Chương 2“Đứa trẻ bên trong” kỳ diệu đã bị tổn thương như thế nào?
Ngày xưa khi đồng cỏ, lùm cây và dòng suối
Khi Trái đất và mọi cảnh vật đời thường,
Đối với tôi,
Dường như được điểm tô trong ánh sáng thiên đàng,
Trong vinh quang và giấc mơ tươi mới.
Giờ đây nó không còn như xưa nữa,
Nơi đâu cũng đều đã thay đổi,
Dù là ngày hay đêm,
Những điều mà tôi đã từng thấy bây giờ không còn nữa.
– WILLIAM WORDSWORTH
Hầu như tất cả mọi người đều cảm thấy vui vẻ khi có sự xuất hiện của một đứa trẻ. Ngay cả tiếng cười khúc khích của chúng cũng có thể khiến chúng ta lay động.
Trẻ em, sinh ra vốn đã chứa đầy những điều kỳ diệu rồi vô tình bước vào cuộc sống hiện tại này. Theo một nghĩa nào đó, trẻ đang bị đày ải trong hiện tại. Bằng từ wonderful – kỳ diệu, tôi sẽ cho bạn biết những đặc tính của đứa trẻ kỳ diệu ấy. Mỗi chữ cái là viết tắt của một trong những đặc tính tự nhiên.
Wonder – Ngạc nhiên
Optimism – Lạc quan
Naïveté – Ngây thơ
Dependence – Phụ thuộc
Emotions – Cảm xúc
Resilience – Kiên cường
Free Play – Vui chơi tự do
Uniqueness – Duy nhất
Love – Yêu thương
NGẠC NHIÊN
Mọi thứ đều thú vị và hấp dẫn đối với đứa trẻ tự nhiên. Trẻ cảm nhận được điều kỳ diệu bằng tất cả các giác quan của mình. Điều này được thể hiện qua những nhu cầu bẩm sinh ở mọi đứa trẻ như muốn tìm hiểu, thử nghiệm, khám phá, nhìn ngắm và động chạm. Sự hiếu kỳ dẫn dắt trẻ khám phá bàn tay, chiếc mũi, đôi môi, bộ phận sinh dục, những ngón tay, ngón chân của mình và cuối cùng là khám phá bản thân trẻ.
Sự trải nghiệm và khám phá cũng có thể khiến trẻ gặp rắc rối. Nếu các bậc cha mẹ phải kiềm chế nhu cầu bẩm sinh ấy khi còn là một đứa trẻ thì họ cũng sẽ kìm hãm con mình theo đúng cách đó. Điều này khiến cho trẻ khép mình lại và sợ hãi việc khám phá và mạo hiểm. Đối với trẻ, cuộc sống trở thành vấn đề khó khăn cần giải quyết hơn là cuộc phiêu lưu để được sống, trẻ trở nên buồn chán và sẽ sống theo cách an toàn.
Sự kinh ngạc và hiếu kỳ là rất quan trọng đối với sự phát triển và thích nghi bình thường của con người. Chúng thúc đẩy trẻ tiếp thu kiến thức cơ bản về thế giới và tìm hiểu các chi tiết nền tảng về sự sống còn.
Sự kinh ngạc và hiếu kỳ cũng là năng lượng sống đưa chúng ta đến những chân trời ngày càng mở rộng. Chúng ta cần tia sáng cuộc sống này bởi đó là điều không thể thiếu đối với sự phát triển không ngừng của chúng ta và là yếu tố thiết yếu cho tác phẩm của các nhà thơ, nghệ sĩ và nhà tư tưởng sáng tạo. Sự kinh ngạc và hiếu kỳ của chúng ta tạo nên một loại hứng thú cao độ, kích thích sự kỳ vọng rằng “sẽ có nhiều điều hơn nữa”. Cả Charles Darwin và Albeit Einstein đều mang trong mình vô số sự kinh ngạc và hiếu kỳ của trẻ thơ ấy trước những bí ẩn vượt xa khỏi sự huyền bí của thế giới.
LẠC QUAN
Tia sáng cuộc sống tự nhiên thúc đẩy trẻ khám phá một cách lạc quan. Nếu những người chăm sóc trẻ thậm chí là người khó tin cậy nhất thì trẻ sẽ tin tưởng vào những điều bên ngoài bản thân để đáp ứng nhu cầu của mình. Trẻ em vốn tin rằng thế giới này rất thân thiện; trẻ mang hy vọng; không có gì là không thể và tất cả đều đang chờ đợi ở phía trước. Sự lạc quan và tin tưởng thiên bẩm này tạo thành một phần cốt lõi trong nguồn vốn tự nhiên của chúng ta và là trụ cột của cái được gọi là “niềm tin trẻ thơ”.
Chính vì trạng thái tự nhiên của sự lạc quan và tin tưởng này mà trẻ em có thể bị tổn thương bởi những người chăm sóc mình. Khi tin tưởng hoàn toàn, trẻ rất dễ bị ngược đãi và lạm dụng. Không giống như các loài động vật khác, trẻ em không có “hệ lập trình bản năng” để biết mình phải làm gì. Trẻ cần phải học và việc học đó phụ thuộc vào người chăm sóc chúng. Trẻ phát triển sức mạnh bên trong bản thân là nhờ tương tác với những người chăm sóc. Bản chất tự nhiên giúp trẻ có sự chuẩn bị sẵn sàng phù hợp với lứa tuổi để phát triển từng loại sức mạnh nội tại.
Khi một đứa trẻ bị bạo hành và làm nhục, sự cởi mở và tin tưởng của trẻ sẽ biến mất. Mối liên kết cho phép trẻ tin tưởng và lạc quan tiến về phía trước đã bị cắt đứt. Không còn có thể tin tưởng vào sự an toàn từ người chăm sóc mình, trẻ trở nên cảnh giác và lo sợ hơn. Nếu tình trạng rạn nứt liên tục lặp lại, trẻ sẽ trở nên bi quan. Trẻ mất cảm giác hy vọng và tin rằng mình phải dùng mánh khóe để đạt được nhu cầu. Thay vì sử dụng năng lượng của mình để tương tác trực tiếp với thế giới, trẻ lại sử dụng nó để dụ dỗ những người chăm sóc làm cho mình những việc mà bản thân mình hoàn toàn có thể tự làm được.
Lạc quan và tin tưởng là linh hồn của sự gắn kết. Chúng ta phải chấp nhận nguy cơ dễ bị tổn thương nếu muốn gắn kết với người khác. Tuy nhiên, do không bao giờ có thể thu thập đủ dữ liệu để tin tưởng tuyệt đối vào bất kỳ ai nên chúng ta phải chấp nhận rủi ro khi tin tưởng họ. Chúng ta cũng cần lạc quan trong cuộc sống để đến cuối cùng chúng ta nhận ra tất cả thực tế đều có giá trị tích cực. Lạc quan cho phép chúng ta nhìn vào mặt tươi sáng của cuộc sống, ở đó chúng ta sẽ nhìn thấy chiếc bánh vòng tròn thay vì chỉ nhìn thấy mỗi cái lỗ.
SỰ NGÂY THƠ
Trẻ em quyến rũ và hấp dẫn một phần là do ngây thơ. Ngây thơ là cốt lõi đặc tính trong sáng hồn nhiên ở trẻ. Trẻ sống trong thực tại và hướng đến niềm vui. Trẻ chấp nhận những “câu hỏi hóc búa” của cuộc đời, theo cách nói của Christopher Morley. Sự “thánh thiện đến kỳ lạ” của trẻ chính là do trẻ không có ý niệm nào về đúng hay sai, tốt hay xấu.
Trẻ em được định hướng cuộc sống. Lúc đầu, trẻ quan tâm đến mọi thứ nên rất khó để chọn bất cứ điều gì. Vậy rõ ràng là trẻ hoạt động mà thiếu định hướng. Trẻ đi vào những nơi cấm, chạm vào những thứ không an toàn và nếm những chất độc hại. Đây là lý do trẻ cần được quan tâm, chăm sóc thường xuyên và cũng là lý do những người chăm sóc trẻ cần có phương pháp “giữ an toàn cho trẻ” trong nhà. Điều này đòi hỏi họ phải dành thời gian để quan tâm tới trẻ. Nhưng có lúc những người hiền lành nhất trong số họ cũng sẽ bực tức. Tất nhiên, trẻ sẽ ngạc nhiên và không hiểu sao họ lại khó chịu trong khi những gì mình đang nếm có vẻ rất thú vị và ngon lành đấy chứ!
Người chăm sóc trẻ như người làm cha làm mẹ cần phải kiên nhẫn và thấu hiểu. Thiếu những phẩm chất này, họ sẽ kỳ vọng quá nhiều vào trẻ. Trong hầu hết các trường hợp ngược đãi thân thể mà tôi biết, cha mẹ ngược đãi con cái tin rằng con mình đang cố tình làm điều xấu xa. Họ cho rằng trẻ trưởng thành hơn nhiều so với tuổi của mình.
Xu hướng liều lĩnh lao vào khu vực bị cấm thường được coi là bằng chứng về đặc tính nghịch ngợm bẩm sinh ở trẻ. Người ta đã lập luận rằng đặc tính này là kết quả của tội lỗi nguyên thủy mà Adam và Eva đã phạm phải. Học thuyết về tội lỗi nguyên thủy là nguồn gốc chính cho nhiều hành động nuôi dạy trẻ thô bạo và tàn nhẫn. Tuy nhiên, không có bằng chứng lâm sàng nào chứng minh cho hành vi sa đọa bẩm sinh ở trẻ em cả.
