Người nào... trong nỗi đau khổ xưa cũ nói những điều không phù hợp, làm những việc không hiệu quả, sẽ không thể đối phó với tình huống và chịu đựng được những cảm giác khủng khiếp mà không làm ảnh hưởng đến hiện tại.
– HARVEY JACKINS
Không thể tin nổi rằng tôi đã từng trẻ con đến vậy. Lúc đó tôi đã 40 tuổi rồi mà vẫn nổi cơn thịnh nộ và la hét đến nỗi tất cả mọi người, vợ tôi, các con riêng của cô ấy và con trai tôi phải thực sự kinh hãi. Sau đó tôi lên xe và bỏ đi. Để rồi tôi ngồi đó, đơn độc trong một nhà nghỉ nhỏ giữa kỳ nghỉ của chúng tôi trên đảo Padre. Tôi cảm thấy rất cô đơn và xấu hổ.
Khi cố gắng lần theo các sự kiện dẫn đến việc mình rời đi, tôi không thể tìm ra bất cứ điều gì. Tôi thực sự bối rối. Nó giống như thức dậy sau một giấc mơ tồi tệ vậy. Hơn tất cả, tôi muốn cuộc sống gia đình mình luôn đầm ấm, yêu thương và gần gũi. Nhưng đây là năm thứ ba tôi bùng nổ trong kỳ nghỉ của chúng tôi.
Trước đây tôi đã từng bỏ đi vì cảm xúc nhất thời, nhưng chưa bao giờ thực sự bỏ đi theo nghĩa đen cả.
Cứ như thể tôi đã rơi vào trạng thái ý thức bị thay đổi vậy. Ôi Chúa ơi, tôi ghét chính mình! Chuyện gì xảy ra với tôi thế này?
Sự cố trên đảo Padre xảy ra vào năm 1976, một năm sau khi cha tôi qua đời. Kể từ đó, tôi đã biết được nguyên nhân các chu kỳ giận dữ hoặc bỏ đi của mình. Tôi tìm được manh mối quan trọng trong lần bỏ đi trên đảo Padre. Khi ngồi đơn độc cùng cảm giác xấu hổ trong căn phòng tồi tàn đó, tôi bắt đầu có những ký ức sống động về thời thơ ấu của mình. Tôi nhớ vào một đêm Giáng sinh khi tôi khoảng 11 tuổi, nằm trong căn phòng tối om với tấm chăn trùm kín đầu và từ chối nói chuyện với cha. Ông về nhà muộn, trong tình trạng hơi say. Tôi muốn trừng phạt ông vì đã phá hỏng lễ Giáng sinh của chúng tôi. Tôi không thể bày tỏ sự tức giận bằng lời nói vì đã được dạy rằng làm như vậy là một trong những tội lỗi chết người, đặc biệt là đối với cha mẹ. Qua nhiều năm, cơn giận ấy nhức nhối trong tâm hồn tàn lụi của tôi. Giống như một con chó đói trong tầng hầm, nó trở nên dữ tợn và bùng phát cơn thịnh nộ. Hầu như lúc nào tôi cũng cẩn trọng đề phòng nó. Tôi là một chàng trai tốt. Tôi là người bố tốt nhất mà tôi từng thấy cho đến khi tôi không thể chịu đựng được nữa. Sau đó tôi đã biến thành Ivan Bạo chúa.
Tôi bắt đầu hiểu ra rằng những hành vi trong kỳ nghỉ này là sự quay ngược trở lại tuổi thơ tự phát. Khi tôi nổi giận và trừng phạt gia đình bằng cách bỏ đi chính là lúc tôi đang quay trở lại tuổi thơ của mình, nơi tôi đã nuốt cơn giận và thể hiện nó theo cách duy nhất của một đứa trẻ có thể làm, bỏ đi để trừng phạt. Giờ đây, với tư cách là một người trưởng thành, khi bị đánh bại trong cuộc đấu tranh với việc bỏ đi cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tôi cảm thấy mình giống như cậu bé con đơn độc và đầy hổ thẹn trước đây.
Tôi cũng bắt đầu hiểu là khi sự phát triển của một đứa trẻ bị kìm hãm, khi cảm xúc bị kìm nén, đặc biệt là cảm xúc tức giận và tổn thương, người đó sẽ trở thành bản thể trưởng thành với một đứa trẻ giận dữ và tổn thương bên trong.
Thoạt đầu, nghe có vẻ phi lý khi một đứa trẻ nhỏ bé lại có thể tiếp tục sống trong cơ thể của một người lớn. Nhưng đó chính xác là những gì tôi đang nói đến. Tôi tin rằng “đứa trẻ bên trong” bị bỏ rơi, bị tổn thương trong quá khứ này là nguồn gốc chính gây ra sự khốn khổ của con người. Đứa trẻ này sẽ tiếp tục hoạt động và gây tổn hại đến cuộc sống trưởng thành của chúng ta cho đến khi chúng ta hồi sinh và bảo vệ được nó.
Vì thích các công thức ghi nhớ nên tôi sẽ miêu tả một số cách mà “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương có thể làm tổn hại cuộc sống của chúng ta bằng cách sử dụng từ contaminate (gây tổn hại). Mỗi chữ cái đại diện cho một cách thức mà đứa trẻ nội tâm gây tổn hại đáng kể cho cuộc sống của người lớn. (Ở cuối chương này, bạn sẽ tìm thấy một bảng câu hỏi giúp bạn xác định xem “đứa trẻ bên trong” bạn đã bị tổn thương nặng nề như thế nào).
Co-Dependence – Chứng lệ thuộc
Offender Behaviors – Hành vi ngược đãi
Narcissistic Disorders – Hội chứng rối loạn nhân cách ái kỷ
Trust Issues – Vấn đề về niềm tin
Acting Out/Acting in Behaviors – Hành vi tái hiện hướng ngoại/hướng nội
Magical Beliefs – Những niềm tin ảo diệu
Intimacy Dysfunctions – Rối loạn khả năng gắn kết
Nondisciplined Behaviors – Các hành vi kỷ luật không đúng mức
Addictive/Compulsive Behaviors – Các hành vi rối loạn cưỡng chế/nghiện ngập
Thought Distortions – Tư duy bị bóp méo
Emptiness (Apathy, Depression) – Cảm giác trống rỗng (Chứng lãnh cảm, trầm cảm).
CHỨNG LỆ THUỘC
Tôi định nghĩa chứng lệ thuộc như một bệnh với biểu hiện đặc trưng là sự đánh mất cá tính của bản thân. Người mắc chứng lệ thuộc là người không tiếp cận được với cảm xúc, nhu cầu và mong muốn của chính mình. Hãy xem xét các ví dụ:
Sau khi lắng nghe bạn trai nói về nỗi lo lắng của anh ấy trong công việc, cả đêm đó Pervilia không thể ngủ nổi vì băn khoăn về vấn đề của anh ấy. Cô cảm nhận được cảm xúc của anh ấy hơn là của bản thân mình.
Khi bạn gái của Maximilian kết thúc mối quan hệ sáu tháng của họ, cậu cảm thấy muốn tự tử. Cậu tin rằng giá trị của mình phụ thuộc vào việc cô ấy có yêu mình hay không. Maximillian thực sự không có giá trị-tự thân, điều vốn được tạo ra từ bên trong, cậu chỉ có giá trị-khác, thứ vốn phụ thuộc vào người khác.
Jolisha được người chồng yêu thể thao hỏi có muốn đi chơi vào buổi tối không. Cô tỏ ra lưỡng lự và cuối cùng đã nói đồng ý. Anh ấy hỏi cô muốn đi đâu. Cô nói đi đâu cũng được. Anh ấy đưa cô đến quán thịt nướng Viking và đi xem phim The Return of the Ax Murderer (tạm dịch: Sự trở lại của sát nhân lưỡi rìu). Cô chán ghét cả buổi tối hôm đó. Cô nhăn nhó khó chịu và tránh né anh ấy suốt cả tuần. Khi anh ấy hỏi: “Có chuyện gì vậy?” thì cô ấy lại trả lời: “Không có gì”.
Jolisha là một “người ngọt ngào”. Mọi người đều nhận xét rất tốt về cô ấy nhưng thực ra cô ấy chỉ giả vờ tốt bụng mà thôi. Cô ấy liên tục diễn kịch. Đối với Jolisha, làm người tốt là một bản thể giả tạo. Cô ấy không biết mình thực sự cần hoặc muốn gì. Cô ấy không biết về cá tính của chính mình.
Jacobi năm nay 52 tuổi. Ông đến nhờ tư vấn vì đã ngoại tình với cô thư ký 26 tuổi của mình được hai tháng. Jacobi nói với tôi rằng ông không biết chuyện này đã xảy ra như thế nào! Jacobi là một giáo trưởng trong nhà thờ và là thành viên đáng kính của Ủy ban Đạo đức. Ông từng đứng đầu cuộc cách mạng xóa bỏ hành vi khiêu dâm trong thành phố của mình. Trên thực tế, Jacobi đang thực hiện một “hoạt động” tôn giáo. Ông ấy hoàn toàn mất kết nối với ham muốn tình dục trong mình. Sau nhiều năm tích cực kiềm chế, cuối cùng ham muốn tình dục của ông đã chiến thắng.
