Nhà tôi có khách. Đó là một cô gái trẻ hơn tôi chừng chục tuổi. Dáng người cao to, mặt mũi hiền lành, xinh xắn. Cô đi chiếc xe đạp Liên Xô cao, đến nhà tôi vào ngày chủ nhật. Tôi đang mải đóng gạch ba banh bằng cát sỏi do mưa trôi trên đồi xuống cộng với vôi xây nhà vẫn còn. Định dùng gạch này để xây công trình phụ. Anh thì mải mê với những quyển sách của anh. Thầy tôi thì mải mê với “cô đài” của thầy. Mai, Ninh thì mải học bài. Lúc này, Mai học lớp 7, Ninh học lớp 1. Thấy khách đến, tôi bỏ việc vào tiếp đón. Anh giới thiệu:
- Đây là cô Nga, làm ở đoàn thanh niên đang cộng tác làm việc với anh.
Tôi thường hay có một tâm niệm là chồng mình đi công tác ở đâu cũng “oét” một cái là người ta giết gà đãi.
Vì vậy, bất cứ khách nào, không cần chồng phải bảo, cứ khách đến là “oét” cái gà phải chết, để đãi khách.
Hôm nay, khách đến giữa giờ, gà chạy quanh, không bắt được. Nhà có ba con ngan sắp đẻ, tôi tóm cổ được một con giết thịt đãi khách. Cô bé chẳng hề làm bếp với tôi mà cứ xoắn xuýt chuyện trò cùng anh trên nhà.
Hai hôm sau, cô lại đến. Lần này đi bộ, nói là về quê ở Đông Triều lên. Xe ô tô khách đi qua đây thì rẽ vào thăm anh chị.
Cô ta cũng không xuống bếp cơm nước đỡ tôi, càng chẳng chơi bời hay chuyện trò với lũ trẻ mà chỉ mết chuyện với anh. Lúc nào anh phải đứng lên đi đâu đó thì cô ta lại ngồi ôm lấy cái đài đĩa, cứ tua đi tua lại bài hát “Rừng chiều”.
Nhà tôi hồi ấy mới mua được cái đài Mê - lô - đi - a của Nga, to như cái tủ táp – đơ - luy, để ở đầu giường. Đĩa thì quay bằng kim. Cơm nước xong, trời tối, cô ta vẫn không về. Anh bảo cô ngủ lại, sớm mai cùng anh đi làm.
Nhà thì không có giường cho khách. Cô ta lại bảo ngủ chung với tôi. Đêm đến đi ngủ, tôi phải nằm giữa, cô ta nằm trong, anh nằm ngoài. Mọi chuyện qua đi, tôi không hề nghi kị.
Một vài hôm cô ta lại đến. Tôi cũng mải làm, nào rau cỏ, lợn gà, cám bã… sao tiếp và quan tâm đến bạn chồng mãi được. Rồi anh bảo anh phải ở lại cơ quan để làm việc, một tuần sẽ về hai lần vào thứ tư và chủ nhật, chứ ngày nào cũng đạp xe đi về như vậy anh mệt lắm. Tôi đồng ý, tạo điều kiện cho anh ở lại cơ quan vì anh về tôi chỉ bận thêm chứ có giúp gì được đâu. Tôi gói ghém thức ăn, nào cá kho hay tép rang, mì, sò, ngao, bát, nồi, xoong. Và mua cho anh một cái bếp dầu mới để nấu. Cứ ba ngày anh lại về thăm con và lấy thực phẩm đem đi.
Có hôm chủ nhật anh không về. Tôi đem hai con sang thăm, bảo anh tìm vé mời cho chúng đi xem biểu diễn nghệ thuật. Đến nơi, thấy anh ở trên gác ba, đó là phòng làm việc của Đội Thông tin lưu động tỉnh. Ba mẹ con sang đến nơi thì đói, hỏi anh có gì để ăn không.
- Ồ, có chứ, tép rang hãy còn, rau còn, nấu mì ăn nhé.
Tôi mở bát của anh ra. Do không có chạn, anh úp hai cái bát vào nhau để đậy. Tôi hốt hoảng khi thấy những con giòi to như cái đầu kim đan trắng nuột đang ngoe nguẩy trong đó. Tôi kêu lên gọi các con lại xem. Bới bát tép lên, ở dưới đầy giòi lúc nhúc, tép đã lên mùi. Tôi kêu anh đổ ngay đi. Ba mẹ con chỉ luộc mì ăn với nước mắm cho qua bữa để còn kịp giờ xem biểu diễn.
