Chương 14Lòng yêu nước
Tôi luôn yêu đất nước mình và tự xem mình là một người ái quốc. Tuy vậy, tôi bị chỉ trích vì đã phát biểu quá nhiệt thành về sự tự do, về kinh doanh tự do và về lòng yêu nước. Những ngày đầu ở Amway, khi giới thiệu tên và logo của công ty với ba màu đỏ, trắng và xanh dương, nhiều người đã buộc tội chúng tôi lợi dụng hình ảnh quốc kỳ Mỹ để quảng bá sản phẩm. Tôi diễn thuyết bài “Bán hàng kiểu Mỹ” vào thập niên 70 của thế kỷ 20, thời kỳ mà chủ nghĩa ái quốc đã trở nên hơi lỗi thời và thậm chí là cổ lỗ sĩ trong tư tưởng của nhiều người Mỹ. Nhiều công dân cảm thấy ngượng ngùng khi đứng lên hát quốc ca trước mỗi trận bóng, hoặc e dè mỗi khi đặt tay lên ngực mỗi khi quốc kỳ lướt ngang qua. Nhiều người đã hỏi tại sao tôi lại thể hiện lòng yêu nước của mình một cách mạnh mẽ đến vậy, tại sao lại cương quyết bảo vệ sự tự do và quyền kinh doanh tự do ở nước Mỹ. Có lẽ họ không nhận ra và không trân trọng sự hy sinh của biết bao người đi trước trong quá trình liên tục bảo vệ và gìn giữ sự tự do cho đất nước, kể từ khi Hoa Kỳ giành được độc lập vào năm 1776 và Những người cha lập quốc(*) ký vảo Bản Tuyên ngôn Độc lập (với lời thề sẽ hy sinh cả Mạng sống, Tài sản và Danh dự thiêng liêng của họ) cùng với Bản Hiến pháp Hoa Kỳ.
Hẳn các bạn còn nhớ tôi đến tuổi trưởng thành đúng vào lúc thanh niên được gọi vào chiến đấu trong Thế chiến thứ hai. Hitler, Stalin và Tojo là những nhân vật của hiện thực vì chúng tôi đã sống qua cái thời họ còn hùng bá (khi đó nước Nga của Stalin vẫn là đồng minh của Hoa Kỳ trong chiến tranh). Khi tôi học trung học, không quân Luftwaffe của Hitler thường xuyên thả bom xuống nước Anh. Mục tiêu của ông ta là chiếm lấy Anh quốc rồi dùng nơi này làm bàn đạp để vượt biển và thôn tính Hoa Kỳ. Ông ta muốn thêm đất nước của chúng tôi vào đế chế phát xít đang ngày một bành trướng. Hitler được xem là kẻ thù số một của nước Mỹ. Rồi khi hải quân của chúng tôi bị không quân Nhật tấn công ở Trân Châu cảng, nước Mỹ quyết định tham gia Thế chiến thứ hai ở châu Âu – đó cũng là lúc nước Anh đang trong tình thế nguy cấp và cần đến sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Dù là ở trường hay quanh bàn ăn tối, chúng tôi đã tranh cãi về khả năng thế giới bị phân hai, một dưới quyền thống trị của Đức và phần còn lại thuộc về Nhật. Chúng tôi đều biết rằng nước Mỹ buộc phải chiến thắng trong Thế chiến thứ hai, nếu không chúng tôi sẽ mất tất cả. Hằng ngày, báo chí đưa tin về việc những vùng lãnh thổ từ châu Âu tới tận Thái Bình Dương bị quân phát xít chiếm đóng, rồi quân đội ở các nước sở tại đã giành lại hay đã sạch bóng quân thù. Nước Mỹ được xem như phòng tuyến cuối cùng trước chủ nghĩa độc tài bạo ngược.