Biscayne quá coi trọng vấn đề cân nặng của vợ. Anh đã hạn chế rất nhiều hoạt động xã hội của hai vợ chồng vì cảm thấy xấu hổ mỗi khi bạn bè nhìn thấy vợ mình. Biscayne không ý thức được ranh giới của mình và vợ. Anh tin rằng bản lĩnh đàn ông sẽ được đánh giá bởi vẻ ngoài của vợ. Cộng sự của anh, Bigello, có một cô người yêu. Anh ta định kỳ kiểm tra cân nặng của cô để chắc chắn rằng cô đang duy trì cân nặng như trước. Bigello là một ví dụ khác về một người không có ý thức về bản thân. Anh ta tin rằng bản lĩnh đàn ông của mình phụ thuộc vào cân nặng của người yêu.
Ophelia Oliphant đòi chồng phải mua một chiếc Mercedes. Cô ấy cũng khăng khăng giữ tư cách thành viên của họ trong Câu lạc bộ Đồng quê River Valley. Gia đình Oliphant đang nợ nần chồng chất, đồng lương không đủ chi tiêu. Họ dùng muôn vàn cách để lừa gạt các chủ nợ và xây dựng cho mình hình ảnh tầng lớp thượng lưu giàu có. Ophelia tin rằng lòng tự trọng của cô phụ thuộc vào việc duy trì hình ảnh tương xứng. Cô ấy hoàn toàn không có ý thức nội tại về bản thân.
Tất cả các ví dụ trên cho chúng ta thấy rằng, những người đó phải phụ thuộc vào những điều bên ngoài bản thân họ để có được một cá tính. Đây chính là ví dụ về chứng lệ thuộc.
Chứng lệ thuộc được dung dưỡng trong các hệ thống gia đình không lành mạnh. Ví dụ như mỗi thành viên trong một gia đình nghiện rượu đều trở nên phụ thuộc vào việc uống rượu của thành viên nghiện rượu đó. Bởi vì việc uống rượu bia rất nguy hiểm đến tính mạng của mỗi thành viên, nên họ thích nghi bằng cách buộc phải giữ cho bản thân mình luôn ở trong trạng thái tỉnh táo (cảnh giác thái quá). Bản chất của sự thích ứng với căng thẳng vốn dĩ chỉ là một trạng thái tạm thời. Nó không nên trở thành một tình trạng mãn tính. Theo thời gian, một người sống với tình trạng âu lo mãn tính về hành vi nghiện rượu sẽ mất kết nối với các tín hiệu chỉ dẫn như cảm xúc, nhu cầu và mong muốn bên trong chính mình.
Trẻ em cần sự an toàn và một tấm gương cảm xúc lành mạnh để hiểu được các tín hiệu trong nội tâm mình. Trẻ cũng cần được giúp đỡ để phân biệt suy nghĩ với cảm xúc. Khi môi trường gia đình tràn ngập bạo lực (về phương diện hóa học, tình cảm, thể chất hoặc tình dục), trẻ sẽ phải tập trung hoàn toàn vào những yếu tố bên ngoài. Dần dần, trẻ mất khả năng tạo dựng lòng tự trọng từ bên trong. Nếu không có một đời sống nội tâm lành mạnh, con người ta sẽ bị phân tán để cố gắng tìm kiếm sự thỏa mãn từ bên ngoài. Đây là chứng lệ thuộc và là triệu chứng của “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương. Hành vi lệ thuộc chỉ ra rằng nhu cầu thời thơ ấu của người đó đã không được đáp ứng, do vậy họ không thể biết mình là ai.
HÀNH VI NGƯỢC ĐÃI
Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng tất cả những người mà “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương đều tốt bụng, ít nói và có sức chịu đựng bền bỉ. Nhưng trên thực tế, “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương là nguyên nhân gây ra nhiều bạo lực và sự tàn ác trên thế giới. Hitler thường xuyên bị đánh đập trong suốt thời thơ ấu của mình; bị coi thường và làm nhục một cách tàn nhẫn bởi người bố tàn bạo, vốn là đứa con hoang của một địa chủ Do Thái. Hitler đã tái diễn lại hình thức vô cùng tàn ác đó lên hàng triệu người dân vô tội.
Tôi bỗng nghĩ đến Dawson, một khách hàng của mình. Lúc đến gặp tôi về trục trặc trong hôn nhân, anh ấy đang là nhân viên phục vụ trong một hộp đêm. Anh nói về việc đã đánh gãy hàm một người đàn ông hồi đầu tuần. Dawson say sưa kể về chuyện người đàn ông đó đã khiến mình phải ra tay như thế nào. Hắn ta đã chọc tức anh bằng những hành vi thô bạo. Trong quá trình tôi tư vấn, Dawson thường xuyên nói chuyện với thái độ này. Những người tàn nhẫn không hề chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Khi chúng tôi làm việc cùng nhau, rõ ràng là Dawson thường xuyên tỏ ra thực sự sợ hãi. Mỗi lúc như thế, ký ức về cậu bé trước đây được kích hoạt. Bố anh đã bạo hành và ngược đãi anh. Ngày xưa, khi còn là một cậu bé thường xuyên run rẩy trước cơn thịnh nộ tàn bạo của bố, thật không an toàn nếu phải sống đúng với con người chỉ biết sợ hãi của mình. Vì vậy, Dawson đã định dạng mình là phiên bản của bố. Anh đã biến thành bố của mình. Khi bất cứ điều gì giống với những cảnh bạo lực thời thơ ấu xảy ra, cảm giác sợ hãi và bất lực trong quá khứ sẽ gợi lên, khiến Dawson biến thành ông bố tàn bạo trước đây, gây ra những tổn thương tương tự cho người khác theo đúng cái cách mà bố anh đã từng gây ra cho anh.
Sự tàn nhẫn, nguồn gốc chính dẫn đến sự hủy diệt con người, là kết quả của bạo lực trong thời thơ ấu, của sự chịu đựng và những nỗi đau khổ chưa được giải quyết. Đứa trẻ bị tổn thương và bất lực trước đây sẽ trở thành một người lớn tàn nhẫn. Chúng ta phải hiểu rằng nhiều hình thức ngược đãi thực sự đã khiến trẻ trở thành một kẻ tàn nhẫn, đặc biệt là ngược đãi về thể chất, lạm dụng tình dục và hành hạ nghiêm trọng. Bác sĩ tâm thần Bruno Bettelheim đã đặt ra một cụm từ cho quá trình này, ông gọi nó là “mang danh tính của kẻ tàn ác”. Bạo lực tình dục, thể chất và tình cảm khiến đứa trẻ kinh hãi đến nỗi không thể giữ được bản ngã của mình. Để sống sót sau nỗi đau, đứa trẻ mất hết ý thức về danh tính của mình và thay vào đó đồng nhất với bản thể của kẻ tàn ác. Bettelheim đã thực hiện các nghiên cứu chủ yếu về những người sống sót trong các trại tập trung của Đức.
Trong một buổi hội thảo gần đây của tôi, một nhà trị liệu từ New York đã giơ tay phát biểu ý kiến. Cô ấy tự nhận mình là người Do Thái và bắt đầu kể cho nhóm chúng tôi nghe những chi tiết khủng khiếp về trải nghiệm của mẹ cô ấy trong một trại tập trung của Đức Quốc xã. Phần đáng ngạc nhiên nhất trong câu chuyện ấy là việc mẹ cô đã đối xử với cô theo cách mà những người lính Đức Quốc xã đã đối xử với bà ấy. Bà đã nhổ vào mặt con gái mình và gọi cô là con lợn Do Thái khi cô mới 3 tuổi.
Có lẽ những kẻ tấn công tình dục sẽ gây tổn thương hơn cả. Đa số họ đã bị xâm phạm tình dục khi còn nhỏ. Khi quấy rối trẻ em, họ đang tái hiện lại sự lạm dụng đã từng trải qua trong thời thơ ấu của chính mình.
Mặc dù hầu hết các hành vi tàn nhẫn đều bắt nguồn từ thời thơ ấu nhưng không phải lúc nào cũng là kết quả của sự lạm dụng. Một số kẻ tàn ác là do cha mẹ “làm hư” như cưng chiều và cung phụng quá mức, khiến họ cảm thấy mình ưu việt hơn những người khác. Những đứa trẻ được nuông chiều như vậy tin rằng mình xứng đáng được đối xử đặc biệt từ mọi người và lúc nào mình cũng làm đúng. Họ mất hết tinh thần trách nhiệm và tin rằng rắc rối của họ luôn là lỗi của người khác.
HỘI CHỨNG RỐI LOẠN NHÂN CÁCH ÁI KỶ
Trẻ luôn cần được yêu thương vô điều kiện, ít nhất là trong giai đoạn đầu đời. Nếu không có con mắt phản chiếu đầy khoan dung của bố mẹ hoặc người chăm sóc, một đứa trẻ sẽ không thể nào biết được mình là ai. Mỗi người đều là chúng ta trước khi trở thành một bản thể tôi nào đó. Chúng ta cần một khuôn mặt phản chiếu để nhìn thấy tất cả các khía cạnh của bản thân. Chúng ta cần biết mình quan trọng, được coi trọng, và mọi khía cạnh của chúng ta đều đáng yêu, được chấp nhận. Chúng ta cũng cần hiểu là có thể nương tựa vào tình yêu của những người chăm sóc mình. Đây là những nhu cầu lành mạnh. Nếu những nhu cầu đó không được thỏa mãn thì ý thức của chúng ta về một cái tôi lành mạnh sẽ bị phá vỡ.
