Năm 1980, vợ chồng tôi bắt đầu xây bếp, hay còn gọi là nhà ngang để lấy chỗ ở theo gợi ý của ông Bùi. Chúng tôi có năm trăm viên gạch xỉ của nhà chủ cũ để lại và đống cát, hố vôi. Tôi quyết định xây nhà bếp trước. Thợ xây là cháu Thắng, con thầy giáo Cầu, người đồng hương chồng tôi. Thợ phụ là tôi. Hàng ngày, tôi gánh gạch lên nền nhà để. Tối đến, đánh sẵn một cối vữa vôi để hôm sau phụ Thắng xây. Căn nhà sâu năm mét, rộng hai mét rưỡi, diện tích chừng mười hai mét. Một tuần sau thì xây và trát xong. Nhưng các hèm cửa thì tôi phải tỉ mẩn trát chứ Thắng làm vội không phẳng được. Trên nóc kê mấy cây gỗ, rồi chẻ tre ghép thành mái, đổ vôi và cát lên. Trên cùng, láng một lớp xi măng nguyên chất để chống thấm.
Thế là vợ chồng tôi có một căn nhà mái bằng để ở. Ngôi nhà trát xong, quét vôi ve tử tế trông khá sạch sẽ và vững chắc. Bao giờ có nhà to thì nơi đây sẽ dùng làm bếp. Cửa thì tự kiếm ván đóng lấy. Tiền công trả cho Thắng là tám mươi đồng, coi như giúp chú là chính. Chúng tôi phải kéo đổ cái nhà giấy dầu đi vì nó sắp sập. Chủ cũ ở đã lâu, vợ chồng tôi sống trong đó cũng được hơn hai năm. Khi dỡ bốn cái dây chống bão xong, chồng tôi chỉ đẩy mạnh một cái, cả ngôi nhà đổ đánh “ầm”. Gỗ lạt đã mục hết. May mà có chỗ ở mới. Nếu không, bão to gió cả ập tới thì thật nguy hiểm.
Được ở nhà mới, dù chật chội nhưng tôi cảm thấy sung sướng hơn. Đồ đạc trong nhà vẫn chỉ có cái giường cưới ọp ẹp và cái tủ sách tự đóng của anh. Giường của ông nội Quỳnh Mai vẫn là tấm ván của một cái cửa nhặt được, kê ngược lại.
Anh dạo đó hay đi phong trào. Đi phong trào là đi thâm nhập thực tế rồi sáng tác và dàn dựng (hoặc dạy) cho các đội văn nghệ ở cơ sở (do họ yêu cầu). Thường là phải từ sau một tháng mới xong. Cơ sở trả công sức (còn gọi là trả nhuận bút) bằng hiện vật. Lúc là vài cân đường, hộp sữa. Lúc là một vài mét vải. Cao hơn thì là cái giường hoặc đóng cho cái tủ (gỗ mình lo). Có những nơi như Đoàn thanh niên hoặc đơn vị bộ đội thì họ chỉ lo cho hai bữa ăn là xong. Làm chương trình văn nghệ cho Đoàn thanh niên tỉnh hàng chục năm trời, tổ chức nhiều cuộc lớn như thi người đẹp, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ, Đại hội Đoàn, Gặp mặt 7 nước Asean, v.v… biết bao mồ hôi và chất xám. Cuối cùng, họ chỉ tặng cho một cái “Huy chương vì sự nghiệp thế hệ trẻ”. Sau để đâu không tìm thấy.
Đợt ấy, anh Lưu Khoa ở sư đoàn 242 - Vân Đồn đến nhờ anh làm chương trình phong trào cho họ. Anh Lưu Khoa ngủ lại nhà tôi một đêm. Anh phải nằm chung với ông, chen lưng trên cái tấm phản bằng cánh cửa ấy. Thấy gia cảnh vậy, nhân tiện chồng tôi làm phong trào cho lâm trường ở đó, thế là công đoàn lâm trường cùng sư 242 giúp tặng anh bốn cây gỗ con và tre để làm nhà và tặng một cái giường gỗ dẻ loại một mét rưỡi. Chúng tôi mừng lắm. Nhưng đem giường về cũng chẳng có chỗ mà kê. Đem kê vào chỗ ông nằm thì nhà không còn lối đi ra cửa. Chúng tôi đành đem giường gửi ở nhà bác Sáng - Thỏa hàng xóm. Xe ô tô chở gỗ về, phải để ngoài đường quốc lộ, chứ đường đê của xóm, ô tô không vào được. Lúc ấy, con đê được đắp bằng đất. Mặt đê chỉ rộng chừng một mét rưỡi đến hai mét. Mưa trôi đất nhiều. Mặt đê gồ lên như cái xương sống trên lưng con trâu. Đi xe đạp còn chực ngã nữa là ô tô.
