Ước gì tôi biết…
TÍNH CÁCH ảnh hưởng
sâu sắc đến HÀNH VI
Chúng ta không cần đặt câu hỏi cho chân lý: mỗi người là một cá thể độc đáo, riêng biệt. Câu hỏi đặt ra là độc đáo như thế nào? Tôi ước gì tôi biết rằng tính cách (những đặc tính khiến chúng ta độc đáo, riêng biệt) sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc hôn nhân của chúng tôi.
Trước khi kết hôn, tôi đã nghĩ sẽ tuyệt như thế nào nếu mỗi sáng tôi thức dậy và ăn sáng cùng vợ tôi. Sau khi kết hôn, tôi mới biết Karolyn không ăn sáng. Bữa sáng không quan trọng với cô ấy. Khi đó, tôi mới nhớ khi còn hẹn hò, cô ấy đã nói với tôi: “Đừng gọi em vào buổi sáng. Em không chịu trách nhiệm về những gì em nói hay làm trước buổi trưa đâu nhé.” Tôi đã cười và nghĩ đó là lời nói đùa. Tôi cũng không bao giờ gọi cô ấy vào buổi sáng bởi tôi quá bận với “những việc của mình”. Sau khi kết hôn, tôi mới biết cô ấy nói nghiêm túc. Giấc mơ của tôi về một bữa sáng lãng mạn, đầm ấm cùng vợ đã tan biến ngay trong tháng đầu chúng tôi cưới nhau. Tôi đành một mình ăn sáng trong im lặng, nghe những chú chim đang hát ca ngoài cửa sổ.
Trước khi chúng tôi cưới, Karolyn cũng vạch ra những điều mà chúng tôi sẽ làm từ 10 giờ tối đến nửa đêm, bao gồm đọc và thảo luận về những cuốn sách, xem phim, chơi game và thảo luận về những vấn đề trong cuộc sống. Điều cô ấy không biết là chiếc máy trí tuệ, cảm xúc và thể chất của tôi sẽ “đóng cửa” vào lúc 10 giờ tối. Khả năng để tôi có một cuộc trò chuyện thông minh bị giảm sút đi rất nhiều sau giờ đó. Sự thật thì trong khi hẹn hò, tôi vẫn rất hứng thú và tham gia các hoạt động của cô ấy cho đến tận nửa đêm. Nhưng đó là tôi bị cuốn theo cảm xúc của một người đang yêu. Cô ấy không mảy may nghĩ rằng sau khi chúng tôi cưới nhau, tôi không còn được như thế nữa.
Trước khi kết hôn không ai trong hai chúng tôi biết rằng lại có “người thích hoạt động buổi sáng” và “người thích hoạt động về đêm” như vậy. Người thích hoạt động buổi sáng thức dậy với sự nhiệt tình của một chú kangaroo, hứng khởi đón nhận ngày mới, trong khi người thích hoạt động về đêm lại giấu mình dưới lớp chăn và nghĩ: “Họ phải chơi một trò chơi nào đó – không ai có thể hứng khởi vào buổi sáng cả.” Người thích hoạt động về đêm lại có “giờ vàng” từ 10 giờ đêm cho đến… Đó là khi họ đọc sách, vẽ, chơi game, làm bất cứ thứ gì cần nhiều năng lượng, trong khi người thích hoạt động buổi sáng nhanh chóng bị “tàn dần” vào giờ đó.
Tính cách khác biệt này ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tình dục vợ chồng. Người thích hoạt động buổi sáng muốn lên giường vào lúc 10 giờ tối, yêu nhau, trong khi người thích hoạt động về đêm lại nói: “Anh đùa à. Em không thể lên giường sớm như thế này.” Người thích hoạt động buổi sáng có lẽ sẽ có cảm giác mình bị từ chối, trong khi người thích hoạt động về đêm lại thấy mình như đang bị kiểm soát. Điều này có thể dẫn đến những tranh luận và sự thất vọng. Liệu còn có hy vọng cho cặp vợ chồng này?
