Khi mới 20 tuổi, tôi đã mua một chiếc máy bay. Lúc đó, tôi thậm chí còn chưa có xe hơi. Tôi vẫn còn đang ở trong Quân đoàn Không lực(*) và chẳng có ý tưởng rõ ràng nào về việc liệu tôi sẽ làm gì để kiếm sống một khi được xuất ngũ sau vài tháng nữa. Có thể đó là vì tuổi trẻ, vì sự thiếu kinh nghiệm, cũng có thể chỉ đơn giản là do không khí lạc quan quá mức ở một nước Mỹ khải hoàn vào cuối Thế chiến thứ hai, tôi đã gửi cho Jay toàn bộ số tiền mà tôi tiết kiệm được từ lương chính phủ trả. Tôi quyết định dùng khoản tiền đó để đầu tư vào việc mua một chiếc máy bay – vào thời điểm đó, có rất ít người Mỹ từng được đi máy bay chứ đừng nói gì đến chuyện sở hữu một chiếc. Vào thời kỳ đầu của kỷ nguyên hàng không, lớp lớp thanh niên thể hiện sự say mê với những phi công táo bạo như Charles
Lindbergh lẫn thành tích chói lọi của các phi công đã lái máy bay chiến đấu và máy bay ném bom trong chiến tranh. Jay và tôi cũng không phải ngoại lệ, chúng tôi đều thích máy bay. Chúng tôi tin chắc rằng vào thời hậu chiến ở Hoa Kỳ, máy bay sẽ trở nên phổ biến giống như xe hơi vậy. Chúng tôi đã làm việc xung quanh các máy bay và dù lượn với tư cách là thành viên của Quân đoàn Không lực, chúng tôi đã chứng kiến bao cảnh máy bay thường xuyên cất cánh cũng như tiếp đất ở các căn cứ nơi chúng tôi đóng quân. Hoa Kỳ đã làm ra hàng triệu máy bay, từ máy bay chiến đấu một người lái đến máy bay ném bom khổng lồ B-17 để đánh bại người Đức và người Nhật trong các trận không chiến ở châu Âu và Thái Bình Dương. Vậy nên, nếu có ai đó nói rằng nhiều người Mỹ đã có ý tưởng xây nhà gần đường băng và có một chiếc máy bay trong mỗi nhà để xe thì đây cũng chẳng phải một nhận định quá cường điệu.
Với việc du lịch đường hàng không ngày càng phổ biến hơn, Jay và tôi đã nhìn thấy nhu cầu tiềm năng của thị trường đối với những lĩnh vực kinh doanh có liên quan đến máy bay. Vậy thì tại sao không bỏ tiền ra để mua một cái? Lúc này, tôi vẫn còn đang ở nước ngoài nhưng đặt trọn niềm tin vào phán đoán của Jay. Tôi nhờ cha tôi đưa cho Jay số tiền tiết kiệm 700 đô-la của tôi để góp vào khoản tiền mặt trả trước cho chiếc máy bay. Mỗi tháng, quân đội trả lương 60 đô-la và tôi gửi hầu hết số này về nhà, nhờ cha mẹ tôi giữ giùm. Cha tôi thì đã biết Jay và cha cậu ấy. Vậy nên ông tin tưởng Jay cũng giống như ông tin tưởng tôi, ông đã đưa tiền cho Jay mà không chất vấn lời nào về quyết định của tôi.
Jay mua một chiếc máy bay Piper Cub cánh quạt, có hai chỗ ngồi mà cậu tìm thấy ở Detroit. Không biết tý gì về việc lái máy bay, Jay đã thuê một phi công để lái chiếc máy bay mới tậu được của chúng tôi về Grand Rapids. Để kiếm tiền trả góp cho chiếc Piper Cub, chúng tôi mở hãng Dịch vụ Hàng không Wolverine, đặt theo biệt hiệu của quê hương Michigan.
Rồi chúng tôi có cộng sự thứ ba, Jim Bosscher – một người bạn từ thời trung học của cả Jay và tôi, cũng là một thợ cơ khí máy bay thời chiến. Nhưng chẳng bao lâu sau khi bắt đầu kinh doanh, cậu bảo Jay và tôi rằng cậu quan tâm đến một con đường sự nghiệp khác. Cậu quyết định vào Đại học Calvin, rồi tiếp tục học lên, nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật không gian tại Trường Purdue rồi trở thành giáo sư của Đại học Calvin. Những dấu ấn trong cuộc sống của cậu ấy chứng tỏ rằng mỗi người trong chúng tôi có những tài năng khác nhau, từ đó hướng mỗi người theo những ngả đường khác nhau để đến với thành công. Tuy không trở thành một chủ doanh nghiệp nhưng khi rẽ theo một hướng khác, Jim vẫn có được những thành công trong lĩnh vực mà cậu chọn, vẫn có được một cuộc đời trọn vẹn và xứng đáng.
Hàng triệu người trở về sau cuộc chiến với những hy vọng và ước mơ, đầy tự tin và tham vọng cũng như khao khát. Họ mong có thể bắt đầu lại công việc, có thể thành lập các doanh nghiệp, hay hoàn tất chương trình đại học còn dang dở. Để trợ giúp họ, chính quyền liên bang đã ban hành đạo luật GI Bill tài trợ cho các cựu chiến binh học nghề và học lên cao hơn. GI Bill có thể được áp dụng cho các khóa đào tạo phi công, và đây cũng là lý do mà chúng tôi càng dấn thân hơn vào lĩnh vực kinh doanh mình đã chọn (bởi đầu tiên, chúng tôi phải huấn luyện đội ngũ phi công của mình). Hầu hết những người trở về từ chiến tranh chẳng có ý tưởng mấy về việc họ sẽ làm gì kế tiếp, vì thế tôi rất vui với khoản đầu tư 700 đô-la vào việc kinh doanh mới.
Có vẻ như điều khiến mọi người ở Grand Rapids chú ý đến Dịch vụ Hàng không Wolverine đầu tiên là sự kiện trong một mùa khuyến mãi sớm. Khi đó, Jay tổ chức một cuộc tham quan để mọi người có thể đến và chiêm ngưỡng chiếc máy bay mới của tôi, nó được đặt ở một cơ sở trưng bày xe hơi, nằm ngay góc phố bận rộn của trung tâm Grand Rapids. Đó là việc làm khó tin vào ngày nay, nhưng vào thời ấy, nhiều người chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc máy bay thật sự ở khoảng cách gần như thế, vì thế ai đi qua cũng tò mò và dừng lại để ngắm nghía cái phương tiện có cánh của chúng tôi. Bán hàng và quảng cáo dần dần đã thật sự trở thành mục tiêu việc kinh doanh của chúng tôi. Chẳng ai trong hai chúng tôi biết lái máy bay, vì vậy chúng tôi đã thuê những người từng có kinh nghiệm với máy bay chiến đấu trong Thế chiến thứ hai: hai người hướng dẫn lái máy bay gồm một cựu phi công từng lái P-38 và một từng lái B-29, ngoài ra còn có một thợ máy từng thuộc Quân đoàn Không lực. Nhờ có đội ngũ nhân sự này, Jay và tôi có nhiều thời gian để tập trung vào việc quảng cáo dịch vụ và tìm học viên.
