Viện Kiểm sát tỉnh nằm ngay cạnh tòa soạn báo Quảng Ninh. Bên tòa soạn hay bị tắc ống nước nên nhân viên thường sang Viện Kiểm sát xin nước về dùng hoặc sang tắm giặt nhờ. Tôi gặp Thanh Tùng. Người này tôi quen từ ngày còn ở nhà bà Dưỡng, vì nhà bà Dưỡng cách cổng tòa báo chỉ hai nhà và một con đường nhỏ, đứng ở hành lang vẫn gọi nhau được. Quen Tùng lúc ấy, tôi còn là trẻ con, hay trèo lên đồi tòa soạn để hái hoa ti gôn chơi. Tùng là sinh viên mới vào nghề. Chúng tôi coi nhau như bạn thời trẻ con. Nay gặp lại, tôi đã là người có công ăn việc làm, còn Tùng cũng chững chạc hơn. Tùng “tấn công” tôi mạnh. Đi công tác về, anh toàn vào phòng tôi ở lì, ăn lì, đuổi mới về. Áo quần vứt lại nhờ tôi giặt. Anh là người dẻo mỏ, nói gì cũng ngọt, cũng hay, cũng đúng. Vì thế, tôi rất cảnh giác. Lời anh Tư và anh Định dạy nhiều lúc vẫn văng vẳng nhắc nhở. Một hôm, Thanh Tùng ngỏ lời yêu. Tôi thấy cũng cảm tình, nên nhận lời, dù trong lòng vẫn hoang mang vì người này hơi sỗ sàng, không chuẩn mực. Vài tuần sau tự nhiên Tùng bảo: “Anh phải về Hà Nội nhận công tác vì mẹ anh nghỉ hưu và xin cho anh về Đài tiếng nói Việt Nam nên anh không thể gần em được. Anh không giúp gì em, không đem lại hạnh phúc cho em nên anh phải nói thật với em. Hôm nay chủ nhật, đi với anh đến nhà một người bạn chơi nhé!”.
Tôi thấy đột ngột quá. Không hiểu Thanh Tùng là người thế nào nữa. Tôi trả lời không muốn đi. Thanh Tùng khẩn khoản: “Anh đã nhận lời bạn hôm nay đến chơi có cả em. Các bạn anh chuẩn bị tiếp đón cả rồi mà em không đi thì anh không biết ăn nói ra sao với bạn. Nào, ta đi thôi!”. Nể quá nên tôi cùng Tùng sang Bãi Cháy chơi. Anh đưa tôi lên khu vực đồi gần Trường Đảng để vào khu văn công. Nơi này tôi chưa đến bao giờ. Tôi được các bạn anh đón tiếp niềm nở. Anh Thọ đem ghi ta ra đệm bảo tôi hát. Anh Minh Hưng đem tam thập lục ra đệm. Vài chị văn công hát rất tự nhiên, cứ như là quen lâu rồi. Một lúc, tôi đòi về. Các anh chị đều giữ lại mời cơm trưa. Cơm có tôm he xào cà chua và canh. Mọi người mời mọc xoắn xuýt như thượng khách, không để tôi có cơ hội từ chối.
Ăn xong, ở đó tưng bừng như một cuộc biểu diễn. Chị Bích Hạnh, chị Dung và các bạn gái hát, các bạn nam cũng tham gia. Tôi như lạc vào thế giới khác. Máu văn nghệ nổi lên hòa quyện với mọi người. Đôi tay anh Thọ đệm đạn ghi ta điệu nghệ. Cuộc vui khép lại khi chiều tà. Tôi và Thanh Tùng về đến nhà vào lúc chập tối. Như thường lệ, tôi lịch sự nấu cơm tại nhà tập thể của mình, mời anh ở lại ăn. Tùng vẫn tự nhiên như không. Trong bữa cơm, anh hồn nhiên bảo:
- Em thấy Thọ được đấy chứ?
Tôi chưa hiểu Tùng định nói gì thì anh tiếp:
- Anh quen nó khi cùng đi viết ở địa chất. Mẹ mất sớm, nó ở với bố và mẹ kế. Anh về Hà Nội, bạn anh anh Thọ đấy - sẽ thay anh chăm sóc em.
Rồi Tùng ra về. Dư âm của cuộc vui ban ngày lấn át tất cả khiến tôi chả mấy để tâm lời Tùng. Vài hôm sau, anh Thọ đến Viện Kiểm sát thăm tôi. Anh quan tâm cả việc cái khe cửa sổ của tôi bị hở. Anh bảo để như vậy sẽ bị gió lùa khi trời lạnh. Anh lấy giấy rồi - ky dán lại cho khít. Cái phòng tôi ở là phòng hỏi cung cũ, rộng chừng mười hai mét vuông, chia làm hai ngăn. Ngăn ngoài kê bàn làm việc và tủ tài liệu. Ngăn trong kê một chiếc giường đủ cho tôi nằm. Cạnh đó là cái bàn con và một số nồi niêu, xoong chảo. Như vậy là đầy đủ vật dụng của một gia đình. Tôi đã làm hộ khẩu riêng. Ngày ấy như thế là tươm lắm.