Chắc chắn là có, nếu họ lựa chọn để tôn trọng sự khác biệt của nhau và cùng nhau thảo luận để tìm ra một giải pháp. Ví dụ, người thích hoạt động về đêm có thể đồng ý yêu nhau vào 10 giờ tối, nếu người thích hoạt động buổi sáng cho phép họ sau khi “hành sự” xong thì có thể rời khỏi giường và làm những điều mình thích cho tới nửa đêm. Tuy nhiên, nếu người thích hoạt động buổi sáng khăng khăng muốn người thích hoạt động về đêm vẫn phải nằm trên giường cùng mình sau khi đã yêu nhau xong, thì người đó sẽ cảm thấy bị điều khiển, ép buộc và thất vọng. Người thích hoạt động buổi sáng sẽ không bao giờ trở thành người thích hoạt động về đêm và ngược lại. Đó là một phần trong tính cách của chúng ta. Với nỗ lực của mình, chúng ta có thể hoạt động sớm hơn hoặc muộn hơn “giờ vàng” của chúng ta. Nhưng nó sẽ không bao giờ đến nếu chúng ta không nỗ lực.
Nếu Karolyn và tôi biết rằng tôi là người thích hoạt động buổi sáng và cô ấy là người thích hoạt động về đêm, nếu trong thời gian hẹn hò chúng ta thảo luận về những khác biệt tính cách này, chúng tôi sẽ không cảm thấy bị tổn thương như bây giờ. Tôi sẽ không cảm thấy thất vọng vì cô ấy không ăn sáng cùng tôi, và cô ấy sẽ không cảm thấy bị kiểm soát khi tôi muốn cô ấy lên giường lúc 10 giờ tối. Vâng, ước gì chúng tôi biết sự khác biệt về tính cách sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi.
Người thích hoạt động buổi sáng sẽ không bao giờ trở thành người thích hoạt động về đêm và ngược lại.
“Đầy hay vơi?”
Hãy tìm những khác biệt về tính cách khác mà chúng ta thường không tìm ra và không thảo luận trước khi cưới. Người bi quan và người lạc quan thường hấp dẫn nhau. Người lạc quan sẽ nhìn thấy một cốc nước đầy, còn người bi quan sẽ nhìn thấy một cốc nước vơi. Người lạc quan sẽ nhìn thấy các khả năng còn người bi quan sẽ nhìn thấy các vấn đề. Mỗi chúng ta đều có nền tảng nghiêng về hướng này hoặc hướng khác, nhưng chúng ta thường không nhận ra khía cạnh này trong tính cách của mình.
Trong giai đoạn hẹn hò, chúng ta thường tưởng rằng người kia cũng nhìn thế giới giống như mình. Vì chúng ta đang say mê nhau, nên sự khác biệt về tính cách không rõ ràng. Ví dụ, người lạc quan là người có xu hướng thích mạo hiểm vì anh ta tin rằng mọi thứ mình làm sẽ trở nên tốt đẹp. Cho nên, anh muốn hai người sẽ đi nhảy bungee1. Người bi quan, bản tính tự nhiên không muốn mạo hiểm, bởi cô nghĩ mọi thứ tồi tệ nhất đều có thể xảy ra. Do đó, cô không bao giờ nghĩ mình sẽ chơi trò nhảy bungee, nhưng vì khâm phục và tin tưởng người yêu, nên cô sẵn sàng làm những điều mà cô không bao giờ làm. Người lạc quan sẽ cảm thấy vui sướng khi hẹn hò với người sẵn sàng tham gia những trò mạo hiểm cùng mình, mà không nhận ra rằng người đó đã đi ra ngoài vùng an toàn cảm xúc của chính họ.
1 Nhảy Bungee: Đeo dây và nhảy từ trên cao xuống. Đây là một trong những hoạt động thể thao mạo hiểm nhất thế giới đang được ưa chuộng tại nhiều quốc gia.
Hai năm sau khi kết hôn, anh đề nghị hai vợ chồng sẽ cùng nhau leo núi, thì cô kịch liệt phản đối. Không chỉ có vậy, cô còn phản đối ý tưởng anh leo núi một mình hay leo núi cùng bạn bè. Cô có thể hình dung mình sẽ trở thành góa phụ và không hiểu tại sao chồng mình lại sẵn sàng với trò mạo hiểm đến thế. Trong khi đó, anh lại phớt lờ phản ứng của cô. Anh băn khoăn không biết điều gì đang xảy ra với tinh thần của cô vậy? Tại sao cô lại trở thành kẻ phá đám?
Trong giai đoạn hẹn hò, chúng ta thường tưởng rằng người kia cũng nhìn thế giới giống như mình.