Vợ chồng tôi nhờ bác Sơn - Rồng tìm dây buộc các đầu gỗ lại với nhau, chờ đến nửa đêm thủy triều lên lưng chừng thân người, ba anh em (gồm bác Sơn và vợ chồng tôi) liền lội ra biển kéo gỗ về. Bốn giờ sáng, chúng tôi kéo gỗ về đến gần nhà thì nước thủy triều bắt đầu cạn. Cái bè gỗ trơ ra trên bùn. Ba anh em chúng tôi lại đào bùn lấp gỗ chôn đi để ngâm, sợ đem lên bờ gỗ sẽ bị mục do mưa nắng. Hơn nữa nhà đã làm ngay được đâu mà đem về.
Sau một năm, chúng tôi trả hết nợ tiền mua đất và tích cóp được một ít. Vợ chồng tôi bèn mua thêm một ngàn rưỡi viên gạch xỉ (còn gọi là gạch ba banh) của hợp tác xã Hồng Hải ở tận chân núi Bài Thơ. Hợp tác xã này lúc đó toàn nung vôi, chủ yếu bán vôi, xỉ thì đóng gạch bán thêm. Mua gạch xỉ ở đây, chúng tôi chở bằng thuyền về nhà là thuận tiện nhất. Thủy triều lên to, cập mạn thuyền vào tận cổng nhà. Thế là chúng tôi có gỗ, có gạch. Lúc này, chồng tôi không còn công tác ở đoàn Chèo nữa mà chuyển về Sở Văn hóa nên việc đi làm phong trào cho các cơ sở càng nhiều hơn. Tiếp đó, anh làm cho hợp tác xã Sông Khoai ở Yên Hưng. Hợp tác xã này đang xây dựng khu khai hoang mới ở Sông Khoai. Ngoài việc vỡ hoang, người ta dựng nhà cửa mới nhiều nên họ còn có cả những lò nung vôi.
Chồng tôi không lấy nhuận bút vì tiền lúc đó chả được bao nhiêu. Anh xin ông Tấu - chủ nhiệm hợp tác xã - cho anh mua hai tấn vôi củ theo giá nội bộ. Ông này vui vẻ ký cho anh mua ngay. Mấy người nhân viên vốn quý chồng tôi nên chọn cho cái lò vôi kỹ nhất, ít vôi sống, rồi bốc vôi lên xe để anh chở về.
Năm giờ chiều, xe vôi về đến cửa nhà người lái xe. Anh ta rẽ qua nhà của mình rồi ra bảo với mọi người là ô tô hỏng rồi không đi được nữa. Thực ra là anh lái xe này đã đào hố sẵn để tôi vôi. Anh ta đặt vấn đề mua vôi với hợp tác xã nhiều lần nhưng mãi chưa đến lượt. Chờ đợi mỏi mệt, nhân có xe vôi này anh ta giở trò nẫng tay trên vì vôi không thể để lâu quá trên xe được. Trời ẩm thì vôi sẽ bị tả hết, mà trời mưa thì bằng tôi vôi trên xe. Nếu tôi vôi bằng mưa thì không đủ nước, vôi sẽ bị sượng, không dẻo, không xây dựng được.
Chồng tôi rơi vào tình thế “phải chịu”, đành để cho tay lái xe đổ xe vôi xuống hố nhà hắn. Anh cay đắng về nhà, điện cho ông Tấu biết chuyện. Ông ta bảo: “Sẽ đền cho tác giả một xe vôi khác”.
