Chồng tôi say nghề lắm. Khi còn làm diễn viên ở Đoàn anh đã say với việc viết kịch bản. Anh bảo ngày còn bé, người ta tuyển vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, anh không hiểu kỹ về nghề diễn viên, cứ thấy hay là xin thi tuyển. Khi vào học hơn một năm, anh mới hiểu mình đã đi sai đường. Anh không có tố chất biểu diễn của một ngôi siêu sao. Giọng hát trời cho không có, hình thức cũng không. Nếu cứ đi tiếp nghề này là đói, mà bỏ thì phải bồi thường tiền đào tạo. Nhà nghèo lấy đâu ra. Anh đành học thêm nghề tay trái nữa là đại học Tổng hợp văn. Học thêm các buổi tối, điện yếu nên hỏng cả mắt, cùng với đủ thứ vất vả. Sau này ra trường, ngoài thời gian đi diễn và tập theo Đoàn, anh say sưa nghiên cứu và viết kịch bản sân khấu. Đây là nghề tay trái, phải làm ngoài giờ. Anh từng thành công là vở kịch “Gia đình thợ mỏ”. Rồi tới “Cánh chim địa chất”. Kịch bản này được Đoàn Chèo Quảng Ninh dựng và diễn có doanh thu cao. Tiền nhuận bút góp phần lớn vào việc mua đất để ở. Thời điểm này anh lại có thêm đề cương nữa với nhan đề “Đảo Ngọc”. Truyện kịch ca ngợi người kỹ sư thủy sản đã vượt qua bao gian lao vất vả, chiến thắng những trù dập của bọn tham nhũng trong thời kỳ bao cấp để làm ra viên ngọc trai lấp lánh từ con trai. Anh phải đi thực tế ra đảo Cô Tô, ăn ở cùng những kỹ sư nuôi trai ngọc để nghiên cứu ngày giờ trai ăn, trai đẻ, trai nhả ngọc. Trong khi đó, chương trình biểu diễn của Đoàn Chèo vẫn phải đảm bảo. Thế là anh chuyển công tác về Sở Văn hóa, rồi sang làm đội trưởng Đội Thông tin lưu Động tỉnh. Tưởng như vậy thì lãnh đạo tạo điều kiện để anh làm nghề tay trái nhưng thực tế công việc tại đơn vị mới bận chả kém gì ở đoàn. Anh còn phải đi các huyện thị biểu diễn, dàn dựng và làm thêm nhiều việc sự vụ hơn. Nhưng vì cái đề cương được duyệt, anh vẫn có cơ hội đi trại viết Trung ương để hoàn thiện tác phẩm. Chồng tôi hào hứng lắm.
Nhà hát Chèo Trung ương “đánh hơi” thấy vở “Đảo ngọc” có nhiều giá trị đã đề nghị được dàn dựng và muốn anh sửa chữa theo ý họ. Với tôi, anh đi trại sáng tác thì cũng chả khác ở nhà vì có bao giờ anh chia sẻ với tôi việc gì, lúc nào cũng vùi đầu vào sách vở, tài liệu hoặc ngồi ngây ra tư duy. Thói “đắm đuối nghề nghiệp” quá mức nhiều phen khiến anh suýt chết. Có lần đi nghe đọc kịch bản của tác giả Trần Đình Ngôn về, anh nhấc cái ghi đông lôi xe vào nhà. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao thế, anh bảo:
- Anh bị ngã, gục khung xe rồi. Xe cứng nhắc không lăn bánh được, anh phải vác xe thế này để về đến đây.
- Chết, anh có đau không? Ai đâm vào xe anh?
- Hơi đau chân tí thôi, nhưng vẫn đi được. Chả có ai đâm anh cả. Mải nghĩ kịch cọt của anh Ngôn nên tự đâm vào vỉa hè, may mà không có ai ở đó. Có thì người ta cười cho chết.
Đó là chuyện xảy ra hồi ở nhà số 8 Thương Mại. Còn thời điểm này, nhiều lúc anh quên xe đạp ngoài sân nhà là bình thường. Sáng ngủ dậy, mở cửa ra thấy xe ngoài đó mới biết là mình quên. May, chưa bị mất trộm.
Chuyện đãng trí của anh thì vô khối. Ăn cá hóc xương đã đánh, ốm mà uống thuốc, đưa cho viên thuốc mới cắt chứ chưa tách vỉ là anh cho luôn cả vào miệng. Có lần hóc vỉ thuốc như thế suýt phải mổ cổ họng… Giờ, anh phải đi Hà Nội nửa tháng để tập trung viết. Làm gì có tiền để chuẩn bị cho anh. Tôi mua khoai lang luộc chín thái ra phơi, ở quê anh gọi là khoai vày. Phơi khô, gói vào cho anh đem đi ăn sáng. Còn bữa trưa, bữa tối và chỗ ngủ thì đã trại sáng tác đã lo rồi. Tôi sắp xếp áo quần đầy đủ vào ba lô, không quên túi khoai vầy và một nắm cơm để ăn đường, có hai con tôm he kẹp bên trong.
Sau nửa tháng anh về thông báo còn phải bận viết nhiều. Rồi anh kể, ở trại sáng tác, khoai vày là thứ của độc vì chả ai ăn thứ ấy cả. Ngại chúng bạn cười, sáng nào anh cũng lánh lên sân thượng để ăn. Đến hôm duyệt anh mới mua mười đồng bánh cuốn vừa ăn vừa đãi bạn cùng phòng. Về, anh không ở nhà mà mượn cái lán ở trại tôm thủy sản ngoài đầu đê để ngồi viết. Chỗ đó vừa có điện đèn lại vừa yên tĩnh, không bị ai quấy rầy, nhất là con cái. Khi Quỳnh Mai còn bé, hôm nào con ốm, anh lại xuống tấm gỗ ăn cơm dưới bếp để ngủ cho yên tĩnh chứ chả bao giờ dỗ con cùng tôi. Ngày cai sữa con, anh lại trốn. Khi Huệ Ninh ra đời cũng thế. Có hôm Ninh sốt quá tôi phải bế vác con mới nín, hễ nằm xuống nó lại khóc rinh lên. Nhờ anh bế hộ một lúc, anh bảo:
- Anh không bế được. Ngày mai con ốm mẹ nghỉ chứ làm gì có chế độ con ốm bố nghỉ. Em chịu khó đi.
