Ngày cưới xong, anh đưa tôi về thăm quê. Chúng tôi phải đi ô tô một ngày một đêm, từ Quảng Ninh đến Hà Nội, sau đó ra ga Hàng Cỏ, chờ đến chín giờ đêm để lên tàu đi Vinh. Tàu về đến cầu Giát thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An là hai giờ sáng. Đi bộ từ ga cầu Giát ra đến quốc lộ 1A là hai cây số. Rồi đi bộ từ ga về làng. Lần đầu tôi được về làng quê Nghệ An là mùa hè năm 1974.
Quê anh nghèo hơn ở đồng bằng Bắc Bộ, không khí nóng nực. Tôi thì chịu tốt, nhưng anh chỉ vài hôm đã ốm. Chúng tôi đạp xe đi Nghĩa Đàn và ra Quỳnh Mai để thăm quê ngoại, thăm các chị anh. Bố anh là một ông giáo già. Mấy chục năm dạy học ở Nam Định, giờ về hưu sống ở quê. Ông có vẻ ngoài đẹp lão, tính tình cởi mở. Mẹ anh và mẹ hai đã mất khi anh mới được sáu tháng tuổi. Mẹ anh sinh được năm người con gái. Ông bà nội anh giận lắm. Đến lần thứ năm ông bà nội đuổi mẹ anh ra nương sắn đẻ, nhưng vẫn lại là con gái nên đặt tên là Nương. Ông bà nội đuổi thẳng con dâu về bên ngoại và không cho về nhà nữa. Mẹ phải về bên quê ngoại làng Quỳnh Mai, có con sông Hoàng Mai thơ mộng chảy quanh làng, sống với những người ruột thịt của mẹ. Bố anh rất thương mẹ nên thường xuyên về làng Hoàng Mai thăm bà. Tuy nhiên, ông vẫn phải chấp hành lệnh của cha mẹ là lấy vợ hai. Bà này sinh được cho ông hai người con trai là anh Quyền và anh Quyến, ông bà nội anh mới toại nguyện. Sau đó, ở bên làng Hoàng Mai, bà cả cũng sinh được một quý tử, đó là chồng tôi. Ông bà nội anh đã đi bộ mười hai cây số để sang Hoàng Mai cởi áo ngoài ra bọc lấy cháu đích tôn rồi đón hai mẹ con trở về Quỳnh Hậu. Bố anh vẫn đi dạy ở Nam Định, thi thoảng về thăm nhà. Ở nhà, hai bà sống rất đoàn kết, thường rủ nhau đi buôn tận Thái Hòa – Nghĩa Đàn để tăng thu nhập, nuôi các con.
Một ngày trời nắng tháng năm, sau khi đi buôn về, giữa trưa quá nắng nóng, hai bà xuống cái hồ gần đường để tắm cho mát. Về nhà, cả hai cùng bị cảm và mất trong cùng một tháng sau đó. Lúc ấy, chồng tôi mới có sáu tháng tuổi. Chị Chính (chị cả), chị Đề (chị hai) đã thay cha mẹ nuôi nấng, chăm sóc các em. Tôi được anh đưa đến cái hồ đó. Một cái hồ không rộng lắm nhưng mang vẻ huyền bí. Có người nói ở hồ này có một bà tiên rất thiêng, thấy hai bà xinh đẹp tắm ở đó nên đã bắt. Tôi thì lại nghĩ rằng đang giữa trưa mùa hè nóng nực, đi bộ gánh hàng mệt, thấy nước sà vào thì chết thôi. Nóng, lạnh đột ngột, hai bà đã bị cảm thương hàn. Ngày ấy thuốc men khan hiếm, sự chăm sóc không có nên chẳng cứu nổi, chứ nào có bà tiên, bà quỷ gì bắt. Chị Đề kể lại ngày mẹ mất, bố ở mãi Nam Định, không có ai ra báo tin. Chôn cất mẹ xong ai cũng mệt và đói. Anh Thọ khát sữa khóc suốt, dỗ mãi chẳng nín. Mà lúc ấy cũng chả ai nghĩ ra việc bón nước cháo cho em, lại còn đi dọa ma. Em chẳng nín, thế là bế em ra sân để dọa thêm, rồi chị hồn nhiên vào nhà ngủ quên mất. Sáng dậy, thấy em nằm còng queo giữa sân. Trong khi em nhịn đói từ trưa hôm trước. May là em mới lả đi, vẫn còn thở. Chị xót thương em quá, bồng dậy, rồi đi tìm đồ ăn cho em. Nghĩ đến đó, chị lại xót ruột, không bao giờ quên. May là mùa hè chứ mùa đông thì chết chắc rồi. Nghe vậy, tôi cũng rớt nước mắt nữa là chị. Sau đó, bố anh lấy bà ba, đem từ Nam Định về. Bà tình nguyện chăm sóc bầy con nhỏ cho ông. Đó là bà Kỷ. Bà thiệt thòi vì không sinh được người con nào. Bà có công chăm sóc bầy con nhỏ của ông cho đến khi trưởng thành. Chúng tôi gọi bà là “u”.
Khi anh Thọ đưa tôi về làng, tất nhiên là có một mâm cơm gặp mặt để giới thiệu tôi cho mọi người và nhận họ hàng. Hôm sau, bà u đưa đôi thùng, cùng cái đòn gánh, bảo tôi đi gánh nước giếng làng. Mọi người tưởng tôi giống những cô gái thành phố liễu yếu đào tơ, không ngờ tôi gánh đôi thùng nước đầy với cái đòn gánh mỏng bước thoăn thoắt, dẻo dai. Hàng xóm, người lớn, trẻ con đi theo tôi rất đông. Họ nói tiếng địa phương, tôi chẳng hiểu gì. Bà giáo đi sau tôi cười với mọi người hớn hở. Bà tỏ vẻ hài lòng lắm. Tôi đoán, họ không ngờ tôi lại biết gánh nước như thế.