Vài tháng sau, vào một tháng mưa ngâu, chồng tôi đi làm phong trào tận vùng núi Tiên Yên. Ông Tấu cho xe chở vôi đến đầu đê, rồi gọi tôi ra nhận. Trời lúc mưa lúc tạnh. Xe vôi thì chỉ đỗ được ở ngoài đường quốc lộ. Trong nhà, lao động chính chỉ có mình tôi. Cái xóm nhỏ vắng teo, tôi nghĩ mãi mới ra vài nhân lực bất đắc dĩ. Đó là cháu Hương nhà bà Cải và cháu Tị nhà cụ Móm bên cạnh. Ba người chúng tôi kẽo kẹt kéo xe bò ra đê nhận vôi. Sợ trời mưa, tôi liên hệ với ông Hòa chữa xe đạp cho đổ nhờ vôi vào mái hiên bằng cót của ông. Dù sao cót che cũng còn hơn không có gì che. Ngày ấy, người tốt còn nhiều chứ như bây giờ ai cho đổ nhờ vôi như vậy vào hiên nhà.
Ba cô cháu tôi kẽo kẹt kéo xe bò từ năm giờ chiều đến chín giờ đêm mới chở được nửa non đống vôi. Đêm về, tắm rửa ăn cơm. Sáng ra, ba cô cháu lại tiếp tục kéo cái xe ấy, đến chiều mới xong đống vôi. May mà có hố sẵn và hố đã đầy nước chứ nếu không, phải đào hố đổ nước tôi vôi nữa thì tôi không biết xoay sở thế nào.
Xe vôi này bị vôi sống nhiều, lại có mưa lâm râm từng lúc nên cũng bị tả thành vôi bột mất một ít. Lại vận chuyển trong lúc vôi tả như vậy, ba chúng tôi đều bị bỏng vôi. Tay chân mặt mũi phồng lở, trông hết sức khổ sở. Cháu Hương và Tỵ làm giúp cô chẳng lấy một đồng xu nào, cuối cùng mang vạ vào thân. Tôi áy náy, thương xót các cháu mà chả biết làm sao.
Chở được xe vôi về, tôi không những chẳng thấy mừng mà còn bực nghẹn cổ vì ông Tấu. Trả đền xe vôi lại trả vào mùa mưa. Bao khó khăn gian khổ một mình tôi gánh chịu. Lúc này tôi mới bị sảy thai được vài tuần, đang còn yếu ớt mà phải lao động như trâu. Lao động xong, đêm hôm còn phải tắm gội nước lạnh chứ lấy đâu ra nước ấm. May mà còn có ông nội trông bé Quỳnh Mai cho mà làm. Khi anh về thì đã đâu vào đấy cả rồi. Anh có số hưởng nên tôi biết trách ai?
Tôi viết thư trách ông Tấu về việc trả xe vôi vào lúc trời mưa: “Vôi thì đã tả hết, chỉ có đá là chưa tả. Lúc làm việc cho hợp tác xã thì chồng tôi nhiệt tình hết mình. Hàng tháng trời không quản gian lao vì phong trào văn nghệ của hợp tác xã, ấy vậy mà được việc xong thì các anh đối xử như thế. Thật đúng là “đàn gảy tai trâu”…”. Ông Tấu tức lắm nhưng không làm sao được, chỉ biết nói với con gái là Chiêu, làm việc cùng tôi ở Viện Thiết kế Thủy lợi rằng: “Cô Thủy viết thư nói bố quá lắm”. Chiêu kể lại tỏ ý trách tôi. Tôi cười nhạt: “Tại sao tôi không được nói?”
***
Mùa mưa ngâu, trời mưa cả tháng. Hôm ấy là chủ nhật, tôi đang sắp túi đi chợ thì trời mưa to. Chợt có một cô gái chừng 18 tuổi không áo mưa chạy vào nhà tôi nhờ tránh mưa. Tôi luẩn quẩn dọn dẹp không để ý gì. Khoảng 15 phút sau, mưa càng to hơn, cô gái vội vã ra đi trong mưa, tôi can ngăn chẳng được, chỉ nghĩ thương cô bé quá, chắc có việc gì cấp bách lắm. Nửa tiếng sau mưa tạnh. Tôi lấy túi đi chợ thì cái túi đã không cánh mà bay. Chợt nghĩ đến cô bé vừa rồi, tôi chạy vội ra cổng. Thấy cái sổ mua gạo vứt lại, nước mưa ướt nhòe hết mực. Sổ gạo nó không thể mua được vì phải trình báo ở cửa hàng. Còn tem phiếu, phiếu thịt, phiếu đường thì không cần tên tuổi cũng có thể mua. Trong túi tôi khi ấy có tem phiếu của một quý (bằng ba tháng), nó cuỗm sạch. Tôi không biết ba tháng ấy cả nhà mình sẽ sống bằng cái gì. Trong túi còn hơn 20 đồng nữa. Tiếc của đến đau đớn mà chả biết làm sao. Tôi lăn ra đất kêu khóc.