“Đứa trẻ bên trong” thiếu thốn lòng ái kỷ sẽ làm tổn hại cuộc đời mình khi lớn lên vì thèm muốn tình yêu, sự quan tâm và lòng thương mến vô độ. Nó đòi hỏi và tự mình phá hoại các mối quan hệ trưởng thành. Dù có bao nhiêu tình yêu đang đến thì cũng không bao giờ là đủ cả. Thực ra nó không thể đáp ứng được nhu cầu của bản thân khi đã lớn vì đó là nhu cầu của một đứa trẻ. Trẻ em luôn luôn cần có cha mẹ bên cạnh. Nhu cầu thiết yếu này là hoàn toàn tự nhiên chứ không phải do sự lựa chọn. Nhu cầu của một đứa trẻ là nhu cầu phụ thuộc, phụ thuộc vào người khác để được đáp ứng. Chỉ khi đau buồn vì mất mát thì mới có thể được chữa lành. Trước đó thì đứa trẻ vô độ vẫn sẽ ngấu nghiến tìm kiếm tình yêu và sự tôn trọng mà bản thân không có được trong thời thơ ấu.
Nhu cầu của đứa trẻ trong bản thể trưởng thành thiếu thốn lòng ái kỷ thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau:
• Họ thất vọng hết mối quan hệ này đến mối quan hệ khác.
• Họ luôn tìm kiếm người yêu hoàn hảo, người sẽ thỏa mãn tất cả các nhu cầu của họ.
• Họ trở thành những con nghiện. (Nghiện là để lấp đầy lỗ hổng trong tâm lý của bản thân. Chứng nghiện tình dục và tình yêu là những ví dụ điển hình).
• Họ tìm kiếm vật chất và tiền bạc để có cảm giác về giá trị.
• Họ trở thành người biểu diễn (diễn viên và vận động viên) vì họ cần sự tán dương và ngưỡng mộ liên tục của khán giả.
• Họ sử dụng chính con cái của mình để đáp ứng nhu cầu ái kỷ. (Trong tưởng tượng của họ, con cái sẽ không bao giờ rời bỏ họ, sẽ luôn yêu thương, tôn trọng và ngưỡng mộ họ). Họ cố gắng nhận được từ con cái tình yêu và sự ngưỡng mộ đặc biệt mà họ không thể có được từ bố mẹ mình.
VẤN ĐỀ VỀ NIỀM TIN
Khi người chăm sóc không đáng tin cậy, trẻ sẽ cảm thấy thiếu tin tưởng sâu sắc. Thế giới dường như là một nơi nguy hiểm, thù địch và không thể đoán trước. Vì vậy, trẻ phải luôn đề phòng và kiểm soát. Trẻ tin: “Nếu mình kiểm soát mọi thứ thì không ai có thể khiến mình mất cảnh giác và làm tổn thương mình được”.
Một loại kiểm soát điên cuồng xuất hiện: nghiện kiểm soát. Một khách hàng của tôi sợ mất kiểm soát đến nỗi anh ta đã làm việc hàng trăm giờ một tuần. Anh ta không thể ủy quyền cho bất cứ ai về bất kỳ quyền hạn nào, vì anh ta không tin tưởng họ. Anh ta đến với tôi khi bệnh viêm loét đại tràng đã trở nên trầm trọng đến mức phải nhập viện.
Một khách hàng khác của tôi cũng quẫn trí vì chồng cô vừa đệ đơn ly hôn. “Giọt nước làm tràn ly” chính là khi cô đổi chiếc điện thoại mà chồng mình đã để trong xe ô tô sang một thương hiệu khác. Chồng cô phàn nàn rằng dù anh có cố gắng làm gì cho cô chăng nữa thì điều đó cũng không bao giờ là đúng. Cô luôn phải thay đổi mọi thứ anh đã làm. Nói cách khác, cô không thoải mái trừ khi bản thân là người trực tiếp kiểm soát mọi kết quả.
Sự kiểm soát điên cuồng gây ra các vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ. Không có cách nào để thân mật với một đối tác mà bạn không tin. Sự thân mật đòi hỏi cả hai phải chấp nhận đối phương bởi chính con người thật của mỗi người.
Rối loạn lòng tin cũng tạo ra những thái cực khác nhau trong việc tin tưởng người khác. Hoặc là từ bỏ mọi quyền kiểm soát, tin tưởng đến mức mù quáng và khờ dại, tuyệt đối trung thành và coi trọng ai đó quá mức, hoặc là thu mình lại vào sự cô lập và đơn độc, dựng lên những bức tường bảo vệ không cho phép ai bước vào.
Như Patrick Carnes, chuyên gia về chứng nghiện đã chỉ ra rằng một người chưa bao giờ học cách tin tưởng sẽ nhầm lẫn giữa mãnh liệt với thân mật, giữa ám ảnh với quan tâm, giữa kiểm soát với an toàn.
Nhiệm vụ phát triển đầu tiên trong đời là thiết lập cảm giác tin cậy cơ bản. Chúng ta phải biết rằng người kia (bố, mẹ, thế giới ngoài kia) là an toàn và đáng tin cậy. Cảm giác tin cậy cơ bản này là toàn diện sâu sắc. Nếu có thể tin tưởng thế giới, chúng ta có thể học cách tin tưởng chính mình. Tin tưởng bản thân có nghĩa là tin tưởng vào khả năng, nhận thức, cách truyền đạt, cảm xúc và mong muốn của cá nhân mình.
Trẻ em học được về lòng tin tưởng từ những người chăm sóc đáng tin cậy. Nếu bố mẹ nhất quán và có thể đoán trước được, nếu bố mẹ tin tưởng lẫn nhau thì đứa trẻ sẽ tin tưởng họ và học cách tin tưởng chính bản thân mình.
HÀNH VI TÁI HIỆN HƯỚNG NGOẠI/HƯỚNG NỘI
Hành vi tái hiện hướng ngoại
Để hiểu được “đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương của chúng ta tái hiện hướng ngoại những nhu cầu thời thơ ấu chưa được đáp ứng và những tổn thương chưa được giải quyết như thế nào, thì chúng ta phải hiểu rằng động lực chính trong cuộc sống của chúng ta là cảm xúc. Cảm xúc là động lực thúc đẩy chúng ta tự vệ và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình. (Tôi thích viết chữ E-motion theo cách này để thể hiện ý nghĩa energy in motion – dòng năng lượng đang chuyển động). Năng lượng này là yếu tố nền tảng. Sự tức giận thúc đẩy chúng ta tự vệ. Khi tức giận, chúng ta đứng lên và “chiến đấu điên cuồng”. Bằng sự tức giận, chúng ta bảo vệ và đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Nỗi sợ hãi khiến chúng ta tìm cách trốn chạy khi đối mặt với nguy hiểm. Nỗi sợ hãi cho chúng ta sự sáng suốt. Nó bảo vệ chúng ta vì cho chúng ta biết rằng nguy hiểm đang ở gần và quá dữ dội để chiến đấu; cũng như thúc đẩy chúng ta bỏ chạy và tìm nơi trú ẩn.
Nỗi buồn làm chúng ta rơi nước mắt. Nước mắt làm sạch và giúp chúng ta xoa dịu nỗi đau khổ. Buồn bã là cách chúng ta thể hiện mình đang đau khổ trước những mất mát và giải phóng năng lượng của bản thân để sử dụng trong hiện tại. Nếu không có cảm giác đau buồn, chúng ta không thể kết thúc vấn đề của quá khứ. Khi đó, tất cả năng lượng cảm xúc liên quan đến đau khổ hoặc tổn thương sẽ trở nên đóng băng. Vì bị kìm hãm và không được bộc lộ nên năng lượng này liên tục cố gắng tự giải quyết. Không thể được bộc lộ bằng cảm xúc đau buồn lành mạnh nên nó bộc lộ bằng hành vi bất thường. Đây được gọi là “hành vi tái hiện hướng ngoại”. Maggie, khách hàng cũ của tôi là một ví dụ điển hình cho loại hành vi này.
Maggie đã chứng kiến bố mình, một người nghiện rượu dữ tợn và bạo lực, ngược đãi mẹ mình bằng lời nói và thể xác. Cảnh tượng này lặp đi lặp lại liên tục trong suốt thời thơ ấu của cô. Từ khi lên 4 tuổi, Maggie đã trở thành người an ủi mẹ. Sau khi bị chồng đánh đập, mẹ cô sẽ ngủ trên giường Maggie. Bà níu chặt lấy cô trong sự run rẩy và tiếng khóc than. Đôi khi bố cô sẽ theo sau và hét vào mặt bà, khiến Maggie vô cùng khiếp sợ. Bất kỳ hình thức bạo lực nào đối với một thành viên trong gia đình đều khiến các thành viên khác hoảng sợ. Nhân chứng của bạo lực cũng là nạn nhân của bạo lực.
Những gì Maggie cần trong thời thơ ấu là thể hiện nỗi kinh hoàng cũng như giải tỏa nỗi buồn của mình. Nhưng rõ ràng cô không hề có lấy một người để nương tựa, để được chăm sóc cần thiết giúp xoa dịu nỗi đau khổ không được giãi bày. Khi lớn lên, cô liên tục cố gắng tìm kiếm những người sẽ đóng vai trò như người cha người mẹ có thể chăm sóc mình. Thời điểm đến gặp tôi, cô ấy đã trải qua hai cuộc hôn nhân đầy bạo lực và nhiều mối quan hệ bị lạm dụng khác. Và nghề nghiệp của cô ấy là gì ư? Cô ấy là một cố vấn chuyên trị liệu cho những phụ nữ bị ngược đãi!
Maggie đã tái hiện hướng ngoại những tổn thương thời thơ ấu của mình. Cô chăm sóc những phụ nữ bị ngược đãi nhưng lại có quan hệ với những người đàn ông bạo hành. Cô chăm sóc mọi người nhưng không ai chăm sóc cô cả. Năng lượng cảm xúc chưa được giải quyết từ quá khứ đang được thể hiện theo cách duy nhất có thể – thông qua những “hành vi tái hiện hướng ngoại”.