Ít hôm sau, Thanh Tùng đưa tôi sang khu Văn công chơi lần nữa rồi chào mọi người, chuyển công tác về Hà Nội. Lần này, Tùng bảo: “Em thấy Thọ thế nào? Có duyệt không? Mà Thọ hay đi biểu diễn vắng nhà, khó khăn gian khổ em gánh chịu thì cũng ái ngại đấy. Thà rằng em lấy ngay một thằng kéo xe bò nó còn giúp đỡ được em hơn cái bọn văn công”. Tôi chẳng hiểu nổi Thanh Tùng nữa. Lúc thì nói thế này, lúc lại bảo thế khác. Theo anh ta thì chắc tôi biến thành con quay mất. Tôi im lặng đi nấu cơm tiễn anh.
Thỉnh thoảng, anh Thọ đến thăm. Lần nào đến anh đều đi cùng một bạn nữa để thể hiện sự đàng hoàng, vô tư, trong sáng (chắc vậy). Hôm thì đi với Vân con, hôm thì Vân lớn, hôm thì anh Minh Hưng, hôm thì anh Chung. Hôm lại đưa vé mời tôi xem đoàn anh diễn. Cách ứng xử, ăn nói của anh vui vẻ, hài hước, nhưng lại chuẩn mực. Hoàn cảnh mẹ mất sớm mà Thanh Tùng tiết lộ khiến tôi có sự ưu ái đặc biệt với anh.
Sau hôm đi xem vở kịch “Đôi mắt”, đưa tôi dạo mát ngoài bờ biển, anh hỏi:
- Nghe nói em có hộ khẩu riêng, cho anh nhập khẩu với được không?
Tim tôi thoáng ngân lên, rồi lại chùng xuống nặng trịch khi nhớ tới những tình cảm nam nữ đã qua. Vấn đề luôn nằm ở cái lý lịch bố chết hay bố đi Nam chưa rõ tung tích. Tôi trả lời rụt rè:
- Cái lý lịch của em xấu lắm. Em không biết bố từ bé. Dì Loan bảo em khai bố chết. Nay có người lại nói bố em đi Nam không rõ tung tích. Nếu sau này anh mà nhập hộ khẩu với em thì anh không được kết nạp Đảng đâu.
Anh trả lời vui vẻ:
- Ôi, tưởng thế nào chứ chuyện ấy có là gì với anh. Kể cả bố em là địa chủ đi nữa anh cũng không quan tâm. Anh chỉ quan tâm tới sự nghiệp nghệ thuật. Lao động nghệ thuật là cả một con đường dài gian khổ… Con đường anh đi là phải phấn đấu cật lực để lại cho đời một cái gì đó, một tác phẩm chẳng hạn…
Anh nói về nghề của anh. Tôi chẳng hiểu lắm, chỉ biết rằng mỗi lúc chúng tôi lại thêm đồng cảm với nhau. Từ đó, cứ vài hôm không gặp anh, tôi lại thấy nhớ. Có lần Dương Chung bạn anh đến chơi với tôi một mình. Ngồi chuyện phiếm một lúc, anh bảo:
- Anh nói thật cho mà biết nhá, Thọ là người yêu đương linh tinh lắm đấy.
Tán nhăng tán cuội hồi nữa, Dương Chung lại bảo:
- Yêu nó là phức tạp lắm, yêu ngay anh đây này. Anh sẽ đem lại hạnh phúc cho em hơn nó.
Một nỗi khó chịu ập đến khi nghe xong phát ngôn ấy, tôi liền bảo Chung:
- Anh về đi, ở đây các chú, các bác không cho người lạ vào chơi lâu đâu.
Dương Chung về rồi mà niềm bực bội vẫn còn luẩn quẩn mãi. Lời Chung nói tôi không tin đã đành vì tôi thấy anh Thọ đối xử chân thành, không nói xấu người nọ, người kia, không sỗ sàng yêu đương, cũng chẳng có thái độ lợi dụng. Trong khi bạn của anh thì chả ra gì. Điều đó khiến niềm thương yêu anh càng dâng lên trong tôi nhiều hơn.
Một hôm, đến lớp học bổ túc văn hóa ban đêm, tôi vẫn ngồi gần một người bạn tên Liên. Anh Liên làm ở ban Tổ chức tỉnh ủy, có gia đình rồi. Lúc giải lao tôi tâm sự sơ bộ chuyện của tôi, những suy nghĩ của tôi về anh Thọ. Anh Liên bảo cũng nên cẩn thận đấy. Có vài dư luận không hay về anh Thọ. Tôi gặng hỏi nhiều nhưng anh Liên không nói, bảo tôi nên tự tìm hiểu. Sau này, tôi mới biết rõ về chuyện dư luận ấy.
