Sam Keen tổng kết công việc bạn sắp phải làm. Khi bạn hoàn thành, ban nhạc sẽ biểu diễn và mời gọi bạn đến bữa tiệc. Tuy nhiên, nếu bạn hoàn thành tốt công việc của mình, bạn có thể đưa “đứa trẻ bên trong” cùng đến bữa tiệc đó để ăn uống và thưởng thức âm nhạc. Bạn sẽ thấy thanh thản và bình yên hơn.
Hồi sinh “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của bạn là một trải nghiệm giống như thiền định vậy. Trẻ em là những thiền sư thiên bẩm; thế giới của trẻ hoàn toàn mới mẻ trong từng khoảnh khắc. Với những đứa trẻ lành lặn, sự kinh ngạc trước cuộc sống là điều đương nhiên bởi cuộc sống là một bí ẩn to lớn để ta trải nghiệm. Trở về nguồn cội là sự phục hồi của tự nhiên. Sự phục hồi đó chẳng có gì quá hoành tráng hay kịch tính cả, đơn giản nó là cách mà cuộc sống sẽ diễn ra thôi.
Hồi sinh “đứa trẻ bên trong” bạn nghĩa là quay lại các giai đoạn phát triển của bạn và hoàn thành những công việc còn dang dở lúc đó. Hãy tưởng tượng rằng bạn chuẩn bị gặp một đứa trẻ tuyệt vời vừa được sinh ra. Bạn có thể đóng vai trò như một người lớn thông thái, nâng đỡ đứa trẻ ấy bước vào thế giới này. Bạn có thể ở đó khi nó được sinh ra, khi tập bò, tập đi rồi học nói. Nó cũng sẽ cần sự trợ giúp của bạn để tiếp thêm sức mạnh vượt qua được những nỗi đau và mất mát. Ron Kurtz gợi ý rằng bạn có thể trở thành một “người lạ kỳ diệu” đối với nó, kỳ diệu bởi vì bạn đã không thực sự ở đó vào lần đầu tiên “đứa trẻ bên trong” trải qua những giai đoạn này. Tôi nắm trong tay nhiều phép thuật nên tôi đã hồi sinh đứa trẻ đầy tổn thương bên trong mình ở vai trò của một thuật sĩ già nhân từ và thông thái. Bạn có thể là bất cứ ai mà bạn muốn, miễn rằng bạn luôn sống với tình yêu thương và không bao giờ phải hổ thẹn.
Mỗi giai đoạn đó đều đòi hỏi những cách thức nuôi dưỡng rất đặc biệt. Khi hiểu nhu cầu của mình ở mỗi giai đoạn, bạn có thể học được cách áp dụng hình thức nuôi dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn. Sau này, khi bạn học cách bảo vệ “đứa trẻ bên trong” mình, bạn có thể tìm được những người nuôi dưỡng, những người sẽ cung cấp những gì cần thiết cho bạn lúc đó và những gì “đứa trẻ bên trong” bạn hiện tại cần để phát triển.
Bước đầu tiên quan trọng nhất là giúp đứa trẻ bị tổn thương bên trong bạn giải tỏa những nhu cầu phát triển bị lệ thuộc chưa được đáp ứng của nó. Hầu hết những tổn hại mà tôi miêu tả trong phần đầu của cuốn sách này là do những nhu cầu chưa được đáp ứng. Những cảm xúc cần được bày tỏ nhưng chưa bao giờ được phép thể hiện.
Đáp ứng những nhu cầu này vào thời điểm và theo trình tự thích hợp là một việc hiển nhiên. Nếu thiếu điều đó, bạn sẽ trở thành một người lớn mang trong mình “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương đang cố gắng để thỏa mãn những nhu cầu như vậy. Và đứa trẻ đó đã cố gắng để những nhu cầu ấy được đáp ứng khi còn nhỏ bằng cách duy nhất mà nó biết. Điều này chẳng khác nào việc để một đứa trẻ chưa trưởng thành, thiếu thốn tình cảm định hướng cuộc sống của bạn cả. Để hiểu tác động của việc này, hãy xem xét thói quen hằng ngày của bạn và hình dung cuộc sống của bạn sẽ như thế nào với đứa trẻ lên 3 đó. Kịch bản này có thể giúp bạn thấy được đứa trẻ bị tổn thương bên trong đã khiến cuộc sống của bạn trở nên phức tạp như thế nào.