Chúng tôi in tờ rơi có đăng thông tin về các khóa học bay đã được chính quyền phê duyệt: “Học bay. Nếu bạn có thể lái một chiếc xe hơi, bạn cũng có thể lái một chiếc máy bay”. Chúng tôi thu hút khách hàng tiềm năng bằng chiêu rao hàng rằng máy bay là tương lai và khóa đào tạo dành cho các cựu chiến binh này được chính sách GI Bill tài trợ. Tham gia khóa đào tạo của chúng tôi là một cách khởi đầu tốt đẹp và vững chắc cho sự nghiệp phi công cũng như kinh doanh hàng không. Để khiến cho khách hàng tiềm năng hào hứng hơn với “món hàng” rồi chấp thuận mua, chúng tôi cho họ tham gia một chuyến bay miễn phí, để họ trải nghiệm càng nhiều cảm giác bay càng tốt. Để đưa được dịch vụ huấn luyện lái máy bay đến tận tay mỗi khách hàng, điều quan trọng ở đây là cần xây dựng quan hệ với những người đến sân bay để tìm hiểu xem lái máy bay thật sự bao gồm những việc gì. Chúng tôi nắm bắt trí tưởng tượng của những khách hàng tiềm năng, những người ngồi trên máy bay của chúng tôi và nhìn xuống thành phố quê hương của họ từ một vị trí trên không cách mặt đất hơn 1.600 mét, những người nuôi mơ ước rằng một ngày nào đó họ thực sự sẽ trở thành phi công.
Chiếc máy bay Piper Cub có cấu tạo không quá phức tạp, cũng không cần phải được vận hành nhiều trong những ngày đầu chúng tôi mới lập hãng dịch vụ. Sân bay Compstock Park nằm ở phía Bắc Grand Rapids vẫn còn đang được xây dựng. Và chữ “sân” trong “sân bay” trong câu trên nên được hiểu theo đúng nghĩa đen của từ này – vào thời ấy, đó là tất cả những gì mà một phi trường có. Các chủ đầu tư cạn tiền khi hoàn tất việc xây dựng cái sân, vì thế không có nhà chứa máy bay và họ phải ngưng xây dựng đường băng. Thế nên Jay và tôi đã ứng biến. Chúng tôi xếp các áo phao nằm dọc trên máy bay của mình, cứ thế cho cỗ máy cất cánh và đáp xuống dòng sông Grand chạy dọc theo sân bay. Jay còn nhớ là văn phòng đầu tiên của chúng tôi trông giống như một nhà kho chứa công cụ, riêng tôi thì đặc biệt nhớ chuyện mình đã kéo một cái mái chuồng gà xuống sông, cọ rửa cho sạch, quét vôi trắng và đóng lên mặt trước một biển hiệu, sau đó đóng cái mái chuồng gà vào phía trên cánh cửa chính để cho giống như loại mái hiên thường được bố trí trên các lối ra vào. Chỉ có vậy thôi, đó là căn cứ hoạt động đầu tiên của chúng tôi.
Cuối cùng thì sân bay cũng được hoàn tất, trong thời gian đó, Jay và tôi cũng xây một văn phòng riêng để vận hành doanh nghiệp dịch vụ hàng không thứ hai. Đó là một căn nhà bằng gỗ đã có sẵn phần khung, diện tích khoảng 7,3 x 7,3 mét. Chúng tôi tìm thấy một bộ dụng cụ xây dựng ở một cuộc triển lãm nhà, trong đó có tờ hướng dẫn và tất cả nguyên vật liệu. Sau khi làm theo đúng hướng dẫn, chúng tôi đã có một tòa nhà cho doanh nghiệp kế tiếp của mình: RIVERSIDE DRIVE INN. Vì máy bay của chúng tôi phải hạ cánh trước khi trời tối nên mọi công việc tại đây thường kết thúc ngay trước khi mặt trời lặn. Và để tránh lãng phí thời gian buổi chiều tối, chúng tôi nghĩ rằng mở nhà hàng là một cách để kiếm thêm tiền từ những người làm việc tại sân bay, những người phải trực gác máy bay về đêm, hoặc chỉ đơn giản là những người lái xe đến xem máy bay. Jay và tôi nhớ đến một vài nhà hàng “phục vụ tại xe” (drive inn) mà chúng tôi thấy trong chuyến đi trước đây đến California và nghĩ rằng chúng tôi có thể đưa loại hình dịch vụ đột phá đó về cho bang nhà. Với số tiền đầu tư 300 đô-la, vào ngày 20/05/1947, chúng tôi đã khai trương một trong những nhà hàng phục vụ tại xe đầu tiên ở Michigan.
Tôi hiểu một số người sẽ lấy làm hồ nghi khi nghe chuyện hai chàng trai tuy còn rất trẻ nhưng đã có thể thực hiện được nhiều việc như thế. Ngày nay, chúng ta đòi hỏi những người trẻ trước tiên phải học xong đại học rồi trải qua kinh nghiệm làm việc cho người khác trước khi họ có thể bắt đầu việc kinh doanh của chính mình. Tuy nhiên, vào thời của chúng tôi, đó là điều rất dễ hiểu vì người lớn cho chúng tôi tham gia lao động từ sớm, do đó tất yếu là chúng tôi sẽ được giao phó trách nhiệm từ khi còn nhỏ. Được làm quen với việc lao động từ bé, cả Jay và tôi đều dành nhiều năng lượng để bắt tay vào làm việc hơn là hồ nghi về bất cứ điều gì. Đó là thời kỳ người Mỹ vẫn còn nổi tiếng với tinh thần tháo vát (Yankee ingenuity) - khi mà nhà nào cũng có sẵn những người thợ máy và mỗi người đều có thể tự mình làm lấy nhiều việc. Nhưng đó là tình hình xã hội Mỹ vào trước kỷ nguyên của sự chuyên môn hóa với những yêu cầu về các chi tiết tinh xảo, tinh vi như bây giờ; khi đó, chúng tôi phải “chắp vá” rất nhiều. Hiện, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được các bài viết về những người khởi nghiệp từ năm 20 tuổi rồi dần dà xây dựng nên đế chế thành công của mình, và tôi hoan nghênh họ cũng như vui mừng khi biết rằng truyền thống này vẫn được tiếp nối. Tôi khuyến khích tất cả các bạn trẻ học đại học; và đối với những thanh niên có tài, có mơ ước, tôi sẽ không can ngăn họ hiện thực hóa giấc mơ của mình nếu họ nhận ra bản thân họ có mọi tố chất để thành công.
Khi xưa, chúng tôi nào có kinh nghiệm điều hành một dịch vụ bay, nhưng ít ra thì chúng tôi vẫn biết về máy bay nhiều hơn là về việc kinh doanh nhà hàng. Kinh nghiệm bếp núc của tôi chỉ giới hạn trong việc thưởng thức các món ăn mà mẹ nấu, rồi giúp mẹ lau khô chén đĩa. May thay, với một nhà hàng “phục vụ tại xe” có quy mô nhỏ thì việc vận hành sẽ không quá phức tạp, và chúng tôi cố gắng giữ mọi thứ ở mức đơn giản. “Nhà hàng” của chúng tôi, bên ngoài có những tấm ván che màu trắng, biển hiệu RIVERSIDE DRIVE INN gắn trên vị trí cao nhất của mái nhà, còn không gian bên trong thì chỉ đủ để bố trí một lò gas cũ, một cái quầy, một tủ lạnh chứa thức uống và một tủ đông. Chúng tôi không có bàn ăn trong nhà mà đặt thức ăn trên khay rồi giao đến từng xe đậu ở bên ngoài.