Ty Văn hóa cử một số diễn viên ưu tú đi đào tạo tại Liên Xô. Anh Thọ cũng nằm trong danh sách này. Anh đã học tại Hà Nội ba tháng để chuẩn bị đi thì được thầy bảo: “Về Quảng Ninh giải quyết một số việc vướng mắc, rồi tính sau”. Không hiểu rõ chuyện gì, anh về đến Phà Rừng, Quảng Yên thì không có xe đi tiếp. Đêm tối giữa bờ sông Bạch Đằng có một xe con qua phà. Anh đến hỏi đi nhờ thì lại chính là xe ông Phạm Chính – trưởng Ty Văn hóa thời đó. Ông ngạc nhiên bảo: “Ơ hay, tao cử chú đi học sao lại ở đây?”. Anh Thọ kể cho ông nghe sự tình. Ông cho biết là ở nhà có đơn nặc danh tố cáo anh yêu đương không trong sáng. Ông đã giải quyết chuyện này êm rồi, bảo anh quay lại Hà Nội đi. Nhưng anh thấy nản nên không đi nữa, tiếp tục ở lại làm diễn viên.
Sau này, anh biết rõ người viết đơn nặc danh là ĐĐ – bạn đồng nghiệp ở đoàn. Vì ghen ăn tức ở nên bịa ra chuyện trên để hại bạn, níu áo bạn. Chả trách ở đoàn chèo có vè: “… Tỉ mỉ Ngọc Hưng
Cương sừng: Đinh Lục
Ăn tục: QV
Keo kiệt: Kim Thanh
Đành hanh: Thanh Hảo
Lừa đảo: ĐĐ
Lằng nhằng: Dương Chung
Thế nhưng Thọ vẫn chơi với ĐĐ. Còn tôi, không vì chuyện dư luận mà thay đổi tình cảm của mình.
Một hôm, anh đến Viện Kiểm sát nhờ tôi mua một một vé đi Hà Nội vì anh có điện khẩn: “Bố ốm nặng, về ngay”. Mà đoàn thì đang tập căng thẳng ở giai đoạn chuẩn bị tổng duyệt. Ngày ấy, muốn đi Hà Nội là phải đăng ký mua vé trước ba ngày. Anh tới Hà Nội rồi mới đi tàu hỏa về quê chứ không có ô tô chạy suốt như bây giờ. Tôi đem giấy giới thiệu của Viện Kiểm sát ra là mua được vé cho sáng hôm sau.
Tối anh đến lấy vé. Vì vội về nên dựng xe đạp ở dưới bậc, chạy lên phòng tôi cầm vé xuống thì xe đạp đã không cánh mà bay. Ngày ấy, có cái xe đạp coi như có cả cơ nghiệp, giá tiền thì bằng mấy tháng lương đã đành nhưng cũng chẳng sẵn để mua, phải chờ phân phối, đăng ký nhiều năm mới đến lượt. Mà xe của anh lại là xe Liên Xô xuống khung nên càng đắt và hiếm.
Sự việc xảy ra làm tôi buồn lây và áy náy. Các chú trong cơ quan cũng phiền lòng. Cổng Viện Kiểm sát mà còn mất xe thì hết nói! Anh chán hẳn, bỏ vé, không đi Hà Nội nữa. Phần cũng vì đoàn đang tập nước rút. Tôi bảo: “Anh không về nhỡ ở nhà bố anh có chuyện gì thì sao?” Anh bảo: “Không sao đâu vì anh mới nhận được thư thầy là khỏe mạnh. Nếu có gì thì một hai hôm nữa nhà sẽ điện tiếp”.
Tôi thương quá, nhưng chẳng giúp gì được. Một tuần sau, anh đến cho biết đã nhận được thư nhà. Không phải bố ốm nặng mà là gia đình chuẩn bị cho anh một cô gái ở quê để se duyên. Đó là cô giáo tên Hương, gia đình cũng là giáo viên. Cả nhà bày mưu để “cậu Thọ” về là “đánh úp”. Trầu cau lo sẵn rồi. Nhưng ai ngờ cái vụ này lại làm con giai vội vàng đến mất cả xe, nên bố anh ân hận lắm. Anh viết thư về nhà trình bày mọi chuyện về tôi và anh. Anh cho tôi đọc trước khi anh gửi. Rồi anh quyết định ngày cưới, ngày đăng ký kết hôn, ngày về quê ra mắt mọi người. Tôi ngỡ ngàng, đột ngột. Anh bảo: “Mọi việc anh đã nhờ đoàn và bạn bè lo cả, em không phải làm gì, chỉ ngồi cắt ít hoa giấy và hoa ném là xong”.
