Đoàn kịch nói Quảng Ninh dựng vở “Nhân danh công lý”, tác giả V. K. N là người của tỉnh nhà, đạo diễn Doãn Hoàng Giang người trên Trung ương xuống. Truyện kịch kể về một số cán bộ chức quyền ở cấp cao do quá nuông chiều con cái dẫn đến con họ phạm tội giết người. Vợ họ đã làm đủ mọi cách để chạy chọt cho con được tha. Trong khi chạy chọt, đã hối lộ, xu nịnh các nhà chức trách, và cả đe dọa khéo người làm công vụ… Nhưng cuối cùng những người đại diện cho pháp luật cũng vượt qua được sự cám dỗ và đe dọa để trị tội kẻ giết người một cách nghiêm minh.
Chủ đề tư tưởng ấy tốt nhưng nhiều chi tiết không hợp với khán giả thời đó. Hình ảnh một bà Phán - vợ quan to ăn mặc hở hang, hễ giở giọng là đe nẹt kiểu “bà đây”, ngày ấy chưa phổ biến. Hành động lột áo phụ nữ để cưỡng bức giữa sân khấu lúc ấy quá mới, quá sỗ sàng gây dư luận trái chiều trong các tầng lớp khán giả. Khối thanh niên nhận thức non thì thích thú, nhưng những người lao động chân chính lại khó chịu.
Chồng tôi đã làm việc cật lực mấy năm trời mới thai nghén và viết xong “Đảo Ngọc”. Được Trung ương dựng vở đâu phải chuyện đùa. Vậy mà ông C. Không lấy đó làm điều hãnh diện cho tỉnh mà còn tìm mọi cách phá. Vì ông ta có chức quyền nên ông ta thắng. Còn chồng tôi, dù làm việc tốt, dù nhiệt tình, giỏi giang nhưng không biết xu nịnh lãnh đạo nên kiểu gì chả thua. Vở “Nhân danh công lý” dẫu có chỗ dở nhưng vẫn được dựng vì quyền quyết định tối cao là Trưởng ty C. Dân tình xem có bất bình thế nào thì cũng chỉ xì xèo vài câu rồi cho qua … Buồn thay cho chồng mình, cho những người viết chân chính của tỉnh, liền phát đơn khiếu nại vở kịch này gửi đến Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, báo chí địa phương và Trung ương. Nội dung sơ bộ như sau:
“Là những khán giả trung thành với sân khấu kịch, chúng tôi không chấp nhận hình ảnh vợ một cán bộ cấp cao của Trung ương ăn mặc hở hang như một bà tư sản. Cũng son phấn lòe loẹt, kính mắt xanh, mắt hồng, dọa dẫm, nịnh nọt cán bộ cảnh sát như trên sân khấu. Xem nội dung ấy khiến cách nhìn của nhân dân đối với cán bộ cấp cao giảm lòng tin yêu và kính trọng. Con trai cán bộ cấp cao mà lại lười học hành, sống du đãng, côn đồ. Hành động xé áo phụ nữ để cưỡng bức trên sân khấu cũng làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền cấp cao…
Tại sao tỉnh có nhiều người viết, bao nhiêu hình ảnh đẹp đẽ của người lao động ở khu Mỏ này lại không được đưa lên sân khấu? v. v…”
Bài viết đến tay Ban Tuyên giáo tỉnh. Ông Vấn (phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy bấy giờ) liền gửi thư ngay cho tôi: “Xin chị đừng vội gửi cho báo nào cả. Chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo về việc này và mời chị tới dự”. Mọi việc tôi làm, anh không hề biết. Đầu tiên, tôi ướm hỏi ý đồ của mình sẽ làm lanh tanh bành cho ông Chính biết mặt. Anh cười tràn, cản: “Em viết thế, chúng nó nhảy cào cào lên. Mà chả để làm gì cả. Dẫu em thắng anh cũng chẳng vui hơn. Quá khứ không trở lại. Ông C. này xuống thì ông C. khác lại lên thay thôi. Làm thế khác nào Đông Ky sốt chiến đấu với cối xay gió”. Kệ, tôi vẫn làm. Dù anh nói đúng đi nữa, tôi vẫn muốn tin đời này không thể mãi vậy. Là Dã Tràng se cát biển Đông, hay Đông Ky Sốt chiến đấu với cối xay gió thì tôi vẫn muốn làm một lần cho hả.
Tháng sau tôi lại viết thư tiếp cho ông Vấn thắc mắc về cái hội thảo ông ấy đã hứa mà chẳng thấy đâu.
Một tuần sau, tôi có giấy của Ban Tuyên giáo mời tới dự hội thảo về cái đơn thư này. Tôi lẳng lặng gạch đầu dòng những điều muốn nói. Và những dự kiến họ có thể phản bác lại để nghĩ cách phản thùng.
Hôm đến hội thảo, các “bá quan văn võ” của tỉnh đã có mặt đầy đủ.
Ngoài ra, còn có các phóng viên báo Quảng Ninh và trưởng tòa soạn báo Quảng Ninh.
Tôi được phép đại diện khán giả trình bày quan điểm của mình như đã ghi trong đơn lần trước. Tôi trang bị cho mình một phong thái đĩnh đạc, điềm đạm và khiêm tốn.