Từ hôm ấy, tôi không cho anh ở bên đó nữa. Mệt cũng phải về ăn cơm. Không đạp xe nữa mà đi ô tô tháng. Anh vụng bếp nước, mắt lại kém, ăn cả giòi bọ cũng không biết thì khổ lắm.
Một hôm, tôi đang làm vườn, tự nhiên thấy anh lân la đến nói chuyện. Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ có chuyện ấy cả, nhưng vẫn kệ. Anh bảo tôi còn nhớ nhân vật hay đến nhà mình ngồi lì bên máy hát để nghe bài “Rừng chiều” không khác cô bé Nga ấy. Cô bé đó và anh quen nhau từ hồi hay đi phong trào ở huyện đảo Vân Đồn. Cô ta là cô giáo dạy vật lý. Lúc đó, Nga gọi anh bằng chú. Xong phong trào thì anh chẳng nhớ gì nữa. Bẵng đi vài năm sau, anh gặp Nga ở rạp chiếu phim Hồng Gai. Nga hỏi:
- Chú Thọ còn nhớ Nga không?
Ừ à một lúc rồi anh cũng nhớ ra. Nga chuyển “gam” từ “chú” sang “anh” rồi tìm đến nhà anh từ đó. Thời điểm này Nga được chuyển về dạy ở trường Cột Ba, Hồng Gai. Nga tấn công anh mãnh liệt và bảo:
- Nga chưa bao giờ được yêu. Chồng Nga là một sĩ quan hải quân, do tìm hiểu trên một vụ đăng báo nào đó chứ không yêu. Nay anh ta đi tu nghiệp sĩ quan cao cấp tại Liên Xô. Nga yêu anh Thọ nhiều hơn.
Nga bảo anh về nói với chị giữ anh một nửa cuộc đời rồi, nay nửa còn lại nhường cho Nga. Anh bảo Nga là anh không làm vậy. Anh không thể không có Thủy và các con.
Ngày nào Nga cũng tự tiện xông lên phòng làm việc của anh mà không báo cáo với phòng hành chính. Chị Hải hành chính tức lắm. Đã không xin phép qua hành chính, mà lên thì ngồi dai. Đầu tiên anh cũng thích và xuôi. Nhưng lâu nay thấy sợ, không muốn gặp và hay tìm cách tránh. Mấy hôm nay, chồng Nga nghỉ phép về. Bạn bè có người dị nghị đã nói lại chuyện này với nó. Tay này bảo đi tìm anh để giết. Có lẽ anh phải trốn, về quê hoặc đi Quảng Yên chẳng hạn.
Nghe xong chuyện anh kể tôi thấy mình hẫng hụt như rơi xuống hố sâu. Ngây ra một lúc, rồi tôi nhanh chóng định thần lại và suy nghĩ rằng phải cứu anh, phải cứu cái hạnh phúc của chính mình và các con. Tôi bảo:
- Anh không được bỏ trốn. Anh trốn thì kiểu gì nó cũng tìm được. Nó bắn anh một phát. Chết, anh thiệt. Còn nó, pháp luật sẽ bảo vệ vì nó là bộ đội. Mà ai bảo anh dây vào vợ bộ đội đang đi chiến trường. Không những thế, anh trốn là bỏ việc lâu ngày, Sở Văn hóa sẽ có quyết định buộc thôi việc anh. Vì vậy, ngày mai anh phải vào “hang cọp”, em sẽ đi cùng anh, thanh minh cho anh là không có chuyện trai trên gái dưới. Cứ coi như em và Nga quý nhau như chị em. Nhiều khi có vé xem nghệ thuật anh đem về, em bận nên cho Nga đi chứ không phải ý của anh. Nếu ai đó gặp anh và nó đi xem hát với nhau là lỗi của em.
Anh đồng ý với ý kiến của tôi, nhưng trong lòng vẫn lo lắng khôn nguôi.
Sáng hôm sau, tôi và anh lai nhau vào nhà Nga ở Cột Ba, gần Sở Văn hóa. Trên đường đi, tôi nghĩ đến một cái “phao cứu sinh” nữa, liền rẽ vào Sở Văn hóa. Vợ chồng tôi gặp anh Điềm, nói chuyện sơ bộ. Anh này là trưởng phòng thông tin tuyên truyền lúc bấy giờ. Tôi nhờ anh thanh minh cho việc hiểu lầm giữa Nga và anh Thọ khi đi xem phim ở rạp. Anh Điềm đồng ý giúp đỡ.
