Đối với tôi, nghệ thuật bán hàng của ông tôi gần như là phép màu nhiệm. Tôi không biết có phải mình bẩm sinh đã là một người bán hàng chuyên nghiệp hay không, nhưng tôi nhớ lúc còn là một đứa trẻ, tôi đã bị cuốn hút trước ông cũng như trước những người đàn ông khác trong vùng. Với tất cả những con người này, sinh kế của họ trong thời kỳ khó khăn ấy đều phụ thuộc vào tài năng bán hàng của mỗi người.
Ông thường cho tôi đi cùng trên chiếc xe tải Ford mô-đen T của mình, phì phò và ầm ầm chạy qua các con phố, chở đầy các loại trái cây và rau quả ông mua từ chỗ những người nông dân lúc sáng để sau đó đem bán đến tận nhà những người dân. Ông thích giao du với mọi người. Mỗi khi nghe thấy tiếng còi xe của ông, các bà nội trợ tạm ngưng việc nấu nướng và dọn dẹp, chùi tay vào tạp dề hoặc khăn lau chén và chạy ra – dường như tính hài hước, sự thoải mái và những cuộc chuyện trò với ông có sức thu hút ngang bằng với màu sắc và độ tươi nguyên của các sản phẩm mà ông bán.
Chính trên tuyến đường đó, ông đã cho tôi cơ hội thử bán hàng lần đầu tiên. Lúc ấy, tôi chỉ kiếm được vài xu thôi, nhưng thành tích khiêm tốn đầu đời này đã cho tôi sự hình dung chắc chắn về định hướng phát triển bản thân sau này.
Tôi không thể chối bỏ gốc gác của mình, một đứa trẻ lớn lên ở thành phố Grand Rapids bình thường, bang Michigan miền Trung Tây nước Mỹ trong thời kỳ Đại Khủng hoảng. Về góc độ tiền bạc và của cải vật chất, chúng tôi chỉ xoay xở được vừa đủ. Nhưng trong ký ức về những năm niên thiếu của mình, tôi xem đó là khoảng thời gian hạnh phúc với nhiều kinh nghiệm phong phú, còn cuộc sống thì thân thiện, ấm cúng và dễ chịu. Ngay cả tình cảnh phải chấp nhận làm những việc vất vả, chấp nhận hy sinh trong thời kỳ khắc nghiệt ấy cũng khiến tôi mạnh mẽ hơn và đã dạy cho tôi những bài học quan trọng về cuộc sống. Tôi thật may mắn khi được lớn lên trong một môi trường thích hợp như vậy.
Tôi đã xây dựng nền tảng cho bản thân ngay tại nhà tôi, tại nhà của bạn bè tôi, trên đường phố và sân chơi, trong các lớp học và nơi băng ghế dài ở nhà thờ; nền tảng đó hình thành nên là nhờ những gì tôi học được từ cha mẹ và ông bà, thầy cô giáo và mục sư. Tôi đã học được cách điều hành hoạt động kinh doanh của riêng mình khi đi giao báo. Tôi đã được nhận phần thưởng từ cuộc bán hàng đầu tiên khi theo chân ông đi bán hàng rong đến tận từng nhà. Tôi đã tự viết nội dung và trình bày bài phát biểu đầu tiên của mình với tư cách là Chủ tịch Hội học sinh Năm cuối ở trường trung học. Đức tin Kitô giáo trong tôi được ươm trồng và nuôi dưỡng từ sự mộ đạo của gia đình, cùng với những bài học mà tôi tiếp thu được trong các lớp học giáo lý ngày Chủ nhật. Tôi được bảo bọc bằng mối liên kết vững bền và thân thiết với cha mẹ thân yêu. Sự khích lệ không ngừng của cha khiến tôi có được sự tự tin và tinh thần lạc quan, và nhờ vào sự tận tâm của một người thầy thông thái, tôi đã bắt đầu nghĩ về mình như một nhà lãnh đạo tiềm năng.
Tôi sinh ra ngày 4 tháng 3 năm 1926 tại thành phố Grand Rapids, bang Michigan. Giống như các thành phố khác của Mỹ vào thời bấy giờ, nơi đây chưa có gì đặc biệt. Điều duy nhất khiến người ta nhớ đến Grand Rapids là danh hiệu “Thành phố trang thiết bị nội thất” vì ở đây có nhiều công ty sản xuất đồ nội thất. Tôi nhớ, vào thời niên thiếu, tôi có một tấm bưu thiếp trên đó ghi: “Chào mừng bạn đến Grand Rapids, thủ đô trang thiết bị nội thất của thế giới”. Chảy qua thành phố là sông Grand và dọc theo bờ sông là các nhà máy sản xuất đồ nội thất xây bằng gạch và trên các ống khói nhà máy đó có in tên các nhà sản xuất như Widdicomb, Imperial, American Seating, Baker và nhiều cái tên khác nữa. Vào thời đó, xe điện chạy leng keng trên các đường phố chính trong thành phố như Đại lộ Monroe và đường Fulton, rồi những chiếc xe hơi thì hầu hết thuộc dòng mô-đen T (vì đây đang là thời hoàng kim của mẫu xe này), còn xe lửa thì vẫn chạy ầm ầm qua những chiếc cầu bắc ngang sông Grand. Từ phố chính Fulton, bạn chỉ cần đi về phía Đông thêm vài cây số là đến khu tôi ở, nơi có những ngôi nhà hai tầng ba phòng ngủ nằm trên các con phố yên tĩnh với những hàng cây được trồng ven đường. Khu này còn có các cửa hiệu nhỏ bán lẻ của một số hộ gia đình, Trường Đại học Aquinas rợp bóng mát và rất nhiều các công viên để vui chơi.
Giống như hầu hết các cư dân ở Grand Rapids, gia đình tôi gốc Hà Lan. Tôi vẫn có thể nghe được giọng Hà Lan đặc sệt khắp nơi trong vùng, chẳng hạn như cách phát âm là “olt country” thay vì “old country” (khi họ trò chuyện với nhau về cố quốc), rồi âm j thành y và s thành z (kiểu như “Yust put the dishes in the zink”, tức Cứ cho chén đĩa vào bồn rửa đi). Thoạt tiên, người Hà Lan di cư sang Holland(*) (bang Michigan) và rồi họ tìm thấy các cơ hội tốt hơn ở thành phố Grand Rapids lân cận, nơi có diện tích lớn hơn Holland nhiều. Đó là những người siêng năng, sống tiết kiệm, thực tế và rất sùng đạo Tin Lành. Họ bị thu hút đến Mỹ chủ yếu không phải vì nhu cầu kinh tế mà vì lời hứa sẽ được tự do làm bất cứ những gì họ mơ ước. Trong những bức thư viết về cho gia đình ở Hà Lan, những di dân này thường khoe rằng họ đang tận hưởng tự do tại Mỹ – xin nói thêm là ở Hà Lan vào thời này, tự do là điều không tưởng khi mà tư tưởng “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” vẫn còn phổ biến.