Sau khi trình bày quan điểm xong, ông V.K. N hùng hổ đứng lên nói một hồi như muốn đè bẹp tôi:
- Chị nói không có cơ sở. Chúng tôi doanh thu rất cao. Khán giả hâm mộ nhiều. Đêm đêm đỏ đèn. Kiểm lại bao nhiêu ngàn đồng… mà chị lại bảo khán giả phản đối, với lại giảm lòng tin với lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Ông ta nói đến sùi bọt mép, lòng trắng mắt càng lộn lên trong cái kính cận trong suốt. Ông P. C. kéo ông ta ngồi xuống. Còn ông Vấn và trưởng tòa soạn báo thì cười tủm. Thư ký mải ghi chép. Các phóng viên thì ngồi im. Quan sát hết một lượt, tôi tự tin đứng dậy xin phép và phản bác lại ông V. K. N
- Công nhận anh N nói có điều đúng. Vở tốt. Chủ đề tư tưởng đúng là rất tốt, ca ngợi những chiến sĩ cảnh sát đã khôn khéo và dũng cảm để vượt qua mọi cám dỗ, đe dọa của bà Phán - vợ sếp để điều tra cụ thể tội trạng của con bà ta. Nhưng những người dân lao động chân chính chúng tôi không chịu nổi hình ảnh vợ quan chức cấp cao mà thái độ xu nịnh, rồi ăn nói hăm dọa cảnh sát như một mụ tư sản, hay đúng hơn là như vợ của một sĩ quan ngụy quyền Sài Gòn vậy. Chúng tôi những người lao động không chấp nhận cái cảnh con cán bộ cấp cao mà sống và hành động như một tên côn đồ khi cưỡng bức bạn gái và giết người ấy. Nếu quả là có thật đi nữa thì chúng tôi không muốn xem. Điều đó làm giảm lòng tin yêu của nhân dân đối với Đảng và chính phủ. Còn các anh bảo là doanh thu cao. Bao nhiêu là tiền. Các anh có biết rằng họ tò mò kháo nhau đi xem chứ đâu phải họ hâm mộ nghệ thuật của các anh. Nhất là cái pha xé áo phụ nữ để cưỡng bức trên sân khấu, là pha phản cảm. Các anh có nghe thấy dân xì xào trong đám đông khán giả không hay chỉ chúng tôi nghe thấy? Các anh doanh thu bao nhiêu tiền thì kệ các anh. Nhưng các anh giáo dục xã hội ở chỗ nào? Ở chỗ làm mất lòng tin yêu của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước ư? Đoàn kịch Quảng Ninh đã dựng thành công bao nhiêu vở, từ “Đôi mắt” đến “Paven Coócsaghin”, “Người cha thô bạo”… Thế mà nay lại dựng “Nhân danh công lý”. Các anh là người của đất Mỏ này mà chưa có vở nào đưa được hình ảnh người công nhân Mỏ lên sân khấu, càng ngày càng đi vào những sự kiện giật gân, rẻ tiền. Chúng tôi – những khán giả Quảng Ninh không chấp nhận được.
Ông N. phẫn nộ đứng bật dậy. Ông C. vội kéo ông ta ngồi xuống ra hiệu đừng nói gì nữa. Cả hội trường vỗ tay tán đồng ý kiến của tôi. Ông Vấn tuyên bố:
- Cảm ơn chị đã đại diện khán giả cho chúng tôi biết ý nguyện của công chúng. Chúng tôi sẽ xem xét việc này và sửa chữa một số chi tiết cho phù hợp với thị hiếu khán giả.
Kết thúc hội thảo ra về. Nhiều người ở Sở Văn hóa xì xào là chồng tôi xui tôi làm việc này. Anh ngạc nhiên khi biết chuyện, nhưng chẳng vui hay chả bức xúc, cũng không ý kiến gì, chỉ lắc lắc đầu rồi vái tôi một vái dài thượt, kèm theo câu nói: “Lạy mẹ nó!”. Tôi thì hả hê. Mũi cứ phập phồng suốt cả tuần.
Một tuần sau, có tin ông P C. chết do tai biến mạch máu não. Nhiều người bảo vì nghĩ lắm nên ảnh hưởng đến não mà chết. Một số người thân cận của ông ta đưa tin rằng khi đã “dậu đổ” thì “bìm leo”. Chỉ cần một sự bùng nổ của dư luận xấu, là lập tức vô vàn sự việc khác có cơ hội ăn theo, quật đổ ông ta. Nhiều chuyện thâm cung bí sử về ông này được dịp phát tán. Áp lực từ Tỉnh ủy lớn quá khiến ông ta lo lắng… Tôi nghe mà sửng sốt và giật mình. Nhưng tôi không ngờ một cái kết như vậy. Sự “ra đi” của ông ta không những không làm tôi hả hê mà lại tiềm ẩn một niềm day dứt, ám ảnh vô lối. Nếu biết trước ông ấy sẽ rơi vào bước đường cùng và đi đến cái chết, chắc tôi chả “châm ngòi” làm gì. Ai ngờ sự thể nghiêm trọng thế.