Sân bay tuy mới nhưng nằm ở một vị trí cách xa khu dân cư, vì vậy lúc đầu chúng tôi không có cả điện lẫn nước. Chúng tôi mua một máy phát điện chạy bằng xăng kêu ầm ầm trên sàn nhà và tiếng ồn mà nó tạo nên khó mà nghe nổi. Bên cạnh tiếng ồn thường trực và khói xăng, cái máy phát điện chỉ giúp đủ làm sáng đèn. Chúng tôi phải cung cấp năng lượng cho bếp bằng khí propan đóng chai. Chúng tôi phải lấy nước từ một cái giếng cách nhà hàng vài cây số, chứa nước trong những chiếc bình rồi mang về. Thực đơn rất đơn giản, gồm có thịt băm viên mà chúng tôi rán bằng bơ trong những cái chảo gang, bánh mì kẹp xúc xích, các chai nước ngọt và sữa được trữ trong tủ lạnh.
Jay và tôi thay phiên nhau lật thịt trong chảo và giao các món ăn đến tận xe của khách hàng. Lỗi lớn nhất mà chúng tôi phạm phải là để thức ăn bị cháy để rồi phải bỏ chúng đi. Cả Jay và tôi đều nhớ rõ chuyện ít nhất một lần phạm lỗi này của nhau. Trong bãi đỗ xe, chúng tôi đã cắm sẵn những chiếc cọc, trên mỗi cọc có treo một tấm bảng vuông cạnh khoảng 10 cm có gắn bóng đèn. Gắn trên mỗi tấm bảng là một chiếc kẹp hồ sơ có đính thực đơn. Khi đã sẵn sàng gọi món, khách hàng sẽ bật đèn lên ra hiệu, và Jay (hoặc tôi) sẽ chạy đến xe của họ để ghi lại món mà họ yêu cầu. Khó mà tưởng tượng được là ngày nay, liệu có còn những ông chủ của một hãng dịch vụ bay nào mà mình mặc tạp dề, người đẫm mồ hôi, đứng bên bếp lò kêu xèo xèo với những viên thịt và bơ, chạy đi chạy lại giữa bếp và xe hơi của khách hàng hay không. Để quảng cáo cho dịch vụ bay của mình, chúng tôi nhờ người chụp hình cả hai trong văn phòng – hai nhà điều hành trẻ mặc đồ bay giống nhau đang hội ý trên một biểu đồ, vẻ mặt người nào trông cũng nghiêm trọng. Tấm hình này thể hiện một hình ảnh khác xa hình ảnh làm việc của chúng tôi vào ban đêm, chiên thịt và phục vụ tận xe, hối hả và vất vả.
Đức Chúa lòng lành đã ban cho chúng tôi nhiều năng lượng và tham vọng. Mặc dù đã điều hành hai doanh nghiệp toàn thời gian từ sáng sớm đến tối mịt, chúng tôi vẫn tìm kiếm những cơ hội mới. Có một thời gian chúng tôi thuê ca-nô trên sông Grand, khu vực kế sân bay. Chúng tôi đã mua lại một doanh nghiệp bán kem tự động với tài sản là khoảng một chục chiếc xe đẩy. Sau đó, chúng tôi thuê sinh viên đẩy xe đi bán các loại kem Fudgsicles và Paddle Pop cho bọn trẻ ở các vùng lân cận trong suốt mùa hè. Chúng tôi cũng sắp xếp với những người chủ tàu để có thể dùng tàu của họ tổ chức các chuyến du ngoạn câu cá trên hồ Superior.
Thậm chí sau một ngày dài, Jay và tôi vẫn còn năng lượng để đi đến một quán ăn ở Grand Rapids và nói chuyện công việc bên một chiếc bơ-gơ đang bơi trong bơ. Hoặc chúng tôi sẽ đến nhà cha mẹ cậu ấy hay cha mẹ tôi để được đãi đến no nê trong hai ngày liên tiếp, một ngày ở nhà tôi và ngày tiếp theo ở nhà cậu ấy. Cả hai chúng tôi đều không có ý niệm nào, cũng không có ý định nghỉ ngơi hay lâu lâu tìm kiếm sự nhàn rỗi. Vào những ngày nhiều mây hay mưa dầm khiến máy bay không thể cất cánh, chúng tôi cố gắng tìm ra cách để mình có việc làm hữu ích chứ không dùng thời tiết để biện hộ, để lảng tránh sự bận rộn. Thật ra, chúng tôi đã thề rằng một ngày nào đó mình sẽ bắt đầu một loại hình kinh doanh không phụ thuộc vào thời tiết, ánh sáng ban ngày hay những bữa ăn tối của mọi người.
Với 12 máy bay và 15 phi công, cuối cùng Dịch vụ bay Wolverine đã trở thành một trong những dịch vụ bay lớn nhất bang Michigan. Trong quá trình kinh doanh, Jay và tôi tự học và cùng lấy được bằng phi công. Vào thời ấy, việc hoàn tất khóa học trên mặt đất rồi thực hành bay để đảm bảo mình có đủ năng lực lái những chiếc máy bay cánh quạt một động cơ, có từ hai đến bốn chỗ ngồi không mất nhiều thời gian. Nhiều năm sau đó, tôi cũng hoàn thành khóa đào tạo để nhận bằng phi công lái loại máy bay hai động cơ. Điều khiển một chiếc máy bay di chuyển trên vùng trời quen thuộc của quê nhà, qua con sông Grand, hay dọc theo bờ hồ Michigan luôn mang đến một cảm giác hồi hộp mà không bao giờ tôi quên được.
Đối với tôi, bay và làm chủ máy bay đã trở thành một sở thích đi cùng tôi suốt đời. Khi việc kinh doanh của Amway phát triển, chúng tôi mua một chiếc máy bay Piper Aztec – và khi chúng tôi mở rộng kinh doanh sang Bờ Tây, vì không thể dùng chiếc Aztec để di chuyển đến đấy nên chúng tôi nghĩ đến việc mua một chiếc phản lực. Thật may mắn, chúng tôi đã sớm nhận ra là mình cần sử dụng dịch vụ tư vấn, thế nên khi đặt vấn đề có nên mua một chiếc phản lực hay không với một nhà tư vấn thì ông đã nói: “Tôi không quan tâm các bạn sử dụng tiền của mình vào việc gì. Nếu nó giúp bạn đến được nơi làm việc để nói chuyện với các nhà phân phối hay phát biểu tại các cuộc họp thì hãy cứ mua”. Chúng tôi đã làm theo lời khuyên này. Khi một chiếc luôn kín chỗ, chúng tôi mua thêm chiếc khác… và chiếc khác nữa… Cuối cùng, chúng tôi xây nhà chứa máy bay cho một phi đội của riêng mình.
