Nhà tôi cách Trường Kitô giáo hơn 3 km. Thường thì tôi đi bộ đến trường, nếu vào mùa đông thì sẽ mặc thêm áo khoác len và dựng đứng cổ áo lên, nón thì kéo sụp xuống, chân mang đôi ủng cao su màu đen luôn ngập trong tuyết. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi vẫn được người lái xe điện cho quá giang, có lẽ do ông thường lái tuyến xe đi qua nhà tôi và trường học nên đã để ý thấy bộ dạng của tôi lẫn việc tôi phải đi bộ một quãng xa hơn nhiều so với hầu hết các học sinh khác. Cũng có thể là ông đồng cảm được rằng những cuốc đi bộ từ nhà đến trường vào những lúc trời gió hay tuyết rơi thường cho cảm giác dài hơn, lâu hơn. Nhưng trên con đường từ nhà đến trường ấy, không phải lúc nào tôi cũng đi bộ hoặc “đi ké” xe điện. Có lúc tôi đi xe buýt thành phố nữa, tuy nhiên vào những hôm đó, tôi sẽ phải dậy sớm, dậy trước cả lúc mặt trời mọc. Lý do là vì lộ trình của chuyến xe buýt rất dài: phải đi qua khu trung tâm, dừng lại ở vài trạm rồi mới tới Trường Trung học Kitô giáo Grand Rapids.
Vậy là tôi nghĩ đến việc tìm một phương tiện vận chuyển hiệu quả hơn. Vì thuộc loại hay tìm tòi và giỏi xoay xở, tôi nảy ra một ý. Có một chiếc xe Ford mô-đen A sản xuất năm 1929 đi ngang qua đường East Fulton gần nhà tôi vài lần. Rồi tôi lại nhận ra chiếc xe này trong bãi đậu xe ở trường. Cho rằng quá giang chiếc xe này chắc chắn sẽ tiện hơn là đi xe buýt, xe điện hay đi bộ, một ngày kia tôi đến làm quen với người chủ chiếc xe – một cậu học sinh cùng trường. Sau khi cho cậu ta biết rằng nhà chúng tôi chỉ cách nhau có vài khu thôi, tôi hỏi xem liệu tôi có thể đi chung xe với cậu đến trường không. Cậu này cũng thuộc loại giống tôi nên đã trả lời: “Thế đổi lại, cậu sẽ trả tớ 25 xu mỗi tuần cho tiền xăng chứ?”. Vào thời đó, giá xăng là 10 xu/ga- lông(*), vậy nên tôi đồng ý với giao dịch này, lúc đó còn chưa nhận ra tôi không phải là người duy nhất nghĩ ra ý tưởng đi nhờ ấy. Trước tôi, cậu ấy đã nhận lời cho các học sinh khác đi quá giang với mức phí 25 xu/tuần/người.
Đó là thương vụ chính thức đầu tiên của tôi với Jay Van Andel, người sau này trở thành cộng sự trong kinh doanh và là người bạn suốt đời của tôi.
Gia đình Jay cũng là người gốc Hà Lan. Cha của Jay là chú James, ông cùng với người đồng hương John Flikkema đồng sở hữu đại lý phân phối ô tô Van Andel & Flikkema (đại lý này vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay). Điều này giải thích tại sao Jay có được đặc quyền hiếm có đối với một thiếu niên trong thời kỳ Đại Khủng hoảng, đó là có xe hơi riêng để đi lại. Là con một, Jay sống trong một ngôi nhà yên tĩnh với cha mẹ, những người khá kín đáo; đây cũng là điều làm tôi chú ý bởi nó không giống với gia đình tôi hay những gia đình ở khu tôi sống.
Không dừng lại ở sự khác biệt về điều kiện kinh tế, về đời sống gia đình, chúng tôi hầu như chẳng có điểm gì chung về cả hình thức lẫn tính cách. So với Jay, tôi thấp hơn và cũng đậm người hơn (trong khi cậu ấy cao và có dáng mảnh khảnh); tóc tôi màu sẫm còn tóc Jay màu vàng dợn sóng. Tôi là người cởi mở, cậu ấy thì kín đáo và dè dặt. Tôi có thể khiến người khác cười vang; còn Jay thường có kiểu đùa ý nhị. Tôi không mấy tập trung vào việc học. Jay thì nghiêm túc và học giỏi đến nỗi tôi từng cho rằng cậu ấy không cần đọc qua cuốn sách nào cũng có thể dễ dàng đạt được điểm A. Cậu đã là học sinh năm thứ hai ở trường trung học khi tôi mới chỉ năm đầu. Jay có rất ít bạn bè hàng xóm, có chăng chỉ là một vài bạn cùng đi nhà thờ hay vài đứa bạn ở trường, hoặc trong nhóm quá giang xe hơi.
Vì những điểm khác biệt như vậy mà lúc đầu, tôi chỉ chú ý đến Jay qua chiếc xe của cậu.
Tuy nhiên, dần dà tôi nhận ra là ở Jay có rất nhiều điều tương đồng với tôi. Có thể không nói nhiều thật nhưng cậu lại là một người hay tò mò về những đề tài vượt quá những chủ đề đặc thù của bọn trẻ ở tuổi trung học. Còn tôi, tuy không đủ kiên nhẫn bên sách vở để làm một học giả nhưng lại là người thích mở rộng chân trời hiểu biết của mình. Nhờ vậy chúng tôi mới có thể đàm đạo với nhau một cách thích thú, để rồi dần hiểu nhau hơn.