Thời thơ ấu bao gồm bốn giai đoạn phát triển chính. Để trình bày về các giai đoạn này, tôi chủ yếu dựa vào bản đồ phát triển tâm lý xã hội được viết trong cuốn sách kinh điển Childhood and Society (tạm dịch: Tuổi thơ và xã hội) của Erik Erikson. Tôi cũng bổ sung thêm một số mảnh ghép từ Jean Piaget, Pam Levin, Barry và Janae Weinhold. Theo Erikson, mỗi giai đoạn phát triển là kết quả của một cuộc khủng hoảng giữa các cá nhân với bố mẹ là chủ yếu, nhưng đôi khi cũng là với bạn bè và thầy cô giáo. Khủng hoảng không phải là một sự kiện bi thảm mà là thời điểm dễ bị tổn thương và nguy cơ xảy ra cao hơn. Việc giải quyết từng giai đoạn lại tạo ra một cuộc khủng hoảng mới. Erikson tin rằng kết quả của mỗi cuộc khủng hoảng là sức mạnh nội tại mà ông đặt tên là sức mạnh bản ngã. Ông khẳng định bốn sức mạnh bản ngã cơ bản là những yếu tố thiết yếu của một tuổi thơ lành mạnh, đó là hy vọng, ý chí, mục đích và năng lực. Hy vọng là sản phẩm của việc đứa trẻ sơ sinh cảm thấy tin tưởng thay vì không tin tưởng những người chăm sóc mình. Ý chí là kết quả khi trẻ đạt được cảm giác tự chủ hơn là xấu hổ và hoài nghi trong quá trình đấu tranh để hình thành và tự chủ về mặt tâm lý. Mục đích được tích lũy khi ý thức về khả năng sáng tạo của trẻ mẫu giáo mạnh mẽ hơn cảm giác tội lỗi. Và năng lực có được khi trẻ ở độ tuổi đi học có khả năng phát triển nhận thức về sự quyết tâm hơn là sự tự ti.
Theo nhà trị liệu Pam Levin, khi những sức mạnh bản ngã này xuất hiện, chúng ta sẽ có bốn năng lực cơ bản là năng lực hiện hữu, năng lực hoạt động, năng lực cá tính và năng lực sinh tồn cơ bản.
Tất cả những sức mạnh bản ngã và năng lực mà bạn cần có để phát triển trong thời thơ ấu đều cần phải được củng cố trong những giai đoạn sau của cuộc đời. Pam Levin cho rằng cứ sau mười ba năm, những nhu cầu cơ bản của tuổi thơ sẽ lặp lại. Tôi không biết bất kỳ dữ liệu thực nghiệm nào chứng minh cho lý thuyết chu kỳ mười ba năm đó cả, nhưng tôi vẫn muốn áp dụng nó như một kim chỉ nam.
Ở tuổi 13, tuổi dậy thì sẽ đánh thức tia lửa cuộc sống theo một cách mới. Một cấu trúc tinh thần mới mở ra cùng với những thay đổi sinh học của quá trình trưởng thành về giới tính. Chúng ta bắt đầu hình thành cá tính riêng của mình và rời khỏi nguồn cội. Điều này buộc chúng ta phải thử thách và kiểm tra quan điểm của bố mẹ về mình. Chúng ta cũng bắt đầu quyết định nghĩ xem mình là ai. Để là chính mình, chúng ta phải từ từ rời xa cha mẹ. Chúng ta cần tất cả sức mạnh bản ngã đã phát triển của mình để làm được điều này. Chúng ta cần dựa vào niềm tin đã có từ khi còn là đứa trẻ sơ sinh, niềm tin rằng thế giới đủ an toàn, để hiện thực hóa tiềm năng của bản thân. Ngoài ra, chúng ta phải đủ tự chủ để tin tưởng vào bản thân khi ra ngoài và rời khỏi ngôi nhà an toàn của cha mẹ. Sự thành công của việc này phụ thuộc vào việc chúng ta đã xuất sắc vượt qua giai đoạn phụ thuộc đầu tiên của mình trong những năm chập chững biết đi như thế nào, và việc chúng ta đã thiết lập một cá tính ban đầu tốt đẹp trong giai đoạn mầm non, vốn đòi hỏi sự độc lập mạnh mẽ ra sao. Nếu hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển đó, chúng ta sẽ có khả năng để bắt đầu quá trình chuyển đổi mới mẻ ở tuổi dậy thì dễ dàng hơn.
