Chương 15Khát vọng từ trái tim
Như đã đề cập, tôi bị bệnh tim và năm 71 tuổi, tôi phải phẫu thuật ghép tim nhân tạo. Sở dĩ tôi giữ được mạng sống của mình trong suốt 17 năm qua là nhờ một bác sĩ phẫu thuật tim nổi tiếng ở London. Có điều ban đầu, tất cả các bệnh viện và bác sĩ ở Mỹ mà tôi liên lạc đều từ chối phẫu thuật vì tôi đã lớn tuổi. Phải kiên trì tìm kiếm mãi, tôi mới gặp được một bác sĩ đồng ý phẫu thuật, cũng như tìm ra một trái tim phù hợp. Chúa trời đã đáp lại lời cầu nguyện của tôi, và tôi có thể tiếp tục tận hưởng cuộc đời này. Hẳn Người vẫn còn các kế hoạch và mục đích khác cho sự tồn tại của tôi. Tôi sống và luôn ghi nhớ kỹ điều đó.
Vài năm trước, gia đình tôi tổ chức buổi kỷ niệm 15 năm ngày tôi được ghép tim. Tất cả chúng tôi đều hết sức sững sờ khi nhận ra vào lúc tôi trải qua ca phẫu thuật thập tử nhất sinh đó, hầu hết các cháu tôi còn rất nhỏ, có đứa thậm chí còn chưa ra đời. Vài cháu nói với tôi: “Suýt chút nữa là cháu đã không bao giờ được gặp ông rồi”. Còn theo cách nhìn của tôi, suýt chút nữa là tôi đã không bao giờ được gặp các cháu và nhìn thấy chúng lớn lên thành những con người độc đáo như hôm nay.
Nếu như không có một trái tim mới, có lẽ tôi đã không thể làm được ngần ấy việc trong suốt từng ấy năm. Đó là xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Helen DeVos, ủng hộ tài chính và giúp gây quỹ xây trung tâm hội nghị DeVos và xây khách sạn JW Marriott ở khu kinh tế của thành phố Grand Rapids. Rồi trường cũ của tôi, trường Trung học Kitô giáo Grand Rapids, giờ có thêm Trung tâm Nghệ thuật và Tôn giáo DeVos (để toàn thể học sinh có thể đến và bày tỏ tình yêu với Đức Chúa), cũng như một thính phòng rộng rãi để các em học sinh có sân khấu thể hiện tài năng âm nhạc và kịch nghệ.
Tôi cũng rất vui khi thấy ở hành lang thính phòng là một chiếc Ford xếp mui mô-đen A giống y như chiếc Jay và tôi từng lái tới trường, nó được trưng bày như một lời nhắc về sự khởi đầu một tình bạn bền chặt giữa chúng tôi. Những dự án khác bao gồm một sân vận động mới cho Đại học Hope ở thành phố Holland, bang Michigan; các trung tâm y tế ở khu Medical Mile, thành phố Grand Rapids; một tòa nhà dành riêng cho ngành Công nghệ thông tin ở Đại học Calvin, thành phố Grand Rapids; và một phòng trưng bày ở Trung tâm Hiến pháp Quốc gia. Tôi không có ý khoe khoang, tôi viết ra là vì muốn các bạn biết rằng tôi đã tìm được một nguồn cảm hứng dồi dào lúc cận kề cái chết. Thiên Chúa đã ban phúc cho tôi bằng cách kéo dài cuộc sống nên tôi dành hết vinh quang cho Người.
Tim tôi đã không khỏe từ nhiều năm rồi. Tôi từng bị một cơn thiếu máu cục bộ tạm thời mà theo lời cảnh báo của các bác sĩ, rất có thể nó sẽ dẫn tới một cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Nghe theo lời bác sĩ khuyên, tôi chuyển sang một chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch, dùng thuốc để giảm cholesterol trong máu, tập thể dục hằng ngày. Tuy vậy, tôi biết rõ là một khi đã có bệnh, tôi không thể dừng hay đảo ngược bệnh tình của mình được. Ít lâu sau cơn thiếu máu cục bộ, kết quả xét nghiệm cho thấy động mạch tôi có dấu hiệu tắc nghẽn và tôi được chỉ định đi gặp bác sĩ ngay. Nhưng tôi lại quyết định đi cùng các con trong một chuyến đua thuyền xuôi theo hồ Michigan tới thành phố Milwaukee dịp cuối tuần và lễ Quốc khánh 4 tháng 7. Tôi là một thành viên của thủy thủ đoàn. Tôi đang siết ốc dưới khoang tàu thì thấy ngực nhói đau. Biết là có vấn đề, tôi gọi điện ngay cho bác sĩ khi cập bến Milwaukee. Bác sĩ yêu cầu: “Hãy bay về nhà ngay. Tôi muốn gặp ông”.