Chồng thì không có nhà. Bé Mai và ông nội ở trên căn nhà bếp mới chạy xuống. Mai thấy mẹ khóc thì cũng khóc theo. Bà Cải chạy sang an ủi và cho tôi 20 đồng. Bà làm thợ may nên thỉnh thoảng cũng có đồng ra đồng vào. Còn bố chồng tôi thì thủng thẳng làm ngay hai bài thơ:
NĂM XUNG
Năm Dậu sao mà lại năm xung
Mất gà, mất lợn, mất lung tung
Của đau con xót, tâm nghĩ quẩn
Thay sao đổi hạn bước đường cùng
ĐƯỢC VÀ MẤT
Được thì vui, mất thì buồn
Buồn vui như thế diễn ra luôn
Ước gì tránh khỏi được và mất
Để đỡ băn khoăn nỗi vui buồn.
***
Có vôi, gạch, gỗ rồi chúng tôi tiếp tục xây nhà. Dựa vào cái móng nhà chủ cũ xây sẵn, chúng tôi xây gian thò trước. Thợ xây là cháu Vân, con chị Cải hàng xóm. Tôi làm thợ phụ. Xây gian thò bắt mỏ sang gian thụt để sau này xây tiếp. Xây xong hình thù cái gian nhà thì bỏ đó vì chẳng có gì lợp cả. Nhưng dù sao cũng có chỗ ngồi ăn cơm. Cuối năm 1981 tôi có bầu. Khi sắp sinh, thì ông bà Lại - Miên trong xóm thương tình, gợi ý cho vay năm trăm viên ngói loại hai của họ để không, lợp lên cho có thêm gian nữa. Cả nhà dồn trong mười hai mét vuông như cái bếp thì quá chật.
Vợ chồng tôi mừng rơn, liền thuê ông Sinh ở xưởng đóng tàu đến xây tiếp để hoàn thiện cái gian thò.
Sư đoàn 242 cho hai chú bộ đội đến hỗ trợ vợ chồng tôi xây nhà hai ngày. Họ móc gỗ ngâm lâu dưới bãi bùn trước cửa, đặt lên mái. Ông Sinh xây tiếp hai vỉ ruồi ở đầu hồi, rồi trát và hoàn thiện nhà. Vì chồng tôi đứng số hưởng nên cứ ra chủ trương thật hoành tráng rồi lại đi cơ sở. Ông Sinh thợ chính, tôi phụ. Bụng chửa bảy - tám tháng rồi mà tôi vẫn gánh gạch từ sân lên nhà. Bê xếp lên dàn giáo cho ông ấy xây. Tối đến, đánh cối vữa to tướng. Hôm sau, chỉ việc đổ thêm nước vào đảo lại là có vữa gánh lên cho thợ. Trong khi đó, tôi vẫn phải đảm bảo giờ làm việc cho nhà nước. Cả ông Sinh và tôi đều làm cơ quan nhà nước. Việc xây dựng chỉ làm được ngoài giờ hành chính và các ngày chủ nhật.
Hoàn thành xong việc xây, còn việc vôi ve thì chủ nhà tự xử, ông Sinh không tham gia. Tôi dạy chồng quét vôi nhưng anh không sao làm được. Vôi tôi đã lọc và hòa sẵn, chỉ quét lên tường thôi, vậy mà nét ngang nét dọc, bẩn bê bết. Tôi lại đuổi anh xuống để làm cho nhanh. Mỗi việc hiểu kỹ thuật của từng nét chổi để không xiên ngang phết dọc mà có phải ai cũng làm được đâu. Chỉ tội cái bụng tôi to quá, gần chín tháng rồi mà còn trèo lên trèo xuống cái thang tre mỏng tèo, hai tay đưa chổi đều đặn, không bấu víu vào đâu được. Biết là nguy hiểm, nhưng chỉ vì không có tiền thuê thợ nên tôi phải cố. May mà trót lọt.