Vì họ không nhận ra và thảo luận về những khác biệt tính cách trước khi cưới, nên sau khi kết hôn họ đều thấy mình bị lôi kéo vào một cuộc xung đột mà cả hai đều không hiểu tại sao. Thực tế, chỉ đơn giản cả hai người đều là chính mình, một người lạc quan và một người bi quan. Vấn đề là không ai trong hai người biết được con người thật của người kia trước khi họ kết hôn. Cảm xúc hưng phấn của những ngày hẹn hò khiến họ không nhìn thấy sự khác biệt tính cách này. Nếu đã thảo luận về những khác biệt này trước khi cưới, thì chắc chắn anh sẽ nhận ra cô sẽ không bao giờ là một nhà leo núi hay không bao giờ chơi trò nhảy dù cùng anh. Anh cũng sẽ nhận ra rằng nếu anh làm những việc đó, thì anh sẽ gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ từ vợ.
Sự khác biệt về tính cách cũng dễ tạo ra những xung đột trong cách quản lý tài chính. Người lạc quan có xu hướng là người đầu tư mạo hiểm, sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro cao với hy vọng có kết quả khả quan. Trong khi đó, người bi quan sẽ muốn đầu tư vào những thị trường an toàn và chắc chắn hơn. Họ sẽ mất ngủ cả đêm nếu người bạn đời đẩy họ vào những khoản đầu tư rủi ro cao. Nếu đầu tư gặp rủi ro, thì người bi quan sẽ đổ lỗi cho người lạc quan đã đem lại những rủi ro không đáng có cho số tiền của họ. Còn người lạc quan sẽ cho rằng, người bi quan không ủng hộ ý tưởng của họ, do đó đổ lỗi cho người bạn đời đã cản bước mình tới thành công.
Câu trả lời cho sự khác biệt tính cách này nằm ở sự thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt, chứ không phải đổ lỗi cho nhau. Họ phải đàm phán để đi đến một phương pháp có thể tôn trọng được tính cách của cả hai bên. Bạn có thể đưa ra một kế hoạch đồng ý về số tiền mà hai vợ chồng sẽ đầu tư an toàn trước khi người lạc quan tham gia vào một lĩnh vực đầu tư rủi ro cao. Khi mức đầu tư tối thiểu được đặt ra, hai vợ chồng có thể đồng ý về số tiền mà anh chồng có thể đầu tư vào lĩnh vực có độ rủi ro cao hơn và nếu có thất bại, thì vợ anh cũng không đổ lỗi cho anh. Mặt khác, nếu đầu tư thành công, cô sẽ khen ngợi khả năng đầu tư của anh và sẽ cùng nhau ăn mừng thắng lợi tài chính của họ.
Nếu một cặp đôi đang hẹn hò sẵn lòng thảo luận với nhau về những vấn đề này trước khi kết hôn, họ sẽ tránh được các cuộc tranh cãi không cần thiết về việc họ sẽ quản lý tài chính như thế nào. Nguyên tắc này cũng đúng trong những khía cạnh khác của cuộc sống – nơi mà người bi quan và người lạc quan luôn có quan điểm khác nhau. Thấu hiểu, chấp nhận và đàm phán về những khác biệt là điều cần thiết để xây dựng nền tảng cho một cuộc hôn nhân bền vững.
Cẩn thận và cẩu thả
Ở đây có hai kiểu người cẩn thận và cẩu thả. “Tôi chưa bao giờ thấy ai cẩu thả như Ben”, Alicia phàn nàn. Có bao nhiêu cô vợ phàn nàn như thế về chồng mình sau chưa đầy một năm cưới nhau? Thú vị là, trước khi cưới nhau, Alicia chưa bao giờ bận tâm về điều này. Ồ, cô ấy có thể nhận ra đôi lần chiếc xe ô tô rất bẩn hay căn phòng của anh ấy không được ngăn nắp, nhưng bằng cách này hay cách khác cô ấy cho rằng: “Ben là người thoải mái hơn tôi. Đó là điều tốt, tôi rất thích. Tôi cần nhìn mọi việc thoáng hơn một chút.” Trong khi, Ben nhìn Alicia như một thiên thần. “Chẳng tuyệt sao khi Alicia luôn ngăn nắp, gọn gàng? Giờ tôi sẽ không phải lo lắng giữ mọi thứ sạch sẽ bởi cô ấy sẽ quan tâm tới điều đó.” Tuy nhiên ba năm sau, anh bị vợ chỉ trích nặng nề và việc đó khiến anh phản ứng lại kiểu như: “Anh không hiểu tại sao em lại thấy phiền lòng khi thấy một chút thức ăn bị vương ra ngoài?”