Tôi thấy quá nhanh, nhưng lại không thể chối từ vì đã yêu anh. Tôi đề nghị Viện Kiểm sát giúp đỡ. Họ đều buồn cười vì vụ mất xe mà anh được vợ. Nhà ở thì không có. Đoàn Chèo phải ở nhờ khu Trường Đảng đã bị ném bom hỏng, đổ nát ngổn ngang. Phòng riêng của anh là khu nhà vệ sinh của tầng ba. Anh đập tất cả các ô ngăn vệ sinh, rồi đục thông một cửa sổ ra cầu thang, quét vôi ve lại, trở thành một phòng ở đẹp đẽ. Đó là phòng cưới của chúng tôi ở khu tập thể văn công. Bây giờ nói lại với các con, các cháu là “Tao cưới ở nhà xí của đoàn chèo”, chắc chúng nó chẳng tin. Nhưng anh và tôi đã sửa chữa đi rồi không ai còn nhận ra đó là nhà vệ sinh nữa. Cũng đẹp, sạch sẽ, chỗ nấu, chỗ thoát khói đầy đủ. Có điều hàng ngày phải xách nước từ bể công cộng tầng một lên tầng ba thì mới có nước dùng. Tôi không hề thấy vất vả mà lại coi đó là hạnh phúc.
Chúng tôi được mọi người và hai cơ quan giúp đỡ nên tổ chức lễ thành hôn theo nếp sống mới tại hội trường hải quân gần đó. Chốc chốc lại có người gọi: “Chú Thọ, xuống lấy cốc chén. Chú Thọ xuống lấy hoa…”
Chuẩn bị cho ngày cưới đầy đủ rồi, tôi đưa anh về thăm mẹ và các em ở Hải Phòng. Sau khi tôi báo cáo với mẹ xong, mẹ lặng lẽ một lúc rồi trả lời: “Không đồng ý”. Anh Thọ như người ngồi trên lửa, còn tôi bình tĩnh “xử lý”. Tôi biết mẹ định gán tôi cho một số “đối tượng” mà mẹ cho là tốt. Vài năm trước đó, thỉnh thoảng mẹ lại gọi tôi về Hải Phòng. Lần thì giới thiệu anh chàng là học trò của dượng Sáu, ở cảng. Ừ thì mẹ bảo là hiền lành, đức độ, đẹp trai, nhưng tôi không thích. Tôi có quen anh ta ngày nào đâu. Lần thì giới thiệu anh Phương, con một ông lang nổi tiếng ở Hải Phòng. Anh này là sĩ quan quân đội. Gặp mặt, tôi thấy tướng mặt sắt đen sì, ăn nói thì lầm lỳ nên chán ngay, chỉ học được ở anh ta một câu: “Im lặng là vàng”. Lần thì mẹ giới thiệu anh Quang - em trai anh chị Tâm trên tầng gác nhà mẹ. Cái thằng cha trông ma cô mà dai như đỉa. Đã quen đâu, lại cứ đòi rủ người ta đi chơi xa qua đêm, đời nào ai đi. Nếu muốn yêu người Hải Phòng thì bạn học cùng khóa với tôi đâu thiếu. Nhiều người cùng lớp học nghề từng để ý nhưng tôi đều vờ như không biết vì không thích. Tôi giải thích rõ ràng như vậy thì mẹ bảo phải hoãn lại đến cuối năm cho mẹ lo từng việc một, ăn hỏi thế nào, đón dâu ra sao cho đàng hoàng, đẹp mặt… Ở Hồng Gai tôi và anh Thọ cùng hai cơ quan đã chuẩn bị đâu vào đấy, giờ mẹ lại bắt ở Nghệ An phải có cha mẹ ra hỏi nữa thì thật là làm khó cho bố anh, tôi đành thẳng thắn nói với mẹ:
- Từ bé đến lớn mẹ có nuôi con ngày nào đâu mà nhà trai phải đến đây hỏi mẹ? Anh ấy chỉ còn bố, đã gần bảy mươi tuổi rồi, tàu xe khó khăn đi sao được? Nên con quyết định như sau: Một là, hai con hôm nay về thăm, báo cáo sự việc này với mẹ, mời mẹ và các em ra dự lễ cưới của chúng con. Hai là, chúng con nhờ ban lãnh đạo Đoàn Chèo và ban lãnh đạo Viện Kiểm sát đến nhà ông bà Dưỡng có lời xin được làm lễ cưới cho các con. Ba là, chúng con tổ chức theo nghi thức đời sống mới nên không cỗ bàn xa hoa, tốn kém.
Mẹ tôi buộc phải theo ý tôi vì đúng là mẹ có nuôi tôi ngày nào đâu mà đòi mọi nghi lễ. Tôi sống tự lập từ bé nên cơ quan đứng ra tổ chức là hợp lý. Tuy nhiên, người mà chúng tôi cần xin phép về phía gia đình là ông bà Dưỡng.
Cuộc nói chuyện với mẹ xong anh Thọ mới hết lo. Tôi gửi mẹ một trăm đồng nhờ mua hộ một đôi chiếu, còn lại mua hoa tươi để hôm cưới các em đem ra.
Thủ tục đúng như dự định. Hai cơ quan cử đại diện đến nhà ông bà Dưỡng xin phép tử tế. Sau đó, đăng ký kết hôn. Cả đoàn văn công nhộn nhịp lo lễ cưới cho Tất Thọ. Các em ở Hải Phòng ra mang theo cơ man nào là hoa. Hai em khiêng một lồ hoa to tướng.
