Chương 16Trải nghiệm những tuyệt phẩm của tạo hóa
Trong khi chờ được ghép tim mới ở London, trái tim cũ già nua của tôi ngày một yếu đi. Thế nhưng tôi vẫn giữ được sự lạc quan của mình. Không có gì bảo đảm tôi sẽ sống tới ngày mai, nhưng có lẽ đã là bản chất, tôi tập trung vào những mơ ước, nghĩ về những mục tiêu và dự án kế tiếp. Chúng giúp tôi tiếp tục bước đi và tập trung vào những khía cạnh tươi sáng của cuộc sống.
Vậy là trong khi chờ tìm thấy được một trái tim thích hợp, tôi bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình: đi thuyền vòng quanh thế giới. Thay vì lo lắng về những chuyện có thể xảy ra, tôi giữ mình bận rộn với việc thiết kế một chiếc thuyền mới. Những dự tính về chiếc thuyền sẽ đưa tôi đi khắp thế giới không những cho tôi thêm sự lạc quan, mà còn biến ước mơ về một chuyến phiêu lưu kỳ thú thành hiện thực.
Trong suốt thời gian 5 tháng chờ tin tức về trái tim mới, tôi luôn nghĩ về chiếc thuyền, về trang trí nội thất, về số phòng ngủ trên thuyền, về các loại buồm được dùng, cách kết hợp chúng và nơi tôi sẽ đặt mua chúng. Thuyền trưởng của chúng tôi thường đến London thăm tôi, và chúng tôi thảo luận về các ý tưởng, ghi chú lại các yêu cầu kỹ thuật cho thuyền, cũng như lộ trình và thời điểm xuất phát tốt nhất cho chuyến đi vòng quanh thế giới sắp tới. Mỗi tuần những thành viên gia đình khác nhau lại tới, và chúng tôi có thể chia sẻ với họ những tiến triển trong việc đóng thuyền, để họ có thể hòa mình vào nhịp làm việc.
Tôi từng nói với Doug, con trai tôi rằng:
– Biết đâu, ba sẽ mất trước khi chiếc thuyền hoàn thành đấy.
– Trời, ba đừng lo. Tụi con sẽ dùng nó thật tốt thay ba mà!
– Doug đáp lại với một sự hài hước tự nhiên như vậy.
Thay vì nhấp nhỏm vì chuyện chờ ghép tim, tôi bận bịu với việc sắp xếp và lên kế hoạch cho chuyến đi. Tôi không ngừng nghĩ về những chuyến du hành ở vùng biển Nam Thái Bình Dương.
Vì chiếc thuyền đã gần như hoàn thành khi tôi ra viện sau ca mổ, chúng tôi quyết định tổ chức một buổi tiệc tại chính xưởng đóng và ở ngay trên boong thuyền. Sau đó ít lâu, một chiếc máy bay chở đầy bạn bè từ thành phố Grand Rapids cũng như một vài người khác từ châu Âu đến tham dự lễ hạ thủy chiếc thuyền ở thành phố Viareggio, nước Ý.
Chiếc thuyền thật sự là một tuyệt phẩm để đời. Chúng tôi đặt tên cho nó là Độc lập, vốn là một thuyền buồm cỡ nhỏ, với cột buồm chính ở giữa thuyền và một cột buồm phụ thấp hơn một chút được bố trí ở phía đuôi. Độc lập có thể đạt tốc độ mười hải lý một giờ, khá nhanh đối với loại thuyền buồm. Nó sử dụng buồm chính, buồm phụ và buồm tam giác, đều là những cánh buồm thuộc loại lớn, nhưng có thể được gấp lại, việc nâng lên hay hạ xuống chỉ cần mất khoảng mười phút bằng các máy kéo chạy điện. Độc lập là một chiếc thuyền tuyệt mỹ, nhưng điều tuyệt nhất khi có một chiếc thuyền như thế này là cơ hội được đi tới bất kỳ đâu trên thế giới. Chuyến hành trình mang chúng tôi từ Ý đến vùng biển Ca-ri-bê, rồi qua kênh đào Panama vào quần đảo Galapagos, trước khi băng qua Nam Thái Bình Dương tới quần đảo Marquesas. Chúng chỉ là những chấm nhỏ xíu trên bản đồ, nhưng hóa ra lại là những hòn đảo cách biệt và xa xôi của nước Pháp. Từ đó, chúng tôi tới đảo Tahiti và Bora Bora, đều nằm trong vùng Polynesia thuộc Pháp. Thủy thủ đoàn của Độc lập gồm mười người, bao gồm thuyền trưởng và thuyền phó, hai cô tiếp viên, một đầu bếp và các thủy thủ, những người hằng ngày giữ thuyền sạch sẽ, rửa sạch muối biển bám trên thuyền và chèo những con thuyền tiếp tế nhỏ để đưa chúng tôi lên bờ hay tới những điểm khác nhau trên mặt nước. Ba đứa con trai của tôi và tôi đều biết lái thuyền nên chúng tôi đều có khoảng thời gian bên bánh lái. Độc lập có 12 giường và chúng tôi có thể lần lượt mời các thành viên gia đình và bạn bè tham gia những chặng khác nhau của chuyến phiêu lưu.