Ngược lại, chính vì bảo vệ quá mức đặc tính ngây thơ và trong sáng ở trẻ mà cha mẹ gặp nhiều phiền phức. Tôi nhớ có một học sinh trường dòng, còn một năm nữa là đến ngày thụ phong, vẫn tin rằng phụ nữ có ba lỗ hở ở bộ phận sinh dục! Tôi cũng biết nhiều thiếu nữ không hề được dạy những kiến thức về giới tính nên đã vô cùng hoảng sợ khi bắt đầu có kinh nguyệt.
Trẻ em cũng có thể học cách thao túng bằng việc giả vờ ngây thơ và vô tội. Giả câm giả điếc là một hình thức như thế. Giả vờ làm “cô gái tóc vàng hoe” là đặc trưng của sự ngây thơ giả tạo ở tuổi trưởng thành. Đối với những trẻ sợ bị bỏ rơi thì việc khóc lóc hoặc van xin là cách giả ngây. Những hành vi đó giúp trẻ có thể trốn tránh sự trưởng thành, không biết chịu trách nhiệm và chấp nhận rủi ro.
Sự ngây thơ và trong sáng của đứa trẻ diệu kỳ trong bạn có thể là một tài sản to lớn giúp bạn phục hồi. Đặc tính này nằm trong biểu hiện ngoan ngoãn, biểu hiện có thể dạy bảo được. Khi bạn bảo vệ “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của mình, đứa trẻ kỳ diệu sẽ xuất hiện. Bạn và đứa trẻ kỳ diệu ấy có thể cùng nhau học tập để tạo ra những trải nghiệm mới giúp bạn tiếp thêm sức mạnh.
TÍNH ĐỘC LẬP
Tính phụ thuộc và cần nơi nương tựa là bản chất của trẻ chứ không phải do trẻ lựa chọn. Không giống như người lớn, trẻ không thể đáp ứng nhu cầu của mình nếu chỉ dựa vào các nguồn nội lực, do đó trẻ cần nương tựa vào người khác để thỏa mãn các nhu cầu đó. Thật không may, vì phụ thuộc vào người khác nên trẻ lại rất dễ bị tổn thương. Trẻ thậm chí còn không biết mình cần gì hoặc cảm thấy gì. Cho dù kết quả có ra sao thì cuộc sống của trẻ ngay từ đầu đã được định hình bởi khả năng của những người chăm sóc đầu tiên trong việc nhận biết và đáp ứng những nhu cầu của trẻ ở mỗi giai đoạn của sự phát triển.
Nếu “đứa trẻ bên trong” của những người chăm sóc chúng ta bị tổn thương thì họ không thể đáp ứng nhu cầu của “đứa trẻ bên trong” chính bản thân mình. Thay vào đó, họ hoặc sẽ tức giận vì sự thiếu thốn của “đứa trẻ bên trong” mình hoặc sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu của bản thân bằng cách biến đứa trẻ ấy trở thành một phần mở rộng của chính họ.
Đứa trẻ kỳ diệu phải sống phụ thuộc bởi vì nó đang trong quá trình trưởng thành, hay còn gọi là “chín chắn”. Mỗi giai đoạn phát triển là một bước tiến tới sự chín chắn đầy đủ của tuổi trưởng thành. Trẻ sẽ vẫn tiếp tục sống nếu không có những nguồn lực cần thiết, đáp ứng nhu cầu của trẻ vào đúng thời điểm và theo trình tự thích hợp. Vậy là một sai lầm nhỏ ban đầu đã gây ra hậu quả khôn lường về sau.
Sự trưởng thành không ngừng chính là đặc trưng của cuộc sống lành mạnh ở con người. Chính những đặc tính của thời thơ ấu mà tôi đang mô tả như ngạc nhiên, phụ thuộc, hiếu kỳ, lạc quan đều rất quan trọng đối với sự phát triển và nở rộ của cuộc sống con người.
Theo một nghĩa nào đó, chúng ta vẫn luôn phụ thuộc vào cuộc sống của mình. Chúng ta luôn cần tình yêu và sự tương tác. Không ai có thể tự túc đến mức không cần một ai cả. Sự phụ thuộc của đứa trẻ kỳ diệu trong mỗi chúng ta cho phép chúng ta tạo dựng nên sự gắn kết và cam kết. Khi lớn lên, chúng ta muốn người khác cần đến mình. Tại một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển lành mạnh ấy, chúng ta phải nuôi dưỡng và chăm sóc cho chính cuộc sống này. Đây là thiên hướng tiến hóa của chúng ta. Việc cân bằng giữa sự phụ thuộc và không phụ thuộc là vô cùng quan trọng. Khi bị tổn thương do những nhu cầu phụ thuộc trong phát triển bị quên lãng, “đứa trẻ bên trong” chúng ta hoặc sẽ trở nên tách biệt và rút lui, hoặc sẽ lệ thuộc và bế tắc.
CẢM XÚC
Trẻ sơ sinh có hai trạng thái cảm xúc duy nhất là cười và khóc. Nhà nhân chủng học Ashley Montagu viết: “Việc trẻ em cười và cảm thấy mọi thứ đều hài hước là điều hoàn toàn tự nhiên cho dù những điều đó là thật, là tưởng tượng hay do chính chúng sáng tạo ra. Trẻ say mê truyện tranh”. Tính hài hước là một trong những nguồn tự nhiên sớm nhất và mạnh mẽ nhất của chúng ta. Các triết gia từ lâu đã chỉ ra rằng chỉ con người mới có “năng khiếu cười” (hay khả năng cười).
Khiếu hài hước có giá trị sinh tồn với chúng ta trong cuộc sống; cuộc sống sẽ dễ chịu đựng hơn khi chúng ta có khiếu hài hước. Là một nhà cố vấn, tôi luôn có thể đánh dấu thời điểm khách hàng của mình bắt đầu hồi phục và có cảm giác hài hước về bản thân họ. Họ không còn nghiêm trọng hóa về bản thân mình nữa.
Theo Montagu, trẻ em có khiếu hài hước từ khoảng 12 tuần tuổi. Nhìn vào khuôn mặt và đôi mắt của một em bé được yêu thương và chăm sóc, bạn sẽ thấy niềm vui tự nhiên này. Ngắm nhìn một nhóm trẻ em chơi đùa cùng nhau, bạn sẽ cảm thấy sự vui tươi, sảng khoái trong tiếng cười của chúng.
Niềm vui và sự phấn khích của một đứa trẻ có thể nhanh chóng bị tước đoạt. Nếu “đứa trẻ bên trong” người làm cha làm mẹ bị tổn thương, đánh mất tiếng cười thì họ cũng sẽ dễ khiến con cái mình như vậy. Họ sẽ khuyên con mình bằng những câu như: “Đừng cười quá lớn”, “Hãy dừng trò ồn ào đó lại”, “Đừng có khoa trương nữa”, “Chúng ta vui đủ rồi đấy”, v.v... Tôi thường tự hỏi tại sao mình luôn cảm thấy rất khó để cười vui, nhảy nhót hoặc ca hát đúng nghĩa. Tôi chỉ có thể làm được những việc đó khi uống say, còn khi tỉnh táo, cơ bắp của tôi như đông cứng lại.
Những đứa trẻ phải kìm nén khi đang cười và cảm thấy vui vẻ sẽ học cách để trở nên trầm ngâm và nghiêm khắc. Chúng thường sẽ trở thành những bậc cha mẹ, giáo viên hoặc nhà thuyết giáo cứng nhắc, những người không thể chịu đựng được sự phấn khích và tiếng cười lớn của trẻ em.
Đối lập với nụ cười là tiếng khóc. “Niềm vui của bạn chính là nỗi buồn được bộc lộ”, nhà thơ Kahlil Gibran đã nói với chúng ta như thế đó. “Nơi mà tiếng cười của bạn vang lên cũng chính là nơi đôi khi chứa đầy nước mắt.”
Con người là loài động vật duy nhất biết khóc (các loài động vật khác khóc nhưng nước mắt không tuôn rơi). Theo Ashley Montagu, việc khóc giúp chúng ta giải quyết những vấn đề về mặt tâm lý và xã hội giống như tiếng cười vậy. Nếu tiếng cười và niềm vui lôi cuốn chúng ta đến với người khác, thì tiếng khóc lại dẫn đến sự quan tâm và lòng trắc ẩn. Điều này chứa đựng giá trị sinh tồn đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Những tiếng cười sảng khoái và ríu rít của trẻ kéo chúng ta lại gần nhau hơn, tạo nên mối liên kết cộng sinh mà mọi trẻ sơ sinh đều cần đến. Những giọt nước mắt lại là tín hiệu cho thấy trẻ đau hay khó chịu, khiến chúng ta phải nâng đỡ và an ủi trẻ.
Là những biểu hiện cảm xúc có khả năng lôi kéo phản ứng từ người khác nên cười và khóc có lẽ đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của cộng đồng người ở mọi thời đại. Khóc đặc biệt đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của chúng ta, với tư cách là những sinh vật có lòng nhân ái. Montagu viết: “Được tự do khóc góp phần giúp con người sống khỏe mạnh và có xu hướng ảnh hưởng sâu sắc hơn đến lợi ích của người khác”.
Nếu cảm thấy xấu hổ vì khóc thì trẻ em đang bị tổn thương nghiêm trọng trong quá trình phát triển của mình. Trong hầu hết các gia đình, tiếng khóc của đứa trẻ chạm đến nỗi buồn mà “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của cha mẹ chưa giải quyết được. Phần lớn những bản thể trẻ em trong người lớn chúng ta đều đã từng phải kìm nén không được khóc.