Nếu được học tốt ở trường, chúng ta có thể sử dụng các kỹ năng xã hội của mình để kết bạn. Chúng ta còn có thể dựa vào những kỹ năng sinh tồn học được tại đây để trở nên năng động hơn. Những sức mạnh bản ngã ở lứa tuổi học đường này sẽ giúp chúng ta có cá tính khi trưởng thành, và chúng phụ thuộc vào tình yêu thương lẫn nhau.
Ở độ tuổi từ 25 đến 29, chúng ta bước vào một chu kỳ mới. Đến tuổi 26, nhiều người kết hôn và tạo dựng một gia đình của riêng mình. Một lần nữa, chúng ta cần dựa trên sự tin cậy, tự chủ, chủ động, hợp tác để xây dựng một tình yêu thương tốt đẹp và thân mật. Mỗi giai đoạn của tuổi thơ sẽ lặp lại chu kỳ trong hành trình tìm kiếm mối quan hệ thân thiết của chúng ta.
Chúng ta sẽ chuyển từ kiểu phụ thuộc không giới hạn (trong giai đoạn yêu đương) sang kiểu chống đối nhau (giai đoạn tranh giành quyền uy khi thể hiện sự khác biệt của mình), rồi trở nên độc lập (giai đoạn tự hiện thực hóa bản thân) và sau đó là phụ thuộc lẫn nhau (giai đoạn hợp tác và chung lưng đấu cật). Những giai đoạn này phản ánh thời thơ ấu của chúng ta. Do đó, phần lớn mối quan hệ của chúng ta thành công hay thất bại phụ thuộc vào cách chúng ta vượt qua các giai đoạn của thời thơ ấu ra sao.
Khi 39 tuổi, chúng ta bước sang chu kỳ của tuổi trung niên, một giai đoạn rất kịch tính trong cuộc đời. Ai đó đã đặt ra cụm từ “sự điên rồ của tuổi trung niên” để diễn tả sự kịch tính và khó khăn của quá trình chuyển biến này. Nếu “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương thì giai đoạn này có thể sẽ là một thảm họa.
Đến tuổi trung niên, vòng cung của cuộc đời sẽ từ từ trải phẳng ra. Chủ nghĩa lý tưởng của tuổi trẻ bị kìm hãm lại bởi sự phản bội, vỡ mộng và cái chết của người thân. Như W. H. Auden đã nói:
Trong khi đó, chúng ta có các hóa đơn cần phải thanh toán, máy móc cần được sữa chữa, những động từ bất quy tắc để học, hiện tại để bù đắp cho những điều vô nghĩa đã qua.
Cuộc sống tự nó trở thành một động từ bất quy tắc. Sam Keen nói: “Chúng ta chuyển từ việc ảo tưởng về sự chắc chắn sang việc chắc chắn về sự ảo tưởng”. Từ sự vỡ mộng này, chúng ta phải quyết định hy vọng và tin tưởng rằng, tất cả những điều đó đều có ý nghĩa. Nếu chúng ta chọn tin tưởng, chúng ta sẽ phải sử dụng sức mạnh ý chí của mình để đưa ra quyết định mới về mọi khía cạnh của cuộc sống, từ công việc, các mối quan hệ đến tâm hồn của chúng ta. Chúng ta phải trưởng thành và tự đứng trên đôi chân của mình. Dù ý thức về sự tự chủ và chủ động như thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng sẽ được thử thách để tạo ra một nhận thức mới về mục đích. Và có thể chúng ta cần phát triển các kỹ năng mới để hỗ trợ mục đích mới của mình.
Chu kỳ tiếp theo của tuổi trưởng thành là thời gian để chúng ta đào sâu hy vọng và củng cố những cam kết mới của mình. Đây thường là khoảng thời gian yên bình cũng như có hiệu quả cao. Hy vọng rằng chúng ta có được đứa trẻ tuyệt vời bên trong mình bởi chúng ta sẽ cần nó tự do và có khả năng phục hồi.