Gia đình tôi đã trót yêu vùng biển Nam Thái Bình Dương và những hòn đảo cô tịch ở đó. Có rất nhiều địa điểm thú vị cho bọn nhóc, chẳng hạn những phá nước trong veo và phẳng lặng cho chúng tha hồ bơi lội. Các phá nước thường có lạch nhỏ mà thuyền có thể đi vào và neo lại ở vùng nước lặng, tránh những cơn sóng dữ của Thái Bình Dương.
Một lần ở Marquesas, các cháu và con chúng tôi chơi đùa trong một phá nước tròn với nhiều dòng nước nhỏ thoát ra biển khi thủy triều xuống. Lúc nước rút, mấy đứa lớn mang đồ lặn có bình dưỡng khí, nấp gần mấy bức thành lạch, ngắm nhìn những con cá mập lớn đang chờ đám cá nhỏ theo những luồng nước từ đất liền ra biển để đớp lấy. Tụi nhỏ cũng rất thích những vùng nước trong như pha lê ở Nam Thái Bình Dương, nơi đó chúng thường dành cả ngày, say mê lặn nước với ống thở hay bình dưỡng khí. Helen đã học được cách dùng ống thở chỉ vài ngày sau khi khởi hành để có thể nhìn lũ con cháu lặn ngụp bên dưới mình. Cô ấy có hơi lo lắng khi thấy vài con cá mập nhỏ lượn lờ dưới đáy biển, nhưng rốt cuộc chẳng có chuyện gì xảy ra.
Chúng tôi cũng làm quen và kết bạn với những người cũng đang lênh đênh trên những chiếc thuyền mà đoàn của tôi có dịp gặp trên đường. Vào những dịp như vậy, hai bên neo thuyền trong cùng một phá nước hay ở cùng một cảng và ghé thăm thuyền nhau. Rồi khi trời tối, sẽ có người chèo xuồng nhỏ và nói lớn: “Qua bên tôi ăn tối nào!”. Bất kỳ ai thích đều có thể đến, mang theo ít thức ăn rồi cùng dùng bữa, kể cho nhau nghe những câu chuyện tích cóp từ những chuyến bôn ba, những trải nghiệm làm bạn với nhiều người trên khắp thế giới. Thông thường, đoàn của họ chỉ gồm hai hay ba người trên một con thuyền nhỏ.
Thuyền của chúng tôi lớn hơn hẳn những chiếc thuyền khác mà chúng tôi gặp trong chuyến hải trình. Đôi lúc, chúng tôi cung cấp nước ngọt hay đá lạnh cho họ vì đa số những thuyền nhỏ không có thiết bị lọc nước hay máy phát điện. Chúng tôi đã làm quen với nhiều người bằng cách này, trò chuyện với họ cả đêm hay mời họ qua thuyền rồi kể cho nhau nghe các chuyến phiêu lưu. Nhờ vậy, đôi bên sẽ hiểu lý do giong buồm ra khơi và băng qua muôn trùng sóng nước của mỗi người.