Chiến tranh bùng nổ trong suốt những năm tôi học trung học. Ngay khi vừa đủ 18 tuổi, tôi được gọi nhập ngũ và đã lên đường để bảo vệ đất nước trước nguy cơ Hoa Kỳ đánh mất nền độc lập, tự do trước tình trạng chủ nghĩa độc tài đang lan rộng ở châu Âu và khu vực Thái Bình Dương. Vì đã biết trước việc sẽ nhận lệnh nhập ngũ, tôi chọn tình nguyện đăng ký vào Không quân ngay khi còn đi học, và ba tuần sau lễ tốt nghiệp thì tôi nhận được giấy gọi vào quân đội. Không chỉ riêng tôi mà tất cả thanh niên khỏe mạnh, ngay khi đủ 18 tuổi sẽ xung phong đi lính hoặc được chọn ngẫu nhiên nếu họ không nằm trong diện phải ở lại hậu phương để thực hiện những công tác cần thiết.
Tuy nhiên, tôi đang nửa đường tới mặt trận Thái Bình Dương trên một chiếc tàu chiến thì chiến tranh kết thúc. Tôi được thả xuống hòn đảo nhỏ Tinian ở ngoài khơi Thái Bình Dương, cách phía bắc vùng lãnh thổ Guam khoảng 100 hải lý. Vì căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Tinian cách Tokyo khoảng hơn 480 km nên quân đội Hoa Kỳ đã đặc biệt thiết kế và chế tạo máy bay ném bom B–29 để bay từ căn cứ này tới Tokyo rồi quay lại. Vì trên cả hành trình không có hòn đảo nào phù hợp để hạ cánh nên nhiều máy bay đã không quay về Tinian được vì gặp sự cố giữa đường.
Hoa Kỳ đã lên kế hoạch chiếm toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản, và căn cứ tại đảo Tinian sẽ là điểm tập kết và sơ tán binh sĩ bị thương. Nhưng trước khi cuộc xâm chiếm diễn ra, máy bay Enola Gay(*) đã rời Tinian với một kiện hàng tử thần và tất cả mọi sự chuẩn bị để hòn đảo tiếp nhận 100.000 binh lính có thể bị thương trong quá trình chiếm đóng đã không còn cần thiết nữa. Tôi được điều tới đảo trong đội thực hiện công tác dỡ bỏ và dọn dẹp.
Sau Thế chiến thứ hai lại đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lần này là sự xẻ đôi thế giới giữa phía tư bản và phía cộng sản. Nước Nga không còn là đồng minh với đất nước chúng tôi nữa và đối với người Mỹ, một nỗi sợ hãi mới nảy sinh – nỗi sợ chiến tranh hạt nhân.
Lòng yêu nước trong tôi xuất phát từ những trải nghiệm đó, và nhờ vậy mà tôi có được niềm tin vững chắc rằng bằng mọi giá, nhân dân Mỹ phải bảo vệ được sự tự do của mình để có thể sống theo cách tự chọn. Tôi bắt đầu đứng lên và thể hiện quan điểm của mình và diễn thuyết bài “Bán hàng kiểu Mỹ”, tôi muốn khích lệ người Mỹ nhận thức được và tin tưởng vào sự vĩ đại của đất nước mình, đồng thời giải thích các giá trị cũng như nền tảng đạo đức trong hệ thống chính trị và kinh tế Hoa Kỳ.
Vào cái thời mà nước Mỹ đứng trước hiểm họa xâm lược của những kẻ độc tài chuyên quyền, hầu hết thế hệ người Mỹ trẻ ngày nay chưa ra đời. Với các bạn, có lẽ những mối nguy như vậy không còn quá bức bách, hay thậm chí không còn là sự thật. Nhưng chúng tôi, những người còn sống sót thì biết rằng mọi việc không hề êm ả như vẻ ngoài – đâu đó trên thế giới này, cái ác vẫn tồn tại.