Bác sĩ của tôi, ông Luis Tomatis, xem xét các kết quả rồi bảo: “Ông hãy nghỉ ngơi hết những ngày còn lại của kỳ cuối tuần này. Nhưng ngay sau đó ông phải phẫu thuật để ngăn chặn nguy cơ nhồi máu cơ tim”.
Ông ấy đã thực hiện cuộc phẫu thuật và sức khỏe của tôi tương đối ổn trong suốt tám năm sau đó. Nhưng tình trạng tắc động mạch vẫn tiến triển theo chiều hướng xấu, và vào đầu tháng 12 năm 1992, tôi bị một cơn nhồi máu nghiêm trọng. Các bác sĩ làm chủ được tình hình sau vài ngày, rồi tôi bay tới Viện Cleveland để đặt stent – một kỹ thuật tiên tiến mà lúc bấy giờ chỉ có một số ít bệnh viện thực hiện được. Tôi tới nơi vào tối thứ Sáu và bác sĩ Tomatis yêu cầu các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật ngay lập tức.
– Chúng tôi sẽ tiến hành phẫu thuật vào sáng mai… nếu ông ấy còn sống. – Bác sĩ phẫu thuật trưởng đã trả lời như vậy.
Ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp, nhưng phần tim bên phải của tôi đã chết sau cơn đau tim và giờ tôi phải hết sức cẩn thận với sức khỏe của mình. Chỉ cần đi bộ một quãng xa là tôi sẽ thấy mệt. Tôi phải tới bệnh viện định kỳ để lấy dịch ra khỏi người vì tim tôi không còn đủ mạnh để bơm dịch đi nữa. Trong suốt những lần đó, tôi đã sụt khoảng 6 – 8 kg.
Hồi đầu năm 1992, tôi cũng từng bị một cơn đột quỵ. Với sức khỏe càng lúc càng suy giảm và trái tim cần nghỉ ngơi nhiều, tôi từ chức Tổng Giám đốc điều hành Amway và yêu cầu Dick, con trai tôi, quay lại công ty để đảm nhận vị trí đó. Đấy là một điều tốt vì nếu có Dick làm Tổng Giám đốc điều hành, tôi không còn lo lắng gì nữa về tương lai của Amway. Mặt khác, tôi phải chấp nhận rằng tất yếu, cuộc sống của tôi bị giới hạn ở rất nhiều mặt. Mỗi lần đi bộ, tôi chỉ đi được những quãng ngắn và phải ngồi xuống nghỉ sau mỗi quãng.
Bác sĩ Rick McNamara là chuyên gia tim mạch của tôi và ông cảnh báo: “Sức khỏe ông sẽ dần đi xuống”. Cuối năm 1996, ông ấy cùng bác sĩ Tomatic gặp Helen và tôi để báo rằng nếu muốn sống lâu hơn, tôi cần được ghép tim.
Thông báo ấy khá bất ngờ, song không lấy gì làm thú vị. Tôi đã cố ý không suy nghĩ nhiều về bệnh tình của mình, tiếp tục đi chỗ này chỗ kia, không đi bộ nhiều, cũng không làm gì nặng, tôi vờ như mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Nhưng rõ ràng là mạng sống của tôi sắp không thể kéo dài hơn nữa, tôi phải đối mặt với sự thật là cơ thể mình cần một trái tim mới.