Cha mẹ đã kìm nén tiếng khóc của con cái một cách có hệ thống với niềm tin rằng mình đang giúp cho con cái trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này hiển nhiên là quá sai lầm. Cuốn sách này sẽ chẳng còn cần thiết nữa nếu tất cả chúng ta được phép bày tỏ hết những giọt nước mắt của mình. Cái mà tôi gọi là kế hoạch “nỗi đau ban đầu” chủ yếu là việc trị liệu những nỗi đau buồn, chìa khóa để hồi sinh “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của bạn.
KIÊN CƯỜNG
Kiên cường là khả năng hồi phục sau những khó khăn do môi trường gây ra. Trẻ con bản chất rất kiên cường; càng trẻ thì con người càng kiên cường. Chỉ cần quan sát một đứa trẻ tập ăn hoặc tập đi là chúng ta sẽ nhận thấy rõ sự kiên cường của chúng. Tôi đã chứng kiến cô bé 20 tháng tuổi cố gắng đứng dậy trên chiếc ghế dài. Mỗi lần gần như làm được rồi thì cô bé lại ngã bổ chửng. Một vài lần cô bé đã khóc trong giây lát, sau đó lại bắt đầu tiếp tục với công việc dang dở ấy. Sau ít nhất năm lần thử, cô bé đã làm được và ngồi đó vài phút để tận hưởng thành quả của mình. Khi con chó to của tôi đi vào phòng, cô bé chăm chú quan sát rồi tụt khỏi ghế để đến xem xét sinh vật kỳ lạ này. Khi đến gần, con chó tinh nghịch húc nhẹ vào cô bé. Điều này làm cô bé rất khó chịu nên đã đánh bốp vào mũi con chó! Đây là một con vật có kích thước gấp ba lần mình nhưng cô bé vẫn vỗ vào mặt nó! Đó là lòng dũng cảm mà bằng bất kỳ cách nào bạn cũng nhìn ra. Quả thật, tất cả trẻ em đều can đảm. Người lớn chúng ta là những người khổng lồ so với bọn trẻ. Thay vì xem sự ngoan cường đó ở trẻ là hành vi sai trái hoặc hư đốn thì chúng ta nên xem đó là lòng can đảm. Trẻ em rất kiên cường và can đảm. Từ courageous – can đảm bắt nguồn từ từ cor – trái tim trong tiếng La-tinh. Trẻ em có trái tim và là những nhà thám hiểm vô cùng can đảm. Rudolf Dreikurs, nhà tâm lý học vĩ đại theo liệu pháp Adlerian tin rằng tất cả những đứa trẻ có hành vi sai trái đều không can đảm. Đánh mất trái tim, trẻ tin rằng mình phải thao túng người khác thì mới có thể đạt được những nhu cầu của mình.
Liên quan mật thiết đến tính kiên cường là tính linh hoạt trong hành vi, cho phép trẻ học các hành vi phù hợp để ứng phó với bất kỳ mô hình xã hội hóa nào mà trẻ tiếp xúc. Sự linh hoạt đó là một đặc tính riêng của con người, trái ngược với hầu hết các loài động vật và là một dấu hiệu lành mạnh rõ nét của sức khỏe tâm thần.
Tính kiên cường và linh hoạt tương tự cũng liên quan đến khả năng thích ứng của chúng ta theo những cách không lành mạnh. Tất cả những hành vi mà tôi đã chỉ ra ở “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương đều là những hành vi để thích ứng. Sự kiên cường và linh hoạt của “đứa trẻ bên trong” chúng ta cho phép trẻ sống sót sau những bệnh tật, rối loạn và bị bỏ mặc về mặt tình cảm. Nhưng thật không may là chúng ta đã phải sử dụng năng lượng năng động và kiên cường ấy của mình để sinh tồn thay vì để phát triển và thể hiện khả năng của bản thân.
Vì tính kiên cường là đặc tính cốt lõi trong con người thật sự của chúng ta nên có thể tìm lại nó nếu ta hồi sinh và bảo vệ “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương. Việc này cần nhiều thời gian vì đứa trẻ bị tổn thương phải học cách tin tưởng vào sự bảo vệ của bản thể người lớn chúng ta. Khi trẻ cảm thấy được bảo vệ và an toàn, điều kỳ diệu và khả năng phục hồi tự nhiên của trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện rồi sau đó sẽ nở rộ.
VUI CHƠI TỰ DO
Trẻ em nhận thức được tự do bằng bản năng và khi cảm thấy an toàn, trẻ sẽ hoạt động đầy tự do. Những đặc tính như tự do và tự phát hình thành nên cấu trúc của các trò chơi. Plato đã nhận thấy hình thái vui chơi thực sự mà trẻ em cần trong trò bật nhảy, một trò chơi liên quan đến việc thử nghiệm các giới hạn của trọng lực. Chơi tự do là cách một đứa trẻ vượt qua sự lặp lại của thói quen đơn thuần. Khi lớn lên, chúng ta thường đánh mất tính chất này của việc vui chơi và chuyển sang đánh giá nó là phù phiếm, nghĩa là đối với trẻ nhỏ thì không sao, nhưng với người lớn thì không nên. Trên thực tế, nhiều người lớn coi việc vui chơi là sự nhàn rỗi và sự nhàn rỗi được coi như điều không tốt, giống như cách ví von trong câu tục ngữ “Nhàn cư vi bất thiện”.
Thật không may, ở Hoa Kỳ chúng ta đã biến sự vui chơi tự do và không gò bó thành một hoạt động có mục đích thắng thua mạnh mẽ. Vui chơi tự do đích thực là một hoạt động của niềm vui và sự thích thú thuần túy. Trong các giai đoạn phát triển sau này, vui chơi tự do là để vui, để tạo ra kỹ năng và tinh thần thể thao nếu là chơi một trò chơi cụ thể nào đó.
Vui chơi tự do là một phần bản chất thiết yếu của chúng ta. Tất cả các loài động vật đều vui chơi nhưng hoạt động vui chơi ở trẻ em có phạm vi rộng hơn nhiều. Ashley Montagu viết: “Trò chơi của trẻ em là một bước nhảy vọt của trí tưởng tượng, vượt xa khả năng của bất kỳ sinh vật nào khác”. Trí tưởng tượng có một vai trò thiết yếu trong việc vui chơi của trẻ. Tôi nhớ những sáng tạo giàu trí tưởng tượng của mình khi còn nhỏ: Hầu hết chúng là những bước chuẩn bị cho cuộc sống trưởng thành, ở đó chúng ta đóng vai “người lớn” và tưởng tượng sẽ như thế nào khi trở thành người giống như bố mẹ.
Đối với trẻ em, vui chơi tự do là một công việc nghiêm túc, là một phần của nền tảng cho cuộc sống sau này. Có lẽ nếu được phép vui chơi an toàn và thoải mái như những đứa trẻ thì chúng ta đã không phải viện đến những trò chơi thiếu tính sáng tạo khi trưởng thành. Kiểu chơi đó thực ra là một sự thay thế cho nhu cầu không được đáp ứng của tuổi thơ và chồng chất những lối “chơi kiểu người lớn” tích tụ lại. Có lẽ bạn đã từng nhìn thấy miếng dán sau xe ô tô với dòng chữ “kẻ nào có nhiều đồ chơi nhất khi chết sẽ là kẻ chiến thắng”. Sự thay đổi trong cách chơi của trẻ em như vậy sẽ ngăn cản chúng ta nhìn cuộc sống như một cuộc phiêu lưu tự do và không gò bó.
Nếu xem thời thơ ấu là giai đoạn vui chơi tự do và sáng tạo, chúng ta có thể nhận ra rằng làm người là phải vui chơi. Những thành tựu vĩ đại nhất mà con người đạt được chính là “những bước nhảy vọt về trí tưởng tượng”, vốn là nguồn gốc tạo ra những phát minh, khám phá và lý thuyết vĩ đại nhất của chúng ta. Như Nietzsche đã từng nhận xét, để trưởng thành, chúng ta phải khôi phục lại cảm giác háo hức khi vui chơi mà ai cũng đã có lúc còn nhỏ.
DUY NHẤT
Dù chưa trưởng thành nhưng một đứa trẻ vẫn có cảm giác toàn vẹn của cơ thể, của một bản thể tôi nguyên vẹn. Nói cách khác, trẻ cảm thấy được kết nối và hợp nhất trong chính bản thân mình. Cảm giác về sự toàn vẹn, hợp nhất và hoàn chỉnh là ý nghĩa thực sự của tính hoàn hảo và theo nghĩa này, mọi đứa trẻ đều hoàn hảo.
Tính tổng thể hợp nhất cũng là điều khiến mỗi đứa trẻ trở nên đặc biệt, duy nhất và tuyệt vời. Chẳng có ai giống y hệt ai cả. Tính đặc biệt này khiến mọi đứa trẻ đều thực sự quý giá. Quý giá nghĩa là “quý hiếm và có giá trị”. Đá quý và vàng đều quý giá nhưng trẻ em còn quý giá hơn thế nhiều. Trẻ đã ý thức rất rõ ràng về điều này ngay từ khi mới sinh ra, như Freud đã gọi đó là “Đứa trẻ đáng tôn kính”.