Với tư cách một công dân Hoa Kỳ, tôi đã cố gắng giúp ủng hộ vị thế của các ứng cử viên chính trị, những người tôi nhận thấy có thể phụng sự tốt nhất cho nước Mỹ và chất Mỹ. Lần tham gia vào các sự kiện chính trị đầu tiên của tôi là với ông Gerald R. “Jerry” Ford, lúc ấy vẫn là hạ nghị sĩ. Tôi biết ông Jerry Ford khá rõ vì ông ấy là một nghị sĩ đại diện cho khu vực bầu cử của chúng tôi, đồng thời cũng tham dự hầu hết các sự kiện mà Amway tổ chức vào những ngày đầu công ty mới thành lập. Chúng tôi còn giữ nhiều tấm hình, trong đó ông là khách mời đặc biệt tại các buổi lễ khánh thành. Ông thậm chí còn giúp quảng bá dòng sản phẩm thuốc xịt không khí đầu tiên của chúng tôi. Ông Ford đã chứng kiến sự trưởng thành của Amway và giữa chúng tôi có một sự cộng tác chính trị lâu bền. Chúng tôi cũng được làm việc với ông Guy Vander Jagt, hạ nghị sĩ đại diện cho khu vực nằm ở phía Tây của trụ sở Amway. Chúng tôi hợp tác để quyên tiền vì ông Guy là một người kêu gọi sự ủng hộ để bầu nhiều thành viên đảng Cộng hòa vào Nghị viện hơn. Cùng những người khác, chúng tôi lập nên một tổ chức gây quỹ có tên Hội đồng Lãnh đạo các nghị sĩ Cộng hòa (tức Republican Congressional Leadership Council – RCLC) nhằm khuyến khích người dân ủng hộ tài chính và tham gia vào công tác gây quỹ. Số tiền chúng tôi nhận được không nhiều, nhưng từng đồng một đều có ý nghĩa. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng tôi muốn tạo được một sự chú ý nhất định về tình hình của đảng Cộng hòa nói riêng và tình hình chính trị đất nước nói chung. Việc này diễn ra dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, khi ông George H. W. Bush còn là Phó Tổng thống. Ngài Phó Tổng thống và phu nhân đã rất rộng lượng khi thường lui tới các lần gặp gỡ của Hội đồng Lãnh đạo các nghị sĩ Cộng hòa trong suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Reagan.
Jay và tôi ủng hộ ông Reagan trong thời gian ông tại vị (mặc dù trong chiến dịch tranh cử trước đó vào năm 1980, tôi ủng hộ ông George W. H. Bush). Sự ủng hộ của chúng tôi đối với ông Reagan không được biểu hiện một cách trực tiếp mà thông qua các bài quảng cáo trên những tạp chí nổi tiếng. Với tư cách cá nhân, chúng tôi không thực sự hoạt động trong chiến dịch tranh cử nhưng vẫn rất ủng hộ các nguyên tắc kinh doanh tự do mà ông Reagan đề ra. Tôi nhớ rằng hồi đó, chúng tôi là những người duy nhất cho đăng các quảng cáo kiểu đó vì chúng hẵng còn là các ý tưởng chính trị mới mẻ. Chúng tôi muốn các nhà phân phối và khách hàng biết rằng chúng tôi ủng hộ ông Reagan với niềm hy vọng rằng họ cũng sẽ ủng hộ ông ấy. Niềm hy vọng đó hóa ra là có cơ sở, vì khá nhiều người đã bầu cho ông Reagan. Chúng tôi cũng nghĩ rằng các bài quảng cáo sẽ giúp các nhà phân phối của Amway thấy được tầm quan trọng của sự tự do trong kinh doanh.
Nhưng chính mối quan hệ của tôi với Nghị sĩ Guy Vander Jagt mới dẫn tới việc tôi được Tổng thống Reagan bổ nhiệm làm Chủ tịch tài chính của Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa (tức Republican National Committee – RNC). Khi nghĩ lại thì lúc đó, đáng ra tôi phải đặt thêm nhiều câu hỏi hơn trước khi nhận lời.