Mục sư Albertus Van Raalte là người xây dựng thành phố Holland vào giữa thế kỷ 19; và trong một bức thư gửi về cố quốc, ông đã viết rằng hầu hết những người Hà Lan tìm việc ở Grand Rapids không có kỹ năng và ít học hành. May thay, phần lớn đàn ông có khả năng học hỏi và rèn luyện tay nghề để trở thành thợ thủ công lành nghề trong các xưởng sản xuất đồ nội thất, còn đa số phụ nữ trẻ có thể giúp việc cho các gia đình giàu có. Nhưng cũng có nhiều người khác lại thể hiện được một đặc điểm khác (ngoài những đức tính chăm chỉ, cần cù, thông minh, sáng tạo) của dân Hà Lan: có óc kinh doanh. Những người Hà Lan kế thừa ở Grand Rapids đã khởi nghiệp ba nhà xuất bản tôn giáo lớn nhất nước Mỹ. Cũng chính những người gốc Hà Lan đã thành lập trụ sở chính của Nhà thờ Tin Lành Cải cách và Trường Đại học Calvin ở Grand Rapids. Công ty Bánh quy Hekman khởi nghiệp ở Grand Rapids và sau đó trở thành Công ty Keebler. Và có thể bạn đã quen thuộc với chuỗi siêu thị mang tên Meijer ở vùng Trung Tây cũng như Amway, một tập đoàn quốc tế chuyên bán hàng trực tiếp – cả hai đều được những người Mỹ gốc Hà Lan sáng lập tại Grand Rapids. Vì thế tôi rất biết ơn di sản Hà Lan của mình: Đó là tình yêu tự do, đạo đức nghề nghiệp vững chắc, tinh thần kinh doanh và một niềm tin mạnh mẽ.
Tôi ra đời vào những năm Hai mươi Gầm thét(*) nhưng không nhớ gì về kỷ nguyên mà nước Mỹ đang trên đà phát triển bùng nổ và có vẻ như đã đạt đến một sự thịnh vượng hơn bao giờ hết. Ký ức tuổi thơ của tôi là về thời kỳ Đại Khủng hoảng. Khi tôi lên mười, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đắc cử nhiệm kỳ thứ hai và trong diễn văn tái nhậm chức của mình, ông nhắc nhở người Mỹ rằng ông vẫn còn thấy 1/3 dân số thiếu nhà ở, thiếu quần áo và thiếu ăn. Trên thực tế, vào thời kỳ mà nguồn thu nhập của hầu hết các gia đình Mỹ đều phụ thuộc vào một người kiếm tiền duy nhất thì 1/4 dân số lại không có việc làm. Gia đình tôi không phải là ngoại lệ: Cha tôi thất nghiệp, ông không thể làm nghề thợ điện của mình mà phải làm những công việc lặt vặt trong ba năm. Chúng tôi đã không thể giữ được ngôi nhà mà ông đã tự tay xây nên, nơi tôi trải qua những năm tháng tuyệt vời thời niên thiếu.
Ngôi nhà đầu tiên của tôi nằm trên đường Helen, cũng là nơi tôi chào đời (sinh con tại nhà là một chuyện bình thường vào thời ấy vì hầu hết các gia đình chưa có đủ khả năng chi trả cho việc sinh con tại bệnh viện). Ngôi nhà thứ hai của tôi nằm trên Đại lộ Wallinwood, và tôi vẫn nhớ cảm giác mãn nguyện và tự hào khi được đánh bóng sàn nhà lát bằng gỗ cứng, thay vì gỗ đơn giản. Ngôi nhà này có ba phòng ngủ trên lầu và một phòng tắm ở tầng dưới, loại nhà ở điển hình tại khu phố của tôi lúc bấy giờ.
Khi cha tôi, Simon mất việc, cùng với cha, mẹ Ethel và em gái Bernice của mình, tôi phải quay về những căn phòng trên gác trong ngôi nhà ở đường Helen của ông bà, nơi tôi nhớ rằng mình phải ngủ dưới những thanh xà của mái gác. Còn căn nhà ở Wallinwood, bố tôi cho thuê với giá 25 đô-la một tháng. Trong khi việc chuyển nơi ở thật không dễ dàng đối với bố mẹ, tôi lại xem việc ngủ trên gác xép như một cuộc phiêu lưu. Tôi cũng thấy vui thích khi được dành nhiều thời gian bên ông bà. Lúc đó, tôi không hề biết rằng những trải nghiệm thuở thiếu thời sẽ giúp tôi hình thành quan điểm và sự nhận thức hết sức sâu sắc trong những năm sau này, khi tôi đã đạt đến thành công ở mức cho phép tôi và gia đình được tận hưởng một lối sống thật thoải mái.
Chúng tôi sống ở ngôi nhà trên đường Helen khoảng năm năm đen tối nhất của cuộc khủng hoảng. Chúng tôi nghèo nhưng xét cho cùng, đó là tình cảnh chung của hầu hết hộ gia đình sống cùng khu vực. Nếu nhà bên có đặt một cái ghế cắt tóc trong phòng ngủ của họ để “mở dịch vụ” cắt tóc tại gia cho xóm giềng, chúng tôi cũng không xem là việc bất bình thường. Mười xu là một số tiền rất lớn trong những ngày ấy. Tôi còn nhớ có một thiếu niên đến cửa nhà chúng tôi bán tạp chí và anh đã khóc vì không thể về nhà cho đến khi bán hết, và cha tôi phải nói thật với anh rằng chúng tôi không còn một đồng xu nào trong nhà. Nhưng đó không phải là những ngày tồi tệ đối với một cậu bé như tôi. Trái lại, tôi cảm thấy an toàn và được bảo vệ trong cộng đồng luôn gắn kết chặt chẽ của mình. Chúng tôi sống trong khu phố gồm toàn người Mỹ gốc Hà Lan, vì vậy tôi luôn có cảm giác gần gũi, thân thiết với mọi người. Nơi tôi lớn lên nằm ở rìa phía Đông của thành phố và được gọi là “Brickyard” (đặt theo tên của ba nhà máy gạch được xây dựng bên cạnh những ngọn đồi đất sét được khai thác để làm gạch ngói). Các nhà máy này tuyển những người lao động chăm chỉ vừa từ Hà Lan đến Mỹ, và chính nhờ cộng đồng người gốc Hà Lan sẵn có ở đây mà rất nhiều di dân, tuy chưa nói được tiếng Anh nhưng họ vẫn tìm thấy được sự thân thuộc đậm chất cố quốc ở Brickyard.
Cộng đồng của chúng tôi gần gũi không chỉ vì có cùng tổ tiên là người Hà Lan hay vì các gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, mà còn vì sự gần gũi về khoảng cách vật lý. Những ngôi nhà cao và hẹp, phần lớn là hai tầng, được xây rất gần nhau trên những lô đất nhỏ. Những lô này lại chỉ được phân cách bằng các lối đậu xe hơi rất chật hẹp. Đường phố chật chội và lối đi quá gần nhau nên hàng xóm có thể mượn đồ của nhau mà không cần ra khỏi nhà: Họ chỉ chồm người một chút qua khung cửa sổ là đã có thể chuyển bất cứ thứ gì sang cho người ở nhà bên.
Ngoài ông bà, anh em họ của tôi cũng sống gần đấy. Tôi nhớ mình đã lớn lên giữa những cuộc thảo luận quanh bàn ăn của đại gia đình, rồi những cuộc vui cùng bạn bè và anh, chị, em họ ở sân sau. Ngày nay chỉ có một số ít người già sống với con cháu của họ, còn tôi thì luôn có những cảm xúc trìu mến mỗi khi nhớ về khoảng thời gian được tận hưởng tình yêu thương và sự thông thái của ông bà tôi, cả bên nội lẫn bên ngoại. Mặc cho những vật lộn mưu sinh, với tôi, ngày xưa ấy thấm đượm nhiều thương yêu hơn là lo lắng. Tôi tin rằng chúng tôi chịu ảnh hưởng từ cả một gia đình chứ không phải từ một cá nhân kiệt xuất nào. Trong cuộc sống sau này, khi đã là ông bố trẻ của bốn đứa con, có lúc tôi hồi tưởng lại quá trình trưởng thành của mình khi còn sống trong gia đình và chịu nhiều ảnh hưởng từ bố mẹ, để rồi nhận ra chính nhờ môi trường gia đình đó mà tôi mới trở nên chín chắn và có tinh thần trách nhiệm đến thế nào. Quả thật, khi đã có được sự tự giác nỗ lực để tạo nên bầu không khí thích hợp cho cuộc sống gia đình, việc một đứa trẻ gánh vác các trọng trách với tư cách người lớn sẽ đến một cách tự nhiên và dễ dàng.
