Lần này, anh đi làm phong trào ở hợp tác xã Phương Nam, thị xã Uông Bí, cách chỗ tôi ở bốn mươi cây số. Đi là sáng tác và huấn luyện cho đội văn nghệ ở đây một chương trình ca nhạc và kịch ngắn. Hôm dắt xe đạp đi, tôi dặn:
- Làm xong anh cố mua về hai con lợn giống nhé. Trại lợn Phương Nam có tiếng, tốt nhất tỉnh này đấy.
Anh đồng ý. Anh đi hai tuần. Hôm ấy là ngày anh hẹn sẽ về. Tôi chờ cơm và mong mỏi. Cả đêm vẫn không thấy anh về. Ngày ấy không có điện thoại như bây giờ. Sáng hôm sau là chủ nhật. Tầm tám giờ sáng, thấy anh dắt xe đạp vào cổng, mừng quá tôi bỏ con trong nhà, lao ra đón. Thấy anh hơi buồn và mệt mỏi, tôi buột miệng hỏi:
- Thế anh không mua lợn giống à?
Anh dựng phắt xe vào gốc cây mít, trợn mắt nói như tát vào mặt tôi:
- Lợn cái con củ C. Ông ấy! Lợn đấy, bỏ ra nấu mà ăn!
Tôi ngơ ngác nhìn anh sững sờ không hiểu có chuyện gì. Từ ngày ở với nhau hơn chục năm trời, vui có, buồn có, nhưng chưa bao giờ anh văng tục như vậy. Tôi không dám nói gì, đỡ xe dắt vào nhà. Tôi lấy nước cho anh uống. Anh nằm vật xuống giường, chắc là cho dịu cơn bực. Rồi anh kể:
- Làm xong, anh đặt vấn đề lấy nhuận bút bằng việc xin mua lợn giống của hợp tác xã. Họ vui vẻ đồng ý ngay và chọn cho anh con lợn đẹp nhất đàn. Họ buộc rọ lợn vào xe đạp để anh lai về. Đi được chừng hơn chục cây số không biết họ buộc kiểu gì lợn xổng ra chạy vút vào cánh đồng bên đường. Anh đuổi không được phải nhờ một số người bên đường đuổi hộ. Lúc này đã tầm bốn giờ chiều. Sau một trận rượt đuổi vất vả họ cùng anh tóm cổ được chú lợn xinh xắn cho vào rọ, buộc lại cẩn thận. Về đến ngầm Yên Lập, trời đã tối. Cái ngầm ở đường quốc lộ 18 cũ ấy tuy có cọc tiêu nhưng đến đoạn các cửa cống thoát nước thì cọc tiêu ở ngoài mà cửa cống lại thụt vào trong đường tầm 20 centimet.
Lúc này nước thủy triều lên quá cao, ngập cả đường đi. Anh xuống dắt xe, men theo các đầu cọc tiêu mấp mé nước. Chợt một cái ô tô đi qua. Anh dạt sát vào bên mép cọc tiêu để tránh ô tô. Do trời tối, nước to ngập đường quá sâu nên nhìn không rõ. Anh bước ngay vào mép cửa cống thụt vào ấy. Thế là cả xe đạp và người rơi tõm xuống dòng nước mênh mông. Cái xe lúc nãy vút đi nhanh chóng, chẳng biết gì. Anh vội bỏ xe đạp mà bơi. Anh biết bơi nhưng lúc này trời tối nên không rõ mình bơi ra hay bơi vào. Cộng với việc mặc cả quần áo dài, lại bị đói và mệt nên kiệt sức. Anh chỉ còn nghĩ đến cái chết. Không biết ngày mai nước cạn xác mình trôi dạt vào đâu. Cáy, còng móc thịt da mình gặm nhấm ra sao. Vợ con mình biết chỗ nào mà tìm. Anh cố bơi ngửa để nổi lên cầm cự. Mà nước lúc này lại chảy xiết, cứ xoáy lấy anh chực nhấn chìm và cuốn đi… Trong cơn tuyệt vọng giữa chốn hoang vắng ấy, bất giác anh kêu: “Cứu tôi với!”, “Ai cứu tôi với!”. Hai bên đường không có nhà cửa, xóm làng gì cả. Người đi đường cũng không. Lúc này tầm bảy giờ tối. Chợt có mấy anh bộ đội rủ nhau đi xem phim. Họ đi bộ ngược về phía Quảng Yên. Vì nước to nên họ ẳn tù tì để cõng nhau qua ngầm. Chợt nghe tiếng kêu xa xa, họ nhảy ngay xuống ngầm bơi ra, cứu được anh lên bờ. Họ đưa anh về đơn vị cách đó vài trăm mét. Ở đó, có đơn vị bộ đội đi xây dựng đường sắt tuyến ga Hạ Long. Họ nghe anh kể lại sự tình và xuất trình giấy tờ đi công tác của Sở Văn hóa, liền cho anh ăn, giúp anh thay quần áo khô và cho sưởi ấm. Họ cử người ra tìm xe đạp cho anh. Nhưng tìm mãi không thấy. Sau khi nước thủy triều cạn, họ mới tìm được xe và rọ lợn vẫn còn nằm nguyên sát ngầm.
Anh cảm ơn họ nhưng trong túi chẳng có tiền. Anh tặng họ đồng hồ đeo tay, cái xe đạp và bảo họ giết lợn mà ăn (con lợn đã chết ngạt nước). Họ đi làm thịt lợn, luộc lên, gói và buộc vào xe cho anh, rồi bảo anh ngủ đi cho khỏe, mai về với vợ con. Họ không lấy gì của anh tặng hết.
Anh trằn trọc cả đêm không ngủ được, nghĩ cái đời thằng văn nghệ sĩ nghèo quá. Vì mua con lợn cho vợ mà tí nữa thì bỏ xác giữa đường. Anh bảo mẹ con, ông cháu nấu thịt lợn lên mà ăn. Thời bao cấp, thực phẩm tuy hiếm quý nhưng ăn thịt con lợn này, tôi nuốt mãi không trôi. Tí nữa thì mất chồng.
Sau đó ít ngày, anh có dịp đến đơn vị bộ đội đó để cảm ơn, thăm hỏi. Nhưng họ đã chuyển đi đâu từ bao giờ. Anh trách mình lúc bị nạn hoảng hồn, ngơ ngẩn đã không kịp hỏi tên và địa chỉ của ân nhân để sau này tìm lại.