Cuối cùng tôi hỏi cậu trong một lần cùng đi xe đến trường: “Cậu có đến xem trận đấu tối nay không?”. Khi hỏi như vậy, tôi băn khoăn là liệu cậu có hiểu rằng tôi đang nói về một trận đấu bóng rổ ở trường không, hay là có bao giờ cậu đặt chân đến trận đấu nào chưa. Thế nhưng Jay nói: “À há, chắc là vui lắm đây! Tớ sẽ đi”. Vậy là chúng tôi cùng đến xem trận đấu bóng rổ. Cũng từ đó, chúng tôi hay đi xem thể thao cùng nhau, đến nơi thì gặp gỡ những bạn bè khác và sau đó, cả đám cùng đi uống Coke và ăn hamburger. Cứ như vậy, Jay có cơ hội tiếp xúc thêm với một số nhóm bạn chung trường khác mà trước đây cậu ấy ít được tiếp cận. Dần dà, hai đứa tôi cùng nhau làm nhiều chuyện, cùng đi chơi với nhau, thậm chí là dẫn bạn gái theo để hẹn hò đôi.
Nhiều năm sau, một bài báo trên tờ Reader’s Digest đã gọi Jay và tôi là “cặp song sinh gốc Hà Lan”. Tất nhiên, nếu xét trên khía cạnh diện mạo và tính cách thì nhận định đó không đúng, song về thế giới quan và triết lý sống thì người viết bài đã đúng. Hồi tưởng lại, tôi nhận thấy tình bạn giữa chúng tôi ngay từ những ngày đầu dường như đã có sự chín chắn nhất định. Chúng tôi đã không hành xử như nhiều người, khi họ thường vội vàng phán xét người khác qua bề ngoài rồi tự quy chụp là tính cách của đối phương không hợp với họ, để rồi mất đi cơ hội làm quen, thấu hiểu nhau. Jay và tôi không giống nhau thật, nhưng nếu vì thế mà người này không nỗ lực làm bạn với người kia thì chúng tôi đã không bao giờ có thể khám phá ra được sự tương đồng trong suy nghĩ của cả hai.
Vậy là chẳng mấy chốc, không chỉ có thêm bạn bè, Jay còn tìm thêm khách đi nhờ xe nhờ biết sử dụng sở trường kinh doanh của mình. Thỉnh thoảng, chiếc mô-đen A của cậu chật ních đám bạn học cùng trường. Chúng tôi ngồi đầy hết cả ghế phụ và có khi phải đứng bên ngoài xe, nơi các bậc lên xuống (và những người này phải bám chặt vào xe để bảo toàn mạng sống). Thời đó, những chiếc xe hơi chưa có đai an toàn và hệ thống luật pháp cũng chưa có các quy định về an toàn giao thông như ngày nay. Ấy vậy mà Jay không bao giờ chạy vượt quá mức 40 km/giờ, nhờ thế cảnh sát mới mặc kệ chúng tôi. Có lẽ họ nghĩ rằng đó là phương tiện vận chuyển tốt nhất mà những đứa trẻ thời khủng hoảng có thể xoay xở được.
Tôi có một chiếc cột để chơi bóng rổ ở nhà và Jay thường lái xe qua nhà tôi. Cậu không tham gia trận đấu mà bắt chuyện với những người đứng xem ở ngoài. Rồi sau đó, cậu cùng cả bọn vào nhà tôi để thưởng thức những món mẹ tôi nấu. Mẹ tôi rất thích Jay – phải rồi, có bà mẹ nào mà không thích con trai mình chơi với một người nghiêm túc, chín chắn, ham học và lái chiếc xe của cửa hàng ô tô của cha cậu ta nhỉ? Càng ngày quan hệ giữa Jay và tôi càng sâu sắc. Tôi mang đến cho cậu ấy các hoạt động cùng với một chút sinh khí, còn tôi thì học được rất nhiều từ một người quá đỗi thông minh như cậu ấy.
Hóa ra đó là một sự kết hợp rất tốt.
Dần dà, cha của Jay hiểu hơn về tôi và đến một ngày, ông trao cho Jay và tôi cơ hội cộng tác đầu tiên, đồng thời thử thách khả năng đảm nhận trách nhiệm như một người lớn của chúng tôi. Khi ấy, tôi chỉ mới 14 còn Jay 16, nhưng cha của Jay tin tưởng hai đứa tôi. Ông hẳn nhìn thấy rằng tuy tuổi còn nhỏ nhưng chúng tôi đã có được năng lực cao cũng như đã tạo được sự tin cậy. Ông hỏi xem liệu chúng tôi có muốn lái hai chiếc xe tải nhỏ từ Grand Rapids đến thị trấn Bozeman (bang Montana) xa xôi để giao cho khách hàng không. Có muốn không ư? Trong suốt thời kỳ chiến tranh, ngành sản xuất ô tô hầu như chỉ tập trung vào việc làm ra những chiếc xe quân dụng còn những chiếc xe tải dân dụng trở thành “hàng hiếm”. Vậy nên, hễ tìm được là các chủ nông trại lớn ở Montana sẽ mua xe tải nhỏ ngay. Nếu xét trong bối cảnh hiện tại, việc người lớn tin tưởng và giao phó cho hai đứa trẻ một trọng trách như thế thật là điều không thể tưởng; nhưng vào cái thời mà các thanh niên phải giã từ nước Mỹ để tham gia vào Thế chiến thứ hai, xã hội rất trông chờ vào sự trưởng thành sớm của các cậu bé như chúng tôi. Phải như thế thì chúng tôi mới có thể cáng đáng được nhiều công việc quan trọng, mới giúp đỡ được người lớn ở hậu phương; và cũng nhờ vậy mà tôi mới có thể lấy được bằng lái xe ở tuổi 14.
Về thử thách đầu đời này, mẹ tôi có nói chuyện với cha của Jay:
– Anh Jim, chúng nó chưa đủ lớn để lái xe đi một chặng đường dọc suốt đất nước như thế.
– Chúng là những đứa trẻ đã trưởng thành sớm. Chúng sẽ ổn thôi mà. – Cha Jay đáp.