Trước khi có những phương tiện giải trí hiện đại như ti-vi, máy tính và trò chơi điện tử, bọn trẻ chúng tôi đã phải tự tạo ra niềm vui cho mình. Tôi nhớ những khoảng thời gian thú vị nhất là dành để sáng tạo nhiều hoạt động cho em tôi và bạn bè cùng tham gia. Jan, một trong hai cô em gái của tôi, vẫn còn nhớ là tôi đã từng làm một nhà sản xuất kẹo tuyệt vời và đã tạo ra rất nhiều hương vị kẹo. Thậm chí, tôi còn dựng nên cả một hệ thống dây chuyền để chuyển kẹo từ cửa sổ nhà bếp của mình đến cửa sổ nhà hàng xóm.
Tôi yêu thể thao nhưng vì không có điều kiện sắm sửa, tôi đã phải chế ra rất nhiều dụng cụ để có thể chơi đùa. Tôi tự làm bảng bóng rổ, tự nghĩ ra trò đổ đầy nước vào một chỗ đất trũng bỏ không vào mùa đông, tạo nên mặt băng cứng để trượt trên đó. Tôi nhớ tiếng vọng của quả bóng bàn dưới tầng hầm tối khi nó rớt xuống sàn xi măng và tường gạch rồi dội lại. Tại căn hầm đó, tôi dạy các em gái của mình chơi bóng bàn với một chiếc bàn được đặt kế bên chiếc lò sưởi cũ kỹ được đốt bằng than. Đến giờ, Jan vẫn còn nhớ cú xoáy bóng hiểm bằng tay trái của tôi.
Tôi cũng có những ký ức vui về việc chơi bóng rổ với anh em họ của mình trên đường phố. Vào thời kỳ khó khăn ấy thì đường sá rất vắng xe cộ qua lại nên chúng tôi càng có nhiều không gian chơi đùa hơn. Quả bóng rổ bị đánh tơi tả đến nỗi chúng tôi phải quấn sợi xung quanh nó, đồng thời đính vải vụn bên trong để tái sử dụng – vào thời buổi khó khăn ấy, chúng tôi chẳng hề có tiền để mua một quả bóng mới. Dù sao thì tôi cũng phải thú thật, chơi bóng trên đường phố có thể gây nguy hiểm cho cửa sổ nhà hàng xóm, và chắc chắn chúng tôi đã làm vỡ nhiều hơn một cái kính cửa sổ. Tôi vẫn còn nhớ có một bà láng giềng đã giận dữ chạy từ trong nhà ra, tay cầm một con dao thái thịt và la hét đuổi chúng tôi ra khỏi bãi cỏ nhà bà – ắt hẳn bà ta nghĩ chúng tôi đã xâm nhập quá sâu vào lãnh địa của bà.
Phần tuyệt nhất trong ngày là lắng nghe các chương trình Green Hornet và The Lone Ranger trên ra-đi-ô. Vào các buổi chiều Chủ nhật, gia đình chúng tôi thường chơi ghép hình trong khi nghe đài phát truyện trinh thám. Khi hoàn tất một bức tranh ghép hình, chúng tôi sẽ đổi nó để lấy một mẫu khác từ những người bà con. Tôi còn nhớ mình phải đi bộ sang nhà một người họ hàng cách đó hai khu nhà, trên tay mang năm chiếc hộp chứa các miếng ghép hình và đổi chúng với bất cứ mẫu nào mà họ có. Ông bà tôi có một chiếc bàn đặt tại nhà và trên đó luôn có những miếng ghép và một mẫu đang được hoàn tất. Mọi người trong nhà sẽ ghé qua và đặt xuống một mẩu ghép cho đến khi kết thúc. Tôi cũng đọc sách, nhưng vì vấn đề chi phí và thiếu thốn những bản sách in mới, tôi phải tạm bằng lòng với bất cứ cuốn nào sẵn có trên kệ sách ở nhà. Thường thì có những cuốn cũ, và nhờ thế tôi đã đọc Tom Sawyer cùng nhiều cuốn văn học cổ điển khác. Với tôi, mỗi thứ Bảy được nhận một đồng xu là một niềm vui thích thực sự và tôi thường dùng nó để mua kẹo.
Khi kể lại các hoạt động lấp đầy cuộc sống của mình thời thơ ấu này, tôi thực sự nghĩ rằng việc hoàn cảnh buộc tôi phải sáng tạo, sao cho vừa tạo được niềm vui lẫn thu hút những người khác cùng tham gia là một ơn lành. Chắc chắn nó đã giúp tôi xây dựng năng lực suy nghĩ sáng tạo và đưa ra những ý tưởng mới, cũng như giúp phát triển kỹ năng xã hội của tôi. Trẻ em ngày nay – bao gồm cả cháu tôi – đôi khi quá tập trung vào chiếc máy tính và các thiết bị điện tử nên không tương tác đủ với những người khác.
Tôi đã lớn lên trước khi thời đại ti-vi bắt đầu, khi các bậc cha mẹ còn đọc sách báo vào buổi chiều, còn dành thời gian cho các sở thích của họ hoặc tản bộ, còn bọn trẻ thì được vui chơi dưới ánh đèn đường. Ngày xưa trước khi có hàng hiên sân sau và lan can, mọi người thường ngồi ở mái vòm phía trước nói chuyện với hàng xóm đi ngang qua nhiều hơn. Trước khi có máy điều hòa không khí, người ở trong nhà này vẫn có thể nghe được tiếng nói chuyện của những người láng giềng, hoặc tiếng ra-đi- ô từ nhà khác theo gió vọng lại. Đó là những ngày mà bạn còn có thể nghe được tiếng lộc cộc của những chiếc xe ngựa kéo trên đường, tiếng máy bình bịch của những chiếc xe mô-đen T, tiếng rao của những người bán hàng rong, tiếng lanh canh của những người giao sữa và đá lạnh, tiếng rào rào của than đổ vào các thùng chứa.
Cha mẹ đã giúp tôi thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp một cách mạnh mẽ từ những ngày đầu trong cuộc sống. Một trong những việc vặt mà tôi phải làm là cho than vào lò mỗi buổi sáng và buổi tối. Người giao hàng quẳng các bao than ngay lối lái xe vào nhà, vì vậy trước tiên tôi phải chuyển các bao than đen nặng, bụi bặm và dơ dáy xuống tầng hầm của chúng tôi; sau đó tôi mở cánh cửa ọp ẹp bằng gang ra, xúc than cho vào đám cháy rực rỡ trong lò. Nhờ thế mà cả gia đình mới không bị đóng băng suốt những mùa đông khắc nghiệt ở Michigan. Ấy vậy mà ngôi nhà của chúng tôi vẫn còn bị cho là lạnh nếu xét theo tiêu chuẩn của các sản phẩm lò sưởi hiện đại ngày nay. Em gái Bernice của tôi vẫn nhớ rằng lúc đó ngôi nhà lạnh đến nỗi chúng tôi phải đứng trên cửa lò để chuẩn bị đến trường. Dù sao thì chúng tôi vẫn có than để sưởi ấm và đá để làm mát. Các nhà hàng xóm thường treo những tấm bảng ghi rõ số lượng đá lạnh họ muốn được giao. Tôi đã từng đi giao đá lạnh cùng với một người bạn và vẫn nhớ chuyện mình kéo lê những bao đá nặng khoảng 20 – 45 kg lên cầu thang, rồi nhét chúng vào những hộp đá của người mua sau khi sắp xếp sữa và thực phẩm họ về lại vị trí cũ. Mỗi ḥôp đá có một khay nhỏ chứa nước đá chảy ra, và tôi nhớ lại có nhiều lúc tôi đã hăng say dọn sàn bếp bị ngập cùng với các em mình vì chúng tôi quên đổ nước trong khay này.