Một trong những chặng dài nhất của chuyến đi là từ quần đảo Galapagos tới quần đảo Marquesas. Hành trình đó dài 3.000 hải lý, mất hai tuần và không có điểm dừng nào giữa chặng. Khi di chuyển từ đảo này tới đảo kia, chúng tôi dành thời gian xem phim, chơi game hay đọc sách. Bữa sáng được dọn riêng, nhưng bữa trưa và tối thì chúng tôi ăn cùng nhau. Tôi hay ngồi giữa hai đứa cháu, cho chúng vài lời khuyên mà tôi biết trước sau gì chúng cũng sẽ cần tới, có điều ngay lúc đó thì chẳng đứa nào muốn nghe. Đó là một quãng thời gian tôi được hưởng niềm hạnh phúc với gia đình, còn bọn trẻ có cơ hội làm những thứ chúng chưa từng được làm hoặc chưa từng có dịp nghĩ đến.
Ở hầu hết các điểm dừng, chúng tôi sẽ cuốn buồm lên và thả neo. Không mấy chỗ có bến nên chúng tôi cứ neo thuyền lại ở gần bờ và dùng xuồng bơi vào. Thường thì người dân bản địa sẽ ra chào chúng tôi, và trong số những nơi này tôi nhớ nhất lần đến đảo quốc Fiji.
Theo tập tục ở đảo quốc này, chúng tôi cần được tù trưởng cho phép lên bờ và phải mang cho ông thuốc lá và rễ cây kava làm quà. Rễ kava sẽ được nghiền thành bột, rồi cho vào túi vải, nhúng nước và vắt nhiều lần. Ta sẽ có một món uống làm tê lưỡi và môi và gây buồn ngủ – họ dùng thứ nước đó thay cho đồ uống có cồn.
Cũng xin nói thêm, để tiếp cận một số đảo ở Fiji, chúng tôi cần giấy phép do tổng thống nước này cấp – đó là một số đảo ở cực Đông vốn không cho phép tàu thuyền qua lại nhằm hạn chế hoạt động du lịch và bảo vệ nền văn hóa bản địa. Chúng tôi đã tới thủ đô và xin được giấy phép. Khi cập bến một trong các đảo cần có giấy phép đặc biệt để lên bờ thì có một tù trưởng ra đón chúng tôi. Ông ấy là người có trách nhiệm ngoại giao chính thức cũng như kiểm tra giấy tờ.
Khi lên được đảo rồi, tôi gặp và hỏi một người bản địa:
– Năm nay có bao nhiêu thuyền đến đảo rồi?
– Ồ, cũng nhiều lắm đấy. – Anh ấy đáp.
– Thật chứ? Bao nhiêu chiếc rồi? – Tôi hơi ngạc nhiên.
– Ba.
Những hòn đảo thế này thường nằm trơ trọi giữa đại dương mênh mông. Bọn trẻ trên đảo mặc đồng phục và tới những “ngôi trường nổi” mỗi ngày. Các em nhỏ thì học ngay trên đảo, những đứa lớn hơn sẽ tới những lớp học “nâng cao” ở một hòn đảo gần đó.
Những người dân Fiji, mặc dù sống tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng họ rất hiếu khách. Vì từng là thuộc địa của nước Anh, nên người dân Fiji có thể dùng tiếng Anh và nhờ vậy, chúng tôi có thể trò chuyện một cách khá thoải mái và học hỏi được nhiều điều từ họ. Chúng tôi biết người dân không có nhiều quần áo nên đã hỏi những người bạn đi cùng xem có ai có áo, quần hay giày dép gì không dùng nữa không. Tất cả đều tỏ ra rộng rãi và khi chúng tôi lên đảo thì có cảm giác như thể Giáng sinh tới vậy. Đồ đạc trong túi và giỏ vơi đi nhanh chóng, mọi đồ vật đều được chia ra. Mỗi khi quay lại nơi này, chúng tôi đều thấy người dân vẫn còn dùng những đồ ấy và chúng tôi thấy rất vui.