Tôi xác nhận rằng nếu thiếu máy vi tính hay thiếu máy bay, việc kinh doanh của chúng tôi sẽ không đạt được những tầm cao mới. Chúng tôi tin tưởng vào sự kết nối giữa các cá nhân; nếu không có máy bay hay máy tính, chúng tôi đã không thể đi ra ngoài để tạo lập những mối quan hệ, nếu không có máy tính thì việc duy trì những mối quen biết đó cũng sẽ khó khăn hơn nhiều.
Dịch vụ bay Wolverine đã cung cấp khóa đào tạo trên mặt đất thật kỳ diệu cho Jay và tôi. Chúng tôi đã học được cách tận dụng các cơ hội và hành động, cũng như tiến lên một cách tự tin (điều chúng tôi đã làm trong suốt phần đời còn lại của mình). Chính nhờ những bài học này mà chúng tôi có thể vượt qua khó khăn ngay cả trong những tình huống mà cả hai đã vội nhảy vào làm thay vì kỹ lưỡng cân nhắc trước. Ví dụ như vào những ngày đầu làm phi công, có một lần chúng tôi sắp hết nhiên liệu và phải hạ cánh chiếc thủy phi cơ xuống một hồ nước nhỏ ở Bắc Michigan. Những người dân trong vùng không quen nhìn thấy cảnh một chiếc máy bay nằm trên mặt hồ của họ nên rất nhiều người chèo thuyền đến gần để xem, khiến chúng tôi có cảm tưởng như mình là những người nổi tiếng. Chúng tôi xoay xở tìm mua được nhiên liệu nhưng rồi phát hiện ra rằng cái hồ quá nhỏ, không gian không đủ để chúng tôi cho máy bay chạy đà với tốc độ cần thiết trước khi cất cánh. Cuối cùng, chúng tôi phải cột đuôi máy bay vào một cái cây, và trong khi một trong những phi công của chúng tôi rồ máy, Jay cắt sợi dây, và chiếc máy bay đang được rồ máy vọt về phía trước và cất cánh khỏi mặt nước chỉ vừa đủ vượt qua ngọn cây ở bờ bên kia
Đối với chúng tôi, kinh nghiệm thật sự là người thầy tốt nhất, và với việc điều hành kinh doanh trong công ty đầu tiên, chúng tôi đã học được rất nhiều. Đó là cách quảng bá và phân phối dịch vụ cho khách hàng, đó là chuyện quản lý và kế toán. Chúng tôi cũng có dịp làm việc trực tiếp với chính quyền, để ý thức rằng mình phải ghi chép và giữ gìn sổ sách và giấy tờ thật cẩn thận, kỹ lưỡng để giải trình khi xin khoản tài trợ từ GI Bill. Jay đã phải lái xe đến Detroit, mang theo các hóa đơn có ghi rõ ràng thông tin về tất cả các chuyến bay và khóa học mà chúng tôi tổ chức cùng tất cả các giấy tờ khác theo yêu cầu. Để được chính phủ tài trợ, chúng tôi phải thực hiện khá nhiều thủ tục.
Chúng tôi cũng đã có được mối quan hệ đầu tiên với phía ngân hàng thương mại – đó là Union Bank ở Grand Rapids. Nhưng khi chương trình GI Bill chấm dứt, nguồn thu nhập cũng như việc kinh doanh của chúng tôi cũng kết thúc.
Sau hơn bốn năm trong dịch vụ hàng không, chúng tôi đã lãi khoảng 100.000 đô; còn nhà hàng “phục vụ tại xe” chắc chắn đã hòa vốn. Dịch vụ bay không phải là một nghề hái ra tiền, nó không đảm bảo là những gì bạn thu vào sẽ bù lại được những nỗ lực mà bạn đã bỏ ra. Nhưng chúng tôi còn trẻ, chỉ mới bắt đầu cuộc sống nên cả hai cảm thấy khá hài lòng với kết quả đó. Về sau ngẫm lại, tôi mới thấy rằng tuy không có kinh nghiệm kinh doanh nào mà hai chàng thanh niên bọn tôi đã dám mở một hãng dịch vụ hàng không – cũng khá là đáng nể đấy chứ. Nhưng ngày ấy, chúng tôi cho đó là chuyện hiển nhiên. Bởi vì từ trước khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi đã biết rằng mình muốn đạt được điều gì đó có ý nghĩa. Khi còn trong thời chiến, Jay có viết cho tôi một lá thư và trong đó có đoạn:
“Này, đây không phải là chương cuối của bọn mình. Nó chỉ là một bước trên con đường. Cuộc chiến tranh này rồi sẽ đến lúc kết thúc và chúng ta sẽ trở về với cuộc sống của mình, đó cũng là lúc chúng ta phải quyết định xem mình sẽ làm gì đó thật đáng nhớ trong đời”.
Những lời này đã tổng hợp được đầy đủ nhất những cảm giác “muốn đạt được điều gì đó có ý nghĩa” của chúng tôi. Tôi nhớ mình đã tự hỏi là chúng tôi sẽ bước vào lĩnh vực kinh doanh nào, chứ không phải câu hỏi là liệu chúng tôi có nên xin việc hay không.
Trong những năm đầu cộng tác với nhau, Jay và tôi cùng chia sẻ một ngôi nhà tranh nhỏ gần hồ Brower, số 10 đường Mile, khoảng 16 km về phía Bắc Grand Rapids. Chúng tôi cũng cùng sở hữu chiếc xe Plymouth mua từ cha cậu ấy. Ngôi nhà tranh nhỏ của chúng tôi chỉ vào khoảng 46 mét vuông, cỡ ¼ diện tích một căn nhà điển hình ngày nay. Thế nhưng, nó vẫn đủ để xếp đặt một cái bếp, một quầy bar, một bàn ăn nhỏ và một cánh cửa dẫn đến một phòng tắm, và mỗi bên hông nhà là một phòng ngủ. Ở một trong hai căn phòng ngủ, Jay và tôi đặt vào một chiếc giường tầng, tôi nằm tầng dưới còn cậu ấy nằm tầng trên. Vì vẫn còn ở những năm đầu của tuổi 20 nên một cách tự nhiên, căn nhà nhỏ của chúng tôi trở thành nơi tụ tập của những thanh niên khác cũng vừa mới trở về từ chiến tranh, – mỗi lần như vậy, họ đi cùng với vợ hay người yêu.
Tôi cũng có một trong những bộ ti-vi đầu tiên trong vùng – một chiếc hộp cao hơn nửa mét với màn hình không quá 8 inch, trên nắp ti-vi là một cặp ăng ten tai thỏ. Bạn bè từ thời trung học hay thời còn trong quân ngũ kéo đến nhà chúng tôi để xem ti- vi, tiệc tùng, hay bơi ở hồ Brower, hoặc cưỡi chiếc thuyền máy chạy với tốc độ cao mà chúng tôi mua được bằng thu nhập từ việc kinh doanh của mình. Jay thường hài lòng với việc nằm nhà và đọc sách, nhưng cậu cũng sẵn lòng đi chơi cùng khi tôi hối thúc, đi xem phim hay đến chỗ bạn bè tụ tập. Jay không phải là người thích tiệc tùng bẩm sinh nhưng một khi đến nơi, cậu vẫn có thể hòa nhập tốt với mọi người, dù rằng đôi khi cậu muốn ở nhà hơn. Jay vốn đọc sách nhiều hơn tôi, và thông qua những cuốn sách, cậu ấy thích thú mơ mộng về những chuyến phiêu lưu. Có một cuốn sách đã thắp sáng trí tưởng tượng cho cả hai chúng tôi, dẫn chúng tôi vào chuyến phiêu lưu kế tiếp.