Ba người vào nhà Nga. Chờ một lúc, chồng Nga về. Vào cuộc nói chuyện, tôi thanh minh cho hai người vụ đi xem nghệ thuật, nhận lỗi về mình, mong chồng Nga thông cảm. Vì tôi quý Nga như em gái chứ không có quan hệ bất chính.
Chồng Nga khùng lên một lúc rồi có vẻ xuôi. Bất chợt, một ông chú chết tiệt nào đó đi vào, chả biết chú họ hàng hay chú hàng xóm. Ông này cứ xưng xưng đổ tội cho chồng tôi và Nga có quan hệ bất chính vì ông gặp anh Thọ nhiều lần ở nhà Nga. Tôi vội vàng thanh minh rằng những ngày đó anh đi làm về muộn đều nói trước với tôi là kèm thằng Tuấn Anh học môn văn nên ở lại đến bảy giờ tối mới về. Lúc ấy, kiểu gì thì tôi cũng phải bịa ra lí do để cứu chồng mình. Lại còn a dua với thiên hạ để ghen tuông ư? Đau thì cũng đau rồi. Đau thì mình tôi chịu, không liên quan tới lúc này.
Chồng Nga đã êm, nhưng nghe ông chú khích bác lại khùng lên. Tôi thanh minh nó cũng chẳng xuôi, đòi gây cho anh một cái thương tích gì đó mới hả giận. Ông Điềm đứng lên giải thích. Tất nhiên là bênh vực anh Thọ nhưng khôn khéo hơn. Ông hứa sẽ đại diện cho cơ quan, chuyến này về sẽ kỷ luật buộc thôi việc anh Thọ rồi xoa dịu vợ chồng Nga.
Mọi việc tạm lắng dịu, mọi người ra về. Chồng tôi buồn rượi. Tôi thì rõ là vui sao nổi. Nhưng tâm trạng của tôi đâu quan trọng gì. Vấn đề là việc xử lý hòm hòm đủ để có thể yên tâm. Hôm ấy, anh không ăn cơm, cả ngày buông màn nằm lì. Anh bảo “muốn chết”. Anh không thể ngờ rằng anh không yêu nó nhưng nó cứ bám dai như đỉa khiến nhiều lúc anh xuôi lòng. Anh không có tư tưởng bỏ vợ con nhưng thế này thì anh không muốn sống nữa. Nhất là sự việc xảy ra để vợ phải nhúng tay vào cứu. Anh thấy mình kém cỏi. Tôi cần phải động viên an ủi anh hơn là dằn hắt, dồn anh vào chân tường. Anh mà làm sao thì chỉ ba mẹ con tôi thiệt thòi. Có giận mấy cũng phải nuốt vào trong. Bên kia nó điên lên mà bỏ nhau, bên này tôi hắt hủi anh thì rõ ràng anh và Nga sẽ thành thân. Ba mẹ con tôi đơn côi. Nghĩ vậy, tôi lại càng tỏ ra yêu chiều, chăm chút anh. Nếu còn cuộc tình nào nữa thì anh sẽ nghĩ rằng chẳng ai thương yêu anh bằng vợ cả. Các cuộc tình là cơn gió thoảng, là sự lợi dụng nhau mà thôi. Chỉ có vợ mới hết mình vì anh, hết mình chăm sóc các con để anh yên tâm phấn đấu. Và tôi đã chiến thắng.
***
Mọi việc trong gia đình dần trở lại yên bình. Bố chồng tôi và các con không hề hay biết chuyện này.
Sau một tuần, hôm ấy đi làm về, anh buồn rầu bảo:
- Ông Điềm bắt anh viết kiểm điểm về việc cái Nga để thứ hai họp giao ban xong anh sẽ phải đọc cho mọi người phê phán. Anh không muốn đi làm nữa. Chán đời lắm.