Hành vi tái hiện hướng ngoại hay hành vi tái diễn là một trong những cách tàn khốc nhất mà “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của chúng ta hủy hoại cuộc sống của chính chúng ta. Câu chuyện của Maggie là một ví dụ ấn tượng về sự bắt buộc phải lặp lại quá khứ. “Có lẽ lần này tôi có thể làm đúng,” đứa trẻ đầy tổn thương bên trong Maggie nói. “Có lẽ nếu tôi hoàn hảo và đáp ứng mọi mong mỏi của bố thì ông ấy sẽ coi trọng và sẽ thể hiện tình yêu thương đối với tôi”. Đây là tư duy thần kỳ của một đứa trẻ, hoàn toàn không phải là tư duy lý trí của người lớn. Một khi chúng ta hiểu được thì nó sẽ rất có ý nghĩa. Các ví dụ khác về hành vi hướng ngoại là:
• Tái hiện hành vi bạo lực với người khác
• Làm hoặc nói với con cái những điều mà lẽ ra chúng ta không bao giờ nên làm hoặc nói
• Bộc phát quay trở lại tuổi thơ bằng những hành vi trẻ con như nổi cáu, hờn dỗi, v.v...
• Hành động nổi loạn vô lý
• Tiếp tục thực hiện các quy tắc lý tưởng của bố mẹ.
Hành vi tái hiện hướng nội
Tái hiện lại hành vi ngược đãi trong quá khứ lên chính bản thân mình được gọi là “hành vi tái hiện hướng nội”. Chúng ta tự trừng phạt bản thân giống như từng bị trừng phạt trong thời thơ ấu. Tôi biết một người đàn ông tự hành hạ bản thân bất cứ khi nào anh ấy mắc lỗi. Anh ấy tự chế nhạo mình bằng những lời chỉ trích, chẳng hạn như: “Đồ ngu, sao mày có thể ngớ ngẩn như vậy chứ?” Một số lần, tôi đã chứng kiến anh ấy dùng tay đấm vào mặt mình (vì mẹ anh ấy đã dùng tay đấm vào mặt cậu con trai khi còn nhỏ).
Cảm xúc chưa được giải quyết từ quá khứ thường chuyển hướng vào chính bản thân. Chẳng hạn như Joe khi còn nhỏ không bao giờ được phép bộc lộ sự tức giận. Cậu cảm thấy rất giận mẹ mình vì bà không bao giờ cho phép cậu tự làm điều gì cả. Khi cậu chuẩn bị làm một việc gì đó thì bà sẽ ngay lập tức can thiệp và nói những câu như: “Mẹ lại phải giúp thằng con bé nhỏ chậm chạp của mẹ rồi,” hoặc “Con đang làm tốt đấy nhưng hãy để mẹ giúp con một tay”. Thậm chí đến tận bây giờ, khi đã trưởng thành, Joe vẫn để bà làm giúp mình những điều mà cậu ấy hoàn toàn có thể tự làm. Joe đã được dạy phải tuyệt đối biết vâng lời và việc thể hiện sự tức giận của mình là tội lỗi. Vì vậy, Joe hướng sự tức giận của mình vào bên trong, xả nó lên chính mình. Kết quả là cậu luôn cảm thấy chán nản, lãnh đạm, lạc lõng, không thể đạt được mục tiêu cuộc đời mình.
Năng lượng cảm xúc hướng nội có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng về thể chất bao gồm rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đau lưng, nhức mỏi cổ, căng cơ nghiêm trọng, viêm khớp, hen suyễn, đau tim và ung thư. Bất chợt ngã sõng soài là một hình thức khác của hành vi tái diễn hướng nội này. Người ta tự gây ra hình phạt cho chính mình bằng các vụ tai nạn.
NHỮNG NIỀM TIN ẢO DIỆU
Trẻ em thật kỳ diệu. “Nếu giẫm chân lên vết nứt trên đường, lưng mẹ sẽ bị gãy”1. Sự ảo diệu ở đây chính là khi tin rằng những câu nói, cử chỉ, hành động nhất định có thể thay đổi thực tế. Các bậc cha mẹ không hạnh phúc thường hay củng cố lối tư duy ảo diệu đó ở con mình. Ví dụ như khi bạn nói với trẻ rằng hành vi của chúng ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của người khác chính là bạn đang dạy trẻ lối tư duy ảo diệu này. Một số câu phổ biến là: “Con đang giết mẹ của con đấy”, “Hãy xem việc con đã làm đi, mẹ con đang phiền lòng đấy”, “Con làm cho bố con tức điên lên rồi đấy, con đã hài lòng chưa?” Một hình thức củng cố tư duy ảo diệu khác là tuyên bố: “Ta biết con đang nghĩ gì đấy”.
1 Đây là câu nói xa xưa dành cho trẻ con, ngụ ý không nên giẫm lên các vết nứt vì người ta tin rằng nó mang lại điều không may.
Tôi nhớ một khách hàng đã trải qua năm cuộc hôn nhân khi mới 32 tuổi. Cô ấy nghĩ rằng hôn nhân sẽ giải quyết được mọi vấn đề của mình. Chỉ cần cô tìm được người đàn ông “phù hợp” thì mọi chuyện sẽ ổn. Đó là một niềm tin ảo diệu. Nó ngụ ý rằng một sự kiện hoặc một người nào đó có thể thay đổi thực tế cuộc sống của cô ấy, mà không cần cô ấy phải làm gì để thay đổi hành vi của mình cả.
Một đứa trẻ suy nghĩ ảo diệu là điều tự nhiên. Nhưng nếu một người có tuổi thơ bị tổn thương vì nhu cầu phụ thuộc không được đáp ứng thì sẽ không thể trưởng thành thực sự. Người đó sẽ trở thành một người lớn bị tổn hại bởi tư duy ảo diệu của một đứa trẻ.
Những niềm tin ảo diệu gây tổn hại khác là:
• Nếu có tiền, tôi sẽ không sao cả
• Nếu người yêu tôi bỏ tôi, tôi sẽ chết hoặc tôi sẽ không bao giờ vượt qua được
• Một tờ giấy (bằng cấp) sẽ giúp tôi trở nên thông minh
• Nếu tôi “cố gắng”, thế giới sẽ thưởng cho tôi
• “Chờ đợi” sẽ mang lại kết quả tuyệt vời
Những cô gái nhỏ được dạy về những câu chuyện cổ tích đầy ảo diệu. Cô bé Lọ Lem được dạy rằng hãy ở trong bếp đợi một chàng trai mang đến chiếc giày vừa vặn với chân mình! Bạch Tuyết nhận được thông điệp rằng nếu đợi đủ lâu, hoàng tử của cô ấy sẽ xuất hiện. Theo nghĩa đen, câu chuyện đó nói với phụ nữ rằng số phận của họ phụ thuộc vào việc chờ đợi một tên bệnh hoạn (một kẻ chỉ thích hôn người chết) tình cờ đi qua khu rừng vào đúng thời điểm ấy. Rõ ràng đây không phải là một bức tranh đẹp đẽ rồi!
Các bé trai cũng được dạy những kỳ vọng ảo diệu thông qua những câu chuyện cổ tích. Nhiều câu chuyện chứa đựng thông điệp rằng luôn có một người phụ nữ phù hợp, người mà họ phải kiếm tìm cho bằng được. Trong cuộc tìm kiếm của mình, người đàn ông phải đi thật xa, băng qua những khu rừng tối tăm, chinh phục những con rồng nguy hiểm và đáng sợ. Cuối cùng, hiển nhiên là anh ta sẽ hiểu ra khi tìm thấy cô. (Đây là lý do tại sao nhiều người đàn ông rất lo lắng khi đứng trước ban thờ).
Thường thì vận mệnh của nam giới được định đoạt bởi những thứ bí ẩn như hạt đậu thần kỳ hay thanh gươm phi thường. Thậm chí anh ta có thể sẽ phải hẹn hò với một con ếch. Nếu anh ta có thể lấy hết can đảm để hôn nó, con ếch có thể biến thành công chúa. (Phụ nữ cũng có phiên bản riêng là câu chuyện về Hoàng tử ếch).
Đối với phụ nữ, điều ảo diệu bao gồm sự chờ đợi người đàn ông phù hợp, còn đối với đàn ông, đó là việc không ngừng tìm kiếm người phụ nữ thích hợp.
Tôi nhận thức được rằng truyện cổ tích mang lại giá trị vì có tính biểu trưng và thần thoại. Chúng phi logic và giống như giấc mơ, chúng được kể bằng sự tưởng tượng.
Nhiều câu chuyện cổ tích chứa đựng những câu nói có tính biểu trưng, xác định danh tính nam hay nữ của chúng ta. Nếu quá trình phát triển diễn ra suôn sẻ thì nhận thức của “đứa trẻ bên trong” cuối cùng cũng sẽ vượt qua cả nghĩa đen của những câu chuyện này, và nắm bắt được ý nghĩa biểu trưng của chúng.
Nhưng “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục hiểu những câu chuyện này theo nghĩa đen. Ngay cả khi trở thành một người lớn nhưng bên trong trẻ con thì chúng ta vẫn tiếp tục chờ đợi và tìm kiếm một cái kết hoàn hảo nhưng thật ảo diệu, cái kết mà chúng ta sẽ được sống hạnh phúc mãi mãi.