Vào mùa đông năm 1948 cả hai đọc cuốn Caribbean Cruise, trong đó mô tả kinh nghiệm chinh phục biển cả của một người tên là Richard Bertram. Ông là một người đóng thuyền và đã cùng với vợ mình lái một chiếc thuyền buồm dài khoảng 12 mét đến Ca-ri-bê và nhiều hòn đảo xung quanh. Cuốn sách kể về chuyến đi này của họ. Chúng tôi đã bị cuốn hút vào những pha mạo hiểm của người lái thuyền này, vào những mô tả của ông về các bãi cát trắng, những cây cọ và vùng nước xanh của Ca- ri-bê. Cả Jay và tôi đã và đang làm việc chăm chỉ mà chẳng nghỉ ngơi mấy, vậy nên chúng tôi nghĩ rằng một chuyến đi bằng thuyền sẽ giúp hai đứa thư giãn, chưa kể đến việc đó có thể là một chuyến phiêu lưu nhiều phần lý thú hơn cả chuyến đi đến Montana thuở thiếu niên. Chúng tôi dự định bán các doanh nghiệp của mình, nghĩ rằng thế là đã có đủ thời gian và tiền bạc để tận hưởng cuộc sống. Chúng tôi tin chuyến đi sẽ rất vui và quyết định phải lên đường.
Sau khi lật xem các trang trong một tạp chí du thuyền và tìm được một người môi giới thuyền buồm ở New York, chúng tôi bay đến gặp ông ta và bắt đầu tìm thuyền. Ông đưa chúng tôi đến vài xưởng đóng tàu cho đến khi chúng tôi tìm ra một chiếc vừa hợp yêu cầu vừa hợp túi tiền. Chiếc thuyền Elizabeth đang nằm nghỉ trong giàn khung trên bến trải nhựa đường ở Norwalk, bang Connecticut. Đó là một chiếc thuyền buồm kiểu cổ điển, có hai cột buồm và chiều dài khoảng 11,5 mét, có một rầm néo buồm dài, cabin thì rất rộng rãi cho một thủy thủ đoàn nhỏ gồm hai người và có đến ba cửa sổ. Có vẻ đó là một chiếc thuyền chắc chắn (theo lời nhận xét của nhiều người thì Elizabeth nhỏ nhắn và xinh xắn). Tuy nhiên, trong suốt những năm chiến tranh thì nó phải nằm yên trong xưởng đóng tàu. Khi mới đến xem, chiếc thuyền được đặt đứng trên sống thuyền, trong khi phần lòng thuyền và đuôi thuyền không được nâng đỡ nên hai đầu bị võng xuống một chút. Chúng tôi cũng sớm phát hiện ra rằng phần gỗ của thân thuyền bị khô nên nếu cứ thế cho hạ thủy, các thanh gỗ sẽ tách ra làm nước tràn vào. Tuy nhiên, các giám định viên ngành hàng hải bảo chúng tôi rằng Elizabeth phù hợp với nhu cầu của chúng tôi, vả lại ngay sau chiến tranh thì sẽ khó mà tìm được một chiếc thuyền có tình trạng tốt hơn. Vậy là chúng tôi bán một trong số những máy bay của mình để mua chiếc thuyền này.
Tình trạng của chiếc thuyền thể hiện một nguy cơ tiềm ẩn. Nhưng mối nguy hiểm trước mắt là kinh nghiệm lái thuyền nghèo nàn của Jay và tôi. Ngoài chiếc thuyền nhỏ có gắn động cơ ngoài và một chiếc thuyền buồm nhỏ ở hồ Brower, chúng tôi chưa từng lái một chiếc thuyền nào phức tạp như Elizabeth. Lái một chiếc thuyền buồm dài khoảng 11,5 mét trên đại dương không phải là việc dành cho những kẻ nghiệp dư. Vì thế, trong lúc Jay quay về Michigan đóng cửa dịch vụ hàng không, tôi đã thuê một thuyền trưởng và một thành viên thủy thủ, nhờ họ dạy tôi lái thuyền khi chúng tôi đi xuống phía Nam, đến Wilmington, Bắc Carolina.
Một đêm, trong khi thuyền trưởng ngủ, tôi đã lái sai hướng và sa vào một bãi lầy ở New Jersey. Một thủy thủ trong Lực lượng Bảo vệ Bờ biển nói: “Trước giờ tôi chưa từng thấy con thuyền nào vào sâu trong bờ đến thế”. Tôi về nhà dịp Giáng sinh và cùng Jay quay trở lại thuyền ở Bắc Carolina, nơi chúng tôi lên đường đi Miami vào ngày 17/01/1949. Khi đó chúng tôi dự định trang bị cho thuyền của mình đi Ca-ri-bê và ít nhất là giong buồm đến tận những nơi như Puerto Rico. Rời bến tàu, tôi hét lên với Jay: “Quăng gút thắt dây thừng đi!”. Cậu ấy làm như thế và tôi sắp lấy dây ghìm đuôi tàu, nhưng tôi đã hơi chậm khi chạy đến phần đuôi của con thuyền. Khi đang cố thả dây ra, tôi nhận ra rằng thủy triều đã thay đổi. Lúc chúng tôi đưa thuyền vào bến, thủy triều đủ để thả neo theo kiểu đó, nhưng ngày hôm sau khi chúng tôi cố đi ra, thủy triều lại chảy vào theo một hướng hoàn toàn khác hẳn. Con thuyền xoay vòng và mũi thuyền ở vào vị trí trước đây của đuôi thuyền. Tôi nghe một tiếng động lớn và nhìn thấy thân thuyền của chúng tôi đập vào chiếc xuồng nhôm nhỏ nằm ở đằng sau. Va chạm đó đã khiến chiếc xuồng bị lõm, và vết lõm đó là món quà lưu niệm về tai nạn đầu tiên khi đi thuyền của chúng tôi.