Thỉnh thoảng, chúng tôi được mời nghỉ lại đảo để dùng bữa và đây là dịp thết đãi đặc biệt của người bản xứ. Lần đầu tiên là sau một buổi cầu nguyện ở nhà thờ ngày Chủ nhật. Khi chúng tôi đến thì thức ăn đã được bày sẵn và còn nóng hổi: Chúng được chuẩn bị trong những bếp lò bằng đá nằm dưới mặt đất, lúc mọi người còn đang dự lễ; tráng miệng là nước dừa tươi, được lấy ra từ những trái dừa mà người ta dùng rựa để chặt.
Lần thứ hai là khi chúng tôi đến đảo Fulaga thuộc quần đảo Fiji. Chúng tôi neo thuyền khá gần bờ vì biết người dân trên đảo khắc gỗ rất đẹp mà chúng tôi thì rất mê và hay mua những tác phẩm mỹ thuật dân tộc thế này. Chúng tôi lên xuồng, tiền trong ví đã sẵn sàng. Nhóm chúng tôi đã mang về nhiều sản phẩm độc đáo và như một cách cảm ơn, người dân đã mời chúng tôi lại dùng bữa.
Bữa tối hóa ra lại là một lễ hội nhỏ dành cho mọi người, diễn ra ở “trung tâm sinh hoạt cộng đồng” (căn bản là một sàn nhà với mái lá phủ phía trên). Đầu tiên, chúng tôi cẩn thận theo dõi từng cử động của một người phụ nữ khi bà trải một tấm vải chữ nhật sặc sỡ ra. Hóa ra đó chính là khăn trải bàn. Khi giờ ăn đến, những người được chọn sẽ đến ngồi quanh tấm khăn trải bàn cùng chúng tôi. Chúng tôi không thấy dụng cụ ăn uống nào nên đã nhìn cách những người bản địa ăn. Họ dùng ngón tay bốc thức ăn và đưa trực tiếp lên miệng. Khi thấy chúng tôi không quen với cách ăn mới, họ đã mang lại một vài cái đĩa và nĩa đủ loại để chúng tôi dùng. Thức ăn hầu hết là cây trồng trên đảo và cá bắt từ biển (thật ra chúng tôi chỉ biết đến vậy chứ không thể xác định rõ tên gọi của từng nguyên liệu). Khoảng thời gian ở cùng những con người hòa nhã và hiếu khách này là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến hành trình liên– văn–hóa của chúng tôi.
Cách đảo Fulaga khoảng 500 hải lý là quần đảo Lau. Khi chúng tôi đến nơi, một “đặc phái viên” đến và bảo chúng tôi đến gặp tù trưởng ngay. Chúng tôi nhanh chóng cập bến và đi tìm ông ấy. Chuyện này có vẻ bất thường – chúng tôi đã làm gì sai chăng?
Khi gặp được, vị tù trưởng nói: “Các người chưa được ta cho phép đi tiếp”. Rõ ràng là ông ta không vui và nói tiếp: “Có hai tù trưởng khác ở những đảo này, hai làng nhỏ hơn với tù trưởng của họ, nhưng ta là tù trưởng lớn nhất vì làng của ta là lớn nhất và các ngươi chưa được ta cho phép đi”.
Ở hòn đảo trước, chúng tôi đã đi nhà thờ và quyên góp khá nhiều. Có vẻ như cha giảng đạo ở đó đến từ hòn đảo này và ông ấy đã cho tù trưởng biết những chuyện xảy ra. Giờ đây vị tù trưởng này muốn người dân của mình cũng có phần.
Nhà thờ nằm ở trung tâm mỗi làng và các ngôi nhà được dựng lên quanh cái tâm đó. Mỗi buổi sáng Chủ nhật, mọi người sẽ ăn mặc chỉnh tề đi dự lễ. Người dân còn nghèo, nhưng nam giới đều có cà vạt và áo sơ mi trắng thẳng thớm. Mục sư vận đồ tây cùng sulu, một loại trang phục gần như váy quấn quanh thân, dài vừa qua gối mà mọi đàn ông đều mặc. Phụ nữ và trẻ em cũng ăn mặc tươm tất sạch sẽ. Khi một gia đình vào nhà thờ, các cậu trai còn đi học sẽ ngồi riêng ở các hàng ghế dài bên trái, còn những người còn lại có thể tùy ý chọn chỗ ngồi.