Gần như ngay sau khi đồng ý, tôi nhận ra mình quá bận rộn với Amway nên sẽ rất khó mà dành thời gian cho một tổ chức khác (tức tôi phải đảm nhiệm tới hai công việc toàn thời gian cùng một lúc). Việc này lại kéo theo hai sai lầm: Đầu tiên, không có công việc nào mà tôi dành toàn tâm toàn ý được. Thứ hai, khi giữ vị trí chủ tịch tài chính này, tôi đã đưa ra hai ý kiến: những người tới dự các buổi đóng góp sẽ tự trả tiền nước (vì nếu không, chi phí đó sẽ được trích ra từ quỹ của đảng Cộng hòa), và cần phải xem xét lại chuyện lương bổng của những “khúc gỗ chết” (từ chỉ những chuyên viên tư vấn không có công việc cụ thể nhưng vẫn được hưởng lương đầy đủ).
Từ góc độ một nhà kinh doanh, tôi thấy việc nỗ lực gây quỹ rồi dùng tiền quỹ chi trả cho các hoạt động cá nhân là phi lý. Tôi cũng thấy đã đến lúc phải sáng suốt hơn trong việc quản lý nhân sự. Có điều, không ý kiến nào được thực hiện. Mặc dù một nhà hảo tâm hay một công ty rộng rãi sẽ nhận được thiệp mời, họ thường cử đại diện của mình tới các buổi gặp gỡ và những người này thường chỉ chăm chăm vào việc ăn uống no nê miễn phí. Còn các “khúc gỗ chết” thì như được tái sinh và họ phản ứng kịch liệt khi một phần lương bổng nào đó bị cắt giảm, bất kể họ có làm việc hay không.
Khi nhận ghế chủ tịch, tôi từng nói: “Tôi chưa từng xin ai trong chính phủ làm bất cứ việc gì cho mình. Tôi nhận trách nhiệm này vì tôi tin vào những gì mà đảng Cộng hòa luôn đấu tranh và bảo vệ: tự do và nền kinh tế tự do, cũng như quyền cá nhân cho tất cả công dân Hoa Kỳ. Bảo vệ những điều trên là động cơ cơ bản của tôi”. Tôi yêu cầu được xem các báo cáo tài chính của Ủy ban, vì tôi nghĩ rằng việc gây quỹ sẽ thuận lợi hơn nếu tôi biết rõ tình hình tài chính. Yêu cầu này không được chấp thuận.
Có một vài thành viên trong Ủy ban cũng thuộc Hội đồng Lãnh đạo đảng Cộng hòa như tôi và cũng muốn tổ chức những sự kiện để tri ân các nhà đóng góp nhỏ. Tuy là không quá đồ sộ nhưng tích tiểu thành đại, những nhà đóng góp này đã giúp chúng tôi có một khoản kinh phí không hề nhỏ. Họ cũng là những cử tri năng nổ, tham gia hầu hết các sự kiện và xứng đáng nhận được lời cảm ơn từ chúng tôi. Việc này cũng không được chấp thuận.
Giữ chức Chủ tịch tài chính cho Ủy ban là một kinh nghiệm đáng quý về trách nhiệm, nó cũng có một số ý nghĩa giáo dục nhất định. Nhưng khi sự phản đối bắt đầu lấn lướt lòng ủng hộ, đã đến lúc tôi cần từ chức.
Nhưng chuyện đó không có nghĩa là tôi chối bỏ trách nhiệm của mình với chính phủ và các nghĩa vụ của một công dân. Tôi có vài người bạn ở Washington D.C. và nhận được sự ủng hộ từ một số quan chức chính phủ vì những gì mà tôi đại diện. Khi Tổng thống Reagan thành lập một ủy ban để đối phó với tình trạng bệnh AIDS lây lan, ông Guy Vander Jagt gợi ý rằng tôi nên tham gia. Ông ấy rõ ràng là đã thành công trong việc đưa tên tôi lên đầu danh sách, và Tổng thống Reagan đã yêu cầu tôi cùng một vài người khác, thành lập ủy ban.
Qua những hoạt động trong ủy ban phòng chống AIDS và gây quỹ cho đảng Cộng hòa, tôi có cơ hội quen biết Tổng thống Reagan. Ông từng có vài lời với các thành viên ủy ban ở Phòng phía Đông(*) trong Nhà Trắng. Tôi cũng trò chuyện với ông vài lần sau cánh gà ở các hội nghị chúng tôi cùng có bài phát biểu.