Ý thức tự nhiên của trẻ về giá trị và phẩm giá của mình là rất nhất thời bởi nó đòi hỏi sự phản chiếu và lặp lại ngay lập tức từ người chăm sóc và nuôi dưỡng. Nếu người chăm sóc không phản ánh bằng tình yêu thương và đúng như con người thật của trẻ thì trẻ sẽ mất đi cảm giác đặc biệt và duy nhất về bản thân.
Theo bản năng tự nhiên, trẻ con cũng có tâm hồn. Trong hiểu biết của tôi, sự toàn vẹn và tâm hồn đồng nghĩa với nhau. Trẻ em là những nhà thần bí ngây thơ. Bài thơ của Christopher Morley chỉ ra: “Sự thần thánh diệu kỳ” của trẻ “vẫn được lưu giữ” nhưng đó là một tâm hồn ngây thơ và không phán xét. Sau này, nó sẽ là cốt lõi của một tâm hồn trưởng thành và biết suy nghĩ.
Tâm hồn kết nối với phần sâu nhất và chân thực nhất trong chúng ta, đó chính là con người thật của chúng ta. Khi ta có tâm hồn, ta sẽ tiếp cận được với sự độc đáo và duy nhất của mình. Đó là bản thể cơ bản của chúng ta hay chính là bản thể tôi. Tâm hồn cũng liên quan đến cảm giác kết nối và truyền đạt trong một điều gì đó lớn hơn chính chúng ta. Trẻ em là những tín đồ tự nhiên, chúng biết có điều gì đó vĩ đại hơn chính bản thân mình.
Niềm tin của tôi là bản thể tôi tạo nên tính thần thánh cốt lõi của chúng ta. Khi một người có ý thức về bản thể tôi này, anh ta là một với chính mình và đang tự chấp nhận bản thân. Trẻ em có điều này một cách tự nhiên. Nhìn vào bất kỳ đứa trẻ lành mạnh nào, bạn cũng sẽ thấy nó thực sự nói: “Tôi là chính tôi”. Điều thú vị là khi Đức Chúa trời hiện ra trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai, Ngài đã nói với Moses tên của mình là Ta là Đấng tự hữu (Xuất hành 3:14). Ý thức sâu sắc nhất về tâm hồn của con người chính là bản thể tôi này, nó hợp nhất những phẩm chất đáng giá, cao quý và đặc biệt. Kinh Tân Ước chứa đựng rất nhiều câu chuyện Chúa Giê-su tìm đến “kẻ duy nhất”: Con chiên đi lạc, đứa con hoang đàng, con người xứng đáng được hưởng phần thưởng đầy đủ ngay cả vào giờ khắc cuối cùng của cuộc đời. “Kẻ duy nhất” là người sống với chính con người thực của mình, người mà chưa bao giờ tồn tại trước đó và sẽ không bao giờ xuất hiện một lần nữa sau này.
Sự tổn thương trong tâm hồn lớn hơn bất cứ điều gì khác, khiến chúng ta trở thành những Người lớn nhưng bên trong trẻ con luôn lệ thuộc và mang trong mình nỗi hổ thẹn. Câu chuyện về sự gục ngã của mỗi người đàn ông và mỗi người phụ nữ chính là câu chuyện về một đứa trẻ tuyệt vời, có giá trị, cao quý, đặc biệt đã đánh mất ý thức rằng “Tôi là chính tôi”.
YÊU THƯƠNG
Trẻ em vốn có khuynh hướng yêu thương và tình cảm. Tuy nhiên, đứa trẻ trước hết phải được yêu thương thì mới có thể thương yêu được. Trẻ học cách yêu bằng cách được yêu. Montagu viết: “Trong tất cả các nhu cầu thuần túy của con người, nhu cầu được yêu thương là... cơ bản nhất… Đó là một nhu cầu nhân văn, vượt qua tất cả các nhu cầu khác để làm cho chúng ta trở thành con người”.
Không trẻ sơ sinh nào có khả năng yêu thương theo cách chín chắn và vị tha cả. Đúng hơn, trẻ yêu thương theo cách thức dành riêng cho lứa tuổi của mình. Sự phát triển lành mạnh của một đứa trẻ phụ thuộc vào người sẽ yêu thương và chấp nhận trẻ vô điều kiện. Khi nhu cầu này được đáp ứng, năng lượng yêu thương của trẻ sẽ được giải phóng giúp trẻ có thể yêu thương người khác.
Nếu không được yêu thương khi là chính mình, ý thức của trẻ về bản thể tôi sẽ bị cắt đứt. Bởi vì trẻ quá phụ thuộc, tính vị kỷ thái quá xuất hiện và con người thật của trẻ không bao giờ được bộc lộ ra. Những sự tàn phá mang tính trẻ con mà tôi gán cho “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương là hậu quả của sự thích nghi với bản thể này. Việc không được yêu thương vô điều kiện khiến đứa trẻ phải chịu đựng những thiếu thốn sâu sắc nhất. Chỉ những tiếng vọng yếu ớt từ thế giới của những người khác mới thực sự đến được với bản thể người lớn có “đứa trẻ bên trong” thiếu thốn và bị tổn thương. Nhu cầu tình yêu không bao giờ ngừng, cơn đói khát vẫn còn và “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương cố gắng lấp đầy khoảng trống này theo những cách mà tôi đã miêu tả.
Khi hồi sinh và nuôi dưỡng “đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương là bạn đang cho nó sự đón nhận tích cực, vô điều kiện mà nó khao khát. Điều đó sẽ giải phóng để đứa trẻ nhận ra và yêu thương người khác bởi chính con người thật của họ.
TỔN THƯƠNG TRONG TÂM HỒN
Tôi tin rằng tất cả những cách mà đứa trẻ kỳ diệu bị tổn thương có thể được tóm gọn lại là sự đánh mất bản thể tôi. Mọi đứa trẻ đều cần biết rằng (a) cha mẹ của mình khỏe mạnh và có thể chăm sóc mình và (b) mình rất quan trọng đối với cha mẹ.
Quan trọng có nghĩa là sự đặc biệt của đứa trẻ được phản chiếu trong con mắt của cha mẹ hoặc những người chăm sóc chính khác. Sự quan trọng cũng được thể hiện bằng lượng thời gian mà họ dành cho trẻ. Bằng trực giác trẻ biết được rằng mọi người dành thời gian cho những gì họ yêu thích, và biết rằng cha mẹ coi nhẹ con cái khi họ không có thời gian dành cho chúng.
Bất kỳ đứa trẻ nào từ một gia đình không hạnh phúc đều sẽ phải nhận vết thương tâm hồn này, đánh mất bản thể tôi ở một mức độ nào đó. Một người mẹ nghiện rượu và một người cha chịu tác động của việc đó sẽ không thể có thời gian ở bên cạnh con cái của mình. Người nghiện rượu thì chỉ quan tâm hấp thụ chất cồn còn người lệ thuộc thì bị ảnh hưởng bởi kẻ nghiện ngập kia. Ít nhất là họ không thể gần gũi với con cái về mặt tình cảm. Điều này cũng đúng khi mối quan hệ giữa bố và mẹ đang trong tình trạng đau khổ kéo dài, bao gồm cả nghiện làm việc hoặc hoạt động tôn giáo, rối loạn ăn uống, nghiện kiểm soát hay theo chủ nghĩa cầu toàn, hoặc mắc bệnh về tâm thần hoặc thể chất. Dù sự rối loạn đó là gì thì khi cha mẹ mải mê với những vấn đề cảm xúc của riêng mình, họ không thể ở bên cạnh con cái được. Bác sĩ tâm thần Karen Horney đã viết:
Thông qua nhiều tác động bất lợi, một đứa trẻ có thể không được phép phát triển theo nhu cầu và khả năng cá nhân của mình… Tóm lại, tất cả đều đi đến một thực tế rằng những người sống trong tình trạng như thế đều bị bó buộc thái quá trong chứng rối loạn thần kinh của mình khiến họ không thể yêu thương một đứa trẻ hoặc thậm chí không thể coi trẻ như một cá nhân cụ thể.
Sự thất vọng khi mong muốn được yêu thương như một cá nhân và mong muốn tình yêu thương của mình cũng được chấp nhận chính là tổn thương lớn nhất mà một đứa trẻ có thể trải qua.
Không một bậc cha mẹ nào trong một gia đình không ấm êm có thể cho con họ những gì nó cần vì bản thân họ cũng đang có quá nhiều nhu cầu mong được đáp ứng. Trên thực tế, hầu hết trẻ em từ các gia đình bất hạnh đã bị tổn thương nhiều nhất vào lúc chúng đang thiếu thốn nhất. Tôi nghĩ về Joshua, cậu bé có một người bố nghiện rượu. Năm 7 tuổi, Joshua không bao giờ biết liệu bố mình có về nhà hay không. Đến năm 10 tuổi, ông ấy đã bỏ rơi cậu cả về mặt tình cảm lẫn tài chính. Con trai cần có bố; để yêu thương mình như một người đàn ông, con trai cần tình yêu từ một người đàn ông. Con trai cần được gắn bó với một người đàn ông nhưng Josh không bao giờ có được mối quan hệ cha con này. Hầu như lúc nào cậu cũng đều sợ hãi và cảm thấy vô cùng bất an trong thân phận của một đứa trẻ không được bảo vệ. Người bố là đại diện cho sự bảo vệ. Thêm vào đó, mẹ của cậu lại căm ghét đàn ông một cách vô thức. Có đến ba lần trong bữa ăn tối, bà đã làm bẽ mặt Joshua bằng cách chế nhạo kích thước cậu nhỏ của cậu. Rõ ràng bà ấy nghĩ đây là một trò đùa và chế nhạo sự nhạy cảm thái quá của cậu. Đây là phần nam tính dễ bị tổn thương nhất của cậu. Thực sự là quá điên rồ khi coi kích thước của bộ phận sinh dục nam là một biểu tượng cho tính đàn ông trong văn hóa của chúng ta. Đây là một cậu bé mong muốn một cách tuyệt vọng được khẳng định bản lĩnh đàn ông của mình, bị phản bội bởi chính người thân quan trọng duy nhất mà cậu có. Mẹ của cậu, một nạn nhân của sự loạn luân chưa được điều trị, đã thể hiện sự khinh miệt và căm giận sâu cay đối với đàn ông lên con trai mình.