Vậy là cùng với lời chúc phúc ấm áp của mẹ, tôi đã nhảy vào ngồi sau tay lái của chiếc xe tải nhỏ và lái hơn 1.600 km đến Montana (cũng giống như các cậu bé ngày nay sẽ nhảy lên chiếc xe đạp và đi vòng quanh khu nhà vậy). Trước ngày khởi hành, Jay và tôi say sưa bàn luận về kế hoạch cho chuyến đi. Đến mức tôi cho rằng chính vì quá hứng khởi nên cả hai đã không ngủ được nhiều vào đêm trước khi lên đường. Suốt đêm đó, chúng tôi đã nằm thao thức, trong đầu hình dung bao viễn cảnh về miền Tây hoang dã, núi đồi, thảo nguyên và các trại chăn nuôi. Trên đường đi không có mấy khách sạn mà tiền thì eo hẹp, vì thế chúng tôi xếp cỏ khô trên thùng sau xe tải để làm giường, ngủ qua đêm. Có một thanh kéo gắn vào sau xe này, nối với đầu xe còn lại nên hai đứa tôi cùng ngồi ở xe phía trước, kéo chiếc còn lại đi theo. Trên đường đi, chúng tôi có dừng lại vài nơi khi gặp người quen – đó là một số người cùng thuộc Giáo hội Cơ đốc Cải cách, hay một số thiếu niên lớn hơn chúng tôi đang theo học tại Đại học Calvin ở Grand Rapids. Rồi khi ghé vào thăm nhà của họ, chúng tôi được thết đãi long trọng. Trong số này, có một số là người gốc Đức, vậy nên gia chủ có mời chúng tôi món sauerkraut (gần giống với bắp cải muối). Đối với tôi, đó là lần đầu được nếm món đặc sản này của Đức và tôi đã không giấu được vẻ kinh hãi trên mặt mình, khiến những gia đình này phải phá lên cười. Thú thật, tôi ghét món đó.
Lúc ấy, những con đường cao tốc chưa xuất hiện và giới hạn tốc độ thường là khoảng 60 km/giờ, mỗi con đường có hai làn xe nằm dọc theo đường ranh giới của mỗi hạt. Do quy hoạch đô thị thời bấy giờ là nhằm ưu tiên cho các nông trại nên hệ thống đường sá còn khá lòng vòng và phức tạp. Ấy vậy mà hai thằng nhóc chúng tôi vẫn hết lòng tận hưởng “chuyến phiêu lưu” đầu đời của mình, từ bang Michigan, qua các bang Illinois, Iowa, Nam Dakota để đến Montana. Tôi nhớ khi đến bang Nam Dakota, chúng tôi đã dừng lại ở Hiệu thuốc Wall nổi tiếng của thành phố Rapid, và rồi xuyên qua Badlands để đặt chân lên một biểu tượng quen thuộc của nước Mỹ mà trước đó chúng tôi chỉ mới nhìn thấy trong sách giáo khoa: Núi Rushmore.
Khi ra khỏi thành phố Grand Rapids, lốp xe tải của chúng tôi hầu như đã mòn nhẵn. Tôi nhớ vào một ngày nóng nực nọ, lốp xe bị xẹp đến ba lần và chúng tôi đã vá bằng bộ dụng cụ mang theo. Một trạm dịch vụ giữa đường muốn bơm lốp xe cho chúng tôi với phí năm đô-la. Tuy vậy, năm đô-la cho một khoản như thế là vượt quá ngân sách cho chuyến đi, vì vậy cuối cùng cả hai phải đổ mồ hôi dưới ánh nắng mặt trời, dùng bơm tay để bơm căng lốp xe tải. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi có thêm một bài học đầu đời khác về sự tiết kiệm và khả năng tự lực.
Về sau, chuyến đi này đã để lại ý nghĩa rất sâu sắc cho cuộc sống kinh doanh cũng như cuộc sống cá nhân của cả Jay và tôi. Nó giúp chúng tôi được tận mắt quan sát toàn cảnh Hoa Kỳ, qua đó đánh giá được thực trạng đất nước mình thời bấy giờ và lấy đó làm căn cứ, xác định các nguyên tắc cũng như phong cách kinh doanh của chính mình. Chúng tôi cũng học được những bài học về tinh thần đồng đội, sự tự lực cánh sinh, về trách nhiệm, việc xây dựng niềm tin và sự hài lòng khi hoàn thành tốt một công việc. Sau lần này, chúng tôi trở nên đam mê với những chuyến du lịch. Chẳng hạn như trong những lần phải đến văn phòng chính ở California để làm việc với Nutrilite(*), chúng tôi sẽ lái xe đi, để rồi luôn dừng lại trên đường, tham quan các công viên quốc gia hay trượt tuyết trên núi. Qua những lần đi cùng xe đến trường, cùng chơi đùa sau giờ học và cùng rong ruổi trong chuyến phiêu lưu mà thiếu niên nào cũng mơ ước, chuyến phiêu lưu dẫn vào con đường đời thênh thang, tình bạn giữa Jay và tôi được thắt chặt hơn, gắn bó hơn.
Đến khi tôi tốt nghiệp trung học thì chúng tôi đã xem nhau như anh em, như tri kỷ. Chúng tôi tin chắc rằng mình là bạn suốt đời. Vào năm cuối ở trường trung học, Jay đã viết vào kỷ yếu của tôi như sau: “Vàng thật sẽ không bao giờ bị gỉ”.
Tôi rất nhớ khoảng thời gian xưa cũ khi mình còn nhỏ, thời mà con người ta dấn thân vào những trải nghiệm phiêu lưu từ khi còn rất trẻ. Tôi nghĩ ngày nay, nhiều bố mẹ có khuynh hướng giữ khư khư con cái của mình trong vòng an toàn là vì sự lo lắng và sợ hãi của chính các bậc cha mẹ. Họ như những người điều khiển rối còn những đứa con là những con rối; họ luôn đặt con mình trong phạm vi kiểm soát và hễ chúng vấp ngã là họ sẽ lập tức kéo dây để “con rối” đứng thẳng lên. Làm như vậy, cha mẹ đã vô tình làm hỏng con mình khi không để chúng vấp ngã nhiều lần, không để chúng tự rút kinh nghiệm trước khi có thể tìm ra cách tự bước đi. Trong một thế giới phức tạp hơn và ít an toàn hơn như ngày nay, việc cha mẹ cho phép một đứa trẻ 14 tuổi lái xe đi qua năm bang là điều không thể. Vậy nên bây giờ, tôi rất cảm kích việc cha mẹ Jay và cha mẹ tôi đã tin tưởng và cho phép chúng tôi thực hiện một chuyến phiêu lưu để đời. Chuyến đi đó rất quan trọng trong việc giúp Jay và tôi trưởng thành hơn, từ những cậu nhóc thành những người đàn ông. Ngẫm lại, tôi đoan chắc rằng cả cha tôi và cha của Jay đều biết trước kết quả của chuyến đi ấy.