Các bà mẹ nhận của anh Thọ gánh từ Quảng Yên ra nào là su hào, cà chua, rau bắp cải, v.v… Bố anh Thọ cũng đã ra. Mấy cô diễn viên như: cô Liên, cô Mười vốn rất ghét tôi giờ cũng bình thường. Nhiều lần đến đoàn, trông thấy họ, tôi nhẹ nhàng: “Em chào chị”, liền bị họ quắc mắt lên quát to: “Vâng, chào chị!”. Sau này được biết là họ thích anh Thọ nhưng anh ấy không thích con gái cùng đoàn. Thế là tôi bị họ ghét! Hôm nay, họ xoắn xỏa giúp chúng tôi nhiều việc như người nhà.
Em Tuấn đen ra dự cưới chị còn đem theo cả bạn Tỉnh và Quang. Bọn chúng đã đẹp trai mà mồm lại như tép nhảy khiến các em văn công cứ quấn lấy, quên cả nhiệm vụ đến mức bị lãnh đạo đoàn khiển trách.
Ông Mai tặng một tút thuốc lá Điện Biên (ngang với Vinataba bây giờ) và một cân kẹo Hải Châu. (Hồi ấy muốn mua được loại này là phải có giấy phân phối của thương nghiệp). Cộng với tiêu chuẩn bánh kẹo trong giấy đăng ký kết hôn được năm cân (ngày ấy giấy đăng ký kết hôn chỉ được mua hai cân bánh kẹo, còn ba cân là do Viện Kiểm sát đi xin phòng thương nghiệp cấp cho phiếu mua ba cân nữa. Thế là xôm lắm. Mẹ tôi không ra, chắc bởi giận. Phía cô dâu, họ hàng thì chỉ có cậu Chí, cậu Cường nhà bà Đê và cậu Dục nhà ông Hổi đến, còn các ông bà không ai đến. Tôi thấy mình như đứa con rơi vãi. Từ cha mẹ đến ông bà, họ hàng chẳng ai cho cái gì, một xu nào, cũng chẳng lời chúc phúc. Nhưng lúc nào tôi cũng cần phải vui vẻ để vạn sự được vuông tròn.
Buổi tối ngày 5 tháng 2 năm 1974 tại hội trường Hải Quân Bãi Cháy có một đám cưới diễn ra theo nếp sống mới. Sau khi tuyên bố lý do là ngày cưới của anh Tất Thọ và chị Thu Thủy ở Viện Kiểm sát thì hội trường trở thành một buổi biểu diễn văn nghệ sôi động. Ngày ấy chưa có ti vi nên buổi biểu diễn này còn được người dân xung quanh hưởng ứng nhiệt tình. Diễn viên, ca sĩ nhiều, khán giả mỗi lúc một đông nghịt. Không khí vui đến nỗi cô dâu chú rể cùng đứng lên biểu diễn bài “Chim Yến”. Chú rể đệm ghi ta, cùng cô dâu song ca. Tới hiệp hai thì cả đoàn chèo cùng hát theo thành tốp ca luôn.
“À á… giọng chim cao vút như dòng suối êm trôi. Nhìn qua đêm tối mắt chim sáng như gương. Chim là cô gái mến thương của ta.
À á… này chim thương mến hãy nghe ta hát những lời ân ái. Chim ơi chớ quên năm nào hẹn ước tơ duyên cùng ta…”
Buổi lễ thành hôn ấy tôi thật toại nguyện. Không có tiền mừng vì tổ chức theo nếp sống mới. Các cô chú ở Viện Kiểm sát cũng vừa lòng lắm. Tuy tôi không có cha mẹ đến, anh Thọ thì chỉ có bố ra, nhưng tôi được sự vun đắp trong tình yêu thương của tập thể đoàn Chèo và tập thể cơ quan Viện Kiểm sát.
Hôm sau, chúng tôi mới đi chợ, nhờ các chị ở văn công nấu cơm mời đoàn, các bà mẹ nhận của anh Thọ và các em của tôi. Bố anh Thọ gọi là ăn cơm thân mật để tiễn mọi người ra về. Buổi tối, chúng tôi đưa bố anh Thọ về Hải Phòng thăm mẹ tôi. Mẹ vẫn lầm lì ít nói. Gặp mẹ lúc nào cũng thấy không khí trong nhà rất nặng nề. Thăm mẹ xong tôi đưa bố chồng ra tàu hỏa đi Hà Nội để về quê.