Thông thường khi bạn đặt một chiếc thuyền có lớp gỗ đã khô xuống nước, bạn sẽ để nó trong những dây đai, và trong khoảng một ngày gì đó gỗ sẽ hút đủ nước để căng ra và kết dính các vết nối. Tuy nhiên, Elizabeth không bao giờ căng chặt, ngay cả trong suốt hành trình dài của chúng tôi từ Bắc Carolina đến Florida. Bơm trên thuyền của chúng tôi không có một cái phao nâng lên cùng với nước dâng lên và tự động đóng công tắc cho bơm bắt đầu hoạt động, vì thế chúng tôi phải nhớ kiểm tra mực nước nơi đáy thuyền và bật công tắc nếu cần để giải phóng nước đọng. Nếu không ra khỏi giường lúc ba giờ sáng để bật công tắc, tôi sẽ phải lội trong nước khi ngủ dậy lúc năm hay sáu giờ. Sau khoảng sáu tiếng đồng hồ, nước sẽ dâng lên quá sàn tàu. Chúng tôi chấp nhận thủ tục này như một phần của cuộc sống. Sau hết thì nó là một con thuyền nhỏ xinh đẹp, nhưng chúng tôi cứ phải tiếp tục chờ đợi nó căng chặt lên. Ngay khi đến Florida, chúng tôi kéo thuyền lên khỏi mặt nước thì mọi thứ đã căng chặt và các chỗ hở đã được khít lại. Chúng tôi cũng cho cạo sạch cua, sò, hàu, rong biển và những thứ thường dính vào đáy của một chiếc thuyền trên đại dương để Elizabeth đi nhanh hết mức có thể.
Tôi ước gì mình có thể nói rằng phần còn lại của chuyến đi là một cuộc hải trình thú vị và tuyệt vời. Sự thật, nó không hề “lung linh” như trong chuyến du hành mà Bertram đã mô tả. Chúng tôi đã bị tụt hậu và có những ngày đau khổ ngoài khơi xa. Thực hiện một chuyến hải trình trên một chiếc thuyền kém cỏi như thuyền của chúng tôi là một công việc khó nhọc. Tiến lên trong gió có nghĩa là phải chạy theo hình chữ chi, hết sang trái rồi sang phải chứ không phải đi về phía trước theo một đường thẳng. Chúng tôi phải cực khổ chạy zigzag một quãng đường dài 240 km thì mới tiến thẳng lên được 80 km. Với thủy triều thay đổi và địa hình các bến cảng khác nhau, mỗi một lần cập bến là một tình huống độc nhất vô nhị. Vì thiếu kinh nghiệm, tôi đã phải lo lắng suốt ngày về việc làm sao để cập bến, còn suốt đêm thì trăn trở về việc rời bến khi trời sáng. Dẫu đã được công nhận là người luôn khuyến khích người khác làm theo ước mơ của mình thay vì lo lắng về việc không có đủ kinh nghiệm, hoặc lo sợ thất bại, nhưng khi nhìn lại chuyến hải trình này, tôi phải thừa nhận rằng lẽ ra chúng tôi có thể chuẩn bị tốt hơn.
Nhiều lần, chúng tôi suýt chút nữa là gây ra thảm họa nhưng luôn thoát được nhờ có ai đó nhiều kinh nghiệm hơn đến giải cứu. Một hôm, chúng tôi cố ghé vào một bến tàu để nạp nhiên liệu, ở đó đã có sẵn các con thuyền xếp dọc nhau, mũi thuyền hướng vào bờ. Khi gần đến bến, tôi lùi thuyền lại và động cơ ngưng làm việc. Lúc này thuyền của chúng tôi đang di chuyển khá nhanh, hướng ngay vào mạn của một chiếc thuyền đã cập bến. Như tôi đã nói trước đây, Elizabeth đã có một rầm neo buồm có kích thước khá lớn nhô ra phía trước. Ngay lúc đó, Jay quăng dây thừng cho một gã trên bến tàu. Anh ta bắt lấy sợi dây, quàng quanh một cái cột rồi chạy đi mất, và cũng nhờ những cái hãm xung trên mạn thuyền nên sợi dây tuy bị kéo căng nhưng không đứt. Từ từ chiếc thuyền cũng dừng lại được và không đâm vào bến hay một con thuyền khác. Chúng tôi thật may mắn khi tránh được một tai nạn nghiêm trọng thấy rõ.
Trên đường từ Miami đến Key West, dụng cụ ráp trên boong phía đuôi thuyền để giữ cánh buồm chính đúng chỗ bị đẩy bật ra khỏi sàn gỗ, khiến việc điều chỉnh cánh buồm này trở nên khó khăn hơn. Phần cặn đọng trong bình xăng từ thời trước chiến tranh thì làm bẩn xăng, gây nghẽn bộ chế hòa khí của động cơ. Chúng tôi đang tiến vào cảng Key West lúc rạng sáng thì động cơ hỏng. Không thể giương cánh buồm vốn đã bị rời ra khỏi boong tàu, chiếc thuyền rung lắc chao đảo trên nước, cánh buồm chính lỏng lẻo bay phần phật, động cơ thì chết ngắc và chúng tôi đang cố thả neo xuống đúng kênh. Bất thình lình, chúng tôi nghe thấy tiếng còi inh ỏi và nhìn thấy một chiếc tàu ngầm tiến đến gần từ cơ sở đào tạo Key West. Chiếc tàu ngầm này không gây hại gì cho chúng tôi, mà sau đó chúng tôi còn được tuyên dương vì đã thả neo trên một lối hẹp, dù rằng thật tình mà nói, chúng tôi chẳng có mấy lựa chọn.
Nhưng thử thách lớn nhất là vấn đề rò rỉ nước. Không chỉ ở thân tàu mà cả tấm ván trên cabin của chúng tôi cũng bị. Boong tàu rò rỉ đã nhỏ nước lạnh lên người chúng tôi. Chúng tôi phải tìm cách bịt những chỗ rò rỉ, hứng nước vào xô hoặc che cái gì đó trên đầu. Hệ thống làm nóng thì không ổn, mà nước ở Đại Tây Dương lại rất lạnh vào những ngày mùa đông mù sương và trời nhiều mây.
Từ Key West chúng tôi giương buồm đến Havana, Cuba – lúc ấy là một thành phố du lịch sầm uất. Vào thời đó, các đường phố nơi đây sáng rực vào ban đêm nhờ ánh đèn từ các sòng bạc, quán bar, hộp đêm và khách sạn. Người Cuba làm rượu Rum cho những buổi tiệc rượu đã từng rất phổ biến ở Havana. Tàu du lịch từ Miami đưa du khách Mỹ đến thủ đô Cuba, vì vậy các đường phố đầy những người Mỹ chen chúc mua sắm vào ban ngày, đến đêm thì vào quán bar hay sòng bạc. Quả là một sự thức tỉnh cho hai cậu nhóc đến từ thành phố nhỏ Grand Rapids ở miền Trung Tây.
Rời Havana, chúng tôi giương buồm về hướng Đông, đi tiếp hơn 960 km đường biển dọc bờ biển phía Bắc Cuba để tiến đến Puerto Rico. Đến ngày 27/03/1949 thì chắc chúng tôi đã đi được khoảng 480 km trước khi cả hai phải chấp nhận một sự thật: Khi mặt trời lặn, tôi đã mở máy bơm điện để bơm hết chỗ nước cao chừng 30 cm ở đáy tàu ra. Một giờ sau kiểm tra lại, tôi thấy mức nước không những không giảm đi mà còn cao hơn 30 cm. Tôi bảo Jay: “Nước nhiều quá. Chúng ta sẽ không bơm nước ra được đâu”. Vì vậy, chúng tôi lôi chiếc bơm tay ra và bắt đầu bơm để cố hạ mức nước xuống. Nhưng dẫu có làm thì mực nước vẫn cứ dâng lên. Lượng nước tràn vào thuyền nhiều hơn lượng nước đươc bơm ra khỏi thuyền, tốc độ nước tràn vào cũng nhanh hơn tốc độ bơm của chúng tôi. Khi mực nước dâng lên đến gối, cộng thêm sự kiệt sức, cuối cùng Jay và tôi phải bắn một phát pháo hiệu, yêu cầu được giúp đỡ. Nếu không có tàu thuyền nào trong khu vực, chúng tôi nghĩ có thể mình phải vào bờ bằng chiếc xuồng cứu hộ có gắn trên thuyền rồi.
