ phủ bang Michigan.
– Ông là một thương gia tự do hoạt động tích cực. Tại sao ông lại phản đối việc cạnh tranh giữa hai bệnh viện? Cạnh tranh sẽ giúp giảm giá thành mà? – Đại diện Ủy ban hỏi tôi.
– Quả đúng là như vậy, nếu hai bệnh viện đó được hai nhóm độc lập với nhau sở hữu. Song sự thật không phải vậy. Cả hai đều là bệnh viện nhân dân – cũng cùng những người dân đó, cùng một cộng đồng đó làm chủ cả hai cơ sở. Nếu chúng được sáp nhập, sẽ không xuất hiện tình trạng độc quyền nào vì quyền sở hữu vẫn không thay đổi. – Tôi giải thích.
Chúng tôi đã thắng trong phiên tòa đó và một hệ thống bệnh viện mới mang tên Spectrum ra đời.
Nhiều năm sau đó, vị thẩm phán ra quyết định cuối cùng trong phiên tòa đã viết về việc xảy ra sau lần hợp nhất trong cuốn sách của ông. Ông không tiếc lời nói về “sự phát triển về mức độ tinh tế và chất lượng của dịch vụ y tế” cũng như “chi phí không cao hơn bất kỳ một bệnh viện nào khác nhưng vẫn đảm bảo chất lượng”. Những bác sĩ tài năng và tận tâm chúng tôi mời về đã giúp nâng cao dịch vụ, và mọi người trong vùng đến với chúng tôi mỗi khi họ cần chăm sóc sức khỏe.
Sau Spectrum Health là tới Viện nghiên cứu Van Andel. Đó là khi Jay cân nhắc việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu để hỗ trợ thành phố, tôi đã nói với cậu ấy về tầm quan trọng của việc đặt một khu nghiên cứu nằm trong khu trung tâm kinh tế. Lúc đó, chúng tôi đã được xem như những người tiên phong trong việc phát triển thành phố nên tôi thấy hoàn toàn hợp lý khi Jay thành lập một trung tâm nghiên cứu y khoa ở ngay tâm khu vực kinh tế của Grand Rapids, rất gần bệnh viện Spectrum Health. Cậu ấy đồng ý và tiến hành định vị một khu vực thích hợp nằm ở phía Tây bệnh viện. Sau đó ít lâu, một viện nghiên cứu đẹp đẽ có tên Viện nghiên cứu Van Andel đã được dựng nên.
Tiếp theo đó là sự xuất hiện của Trung tâm Tim mạch Meijer cao 12 tầng. Chiến dịch quyên góp cho công trình này là chiến dịch gây quỹ lớn nhất trong lịch sử thành phố tính tới thời điểm đó và nằm dưới sự điều hành của nhóm ba người: ông Bob Hooker – thành viên Ban quản trị bệnh viện Spectrum, ông Earl Holton – một nhà lãnh đạo cộng đồng và Dick – con trai chúng tôi. Trong số các mạnh thường quân, bà Lena Meijer và người chồng quá cố của bà, ông Fred Meijer, đã đóng góp nhiều nhất cho trung tâm. Ngày nay, trung tâm tim mạch này đã trở nên nổi tiếng với cơ sở vật chất hoàn hảo, đội ngũ chuyên gia lành nghề và chất lượng dịch vụ không chê vào đâu được. Ca cấy ghép tim đầu tiên ở Grand Rapids đã được thực hiện tại Trung tâm Meijer. Chúng tôi cũng đã mời được các chuyên gia tim mạch hàng đầu thế giới về trung tâm nên dường như khu vực của chúng tôi sẽ là điểm đến tương lai cho các ca tim mạch tầm cỡ quốc tế.