Tôi không biết là mọi việc đã được tiến hành từ trước. Bác sĩ Tomatis đã liên lạc với tất cả các trung tâm cấy ghép trên khắp nước Mỹ trong hai năm vừa qua để xem họ có chịu ghép tim cho tôi không. Ngoài vấn đề tuổi tác, tôi đã bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim và mắc bệnh đái tháo đường, vậy nên việc ghép tim, tự thân nó đã là một nguy cơ to lớn với tính mạng của tôi. Thêm vào đó, máu của tôi thuộc nhóm AB+ hiếm gặp và việc tìm thấy người hiến tim phù hợp sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng bác sĩ Tomatis biết một bác sĩ phẫu thuật ở London và ông ấy đã đồng ý gặp tôi. Đó là Magdi Yacoub, một giáo sư – bác sĩ chuyên phẫu thuật ngực và tim mạch ở bệnh viện Harefield, người nổi tiếng với công trình nghiên cứu các phương pháp cấy ghép hiện đại, cũng như đã có bề dày kinh nghiệm và kỹ thuật điêu luyện trong việc thực hiện cấy ghép tim. Bác sĩ Tomatis nhấn mạnh rằng ông ấy là cơ hội duy nhất của tôi và ông ấy sẽ không quyết định nhận hay không nhận cho tới khi hai bên gặp nhau. Bác sĩ Yacoub đã nắm bệnh án và tình hình của tôi, nhưng ông vẫn muốn gặp tôi trước (hóa ra Dick đã tới London hai năm trước để gặp bác sĩ Yacoub và gửi ông ấy bệnh án, thuyết phục ông xem xét việc ghép tim cho tôi).
Tôi còn nhớ lần mình thông báo với các con và các cháu ngay trước Giáng sinh rằng tôi sẽ tới London để tìm cách cấy ghép một trái tim mới. Chúng tôi không thể nói thêm bất cứ điều gì vì đó cũng là những gì các bác sĩ nói với tôi. Nhưng Helen và tôi có nhiều hy vọng: “Ông sẽ tới London để có một trái tim mới”. Chúa trời đã ban cho chúng tôi một niềm tin vững chắc. Tôi thật sự ngạc nhiên khi nhìn lại tất cả những chuyện đó vào ngày hôm nay, vì khi ấy đã có quá nhiều câu hỏi song lại có quá ít câu trả lời. Giờ đây, khi biết rõ mức độ gian khổ của việc tìm được một trái tim phù hợp, tôi hiểu đối với các bác sĩ, khoảnh khắc phải khẳng định sẽ ghép tim cho một bệnh nhân là khó khăn ra sao. Cả bác sĩ và bệnh nhân chỉ có thể cùng nhau hy vọng.
Khi đến London, bác sĩ Yacoub ngay lập tức hỏi tôi:
– Tại sao ông lại muốn sống? Ông đã có một cuộc sống dài lâu và mãn nguyện rồi mà. Tại sao ông lại muốn sống lâu hơn nữa?
– Chà, vì tôi có một người vợ tuyệt vời, bốn đứa con ngoan ngoãn và một bầy cháu mà tôi muốn được thấy chúng khôn lớn thành người. Tôi muốn làm tất cả những gì tôi có thể để giúp chúng trưởng thành. – Tôi đáp.
Sau này, tôi nhận ra bác sĩ Yacoub muốn gặp trực tiếp là vì ông cần biết chắc là liệu tôi có đủ tinh thần và sức mạnh để vượt qua cuộc phẫu thuật rồi tiếp đến là giai đoạn hồi phục hay không. Rồi liệu tôi có đủ các điều kiện cần thiết không? Tôi có chỗ dựa tinh thần không? Tôi có một gia đình thực sự không? Tôi có những người yêu thương và quan tâm đến tôi không? Và tôi có quan tâm tới họ không? Vậy đấy, đó là những điều cần thiết để vượt qua cuộc ghép tim. Sống sót không chỉ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe mà còn liên quan đến sức mạnh tinh thần – và có lẽ là cả niềm tin nơi Chúa trời. Gia đình và bạn bè luôn giúp tôi bằng những lời cầu nguyện, và tôi biết mình đã có đủ sức cho chặng đường chông gai phía trước.
Sau cuộc trò chuyện, bác sĩ Yacoub khám và lắng nghe nhịp tim của tôi mặc dù ông đã biết tất cả những gì cần biết. Rồi nhìn sâu vào mắt tôi, ông nói: “Tôi sẽ làm hết sức mình”. Đó là những lời tôi và người thân mong chờ bao lâu nay.
– Ông nghĩ sẽ mất bao lâu để tìm thấy người hiến tim? – Tôi hỏi.
– Tôi không biết. Có thể là một tháng, cũng có thể là tuần sau hoặc ngay ngày mai. Mà cũng có thể là sáu tháng. Ông là người cuối cùng trong danh sách chờ, sau các công dân Anh. Hãy ở gần đây, cách khoảng một tiếng đi đường thôi. Hãy tới đây mỗi tuần để chúng tôi kiểm tra và biết chắc là ông vẫn còn đủ khỏe.