Theo gương cha mẹ, tôi đã chấp nhận rằng làm việc là một phần của cuộc sống và là điều thiết yếu cho một mái ấm gia đình thành công. Sau này, Bernice vẫn nhớ kỹ là nó đã ghét việc phủi bụi cho từng thanh gỗ trên tất cả những chiếc ghế trong phòng ăn thế nào; nhưng tôi cũng nhớ rằng con bé chưa bao giờ phàn nàn hay từ chối mỗi khi có thành viên trong gia đình nhờ nó làm việc này, việc kia.
Trong cộng đồng người Mỹ gốc Hà Lan của chúng tôi, hầu hết các ngày Chủ nhật có nghĩa là phải đi nhà thờ và đến lớp giáo lý. Gia đình tôi tham gia Giáo hội Tin Lành Cải cách vốn được tách ra từ Giáo hội Kitô giáo Cải cách; đây cũng là nhánh truyền thống và rất nghiêm ngặt. Đi nhà thờ không phải là một lựa chọn mà là điều bắt buộc. Chúng tôi thuộc bộ phận những người theo thuyết Calvin, một nhánh tôn giáo cải cách của Hà Lan. Chúng tôi sống và tuân theo những quy tắc rõ ràng: tôn kính cha mẹ, dành một phần tiền kiếm được cho những việc mà Chúa giao phó, chia sẻ với cộng đồng, trung thực, làm việc chăm chỉ, và phấn đấu để có thái độ – tinh thần tốt. Chúng tôi luôn nói lời cảm tạ Chúa đã ban cho bữa ăn rồi mới bắt đầu cầm dao, nĩa lên; và chúng tôi sẽ đọc một đoạn Kinh thánh để kết thúc bữa ăn. Vào ngày Chủ nhật, hầu hết các doanh nghiệp đóng cửa, còn các hoạt động uống rượu hay khiêu vũ đều bị cấm (một số giáo dân còn cho rằng việc đi xem phim vào ngày của Chúa là sự lãng phí thời gian).
Cũng từ trong ký ức xưa cũ nhất của mình, tôi đã biết đến cảm giác của băng ghế gỗ dài có lưng để tựa trong nhà thờ. Đối với một đứa trẻ ồn ào, thích hoạt động thể thao và vui chơi ngoài trời với bạn bè như tôi thì việc phải ngồi trên băng ghế dài, cứng trong nhà thờ, phải cố gắng nắm bắt những lời giảng giải khá dài của mục sư là không hề dễ dàng. Đến khi đủ lớn để ngồi xe hơi đến nhà thờ với một người bạn, thảng hoặc chúng tôi sẽ bốc một bản tin ở cuối nhà thờ và rời khỏi đó mà không dự lễ – để rồi sau đấy chìa bản tin ra cho cha mẹ như là một bằng chứng rằng chúng tôi đã ở nhà thờ vào buổi sáng.
Mặc dù mãi đến khi trưởng thành, tôi mới tuyên xưng đức tin nhưng cuối cùng thì tôi đã rất cảm kích lý do tại sao đức tin và vai trò giáo dân lại quan trọng và được thực hiện nghiêm túc trong văn hóa Hà Lan của chúng tôi như thế. Ngay khi còn là một đứa trẻ, tôi đã không bao giờ nghi ngờ rằng đức tin của một người là rất quan trọng. Tôi không thể nhớ ra được có lúc nào mà tôi không tin vào Đức Chúa Trời. Đến khi vào trung học, tôi đã thấy được sự khác nhau giữa các Kitô hữu và những người khác. Có một không khí chung giữa các Kitô hữu mà tôi cảm nhận được – ấm áp hơn, vững vàng hơn về mục đích và ý nghĩa và gắn bó sâu đậm hơn giữa những người cùng chia sẻ một niềm tin. Tôi quyết định rằng nhóm Kitô giáo chính là nơi tôi thuộc về.
Ngay cả khi tận hưởng các cuộc vui và trò chơi của trẻ con, chúng tôi vẫn không thể thoát khỏi sự thật là mình đang sống qua những giai đoạn khó khăn và rằng cha tôi đang thất nghiệp. Ông nhận làm bất cứ việc gì mà ông tìm được để giữ cho cuộc sống gia đình tiếp tục. Những ngày trong tuần ông đóng bột vào bao ở căn phòng phía sau của người bán tạp phẩm, và vào các ngày thứ Bảy ông bán tất và đồ lót ở cửa hiệu quần áo dành cho nam. Nhưng ông không bao giờ phàn nàn. Cha tôi là người rất lạc quan. Ông tin vào sức mạnh của lối suy nghĩ lạc quan và luôn thể hiện niềm tin vào nó mặc dù trong cuộc sống riêng, ông không thành công như ông từng hy vọng. Ông cũng đọc các tác phẩm của những tác giả mà ngày nay tôi vẫn thường nhắc đến như Norman Vincent Peale hay Dale Carnegie. Và dẫu chỉ học đến lớp Tám nhưng ông rất thích học hỏi bằng cách đọc thêm những cuốn sách về suy nghĩ tích cực. Ông luôn bảo tôi: “Con sẽ làm được những điều vĩ đại. Con sẽ làm tốt hơn những gì ba đã làm. Con sẽ đi xa hơn những nơi ba đã đi. Con sẽ thấy những gì ba chưa bao giờ thấy”.
Nhìn lại, tôi nghĩ có lẽ cha tôi đã cảm thấy rất căng thẳng trong suốt thời kỳ khó khăn lúc tôi còn nhỏ, mặc dù ông không để lộ ra điều đó. Khi nghĩ về tấm gương tuyệt vời của cha đã dẫn dắt gia đình với một thái độ tích cực và lạc quan như thế, tôi hy vọng rằng hồi còn trẻ, mình đã biểu lộ được cho ông hay phần nào sự ngưỡng mộ và lòng cảm kích dành cho ông. Thậm chí còn hơn thế, tôi mong tôi là một tấm gương tương tự cho con của mình. Chúng ta không nên cố sống vì con cháu, nhưng cho đến hôm nay tôi đã cố gắng nhiều để tham dự vào việc giúp cho con cháu của tôi phát huy tiềm năng của chúng vì một cuộc sống thành công và có ý nghĩa. Giờ đây tôi thật sự hiểu cha cũng đã mong muốn điều tương tự cho tôi đến dường nào.