Trong lần kỷ niệm một năm ngày Tổng thống Reagan nhậm chức, tôi chủ trì một buổi gây quỹ lớn tại khách sạn Hilton ở Washington, D.C.. Với tư cách này, tôi hân hạnh được ngồi ở phòng nghỉ cùng Tổng thống Reagan, Phó Tổng thống Bush và hai vị phu nhân. Và chúng tôi đợi ngài Tổng thống sau sân khấu trong khi ông ra chào khán giả, những người đang hân hoan ngồi chật kín khán phòng. Ông đã bị một đài truyền hình quốc gia tấn công bằng một loạt các câu hỏi nhì nhằng và cảm thấy thật sự “khốn nạn” (ông đã dùng đúng từ này), áo xống thì ướt đẫm mồ hôi lúc quay lại phòng nghỉ. Ông cùng phu nhân là bà Nancy, Phó Tổng thống và phu nhân Barbara, và tôi ngồi trò chuyện. Đó là một dịp hết sức đặc biệt, hoàn toàn không được ghi hình còn tôi thì được thấy ngài Tổng thống là chính mình – một cơ hội hiếm có.
Khi bạn có một sự thân thiết nhất định với các Tổng thống, được ngồi ở hậu trường cùng các vị ấy, bạn sẽ nhận ra họ cũng là con người với các nỗi lo cùng mối quan tâm giống bạn. Họ luôn nghĩ về việc bảo vệ Hoa Kỳ và nền tự do của đất nước, và ưu tiên hàng đầu của họ luôn là phụng sự tổ quốc. Chúng ta cần nhiều người như vậy hơn nữa trong bộ máy chính quyền.
Vào năm 2001, Helen và tôi lên tiếng ủng hộ việc thành lập tại thành phố Philadelphia một trung tâm có tên Trung tâm Hiến pháp Quốc gia (tức National Constitution Center). Tờ Philadelphia Inquirer đã viết về sự cố gắng của chúng tôi: “Nỗ lực của họ mang tinh thần ái quốc chứ không có tính bè phái”. Khi viện bảo tàng trong trung tâm mở, chúng tôi quyết định ủng hộ kinh phí thêm một lần nữa và không có ý định dừng lại ở đó. Giúp đỡ các công dân Hoa Kỳ – đặc biệt là những công dân trẻ – hiểu và trân trọng Hiến pháp là một nhiệm vụ thiêng liêng và quan trọng với chúng tôi. Trung tâm Hiến pháp là một thành tựu nữa trong một chuỗi những nỗ lực to lớn để mọi người có thể hiểu về sự ra đời của nước Mỹ, đồng thời lan tỏa lòng biết ơn đối với nền tự do chúng tôi đang thụ hưởng. Tờ Inquirer đã đúng: Chúng tôi tham gia vào dự án vì lòng yêu nước. Tôi nghĩ hiện giờ tính bè phái đã ăn sâu vào chính phủ và lan ra cả nước, trong khi tinh thần ái quốc lại quá hiếm hoi.
Chúng tôi biết mình cần nhắc nhở công dân nước Mỹ và cả những người đại diện cho công dân trong chính phủ về Bản Hiến pháp Hoa Kỳ, về những điều mà văn bản này đại diện cũng như những điều được ghi trong đó. Mọi thứ đều khởi đầu từ chính ngôi nhà của bạn: Amway bắt đầu truyền cảm hứng cho các nhà phân phối về lòng trân trọng hình thức kinh doanh tự do, các giá trị Hoa Kỳ và các nguyên tắc quản lý nhà nước. Chúng tôi tổ chức một buổi tiệc cho các nhà phân phối hàng đầu ở Mount Vernon, quê hương của George Washington, vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Sự kiện thành công rực rỡ và nhiều người nhận thức được tầm vóc vĩ đại của George Washington, trong vai trò một vị tướng lỗi lạc và một chính khách thiên tài đối với sự ra đời của nước Mỹ. Ngay từ ban đầu, Hoa Kỳ đã là đất nước có nhiều thành tựu nhất. Thế nhưng lối sống của người Mỹ lại không được mọi quốc gia nhìn nhận đúng đắn và điều này làm chúng tôi phải suy nghĩ lại. Trách nhiệm của công dân là biết rõ chuyện gì đang diễn ra – không chỉ gói gọn trong việc hiểu rõ lập trường chính trị của những ứng cử viên mà mình bầu chọn, mà còn là nhìn ra được hướng đi của họ trên bình diện quốc tế. Chúng tôi cần nắm vững lịch sử để thấy được những gì đã và đang diễn ra trên thế giới, để đất nước chúng tôi không mắc phải những sai lầm trong quá khứ.