Vậy là mỗi thứ Hai, Helen và tôi tới bệnh viện, gặp bác sĩ chuyên khoa tim. Ông ấy sẽ theo dõi các lần xét nghiệm, giải thích kết quả với chúng tôi, và trên thực tế là quản lý luôn việc săn sóc sức khỏe của tôi. Kết quả xét nghiệm cho thấy áp suất máu ở phần tim bên phải là không đủ. Điều đó có nghĩa là bên cạnh việc trái tim phải đến từ một người hiến có nhóm máu phù hợp, nó còn phải có phần tim phải khỏe mạnh.
Bắt đầu rồi – cuộc chờ đợi trái tim mới.
Năm tháng ròng trôi qua và rồi vào một buổi sáng thứ Hai, tôi nhận được điện thoại từ bệnh viện, yêu cầu tôi tới sớm hơn thường lệ vì họ có lẽ đã tìm thấy trái tim phù hợp với tôi. Bác sĩ của tôi đã có sự chú ý từ trước đối với một người phụ nữ từng tới bệnh viện ghép phổi. Người phụ nữ này có nhóm máu hiếm giống tôi, lại thêm tình trạng bệnh phổi của bà quá tệ, buộc trái tim phải làm việc theo cách khiến cho nửa bên phải rất khỏe.
Các bác sĩ đã tìm được người hiến phổi cho bà, có nghĩa là sẽ có một trái tim cho tôi. Bởi vì khi cấy ghép phổi, người ta phải cấy ghép luôn cả trái tim để giảm thiểu nguy cơ loại thải. Bà ấy đã được biết về việc sau khi bản thân được thay phổi và tim, trái tim của bà sẽ dành cho tôi; bà đã đồng ý.
Thật khó để diễn tả hết sự vui sướng của chúng tôi vào buổi sáng thứ Hai hôm đó, khi bệnh viện gọi điện báo rằng đã tìm thấy trái tim phù hợp. Cảm giác thật lẫn lộn – nhẹ nhõm, hân hoan, hy vọng và vui mừng. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ nói với chúng tôi: “Mọi việc đã sẵn sàng. Chúng tôi sẽ giúp ông chuẩn bị cho ca mổ.”
Đầu tiên tôi được tiêm thuốc. Hẳn phải là thứ gì đó làm dịu sự lo lắng, vì tôi thấy khá khỏe khoắn bất chấp việc tôi sắp sửa trải qua một cuộc đại phẫu. Tôi còn nhớ lúc được đẩy tới phòng phẫu thuật trên chiếc băng–ca, tôi đi ngang phòng một bác sĩ tim có những búi tóc xám dựng đứng, thứ tôi vẫn hay đùa là cần cắt ngay. Khi thấy ông ấy, tôi ngồi dậy và đùa thêm một lần nữa: “Bác sĩ này, ông nên đi cắt tóc ngay đi!”
Thời điểm đã đến. Helen nghe tiếng máy bay trực thăng đáp xuống, mang theo phổi và tim cho người phụ nữ. Khi các bác sĩ hoàn tất việc kiểm tra và tiếp nhận, bà ấy được đưa vào phòng phẫu thuật để nhận phổi và tim mới, còn tôi nằm ở phòng phẫu thuật kế bên, chờ tim bà được ghép vào lồng ngực mình.
Sau ca phẫu thuật, sau khi tạm thời thoát khỏi ảnh hưởng của thuốc gây mê, tôi đã thấy một vài thành viên gia đình bên cạnh mình. Các con tôi vẫn nhớ điều đầu tiên tôi nói là: “Chúng ta hãy tạ ơn Chúa!” Những thành viên còn lại của gia đình đang trên đường tới London trong cùng một máy bay. Tất cả đều quỳ gối và cầu nguyện cho tôi. Khi xuống sân bay, chúng nhận tin ca phẫu thuật đang diễn ra tốt đẹp và tới bệnh viện khi tôi đã được mổ xong. Bác sĩ Tomatis cũng đến trên cùng chuyến bay và ở cạnh tôi suốt trong quá trình hồi phục. Mỗi ngày ông đều tới động viên tôi. Bác sĩ McNamara cũng vậy, và sau khi xem xét trái tim cũ của tôi (với sự cho phép của bệnh viện), ông nói: “Nó đã chết từ lâu rồi. Không thể tin được là nó có thể giúp ông sống sót từng ấy năm”.