Gian thò hoàn thiện, lấy cái giường gửi bên ông bà Sáng - Thỏa về kê vào cho anh và bé Mai ngủ. Anh đóng cho bố mình cái giường con con. Còn hai mẹ con tôi và Huệ Ninh ra đời thì ở gian nhà cũ cho yên tĩnh. Anh vẫn say vào công việc viết lách của mình. Khi sinh Ninh, anh bảo đón bà nội ra giúp. Nghĩ lại lần sinh Quỳnh Mai, tôi sợ quá nên không đồng ý. Chỉ cần anh hỗ trợ một chút, còn tôi cố gắng lên là xong chuyện.
Anh chẳng làm được gì ngoài giặt tã lót (ngày ấy không có tã giấy, thiếu xà phòng nên người đẻ rất khổ) và nấu hộ tôi nồi cơm canh. Có con gà bảo làm thịt cho vợ ăn, thì anh phải gọi hàng xóm đến làm hộ, hết cô Thảnh lại đến cô Lan. Được sáu ngày, anh bảo:
- Mai đi công tác Móng Cái.
- Sao anh không xin nghỉ phép, vợ đẻ mà?
Anh tức giận bảo:
- Em lạ nhỉ? Hưởng lương nhà nước, họ phân công đi đâu thì phải đi đấy chứ làm gì có chuyện nghỉ chăm vợ đẻ.
Anh đi công tác, ở nhà tôi dậy lo toan mọi việc nhà, chăm sóc mình, bé Huệ Ninh, Quỳnh Mai và bố chồng. Mệt mỏi, bực tức nhưng phải chịu. May mà nuôi được vài chục con gà ăn đẻ chứ không thì chả biết lấy gì mà ăn, làm gì có tiền đi chợ. Quỳnh Mai lúc ấy năm tuổi, bảo mẹ:
- Mẹ ơi, con ăn thịt “ngà”.
- Hôm nay hết thịt rồi chỉ còn xương thôi.
- “Gương” con cũng ăn được mà.
Gỡ nhằn cho con tí tẹo thịt dính miếng xương xong, nó lại bảo:
- Con ăn thịt “ngà” mẹ ạ.
- Hết rồi, con (tôi giơ nồi cho nó xem), chỉ còn gừng cay thôi.
- “Ngừng” cay con cũng ăn được mà!
Nghĩ đến cảnh này, tôi thương con đến rát cả ruột.
Anh về, lại vùi đầu vào sách. Ông nội thì cả ngày làm thơ, đọc sách, nghe đài, ngoáy cà phê, hút thuốc lào… không biết làm việc gì. Anh lúc đó viết một vở kịch về ông Lê Công Hầu - người sáng chế ra phụ gia xi măng OK1. Hai người này chúi đầu vào nhau rì rầm suốt ngày đêm. Anh muốn hiểu kỹ về những bước thăng trầm của cuộc đời ông Hầu. Con Ninh ốm. Tôi vẫn phải phục vụ sinh hoạt cho năm người trong nhà, lại còn lo thêm một ông khách nữa. Mà khách ở cứ hết ngày này qua ngày khác, phục vụ đến sốt ruột. Tôi khó chịu không dám nói gì nhưng mặt nặng như cái bị rách. Thấy thế, chồng tôi giận. Ông Hầu về, anh bỏ sang cơ quan ở, không về nhà nữa. Anh đe tôi là “bỏ”, là “li dị”, nếu cứ còn thái độ như vậy với bạn anh. Anh đi chỉ cần đem theo cái tủ sách, còn cho tôi tất cả. Tôi lặng thinh cam chịu, coi như mình câm, điếc.
Nhân lúc u chồng tôi ra thăm cháu thứ hai. Chẳng giúp gì đã đành lại luôn để ý những điều lặt vặt. Tôi phát huy bệnh giả điếc, không quan tâm cho êm cửa nhà. Nhưng một lần nghe u bảo với anh và thầy là: “Tôi đã nhiều lần bảo Thọ để vợ đi (“để” theo tiếng Nghệ An có nghĩa là bỏ vợ) chứ tôi trông cái nhà mụ này là loại người không có tương lai gì cả, chắc chắn chả bao giờ đẻ được con trai đâu. Thọ là con trưởng, không có đứa nối dõi tông đường sao được. Nếu lấy vợ khác, có con trai thì ăn cháo ăn khoai tôi cũng ra bế cháu. Còn thế này thì rải chiếu hoa, kiệu võng đào tôi cũng không ra lần nữa đâu”.