RỐI LOẠN KHẢ NĂNG GẮN KẾT
Nhiều trẻ em khi lớn lên loay hoay giữa nỗi lo sợ bị bỏ rơi và bị lấn át. Một số bị cô lập vĩnh viễn vì e ngại bị người khác chế ngự. Một số người lại không dám rời bỏ các mối quan hệ tiêu cực vì sợ phải ở một mình. Phần lớn mọi người dao động giữa hai thái cực ấy.
Herkimer là một người có kiểu yêu điên rồ. Một khi trở nên thân mật và gần gũi, anh ấy sẽ bắt đầu xa lánh và giữ khoảng cách với người yêu của mình. Anh thực hiện việc đó bằng cách từ từ thu thập một “danh sách những lời phê bình”. Danh sách đó thường bao gồm các hành vi nhỏ nhặt và kỳ cục. Herkimer bắt đầu gây ra những tranh cãi nhỏ về các hành vi này. Bạn gái anh thường giận dỗi và bỏ đi một hoặc hai ngày. Sau đó, họ lại tái hợp khăng khít hơn, yêu nhau cuồng nhiệt hơn và chia sẻ sâu đậm với nhau hơn. Điều này kéo dài cho đến khi Herkimer cảm thấy ngột ngạt trở lại.
Athena, 46 tuổi, đã không hẹn hò mười lăm năm nay. “Tình yêu đích thực” của cô đã chết trong một vụ tai nạn xe. Cô kể rằng khi anh ấy chết, cô thề sẽ không bao giờ chạm vào bất cứ người đàn ông nào khác để giữ trọn tình yêu chung thủy với những kỷ niệm về anh ấy. Thực tế là Athena mới chỉ bắt đầu mối quan hệ với người yêu đã khuất của mình được ba tháng. Cô chưa bao giờ ngủ với một người đàn ông nào kể từ khi trưởng thành. Trải nghiệm tình dục duy nhất của cô là năm 5 tuổi bị cha dượng lạm dụng. Athena đã dựng lên những bức tường thép xung quanh “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của mình. Cô dùng ký ức tình yêu về người bạn trai đã qua đời như một biện pháp phòng vệ nhằm né tránh những mối quan hệ thân mật với người khác.
Một người phụ nữ khác mà tôi từng làm việc vẫn duy trì cuộc hôn nhân không mặn nồng trong ba mươi năm. Chồng bà là một người nghiện tình dục. Đã sáu lần bà phát hiện ra chồng mình ngoại tình (thậm chí có một lần bà còn bắt gặp ông ta đang trên giường với một người trong số đó). Khi tôi hỏi tại sao bà vẫn quyết định giữ cuộc hôn nhân đó, bà trả lời rằng mình rất “yêu” chồng. Người phụ nữ này đang nhầm lẫn giữa sự phụ thuộc và tình yêu. Bà bị cha bỏ rơi khi mới 2 tuổi và đã không bao giờ gặp lại ông ấy. “Sự phụ thuộc được thể hiện dưới dạng tình yêu” bắt nguồn từ nỗi sợ hãi bị bỏ rơi nằm sâu trong nội tâm của bà.
Trong tất cả các trường hợp được nêu ở trên, vấn đề cốt lõi chính là “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương.
“Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương phá hủy sự gắn kết trong các mối quan hệ bởi đứa trẻ đó không ý thức được về con người đích thực của mình. Vết thương lớn nhất mà đứa trẻ có thể phải chịu là sự chối bỏ con người thật của mình. Khi không thể chấp nhận những cảm xúc, nhu cầu và mong muốn của con mình thì tức là bố mẹ đang chối bỏ con người thật của con. Và thế là một bản thể giả tạo được hình thành.
Để tin rằng mình được yêu thương, đứa trẻ bị tổn thương đã hành xử theo cách mà nó nghĩ rằng mình phải làm. Bản thể giả tạo này phát triển qua nhiều năm và được củng cố bởi nhu cầu của hệ thống gia đình và bởi vai trò giới tính theo môi trường văn hóa. Dần dần, bản thể giả tạo này trở thành con người mà đứa trẻ ấy tin rằng đó là mình. Đứa trẻ quên rằng bản thể giả tạo kia chỉ là một dạng thức để thích nghi, một hành động dựa trên kịch bản do người khác viết ra mà thôi.
Bạn sẽ không thể gắn kết với người khác nếu bạn không ý thức được về bản thân mình. Làm sao bạn có thể chia sẻ bản thân với người khác nếu bạn không thực sự biết mình là ai? Làm sao ai đó có thể hiểu bạn nếu bạn không biết con người thật của mình?
Cách để một người xây dựng ý thức mạnh mẽ về bản thân là thông qua sự phát triển lớn mạnh các ranh giới. Giống như biên giới của một quốc gia vậy, các ranh giới vật lý sẽ bảo vệ thân thể của chúng ta và báo hiệu khi ai đó đến quá gần, hoặc cố gắng đụng chạm vào chúng ta theo cách không phù hợp. Ranh giới sinh lý sẽ giúp chúng ta an toàn và thoải mái trong hoạt động tình dục. (Những người có ranh giới sinh lý không rõ ràng thường quan hệ tình dục ngay cả khi họ không thực sự muốn). Ranh giới cảm xúc sẽ cho chúng ta biết điểm kết thúc của cảm xúc này và điểm bắt đầu của cảm xúc khác. Chúng giúp chúng ta nhận biết được khi nào cảm xúc của chúng ta dành cho bản thân, và khi nào cảm xúc ấy dành cho người khác. Chúng ta cũng có ranh giới về trí tuệ và tinh thần; những ranh giới này quyết định niềm tin và giá trị của chúng ta.
Khi tổn thương do bị bỏ rơi hoặc ngược đãi, ranh giới của trẻ sẽ bị xâm phạm. Điều này khiến trẻ sợ hãi bị bỏ rơi hoặc bị lấn át. Khi một người biết mình là ai, người đó sẽ không sợ bị áp đảo. Khi một người nhận thức được về giá trị bản thân và sự tự tin, người đó sẽ không sợ bị bỏ rơi. Nếu không có ranh giới rõ ràng, chúng ta sẽ không thể biết được đâu là giới hạn của mình và đâu là giới hạn của người khác, chúng ta sẽ gặp khó khăn để nói lời từ chối và để biết mình muốn gì. Đó là những hành vi quan trọng để thiết lập sự gắn kết trong các mối quan hệ.
Rối loạn khả năng gắn kết trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều bởi chứng rối loạn tình dục. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình không hạnh phúc sẽ chịu tổn thương trong quá trình phát triển giới tính. Tổn hại đó là do định hướng tình dục yếu kém trong gia đình, sự thất vọng của bố mẹ về giới tính của trẻ. Bố mẹ coi thường và sỉ nhục trẻ, đồng thời thờ ơ trước các nhu cầu phát triển phụ thuộc của trẻ.
Bố của Gladys không bao giờ ở nhà. Chứng nghiện công việc đã chiếm hữu cuộc sống của ông. Khi bố vắng nhà, Gladys đã tạo ra một người cha tưởng tượng cho mình. Cô ấy sắp bước vào cuộc hôn nhân thứ ba bởi vì những ý niệm của cô về đàn ông rất phi thực tế, chưa có người đàn ông nào đáp ứng được sự mong đợi của cô cả.
Jake chứng kiến việc bố bạo hành mẹ bằng lời nói. Mẹ anh đã luôn phải cố gắng hết sức mình để chịu đựng. Jake không biết làm thế nào để thân mật với phụ nữ. Anh có xu hướng chọn những người phụ nữ thụ động và phục tùng để rồi sau đó nhanh chóng mất hứng thú với họ trong đời sống tình dục vì anh coi thường họ, như cách anh đã làm với mẹ mình. Trải nghiệm tình dục thỏa mãn nhất chính là khi anh thủ dâm, tưởng tượng về người phụ nữ bị hạ nhục trong tình dục.
Nhiều đứa trẻ hiểu rằng bố mẹ thất vọng về giới tính của mình. Bố muốn một thằng con trai thì lại có một đứa con gái, còn mẹ muốn cô con gái thì lại sinh ra cậu con trai. Khi trẻ cảm thấy xấu hổ về giới tính của mình, thì sẽ có các hành vi tình dục mang tính phục tùng ở các mức độ khác nhau về sau.
Một đứa trẻ là nạn nhân của sự coi thường và sỉ nhục từ bố mẹ thường trở thành người có hành vi tình dục bạo dâm. Mẹ của Jules, một nạn nhân loạn luân chưa từng được điều trị, có nỗi căm giận vì bị lạm dụng tình dục chưa bao giờ nguôi ngoai. Jules rất gắn bó với mẹ và nỗi hận đàn ông từ mẹ đã truyền sang anh. Sau đó anh trở thành một người nghiện tình dục. Anh sở hữu một bộ sưu tập lớn những sách báo và video khiêu dâm. Anh bị kích thích mỗi khi tưởng tượng mình bị hạ thấp và làm nhục bởi một người mẹ và có tính bạo hành.
Trẻ em cần được chỉ dẫn chặt chẽ để nắm vững các nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển. Nếu trẻ không được đáp ứng các nhu cầu phát triển phù hợp với lứa tuổi của mình, trẻ sẽ mãi bị giam hãm trong giai đoạn đó. Những trẻ không được đáp ứng các nhu cầu trong giai đoạn sơ sinh thường có xu hướng sẽ dễ thích quan hệ tình dục bằng miệng.
Những đứa trẻ bị kìm hãm trong giai đoạn chập chững biết đi thường bị mê hoặc bởi những chiếc hông. Sự say mê với một bộ phận sinh dục được gọi là “vật cách hóa tình dục”, và nó hạ thấp con người thành các đối tượng tình dục.