Dàn đồng ca hát rất hay. Có cả một người “thực thi pháp luật” mang theo một cái roi dài đi lên đi xuống giữa các dãy ghế. Nếu đứa nhỏ nào hát lí nhí hay ngủ gật, ông ấy sẽ dùng roi đánh vào người chúng cho tỉnh. Những phần quyên góp đều được kiểm tra cẩn thận. Những thành viên đặc biệt, khi được gọi tên sẽ bước lên từ lối đi ở giữa tới một cái bàn được sắp xếp từ trước và tiến hành ủng hộ. Phần ủng hộ đó sẽ được người thủ quỹ mẫn cán và cẩn thận ghi chú vào sổ. Những người khách du lịch cũng được mời giúp đỡ và họ đã tích cực làm theo.
Lần đó, một người bạn hỏi tôi:
– Tôi nên cho bao nhiêu nhỉ?
– Anh không thể cho đi quá nhiều đâu. Nếu anh thấy 100 đô-la là đủ, hãy cho 100 đô-la. Chúng ta có thể sẽ chẳng bao giờ đến đây nữa. – Tôi đáp.
Những người Fiji chưa bao giờ quên chúng tôi vì mỗi khi gặp một vị tù trưởng, tôi đều đóng góp ít nhất 100 đô-la cho nhà thờ của ông. Vị tù trưởng nhận món tiền, đếm kỹ, rồi chuyển nó qua cho người bên phải ông để đếm lại, rồi người này chuyển cho một người thứ ba – họ làm vậy là để chúng tôi thấy rõ món tiền đã đến được nơi nó cần đến. Nếu chúng tôi mời họ lên thăm Độc lập, họ sẽ vui vẻ lên thuyền. Họ luôn có thái độ tôn trọng và không bao giờ tỏ ra ghen tỵ hay ham muốn những thứ đến từ một vùng đất xa xôi. Họ hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của họ.
Gia đình chúng tôi đã rất yêu vùng biển Nam Thái Bình Dương vì vẻ đẹp tự nhiên và vì lòng hiếu khách của con người ở đó. Chúng tôi đã ba lần đến các đảo ở Fuji, thăm đi thăm lại nhiều nơi và vì thế mà người dân nhận ra thuyền của chúng tôi ngay. Họ sẽ ra chào mừng và hỏi: “Các anh sẽ đến làng của chúng tôi chứ?” Khi vào làng, chúng tôi thấy những tấm ảnh mình đã tặng họ vào lần thăm trước, hay những trang tạp chí đủ màu mà chúng tôi để lại – tất cả đều được treo trên vách. Họ rất mê các tạp chí. Dù có lẽ không hiểu hết nội dung trong đó, họ vẫn dùng chúng một cách thật trân trọng.
Khi nghĩ về những chuyến hành trình đã qua, tôi nhận ra nước Mỹ tiến bộ thế nào so với nhiều vùng khác trên thế giới. Nam Thái Bình Dương có một nền kinh tế hết sức đơn giản. Có đủ thức ăn và nước uống là một chuyện không dễ dàng, nhưng người dân rất mến khách. Và trong khoảng thời gian lưu lại các đảo, tôi thấy rằng mỗi cách sống đều có sự hấp dẫn riêng. “Bula vinaka” là cách chào truyền thống của người Fiji, rất dễ nhớ và hữu dụng trong mọi trường hợp.
Sau khi băng qua vùng biển cực bắc nước Úc, chúng tôi tiến vào Ấn Độ Dương và theo hướng Tây để đến đảo quốc Seychelles (nơi có những hòn đảo xinh đẹp nằm ở phía Đông châu Phi với một thủ phủ phồn thịnh và một sân bay hiện đại). Chúng tôi cũng đến thành phố Cape Town, nước Nam Phi, bơi vòng qua mũi Hảo Vọng vốn nổi tiếng là có thời tiết khắc nghiệt. Gió từ Nam Cực cứ mỗi bốn ngày lại thổi tới với tốc độ khoảng 95 – 120 km/giờ. Dù chúng tôi neo thuyền sâu trong cảng Cape Town, có những đêm gió mạnh tới nỗi Độc lập nghiêng hẳn sang bên. Trong một đêm sóng to gió lớn, thuyền nghiêng đến mức thành thuyền gần chạm hẳn vào mép nước; trong lúc đó, tôi nhớ là chúng tôi đang cùng nhau xem bộ phim The Perfect Storm (tức Cơn bão kinh hoàng) của đạo diễn Wolfgang Peterson.