Tôi được kể rằng sau khi được lấy ra khỏi người chủ cũ khoảng 20 – 30 phút, trái tim đã lại đập trong ngực tôi và nó vẫn hoạt động tốt suốt từ đó đến nay. Về sau, người quen của chúng tôi thường chia sẻ: “Chờ đợi một trái tim hẳn không phải việc dễ dàng nhỉ?” Sự thật là Helen và tôi mỗi sáng đều đọc đi đọc lại những đoạn ưa thích trong chương bốn cuốn Thư gửi tín hữu Philípphê, tiếp tục cuộc sống với sự tin tưởng và niềm thanh tịnh.
Tôi biết việc này nghe thì có vẻ khó tin, nhưng Helen và tôi chưa từng trải qua một ngày ảm đạm nào. Chúng tôi tin rằng “Mọi việc đều diễn ra theo ý Chúa và Người chẳng phạm sai lầm nào”. Trong khoảng thời gian tôi ngày một yếu đi, chúng tôi luôn giữ mình bận bịu với công việc. Luôn có ít nhất một đứa con, đôi khi cùng vợ hoặc chồng chúng, hay có khi là cả gia đình ở cùng với chúng tôi.
Phần tệ nhất trong quá trình phục hồi là những thứ thuốc tôi phải dùng để ngăn trái tim bị đào thải. Liều rất nặng vào những ngày ngay sau phẫu thuật và chúng mang đến những cơn ác mộng kỳ dị và ghê rợn. Có những lúc, tôi phải ngồi vào xe lăn và nhờ được đẩy đi quanh bệnh viện để giữ cho mình tỉnh giấc, tránh khỏi giấc ngủ và những giấc mộng đó.
Một ngày nọ, tôi đang nằm trên giường thì bác sĩ Yacoub đến. Thấy tôi nằm vật vờ, ông nghiêm nghị hỏi:
– Ông đang làm gì trên giường vậy?
– Tôi cũng không biết nữa. Chắc là tôi mệt. – Tôi chống chế.
– Ra khỏi giường ngay đi! Tôi đã thực hiện một việc liều lĩnh vì ông. Ông là một bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao. Tôi thực hiện ca phẫu thuật vì tôi hy vọng ông có thể bình phục. – Ông yêu cầu tôi.
– Cám ơn Chúa. – Tôi chỉ biết nói vậy.
– Vậy hãy làm theo ý Người. Ông không có lý do gì để nằm ở đây nữa, ngoại trừ lý do là ông đang sợ. Ông đã có thể làm bất cứ gì ông muốn. Dậy và làm ngay đi! – Ông ấy nói tiếp.
Đó là một thử thách, một thử thách tuyệt vời. Trong khi tôi vẫn nghĩ mình đang bị bệnh tim thì bác sĩ lại muốn tôi nhận ra rằng giờ đây, tôi đã có một trái tim mới và có thể làm bất cứ những gì tôi thích. Tôi đã xuống tinh thần sau hai tuần nằm hồi sức trong bệnh viện, nhưng khi bác sĩ Yacoub yêu cầu tôi đứng lên, tôi quyết định mình sẽ nghe theo bác sĩ và trở lại làm việc. Quả là một cú sốc, đầy bất ngờ mà cũng thật tốt đẹp cho ngày hôm ấy.
Thú thật là tôi có lo sợ rằng cơ thể tôi sẽ đào thải trái tim mới. Sau khoảng thời gian chờ đợi trái tim mới dài đằng đẵng và chịu được cuộc phẫu thuật, tôi lại đâm lo rằng tất cả nỗ lực có thể kết thúc trong bi kịch nếu cơ thể tôi không chấp nhận trái tim mới được cấy vào. Tôi mất ngủ vào đêm trước ngày lấy sinh thiết để xem sự loại thải có xảy ra không. Tôi thậm chí còn cố nhìn khi bác sĩ lấy ra một mẫu mô từ tim của tôi.
– Ông muốn hỏi điều gì à? – Bác sĩ hỏi tôi.
– Tôi muốn biết mẫu mô anh lấy được có màu nâu hay đỏ ấy mà. – Tôi đáp.
– Thực ra thì ông sẽ không muốn thấy nó màu trắng đâu. Lúc đó, ông sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng. Màu trắng tức là không có máu trong mô.
Lúc đầu, tôi phải đi xét nghiệm mỗi tuần một lần, rồi thì hai tuần một lần. Thật may mắn là tôi chưa gặp vấn đề gì, dù hiển nhiên là tôi sẽ phải dùng thuốc chống loại thải trong suốt phần đời còn lại.