Cha tôi đã khuyến khích tôi tạo dựng một sự nghiệp riêng. Kinh nghiệm của cha là ông đã không kiểm soát được tình trạng có việc làm hay bị thất nghiệp. Số phận của ông nằm trong tay người thuê mướn ông. Quan trọng hơn, ông thuyết phục tôi rằng làm chủ một doanh nghiệp không phải là một giấc mơ viển vông. Ông luôn dạy tôi tin vào tiềm năng không giới hạn để nỗ lực phát triển của mỗi cá nhân. Mỗi lần tôi chớm nói: “Con không thể” là ông sẽ ngăn tôi lại ngay: “Chẳng có từ nào là không thể cả”. Ông nhấn mạnh với tôi rằng “tôi không thể” là một lời khẳng định thất bại. “Tôi có thể” mới là tuyên ngôn của lòng tin và sức mạnh. Cha luôn nhắc tôi: “Con có thể làm được việc đó!” Những từ đó còn mãi với tôi và định hướng tôi suốt quãng đời còn lại.
Có lẽ vì tôi là con cả và là con trai duy nhất, cha đã quan tâm đến tôi rất nhiều như cùng chơi thể thao, đọc sách cho tôi nghe và chia sẻ những sở thích của ông. Cha ảnh hưởng đến tôi về nhiều mặt đến nỗi sau này đã tác động rất lớn đến cuộc sống của tôi. Ông thích “luôn chân luôn tay”, như hồi đó chúng tôi thường nói. Tôi nhớ ngày xưa ấy, mình thường hay xem ông loay hoay với bất cứ thứ gì thuộc về máy móc mà ông có thể sửa được dưới tầng hầm. Ông cũng là người thích phiêu lưu và nhìn xa trông rộng, một người yêu những ý tưởng mới và thường mơ mộng đến những nơi ông muốn xem. Vì không có tiền đi du lịch, ông đã không thể đến được những nơi ông chỉ nhìn thấy trên bản đồ, nhưng tôi nhớ có một lần cả nhà tôi chất lên chiếc xe duy nhất của gia đình và đi đến Công viên Quốc gia Yellowstone, đó là một chuyến phiêu lưu lớn dành cho chúng tôi.
Mối quan tâm đặc biệt về dinh dưỡng của cha cũng đi trước thời đại. Cha nói chuyện về việc làm vườn hữu cơ thậm chí còn trước khi hầu hết mọi người biết đó là gì, ông giảng giải lợi ích của một chế độ ăn uống lành mạnh, và chỉ cho phép bánh mì làm từ bột lúa mì nguyên hạt xuất hiện trên bàn của chúng tôi, dù đó là loại bánh mì mà các em tôi đều ghét. Những ý kiến độc đáo và sự thực hành của ông trong lĩnh vực dinh dưỡng chắc chắn đã ảnh hưởng đến nhận thức của tôi khiến sau này tôi trở thành nhà phân phối sản phẩm của Nutrilite cùng với cộng sự kinh doanh tương lai của mình, Jay Van Andel.
Tôi cũng thật may mắn có mẹ là người đã có những ảnh hưởng tốt đến cuộc sống của tôi. Bà không làm việc ở bên ngoài và thường có mặt mỗi khi tôi và các em gái cần đến. Khác với cha, mẹ tôi thú nhận rằng bà đã không mấy lạc quan trong suốt những năm tháng đó. Tuy vậy, bà là một nguồn lực ổn định, đảm bảo cho ngôi nhà được giữ gìn sạch sẽ và các bữa ăn được dọn lên bàn, với tính thực tế và tiết kiệm, mẹ đã giúp chúng tôi vượt qua những năm khốn khó ấy. Bà là một phụ nữ nồng hậu, đầy yêu thương, người luôn cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ. Bà dạy tôi làm kẹo, giúp tôi thấm nhuần đạo đức trong công việc và nhấn mạnh rằng mọi đứa trẻ đều phải làm việc vặt trong nhà. Bạn phải sắp bàn ăn, dọn bàn hoặc rửa chén. Kết cuộc thường thì tôi phải lau khô chén đĩa khi mẹ rửa chúng, và công việc thường ngày đó đã cho phép chúng tôi ở cùng nhau mỗi buổi tối và tán gẫu – việc mà tôi nghĩ trong văn hóa ngày nay thường không còn nữa.
Mẹ cũng rất thông minh trong việc tận dụng những thứ ít ỏi mà chúng tôi đang có một cách tốt nhất. Ví dụ, hằng năm bà sẽ sắp xếp lại đồ đạc nội thất; vì chúng tôi không thể mua nổi đồ mới, sắp xếp lại nội thất ít ra tạo nên một hình ảnh khác cho phòng khách và đem lại một vẻ ngoài mới mẻ. Mẹ cũng là người giáo dục tôi về tiền bạc. Bà cho tôi con heo đất đầu tiên để giữ các đồng xu tôi kiếm được khi làm những việc vặt cho hàng xóm. Tôi đã bỏ vào chiếc hộp bằng gang ấy tất cả những đồng xu tôi để dành được. Mỗi tháng một lần mẹ đi với tôi đến ngân hàng để gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm mang tên tôi.
Để kiếm tiền trong thời kỳ khó khăn ấy, tôi bắt đầu làm công việc giao báo. Mỗi khi nhớ lại, tôi cho rằng đó chính là công việc đầu đời quan trọng của mình. Tôi giao báo cho tờ Grand Rapids Press và việc này không dễ dàng như tôi tưởng. Nhưng thật may là nhờ nó mà, tôi đã học được những bài học quý giá về trách nhiệm, uy tín và tất cả các nguyên tắc đạo đức cần có trong công việc. Mỗi ngày, tôi nhận một bó báo ở một địa điểm gần nhà tôi, đó là địa điểm tập trung để các cậu bé giao báo trong vùng đến lấy báo. Tôi đếm số báo cần giao cho tuyến đường của mình, ngồi trên vệ đường cùng với bọn trẻ, gấp báo và nhét vào một chiếc túi vải quàng qua vai. Tôi có khoảng 30 đến 40 khách hàng và phải học cách phục vụ họ cho tốt. Sau vài tháng đi bộ trên tuyến đường của mình, tôi nhanh chóng đặt ra mục tiêu kiếm đủ tiền mua một chiếc xe đạp cũ, một chiếc xe đua Schwinn màu đen để giúp cho công việc của tôi dễ dàng hơn và quá trình giao báo hiệu quả hơn. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác hồi hộp khi mua được chiếc xe ấy, kết quả của việc đặt ra mục tiêu, việc kiếm tiền và để dành – đó là một bài học giá trị khác về phần thưởng từ công việc mà tôi đã mang theo suốt cuộc đời. Tôi cũng đã hoàn thiện kỹ năng quăng báo từ xe đạp của mình để chúng có thể rơi đúng hiên nhà, và chỉ thỉnh thoảng tôi mới phải xuống xe để nhặt những tờ báo bị rơi vào các bụi cây. Vào mỗi mùa Giáng sinh, tôi đã được tưởng thưởng cho dịch vụ tuyệt vời của mình khi nhiều khách hàng cho thêm 25 xu hay 50 xu, và đôi khi là cả một đô-la trong một vài trường hợp rất hiếm hoi.
Mỗi sáng thứ Bảy tôi phải đến từng nhà lấy tiền đặt báo. Sau khi nhận tiền, tôi sẽ bấm lỗ chiếc thẻ họ treo trên một chiếc đinh cạnh cửa ra vào. Dự án kinh doanh đầu tiên này đã dạy cho tôi những điều căn bản như tôi cần phải ra ngoài để kiếm khách hàng, cũng như làm thế nào để phục vụ khách hàng cho tốt, rồi đâu là cách thu tiền và đổi tiền hiệu quả.