Sự bắt đầu của tuổi già đòi hỏi việc sắp xếp lại và đối diện với tuổi tác cũng như việc nghỉ hưu. Tuổi già cần được coi là tuổi thơ thứ hai! Chúng ta cần một niềm hy vọng như trẻ thơ rằng có những điều mới mẻ hơn thế ở phía trước, hay lòng tin tưởng rằng một điều gì đó vĩ đại hơn bản thân sẽ giúp chúng ta nhìn ra được một bức tranh rộng lớn hơn. Chúng ta sẽ cần sử dụng tất cả sức mạnh bản ngã tích lũy được của mình để có được cái nhìn tổng quan hơn là chú ý đến chi tiết. Khi có được tầm nhìn đó là chúng ta có được trí tuệ.
Mỗi giai đoạn sẽ được xây dựng dựa trên giai đoạn trước cho nên tuổi thơ chính là nền móng hình thành nên tất cả.
Sai lầm nhỏ ban đầu sẽ tạo ra sai lầm lớn cuối cùng. Chúng ta không thể lên tiếng về giai đoạn khởi đầu của cuộc đời mình; chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào những người chăm sóc để tồn tại. Nhu cầu của chúng ta mang tính phụ thuộc, nghĩa là, chỉ những người chăm sóc chúng ta mới có thể đáp ứng được những nhu cầu đó.
Các biểu đồ dưới đây cho thấy các giai đoạn phát triển khác nhau của con người với quá trình chuyển đổi và lặp lại. Biểu đồ đầu tiên phác thảo những sức mạnh bản ngã và năng lực khác nhau mà chúng ta cần để phát triển ở mỗi giai đoạn trưởng thành cá nhân. Biểu đồ thứ hai cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về chu kỳ mười ba năm. Biểu đồ thứ ba vẽ ra cho bạn bức tranh về cách bản thể của bạn trưởng thành và phát triển trong vòng đời.
Ngoài việc lặp lại một cách tự nhiên thì các nhiệm vụ phát triển của thời thơ ấu trong các giai đoạn sau của cuộc đời cũng lặp lại theo nhiều phương thức khác nữa. Việc nuôi dạy con cái sẽ kích hoạt những vấn đề phát triển trong giai đoạn đầu đời của chúng ta. Ở mỗi giai đoạn phát triển của con cái, các vấn đề chưa được giải quyết của chính chúng ta và các nhu cầu thời thơ ấu chưa được đáp ứng sẽ xuất hiện, tác động có hại tới việc nuôi dạy con cái. Đây là lý do tại sao những người lớn nhưng “đứa trẻ bên trong” chưa được chữa lành từ các gia đình bất hạnh rất khó trở thành những người cha người mẹ thực sự có năng lực nuôi dạy con. Xung đột giữa cha mẹ và con cái thường lên đến đỉnh điểm khi trẻ ở tuổi vị thành niên, bởi đây là thời điểm khó khăn trong cuộc đời. Ngoài ra, lúc trẻ ở tuổi vị thành niên thì các bậc cha mẹ đang trong giai đoạn “tuổi trung niên điên rồ”. Rõ ràng đây không phải là một bức tranh đẹp.
Các giai đoạn phát triển của thời thơ ấu cũng có thể được kích hoạt bất cứ khi nào chúng ta gặp khó khăn hoặc tổn thương khi trưởng thành. Cái chết của cha mẹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tuổi thơ của chúng ta. Cái chết của một người bạn hoặc một người thân yêu khác thường đẩy chúng ta trở lại nhu cầu hiện hữu của mình. Như Tennyson đã nói, khi đối diện với cái chết, chúng ta là “đứa trẻ khóc trong đêm... và không có ngôn ngữ nào ngoài tiếng khóc”.
Bất kỳ tình huống mới mẻ nào cũng có thể kích hoạt những nhu cầu sơ khai của chúng ta: một công việc mới, một ngôi nhà mới, một cuộc hôn nhân, một đứa con. Cách chúng ta tiếp nhận những khởi đầu mới phụ thuộc vào việc chúng ta đã xử lý tốt như thế nào trong giai đoạn đầu của cuộc đời mình.
Tóm lại, giai đoạn thơ ấu đóng vai trò nền tảng cho cuộc sống trưởng thành của chúng ta. Những ai trưởng thành từ các gia đình bất hạnh sẽ thiếu mất nền tảng này. Trong phần Một, bạn đã thấy những thiếu hụt về sự phát triển trí tuệ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng như thế nào. Nếu bạn muốn thay đổi những khuôn mẫu gây hại này, bạn phải hồi sinh tuổi thơ của chính mình.