Tôi không nhớ chi tiết những gì mà Jay và tôi đã trao đổi với nhau trong những lần cùng đến trường. Tôi chắc rằng chúng tôi có thảo luận về niềm khát vọng mà cả hai cùng có, đó là một ngày nọ chúng tôi sẽ tiến vào chân trời kinh doanh vì chính bản thân chúng tôi. Ngoài ra, tôi dám chắc là giống như hầu hết các cậu bé cùng tuổi, chúng tôi đã tán dóc với nhau về thể thao, các cô gái, hay một bài kiểm tra khắc nghiệt sắp đến. Bên cạnh đó, chiến tranh là đề tài không thể thiếu trong những cuộc trò chuyện, và đôi khi các đề tài tán vặt phải nhường hẳn chỗ cho các tin tức về tình hình Thế chiến thứ hai. Tôi cho rằng các bạn trẻ sống ở thời hiện đại sẽ không tài nào hình dung được bối cảnh lúc bấy giờ, khi mà mọi việc trong cuộc sống đều là thứ yếu so với những gì đang diễn ra ở châu Âu và khu vực Thái Bình Dương. Những xung đột diễn ra tại những nơi xa xôi đã vượt đại dương và tác động đến mọi khía cạnh cuộc sống của người Mỹ. Khi nhặt báo dưới mái hiên lên, dòng tiêu đề đậm ở trang nhất luôn là về một chiến thắng hay thất bại nào đó. Rồi có những tấm hình trắng đen chụp các chiến sĩ đang duyệt binh qua châu Âu hay hình thủy quân cập bến. Mỗi chương trình phát thanh trên ra-đi-ô đều bao gồm tin tức mới nhất về cuộc chiến trên đất liền với những cái tên lạ lẫm, rồi ý nghĩa của việc chiến thắng hay thất bại trong mỗi trận đánh. Mục Tin thời sự Movietone trong rạp thường chiếu cảnh lính Đức đội nón cối và xe tăng của họ lăn bánh trên khắp châu Âu. Mọi đứa trẻ ngồi trong rạp chiếu phim vào một sáng thứ Bảy và xem phim thời sự về Hitler, Mussolini và Tojo, về những bài diễn thuyết mị dân của họ trước đám đông hàng ngàn người, theo đó chúng tôi đánh cược với nhau rằng quân Đồng Minh sẽ đánh bại những kẻ độc tài này. Đứa trẻ nào cũng nóng lòng muốn tham gia để giúp cuộc chiến thành công. Jay thì cực kỳ quan tâm đến vấn đề hậu cần và các câu chuyện kể về chiến tranh, cậu có chính kiến của mình và thích thảo luận về những gì đang diễn ra ở châu Âu và Nam Thái Bình Dương – những nơi quá xa lạ đối với chúng tôi, hai thằng con trai sinh trưởng ở Grand Rapids. Tôi tin rằng chính nhờ sự quan tâm đặc biệt của mình về cuộc đấu tranh vì tự do của đất nước mình, chống lại chế độ độc tài Đức và Nhật Bản mà sau này, chúng tôi mới có thể thành lập một công ty dựa trên quyền tự do có một không hai cũng như hệ thống doanh nghiệp tự do của Hoa Kỳ.
Khi Jay tốt nghiệp trung học vào mùa xuân năm 1942, cuộc chiến đã trở thành hiện thực chứ không chỉ hiện diện qua lời nói hay các bộ phim thời sự nữa. Cũng mùa thu năm ấy, Jay tham gia Quân đoàn Không quân Dự bị ở vị trí binh nhì rồi sau đó được phong cấp thiếu úy, giữ nhiệm vụ huấn luyện cho phi hành đoàn của máy bay ném bom B-17. Khi Jay lên đường làm nhiệm vụ, cậu để chiếc mô-đen A lại cho tôi tiếp tục lái đến trường. Những tháng năm cuối cấp của tôi luôn tràn đầy hạnh phúc bên bạn bè, với bao niềm vui và thành tựu. Nhưng sâu trong tâm trí mình, tôi hiểu rõ rằng khi vừa bước sang tuổi 18, giống như rất nhiều chàng trai cùng tuổi, tôi sẽ gia nhập quân đội để phụng sự đất nước, để dân tộc tôi vượt qua một trong những thử thách lớn nhất trong lịch sử từ khi lập quốc. Tốt nghiệp trung học vào tháng 6 năm 1944, tôi tham gia quân đội vào đầu tháng 7 – từ học sinh trở thành người lính chỉ trong vòng vài tuần.
Vào thời đó, tất cả những ai vào quân đội đều có suy nghĩ giống như tôi: “Chúng ta sẽ thắng. Tôi muốn được phụng sự đất nước”. Những người không được gia nhập quân đội vì lý do sức khỏe đều rất buồn. Nếu bạn là một kẻ 4F, tức không đủ khỏe để đi lính, bạn sẽ không giấu được ai cả. Vì thế vượt qua được kỳ kiểm tra sức khỏe, biết rằng mình có thể gia nhập quân đội và phụng sự tổ quốc là điều hạnh phúc vô cùng. Ngày nay, từ khi có cuộc tranh cãi về Chiến tranh ở Việt Nam và việc bãi bỏ chế độ quân dịch, những câu chuyện đi lính vào thời kỳ của tôi có lẽ đã trở thành điều khó tin. Giờ thì chỉ những ai tự nguyện vào quân đội mới phải chiến đấu. Còn tôi, dẫu không bao giờ mong muốn có bất cứ thanh niên Mỹ nào phải tham gia chiến tranh, tôi vẫn lo rằng chính sách này sẽ khiến nhiều người Mỹ trở nên thờ ơ với nghĩa vụ sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc cũng như làm mai một đi tình yêu đất nước. Vào thời của tôi, thời mà tất cả biết rằng tương lai tự do của nước mình phụ thuộc vào việc chiến thắng trong một cuộc chiến có quy mô khắp thế giới, đó là những điều vô cùng giá trị và thiết yếu.