Sát bên Trung tâm Tim mạch Meijer là Bệnh viện Nhi đồng Helen DeVos, công trình đi vào hoạt động vào ngày 11/1/2011. Bác sĩ Luis Tomatis (một chuyên gia nhi khoa kỳ cựu mà các bạn sẽ gặp lại ở các chương sau) đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc thuyết phục mở một bệnh viện nhi đồng ở Grand Rapids. Ông đã thành công khi bệnh viện Spectrum Health đồng ý bổ sung một tòa nhà nhằm phục vụ điều trị trong lĩnh vực nhi khoa và phụ khoa, tòa nhà này khánh thành vào năm 1993. Mặc dù việc để hai chuyên khoa hoạt động cùng nhau có vẻ hợp lý, mọi người sớm nhận ra rằng cả hai có những nhu cầu rất khác nhau và cần không gian cũng như trang thiết bị riêng biệt. Vì số lượng bệnh nhi càng lúc càng tăng, tòa nhà cũ không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các bé đến chữa trị nên một lần nữa, bác sĩ Tomatis tìm kiếm một cơ sở khác chỉ dành riêng cho việc điều trị trẻ nhỏ. Vì DeVos đã là tên của trung tâm nhi khoa hiện thời, ông ấy nghĩ có lẽ chúng tôi có thể tham gia dự án một lần nữa. Chúng tôi đã đồng ý, nhưng lần này tôi yêu cầu đặt tên bệnh viện là Bệnh viện nhi đồng Helen DeVos. Các con và các cháu chúng tôi đều ưng thuận và cùng nhau, chúng tôi đã trao tặng một món quà có ý nghĩa cho dự án. Bác sĩ Tomatis là người phát quả bóng đầu tiên để giờ đây, một tòa nhà màu xanh biển mát rượi đang cứng cáp đứng trên một ngọn đồi trên đường Michigan, nơi các cô cậu bé đến để nhận được sự chăm sóc chuyên nghiệp và tận tình từ các chuyên gia.
Giờ đây khi nhớ lại, tôi vô cùng cảm kích vì sự tái thiết thành phố Grand Rapids đã có được một khởi đầu hiệu quả, kéo theo sự ủng hộ của cả cộng đồng. Một ý tưởng dù tốt đến đâu, nếu thiếu sự ủng hộ của người khác thì nó sẽ trở thành một ý tưởng chết. Đã biết bao nhiêu lần tôi học được rằng để mọi người bước lên và chung tay làm việc vì một mục tiêu, đầu tiên ta cần có một người thể hiện sự quan tâm và ý định giúp đỡ chân thật. Vậy nên, chúng tôi đã có thể góp phần vào sự hình thành một nền văn hóa cho đi và tương trợ ở cộng đồng mình. Cũng vì thế, chúng tôi biết ơn và tự hào.
Ngày hôm nay, khi những người mới dọn tới thành phố Grand Rapids này hỏi tôi làm thế nào để làm quen với nhiều người, tôi bảo họ: “Anh hãy tới buổi gây quỹ gần nhất và quyết định đóng góp. Hãy để mọi người biết anh là một người sẵn sàng giúp đỡ người khác và ngay lập tức anh sẽ có một tá bạn mới”. Tất nhiên là tôi chỉ đùa thôi, có điều thông điệp của tôi rất rõ ràng: Nếu bạn muốn cuộc đời mình mỗi ngày một giàu thêm, bạn cần học cách cho đi tiền bạc, thời gian và sự giúp đỡ. Ai cũng có thứ gì đó mà họ có thể cho đi. Cho đi là một niềm vui và người cho đi là người tham dự vào cuộc chơi chứ không phải chỉ là kẻ đứng ngoài quan sát.
Tôi nhận được niềm vui không chỉ từ sự cho đi, mà còn từ việc tôi đã công nhận những con người sẵn sàng giúp đỡ người khác. Bởi họ là những người có tinh thần cộng đồng, khả năng lãnh đạo và lòng bác ái trong việc tạo nên một nền văn hóa mà người người đều tham gia làm giàu cuộc sống.