Tôi liền động viên và hiến kế cho anh:
- Việc gì phải chán! Anh không được viết bản kiểm điểm nào cả. Đừng có dính vào giấy trắng mực đen. Cuộc tình này không có chứng cứ cụ thể, không có ai kiện cáo gì cả, chỉ là dị nghị của vài người gặp anh đi xem phim ở rạp với nó và đôi lần gặp anh ở nhà nó. Người ta nghi ngờ nhưng không có quyền buộc tội hay làm gì được anh. Thứ hai, cứ đi làm như thường lệ. Họp giao ban xong, nếu ai nhắc đến chuyện này thì bảo “thích thì anh kể cho mà nghe”. Rồi anh kể đi. Cái gì chùi bớt được thì chùi, chỗ nào vui vẻ thì thêm vào giống chuyện “đặc công” anh hay kể ấy. Vậy khác gì chuyện hài. Đứa nào tò mò, thóc mách tha hồ thất vọng.
Anh đã làm đúng như lời tôi. Chiều tối về, anh vui vẻ hẳn. Anh bảo:
- Em vừa là vợ, vừa là chị. Anh biết ơn em nhiều lắm.
Ở cơ quan anh lúc bấy giờ vẫn có người xì xầm to nhỏ về chuyện này. Hôm tôi sang lĩnh lương anh vì anh đi công tác Miền Đông thì chị Hải hành chính và mấy kế toán xúm vào, nói giọng hết sức thông cảm:
- Thọ dở hơi. Vợ đẹp ngời ngời thế này mà còn bám theo cái Nga chết tiệt ấy. Trông nó trơ tráo, thô thiển, ra cái gì.
- Lớn đầu còn dại, hòn đất ném đi, hòn chì nhặt lại.
- Các cụ nói rồi, “một cái lạ bằng tạ cái quen” mà.
Tôi cười xòa:
- Mọi người hiểu lầm rồi. Nga nó là em nhận của em. Mấy lần đi xem phim là vé em dành cho nó đấy, chứ không phải chồng em theo nó dâu.
Các bà ấy vẫn chưa tha, nói này nói nọ. Tôi lạnh lùng bảo:
- Ơ, các chị hay nhỉ, sao em chưa ghen mà các chị đã ghen rồi?
Lúc ấy, mấy chị mới im rồi lảng ra chỗ khác. Tôi lĩnh lương xong về ngay. Dần dà mọi chuyện cũng êm, không ai nhắc đến nữa. Sau hôm ở nhà Nga về tôi có viết một lá thư cho Nga lời lẽ nhẹ nhàng khuyên Nga nên chấm dứt mọi cuộc gặp gỡ để cho các con anh có cả bố lẫn mẹ. Nga viết thư trả lời tôi rằng các con của chị vẫn có đủ cả bố lẫn mẹ vì chị cao hơn em một cái đầu.
Bẵng đi tám năm sau, một hôm anh đi tìm nhà trọ cho con gái thì vô tình gặp lại Nga. Lúc ấy, Huệ Ninh học trường Chuyên Hạ Long bên Hồng Gai. Nga mời anh vào nhà chơi và nói chuyện: “Em bỏ chồng từ ngày ấy. Vẫn nuôi Tuấn Anh và xây được nhà bốn tầng. Cho Huệ Ninh về đây ở một phòng”. Chồng tôi vô tư đồng ý và cứ nghĩ thế là mình đã tìm được chỗ trọ cho con. Nhưng khi chuẩn bị về, Nga ra điều kiện:
- Anh phải sang đây ở với em. Anh về nói với chị Thủy, giữ anh 30 năm là đủ lắm rồi. Những năm tháng còn lại hãy nhường cho em. Anh để cho chị hết nhà cửa, xe cộ, kể cả sổ lương hưu, sang với em, em sẽ làm đám cưới to nhất thành phố này.
Nghe xong, anh toát mồ hôi, vội vàng ra về. Anh kể lại cảm giác sợ hãi với tôi. Từ đó, không bao giờ dám gặp Nga nữa, thấy từ xa đã tránh.
Nhưng Nga vẫn đeo bám. Nhân một lần đi họp giáo viên dạy giỏi với nhau, nó bảo với cháu Thúy nhà tôi rằng: “Mày về bảo mợ mày nhường cậu mày cho tao. Nếu được tao sẽ cưới cậu mày to nhất thành phố này”.
Thời gian sau hay tin Nga nó chuyển về dạy ở một trường danh tiếng tại thủ đô. Khi đi, nó bán hết nhà cửa, tài sản, hai mẹ con chỉ mang theo một ít tư trang và một chiếc ô tô tự lái đưa nhau đến nơi mới. Trong lĩnh vực kinh tế nó quả là tài hơn tôi. Nhưng tài thế chứ tài nữa thì tôi vẫn coi thường.