Suốt những năm sau đó, tôi vẫn tự hỏi tại sao chúng tôi có thể chu du đến nhiều nơi xa xôi như thế trên một con thuyền rò rỉ khắp nơi. Ắt hẳn là vì chúng tôi trẻ, thiếu kinh nghiệm và luôn mong tìm ra cớ phủ nhận sự thật. Thậm chí, khi biết rằng mình có thể bị chìm xuống biển, tôi nhớ rằng chúng tôi vẫn bình tĩnh. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa có được câu trả lời cho sự bình tĩnh của bản thân khi ấy. Tôi nghĩ mình đã được phù hộ, được bảo đảm rằng bất cứ cơn bão nào mà cuộc sống mang đến trên đường đi của tôi, tôi cũng sẽ chịu đựng được. Sự thật đó đã hiện hữu qua những thăng trầm của từng dự án trong cuộc đời tôi.
Thật may mắn, chúng tôi đang ở trên một tuyến đường biển chính, và Adabelle Lykes (một chiếc tàu hàng đi đến Puerto Rico) đã trả lời tín hiệu báo nguy của chúng tôi. Nó xuất hiện vừa đúng lúc một tấm ván trên mạn chiếc Elizabeth bị bong ra và nước càng tràn vào mạnh hơn. Chiếc tàu hàng cập sát Elizabeth, vị thuyền trưởng hét lên với chúng tôi:
– Các cậu là ai? Đang làm gì thế? – Theo tất cả những gì ông ta biết, có lẽ chúng tôi là cướp biển người Cuba.
– Chúng tôi là người đi chiếc thuyền Elizabeth được đăng ký ở Connecticut, và chúng tôi đang chìm. – Tôi hét lên, đáp lời.
Khi đã nhận ra rằng chúng tôi chỉ là hai cậu thanh niên người Mỹ, ông quăng một chiếc thang dây ra khỏi mạn tàu và leo xuống thuyền chúng tôi. Ông đề nghị thử dùng một cần cẩu để nhấc thuyền của chúng tôi lên, đặt lên boong tàu của ông. Nhưng thuyền của chúng tôi đã chìm quá sâu xuống nước. Elizabeth bây giờ là một mối nguy hiểm trên đường biển. Vì thế tất cả những gì thủy thủ đoàn của ông có thể làm là đục một cái lỗ bên hông thuyền, dùng trọng lượng và tốc độ của chiếc tàu chở hàng đâm vỡ Elizabeth để nó chìm xuống. Trong bóng chập choạng của buổi sớm mai, Jay và tôi đứng trên boong tàu chở hàng và nhìn chiếc thuyền buồm, vật đã từng là phương tiện đưa chúng tôi đi thám hiểm, chầm chậm biến mất dưới nước.
Các thành viên trong gia đình Lykes có mặt trên tàu đã đề nghị cho chúng tôi quá giang đến Puerto Rico và thậm chí, họ còn đưa chúng tôi lên ở một trong những căn phòng lớn như những vị khách danh dự (một phần là do câu chuyện phiêu lưu trên con thuyền xấu số của chúng tôi là quá hấp dẫn).
Chúng tôi nghĩ mình nên viết thư cho cha mẹ, kể lại những gì đã xảy ra mà không hề biết rằng Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đã được báo về cuộc cứu hộ và đã nộp một bản tường trình và rồi sau đó, thông tin đã đến tai các tờ báo ở Grand Rapids. Tòa soạn báo Grand Rapids Press gọi cho cha tôi, hỏi thêm thông tin hoặc tìm câu trả lời, nhưng ông cũng chẳng biết gì hơn họ. Cha mẹ chúng tôi chỉ biết rằng chúng tôi đã được cứu và không có chi tiết gì thêm. Họ lo lắng và tự hỏi tại sao chúng tôi không gọi điện. Chúng tôi viết thư nhưng nhiều ngày sau khi tờ Grand Rapids Press đã đăng tin thì thư mới đến được với gia đình. Nhiều năm sau, khi bản thân trở thành một người cha, tôi đã nghĩ: “Tội nghiệp cha mẹ!”. Chắc hẳn họ đã phát bệnh vì lo lắng. Tôi nhớ mình đã lo biết bao khi một trong số những đứa con của tôi chuồn ra khỏi nhà sau giờ giới nghiêm, trên một chiếc xe đang trong giai đoạn “hấp hối”. Còn ở đây, Jay và tôi đang ở ngoài khơi xa, trên một chiếc thuyền buồm cũ kỹ với rất ít kinh nghiệm đi biển. Vào thời điểm đó, tôi nghĩ hai đứa tôi đã tự cho mình là những thanh niên tài năng và có trách nhiệm, rằng bọn tôi đã sẵn sàng đối mặt bất cứ thử thách nào. Nhưng bây giờ, tôi nhận ra rằng đối với cha mẹ, chúng tôi mãi mãi chỉ là những đứa trẻ.
Chiếc thuyền của chúng tôi đã chìm, nhưng Jay và tôi muốn tiếp tục giấc mơ ban đầu của mình là du lịch đến Nam Mỹ. Tại Puerto Rico, chúng tôi lên một chiếc tàu chở dầu vãng lai của
Anh tên là Teakwood, khởi hành đến Caracas, Venezuela. Thuyền trưởng không được phép nhận hành khách, vì thế ông đề nghị trả chúng tôi mỗi người một đồng shilling để làm thuyền viên. Khi tàu cập bến Curacao, chúng tôi quyết định sẽ bay đến Venezuela thay vì đi tiếp bằng tàu. Tuy nhiên, các viên chức nhập cư không cho phép thuyền viên rời tàu để phòng tránh nạn nhập cư bất hợp pháp. Hòn đảo Curacao ở vùng Ca-ri-bê là lãnh địa của người Hà Lan, vì thế Jay cố giải thích với các viên chức bằng tiếng Hà Lan. Việc này làm cho vấn đề trở nên xấu hơn vì họ cho rằng làm gì có người Mỹ nào lại nói tiếng Hà Lan, và rằng chúng tôi có thể là các điệp viên. Họ cũng khó lòng mà hiểu được chuyện trên đời có hai cậu nhóc mới qua tuổi 20 mà đã đi lang thang khắp thế giới. Một viên chức nói:
– Theo các cậu thì bằng cách nào các cậu sẽ ra khỏi đây? Tôi không muốn các cậu kẹt lại ở đất nước tôi và nhờ đến chính quyền cứu các cậu khỏi cảnh túng quẫn.
– Chúng tôi có rất nhiều tiền. – Tôi đáp.