Jay trở thành một chuyên gia điều chỉnh máy nhắm để ném bom. Cậu dạy cho người khác cách bảo dưỡng, sửa chữa máy nhắm, đồng thời điều chỉnh lại đường ngắm cũng như cách ném bom. Chẳng bao lâu sau, cậu được gửi đến khóa đào tạo sĩ quan ở Yale và nhanh chóng trở thành sĩ quan ngay sau đó. Cậu là người thông minh để học những thứ ấy. Khi cả hai còn phục vụ trong quân ngũ, hai đứa tôi hay trao đổi thư từ với nhau và trong số đó, có một bức Jay gửi cho tôi khi ở căn cứ không quân ở Nam Dakota. Hôm đó là ngày Chủ nhật, cậu đang ngồi trực trong văn phòng của mình. Đó cũng là ngày Jay tròn 21 tuổi – 21 tuổi và đã phải chịu trách nhiệm về tất cả các máy bay chiến đấu, về tất cả những người lính và các phi công trong căn cứ. Chỉ trong thời kỳ chiến tranh, đất nước mới có thể tin tưởng vào những người còn quá trẻ, mới có thể giao cho họ nhiều trách nhiệm như vậy.
Khi nhập ngũ, tôi đã hy vọng rằng mình sẽ trở thành phi công. Mùa hè năm 1944, chiến tranh bắt đầu bớt căng thẳng, và Lực lượng Không quân quyết định không huấn luyện thêm phi công. Vậy là tôi được chuyển qua làm thợ máy, chịu trách nhiệm về dù lượn, loại dùng để thả lính và các thiết bị xuống chiến trường. Tôi bắt đầu nghĩa vụ quân sự của mình ở ga xe lửa Grand Rapids trong bộ thường phục. Rất nhanh sau đó, tôi được chuyển qua mặc bộ quân phục màu olive, trong túi là một chiếc vé đi Chicago do chính phủ tài trợ. Tôi nhớ mình đã đợi tàu trên sân ga cùng bố mẹ, hai người lúc đó đã phải rất cố gắng để kìm nén cảm xúc, ấy vậy mà vẫn không giấu được nỗi lo lắng về việc đứa con trai duy nhất của họ đang sắp rời xa gia đình, dấn thân vào chốn nguy hiểm.
Tôi nhớ sau này trong quân đội, tôi đã đi khắp đất nước trên những chiếc xe lửa đầy ắp những người lính với sự thân thiện tự nhiên và các hoạt động huyên náo suốt các hành trình. Chúng tôi đứng chật cứng trên tàu, vai kề vai theo đúng nghĩa đen, lòng ai cũng nôn nóng, mong sớm được tham gia vào cuộc chiến; với bản tính cởi mở, tôi thật sự nghĩ rằng những trải nghiệm này thật vui và thú vị. Nhưng trên chuyến tàu lần đầu rời xa Grand Rapids để đến một thành phố lớn như Chicago, tôi đã cô đơn. Tôi lắng nghe tiếng cành cạch của đường ray và nhìn chằm chằm ra cửa sổ ngắm các nông trại ở vùng Trung Tây, rồi các thị trấn nhỏ, các nhà máy nằm giữa quê nhà và thành phố lớn thứ hai của Hoa Kỳ thời bấy giờ. Tôi đã suy ngẫm nhiều điều trong suốt vài tiếng đồng hồ đó.
Giống như bất cứ ai ở cùng hoàn cảnh, tôi đã nghĩ về các hiểm nguy cũng như khả năng thiệt mạng trong cuộc chiến. Ngày nào báo chí cũng đăng tên các binh sĩ đã bị trọng thương hay đã hy sinh, trong đó có một số cái tên quen thuộc với tôi hoặc thậm chí tên những thanh niên mà tôi có biết. Tôi hiểu cuộc sống của mình đang nằm trên lằn ranh sống-chết, rằng tôi có thể phải đi vào chốn nguy hiểm, và rằng có thể tôi sẽ không thể về nhà nữa. Vào lúc đó, cũng như về sau này khi trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, những suy nghĩ cô độc về sự tồn tại của tôi dần dà chuyển thành sự chiêm nghiệm nghiêm túc hơn về đức tin của bản thân tôi. Đức tin thường mang ý nghĩa to lớn khi bạn ở trong quân đội vì đó là điều lưu giữ ý thức về sự quý báu của cuộc sống, về nhận thức rằng đã là người thì ắt phải chết, rằng bạn bè của bạn hôm nay vẫn còn sống nhưng ngày mai đã trở về với cát bụi. Sự sống và cái chết hiện hữu trước mắt tôi mọi lúc. Khi đó, đức tin tôn giáo trở thành một vấn đề nghiêm túc, bạn phải quyết định xem mình nên tin vào điều gì và không tin vào điều gì.