Cưới nhau được năm ngày, anh Thọ có khách. Đó là một cô gái xinh đẹp cao ráo hơn tôi, đến chơi. Cô ta là giáo viên dạy phổ thông tại thị xã Uông Bí, cháu của bà Mai (mẹ nhận anh Thọ) ở Quảng Yên. Cô tên là Bình. Hồi anh Thọ ở trọ nhà bà Mai (đoàn lúc ấy sơ tán tới Quảng Yên) bà quý anh lắm nên có ý định giới thiệu cháu gái cho. Cô gái mới gặp đã yêu anh. Gia đình, cha mẹ cô tạo điều kiện tác thành, hứa cho cả nhà cửa đất đai… Nhưng anh chỉ cảm mến chứ chưa thực yêu cô, càng không muốn lấy một người phụ nữ đầy đủ như tiểu thư. Anh cho rằng sống được với anh lâu bền thì chỉ có người từng gian khổ và chịu được gian khổ, bởi vì đời nghệ sĩ phải đi xa, ít tiền, nhiều vất vả. Cho nên làm vợ thì rõ là tôi là người phù hợp hơn cô Bình. Khi anh báo tin cưới, cô Bình không tin, nghĩ anh đùa. Anh mời cưới, cô không muốn tin, không đến. Những ngày đó, cô nằm khóc ở nhà và sau khi cưới năm ngày cô đến xem có đúng anh Thọ cưới vợ thật không.
Bình ở lại ăn cơm và ngủ cùng chúng tôi vì không thể đi về trong ngày được. Sự thật về đám cưới của anh khiến cô buồn rười rượi, dù lúc nào cũng cố tỏ ra vui.
May mà trước đó chồng tôi chưa hứa non hẹn bể gì nên cô ấy chẳng có cớ để hận thù, trách cứ. Cuộc thăm hỏi vì thế cũng trôi qua êm ả.
Viện Kiểm sát thấy tôi đi làm xa thì cấp cho tôi mua một chiếc xe đạp Thống Nhất. Mua đâu dễ. Cái xe đạp trị giá chín mươi đồng (bằng hai tháng lương khi ấy). Nhưng có tiền cũng chẳng sẵn mua. Lúc đó, ở cơ quan có một cậu nhân viên tên là Đinh Minh Nạp làm hành chính, được cấp xe trước. Cậu mắc tội làm giả chữ ký và con dấu của Viện Kiểm sát để đi xin mua hàng, bị phát hiện nên công an bắt giam và tịch thu tài sản. Tài sản của cậu là một cái xe đạp. Thế là cái xe này gắn sang cho tôi.
Hàng ngày đi từ khu Văn Công qua phà Bãi Cháy sang đến Viện Kiểm sát là bảy cây số. Để đi làm gần, vợ chồng tôi chuyển sang ở tập thể của Viện Kiểm sát. Nhưng vừa dọn nhà sang được ít hôm thì phòng nhà đất đòi đến đập nhà để sửa. Chúng tôi không biết sẽ đi đâu. Về đoàn thì không có chỗ nữa. Trường Đảng mà đoàn đang ở nhờ cũng phải trả lại. Đoàn xuống Cái Dăm ở nhờ khu nhà sơ tán của trường Thủy sản cũ, cách đó năm cây số nữa. Ông Mai thương tình bảo vợ chồng tôi dọn về ở tạm gầm cầu thang của Viện Kiểm sát thị xã. Gầm cầu thang nối liền với sân bếp nên lúc nào cũng ướt át. Chỗ người ta giặt giũ, nấu nướng sát giường nằm của hai vợ chồng. Ướt át, bẩn thỉu, lại vừa trống hoác. Cầu thang thì bằng gỗ, bên dưới chúng tôi đã dán giấy và bìa, nhưng cứ mỗi lần có người đi lên cầu thang là cát bẩn lại rào rào rơi xuống tấm bìa chăng phía trên đầu. Phải ở vậy ba tháng cho họ sửa xong nhà số 8, chúng tôi mới được dọn về nhà mới của cơ quan. Tầng trên trước đây có hai phòng, giờ họ chia làm bốn. Dưới ba phòng nữa là bảy. Còn phòng trong cùng tầng dưới làm bếp chung của bảy gia đình. Cùng một bể nước chung, có chút ánh sáng vào khu bể nước gọi là giếng trời. Công chức nhà nước, ở nhà của nhà nước là vậy. Ẩm thấp, tối tăm, chật chội, nóng bức, cả bảy gia đình đều phải chịu chung.
Lúc này Viện Kiểm sát chuyển vào Cọc Tám, ở khu nhà sơ tán của xí nghiệp Nước cũ, còn khu đang làm việc phải phá đi để xây cung Văn hóa Việt Nhật. Chiến tranh chấm dứt, đâu đâu cũng xây dựng, di chuyển lung tung. Tôi có bầu. Ngày nào chồng tôi cũng phải đi làm mười hai cây số, còn tôi đi tám cây. Như vậy, lâu dài không ổn. Tôi chuyển nhà sang Cái Dăm, ở tập thể tạm của đoàn Văn Công (khu trường Thủy Sản sơ tán cũ). Từ đó, thì chỉ mình tôi phải đi xe tháng hàng ngày, còn anh được ở gần cơ quan. Vậy là cứ sáu giờ sáng, tôi ra đường đón xe tháng, sáu giờ tối xe về đến nhà. Cái nhà tập thể trước đó được cấp, tôi cho chị Tâm đồng nghiệp ở để chị được rộng thêm. Khi chị đến ở tôi cho không. Khi chị chuyển, nhượng cho người ta thì chị được hai mươi triệu đồng. Thế đấy!