Tôi uất nghẹn cổ. Một lòng vì chồng con, yêu thương chồng con, chăm chút bố mẹ chồng hết lòng mà vẫn bị ghét bỏ. Một nách hai con lại bị xem như tội phạm. Gia cảnh nghèo túng, không ai giúp đỡ, chồng lại bỏ đi biền biệt với những tác phẩm viển vông. Nếu có đáo qua nhà thì ghẻ lạnh ra mặt. Xây dựng hạnh phúc là thế này ư? Tổ ấm là vậy ư? Tôi không thiết sống nữa. Chán chường, bế tắc, tôi bế Huệ Ninh ra bờ biển, trước cửa nhà bác Sơn - Rồng. Ngồi bên mấy tảng đá to đen sì, nghe sóng vỗ ì oạp, nghĩ đến cái chết quá đơn giản.
Nước thủy triều lên ngập chỗ tôi ngồi. Tụt xuống mà lội thì nước lên ngang ngực. Chỉ một chút, tôi và Huệ Ninh đã ra đi vĩnh viễn, cho anh tự do, thoải mái với con đường viết lách, cho bố mẹ anh toại nguyện, khỏi phải trông thấy người con dâu khó chịu, chỉ biết đẻ con gái này!
Trăng sáng, chợt một người đàn ông to cao lội nước ra chỗ tôi ngồi. Đó là bác Sơn. Sau khi nghe sự tình, bác mắng tôi là dại, rồi bế Huệ Ninh và lôi tôi lội nước trở vào bờ. Về nhà, anh vẫn tỉnh queo, chẳng cần để ý xem vợ con đi đâu về ướt như chuột. Chồng tôi vô tâm đến thế mà suýt tôi tự quyên sinh thì thật thiệt thân. Tôi liền cắt ngay cái ý định ngu xuẩn ấy, kiên trì với bài điếc và câm một cách triệt để. Chồng tôi bỏ đi đến cuối tuần lại về, chỉ thấy hỏi chỗ để đồ ăn, không đòi li dị nữa. Không khí trong nhà vẫn nặng nề, u ám. Cho đến khi bố chồng tôi làm mấy câu thơ về việc sinh con gái cùng với thái độ của chồng tôi cải thiện phần nào thì lòng tôi mới nguôi ngoai đôi chút. Mấy câu thơ ấy như sau:
LẠI SINH CHÁU GÁI
Hai gái chưa phải đã là nhiều
Bà Trưng, Bà Triệu quý bao nhiêu
Mong sao hai cháu mau khôn lớn
Nết na, thùy mị, chẳng lắm điều.
TRAI GÁI ĐỀU QUÝ
Một gái Quỳnh Mai, một Huệ Ninh
Vừa ngoan, vừa khỏe, lại vừa xinh
Gái trai đều quý như nhau cả
Khinh gái, trọng trai, ấy vô tình.
***
Năm 1983, chúng tôi tiếp tục xây nhà, đó là xây gian thụt còn lại. Chồng tôi đi làm phong trào cho xí nghiệp gỗ Tiên Yên được trả nhuận bút bằng cầu phong li tô đủ cho hai gian nhà. Chúng tôi phải chở số cầu phong này bằng xe bò từ bến tàu Hồng Gai về. Làm phong trào cho xí nghiệp gạch ngói Giếng Đáy xin mua ngói tốt, nhưng họ chỉ cấp cho một ngàn viên ngói 4. (Ngói 4 là loại 4, loại này tuy ít cong vênh nhưng viên nào cũng sứt góc một tí. Chúng tôi không thể mua được loại 1, 2, 3 vì thời bao cấp nó thế). Anh làm cho cơ quan Thủy Lợi của tôi được xuất kho cấp bốn bao xi măng. Làm cho Lữ đoàn công binh hải quân 131 Quang Hanh, được họ cho một ít thép xây dựng dùng để làm song cửa sổ, đóng tặng một cái tủ li hai ngăn (hiện nay tủ vẫn ở phòng tôi) và tặng bé Quỳnh Mai hai cái ghế xoay bằng sắt. Đó là ghế của tụy lính ngụy sau giải phóng họ đưa ra ngoài này.