Một số người sống theo phương châm: “Một chỗ cho một vật và vật nào có chỗ ấy”. Nhưng những người khác lại không ép mình phải dọn dẹp đồ đạc của mình, quần áo, cốc uống cà phê hay bất cứ thứ gì khác. Họ có thể sử dụng lại chúng trong một hoặc hai tuần. Họ lập luận rằng: “Tại sao bạn lại tốn thời gian để dọn quần áo bẩn hàng ngày? Bạn cứ để nó trên sàn nhà cho tới khi giặt. Chúng chẳng chạy đi đâu và chúng cũng chẳng làm phiền tôi.”
Chúng ta là những sợi dây khác nhau và chúng ta rất khó hiểu tại sao người khác lại không nhìn sự việc như chúng ta. Không khó để tìm ra sự khác biệt về tính cách này, chỉ cần bạn chịu khó quan sát thực tế trong khi hẹn hò là bạn có thể nhận ra ngay. Hãy nhìn chiếc xe và căn phòng của anh ấy, bạn sẽ biết được ngay anh ấy là người cẩn thận hay cẩu thả. Hãy nhìn bếp và phòng ngủ của cô ấy là bạn sẽ biết được cô ấy thuộc kiểu người nào. Nếu hai bạn có tính cách giống nhau, thì các bạn hoặc là sẽ có một ngôi nhà cực kỳ ngăn nắp hoặc sẽ có một ngôi nhà vô cùng lộn xộn. Nhưng cả hai bạn sẽ rất hạnh phúc. Nếu hai bạn có tính cách khác nhau, thì đây chính là lúc các bạn cần thảo luận cùng nhau. Đối mặt với thực tế và thảo luận xem ai sẽ chịu trách nhiệm về cái gì sau khi hai bạn kết hôn. Nếu cô ấy sẵn lòng nhặt quần áo bẩn của bạn hàng ngày và cho vào máy giặt như mẹ bạn vẫn làm khi bạn còn học phổ thông, thì đây là điều rất tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu cô ấy muốn bạn có trách nhiệm hơn, thì chắc chắn bạn phải thay đổi hoặc không bạn lại phải nhờ mẹ đến dọn quần áo bẩn cho bạn. Cần đàm phán để đưa ra một giải pháp thỏa đáng – nhưng thời gian bắt đầu cho cuộc đàm phán phải là trước khi bạn kết hôn.
Khi “biển chết” cưới “suối chảy”
Một khía cạnh nữa của khác biệt tính cách là liên quan đến lời nói. Một số người có thể chia sẻ mọi chuyện với người khác. Một số khác lại sống nội tâm, ít chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Tôi thường gọi kiểu người thứ nhất là “suối chảy” còn kiểu người thứ hai là “ biển chết”. Tại Israel, biển Chết nhận nước từ sông Jordan, nhưng biển Chết không chảy đi đâu. Rất nhiều người có kiểu tính cách này. Họ có thể tiếp nhận đủ loại suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm trong ngày. Họ có một cái hồ chứa rộng lớn để dự trữ mọi trải nghiệm và họ không thích nói chuyện, chia sẻ với ai. Thực tế, nếu hỏi han một gã “ biển chết”: “Có chuyện gì vậy? Tại sao anh không chia sẻ với em?” thì anh ta sẽ nói: “Không có gì cả. Điều gì khiến em nghĩ là anh có chuyện gì không ổn?” “Biển chết” đang hoàn toàn trung thực. Anh ta không có gì để nói cả.
Trong khi đó, “suối chảy” là người có thể nói cho ai bất cứ thông tin gì mà họ mắt thấy tai nghe hoặc cảm thấy – thường trong vòng không đầy 60 giây. Bất kể thứ gì họ nhìn thấy, nghe thấy, họ đều có thể kể cho người khác. Thực tế, nếu không có ai ở nhà, họ sẽ gọi điện cho ai đó và hỏi: “Anh có muốn biết tôi vừa nghe được điều gì không?” Họ không có cái hồ chứa nào, tất cả những gì họ trải nghiệm, nó sẽ tràn ra buộc họ phải kể cho người khác nghe.