LẠM DỤNG TÌNH DỤC, BẠO HÀNH VỀ THỂ CHẤT VÀ CẢM XÚC
Lạm dụng tình dục
Khi bị người lớn sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục, tức là đứa trẻ bị lạm dụng tình dục. Điều này khiến trẻ nghĩ mình chỉ có giá trị duy nhất là quan hệ tình dục với người lớn. Hậu quả của việc xâm hại đó là đứa trẻ lớn lên tin rằng mình nhất định phải làm một người bạn tình tuyệt vời hoặc hấp dẫn về mặt tình dục thì mới được người khác thực sự quan tâm. Có nhiều hình thức lạm dụng tình dục, trong đó các hình thức phi thân thể thường bị hiểu sai nhiều nhất và có thể có tác động điên rồ nhất.
Để hiểu rõ ràng về lạm dụng tình dục phi thân thể hay lạm dụng tình dục về mặt cảm xúc, chúng ta cần hiểu rằng gia đình là một hệ thống xã hội được chi phối bởi những quy tắc của chính nó. Các quy tắc quan trọng nhất của hệ thống gia đình là: (1) Phản ánh sự tương quan giữa các thành viên, chứ không phải bởi từng thành viên riêng lẻ. (2) Hoạt động theo nguyên tắc cân bằng, do đó, nếu một thành viên mất cân bằng thì thành viên khác sẽ hỗ trợ. Ví dụ, một người bố say xỉn, vô trách nhiệm có thể được cân bằng bởi một người mẹ không bao giờ uống bia rượu và vô cùng có trách nhiệm; một người vợ hay nổi giận, quá khích có thể được bù lại bởi một người chồng điềm đạm, ôn hòa, ăn nói nhẹ nhàng. (3) Được điều chỉnh bởi các quy tắc sẽ mềm dẻo và cởi mở thay vì không lành mạnh, cứng nhắc và thiếu linh hoạt. (4) Giữ cân bằng các nhu cầu của mình, linh hoạt và chia sẻ các vai trò, thay vì khắt khe và cứng nhắc.
Hôn nhân cũng góp phần cấu thành nên hệ thống gia đình. Vì thế khi hôn nhân có các yếu tố rối loạn, nguyên tắc cân bằng và hỗ trợ là vô cùng cần thiết. Nếu không, con cái sẽ phải “bù đắp”. Nếu bố không hài lòng với mẹ, bố có thể tìm đến con gái để được bù đắp về tình cảm. Con gái có thể trở thành búp bê hoặc cô công chúa bé bỏng của bố. Con trai có thể thay thế cho bố, trở thành người đàn ông bé nhỏ và quan trọng của mẹ. Có rất nhiều biến thể, và chúng không bị giới hạn bởi giới tính. Một cô con gái có thể trở thành người chăm sóc của mẹ thay cho bố, và một cậu con trai cũng có thể thay mẹ đóng vai trò như người bạn đời chia sẻ tình cảm với bố. Trong mọi trường hợp, một liên kết dọc hoặc giữa các thế hệ được thiết lập. Những đứa trẻ ở đó để lo toan cho cuộc hôn nhân của cha mẹ và bù đắp nỗi cô đơn ở họ. Thường thì người bố hoặc người mẹ sẽ không quan hệ tình dục nữa nhưng nhu cầu tình dục của họ vẫn còn đó. Trẻ có thể cảm thấy không thoải mái với những cái hôn hoặc sự đụng chạm khó hiểu từ bố mẹ. Theo quy tắc kinh nghiệm thì bất cứ khi nào trẻ trở nên quan trọng với bố/mẹ hơn vợ/chồng của bố/mẹ thì khả năng lạm dụng tình dục về mặt cảm xúc sẽ dễ tồn tại. Điều này cấu thành hành vi lạm dụng của bố mẹ đối với trẻ. Hành vi như vậy là đảo ngược trật tự của tự nhiên. Bố mẹ cần cho con cái thời gian, sự chú ý và định hướng chứ không phải dùng chúng để khỏa lấp nhu cầu của bản thân.
Xâm phạm tình dục gây ra vết thương tinh thần khủng khiếp hơn bất kỳ loại ngược đãi nào khác. Gần đây, chúng ta đã hiểu về vi phạm tình dục theo những cách mới. Những câu chuyện kinh hoàng liên quan đến sự xâm phạm thân thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Giờ chúng ta đã hiểu biết hơn rất nhiều về tác động của chứng phô dâm và thị dâm trong gia đình. Yếu tố quan trọng trong những kiểu lạm dụng như thế dường như nằm ở tình trạng nội tại của các bậc cha mẹ, nghĩa là có thể do họ bị kích thích bởi sự khỏa thân của chính mình hoặc bằng cách nhìn vào cơ thể của con mình.
Rất nhiều vụ xâm phạm tình dục trong gia đình xuất phát từ sự xâm phạm ranh giới. Trẻ có thể không có nơi nào riêng tư và an toàn cả. Có lẽ bố mẹ đã xông vào phòng tắm khi trẻ đang đi vệ sinh. Họ có thể tra hỏi trẻ không ngừng về mọi chi tiết trong đời sống tình dục của trẻ. Trẻ nhỏ có thể bị ép buộc phải cúi xuống và chịu đựng việc thụt rửa chỗ kín không cần thiết.
Sự xâm hại tình dục cũng xuất phát từ việc bố mẹ thiếu ranh giới giới tính phù hợp với con cái của mình. Điều này thường được biểu hiện thông qua những lời nhận xét và thảo luận không phù hợp. Shirley, khách hàng của tôi thường không thoải mái khi ở cạnh bố của mình. Ông ấy thường xuyên vỗ nhẹ vào mông cô và nói về “cặp mông gợi cảm” rồi ước mình ở độ tuổi thích hợp để có được “một phần của cô”. Shirley đã rất buồn vì những nhận xét như vậy. Sau này, cô đã tìm đến những người đàn ông lớn tuổi hơn mình, những người đã bị mông của cô kích thích.
Mẹ của Lolita đã chia sẻ đời sống tình dục của mình với con gái. Bà nói rằng bố cô là một người tình tệ hại như thế nào và kích cỡ bộ phận sinh dục của ông ấy nhỏ ra sao. Bằng cách biến cô trở thành “em gái”, bà đã vi phạm nghiêm trọng ranh giới của con gái mình. Lolita đã bị mẹ lôi kéo đến mức cô không có bản sắc tình dục của riêng mình. Cô trải qua nhiều cuộc tình với những người đàn ông đã có gia đình nhưng cuối cùng cô luôn từ chối quan hệ tình dục với họ và bỏ họ. Cô nói rằng để đạt được cực khoái, cô phải tưởng tượng rằng mình chính là mẹ!
Một hình thức lạm dụng tình dục khác bắt nguồn từ việc thiếu sự chỉ dẫn của bố mẹ về tình dục. Bố mẹ của June không cung cấp cho cô bất cứ thông tin gì về giới tính của chính cô. Khi bắt đầu có kinh nguyệt, cô đã vô cùng hoảng sợ vì cho rằng mình đã mắc bệnh nặng.
Việc xâm hại tình dục cũng có thể đến từ anh chị ruột. Quy tắc kinh nghiệm ở đây là khoảng cách 2 tuổi giữa các anh chị em. Việc trẻ em cùng tuổi thường tham gia khám phá tình dục là bình thường trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ thực hiện hành vi không phù hợp trong mức độ hiểu biết ở lứa tuổi của mình đối với một đứa trẻ bằng tuổi khác, thì có thể coi đó là một dấu hiệu cho thấy đứa trẻ tấn công đã từng bị xâm hại và giờ đang xâm hại tình dục một đứa trẻ khác.
Hãy xem xét trường hợp của Sammy, người bị chính bạn thân nhất cùng tuổi của mình “giao cấu” nhiều lần lúc cả hai được 6 tuổi rưỡi. Hóa ra người bạn thân nhất của cậu bé đã từng bị một người chú xâm hại qua đường hậu môn. Rồi người bạn đó đã tái hiện hành động ngược đãi ấy với Sammy.
Con cái tin tưởng vào cha mẹ và sẽ tạo ra những kết nối trong tưởng tượng để duy trì niềm tin đó. Tôi đã phủ nhận và tự lừa dối mình trước một cái kết cay đắng rằng người cha nghiện rượu của tôi thực sự yêu thương tôi. Tôi đã tưởng tượng rằng ông ấy thực sự đã nghĩ về tôi rất nhiều nhưng chỉ vì ông ốm yếu quá nên không có thời gian để yêu thương tôi mà thôi. Không ai thích bị lợi dụng cả. Khi trưởng thành, khi biết mình đã bị lợi dụng, chúng ta sẽ rất tức giận. Trẻ em không thể biết mình đang bị lợi dụng nhưng “đứa trẻ bên trong” sẽ mang theo vết thương lòng này. Khi bị lạm dụng tình dục, chúng ta cảm thấy mình không đáng yêu như thực tế và trở nên ghét tình dục hoặc nghiện tình dục để cảm thấy mình quan trọng.