Ngoài ý nghĩa là một phương tiện giúp tôi kiếm chút tiền, những công việc làm thêm cũng cho tôi cảm giác mới mẻ về thế giới tự do, phong phú và đầy linh hoạt xung quanh mình. Nhờ vậy mà dẫu có đi giao báo cho những khu phố mà cư dân được sống trong những ngôi nhà đẹp hơn ngôi nhà của mình, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình là một “kẻ nghèo” trong thế giới “những người giàu”. Chưa bao giờ tôi bực tức hay ganh tỵ với những khách hàng này. Họ có thể sống tốt hơn gia đình tôi thật đấy nhưng thay vì đố kỵ với họ, tôi đã nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ đạt được những điều tương tự như những gì họ có. Tôi tin rằng bằng cách làm việc chăm chỉ, sau này tôi cũng có thể bước lên đến vị trí của họ.
Cả ông nội và ông ngoại của tôi đều sống gần đấy và đều làm công việc buôn bán. Và một trong hai ông đã cho tôi sự hồi hộp trong thương vụ đầu tiên, cũng là người dẫn lối quan trọng đưa tôi vào thế giới kinh doanh.
Ông nội DeVos là chủ một cửa hiệu nhỏ bán tạp hóa, một ít đồ ăn khô, các vật dụng trong nhà, và quần áo ông đặt mua cho khách hàng qua ca-ta-lô. Ông cũng bán kẹo lẻ từ chiếc quầy lớn phía trước cửa hiệu. Ngay phía bên kia là sân trường, và tôi nhớ bọn học trò khi đến mua kẹo của ông tôi thường cẩn thận xem xét một loạt các loại kẹo đầy màu sắc sau tấm kiếng trước khi quyết định làm sao để mua được nhiều nhất với chỉ một hay hai xu. Ông sống ở ngay phía trên cửa hiệu nên nếu có khách hàng đến mua đồ trong khi ông đang ăn trưa hay bận việc ở đâu đó, ông vẫn có thể nghe thấy tiếng chuông cửa. Nếu khách hàng đến khi ông đang cầu nguyện trước khi ăn, ông sẽ ngưng lại giữa chừng và hét lên: “Yust a minute!” (tức Chờ một chút!). Sau đó ông sẽ hoàn tất lời cầu nguyện của mình, và bước xuống thang để phục vụ họ. Ông cũng đánh xe ngựa quanh vùng, lấy đơn đặt hàng và giao hàng.
Ông ngoại Dekker của tôi là một “người chạy hàng” theo kiểu cũ, (“người chạy hàng” là một thuật ngữ bắt nguồn từ một từ Hà Lan cổ có nghĩa là “bán hàng rong”). Ông lái chiếc xe tải mô-đen T của mình đến chợ mỗi buổi sáng và mua rau củ để sau đó bán đến tận nhà cho khách hàng dọc con đường trong khu phố của ông. Ông đến mỗi nhà, rung chuông, nhấn còi hay gọi lớn: “Khoai tây, cà chua, hành tây, cà rốt đây...” và các bà nội trợ sẽ chạy ra mua hàng.
Chính trong những lần đi “chạy hàng” cùng ông ngoại, tôi đã lần đầu tiên được tự bán hàng. Lần đó, sau khi ông đã hoàn tất tuyến đường của mình thì còn lại một lô củ hành. Về sau, bất cứ lúc nào mà ông tôi còn rau củ, tôi sẽ lại có cơ hội “thực tập” bán hàng. Công việc này đòi hỏi phải có nghệ thuật bán hàng và sự kiên trì, nhưng tôi yêu thích nó. Những bài học và kinh nghiệm có được từ chặng đường bán báo và làm việc vặt trong nhà là cơ sở giúp tôi, lúc đó hãy còn nhỏ, trở thành một nhân viên mẫn cán có ý thức trách nhiệm, lưu tâm đến chi tiết và biết đánh giá cao việc làm hài lòng khách hàng.
Vào năm 14 tuổi, tôi kiếm được việc làm tại một trạm xăng gần nhà. Vào thời đó, các lái xe thường tin cậy các trạm xăng nhỏ xung quanh, mà chủ của chúng thường là những người hàng xóm có kỹ năng sửa chữa máy móc. Hầu hết các trạm xăng đều có hai cái bơm xăng ở phía trước và một gian hàng duy nhất để hiệu chỉnh và sửa chữa xe ô tô. Có nhiều người phục vụ mặc đồng phục và đội nón giống như đồng phục của cảnh sát và cổ áo sơ mi của họ có cài nơ bướm. Ngoài việc bơm xăng, rửa kính chắn gió, kiểm tra nước và dầu, các trạm xăng cũng cung cấp các dịch vụ chăm sóc bảo dưỡng xe khác, và tôi đã trải qua tất cả.
Tôi làm việc suốt các ngày thứ Bảy, chỉ với mỗi việc rửa xe. Thời đó chưa có các gara chuyên rửa xe với hệ thống sưởi ấm như bây giờ, vì thế vào mùa đông, khách hàng thường giao luôn cho các trạm xăng việc rửa xe. Giá rửa một chiếc xe là một đô- la và tôi được giữ 50 xu – thế nên cho dù có là mùa đông, mỗi sáng thứ Bảy tôi vẫn bó ấm người và cố gắng chịu lạnh để rửa càng nhiều xe càng tốt. Vào nửa đầu thế kỷ 20, ở Mỹ vẫn còn nhiều con đường chưa được trải nhựa nên xe hơi thường bị vấy bẩn rất nhiều ở các cửa sổ và khung cửa chính. Tôi đã cố gắng rửa thật sạch những chiếc xe ấy và qua đó, tạo uy tín cho mình. Tôi cũng dùng những kiến thức học được từ cha để giúp các thợ máy tìm phụ tùng xe thay thế hay giúp sửa chữa những thứ đơn giản.
Ở tuổi 14, tôi trở nên đáng tin cậy đến nỗi ông chủ đã cho tôi phụ trách hoạt động của trạm xăng mỗi khi ông đi vắng. Việc được người khác tin tưởng đến thế đã giúp tôi tự tin hơn nhiều. Vậy là tôi lại có thêm một bài học đáng giá ngay từ lúc còn nhỏ – bài học về tầm quan trọng của trách nhiệm với công việc.
Khi được nhận vào làm một chân bán hàng trong cửa hiệu trang phục nam sau giờ học ở trường, tôi vẫn còn là một thiếu niên. Thật sự đó là công việc của người lớn, nhưng tôi thích cơ hội giao tiếp với khách hàng trong một môi trường chuyên nghiệp hơn, và tôi khám phá ra rằng tôi đã làm khá tốt ở vị trí bán hàng. Lẽ ra tôi phải chơi thể thao sau giờ học như nhiều bạn bè, nhưng tôi cần tiền để phụ cha mẹ trả chi phí ăn ở, và vì mỗi thành viên gia đình được mong đợi phải phụ giúp kiếm thức ăn cho cả nhà.
Huấn luyện viên bóng chày ở trường trung học có lần nói với tôi:
– Thầy biết em thuận tay trái. Thế em có muốn chơi bóng không?
– Em rất muốn nhưng lại không thể. Em còn phải đi làm mỗi ngày sau giờ học, vì thế em không tham gia tập luyện được, – tôi đáp.
Cuộc sống rẽ sang một bước ngoặt đột ngột vào một buổi chiều Chủ nhật ấm áp bất thường đầu tháng 12 năm 1941. Tôi đang đi trên chiếc xe đạp Schwinn của mình thì một cậu bé hàng xóm gọi tôi từ cuối đường:
– Anh nghe tin gì chưa?