Thông thường một “ biển chết” sẽ cưới phải một “suối chảy”. Trước khi kết hôn, sự khác biệt giữa họ chính là điều hấp dẫn họ. Chẳng hạn, trong khi hẹn hò, “ biển chết” có thể thấy rất thư giãn. Anh/cô ấy sẽ không phải nghĩ “mình sẽ bắt đầu cuộc trò chuyện như thế nào?” hoặc “mình phải tiếp tục câu chuyện như thế nào?” Tất cả những gì họ làm là ngồi xuống, gật đầu và nói: “Ừ. Vâng.” “Suối chảy” thì chảy suốt buổi tối. “Suối chảy” sẽ thấy “ biển chết” khá hấp dẫn bởi “ biển chết” là người biết lắng nghe tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, năm năm sau khi kết hôn, có thể “suối chảy” sẽ phải thốt lên: “Chúng tôi đã cưới nhau năm năm rồi nhưng tôi không biết gì về cô ấy”, còn “ biển chết” có thể nói: “Tôi hiểu anh ấy tường tận. Tôi chỉ ước anh ấy nói ít thôi và cho tôi chút nghỉ ngơi.”
Những khác biệt này cũng có thể thấy rõ trong cách họ kể chuyện. “Suối chảy” giống như một họa sĩ. Nếu họ đang kể cho bạn nghe một sự kiện nào đó, họ sẽ vẽ một bức tranh tỉ mỉ, thật đẹp về sự kiện đó. Họ sẽ nói cho bạn biết thời tiết hôm đó mưa hay nắng, gió thổi thế nào, hoa nở ra sao, có bao nhiêu người đang đứng trong công viên. Trong khi đó “biển chết” giống như một người chỉ điểm. Nếu họ kể cho bạn nghe cùng một sự kiện mà “suối chảy” kể cho bạn nghe, thì họ sẽ kể ngắn hơn và ít chi tiết hơn. Họ chỉ đơn giản “đưa ra một điểm chính”. Họ là kiểu người truyền thông theo điểm “mấu chốt”. Trong một cuộc hôn nhân, người chỉ điểm sẽ rất khó để có thể ngồi nghe một câu chuyện dài và chi tiết của một họa sĩ. Họ sẽ ngắt lời và nói: “Em có thể chỉ ra đâu là điểm chính không?” Tuy nhiên, khi họa sĩ lắng nghe người chỉ điểm nói, thì họ sẽ liên tục đặt ra những câu hỏi cố gắng thu thập nhiều chi tiết hơn để họ có bức tranh tốt hơn về câu chuyện.
Họa sĩ sẽ luôn luôn là một họa sĩ và người chỉ điểm sẽ luôn luôn là người chỉ điểm. Kiểu nói chuyện của mỗi người sẽ không thể thay đổi, và cũng không có chuyện kiểu nói chuyện của người này tốt hơn người kia. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu được những điểm khác biệt này, chúng ta cũng không có ý định thay đổi người khác sau khi chúng ta kết hôn. “Biển chết” sẽ không bao giờ trở thành “suối chảy”. Vì vậy, nếu cưới một “ biển chết” bạn phải bằng lòng sống với một người không muốn chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Hầu hết “ biển chết” sẽ rất cởi mở với những câu hỏi và sẵn lòng chia sẻ nhiều hơn nếu “suối chảy” đưa ra những câu hỏi. “Biển chết” không chiếm giữ thông tin cho riêng mình, chỉ đơn giản là họ không bắt buộc phải chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của mình cho người khác.
“Biển chết” có thể bằng lòng lắng nghe “suối chảy” nói liên hồi, nên đôi khi anh/cô ấy có thể im lặng khá lâu. Đó là lý do tại sao thỉnh thoảng họ rời mắt khỏi máy tính hay dừng các hoạt động khác. Suối chảy” phải hiểu điều đó. “Biển chết” chỉ đơn giản muốn có một không khí trầm lắng hơn. Khi những khác biệt tính cách này được thảo luận trước khi kết hôn, chắc chắn chúng ta sẽ gặp ít rắc rối hơn sau khi kết hôn.
Bị động và chủ động
Một câu ngạn ngữ xưa nói rằng: “Một số người đọc lịch sử, còn những người khác tạo ra lịch sử.” Thường thì những người này lại kết hôn với nhau. Một người chồng hay một người vợ chủ động sẽ tin rằng mỗi ngày là một cơ hội mới để thúc đẩy mục tiêu. Họ sẽ chủ động theo đuổi những điều họ muốn, những điều họ cho là đúng đắn, hoặc những điều họ nghĩ nên xảy ra. Họ sẽ đi tới cùng, sẽ lần lượt vượt qua từng tảng đá, sẽ làm bất cứ thứ gì chính đáng nhất để có thể hoàn thành những mục tiêu trong cuộc sống. Trái lại, người bị động sẽ dành thời gian suy nghĩ, phân tích, băn khoăn “nếu” và chờ đợi điều tốt đẹp xảy ra. Phương châm của họ là: “Mọi thứ sẽ đến với ai biết chờ đợi.”