Hồi sinh tuổi thơ là một công việc rất đau đớn bởi vì chúng ta sẽ phải trải nghiệm những tổn thương trong lòng. Nhưng cũng thật mừng là chúng ta có thể làm được điều này. Chúng ta đã và đang chịu đựng những nỗi đau đó một cách chính đáng bằng cách né tránh chúng thông qua chứng rối loạn thần kinh. Jung đã nói rất hay: “Tất cả các tế bào thần kinh của chúng ta đều dùng để thay thế cho những đau khổ chính đáng”. Phương pháp chữa lành nỗi đau hay phương pháp chữa lành nỗi đau nguyên thủy, đòi hỏi chúng ta phải trải nghiệm lại những gì chúng ta đã không thể trải qua khi mất cha mẹ, vào thời thơ ấu và hơn hết là nhận thức của chính mình về bản thể tôi. Vết thương tinh thần có thể được chữa lành nhưng phải được thực hiện bằng trải nghiệm sự tổn thương. Thế nên đó là một công việc rất đau đớn.
Trong các chương tiếp theo, tôi sẽ miêu tả các thành phần của việc chữa lành nỗi đau nguyên thủy và các kiểu hỗ trợ mà bạn cần có cho bốn giai đoạn phát triển chính của thời thơ ấu. Tôi sẽ gợi ý một số bài tập cho mỗi giai đoạn. Nếu hiện tại bạn đang tham gia trị liệu, vui lòng xin sự chấp thuận của bác sĩ trị liệu trước khi bắt đầu chương trình này. Bạn có thể làm điều đó một mình, sử dụng bản thể người lớn của bạn như một thuật sĩ lão làng, thông thái và nhẹ nhàng, nhưng bạn vẫn cần sự chấp thuận của bác sĩ đang trị liệu cho bạn.
Ngoài ra còn có các bài tập thiền cho từng giai đoạn phát triển. Trong những bài thiền này, bản thể người lớn của bạn sẽ chăm sóc đứa trẻ đầy tổn thương bên trong bạn. Đây là điều tốt nhất tôi có thể cung cấp cho bạn dưới dạng sách. Bạn có thể thực hiện các bài tập một mình nhưng sẽ tốt hơn nếu thực hiện chúng với một người bạn có khả năng chăm sóc và trợ giúp. Nếu bạn thực hiện cùng một nhóm hỗ trợ thì sẽ là phương pháp tối ưu.
Các bài tập này không nhằm thay thế bất kỳ liệu pháp hay nhóm trị liệu nào mà có thể bạn đang tham gia, cho dù đó là nhóm trị liệu 12-bước. Thực tế chúng còn giúp tăng hiệu quả của các liệu pháp và chương trình trị liệu đó. Nếu bạn là một nạn nhân trưởng thành của lạm dụng tình dục hoặc bị hành hạ nặng nề về mặt tinh thần, hoặc nếu bạn đã được chẩn đoán là mắc bệnh tâm thần hoặc có tiền sử bệnh tâm thần trong gia đình thì sự trợ giúp của chuyên gia là rất cần thiết đối với bạn. Khi trải nghiệm những bài tập này, nếu bạn bắt đầu trải qua những cảm xúc kỳ lạ hoặc choáng ngợp, hãy dừng lại ngay lập tức. Hãy nhờ sự trợ giúp của một cố vấn có chuyên môn trước khi bạn tiếp tục.
Mặc dù phương pháp này có thể có tác động rất lớn và hiệu quả cao trong việc chữa bệnh đối với nhiều người nhưng nó không được coi là một loại “thần dược” nào hết.
Một lưu ý khác: Nếu hiện tại bạn đang trong tình trạng nghiện ngập, bạn sẽ mất kiểm soát và mất kết nối với cảm xúc thật của mình. Bạn phải điều chỉnh hành vi đó thì phương pháp này mới hữu ích với bạn. Nhóm trị liệu 12-bước đã được chứng minh là hiệu quả nhất trong việc cai nghiện. Hãy tham gia một lớp ngay hôm nay, đó là chương trình nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này. Phương pháp mà tôi đang trình bày ở đây đòi hỏi bạn phải có ít nhất một năm tỉnh táo. Trong những ngày đầu phục hồi sau cơn nghiện, đặc biệt là chứng nghiện ăn uống, cảm xúc của bạn vẫn còn nguyên vẹn và vô định, chúng giống như dung nham nóng bên trong một ngọn núi lửa vậy. Nếu bạn tham gia trải nghiệm thời thơ ấu đầy đau khổ, bạn có nguy cơ bị hoảng loạn. “Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương vô hạn và vô độ của bạn là cốt lõi của sự nghiện ngập. Nói cách khác, bạn sử dụng rượu, ma túy, tình dục, làm việc, cờ bạc, v.v. để né tránh sự tổn thương của mình. Bước thứ Mười hai trong chương trình 12-bước nói về “sự thức tỉnh tinh thần” là kết quả của các bước trước đó. Điều này cho thấy rõ nghiện ngập là một trạng thái hủy hoại tinh thần.