Bạo hành thể chất
Bạo hành thể chất cũng gây ra những tổn thương trong tâm hồn. Đứa trẻ bị đánh đập, bị vặn cổ, bị bắt phải lựa chọn dụng cụ để tra tấn chính mình thật khó có thể tin tưởng rằng mình là người đặc biệt, tuyệt vời và duy nhất. Làm sao trẻ có thể làm được việc đó trong khi bản thân đang bị hành hạ thể chất bởi chính người chăm sóc mình? Hình phạt về thân thể cắt đứt sợi dây kết nối cá nhân với cha mẹ. Hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu người thân thiết nhất của bạn bước đến và tát vào mặt bạn.
Chúng ta không thể biết được có bao nhiêu gia đình tồn tại vấn nạn bạo hành bởi những số liệu thống kê đó được giấu kín trong các phòng cấp cứu của bệnh viện, dưới sự xấu hổ của gia đình và trên hết là nỗi hoảng sợ rằng mình sẽ bị tổn thương nhiều hơn nữa nếu nói ra.
Đánh đập phụ nữ và trẻ em là một truyền thống rất phổ biến từ ngày xưa. Chúng ta vẫn tin vào nhục hình. Ngay bản thân tôi cách đây ba năm vẫn bào chữa cho hành vi ấy bằng một hình thức giảm nhẹ. Không có bằng chứng xác thực nào chứng minh rằng đòn roi và trừng phạt thân thể không để lại hậu quả lâu dài cả. Chỉ ở một khía cạnh biến thái nào đó thì đứa trẻ mới có thể tin rằng mình có giá trị hơn khi bị đánh đập, tát hoặc bị đe dọa. Hơn nữa, trẻ em chứng kiến sự bạo hành cũng là nạn nhân của sự bạo hành. Tôi vẫn còn cảm nhận được phản ứng vật lý trong cơ thể khi nghĩ về người bạn Marshall của mình. Tôi đã chứng kiến một nữ tu ở trường tiểu học của chúng tôi tát vào mặt cậu ấy ít nhất cả chục cái; rõ ràng, bà ấy đã mất kiểm soát. Marshall là một đứa trẻ cứng đầu và chắc chắn cần được chỉ bảo. Bố của cậu ấy là một kẻ nghiện rượu đầy bạo lực thường xuyên đánh đập con mình. Nhưng tôi nhớ rất rõ khi ngồi đó, mặt tôi nhăn lại trước mỗi cái tát của nữ tu, và hiểu rằng điều này cũng có thể xảy ra với mình. Bất kỳ trường học nào cho phép trừng phạt về thân thể đều tiềm ẩn nguy cơ giáo viên bị mất kiểm soát khi thực hiện hình thức ngược đãi này.
Tôi sẽ không bao giờ quên được cái đêm ba mươi năm sau đó, khi Marshall gọi điện cho tôi từ khu giam giữ tại bệnh viện V.A để cầu xin tôi giúp cậu ấy cai rượu. Đứa trẻ đẹp đẽ đã đến thế giới này với cảm giác đặc biệt, độc nhất và không thể thay thế nay đâu rồi?
Bạo hành cảm xúc
Bạo hành cảm xúc cũng khiến cho tinh thần bị tổn thương. La hét và quát mắng chính là xâm hại ý thức của trẻ về giá trị bản thân. Những bậc cha mẹ hay mắng con cái là “ngu ngốc”, “ngớ ngẩn”, “điên rồ”, “khốn nạn”, v.v... sẽ khiến trẻ bị tổn thương bằng từng lời nói. Bạo hành về cảm xúc cũng thể hiện trong tính cứng nhắc, cầu toàn và thích kiểm soát. Chủ nghĩa cầu toàn tạo ra cảm giác hổ thẹn sâu sắc rất có hại. Cho dù bạn có làm gì thì bạn cũng vẫn không thể nào đáp ứng được sự mong đợi. Lợi dụng cảm giác hổ thẹn này nên nhiều gia đình sử dụng chủ nghĩa cầu toàn, sự kiểm soát và đổ lỗi như những quy tắc để ép buộc trẻ. Mọi điều bạn nói, bạn làm, bạn cảm thấy hay bạn nghĩ đều không đúng. Bạn không nên cảm thấy những gì bạn đang cảm thấy, ý tưởng của bạn thực sự điên rồ, còn ham muốn của bạn đúng là ngu ngốc. Mọi người liên tục thấy bạn sai sót và lầm lỗi.
NGƯỢC ĐÃI NƠI HỌC ĐƯỜNG
Sự chế nhạo độc hại vẫn tiếp tục diễn ra khi bạn đến tuổi đi học. Bạn ngay lập tức bị đánh giá và xếp loại. Bạn phải thi đua để thể hiện mình ổn. Trẻ em thường bị gọi lên trước bục giảng và bị chế giễu công khai. Bản thân việc chấm điểm cũng là một hình thức để chế nhạo. Gần đây tôi có an ủi con trai của một người bạn khi thằng bé chỉ đạt điểm F cho bức tranh mà nó đã vẽ vào ngày đầu tiên ở trường.
Trường học cũng là môi trường cho phép sự chế nhạo giữa bọn trẻ với nhau. Những đứa trẻ trở nên rất tàn nhẫn trong việc trêu chọc những bạn khác. Khóc lóc được coi là đặc biệt nhục nhã. Cùng với sự chế nhạo trong nhóm bạn bè, trường học có thể trở thành nơi trói buộc kép đối với nhiều trẻ em. Trẻ bị bố mẹ và thầy cô thúc giục phải học tốt và chăm chỉ nhưng khi học tốt thì lại bị những đứa trẻ khác đem ra làm trò cười.
Trong trường lớp, chúng ta bắt đầu nhận thức được những điều như nguồn gốc dân tộc và địa vị kinh tế xã hội. Những người bạn Do Thái của tôi đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện đau lòng mà họ phải trải qua khi là người Do Thái. Trường học cũng là nơi mà nhiều trẻ em da đen được cho là “nói không đúng”. Khi tôi đi học ở Texas, trẻ em Mexico vẫn bị phạt vì nói tiếng “mẹ đẻ” trong trường.
Tôi nhớ lại cảm giác xấu hổ của chính bản thân mình vì gia đình tôi không có xe hơi, tôi phải đi bộ đến trường và sau này phải đi học bằng xe buýt. Điều này càng trở nên trầm trọng bởi tôi đang theo học ở một ngôi trường mà hầu hết bọn trẻ đều xuất thân từ những gia đình giàu có. Ở tuổi đi học, trẻ em nhận thức rất nhanh về địa vị xã hội.
NGƯỢC ĐÃI TRONG NHÀ THỜ
Một đứa trẻ cũng có thể bị chế nhạo trong buổi học giáo lý Chủ nhật hoặc buổi lễ nhà thờ khi nghe giảng về lửa hỏa ngục. Gần đây tôi có nghe thấy một nhà thuyết giáo trên ti-vi nói: “Bạn không đủ tốt đẹp để có thể được chấp nhận trong mắt của Chúa”. Thật là một sự sỉ nhục khủng khiếp đối với Đức Chúa trời. Nhưng làm sao một đứa trẻ có thể hiểu rằng người đàn ông này đang che đậy sự xấu hổ của chính mình bằng những lời nói nhiếc móc độc ác như thế? Tôi vẫn nhớ rằng mình đã được dạy lời cầu nguyện của Thánh nữ Catarina Thành Genoa hồi tiểu học: “Gắng gượng rời khỏi cuộc sống bất hạnh bằng tiếng khóc đau thương sâu sắc. Tôi chết vì tôi không chết”. Đó quả là những tiếng rì rầm nho nhỏ vui vẻ để bắt đầu một ngày mới! Đây là lời cầu nguyện của nhà thần bí có ý nghĩa ở cấp độ tâm linh cao nhất nhưng đối với học sinh lớp năm, nó lại gây ra một vết thương tinh thần.
SỰ CHẾ NHẠO VỀ VĂN HÓA
Văn hóa có một khả năng đặc biệt hoàn hảo để làm tổn thương tinh thần của chúng ta. Chúng ta có những số 10 hoàn hảo. Nào là những người đàn ông với kích thước của quý lớn, nào là những phụ nữ có vòng ngực to và bộ mông săn chắc. Nếu của quý của bạn không to thì đồng nghĩa với việc bạn bị coi là kém cỏi. Tôi vẫn nhớ cảm giác tổn thương khi tắm trong phòng thay đồ sau buổi tập bóng đá. Những đứa con trai to lớn sẽ trêu chọc những đứa bé hơn và lôi chúng ra làm trò cười. Tôi đã cầu nguyện rằng bọn chúng sẽ không chọn mình. Tôi cười trong lo lắng và đã hùa theo khi bọn chúng bắt đầu trò đùa với một người khác.
Tôi cũng nhớ những đứa trẻ to béo, xấu xí và việc đến trường trở thành cơn ác mộng mỗi ngày với chúng. Hay những đứa trẻ vụng về, yếu đuối đều bị chế nhạo vào giờ giải lao và trong các trò chơi.
Những trải nghiệm như thế để lại cho ta vết sẹo đến suốt đời. Lớn lên trong nghèo khó nên đến giờ tôi vẫn cảm thấy xấu hổ mỗi khi bước vào một câu lạc bộ đồng quê hoặc bất kỳ nơi nào khác tương tự như thế. Thường thì tôi biết rằng mình khá giả hơn những người xung quanh nhưng tôi vẫn cảm thấy sự xấu hổ độc hại về văn hóa ấy.