Vôi vẫn còn của hợp tác xã Sông Khoai. Gỗ vẫn còn nằm dưới bãi bùn trước cửa nhà. Mua thêm một thuyền cát và một thuyền gạch xỉ của hợp tác xã Hồng Hải là chúng tôi đủ vật liệu xây tiếp gian nhà còn lại. Ba năm xây ba gian nhà. Hai gian ở, một gian bếp. Vợ chồng tôi vẫn không có tiền để thuê một tốp thợ xây tử tế, chỉ thuê em Huy ở công ty xây dựng hai Bãi Cháy. Tôi tiếp tục làm thợ phụ và xây theo kiểu làm ngoài giờ hành chính và cả ngày chủ nhật.
Tôi phải dỡ ngói ở gian thò ra, đánh rửa vôi vữa cho sạch sẽ, rồi chở vào trả bác Miên - Lại. Sau đó, lợp mái nhà mình bằng ngói loại 4 mới được trả nhuận bút của chồng. Vì ngói của bác Miên - Lại đẹp hơn nên không thể trả họ bằng ngói mình vừa nhận được. Ngói loại 4 nếu khéo lợp vẫn che được chỗ sứt góc. Nhưng mưa to thì nước vẫn chảy vào nhà. Nhiều đêm đang ngủ, mưa dột trúng giường, phải để bát to, để chậu thau lên đình màn hứng nước. Vậy là vợ chồng tôi quyết định phải làm trần.
Năm 1985, các cháu gọi chồng tôi là cậu ở quê ra tìm việc làm là Toàn, Lễ, Nhân. Trong lúc chờ việc các cháu giúp chú, cùng mợ làm trần nhà. Đến lúc trát trần vào cổ trần cho phẳng thì thuê anh Vân nhà bà Cải làm cho có chuyên môn. Việc chẻ tre, băm rơm, nhào vôi để làm trần vôi rơm. Công việc nặng nhọc ấy tôi phải chuẩn bị trước hàng tuần mới kịp. Chồng tôi tiếp tục nhiệm vụ nêu ý tưởng và kể chuyện “đặc công” bịa đặt để mua vui cho mọi người, chứ không biết động tay vào việc gì. Nếu có động thì nhất định sẽ đổ chỗ nọ, vỡ chỗ kia, nhem nhuốc chỗ kìa, người khác phải làm lại. Hễ tôi nói động đến là anh giương mục kỉnh lên rõ cao, rồi chỉ vào quyển sách trên tay mà rằng: “Anh chơi à? Có chơi đâu, v.v”. Suy cho cùng thì cũng từ những quyển sách của anh mới có được bao nhiêu xi măng, gỗ, sắt, thép, giường, tủ… Tôi lại chẳng dám nói gì nữa.
Cuộc sống lúc trầm, lúc bổng, lúc giận, lúc hiền, lúc khó khăn, khi đói khát, lúc thu hoạch, khi mất mùa… rồi cũng qua đi.
Đồ đạc trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài cái quạt con cóc tôi mang ở Viện Kiểm sát về. Bây giờ muốn mua cái quạt nữa thì phải mua chui. Mua của chị Bích có con đi Nga về một cái quạt với giá 1700 đồng, tương đương một tạ bảy gạo tấm ở tàu Thái Lan vào. Mua cái bàn là giá 1, 2 tạ tấm nữa. Trong nhà có thêm cái bàn gỗ tròn bé tí, đường kính mặt bàn chừng năm mươi centimet và bốn cái ghế gỗ cao hơn gang tay tôi gọi là “bàn ghế thời tình yêu”. Anh mua cho bố mình được cái giường bé 1, 2 met bằng gỗ lim thay cho tấm ván cửa. Bố chồng tôi phấn khởi lắm.
Mùa đông rét mướt, vợ chồng, con cái chỉ có một chăn bông còn một chăn bộ đội với cái chăn len bà cố tặng để ông nội nằm. Rét quá thì vợ chồng, con cái tôi đắp thêm chiếu lên chăn bông cho đủ ấm.
Sau này, có thời gian tôi đi may găng tay cho xí nghiệp tạp phẩm. Tất nhiên là phải may ngoài giờ hành chính. Ngày nào cũng thức đến hai giờ sáng để may găng. Sáng mang đến cơ quan. Trưa nghỉ thì lộn găng tay và nhặt chỉ. Vất vả vậy nhưng đến khi thanh toán thì xí nghiệp tạp phẩm trả tiền công bằng chăn bông và áo may ô chứ không có tiền mặt. Cũng may là nhà đang thiếu chăn bông. Dẫu vậy tôi cũng nhanh chóng chia tay với cái xí nghiệp ấy.