Xu hướng vật cách hóa tình dục là kẻ thù của một mối quan hệ thân mật thực sự. Sự gắn kết đòi hỏi hai con người tôn trọng nhau như những cá nhân. Nhiều cặp vợ chồng mắc chứng lệ thuộc thường có xu hướng nghiện và vật cách hóa tình dục nặng nề. Đó là cách gần gũi duy nhất mà những “đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương của họ biết đến.
HÀNH VI KỶ LUẬT KHÔNG ĐÚNG MỨC
Kỷ luật là một từ có nguồn gốc từ tiếng La-tinh disciplina, có nghĩa là “dạy dỗ”. Bằng kỷ luật, chúng ta dạy trẻ cách sống có ích và yêu thương hơn. Như M. Scott Peck đã nói, kỷ luật là một cách để giảm bớt đau khổ trong cuộc sống. Chúng ta học được rằng nói thật, kiềm chế sự thỏa mãn, trung thực với bản thân và tự chịu trách nhiệm có thể giúp cho cuộc sống vui vẻ và thú vị hơn.
Trẻ cần bố mẹ làm gương về sự tự kỷ luật hơn là rao giảng nó. Trẻ học hỏi từ những việc bố mẹ thực sự làm chứ không phải từ những điều bố mẹ nói. Khi bố mẹ không nêu gương về tính kỷ luật, trẻ sẽ trở nên vô kỷ luật và ngược lại, khi bố mẹ kỷ luật một cách cứng nhắc (và không đúng với những gì họ nói), trẻ sẽ bị kỷ luật quá mức.
“Đứa trẻ bên trong” vô kỷ luật thường chậm chạp, chần chừ, không biết kiềm chế sự thỏa mãn, nổi loạn, tự ý, bướng bỉnh và có hành động bốc đồng, thiếu suy nghĩ. Đứa trẻ bị kỷ luật quá mức sẽ là người cứng nhắc, dễ bị ám ảnh, dễ bị kiểm soát quá mức, quá phục tùng, luôn muốn làm hài lòng mọi người, luôn cảm thấy xấu hổ và tội lỗi. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta, những người có “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương đều ở giữa hành vi vô kỷ luật và kỷ luật quá mức.
HÀNH VI RỐI LOẠN CƯỠNG CHẾ/NGHIỆN NGẬP
“Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương là nguyên nhân chính dẫn đến nghiện ngập và hành vi nghiện ngập. Tôi đã biến thành một kẻ nghiện rượu từ khi còn nhỏ. Cha tôi, cũng là một người nghiện rượu, đã bỏ rơi tôi khi tôi chỉ là một đứa trẻ. Tôi cảm thấy mình chẳng đáng gì so với thời gian của ông. Bởi ông không bao giờ ở bên để làm gương cho tôi nên tôi chưa bao giờ gần gũi với ông, chưa bao giờ được trải nghiệm cảm giác có một người đàn ông yêu thương và quý trọng mình là như thế nào. Vì vậy, tôi chưa bao giờ thực sự yêu bản thân mình như một người đàn ông.
Bắt đầu bước vào tuổi thiếu niên, tôi đã đi cùng với những anh bạn mồ côi cha khác. Chúng tôi uống rượu và chơi gái điếm để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông của mình. Từ lúc 15 đến 30 tuổi, tôi đã trở nên nghiện rượu và ma túy. Ngày 11 tháng 12 năm 1965, tôi bỏ rượu. Chứng nghiện chất kích thích của tôi đã chấm dứt nhưng hành vi nghiện ngập của tôi vẫn tiếp tục. Tôi nghiện ăn, nghiện hút thuốc và nghiện làm việc.
Tôi chắc chắn rằng chứng nghiện rượu của tôi là do di truyền. Có vẻ như có rất nhiều bằng chứng cho thấy nghiện rượu bắt nguồn từ di truyền. Nhưng yếu tố di truyền không đủ để giải thích cho chứng nghiện rượu. Nếu đúng như vậy thì chẳng phải tất cả con cái của những người nghiện rượu sẽ trở nên nghiện rượu hay sao. Rõ ràng là không phải như thế. Cả anh trai và em gái tôi đều không nghiện rượu. Tôi đã có kinh nghiệm làm việc với những người nghiện rượu và ma túy hai mươi lăm năm nay. Trong đó có đến mười lăm năm làm việc với những người lạm dụng ma túy ở tuổi vị thành niên. Tôi chưa bao giờ chứng kiến bất cứ người nào nghiện chất kích thích đơn thuần cả, mặc dù thực tế là một số người nghiện chất kích thích rất nhanh. Tôi đã thấy những thanh thiếu niên bị cuốn vào rượu chỉ trong vòng hai tháng. Yếu tố mà tôi luôn tìm thấy trong tất cả các trường hợp chính là “đứa trẻ bên trong” họ bị thương tổn. Đó là gốc rễ không thể thỏa mãn của mọi hành vi nghiện ngập hay bắt buộc. Bằng chứng là khi tôi hết nghiện rượu, tôi lại chuyển sang các hình thức khác để thay đổi tâm trạng. Tôi đã cưỡng chế làm việc, ăn uống và hút thuốc, do nhu cầu vô độ của “đứa trẻ bên trong” đang bị tổn thương của tôi.
Giống như tất cả những đứa trẻ trong các gia đình nghiện rượu khác, tôi bị bỏ rơi về mặt tình cảm. Đối với một đứa trẻ, bị bỏ rơi chính là cái chết. Để bù đắp cho hai nhu cầu sinh tồn cơ bản nhất của mình (bố mẹ tốt và tôi quan trọng), tôi đã trở thành người chồng tình cảm của mẹ và làm bố mẹ của em trai mình. Việc giúp đỡ mẹ và những người khác khiến tôi cảm thấy rằng tôi ổn. Mọi người nói với tôi và tôi cũng tin rằng bố yêu tôi nhưng quá ốm yếu để thể hiện điều đó, còn mẹ là một vị thánh. Tất cả những điều này đã che đậy cảm giác tôi không đáng giá hơn thời gian của bố mẹ (sự xấu hổ độc hại). Nguyên liệu cốt lõi của tôi hình thành từ những nhận thức được chọn lọc, những cảm xúc bị kìm nén và niềm tin sai lầm; trở thành bộ lọc mà qua đó tôi diễn giải tất cả những trải nghiệm mới trong cuộc đời mình. Tôi đã sống sót qua thời thơ ấu nhờ “đứa trẻ bên trong” mình biết thích nghi nhưng lại không thể “tồn tại” khi trưởng thành. Lúc 30 tuổi, tôi đã phải nhập viện Austin State sau khi kết thúc mười bảy năm nghiện rượu.
Việc nhận thức được “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương là nguyên nhân cốt lõi của hành vi nghiện ngập hoặc gây rối loạn cưỡng chế sẽ giúp chúng ta nhìn nhận chứng nghiện ngập trong một bối cảnh bao quát hơn nhiều. Chứng nghiện chính là mối quan hệ bệnh lý với bất kỳ hình thức thay đổi tâm trạng nào có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng. Những chứng nghiện qua hệ tiêu hóa là những cách thay đổi tâm trạng đáng kể nhất. Rượu, ma túy và thực phẩm có tác động hóa học cố hữu trong việc thay đổi tâm trạng, nhưng cũng còn nhiều cách khác nữa. Tôi thích nói về chứng nghiện hoạt động, nghiện nhận thức, nghiện cảm giác và nghiện vật chất khác.
Chứng nghiện hoạt động bao gồm làm việc, mua sắm, cờ bạc, tình dục và các nghi lễ tôn giáo. Trên thực tế, bất kỳ hoạt động nào cũng có thể được sử dụng để thay đổi cảm xúc. Các hoạt động làm thay đổi cảm xúc thông qua việc phân tâm.
Chứng nghiện nhận thức là một cách hiệu quả để trốn tránh cảm xúc. Tôi đã sống trong đầu mình rất nhiều năm. Tôi là một giáo sư đại học. Suy nghĩ có thể là một cách để né tránh cảm xúc. Tất cả các chứng nghiện đều chứa đựng sự ám ảnh.
Chính cảm xúc cũng có thể gây nghiện. Tôi là một người nghiện tức giận trong nhiều năm. Cơn thịnh nộ, giới hạn duy nhất mà tôi biết, đã che đậy nỗi đau đớn và sự xấu hổ của tôi. Khi tôi nổi giận, tôi cảm thấy mình thật mạnh mẽ và quyền năng, thay vì cảm giác dễ bị tổn thương và bất lực.
Chắc hẳn mọi người đều biết một ai đó nghiện cảm giác sợ hãi. Những người nghiện sợ hãi có xu hướng trầm trọng hóa và làm mọi thứ tồi tệ hơn thực tế. Họ trở thành những người thường xuyên lo lắng thái quá và khiến người khác phải điên đầu.
Một số người nghiện cảm giác buồn phiền và đau thương. Họ dường như không có nỗi buồn nào nữa bởi họ chính là nó. Đối với một người nghiện cảm giác buồn, nỗi buồn đã trở thành một trạng thái hiện hữu.
Những người khiến tôi kinh sợ nhất là những người nghiện niềm vui. Họ là những chàng trai và cô gái tốt bụng bị buộc phải mỉm cười và vui vẻ, cứ như thể nụ cười đã đóng băng trên khuôn mặt họ vậy. Những người nghiện niềm vui không bao giờ thấy điều gì tệ hại cả. Họ sẽ mỉm cười ngay khi họ nói với bạn rằng mẹ của họ đã chết! Kỳ dị thực sự.