Việc để bạn đi sâu tìm hiểu ngay những lý do cốt lõi khiến bạn nghiện ngập đồng nghĩa với việc khiến bạn có nguy cơ quay trở lại tình trạng nghiện ngập trầm trọng.
Sau khi đề cập tất cả những điều này, tôi muốn nhắc lại những gì tôi đã nói trong phần mở đầu. Bạn phải thực sự thực hiện các bài tập trong sách nếu muốn hồi sinh và bảo vệ đứa trẻ nội tâm của mình.
Lưu ý cuối cùng: Một cách mà người lớn nhưng bên trong trẻ con dùng để né tránh những đau khổ thực thụ là giữ ở trong đầu. Điều này thể hiện qua việc ám ảnh về mọi thứ, phân tích, thảo luận, đọc và dành nhiều năng lượng để cố gắng làm rõ mọi vấn đề. Có câu chuyện về một căn phòng có hai cửa. Mỗi cánh cửa có một bảng hiệu trên đó. Một cửa có gắn bảng Thiên đường còn cửa kia gắn bảng Lớp học trên Thiên đường. Tất cả những người lớn nhưng bên trong trẻ con lệ thuộc đang xếp hàng trước cửa có ghi Lớp học trên Thiên đường!
Những người lớn nhưng bên trong trẻ con có nhu cầu rất cao trong việc tìm hiểu mọi thứ bởi vì bản thân cha mẹ họ cũng là những người lớn nhưng bên trong trẻ con bất ổn định. Đôi khi họ là những người trưởng thành; đôi khi họ lại là những đứa trẻ bị tổn thương và ích kỷ. Có lúc họ dạy dỗ bạn khi họ trong cơn nghiện, có lúc lại không. Việc đó dẫn đến sự nhầm lẫn và không thể đoán trước. Có người từng nói rằng lớn lên trong một gia đình bất hạnh giống như “xem phim giữa chừng và không bao giờ hiểu được cốt truyện”. Người khác lại miêu tả nó giống như “lớn lên trong một trại tập trung” vậy. Việc không thể đoán trước này khiến bạn phải liên tục tìm hiểu mọi thứ, và bạn sẽ vẫn tiếp tục cố gắng tìm kiếm cho đến khi có thể chữa lành được quá khứ của mình.
Giữ mọi thứ trong đầu cũng là một cách con người bảo vệ bản ngã. Vì ám ảnh về mọi thứ nên người ta không phải cảm nhận nữa. Cảm nhận là việc động chạm vào chiếc bể chứa những cảm xúc đóng băng bị kìm hãm bởi sự xấu hổ độc hại trong “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của chúng ta.
Thế nên tôi xin nhắc lại rằng bạn phải thực sự thực hiện phương pháp chữa lành nỗi đau nguyên thủy, nếu bạn muốn chữa lành đứa trẻ bị tổn thương trong bạn. Cách duy nhất để thoát ra là đi xuyên qua nó. “Không đau thương, sẽ chẳng có trái ngọt” như câu nói trong chương trình 12-bước.
Tôi tin rằng việc hồi sinh sau thời thơ ấu bị bỏ rơi, thờ ơ và lạm dụng là một quá trình chứ không phải là một sự kiện. Đọc cuốn sách này và thực hiện các bài tập sẽ không làm cho mọi vấn đề của bạn biến mất trong một sớm một chiều, nhưng tôi đảm bảo rằng bạn sẽ khám phá ra một con người nhỏ bé thú vị bên trong bản thân bạn. Bạn sẽ có thể lắng nghe sự tức giận và nỗi buồn của đứa trẻ đó, rồi cùng với nó tận hưởng cuộc sống một cách vui vẻ, sáng tạo và hân hoan hơn.