– Tin gì thế? – Tôi hỏi. Và cậu đáp:
– Chiến tranh rồi. Người Nhật đã đánh bom Trân Châu cảng!
Bằng cách đó, tôi đã biết về sự kiện thảm khốc ngày 7 tháng 12 năm 1941. Dĩ nhiên là từ đấy, ngày nào tất cả chúng tôi cũng nghe ra-đi-ô và đọc báo để xem cuộc chiến diễn ra như thế nào. Đó luôn là tin nóng trong ngày. Lowell Thomas trở thành một nhà báo nổi tiếng nhờ bản tin 15 phút mỗi tối trên ra-đi-ô và các kịch bản phim thời sự chiếu ở rạp của ông. Tôi không thể nào quên được giọng nói du dương rất đặc biệt của ông, một chất giọng làm tăng thêm tính khẩn thiết, sự hào hứng và không khí lãng mạn cho từng câu chuyện về những nơi xa xôi mà trước chiến tranh nhiều người Mỹ chưa bao giờ nghe đến. Dư âm của cuộc Đại Khủng hoảng còn chưa lắng, cuộc Thế chiến thứ hai lại ùn đến kéo theo bao mất mát và hy sinh mới. Không có chiếc xe hơi nào được sản xuất sau mẫu xe năm 1941. Các nguyên liệu từ giấy, cao su đến kim loại và thức ăn đều khan hiếm vì phần lớn đã được dùng cho chiến tranh. Chúng tôi trồng những khu vườn Chiến Thắng để sản phẩm thu hoạch từ các vụ mùa có thể chuyển đến giúp cho cuộc chiến và chúng tôi dùng tem phiếu cho hàng tạp phẩm và xăng dầu. Người ta đóng hộp các loại hoa quả và rau củ trồng trong vườn. Tôi nhớ đã giúp mẹ việc này, và các hũ thủy tinh đựng cà chua, dưa góp và các loại thức ăn đóng hộp khác được xếp hàng trên những kệ gỗ trong hầm trái cây của nhà tôi. Lần đầu tiên cuộc chiến chạm đến khu nhà chúng tôi là khi con trai của vị bác sĩ sống gần đấy hy sinh khi anh vượt biển chiến đấu.
Rồi tôi vào trung học, một bước ngoặt khác liên quan đến những bài học về sự làm việc chăm chỉ, uy tín và việc đưa ra những quyết định đúng đắn. Năm 15 tuổi, tôi được cha mẹ gửi đến một trường Kitô giáo nhỏ trong thành phố. Giống như hầu hết các trẻ vị thành niên, tôi đã không ý thức được trường tư thì đắt đỏ như thế nào và cha mẹ đã phải hy sinh ra sao để trả học phí cho tôi. Tôi cúp cua, tán gái và chẳng để tâm đến bài tập về nhà cũng như điểm số. Bằng cách nào đó tôi đã xoay xở để không bị trượt môn nào trong năm đầu tiên ấy. Cô giáo dạy môn Latin cho tôi điểm vừa đủ đậu chỉ để tôi không phải học lại lớp cô lần nữa. Cuối năm học, cha tôi nói: “Nếu con cứ lêu lổng như thế, ba sẽ không trả thêm tiền để giữ con ở trường tư thục nữa. Con có thể tha hồ cúp cua ở trường công và ba sẽ chẳng mất một đồng nào”.
Vì thế năm sau đó, cha gửi tôi đến Trường Kỹ thuật Davis Tech để học làm thợ điện. Đã vào ngôi trường dạy nghề này thì cũng đồng nghĩa “sẽ không vào đại học”. Tôi đã khốn khổ suốt năm ấy và đây chính là cú thúc khuỷu khiến tôi nhận ra những gì mình đã bỏ lỡ khi cúp học ở trường tư. Tôi bảo cha rằng tôi muốn quay về Trường Trung học Kitô giáo. Cha tôi hỏi:
– Ai sẽ trả tiền?
– Con sẽ trả, – tôi đáp.
Tôi làm những việc vặt để kiếm tiền và khi trở lại Trường Trung học Kitô giáo Grand Rapids, tôi đã trở nên tốt hơn. Tôi học được rằng phải trân trọng những thứ mình kiếm được nhiều hơn là những gì người khác cho mình. Tôi cũng học được rằng mỗi quyết định đều có kết quả của nó. Quyết định cúp cua ở trường của tôi gây ra kết quả tiêu cực, còn quyết định quay trở lại trường Kitô giáo thì có kết quả tích cực, và kết quả đó tác động đến phần đời còn lại của tôi.
Không chơi thể thao được vì phải dành thời gian để làm thêm, tôi đã tìm ra một thú vui khác: khích lệ và cổ vũ người khác. Trường tôi không có đội cổ vũ được tổ chức một cách bài bản để cổ động cho các trận đấu bóng rổ, vì thế trong các trận thi đấu, tôi đã đứng ngoài sân, la hét và nhào lộn dọc theo rìa sân bóng rổ để khuấy động đám đông. Lúc thì tôi hoạt náo trong bộ đồng phục làm việc ở cửa hàng quần áo mà tôi đang làm thêm, lúc lại mặc đồ vét và cà vạt. Trò hề của tôi hẳn đã khiến cho các đường may trên trang phục của tôi căng ra, vì có một lần, trước mặt toàn thể học sinh, tôi nhào lộn và làm toạc đường chỉ quần ngay mông. Mặt đỏ bừng, tôi đi lùi ra khỏi sân nhưng tôi đã không để cho sự xấu hổ đó ngăn cản mình. Tôi thích hâm nóng tinh thần cho đám đông và cả đội bóng. Tôi đã mang theo tinh thần cổ vũ người khác trong suốt cuộc đời mình sau đó. Tôi luôn xem bản thân là một “cổ động viên” bởi vì tôi tiếp tục khuyến khích những người khác tự tin sử dụng tài năng của mình để theo đuổi giấc mơ của họ. Đó là một trong những lý do quan trọng nhất để tôi thành công và giúp cho người khác thành công.
Tuy nhiên, kết quả học tập của tôi lại không thực sự tốt. Hóa ra các hoạt động như tập hợp và khích lệ mọi người, kết bạn cũng như hòa nhập với xã hội thì phù hợp với tôi hơn việc ngồi lỳ trong lớp. Mặc dù điểm số của tôi khá hơn, chúng vẫn còn ở đâu đó khoảng vừa chớm đủ và tôi vẫn chưa tìm ra mục tiêu cụ thể của đời mình. Ở sâu trong tâm trí của tôi là một ý niệm mờ nhạt rằng một ngày nào đấy tôi sẽ là chủ doanh nghiệp, nhưng tôi lại không có một ý tưởng rõ ràng là khi nào và làm thế nào để khiến điều đó xảy ra. Rồi thật bất ngờ, tôi có tên trong danh sách đề cử cho vị trí Chủ tịch Hội học sinh năm cuối cấp. Tôi tưởng rằng mình đã bị lãng quên sau một năm chuyển sang trường Kỹ thuật Davis Tech nhưng có lẽ danh tiếng cổ động viên cũng như khả năng kết bạn của tôi đã khiến cho tôi trở nên nổi tiếng. Thậm chí, một số thầy cô giáo của tôi rất ủng hộ chiến dịch “tranh cử” của tôi. Một hôm, tôi nhận được thông báo: “Em đã thắng! Thầy quá phấn khích và mong em thắng đến nỗi phải đi xem có đúng thế không”.