Quả thật, có trải qua chiến tranh, có trải nghiệm đời lính trên chiến trường khốc liệt, đức tin của tôi vào Chúa trời mới được gia cố vững vàng. Chính Chúa đã trông nom và hướng dẫn tôi, để cuộc sống sau này của tôi được dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, tôi cũng tự hào rằng mình đã tình nguyện chia sẻ sự quyết tâm chiến thắng của cả dân tộc. Như tôi, bất cứ người dân nào cũng không thể hình dung ra đất nước sẽ thay đổi ra sao nếu bị những kẻ độc tài cai trị. Mỗi khi nghĩ về đội quân độc tài, phát xít, mỗi khi được xem cảnh những cuộc diễu hành với bước chân thẳng đơ của họ trong những thước phim thời sự, người Mỹ rất hoảng sợ. Vì thế, tôi kiên quyết thực hiện bổn phận của mình với đất nước để cứu quê hương mình. Và rồi, tôi đã có thể gạt đi ý nghĩ về nguy cơ cái chết đang lơ lửng trên đầu. Đã là chiến tranh thì tất yếu phải có hy sinh, chỉ có những người quá trẻ mới nghĩ rằng chết chóc là chuyện xảy ra với người khác chứ không phải với mình. Thời cuộc căng thẳng, nhưng thay vì mắc kẹt với những ám ảnh về sự nguy hiểm hay thậm chí nói về cái chết, chúng tôi vẫn làm những gì mà mình phải làm.
Sau này tôi được biết rằng đối với những người lính tham chiến ở nước ngoài, một trong những điều sâu kín nhất trong trái tim và khối óc của họ là mái ấm gia đình. Có chiến đấu xa đất nước, con người mới nhận ra gia đình mang một ý nghĩa mới mẻ và tuyệt vời, có sức mạnh ngang với giá trị cuộc sống. Rất nhiều người phục vụ trong chiến tranh, một phần là vì muốn nhìn xem thế giới bên ngoài là như thế nào và họ đã rất vui khi được rời khỏi nhà mình; nhưng rồi sau đó họ lại cảm thấy niềm hạnh phúc khi biết rằng dẫu có gì đi nữa, họ vẫn có một gia đình để trở về.
Mối dây liên kết giữa tôi với gia đình là những bức thư tôi nhận được từ cha mẹ, người thân và bạn bè, trong đó cập nhật cho tôi hay những hoạt động hằng ngày ở nhà. Tôi và cha mẹ trao đổi thư từ ít nhất mỗi tuần một lần. Nhưng trong quân đội và trong thời chiến, dẫu có viết thư nhiều đến đâu thì cũng không có gì đảm bảo là thư sẽ được an toàn trên đường chuyển phát, rồi không phải lúc nào gia đình và bạn bè cũng biết chỗ đóng quân của người thân yêu để có thể gửi đến đúng địa chỉ. Vậy nên người lính nào cũng nôn nao, cũng mong chờ khoảnh khắc mình được gọi đi nhận thư.
Jay và tôi cũng thường thư từ cho nhau, và những bức thư của cậu ấy đã rất có ý nghĩa với tôi, đặc biệt khi tôi đóng quân trên một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và cách xa quê nhà đến hàng ngàn cây số. Tôi cập nhật cho cậu những tin tức khá thực tế về nhiệm vụ hằng ngày của mình, còn thư cậu viết cho tôi thì chi tiết và mang tính triết lý hơn. Cậu kể nhiều chuyện, trong đó có những suy ngẫm của cậu về nhiều điều. Những bức thư của cậu khiến tôi cảm thấy như đang được ở nhà, chúng cũng cho tôi biết rằng tình bạn của chúng tôi đang ngày càng sâu đậm hơn.
Giống như tôi, Jay rất nhớ nhà. Có lần cậu viết:
Rich, tối nay mình cảm thấy trống trải khủng khiếp. Có lẽ là do thời tiết trong những ngày này, càng về cuối hè thì trời dần mát mẻ hơn. Vậy nên có gì đó khiến mình liên tưởng đến mùa thu quê nhà. Sẽ tuyệt vời biết mấy nếu cậu, tớ và cả đám được về thăm nhà mùa thu này.
Trong một bức thư khác, cậu viết cụ thể về tình bạn của chúng tôi:
Cuộc sống của cậu với tớ nối kết chặt chẽ với nhau, một sự kết hợp hoàn hảo giữa hai người bạn thân tâm đầu ý hợp, một tình bạn vững chắc keo sơn mà chiến tranh không thể chia lìa. Chúng ta sẽ tiếp tục ở nơi chiến tranh đã làm gián đoạn. Chúng ta sẽ thành toàn mọi giấc mơ của bọn mình bằng cách cùng thêm vào chỗ còn dang dở vô số những chi tiết bổ sung, những việc mà chỉ có hai người bạn hòa hợp một cách hoàn hảo mới làm được.
Luôn là người bạn thân tốt nhất của cậu.
Jay
Những bức thư này vẫn là một trong những điều tuyệt vời nhất nhắc nhở tôi về tình bạn đặc biệt giữa Jay và tôi.
Rất nhiều lần, chúng ta nói về “bạn bè” một cách không trang trọng. Ngày nay, bất cứ ai ta quen biết đều được gọi là bạn, vì thế người ta phải dùng những cụm từ dài dòng để chỉ một quan hệ ở mức thân thiết hơn mức xã hội, như close personal friends (tức bạn gần gũi của riêng mình) hay best friend forever (tức người bạn tốt nhất mãi mãi). Bây giờ, chỉ cần một trang Facebook là một người có thể có hàng ngàn “bạn”, còn vào thời của chúng tôi, một người bạn là một người bạn và tình bạn là một mối quan hệ hiếm hoi, đặc biệt.
Vậy là tôi đã có vé xe lửa do nhà nước cấp để đi đến Chicago và được chỉ định sẽ báo cáo ở đâu khi đến nơi. Sân ga Chicago nhộn nhịp những người đàn ông mặc đồng phục và các ban nhạc quân đội đang chơi. Từ Chicago tôi lên tàu đến Sheppard Field, một trung tâm tuyển dụng và đào tạo chính nằm giữa hai bang Texas và Oklahoma, nơi tôi là một trong số 7.700 thực tập sinh về cơ khí hàng không. Tôi được phân công bảo trì dù lượn, được thả xuống từ các máy bay mang theo quân lính và vật dụng phía sau hàng ngũ quân địch – một cách thầm lặng.