Và chúng tôi cho anh ta thấy mình có hàng ngàn đô-la mang theo bên người. Sau khi giữ hộ chiếu của chúng tôi và kiểm tra lại với chính quyền Mỹ trong vài ngày, anh ta cho chúng tôi đi, và chúng tôi mua vé máy bay đến Venezuela. Tỷ giá hối đoái ở đó đẩy vật giá lên quá cao, vì vậy kế tiếp chúng tôi bay đến Barranquilla, Colombia. Chúng tôi chẳng có mấy ý tưởng về nơi mình sẽ đi trong hành trình này. Chúng tôi chỉ nhìn vào bản đồ, đặt đại một ngón tay xuống mặt giấy rồi nhấc lên để xem nơi đó là nơi nào.
Barranquilla nằm ở cửa sông Magdalena, con sông chảy sâu vào lòng Colombia. Chúng tôi lên một chiếc thuyền cũ từ thời Mark Twain, có boong tàu lớn, một bánh lái lớn ở phía sau boong và các phòng ở bên trên. Trên boong trước là một đàn gia súc nhỏ dùng để nuôi sống các hành khách trên thuyền. Vào năm 1949, Colombia đang bị giằng xé bởi những cuộc xung đột đẫm máu, cùng với tinh thần sôi sục chống Mỹ. Chúng tôi nhìn thấy các bảng ghi “Người Mỹ cuốn xéo về nước”, mọi người biểu lộ rõ ràng định kiến cũng như giữ khoảng cách đối với chúng tôi vì chúng tôi là người Mỹ. Chúng tôi buộc phải học một ít tiếng Tây Ban Nha vì người bản xứ không ai chịu nói tiếng Anh với chúng tôi. Chúng tôi sử dụng những cuốn sách dịch mình có để gọi thức ăn, hỏi đường và hỏi bất cứ thứ gì khác cần thiết bằng tiếng Tây Ban Nha.
Jay và tôi nghỉ ngơi trong những chiếc ghế trên boong dưới ánh nắng ấm áp và thu vào mắt mình cánh rừng rậm xanh ngắt khi chiếc tàu uể oải trôi qua những khúc quanh co trên sông. Rừng vào ban đêm cũng là nhà của các băng đảng thường đột nhập lên thuyền cướp của hành khách, vì thế quân đội Colombia đứng gác trên bờ.
Khi sông Magdalena trở nên quá cạn, tàu không thể đi được thì chúng tôi lên bờ. Chúng tôi đi xe lửa đến Medellin, bay đến Cali và rồi lên một chiếc xe lửa đến Buenaventura. Chiếc xe lửa như đồ chơi này có các toa hành khách rời nhau. Sau khi đi ngang qua một đường hầm, Jay và tôi đã bị bao phủ trong lớp khí thải và bụi than, thải ra từ các ống khói của đầu máy. Tiếp theo, chúng tôi lên một chiếc tàu thủy lớn vừa dùng để chở hành khách, vừa dùng để chở hàng hóa cho các trạm Ecuador, Peru và Chile (ở Chile, nó dừng lại để dỡ chuối xuống và chất mía và bông lên). Thủ đô Santiago của Chile có khí hậu giống Địa Trung Hải và người dân thì thân thiện. Nơi đây tuyệt vời đến nỗi chúng tôi quyết định sẽ ở đấy vài tuần và nghỉ ngơi sau hàng tháng trời đi đây đi đó.
Khi hồi phục sau đợt nghỉ ngơi, chúng tôi có thể đi tiếp và hoàn tất cuộc phiêu lưu Nam Mỹ của mình bằng cách đến Argentina, Uruguay, Brazil và Guyanas, sau đó bay về vùng Ca- ri-bê để qua các nước Trinidad, Antigua, Haiti và Cộng hòa Dominique. Jay và tôi đã phát hiện một vài nơi ở vùng đất xinh đẹp và quyến rũ kỳ lạ này. Nhưng không dừng ở đây, tôi mang theo suốt đời mình sự nhận thức rõ ràng hơn về thế giới nằm ngay phía Nam nước Mỹ – những đất nước này còn thiếu phát triển, thiếu các món đồ xa xỉ và các tiện nghi hiện đại mà ở Mỹ, chúng tôi thường được cho không. Đây không phải là lời chỉ trích dành cho chính phủ các nước khác mà là sự nhắc nhở với chính người Mỹ, rằng chúng tôi cần trân trọng những gì đang có ở đất nước mình.
Tôi nhớ, khi chúng tôi nhìn cảnh con thuyền của mình chìm xuống biển, tôi đã nghĩ: “Chúng ta sẽ làm gì kế tiếp đây?”. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ chết, ngay cả khi điều đó là có thể phải xảy ra. Nhưng kinh nghiệm đón nhận các thử thách và vượt qua thử thách đã gieo vào trong tôi một cảm giác tuyệt vời khi nhận ra sự tự tin của mình. Tôi học được rằng khi bạn gặp khó khăn, đơn giản là bạn cần phải tìm ra cách để thoát khỏi nó. Chúng tôi cũng học được rằng con người không được quay lại. Thuyền chúng tôi bị đắm không có nghĩa là chúng tôi phải kết thúc chuyến đi, chúng tôi chỉ cần thay đổi phương tiện vận chuyển mà thôi. Bạn cứ dùng thứ có sẵn và tiếp tục con đường của mình. Như thế, chúng tôi đã không bối rối khi đường băng sân bay chưa hoàn tất mà thay vào đó, chúng tôi phải sử dụng phao để cất cánh và hạ cánh trên sông. Không có điện trong nhà hàng, không sao: chúng tôi mua một máy phát điện. Việc thiếu kinh nghiệm đi biển đã không ngăn được chúng tôi thực hiện cuộc phiêu lưu bằng thuyền buồm đến Ca-ri-bê: chúng tôi đã học bằng cách dấn thân vào mỗi công việc.
Tôi sử dụng các kinh nghiệm này nhiều năm sau đó trong bài diễn thuyết “Bạn chọn hành động nào: Nỗ lực hay than khóc?” của mình. Bài học thật đơn giản. Bạn có thể bào chữa về việc không được dạy đúng cách hay không có kinh nghiệm phù hợp, không có được một nền tảng tương xứng hay e ngại phải thử một cái gì đó mới mẻ, hoặc đối diện với một thách thức dường như quá khó. Bạn có thể ngồi đó khóc lóc, hoặc bạn có thể cố gắng. Chỉ cần cố gắng, và nếu thất bại, hãy cố gắng thêm, tiếp tục cố gắng. Sự cố gắng luôn thắng thế trước những giọt nước mắt đầu hàng, theo kinh nghiệm của tôi. Nhờ tin vào sự cố gắng, Jay và tôi đã trải qua một cuộc phiêu lưu đến Ca-ri-bê và Nam Mỹ mà với bạn bè của chúng tôi ở nhà, đó là cả một giấc mơ. Chúng tôi vẫn không ngừng cố gắng sau đó. Dự án kinh doanh kế tiếp của chúng tôi không theo lối bình thường. Thậm chí có lẽ kế hoạch ấy hơi kỳ lạ với hầu hết những người khác khi nó đi trước thời đại nhiều năm. Nhưng chúng tôi nói: “Tại sao không? Cứ thử đi”.