Trước khi kết hôn, nét tính cách này khiến họ cảm thấy hợp nhau. Người chủ động sẽ tìm thấy sự thoải mái để quan sát tính cách bình tĩnh, ôn hòa của người kia. Họ thích sự ổn định, bản tính dự đoán của người mà họ yêu. Người bị động rất hài lòng để ai đó lập lên kế hoạch cho tương lai của họ. Họ khâm phục những thành tựu mà người yêu mình đạt được.
Sau khi kết hôn, họ thường xuyên nhận ra rằng nét tính cách này mâu thuẫn nhau. Người chủ động sẽ cố gắng “đẩy” người bị động vào các hoạt động. “Thôi nào, chúng ta có thể làm việc này diễn ra mà” là câu thần chú của họ. Trái lại, người bị động luôn nói: “Đợi đã. Sẽ có cơ hội sau tốt hơn. Đừng có cuống lên thế. Mọi thứ rồi sẽ diễn ra.”
Những nét tính cách này bạn có biết được trong giai đoạn hẹn hò không? Câu trả lời là có, nhưng thường thì chúng ta không bao giờ thảo luận về nó. Người bị động có xu hướng đơn giản đi theo bất cứ thứ gì mà người chủ động muốn làm. Họ tận hưởng cuộc phiêu lưu và tận hưởng cảm xúc trong tình yêu. Họ sẽ hiếm khi bày tỏ sự phản đối trước những ý tưởng của người chủ động. Khi hai người cùng bước vào một căn phòng, người chủ động sẽ đánh giá ngay những gì cần phải làm và sẽ bắt tay thực hiện, trong khi người bị động sẽ đứng đó, có thể sẽ nói chuyện với một người bạn, chờ đợi để nhìn thấy bữa tối được mang vào. Người chủ động sẽ thường xuyên lôi kéo người bị động tham gia vào các hoạt động bằng cách yêu cầu họ làm điều gì đó cụ thể. Vì họ đang yêu một người xông xáo, tích cực, nên với tính cách bị động của mình, họ thường sẽ tuân thủ và cảm thấy khá tốt khi trở thành một phần trong quá trình hoạt động này.
Ở đây không có chuyện đúng sai đối với tính cách bẩm sinh của mỗi người, nhưng tính cách này có khả năng gây ra những tổn thương cho nhau, sau khi họ kết hôn. Khi cảm xúc đỉnh cao của giai đoạn yêu nhau phai mờ, thì người bị động có thể sẽ phản kháng trước những yêu cầu của người chủ động và người bị động có thể có cảm giác bị điều khiển, kiểm soát. Trong khi đó, người chủ động sẽ cảm thấy thất vọng và tức giận với sự do dự trong tính cách của người bị động. Chắc chắn hai người có tính cách trái ngược nhau này vẫn có thể tạo dựng được một cuộc hôn nhân hạnh phúc, với điều kiện người chủ động phải thông cảm và thấu hiểu tính cách của người bị động. Người chồng chủ động phải dành thời gian để lắng nghe những mối quan tâm của người vợ có tính cách bị động và phải nhận ra những tài sản quý giá mà cô ấy mang đến trong cuộc hôn nhân của hai người. Ví dụ, “suy nghĩ kĩ trước khi hành động” luôn là một lời khuyên giá trị. Người bị động có lẽ sẽ hơn người chủ động ở chỗ “suy nghĩ kĩ”. Trong khi đó, người bị động phải cho phép người chủ động sử dụng sức mạnh của anh ấy và cho phép anh ấy hành động trước khi quá muộn. Nếu bạn không hành động cùng anh ấy, thì bạn nên giữ vững tinh thần trong khi anh ấy hành động. Việc cùng nhau hành động sẽ giúp bạn hoàn thành được nhiều mục tiêu hơn trong cuộc sống, nếu hai bạn biết cách bổ sung cho nhau, chứ không phải cạnh tranh với nhau.
Nếu bạn thảo luận về những điểm khác biệt tính cách trước khi kết hôn và dành thời gian làm việc cùng nhau như một đội thực thụ, thì bạn sẽ biến những điểm khác biệt này thành tài sản của các bạn khi bạn kết hôn.