Vật chất cũng có thể gây nghiện. Tiền là “thứ” gây nghiện phổ biến nhất. Tuy nhiên, bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành nỗi ám ảnh và khiến tâm trạng thay đổi.
Cốt lõi của hầu hết các chứng nghiện, bất kể do yếu tố di truyền hay không, chính là “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương luôn ở trạng thái thèm muốn và thiếu thốn vô độ. Người ta không cần phải ở cạnh một người nghiện quá lâu để thấy được những trạng thái này ở anh ta.
TƯ DUY BỊ BÓP MÉO
Nhà tâm lý học phát triển vĩ đại Jean Piaget gọi trẻ em là “người ngoài hành tinh có nhận thức” vì trẻ không suy nghĩ như người lớn.
Trẻ em là những người tuyệt đối hóa. Đặc tính tư duy này ở trẻ được thể hiện thông qua tính phân cực “tất cả hoặc không có gì”. Nếu bạn không yêu tôi có nghĩa là bạn ghét tôi. Không có gì ở giữa hai thái cực đó hết. Nếu bố bỏ rơi mình thì tất cả đàn ông đều sẽ bỏ rơi mình.
Trẻ em là phi logic. Điều này được thể hiện ở những gì đã từng được miêu tả là “lý trí mang cảm xúc”. Tôi chắc chắn cảm thấy rằng chúng phải là như thế. Nếu tôi cảm thấy tội lỗi thì nhất định tôi là một kẻ khốn nạn.
Trẻ em cần một tấm gương lành mạnh để học cách phân biệt suy nghĩ với cảm xúc, suy nghĩ về cảm xúc và cảm nhận về suy nghĩ.
Trẻ em suy nghĩ một cách vị kỷ; điều này được thể hiện ở việc cá nhân hóa mọi thứ. Nếu bố không có thời gian cho mình, thì có nghĩa là mình không ổn, mình có vấn đề gì đó. Trẻ suy diễn hầu hết mọi thứ theo cách này. Vị kỷ được xem là dấu hiệu tự nhiên của thời thơ ấu, nhưng không phải là dấu hiệu về sự ích kỷ đạo đức. Đơn giản là trẻ chưa đủ khả năng tiếp thu quan điểm của người khác mà thôi.
Khi nhu cầu phụ thuộc của trẻ không được đáp ứng thì ở tuổi trưởng thành, trẻ sẽ bị tiêm nhiễm lối tư duy của “đứa trẻ bên trong”. Tôi thường thấy người lớn bộc lộ những lối suy nghĩ bị nhiễm tính trẻ con kiểu này. “Nước Mỹ đúng hay sai” là một ví dụ điển hình của tư tưởng tuyệt đối hóa.
Tôi biết một số người gặp rắc rối nghiêm trọng về tài chính do lối suy nghĩ cảm tính. Họ nghĩ rằng muốn một cái gì đó là đủ lý do để mua nó rồi. Khi còn nhỏ, họ không học cách phân biệt suy nghĩ với cảm xúc nên ở tuổi trưởng thành, họ sẽ thường xuyên dùng suy nghĩ như một cách để trốn tránh những cảm xúc đau đớn của mình. Họ tách biệt cái đầu ra khỏi trái tim như đúng nghĩa đen của nó. Hai hình thái phổ biến của sự bóp méo tư duy là khái quát hóa và chi tiết hóa.
Bản thân việc khái quát hóa không phải là một hình thái tư duy bị biến dạng. Tất cả các môn khoa học trừu tượng đều đòi hỏi chúng ta phải biết cách khái quát hóa và tư duy trừu tượng. Khi chúng ta khái quát hóa để tách biệt bản thân khỏi cảm xúc của mình thì khái quát hóa sẽ là bóp méo. Có rất nhiều người là thiên tài học thuật nhưng gần như không thể lo liệu ổn thỏa được cuộc sống hằng ngày của mình.
Hình thức khái quát hóa thực sự bị bóp méo được gọi là tiêu cực hóa vấn đề. Chúng ta tiêu cực hóa trong việc đưa ra những giả thuyết trừu tượng về tương lai. “Điều gì sẽ xảy ra nếu không còn tiền trong hệ thống an sinh xã hội khi tôi nghỉ hưu?” là một suy nghĩ tiêu cực. Suy nghĩ đó gây ra sự sợ hãi. Vì không phải là sự thật mà chỉ là giả thuyết thuần túy nên người có suy nghĩ đó sẽ gây sợ hãi cho chính mình theo đúng nghĩa đen. “Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương thường nghĩ theo cách này.
Cũng giống như khái quát hóa, chi tiết hóa là khả năng trí tuệ quan trọng, chẳng có gì sai khi ta suy nghĩ một cách chi tiết và kĩ càng cả. Nhưng khi chi tiết hóa được sử dụng để đánh lạc hướng chúng ta khỏi cảm giác đau thương thì nó sẽ bóp méo thực tế cuộc sống của chúng ta. Hành vi theo chủ nghĩa hoàn hảo mang tính cưỡng chế là một ví dụ điển hình cho hình thái này: Chúng ta trở nên chú tâm vào chi tiết như một cách để né tránh cảm giác kém cỏi của mình.
Bạn sẽ nghe thấy những ví dụ về tư duy vị kỷ ở khắp mọi nơi nếu bạn bắt đầu thực sự lắng nghe. Mới đây, tôi tình cờ nghe được một cặp đôi nói chuyện trên máy bay, người phụ nữ đang xem một tờ tạp chí để lập kế hoạch cho kỳ nghỉ của hãng hàng không. Cô vô tư nhận xét rằng cô đã luôn mong muốn được đến Úc nhưng người đàn ông lại trả lời một cách giận dữ: “Em mong đợi cái quái gì ở tôi thế? Tôi làm việc đến sắp chết rồi đấy!” “Đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương của anh ta tin rằng cô đang chê anh không lo nổi kinh tế chỉ đơn giản vì cô muốn đi Úc.
CẢM GIÁC TRỐNG RỖNG (CHỨNG LÃNH CẢM, TRẦM CẢM)
“Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương cũng phá hủy cuộc sống trưởng thành của chúng ta bằng chứng trầm cảm mãn tính ở mức độ nhẹ, thường được trải nghiệm như một cảm giác trống rỗng. Chứng trầm cảm là kết quả của việc đứa trẻ phải từ bỏ con người thật của mình để chấp nhận một cái tôi giả tạo. Sự từ bỏ con người thật chẳng khác gì việc tạo ra một chỗ trống bên trong bản thân mình cả. Tôi đã gọi điều này là “sự trống rỗng trong tâm hồn của một con người”. Khi một người đánh mất giá trị đích thực của mình, anh ta sẽ mất kết nối với cảm xúc, nhu cầu và mong muốn thực sự của mình. Thay vào đó, những gì anh ta trải nghiệm là những cảm giác do cái tôi giả tạo ra lệnh. Ví dụ như “làm người tử tế” là một nhân tố tự thân giả tạo phổ biến, khiến cho người ta nghĩ rằng một “người phụ nữ tử tế” thì sẽ không bao giờ thể hiện sự tức giận hay thất vọng.
Mang một bản thể giả tạo chính là đang diễn kịch. Bản thể thật không bao giờ hiện diện. Một người đang hồi phục đã miêu tả điều đó như thế này: “Cứ như thể tôi đang đứng bên lề cuộc sống của mình và nhìn nó trôi qua vậy”.
Cảm giác trống rỗng là một dạng trầm cảm mãn tính vì con người ta không ngừng tiếc thương cho bản thể thật của mình. Tất cả trẻ em khi trưởng thành đều bị trầm cảm mãn tính ở mức độ thấp trên một phương diện nào đó.
Sự trống rỗng cũng được trải nghiệm dưới dạng chứng lãnh cảm. Là một người tư vấn, tôi thường nghe những người lớn nhưng còn trẻ con phàn nàn rằng cuộc sống của họ có vẻ buồn tẻ và vô nghĩa. Họ thấy cuộc sống thiếu vắng và không thể hiểu tại sao những người khác lại hào hứng với mọi thứ đến vậy.
Marion Woodman, nhà phân tích xuất chúng học thuyết của Carl Jung, kể câu chuyện về một người phụ nữ đến để nhìn thấy Giáo hoàng khi Ngài đến thăm Toronto. Người phụ nữ mang theo một đống thiết bị máy ảnh phức tạp để có thể có được hình ảnh của Giáo hoàng. Cô ấy trở nên say mê với thiết bị của mình đến nỗi chỉ chụp được một bức ảnh của Giáo hoàng khi Ngài đi ngang qua. Cô ấy đã bỏ lỡ việc gặp Giáo hoàng thực sự! Trong lúc loay hoay để có được tấm ảnh thì người mà cô đến để được nhìn thấy đã ở đó, nhưng cô lại không hề có trải nghiệm gì về việc được gặp người đó cả.
Khi “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương, chúng ta cảm thấy trống rỗng và chán nản. Cuộc sống cứ như không thực tế, chúng ta ở đó nhưng lại không thực sự ở đó. Sự trống rỗng này dẫn đến cảm giác cô đơn bởi vì chúng ta không bao giờ là con người thật của mình và chúng ta không bao giờ thực sự hiện diện cả. Ngay cả khi mọi người ngưỡng mộ và gần gũi với chúng ta thì chúng ta vẫn cảm thấy đơn độc. Tôi đã mang cảm giác đó gần hết cuộc đời mình. Tôi luôn cố gắng trở thành người đứng đầu trong bất kỳ hội nhóm nào mà tôi tham gia. Tôi luôn có mọi người xung quanh ngưỡng mộ và khen ngợi mình. Thế nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy thực sự kết nối với bất kỳ ai trong số họ. Tôi nhớ một tối khi đang giảng bài tại Đại học St. Thomas, chủ đề của tôi là nhận thức của Jacques Maritain đối với học thuyết Thomistic về cái ác. Tôi đã hùng biện rất thuyết phục và sắc sảo vào buổi tối hôm đó. Khi tôi bước ra ngoài, đám đông đã đứng dậy trong sự tung hô. Tôi nhớ rất rõ cảm giác lúc đó của mình: Tôi muốn chấm dứt sự trống rỗng và cô đơn. Tôi cảm thấy mình muốn tự tử!