Cho nên, đến lúc này viết lách căng thẳng anh càng không thích ở nhà. Ừ thì ở ngoài trại tôm thủy sản cũng được. Tôi mặc kệ. Hai bữa về ăn rồi lại ra đó. Sau nửa tháng anh đi Hà Nội tiếp. Tôi cũng thông cảm với việc viết lách của anh, nhưng anh thờ ơ quá sức chịu đựng. Tôi viết thư lên Hà Nội thăm anh và có ý trách. Anh viết thư về cho tôi: “Tố Hữu bảo:
“Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ
Anh dành cho Đảng một phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu
Em xấu hổ: “Thế vẫn nhiều anh nhỉ?””
Vậy mà anh chỉ chia tim mình ra có hai thôi. Một cho sự nghiệp nghệ thuật, còn lại là phần em hết, em còn trách anh nỗi gì. Anh phải làm sao thì em mới vừa lòng?
Đọc thư tôi tức cũng lại chỉ biết im. Nhà văn nói gì chả đúng, chỉ tôi là sai. Thực tế là tôi cơ khổ mà anh đâu quan tâm. Sinh hoạt trong gia đình thế nào, bố anh đau ốm, con anh ốm đau ra sao, con học lớp mấy, mấy tuổi rồi, anh không biết. Tiền hết không biết. Gạo hết chẳng hay. Lợn ốm, chết cũng kệ. Trộm đến nhà bắt gà kêu oe óe, anh chỉ đập chân xuống giường ba nhát, mồm “sùy sùy” như đuổi chó, rồi lại lăn ra ngủ tiếp, mặc tôi vác gậy ra đuổi trộm thế nào. May có cô vợ khỏe, chẳng mấy khi ốm đau. Nếu có thì ốm no bò dậy chứ chồng chẳng khi nào hỏi han đến. Nhiều lúc tức quá tôi hậm hực nói “anh chỉ yêu cô Thao Mây và cô Thu Tình trong kịch bản của anh thôi”. Anh cười trừ.
Hết thời gian đi trại sáng tác, anh lại về làm việc ở Ty Văn hóa. Kịch bản của anh được chọn và Nhà hát Chèo Trung ương sử dụng. Sau vài tháng, vở dựng xong. Trong quá trình dựng vở, anh thiệt thòi vì nhà xa nên không có mặt ở đó. Đến lúc tổng duyệt họ mời anh lên Hà Nội dự. Ông P. C - trưởng Ty không cho anh đi. Hôm ấy là thứ bảy. Hồi ở đại học Tổng hợp văn anh học cùng ông. Khi ra công tác, không ngờ ông ta làm lãnh đạo, còn anh là nhân viên. Vài lần anh đưa kịch bản cho ông đọc. Chẳng biết ông có đọc không, chỉ thấy cất trong hòm sắt, ngâm tôm, không ý kiến. Khi anh được Nhà hát Chèo Trung ương dựng vở, lẽ thường thì lãnh đạo phải mừng cho nhân viên và lấy đó làm thành tích của cơ quan. Nhưng ông cho rằng làm vậy là vượt mặt ông, coi thường ông. Cái làm ông tức hơn nữa là trong vở kịch có chi tiết người lãnh đạo trù dập một kỹ sư thủy sản đầy tài năng, trung thực. Ông cho là Tất Thọ mượn kịch để chửi ông nên càng tức, nhất định không cho anh đi Hà Nội dự tổng duyệt. Không được đi xem đứa con tinh thần của mình thế nào, anh bất bình, phẫn nộ. Rồi đành liều đi vào thứ bảy, chủ nhật dự tổng duyệt, thứ hai về.
Anh vui vẻ vì vở diễn thành công. Nhưng về đến Ty thì anh bị khiển trách vì tội bỏ cơ quan đi hai ngày (thứ bảy và thứ hai) không được phép. Chưa xong, Ty Văn hóa còn thảo công văn lên Hà Nội với nội dung: “Anh Thọ xuất thân từ Đoàn Chèo và Ty Văn hóa Quảng Ninh ra. Nay bất mãn với Ty và Đoàn, đã mượn Nhà hát Chèo Trung ương để chửi Ty và Đoàn Chèo Quảng Ninh. Nên yêu cầu vở diễn “Đảo Ngọc” phải đình lại. Nhà hát Chèo Trung uơng nhận được công văn kiến nghị, phải dừng lại việc công diễn và mời chồng tôi lên sửa chữa, “chùi bớt” những chi tiết tham nhũng trong vở cho “êm” đi.
Nhận được công văn của Nhà hát Chèo Trung ương, anh buồn vô hạn. Anh trả lời: “Không sửa, nếu sửa coi như phá hết kịch của tôi. Tôi không chửi Đoàn mà cũng chả chửi Ty. Đó chỉ là kịch, là nghệ thuật phản ánh xã hội. Nếu các anh không dùng thì cho tôi xin cất tủ vậy”.
Số anh làm ăn vất vả, miếng ăn đến mồm còn bị thằng khác hất đi chỉ vì ghen ăn tức ở. Anh buồn mất vài tháng. Tôi thấy thương anh mà chẳng biết làm sao.