Giáo sư và vũ công
Một số người cực kỳ logic trong lập luận của mình. Họ tiến bộ thông qua các bước phân tích lý trí và tìm ra đâu là giải pháp hợp lý với mình. Những người khác lại chỉ đơn giản biết rằng, trong trái tim họ, điều gì là đúng trong một hoàn cảnh nhất định. Họ không thể nói cho bạn biết tại sao hay họ đưa ra giải pháp đó như thế nào, họ chỉ đơn giản biết rằng đó là một quyết định đúng.
Tôi thường gọi người có tư duy logic là giáo sư. Với giáo sư, mọi thứ đều phải có lý do. “Chúng ta phải có lý do hợp lý cho mọi thứ chúng ta làm. Nếu nó không hợp lý, thì chúng ta không nên làm.” Người sống bằng trực giác giống một vũ công hơn. “Chúng ta không cần phải có lý do logic cho mọi thứ chúng ta làm. Chúng ta làm chỉ đơn giản vì chúng ta thích. Tôi không biết tại sao. Tôi luôn luôn phải biết tại sao ư? Tôi muốn làm chỉ bởi tôi muốn làm.” Trước khi kết hôn, giáo sư sẽ bị hấp dẫn bởi sự khôn ngoan trực giác của vũ công, trong khi vũ công sẽ rất ngưỡng mộ lý trí logic của giáo sư. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, giáo sư sẽ cảm thấy dần dần bị mất trí bởi những hành vi vô lý của vũ công, trong khi vũ công băn khoăn tại sao cô lại có thể tiếp tục sống với một người luôn ám ảnh phải truy tìm các lý do.
Một người chồng nói với vợ: “Trish, hãy nghe anh. Những bức tường không bẩn, chúng không cần phải sơn lại. Chẳng lẽ em không hiểu điều đó.” Cô vợ đáp lại: “Em hiểu điều đó. Nhưng em không muốn nhìn thấy bức tường màu xanh này lâu hơn nữa.” Giáo sư sẽ có một khoảng thời gian khó khăn để đưa ra những quyết định dựa trên mong muốn của vũ công. Còn vũ công không thể hình dung được tại sao mọi người lại muốn bị nhốt trong một nhà tù của những logic.
Những khác biệt tính cách này thường không được nhận ra và bị bỏ qua trước khi kết hôn. Trong giai đoạn hẹn hò, các quyết định thường được đưa ra rất đơn giản bởi cả hai người đều muốn làm vui lòng nhau. Sau khi kết hôn, cuộc sống trở nên thực tế hơn, thì mong muốn làm hài lòng nhau không phải là điều quan trọng nữa. Khi khác biệt xuất hiện, người tư duy logic sẽ tìm cách để buộc người tư duy trực giác vào trong những lý do logic cho vị trí của họ. Đây là mong muốn và yêu cầu không thể đạt được. Người tư duy trực giác sẽ không bao giờ xử lý những vấn đề trong cuộc sống theo logic của giáo sư.
Nếu bạn cố gắng buộc người khác vào trong khuôn đúc cá tính của mình, thì có thể bạn sẽ phải sống cả cuộc đời trong sự xung đột. Chúng ta phải nhận ra rằng cả tư duy trực giác và tư duy logic đều là những cách hợp lý để phát triển cuộc sống. Chúng ta không chỉ tập trung vào quá trình mà nhờ đó chúng ta đưa ra những kết luận, mà chúng ta phải tìm ra những kết luận để hai bên cùng đồng ý. Những nguyên tắc này đã được thảo luận trong chương Làm thế nào để giải quyết bất đồng mà không tức giận sẽ giúp các cặp vợ chồng có sự khác biệt tính cách này.
Nếu bạn cố gắng buộc người khác vào trong khuôn đúc cá tính của mình, thì có thể bạn sẽ phải sống cả cuộc đời trong sự xung đột.