Trải nghiệm này cũng giải thích việc “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương với xu hướng tự coi mình là trung tâm có khả năng hủy hoại chúng ta ra sao. Sự trống rỗng trong họ giống như cơn đau răng kinh niên và mỗi khi bị đau, tất cả những gì họ có thể nghĩ đến là chính mình. Nhà trị liệu tâm lý thường rất bực bội khi phải đối mặt với tính vị kỷ thái quá của những bệnh nhân như vậy. Tôi từng lưu ý với các cố vấn đồng nghiệp của mình rằng có những khi tôi bước ra khỏi văn phòng của mình trong cơn nóng giận mà ai đó vẫn hỏi: “Anh có chút ít thời gian rảnh nào không?”
Những cách thức hủy hoại này xảy ra ở hầu hết các khía cạnh trói buộc con người. Tôi hy vọng rằng bạn có thể nhìn ra được những vấn đề nghiêm trọng mà “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của bạn vẫn đang tiếp tục hiện diện trong cuộc sống trưởng thành của bạn. Để giúp bạn xác định thêm những tổn hại mà “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của bạn có thể gây ra, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau bằng đáp án có hoặc không.
CÂU HỎI DÀNH CHO “ĐỨA TRẺ BÊN TRONG” BỊ TỔN THƯƠNG
Các câu hỏi trong phần này sẽ cho bạn một cái nhìn tổng thể về mức độ tổn thương của “đứa trẻ bên trong”. Ở phần Hai, tôi sẽ cung cấp cho bạn chỉ số đoán định cụ thể hơn trong từng giai đoạn phát triển.
A. XÁC ĐỊNH CÁ TÍNH
1. Tôi luôn cảm thấy lo lắng và sợ hãi mỗi khi dự định làm một điều mới mẻ nào đó. Có______ Không______
2. Tôi luôn muốn làm hài lòng mọi người (làm một người tốt/người yêu tuyệt vời) và không hề có cá tính riêng. Có______ Không______
3. Tôi là một kẻ nổi loạn. Tôi cảm thấy xung đột chính là sự sống của mình. Có______ Không______
4. Ở sâu thẳm và bí mật nhất trong con người mình, tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn. Có______
5. Tôi là người hay giữ trong lòng, tôi thấy khó khăn để có thể buông bỏ điều gì đó. Có______ Không______
6. Tôi cảm thấy không đủ tư cách để làm một người đàn ông/phụ nữ. Có______ Không______
7. Tôi không chắc chắn về giới tính của mình. Có______ Không______
8. Tôi cảm thấy tội lỗi khi đứng lên đấu tranh cho chính mình và thà chịu thua người khác còn hơn. Có______ Không______
9. Tôi gặp khó khăn khi bắt đầu làm một điều gì đó. Có______ Không______
10. Tôi gặp khó khăn để hoàn thành bất cứ việc gì. Có______ Không______
11. Tôi hiếm khi có suy nghĩ của riêng mình. Có______ Không______
12. Tôi liên tục chỉ trích bản thân vì những thiếu sót. Có______ Không______
13. Tôi coi mình là một tội nhân tàn ác và sợ mình sẽ phải xuống địa ngục. Có______ Không______
14. Tôi rất cứng nhắc và cầu toàn. Có______ Không______
15. Tôi cảm thấy dường như mình không bao giờ đạt được điều gì đó, không thể làm được điều gì đó đúng đắn cả. Có______ Không______
16. Tôi cảm giác mình không thực sự biết bản thân muốn gì. Có______ Không______
17. Tôi được định hướng để trở thành một người xuất chúng. Có______ Không______
18. Tôi tin rằng mình chẳng có giá trị gì ngoại trừ khả năng tình dục. Tôi sợ mình sẽ bị từ chối và bỏ rơi nếu không phải là một người tình tốt. Có______ Không______
19. Cuộc sống của tôi thực sự trống rỗng. Hầu như lúc nào tôi cũng cảm thấy chán nản. Có______ Không______
20. Tôi thực sự không biết mình là ai. Tôi không biết giá trị của mình là gì hay tôi nghĩ gì về mọi thứ. Có______ Không______
B. NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN
1. Tôi mất kết nối với những nhu cầu của cơ thể. Không biết lúc nào mình mệt, đói hay ham muốn cả. Có______ Không______
2. Tôi không thích bị động chạm vào cơ thể. Có______ Không______
3. Tôi thường quan hệ tình dục dù tôi không thực sự muốn. Có______ Không______
4. Tôi đã hoặc đang mắc chứng rối loạn ăn uống. Có______Không______
5. Tôi thích quan hệ tình dục bằng miệng. Có______Không______
6. Tôi hiếm khi biết mình đang cảm thấy gì. Có______Không______
7. Tôi cảm thấy xấu hổ khi nổi điên. Có______ Không______
8. Tôi hiếm khi tức giận, nhưng nếu đã tức giận thì tôi sẽ giận điên lên. Có______ Không______
9. Tôi sợ sự tức giận của người khác và sẽ làm bất cứ điều gì để kiểm soát nó. Có______ Không______
10. Tôi xấu hổ khi khóc. Có______ Không______
11. Tôi xấu hổ khi sợ hãi. Có______ Không______
12. Tôi hầu như không bao giờ bộc lộ cảm xúc khó chịu. Có______ Không______
13. Tôi bị ám ảnh bởi quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Có______ Không______
14. Tôi bị ám ảnh bởi kiểu quan hệ tình dục bạo dâm. Có______ Không______
15. Tôi xấu hổ về các chức năng của cơ thể. Có______ Không______
16. Tôi bị rối loạn giấc ngủ. Có______ Không______
17. Tôi dành quá nhiều thời gian để xem nội dung khiêu dâm. Có______ Không______
18. Tôi đã phô bày bản năng tình dục của bản thân theo cách xâm hại người khác. Có______ Không______
19. Tôi bị hấp dẫn bởi việc quan hệ tình dục với trẻ em. Tôi sợ rằng có thể mình sẽ thực hiện điều đó. Có______ Không______
20. Tôi tin rằng thức ăn hoặc tình dục là nhu cầu lớn nhất của mình. Có______ Không______
C. XÃ HỘI
1. Về cơ bản tôi không tin tưởng vào bất cứ ai, kể cả bản thân mình. Có______ Không______
2. Tôi đã hoặc đang kết hôn với một người nghiện ngập. Có______ Không______
3. Tôi bị ám ảnh và luôn muốn kiểm soát mối quan hệ của mình. Có______ Không______
4. Tôi là một kẻ nghiện ngập. Có______ Không______
5. Tôi là người tách biệt và sợ hãi mọi người, đặc biệt là những người có quyền hành. Có______ Không______
6. Tôi ghét ở một mình và tôi sẽ làm mọi cách để tránh điều đó. Có______ Không______
7. Tôi thấy mình đang làm những điều mà tôi nghĩ người khác mong đợi ở mình. Có______ Không______
8. Tôi tránh xung đột bằng mọi giá. Có______ Không______
9. Tôi hiếm khi nói không với đề xuất của người khác và cảm thấy rằng đề nghị của người khác gần như là một mệnh lệnh mình phải tuân theo. Có______ Không______
10. Tôi có tinh thần trách nhiệm quá mức. Tôi luôn quan tâm đến vấn đề của người khác hơn là đến chính mình. Có______ Không______
11. Tôi thường không nói “không” một cách trực tiếp, tôi sẽ từ chối làm những gì người khác yêu cầu bằng nhiều cách khéo léo, gián tiếp và bị động. Có______ Không______
12. Tôi không biết cách giải quyết xung đột với người khác. Tôi hoặc áp đảo đối thủ của mình hoặc hoàn toàn né tránh họ. Có______ Không______
13. Tôi hiếm khi yêu cầu làm rõ những câu nói tôi không hiểu. Có______ Không______
14. Tôi thường đoán xem câu nói của người khác có ý nghĩa gì và trả lời nó dựa trên suy đoán ấy. Có______ Không______
15. Tôi chưa bao giờ cảm thấy gần gũi với bố, mẹ hoặc cả hai người. Có______ Không______
16. Tôi nhầm lẫn giữa tình yêu và sự thương hại và thường có xu hướng yêu những người mà tôi cảm thấy thương hại. Có______ Không______
17. Tôi thường chế giễu bản thân và người khác khi họ mắc lỗi. Có______ Không______
18. Tôi dễ dàng nhượng bộ và phục tùng tập thể. Có______ Không______
19. Tôi đua tranh mạnh mẽ và khó chấp nhận việc mình bị thua. Có______ Không______
20. Nỗi sợ sâu sắc nhất của tôi là sợ bị bỏ rơi và tôi sẽ làm mọi cách để níu kéo một mối quan hệ. Có______ Không______
Nếu bạn trả lời CÓ từ mười câu trở lên, bạn cần phải nghiêm túc thực hiện một số phương pháp. Và cuốn sách này là dành cho bạn.