Ở bên nhà số 8 Thương Mại cũng được gần hai năm. Mỗi tháng phải nộp cho phòng Nhà Đất thị xã hai mươi đồng (bằng nửa tháng lương của tôi), cũng là một hình thức đi thuê. Tại nơi này, vợ chồng tôi từng đục tường làm thêm cửa sổ để hút gió, rồi mua gỗ làm thêm gác xép, phòng khi khách tới có chỗ ngủ. Anh Bảo voi ở đoàn ca múa cũ và anh Bùi Quý Linh bạn của chồng tôi hay vào ở nhờ cái gác xép ấy. Gia đình tôi cưu mang họ những ngày tháng gian nan. Sau ngày giải phóng miền Nam, họ chuyển công tác vào trong đó và biệt tăm.
Những ngày đầu sống với anh rất thú vị. Anh lúc nào cũng vui vẻ. Anh toàn gọi tôi với giọng trìu mến: “Cạc ơi”. Lũ trẻ con quanh xóm quý anh, hay đến chơi với anh. Anh gọi chúng là “Cạc con”, còn tôi là “Cạc to”. Chắc mấy cậu ở đoàn xui nên bọn “Cạc con” ấy thỉnh thoảng lại đến đuổi tôi: “Về đi! Dơ! Cứ ở nhà chú người ta mãi! Về đi!”. Khiến tôi luôn phải ôm bụng cười.
Anh Thọ vô cùng vụng về chuyện bếp nước. Hôm đưa thầy (bố chồng) từ Hải Phòng ra, thấy anh lại đi ăn cơm tập thể. Lúc này, tôi mới hay anh chẳng biết nấu nướng. Anh bảo: “Ở nhà các chị thương nên chỉ biết bế mèo chơi, động đến cái chổi các chị cũng giằng lại không cho quét nhà. Mười hai tuổi thì vào học năng khiếu ở trường Sân khấu, người ta chăm sóc từ a đến z nên càng chẳng biết gì. Về đoàn thì ăn cơm tập thể. Đi diễn được chiêu đãi”.
Có lần anh ở nhà tập vở, tôi đi làm bên Hồng Gai. Tiện đi chợ gặp cô Liên, tôi mua thức ăn gửi về. Trong đó có một cân quả tai chua. Tôi dặn anh thái nhỏ phơi cho được nắng để nấu cá ăn dần, còn con kù kỳ thì rửa đi luộc mà ăn. Lại còn sợ bị cù kỳ cắp, tôi bảo Liên dặn anh lấy bàn chải cọ cù kỳ chứ đừng cho tay vào.
Liên biết anh Thọ không biết nấu nên dặn đểu: “Chị Thủy gửi quả này về gọi là quả su su, xào hết một bữa mà ăn. Còn kù kỳ đây, nấu lẫn với quả này ăn luôn đi, đừng để phần chị ấy”.
Tối, tôi về, hỏi:
- Tai chua anh phơi ở đâu?”
- Ừ, anh cũng đoán vậy, cho vào mồm thấy chua quá không ăn được nên thái nhỏ phơi trên nóc nhà rồi.
Trưa đến, anh thấy hai đứa con gái rón rén vào phòng, vào bếp mở nồi bảo nhau: “Chắc chua quá không ăn được đổ đi hết rồi”. Chúng khúc khích cười, rồi rón rén đi ra. Anh biết là bị chúng lừa. May, anh không mắc bẫy.
Lần khác gửi thịt về. (Tem thịt cả tháng hai vợ chồng chỉ được năm lạng) Tôi dặn cô gái trẻ cùng đoàn: “Bảo anh thái riêng mỡ ra rán, còn bì và nạc thì rim lên mà ăn”.
Tối về, mở thùng ra (ngày ấy chưa có chạn nên phải đựng thức ăn trong cái thùng gỗ) nhìn thấy bát gì đen như cà phê, tôi hỏi:
- Chết, sao anh rán mỡ cháy đen thế này?
- Ừ, anh cứ sợ chưa chín nên phải chạy xuống tầng hai hỏi Ngọc Hưng lên xem hộ đã chín chưa. Hưng bảo: “Bắc ra ngay, cháy rồi”. Anh xin lỗi!
- Thế tóp mỡ đâu?
- Anh định ăn hết để em khỏi thấy nhưng đắng quá không ăn được, anh đổ đi rồi.
Nghĩ lại các việc làm của chồng, tôi càng thấy thương anh hơn là trách giận. Từ đó, mỗi ngày trước khi đi làm tôi phải viết một tờ giấy ghi cụ thể cách thức nấu ăn của bữa. Ví dụ: Hôm nay ở nhà anh nấu canh rau đay với tép thì phải từng công đoạn ra sao. Nào là tép khô rửa đi, ráo nước, giã dập. Rau đay nhặt thế nào, rửa, thái ra sao. Nước sôi cho gì trước, cho gì sau… Thế rồi anh cũng làm được.