Mọi người mong đợi tôi có bài phát biểu tại buổi lễ phát bằng tốt nghiệp với tư cách là Chủ tịch Hội học sinh, trong bối cảnh là Hoa Kỳ vừa mới qua khỏi cuộc Đại Khủng hoảng và đang chiến đấu chống lại quân phát xít trong cuộc Thế chiến thứ hai. Cuối cùng thì tôi sẽ ra sân khấu nói trước đám đông hàng ngàn người về “Tương lai sẽ dành những gì cho các học sinh khóa tốt nghiệp năm 1944?”. Cha giúp tôi tập thử trước một chiếc gương, hướng dẫn tôi cách diễn tả, các cử chỉ, khi nào thì ngưng và từ nào cần nhấn mạnh. Tôi đã dành hết tâm trí cho bài phát biểu đến nỗi tôi hy vọng sẽ tạo được cảm hứng cho bạn học của mình để cùng nhau bắt đầu một chặng đường mới trong cuộc sống. Về sau, rất nhiều người trong số chúng tôi sẽ tham gia cuộc chiến vì tự do ở châu Âu và Nam Thái Bình Dương. Tôi đọc bài phát biểu của mình tại Nhà thờ Kitô giáo Cải cách Coldbrook ở khu trung tâm thành phố Grand Rapids. Tôi không nhớ mình có hồi hộp không, nhưng tôi nhớ mọi việc đã diễn ra tốt đẹp và đám đông đã vỗ tay. Sau bài phát biểu, một bà mẹ trong các khán giả thậm chí bảo tôi rằng: “Cháu đã làm tốt hơn một nhà thuyết giáo nhiều”. Đó là lời khen ngợi rất có giá trị trong cộng đồng Kitô giáo của chúng tôi, nơi bài giảng duy nhất mà mọi người được nghe là bài thuyết giáo ngày Chủ nhật.
Khi tôi tốt nghiệp, Tiến sĩ Leonard Greenway, thầy dạy Kinh thánh uyên bác và hiền dịu, đã viết một dòng trên cuốn kỷ yếu của tôi mà không bao giờ tôi quên được – chỉ một dòng khích lệ giản đơn như thế này: “Gửi chàng thanh niên giàu triển vọng, có tài năng lãnh đạo trong vương quốc của Thiên Chúa”. Những lời thầy viết tuy đơn giản nhưng đã tạo nên một nguồn cảm hứng to lớn đối với một chàng trai trẻ không phải là học sinh giỏi và từng bị cho là không thể vào được đại học. Nhưng người thầy mà tôi kính phục đã nhìn thấy hình ảnh một nhà lãnh đạo nơi tôi. Phải, Trường Trung học Kitô giáo đã giúp tôi đào luyện kỹ năng lãnh đạo, điều rất có ích cho những tháng năm gầy dựng sự nghiệp của tôi.
Nhiều năm sau đó, tôi gặp lại Tiến sĩ Greenway trong một cuộc hội ngộ học sinh trung học. Là người dẫn chương trình của sự kiện, gần như tôi đã làm khó thầy khi hỏi thầy trước mặt các bạn đồng khóa rằng thầy có nhớ đã viết gì trong kỷ yếu của tôi không. Thầy đứng lên và lặp lại nguyên vẹn câu đó sau từng ấy năm và tôi đã rất cảm động. Thầy đã nhận ra một tia sáng tài năng mà khi đó hẵng còn le lói trong tôi, mà chính tôi cũng chưa nhìn thấy được. Thầy đủ thông tuệ để hiểu được sức mạnh của một dòng khích lệ tích cực trong việc giúp định hình tương lai của một người trẻ tuổi. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ sự tử tế của thầy. Để tỏ lòng kính trọng thầy cũng như những gì thầy đã làm cho tôi, tôi đã tiếp tục khích lệ người khác bằng sức mạnh của những lời tích cực.
Như vậy đó, tôi đã may mắn được lớn lên trong một môi trường thích hợp. Tôi đã nhận được tình yêu thương và sự khích lệ từ gia đình thân thiết, thái độ tích cực của cha, và những tấm gương về bán hàng và kinh doanh của nội ngoại tôi. Tôi được thừa hưởng những đặc điểm tốt nhất của người Hà Lan: đức tin, sự tiết kiệm, lối sống thực tế, đạo đức làm việc, biết trân trọng tự do và cơ hội. Tôi mài dũa tài năng diễn thuyết và lãnh đạo của mình ở vị trí chủ tịch hội học sinh năm cuối cấp. Đức tin của tôi đã được nuôi dưỡng và củng cố nơi nhà thờ và Trường Trung học Kitô giáo. Tôi đã học được về giá trị và lợi ích của công việc khi đi giao báo và làm việc vặt để trả học phí của mình. Ngay cả khi ở những thời điểm thử thách nhất của cuộc Đại Khủng hoảng, tôi vẫn được sống dưới sự bảo bọc của những con người kiên trì, nhẫn nại và đầy hy vọng. Tôi đã được khích lệ từ những thầy cô giáo luôn sẵn sàng giúp đỡ. Và tôi là một cổ động viên, cho đến bây giờ tôi vẫn đóng vai trò lạc quan và hăng hái ấy.
Sau này, khi tôi được biết đến như một diễn giả tạo động lực, một trong những bài phát biểu quan trọng của tôi là “Ba chữ A: Action (tức hành động), Attitude (tức thái độ) và Atmosphere (tức môi trường)”. Quá nhiều người không hành động vì họ đã bị đông cứng trong sợ hãi và nghi ngờ. Chẳng có gì xảy ra cho đến khi ta hành động. Những hành động bắt nguồn từ một thái độ tích cực. Một thái độ tích cực thì được phát triển khi chúng ta ở trong, hoặc chọn đặt mình vào, một bầu không khí thích hợp. Môi trường của tôi là tình yêu thương trong cộng đồng và gia đình gắn bó của mình. Tình yêu thương đó thể hiện qua đức tin mạnh mẽ, sự cần mẫn trong công việc và hạnh phúc tìm thấy được bất chấp cuộc Đại Khủng hoảng cũng như sự sát cánh bên nhau cùng hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi luôn nhấn mạnh về sự cần thiết của một môi trường thích hợp, dù là với các con của mình, các cầu thủ đội bóng rổ NBA Orlando Magic của tôi, hay hàng triệu nhà phân phối của Amway trên toàn thế giới. Nếu xung quanh bạn là những người có suy nghĩ tiêu cực, hãy rời bỏ họ và tìm bạn bè có suy nghĩ tích cực. Tránh xa những nơi và tình huống có khả năng tạo nên những sự việc và cách ứng xử mang tính tiêu cực. Nếu một môi trường tiêu cực tràn ngập nơi bạn sống và làm việc, hãy đi nơi khác. Hãy tìm những người bạn, cộng sự trong công việc, và các cố vấn có thái độ tích cực, những người chia sẻ mục tiêu và sự quan tâm lớn nhất của bạn.
Một môi trường tích cực sẽ nuôi dưỡng một thái độ tích cực cần phải có để dẫn đến một hành động tích cực. Bầu không khí xung quanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi từ khi còn là một học sinh trung học và tôi tự tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ đạt được các mục tiêu mà tôi đã bắt đầu. Nhưng cũng giống như tất cả những kinh nghiệm thời thơ ấu đã có ảnh hưởng quan trọng trong việc định hình tương lai của tôi, điều quan trọng nhất là tôi đã gặp một người trước khi tốt nghiệp trung học, người có công thay đổi cuộc sống của tôi theo những cách tôi chưa bao giờ dám mơ đến. Tất cả bắt đầu bằng một chặng đường đến trường giản đơn.