Trẻ em nhận ra từ rất sớm rằng trong cuộc sống có những khác biệt thực sự về địa vị kinh tế và xã hội giữa bản thân và bạn bè. Trẻ nhận thức sâu sắc về phong cách ăn mặc và những khu dân cư giàu có. Áp lực đồng trang lứa ở phương diện này ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi năm tháng trôi qua. Luôn có thước đo giá trị của bạn trong khi hầu như lúc nào bạn cũng không đủ tiêu chuẩn. Thông điệp luôn là: Con người thật của bạn không ổn. Bạn phải sống theo cách mà chúng tôi muốn.
CẢM GIÁC XẤU HỔ ĐỘC HẠI
Tất cả những kiểu lạm dụng này đều gây ra cảm giác xấu hổ độc hại, cảm giác sai sót, thấp kém và không bao giờ đạt yêu cầu cả. Cảm giác xấu hổ độc hại còn tồi tệ hơn cảm giác tội lỗi. Cảm giác tội lỗi là khi bạn đã làm sai điều gì đó nhưng bạn có thể sửa chữa được, nghĩa là bạn có khả năng làm gì đó để giải quyết nó. Nhưng cảm giác xấu hổ độc hại là khi có điều gì đó không ổn với bạn, bạn không thể làm gì để thay đổi nó cả, bạn sai lầm và thiếu sót. Cảm giác xấu hổ độc hại chính là cốt lõi tận cùng của “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương.
Từ bài thiền có ảnh hưởng mạnh mẽ được viết đầu tiên bởi Leo Booth, tôi đã điều chỉnh lại và thêm vào đó một số khía cạnh của cảm giác xấu hổ độc hại được chỉ ra trong cuốn sách Bradshaw On: Healing the Shame That Binds You(tạm dịch: Cùng Bradshaw xóa bỏ cảm giác xấu hổ đang trói buộc bạn). Tôi muốn chia sẻ nó với bạn ở đây.
Tên tôi là xấu hổ độc hại
Tôi đã ở đó trong quan niệm của bạn
Trong giao cảm của sự xấu hổ nơi mẹ bạn
Bạn cảm thấy tôi trong khối nước ối, nơi bào thai của mẹ bạn
Tôi đến với bạn trước cả khi bạn biết nói
Trước cả khi bạn có thể hiểu
Trước khi bạn có bất kỳ nhận thức nào
Tôi đến gặp bạn khi bạn đang tập đi
Khi bạn không được bảo vệ và đầy nguy hiểm
Khi bạn dễ bị tổn thương và thiếu thốn
Trước khi bạn có bất kỳ ranh giới nào
TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI.
Tôi đến gặp bạn khi bạn là một điều kỳ diệu
Trước khi bạn có thể nhận ra tôi ở đó
Tôi đã cắt đứt linh hồn của bạn
Tôi đâm xuyên qua tâm can bạn
Tôi đã mang đến cho bạn cảm giác sai lầm và thiếu sót
Tôi đã mang đến cho bạn cảm giác không tin tưởng, xấu xí, ngu ngốc, hoài nghi,
vô dụng, thấp kém và không xứng đáng
Tôi đã khiến cho bạn cảm thấy mình khác biệt
Tôi đã nói rằng có điều gì đó không ổn với bạn
Tôi đã làm vấy bẩn tâm hồn thánh thiện của bạn
TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI.
Tôi tồn tại trước cả lương tri
Trước cả tội lỗi
Trước cả đạo đức
Tôi là chủ cảm xúc
Tôi là tiếng nói bên trong thì thầm những lời lên án
Tôi là cơn chấn động trong tâm trí bạn không thể chuẩn bị tinh thần từ trước
TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI.
Tôi sống trong bí mật
Bên rìa ẩm ướt của bóng tối,
của sự trầm cảm và tuyệt vọng
Luôn lén theo dõi bạn, khiến bạn mất cảnh giác để tấn công bạn từ phía sau
Không được mời không được mong đợi
Tôi là người đầu tiên xuất hiện
Ở đó vào thời khắc khởi đầu
Với cha Adam, mẹ Eva
Với người anh Cain
Tôi đã ở trong ngọn tháp Babel, làm kẻ tàn sát những người vô tội
TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI.
Tôi đến từ những người chăm sóc “không biết xấu hổ”, bị bỏ rơi, chế giễu, lạm dụng, thờ ơ
Tôi được tiếp thêm sức mạnh bởi những cơn thịnh nộ kinh hoàng từ cha mẹ
Những lời nhận xét tàn nhẫn của anh chị em
Sự sỉ nhục giễu cợt của những đứa trẻ khác
Sự phản chiếu xấu xí từ những kẻ làm gương
Từ những cái động chạm ghê tởm và đáng sợ
Cái tát, cái cấu véo, cái giằng co làm tan vỡ lòng tin
Tôi mạnh mẽ hơn bởi
Văn hóa phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính
Sự lên án chính nghĩa của những kẻ mang lòng tin mù quáng vào tôn giáo
Nỗi sợ hãi và áp lực của trường học
Tính đạo đức giả của các chính trị gia
Sự xấu hổ suốt nhiều thế hệ trong những gia đình bất hạnh
TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI.
Tôi có thể biến đổi một người phụ nữ, một người Do Thái, một người da đen, một người đồng tính, một người phương Đông, một đứa trẻ yêu quý thành một con điếm, một tên Do Thái, một kẻ mọi đen, một con bò đực, một tên bóng, một tên khựa, một thằng con hoang ích kỷ.
Tôi mang một nỗi đau dai dẳng
Một nỗi đau sẽ chẳng nguôi ngoai
Tôi là thợ săn rình rập bạn ngày đêm
Ở khắp mọi nơi
Tôi không có ranh giới
Bạn cố gắng trốn tránh tôi
Nhưng bạn không thể
Bởi vì tôi sống bên trong bạn, tôi làm cho bạn cảm thấy tuyệt vọng như thể không có lối thoát
TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI.
Nỗi đau của tôi không thể chịu đựng được đến nỗi bạn phải chuyển tôi cho người khác bằng sự kiểm soát, cầu toàn, xúc phạm, chỉ trích, đổ lỗi, ghen tị, phán xét, quyền lực và cơn thịnh nộ.
Nỗi đau của tôi dữ dội đến nỗi
Bạn phải che giấu tôi bằng những cơn nghiện, những vai diễn cứng nhắc, sự tái hiện và phòng vệ bản ngã trong vô thức.
Nỗi đau của tôi dữ dội đến nỗi
Bạn bị tê liệt và không còn cảm nhận được sự hiện diện của tôi nữa.
Tôi khiến bạn tin rằng tôi đã biến mất, rằng tôi không tồn tại khiến cho bạn phải cảm nhận sự thiếu vắng và trống rỗng.
TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI.
Bản chất của tôi là sự lệ thuộc
Là làm cho tâm hồn suy sụp
Là logic của những điều ngớ ngẩn
Là sự tái hiện bắt buộc
Tôi là tội phạm, bạo lực, loạn luân, hiếp dâm
Tôi là cái miệng phàm ăn gây ra mọi cơn nghiện
Tôi là kẻ ham muốn vô độ
Tôi là Ahaverus, kẻ Do Thái lang thang, là người Hà Lan bay trong truyện của Wagner, người đàn ông dưới lòng đất của nhà văn Dostoyevski, kẻ mị tình của Kierkegaard, tiến sĩ Faust của đại văn hào Goethe
Tôi biến con người thật của bạn thành điều bạn làm và bạn có
Tôi giết chết tâm hồn của bạn còn bạn lại truyền tôi qua nhiều thế hệ
TÊN CỦA TÔI LÀ XẤU HỔ ĐỘC HẠI.
Bài thiền này tóm lược những cách thức mà đứa trẻ tuyệt vời trong chúng ta bị tổn thương. Đánh mất đi bản ngã chính là đánh mất đi tâm hồn. Đứa trẻ kỳ diệu bị bỏ rơi và đơn độc một mình. Như Alice Miller viết trong For Your Own Good (tạm dịch: Vì lợi ích của chính bạn) thì điều đó còn tồi tệ hơn cả việc trở thành kẻ sống sót trong trại tập trung.
Ở trại tập trung, các tù nhân bị ngược đãi... trong thâm tâm được tự do căm ghét những kẻ bắt bớ họ. Cơ hội để trải nghiệm những cảm xúc của riêng mình, họ thậm chí chia sẻ chúng với các tù nhân khác, giúp họ không phải từ bỏ bản ngã của chính mình... Cơ hội này không dành cho những đứa trẻ. Chúng không được ghét bỏ cha mình... chúng không thể căm ghét ông ấy. Chúng sợ mất đi tình yêu của ông ấy... Thế nên, không giống như các tù nhân khác trong trại tập trung, bọn trẻ phải đối mặt với kẻ hành hạ mà chúng yêu quý.
Đứa trẻ tiếp tục sống trong sự dằn vặt, đau khổ tới mức bất lực hoặc chỉ trích, ngược đãi người khác, ngược đãi chính mình, tự định hướng và thể hiện bản thân theo những cách duy nhất mà chúng biết. Hồi sinh đứa trẻ đó chính là giai đoạn đầu tiên trong hành trình trở về nguồn cội của chúng ta.