Những người tôi gặp tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia đều hiểu biết về lịch sử nước Mỹ, nhưng cũng có rất nhiều người không được như vậy. Không mấy người nhớ các điều mà Những người cha lập quốc đã viết trong Hiến pháp cũng như tại sao họ làm vậy. Nhiều người không hiểu và không trân trọng việc ngài
George Washington quyết định chỉ làm tổng thống hai nhiệm kỳ (một việc làm đi trước thời đại, trước khi nước Mỹ thay đổi Hiến pháp và giới hạn số nhiệm kỳ tổng thống). Ngài Washington tin rằng hai nhiệm kỳ là đủ, rằng người Mỹ cần chọn ra một tổng thống khác để cho cả thế giới thấy rằng Hoa Kỳ đã thực sự là một quốc gia dân chủ cộng hòa chứ không còn vương vấn gì với chế độ quân chủ, cũng không nằm dưới sự cai trị của một thế lực độc tài nào. Ngài không hề thèm khát quyền lực mà vị trí tổng thống mang lại – ngài chỉ muốn được phụng sự trọn vẹn cho đất nước rồi trở về với vị trí bình dị của mình tại quê nhà.
Song sự thật là không phải ai cũng được như Cố Tổng thống Washington. Đất nước chúng tôi tuy đã có nhiều sự phát triển, chính phủ đã được mở rộng, các ứng cử viên được bầu chọn thì càng lúc càng hào hứng với việc đi tới Washington D.C., song họ lại bớt hứng thú hơn khi nhắc tới chuyện về nhà khi nhiệm kỳ kết thúc. Tái bầu cử trở thành một mặt trận mới và rất nhiều nghị sĩ đã rất khôn ngoan khi họ né tránh đưa ra các ý kiến dẫu đúng đắn và có lợi cho đất nước nhưng lại bất lợi cho cá nhân họ trong những lần bầu cử sau. Họ không cưỡng lại được sức hút của việc ngồi chiếu trên, hay thậm chí là được đứng cạnh bên chiếc ghế quyền lực. Nhiều người ra tranh cử được lâu chừng nào hay chừng đó và từ chối rời Washington D.C. ngay cả khi họ không còn dính dáng gì tới chính phủ. Họ trở thành luật sư hoặc những người vận động hành lang tại các công ty lớn ở thủ đô vì hầu hết mọi hoạt động chính trị đều xảy ra ở đó. Từ ý nghĩa phục vụ người dân, các dịp tranh cử và những chiếc ghế ở Nghị viện đã bị một số cá nhân biến tướng đi để nhằm thỏa mãn cái tôi của mình và rồi họ rất khó dứt ra.
Bên cạnh đó, mức sống ở Washington D.C. không hề rẻ. Lấy ví dụ như ông Jerry Ford, người từng làm hạ nghị sĩ trong nhiều năm rồi được Tổng thống Nixon bổ nhiệm làm Phó Tổng thống, rồi trở thành Tổng thống sau khi Tổng thống Richard Nixon phải từ chức vì vụ bê bối Watergate. Mặc dù đã đảm nhiệm những vị trí rất quan trọng trong chính trường Hoa Kỳ, cuộc sống của ông Ford hết sức túng thiếu. Ông phải dựa vào những đồng lương Phó Tổng thống đầu tiên của mình để trả tiền thế chấp nhà và nuôi bốn người con vào đại học. Số tiền ông nhận được đủ sống nhưng không đủ để lo cho ông khi về hưu. Sau khi mãn nhiệm Tổng thống, ông làm việc trong ban quản lý của một số công ty quốc gia để có thêm thu nhập. Ngày hôm nay, làm việc trong Nghị viện Hoa Kỳ là một nghề có thu nhập và trợ cấp rất tốt, nhưng điều này còn phụ thuộc vào việc bạn còn được làm nữa hay không. Đây cũng là lý do khiến nhiều người chấp nhận tốn tiền bạc, thời gian và công sức để được tái đắc cử.