Chuyến du hành trên chiếc thuyền Độc lập đã một lần nữa giúp tôi khẳng định niềm tin vào việc phiêu lưu và vào giá trị của việc đi đến những nơi xa lạ, gặp gỡ những con người thuộc các nền văn hóa khác nhau. Cũng như lần đi cùng Jay tới bang Montana rồi tới Nam Mỹ khi còn trẻ – những chuyến đi đã giải phóng con tim và linh hồn tôi.
Khi Jay và tôi lái xe tới hội thảo Nutrilite ở bang California vào những ngày đầu, chúng tôi đã dừng lại bên những rặng núi để trượt tuyết, một việc mà trước đó tôi chưa từng làm. Chúng tôi thử xem sức khỏe mình tới đâu và sau đó, hạ quyết tâm sẽ giong buồm ra khơi. Khi đã có gia đình và trở thành một người cha, tôi khuyến khích các con cùng đi du lịch để khám phá những miền đất mới. Tôi cũng nhớ về khát khao được đi đó đi đây của cha tôi ngày xưa, khi ông nhìn vào bản đồ, ánh mắt chiếu xuống các điểm tượng trưng cho những nơi ông chỉ có thể đến được trong giấc mơ. Giờ đây, tôi đã có thể thay cha mình thực hiện ước mơ đó.
Không chỉ thế, những chuyến phiêu lưu là những bài học về các trách nhiệm mà thường ngày ta không bao giờ nghĩ tới. Chúng giúp ta tự tin hơn vào khả năng của mình, đồng thời giúp tích lũy “túi khôn” và sự sáng suốt cho bản thân. Từ đó, ta thấy rằng những người sống ở những nơi khác cũng có những nhu cầu và mơ ước giống như ta. Bản thân mỗi người cần có sự hiếu kỳ nhất định về hành tinh mà chúng ta đang cùng chung sống đây; có vậy thì tất cả mới có thể chia sẻ với nhau những mảnh ghép văn hóa và trải nghiệm. Chúng ta đang thụ hưởng một sáng tạo tuyệt vời của Chúa.
Qua những chuyến phiêu lưu xuyên đại dương, tôi đã choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của thế giới này, trong đó sự cô tịch và vẻ đẹp trác tuyệt của tự nhiên là một phần tất yếu. Tôi thấy mình thật may mắn mới có thể thấy được những điều kỳ diệu ấy. Giữa đại dương bao la, bên dưới bầu trời với hàng triệu vì sao, ở nơi đó thì những hòn đảo chỉ là những phân tử nhỏ bé nhất và bạn sẽ có thể tự nhiên đắm mình vào vùng không gian ngập tràn ánh sáng tâm linh. Tôi chưa bao giờ hết sững sờ trước vẻ đẹp của thế giới này và của những con người sống trong đó. Cuộc sống văn minh đã nhấn chìm chúng ta bằng các đợt sóng kế hoạch làm việc và tiện nghi công nghệ. Chúng ta sợ phải rời khỏi căn nhà tiện nghi ấm áp của mình, rồi chẳng mấy ai còn có thể tận mắt thấy sự bao la và rực rỡ của tinh cầu này cùng với sự tĩnh mịch và lặng im trong vắt mà chỉ những ngày lênh đênh trên mặt nước mới có thể mang lại. Tôi đã vui biết bao khi gặp được những người xem cuộc sống là để trải nghiệm những chuyến phiêu lưu đơn độc giữa biển cả bao la trên những chiếc thuyền nhỏ bé. Ngày nay, không có nhiều người sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để trải nghiệm những chuyến phiêu lưu hoàn toàn khác so với lịch trình thường nhật của họ. Tôi tin rằng những ai dám dấn bước mới là những người có thể giúp xã hội và nền văn minh này tiếp tục phát triển.