Bệnh viện Harefield được xây dựng vào Thế chiến thứ nhất, vốn là một viện lao. Bệnh viện chạy dọc theo con đường với lối kiến trúc uốn lượn ra vào để không khí có thể tràn vào qua dãy cửa sổ ở phía trước và thoát ra từ các cửa sổ sau. Cũng vì thế mà nơi này trông như một con rắn có chiều ngang đúng bằng một căn phòng. Khi hệ thống ống nước bên trong tòa nhà được lắp đặt, nhà tắm được xây đối diện một vài phòng nhưng với tôi, có vẻ như phòng bệnh và phòng tắm cách nhau ít nhất 300 mét.
Ít lâu sau khi có trái tim mới, trong khi đang lững thững đi xuống sảnh để đến nhà tắm thì một người phụ nữ ló đầu ra khỏi phòng và hỏi tôi:
– Ông vừa được ghép tim hôm thứ Ba tuần trước phải không?
– Đúng rồi. – Tôi đáp.
– Ông đang có trái tim của tôi đấy. – Bà cho tôi biết.
– Cám ơn bà! – Tôi thốt lên rồi ôm bà ấy thật chặt.
Chúng tôi gặp nhau vài lần nữa trong lúc ở bệnh viện, rồi lại tái ngộ ở lần kiểm tra mười năm sau. Một hai năm sau nữa thì bà ấy mất vì bị ung thư. Người phụ nữ ấy luôn mơ trở thành ca sĩ và khát khao có được một đĩa ghi âm của riêng mình và tôi đã giúp bà làm được chuyện đó. Bà là một người phụ nữ đáng mến. Tôi không biết gì hơn về cuộc đời bà và những câu chuyện đằng sau nó vì chúng tôi theo đuổi những ngả đường riêng, ở hai đất nước khác nhau.
Một kết quả ngoài mong đợi nữa từ việc ghép tim của tôi là chúng tôi đã thiết lập được quan hệ với một số nhà phẫu thuật tim hàng đầu và mời được họ về làm việc ở Grand Rapids. Vào tuổi 65, bác sĩ Yacoub đã phải về hưu theo chính sách của Sở Y tế Quốc gia Anh quốc. Ông ấy là một tài năng vĩ đại và vẫn có thể cống hiến nhiều hơn. Giờ đây, ông đang công tác trong bộ phận tư vấn cấy ghép tim ở Trung tâm Tim mạch Meijer thuộc bệnh viện Spectrum. Ông vẫn là nhà phẫu thuật tim nổi tiếng nhất nhì thế giới, trong cả lĩnh vực nghiên cứu và cả số ca cấy ghép mà ông thực hiện.
Khi kỹ thuật cấy ghép mới được công nhận, lúc đó số tim được hiến và số bệnh nhân chờ nhận là rất nhiều. Vậy nên ông và cộng sự của mình là bác sĩ Asghar Khaghani thường phẫu thuật ba ca mỗi ngày. Họ kể rằng thuở đó, họ phẫu thuật, nghỉ chút đỉnh, dọn phòng phẫu thuật rồi tiến hành ca tiếp theo. Ngày hôm nay, bác sĩ Yacoub đến làm việc ở trung tâm cấy ghép của thành phố Grand Rapids vài lần mỗi năm, còn bác sĩ Khaghani đang lãnh đạo cơ sở. Một đồng nghiệp của hai người (cũng đến từ nước Anh) hiện đang giữ một vị trí tại bệnh viện
nhi đồng – ông là một chuyên gia hàng đầu của một ngành khác mà chúng tôi có may mắn được cộng tác. Nhờ ảnh hưởng từ các vị này, đã có nhiều chuyên gia tham gia vào đội ngũ ở các bệnh viện của chúng tôi. Mỗi người trong số họ không chỉ làm giàu cho hệ thống các cơ sở y tế mà còn cho cả cộng đồng.
Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn vì lần phẫu thuật đó đã thành công tốt đẹp, cũng như vì tất cả những điều Chúa trời đã ban cho, đã giúp tôi làm được kể từ ngày hôm đó. Đến nay, tôi vẫn còn ngạc nhiên xen lẫn với sự biết ơn về những đợt sóng lan tỏa mà trải nghiệm ngày ấy đã mang đến với tôi, gia đình tôi và cộng đồng của tôi.