Tôi cho rằng không một quan chức quốc gia nào nên được giữ một chức vụ vô thời hạn. Jay và tôi đã nói chuyện với nhau về vấn đề này và thấy rằng việc giới hạn nhiệm kỳ chính là câu trả lời. Chúng tôi đã cùng nhau lập ra một ủy ban và mời ông John Eisenhower, con trai Cố Tổng thống Dwight Eisenhower, làm chủ tịch. Mọi sự không được suôn sẻ và chúng tôi ý thức được rằng nó sẽ càng khó khăn hơn ở cấp quốc gia, tuy nhiên một vài bang cũng đã thông qua luật giới hạn nhiệm kỳ. Tuy vậy, bang không thể giới hạn nhiệm kỳ của các thành viên ở hạ viện và thượng viện mà để làm việc đó, Hiến pháp phải được sửa đổi. Vậy nên chúng tôi buộc phải hài lòng với thành quả ở cấp bang mà thôi.
Dù vậy, giới hạn nhiệm kỳ nên được áp dụng rộng rãi.
Nghị viện đã thông qua vô số luật mới kể từ khi Amway được thành lập và tôi không tin rằng người khác có thể sao chép triệt để những gì chúng tôi gầy dựng nên. Hậu quả của việc tăng thuế đã được chứng minh. Sự tự do cũng bị giới hạn trên nhiều phương diện. Dựa dẫm vào trợ cấp từ chính phủ ngày càng nghiêm trọng và tính bè phái đã thấm sâu vào mọi ngõ ngách đời sống. Hoa Kỳ không còn được xem là “thành phố rực sáng trên đồi”(*) nữa.
Bên kia đại dương, kinh tế châu Âu đang tụt dốc không phanh vì các khoản nợ của chính phủ và sự lệ thuộc vào các dịch vụ công. Ở Trung Đông, nhiều người đấu tranh dân chủ đang bị các thế lực mong muốn một điều khác phản đối kịch liệt. Ở châu Phi, rồi một vài khu vực khác có khí hậu ôn hòa và tài nguyên phong phú khác, những người dân bình thường muốn được lao động thì đang bị những kẻ độc tài và chính quyền hủ bại áp bức.
Vậy thì làm thế nào để chúng tôi, những công dân Hoa Kỳ, có thể tạo được những thay đổi cần thiết nhằm thích ứng với những hoàn cảnh mới trong nước và quốc tế trong khi vẫn giữ được sự tự do và quyền tự quyết của mình? Không có giải pháp nào có thể thực hiện dễ dàng. Vậy nên mỗi công dân Hoa Kỳ phải luôn thận trọng, trước hết là không được tự cho phép bản thân chà đạp lên các giá trị đạo đức và sự tự chủ quý giá, vốn là nền tảng của đất nước. Chúng tôi cần phải là những người nhận được sự giáo dục và thông tin đầy đủ, là những người bỏ phiếu và chọn ra các ứng cử viên biết đặt việc phụng sự người dân và đất nước lên đầu và nhận lấy mọi trách nhiệm “chính danh” với vị trí của mình. Phải có những con người trung thực và trung kiên (bất kể chủng tộc, xuất thân hay đảng phái) vai kề vai, cùng chung sức giữ gìn các giá trị truyền thống thì dẫu hoàn cảnh có ra sao, Hoa Kỳ vẫn có thể duy trì sự thịnh vượng.