TRUYỆN NGỤ NGÔN
Bi kịch của một yêu tinh nhân hậu
Ngày xửa ngày xưa có một yêu tinh rất nhân hậu. Chàng là một yêu tinh rất hạnh phúc. Chàng thông minh, hiếu kỳ và biết mọi bí mật của cuộc sống. Ví như chàng biết rằng yêu thương là một sự lựa chọn; rằng yêu thương đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn; rằng yêu thương là con đường duy nhất. Chàng cũng biết rằng mình có thể làm những việc thần thông và phép thuật độc đáo của chàng được gọi tên là sự sáng tạo. Chàng yêu tinh nhỏ hiểu rằng chỉ cần mình thực sự sáng tạo thì sẽ không có bạo lực. Và chàng biết một bí mật lớn hơn tất thảy, rằng mình là người có giá trị chứ không phải là kẻ vô dụng. Chàng biết mình đang tồn tại và bản thể tồn tại đó là tất cả. Đây được gọi là bí mật của “bản thể tôi”. Người tạo ra tất cả các yêu tinh khác chính là bản thể tôi vĩ đại. Bản thể tôi vĩ đại đã luôn và sẽ luôn như vậy. Không ai biết làm thế nào hay tại sao điều này lại đúng. Bản thể tôi vĩ đại luôn hết lòng yêu thương và sáng tạo.
Một bí mật rất quan trọng khác là sự cân bằng. Bí mật của sự cân bằng là toàn bộ cuộc sống này bao gồm những mặt đối lập kết hợp chặt chẽ với nhau. Sự sống sẽ không tồn tại nếu không có xác chết; không có muộn phiền thì sẽ không có niềm vui; phải có đau thương mới có sung sướng; ánh sáng không thể tồn tại nếu thiếu bóng tối; âm thanh luôn đi cùng với sự im lặng; điều tốt song hành với điều xấu xa. Sự lành mạnh thật sự là một hình thức của sự trọn vẹn mà sự trọn vẹn chính là sự thánh thiện. Bí mật lớn lao của sự sáng tạo chính là cân bằng được năng lượng sáng tạo tự do bị phân tán với một hình thức cho phép năng lượng đó tồn tại.
Một ngày nọ, chàng yêu tinh nhân hậu của chúng ta có tên là Joni, được trao cho một bí mật khác. Bí mật này khiến chàng đôi chút sợ hãi. Chàng phải thực hiện một nhiệm vụ trước khi có khả năng sáng tạo mãi mãi. Chàng phải chia sẻ các bí mật mà mình biết với một bộ tộc hung dữ không phải yêu tinh. Bạn thấy đấy, cuộc sống yêu tinh tốt đẹp và tuyệt vời đến mức cần phải được chia sẻ với những ai chưa biết. Lòng tốt thì luôn tự lan tỏa và chia sẻ. Vậy nên, mỗi yêu tinh được phái đến một gia đình của bộ tộc hung dữ. Bộ tộc không phải yêu tinh kia tên là Snamuh. Người Snamuh chẳng biết bí mật nào. Họ thường lãng phí sinh mệnh của mình. Họ làm việc không ngừng và dường như chỉ cảm thấy được sống khi đang làm một việc gì đó. Một số yêu tinh gọi họ là cỗ máy làm việc. Họ cũng giết hại lẫn nhau và tham gia vào những cuộc chiến. Đôi khi tại các sự kiện thể thao và âm nhạc, họ giẫm đạp lên nhau đến chết.
Joni vào gia đình Snamuh ngày 29 tháng 6 năm 1933, lúc 3 giờ 5 phút sáng. Chàng không biết ở đó có gì đang chờ đón mình. Chàng cũng không biết rằng mình sẽ phải sử dụng hết khả năng sáng tạo để có thể nói ra những bí mật với họ.
Khi sinh ra, chàng mang họ Snamuh với tên gọi Farquhar. Mẹ chàng là một công chúa 19 tuổi xinh đẹp rất say mê thể hiện. Bà bị một lời nguyền kỳ lạ là giữa trán của bà có một chiếc bóng đèn neon. Bất cứ khi nào bà định đùa giỡn, vui chơi thì đèn sẽ nhấp nháy và một giọng nói sẽ cất lên: “Hãy làm nhiệm vụ của mình đi”. Bà không bao giờ có thể làm được điều gì hoặc được sống là chính mình cả. Cha của Farquhar là một vị vua thấp bé nhưng điển trai. Ông cũng dính phải một lời nguyền là bị ám ảnh bởi Harriet, người mẹ phù thủy độc ác của mình. Bà ta sống trên vai trái của ông. Bất cứ lúc nào ông cố gắng để được là chính mình, bà ta sẽ gào thét và la hét ầm ĩ. Harriet luôn bảo ông phải làm việc này việc kia.
Để Farquhar có thể nói cho cha mẹ và những người khác biết bí mật của mình, họ cần phải im lặng và ngừng làm việc đủ lâu để có thể nhìn và nghe thấy chàng. Họ không thể làm được; mẹ chàng thì bị bóng đèn kiểm soát còn cha chàng lại bị Harriet khống chế. Ngay từ khi chào đời, Farquhar đã chịu cảnh đơn độc. Vì mang cơ thể của một Snamuh nên chàng cũng có những cảm xúc của một Snamuh. Và khi bị bỏ mặc như thế, chàng cũng cảm thấy tức giận, thất vọng và tổn thương sâu sắc.
Ở đây, chàng là một yêu tinh tốt bụng, người biết những bí mật tuyệt vời của bản thể tôi nhưng không một ai chịu lắng nghe chàng cả. Những điều chàng cần nói chính là lẽ sống nhưng cha mẹ chàng quá bận rộn với nhiệm vụ của mình, họ không thể học gì từ chàng cả. Thực tế thì cha mẹ rất bối rối, họ cứ nghĩ rằng việc của họ là dạy dỗ Farquhar thực hiện nghĩa vụ của chàng. Bất cứ khi nào chàng không làm đúng những gì họ cho là nghĩa vụ của chàng, họ sẽ trừng phạt chàng. Đôi khi họ bỏ mặc chàng bằng cách nhốt chàng vào phòng riêng. Có lúc họ đánh đập hoặc quát mắng chàng. Thực sự thì việc mà Farquhar ghét nhất là la hét. Chàng có thể chấp nhận bị cô lập và những trận đòn roi rồi cũng sẽ nhanh chóng kết thúc nhưng những tiếng la hét cùng lời thúc giục không ngừng về nhiệm vụ phải làm đã đi sâu vào trong tâm trí, đến mức còn đe dọa tâm hồn yêu tinh của chàng. Đúng là bạn không thể giết tâm hồn của yêu tinh bởi vì đó là một phần của bản thể tôi vĩ đại nhưng nó có thể bị tổn thương nặng nề đến mức dường như không còn tồn tại nữa. Đây là những gì đã xảy ra với Farquhar. Để sống sót, chàng ngừng việc cố gắng tiết lộ cho cha mẹ những bí mật của mình và thay vào đó, làm hài lòng họ bằng cách thực hiện nhiệm vụ của mình.
Cha mẹ chàng là những người Snamuh vô cùng bất hạnh. (Vì sự thật là người Snamuh chỉ có thể hạnh phúc khi họ biết được những bí mật của yêu tinh).
Cha của Farquhar bị Harriet dày vò đến mức phải tìm ra một loại thuốc ma thuật giúp lấy đi mọi cảm xúc của ông. Nhưng phép thuật đó lại không phải là sự sáng tạo. Nó thậm chí còn lấy đi sự sáng tạo của ông ấy. Cha của Farquhar như một “người chết biết đi” vậy. Sau một thời gian, ông ấy thậm chí còn chẳng thèm về nhà nữa. Trái tim Snamuh của Farquhar đã tan nát. Bạn thấy đấy, mỗi Snamuh đều cần tình yêu của cả cha và mẹ để giúp cho phần yêu tinh bên trong họ nói được ra những bí mật về cuộc sống.
Farquhar hoảng loạn trước sự bỏ rơi của cha. Và vì cha không thể giúp mẹ nữa nên cái bóng đèn neon của bà nhấp nháy mạnh hơn, kéo theo việc Farquhar càng bị la mắng và dè bỉu nhiều hơn. Đến sinh nhật thứ 12 của mình, chàng đã quên mất mình là một yêu tinh. Vài năm sau, chàng biết đến loại thuốc ma thuật mà cha đã dùng để giết chết giọng nói của Harriet. Năm 14 tuổi, chàng bắt đầu sử dụng nó thường xuyên hơn, và chàng đã phải nhập viện Snamuh khi mới 30 tuổi. Khi ở trong bệnh viện này, chàng nghe thấy một giọng nói bên trong thúc giục mình thức dậy. Giọng nói thức tỉnh ấy chính là của tâm hồn yêu tinh trong chàng. Bạn thấy không, dù mọi chuyện có tồi tệ đến đâu thì giọng nói thần tiên sẽ luôn kêu gọi một Snamuh tôn vinh sự tồn tại của mình. Joni không bao giờ bỏ cuộc; chàng không ngừng cố gắng để cứu Farquhar. Nếu bạn là người Snamuh và bạn đang đọc nó, xin hãy nhớ điều này: Bạn có một tâm hồn yêu tinh luôn cố gắng gọi bạn quay lại với bản thể thực sự của mình.
Khi Farquhar nằm trong bệnh viện, cuối cùng chàng cũng đã nghe thấy giọng nói của Joni. Điều đó đã tạo nên sự khác biệt. Và đó là khởi đầu của một câu chuyện khác, tốt đẹp hơn…