Sau một năm rưỡi được đào tạo ở Mỹ, tôi nhận lệnh đến một căn cứ ở hòn đảo nhỏ Tinian trên Thái Bình Dương, phía Đông Nam của Nhật. Khi tôi nhận được chỉ thị này, Đức đã đầu hàng quân Đồng Minh ở châu Âu, trong khi trên mặt trận châu Á, cuộc chiến với Nhật dường như sắp kết thúc. Lần đầu tiên nghe tin trên ra-đi-ô báo chiến tranh đã ngưng ở Thái Bình Dương, rằng quân Nhật đã đầu hàng là khi tôi đang đi xe đến thành phố Salt Lake vào ngày 15/08/1945. Tôi đã ăn mừng ở thành phố Salt Lake cùng với mọi người trên cả nước. Cả đám trong đơn vị của tôi đặc biệt hào hứng vì chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ không phải tòng quân ngoài nước Mỹ nữa.
Nhưng thực tế là họ vẫn gửi chúng tôi đi. Tôi ở đảo Tinian trong vòng sáu tháng (hòn đảo này là nơi mà máy bay ném bom Enola Gay đã cất cánh, bay sang Nhật và thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima). Tôi đã giúp tháo dỡ một sân bay do quân đội Mỹ xây dựng trên hòn đảo chiếm được từ người Nhật, sau đó là giúp vận chuyển thiết bị trên đảo. Công việc của tôi chẳng có gì phức tạp, nhưng tôi hiểu rằng đó là việc quan trọng và rất tự hào về sự đóng góp của mình.
Jay thất vọng vì cậu ấy không bao giờ được ra nước ngoài. Sau này cậu giải thích với tôi rằng lúc đơn vị của cậu ở New York, đang lên tàu sang châu Âu thì bất thình lình, hàng binh sĩ bị dừng lại. Một sĩ quan hét lớn: “Chúng tôi không thể lấy thêm người nữa; tàu đầy rồi. Tất cả các bạn từ chỗ này về phía sau cần phải trở về doanh trại của mình”. Jay cũng nói thêm: “Khi đến những người có họ bắt đầu với chữ cái V thì tàu hết chỗ. Tớ không thể đi được – tất cả chỉ vì tớ là một Van Andel chứ không phải là một gã DeVos”.
Cuộc chiến giúp tôi tiếp xúc với những người có tín ngưỡng, có tôn giáo và hoàn cảnh khác nhau, từ trên khắp Hoa Kỳ cho đến tận vùng Nam Thái Bình Dương. Nhờ công việc của mình, tôi đã học được những bài học về tính kỷ luật, tôi làm những gì người khác yêu cầu, biết giữ gìn sức khỏe thể chất cũng như rất nhiều điều về mệnh lệnh, sự cứng rắn của quân đội và cách vạch ra những quy định, những hướng dẫn cho rõ ràng khi bạn dẫn dắt một tập thể đông đảo. Vào lúc đó, tôi đã không hề biết rằng đến một ngày, Jay và tôi sẽ cần đến những nguyên tắc tương tự để quản lý một doanh nghiệp quốc tế với hàng ngàn nhân viên và hàng triệu nhà phân phối.
Kỳ nghĩa vụ của tôi chấm dứt vào tháng 8 năm 1946, chúng tôi đi tàu từ Nhật về San Francisco, sau đó tôi đi xe lửa về Chicago. Tôi đã 20 tuổi, đã chín chắn hơn với những kinh nghiệm có được từ chiến tranh và cuộc sống xa gia đình. Tôi nóng lòng được trở về một quê hương, một đất nước chiến thắng, nơi mà con người có được sự tự tin về một nền kinh tế đang trên đà phát triển, rằng đất nước của mình sẽ trở thành ngọn đèn tự do cho cả thế giới. Mọi người đều hứng khởi, đó là thời kỳ tự tin nhất của nước Mỹ mà tôi từng sống qua. Nhân dân Mỹ đã chứng tỏ sự đoàn kết và khả năng làm việc cùng nhau để vượt qua nghịch cảnh, để đạt đến tầm vĩ đại. Chúng tôi đã sẵn sàng để quay về với công việc bình thường, mua xe mới, đồ gia dụng, nhà cửa, và tất cả những gì bị thiếu hụt suốt những năm chiến tranh. Chúng tôi lạc quan về việc mình có một cuộc sống tốt hơn, có thể lao động hiệu quả hơn. Các binh sĩ trong quân đội trở về quê nhà, mở những trạm xăng, cửa hàng và các doanh nghiệp khác, một số thì tìm ngay lấy một công việc và lao động thật chăm chỉ.
Giờ đây, Hoa Kỳ đã được tự do để vươn đến những vì sao. Khi trở về nhà sau chiến tranh, Jay và tôi không khác gì các cựu chiến binh khác, những người hăm hở nắm lấy cơ hội tại một nước Mỹ mới với vô vàn những hứa hẹn. Thậm chí trong suốt chiến tranh, chúng tôi đã ươm trồng hạt giống cho một kế hoạch kinh doanh. Có lần Jay nghỉ phép về thăm nhà trước khi tôi nhập ngũ, và hai đứa tôi đã trò chuyện vào một buổi tối. Tôi hỏi cậu ấy: “Khi chiến tranh kết thúc, cậu sẽ làm gì? Trở về trường đại học à?”. Nhưng với nền tảng sẵn có và niềm khao khát hoàn thành ước mơ làm chủ doanh nghiệp của mình, tôi nghĩ cả hai đều biết rằng đại học không phải là câu trả lời cho bất kỳ đứa nào. Càng nói chuyện, chúng tôi càng nhận ra rằng chúng tôi nên cộng tác và lập ra doanh nghiệp cho chính mình.