Một hôm, tôi nằm viện. Anh đi đón về, bảo: “Hôm nay về nhà ăn cơm với anh, anh mua tôm he tươi, nấu rồi, ngon lắm”. Về đến nhà tôi mở cái hòm ra nhìn thấy đĩa tôm trắng nhợt còng queo, con trắng, nhưng lại có con đen sì. Tôi hỏi anh làm thế nào mà ra đĩa tôm như thế. Anh bảo “Anh làm cẩn thận lắm. Nào là bóc vỏ, vứt hết cục đen ở đầu, rồi lấy nước sôi trần đi cho sạch sẽ. Nhưng không hiểu sao đến khi rang tôm cứ trắng chứ không đỏ như mọi ngày em làm. Anh lấy kẹo đắng cho vào thì nó lại đen, sợ quá anh không đảo nữa nên thành con đen, con trắng”.
Tôi buồn cười quá, bảo:
- Anh ơi, tôm he tươi mà đem bóc vỏ rồi lại trần nước sôi thì nhạt toẹt. Bầu cứt tôm trên đầu không biết vứt lại vứt hết bầu gạch đi, thế thì tôm sao còn đỏ nữa. Đem cho kẹo đắng thì nó phải đen. Không đảo đều thành con đen con trắng.
Đoàn Chèo được bữa cười thỏa thuê. Họ kháo nhau: “Ai thích ăn cù kì nấu tai chua và tóp mỡ cà phê xin mời lên nhà Tất Thọ nhé. Còn ai muốn học cách làm tôm he hợp vệ sinh thì phải cắp sách đến học Tất Thọ thôi”.
Hồi ấy đun nấu bằng củi. Chủ nhật được nghỉ việc cơ quan, tôi chuẩn bị dao rựa lên đồi chặt củi, và nhặt những cành cây dại trong rừng thông để về đun nấu. Anh thì ngồi trên phòng tầng ba, say sưa chơi đàn ghi ta. Tôi thường đi lấy củi với anh Am - phó đoàn Chèo. Hai anh em mỗi người chặt củi ở một góc đồi. Được bó to tướng, chuẩn bị bó vào để về thì tôi bị một con ong bầu đất đen sì đốt vào trán. Tôi choáng váng kêu ầm lên. Anh Am chạy ra khỏi đồi, tìm vôi đắp vào vết đốt cho tôi đỡ đau. Anh ấy bảo “Ngồi yên đấy, chờ anh gọi Thọ ra vác củi về”.
Một lúc sau anh Thọ tìm đến nơi. Tôi đem bó củi bó thành hai bó, một to một nhỏ, rồi vác bó to chạy về. Anh Thọ thì vác bó nhỏ, đi tụt lại sau. Vừa đi, anh vừa la hét: “Đả đảo chính sách đàn áp tù khổ sai. Đả đảo! Đả đảo!”. Không nhịn được nữa, tôi phải quăng bó củi xuống đường mà cười như nắc nẻ.
Có lần đoàn đi diễn xa, tôi ở cơ quan Viện Kiểm sát ăn cơm, tối nhá nhem mới về. Vừa mở khóa cửa nhà ra, trong bóng tối mờ mờ, một người đàn ông râu dài tới rốn, tóc phủ kín mặt giang tay đón tôi. Tôi hét lên kinh hãi, chân rủn xuống. Trong hoảng hốt, anh nhanh chóng bỏ bộ tóc giả ra vội vàng nói: “Anh đây – Thọ đây mà”. Tôi dần hoàn hoàn lại vào chỗ bật điện, rồi hỏi:
- Sao anh bảo đi diễn mà lại ở nhà?
- Đoàn đi diễn và phân công anh đi làm phong trào nên anh về để lấy một số tài liệu.
- Thế sao anh ở trong nhà mà lại khóa được cửa ngoài?
- Anh về cùng cháu Vân con, nó ra ngoài khóa lại cho anh.
Đùa ác thế đấy. Suýt nữa thì tôi chết ngất. Ấy vậy mà anh có chừa đâu. Sau này sang ở nhà tập thể Viện Kiểm sát (nhà số 8) có lần anh và tôi cãi nhau. Anh giận bỏ nhà đi. Lúc ấy 8 giờ tối. Anh chỉ cầm theo cái va li hóa trang bé con con của anh rồi đóng cửa đến “sầm”. Tôi nằm im trong giường. Điện tắt, nhưng phía hành lang vẫn có đèn đường của khu phố hắt vào. Lúc sau, chợt có một người mặt mũi đen sì, vén màn tôi lên, rồi thò mặt vào trong màn. Tôi hét lên kinh hãi và lặng đi chết ngất. Người đó vội tháo mặt nạ ra gọi tôi tỉnh lại: “Anh đây mà! Thọ đây! Đừng giận anh nữa nhé!” May mà tôi không có bệnh tim chứ không thì đã toi đời rồi. Từ đó anh không dám đùa kiểu ấy nữa.
Chồng tôi là thế đấy.