Hiếm có một sự cộng tác kinh doanh nào có thể kéo dài suốt đời. Thật khó dùng lời để giải thích những nguyên do có vẻ như quá giản đơn và tự nhiên đã dẫn đến tình bạn và một sự hợp tác như thế, đặc biệt là với những ai chưa từng trải nghiệm một mối quan hệ bạn bè sâu sắc như của Jay và tôi. Một giao kèo trị giá 25 xu/tuần để quá giang đến trường là một khởi đầu quá đỗi bình thường. Ấy vậy mà chỉ vài năm sau, ngay trong thời gian chiến tranh, Jay đã viết cho tôi với tư cách “luôn là người bạn thân tốt nhất.” Và rồi, khi đã trở thành những người đàn ông, chúng tôi ở trong ga-ra của cha mẹ tôi, cùng nhau lên phương án cho việc thiết lập một quan hệ cộng tác trong kinh doanh.
Vào những năm sau này, khi có dịp diễn thuyết trước nhiều người, tôi đã trình bày về sức mạnh của sự cộng tác. Một doanh nhân đơn độc có tất cả sự khôn ngoan, kiến thức, kỹ năng và tài năng để thành lập doanh nghiệp cho riêng mình là chuyện rất hiếm. Ngay từ đầu, Jay và tôi đã biết thế. Tôi tin rằng cậu bị thu hút về phía tôi, về phía sự nhiệt tình của một cổ động viên “tự phát”. Tôi đã giới thiệu cậu đến với một thế giới các hoạt động xã hội, niềm vui kết bạn kết bè và nắm lấy những cơ hội tận hưởng cũng như những điều kỳ diệu của cuộc sống. Còn tôi thì rất quý trọng sự khôn ngoan của Jay. Ngay từ lúc còn ở trường trung học, cậu đã xây dựng được một thế giới quan cho riêng mình và dựa vào đó để giải quyết mọi việc. Cậu là người uyên bác và hết sức thông minh, cậu nhớ tất cả những gì mình đã đọc. Chỉ trong những cuộc đối thoại bình thường, tôi đã học được rất nhiều từ Jay, những điều mà những đứa trẻ ở vào tuổi cậu thường chưa nhận thức được. Cậu thường làm việc tại cửa hàng bán ô tô của bố mình vào những ngày thứ Bảy, công việc đó đã đào tạo cho cậu cả đạo đức nghề nghiệp lẫn những kỹ năng về máy móc.
Jay và tôi cùng nhau làm việc lần đầu khi chúng tôi sửa chiếc mô-đen A tại đại lý ô tô của cha cậu ấy. Tôi thích Jay vì cậu thông minh, và hẳn là cậu thích tôi vì tôi đã kéo được cậu ra khỏi những cuốn sách để đi chơi và vui đùa. Suốt những ngày còn đi học, cậu chỉ ở nhà đọc sách.
– Jay này, cậu có muốn tối nay đi chơi game không? – Tôi hỏi cậu ấy.
Cậu sẽ nhìn lên từ cuốn sách và trả lời:
– Ồ, tớ chưa nghĩ về chuyện đó.
– Thôi nào, đi nhé!
– Ừ, – cậu trả lời sau khi tạm ngưng đọc. – Được thôi! Nếu cậu đi, tớ sẽ đi với cậu.
Chúng ta thường nói rằng “đối cực thì hút nhau”. Jay và tôi là hai bộ phận khác nhau nhưng bằng cách này hay cách khác, chúng tôi đã nối khớp với nhau, khiến mọi việc có thể vận hành. Tôi cần quá giang đến trường, cậu vừa dọn đến gần nhà tôi và có một chiếc xe. Chúa đã mở các cánh cửa. Nếu tôi không bước qua cánh cửa đó, cuộc sống của tôi chắc chắn đã trở nên rất khác. Khi ai đó hỏi tôi rằng liệu tôi có thể thành công khi thiếu Jay không, câu trả lời của tôi thật đơn giản: “Không”. Và tôi chắc rằng Jay cũng sẽ trả lời giống thế. Ngay trước khi mất năm 2004, Jay đã bảo David – con trai thứ của mình: “Điều quan trọng nhất con phải làm là gìn giữ mối quan hệ cộng tác”.
Tôi viết cho Jay một tấm thiệp sinh nhật sau khi chúng tôi đã đồng hành hơn ¼ thế kỷ, và cậu đã giữ nó cho đến hết đời. Có lẽ những cảm nghĩ của tôi ghi trên tấm thiệp đã tổng kết được tình bạn và quan hệ cộng tác hiếm hoi của chúng tôi tốt hơn là những gì tôi cố giải thích.
Chúc mừng sinh nhật!
Chỉ một tấm thiệp để nói với cậu rằng cậu đã có ý nghĩa đối với bản thân tớ biết bao. Chúng ta có những điểm khác biệt nhưng một cái gì đó to lớn hơn đã luôn tỏa sáng xuyên suốt hơn 25 năm qua. Tớ không biết có cách nào đơn giản để gọi tên nó không, nhưng đó có thể là sự tôn trọng lẫn nhau. Một từ hay hơn có thể là “tình thân”. Với chúng ta, những năm tháng qua thật tốt đẹp theo quá nhiều nghĩa đến nỗi khó mà phân định đó là những gì, nhưng cảm giác hồi hộp và niềm vui chính là những trải nghiệm chung của bọn mình. Cuộc quá giang xe giá 25 xu/tuần thật sự là một khởi đầu, và đó là chuyến đi đẹp hơn hết thảy.
Thân mến.
Rich
Đến cuối Thế chiến thứ hai, Jay và tôi đã không còn nghi ngờ gì về việc chúng tôi là bạn thân nhất và sẽ trở thành những người cộng tác kinh doanh tiềm năng, cùng nhau đi đến thành công; chúng tôi tự tin vào khả năng của nhau, biết rằng chúng tôi bổ sung cho nhau, và trên hết, chúng tôi tin tưởng nhau. Thật ra, tôi đã tin cậy giao cho Jay tất cả tiền tiết kiệm được từ quân ngũ như phần đầu tư của mình vào doanh nghiệp chung đầu tiên của chúng tôi. Chúng tôi sẽ bắt đầu một công ty có một không hai và tuy biết rằng còn nhiều rủi ro, chúng tôi tự tin rằng sự nghiệp chung sẽ cất cánh.