Người biết cách tổ chức và người theo tinh thần tự do
Người biết cách tổ chức sẽ tập trung vào các chi tiết trong khi người tự phát – theo “tinh thần tự do” – nghĩ “khỏi cần quan tâm đến chi tiết.” Người biết cách tổ chức là người biết lên kế hoạch, họ sẽ dùng cả tháng để chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Họ sẽ kiểm tra trên ba website khác nhau, tìm kiếm hãng hàng không có giá rẻ nhất. Họ sẽ đặt phòng khách sạn trước. Họ cũng sẽ tập trung chuẩn bị như thế với nơi họ sẽ ăn, việc họ sẽ làm và chắc chắn họ sẽ mang theo những trang thiết bị cần thiết. Người tự phát thì sẽ đợi cho đến tối trước khi đi và nói: “Tại sao chúng ta không đi biển thay vì đi lên núi nhỉ? Ánh nắng sẽ rất đẹp và thời tiết sẽ tuyệt vời.” Điều này sẽ đẩy người tổ chức vào tình trạng suy sụp và các kỳ nghỉ trở thành những ngày tra tấn.
Trước khi kết hôn, Beth rất ấn tượng với kỹ năng tổ chức của Trent. “Em kiểm tra số dư ngân hàng trực tuyến hàng ngày à? Thật ngạc nhiên quá.” Tuy nhiên, sau khi cưới, cô ấy nói: “Anh muốn em ghi chép lại mọi chi tiêu ư? Điều đó không thể. Không ai làm thế cả.” Dĩ nhiên, Trent đã nhanh chóng đưa cho cô xem một cuốn sổ nhỏ đã ghi chép lại chính xác mọi chi tiêu của anh. Với anh, đó đơn giản chỉ là vấn đề trách nhiệm.
Trent đưa đồ vào máy rửa bát đĩa một cách rất có tổ chức: đĩa, bát, ly – mỗi thứ đều ở đúng vị trí của nó. Trong khi đó, Beth cho đồ vào máy rửa bát đĩa giống như cô cho quần áo vào máy giặt vậy. Mục tiêu của cô ấy là chỉ đóng cửa máy lại – và máy rửa bát sẽ lo phần việc còn lại của mình. Trent sẽ nhanh chóng chỉ ra những chiếc đĩa mỏng hoặc những chiếc ly có thể bị vỡ chính là hậu quả của cách làm việc của Beth.
Sau khi kết hôn, tôi cũng phải mất mấy năm mới nhận ra rằng Karolyn không bao giờ cho bát đĩa vào máy rửa bát giống như cách tôi làm. Chỉ đơn giản là cô không quan tâm tới khả năng đó. Rất khó để tôi học được rằng cuộc sống không chỉ là những chiếc đĩa hỏng, những chiếc cốc vỡ và những cái thìa bẩn. Tôi đã cho cô ấy sự tự do để cô ấy được là chính mình, và ngược lại, cô ấy đã từ bỏ nhiệm vụ rửa bát đĩa. Nếu tôi có một cuộc họp gấp vào buổi tối, thì cô ấy sẽ sẵn lòng đảm nhận công việc và tôi sẽ phải chấp nhận kết quả.
Trent cũng là người có cách thanh toán các hóa đơn rất tổ chức và có phương pháp. Nếu anh ấy đi công tác xa nhà trong vài ngày, thì anh ấy muốn Beth sẽ sắp xếp các hóa đơn để lên bàn làm việc cho mình khi anh ấy trở về. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là Beth sẽ không bao giờ nhớ được cô đã làm gì với đống thư từ ngay cả khi cô đã mang chúng vào nhà. Trent có thể tìm thấy các hóa đơn ở trong xe ô tô, trên sàn nhà hoặc dưới sofa. Anh ấy ngạc nhiên tại sao lại có thể có người vô trách nhiệm đến thế. Còn Beth lại ngạc nhiên tại sao có người cứng nhắc như Trent. Sự khác biệt tính cách này có khả năng dẫn đến những xung đột gay gắt.
Sự khác biệt tính cách có thể dễ dàng nhìn thấy trong giai đoạn hẹn hò nếu các cặp đôi có ý thức tìm nó. Tuy nhiên, hầu hết các cặp đôi lại không chú ý đến điều này. Nếu người biết cách tổ chức tìm được một “đối tác” có tính cách tự do, thì anh ấy có thể sẽ rất ngưỡng mộ cô ấy và sẽ phản ứng tích cực với những ý tưởng bột phát của cô ấy. Nếu một người có tính cách tự do tìm được một “đối tác” có kỹ năng tổ chức, thì cô ấy sẽ rất khâm phục, đánh giá cao tính cách của anh. Tuy nhiên, nếu hai người thực tế và hiểu biết hơn về những xung đột tiềm ẩn trong sự khác biệt về tính cách và thảo luận với nhau xem họ sẽ giải quyết những xung đột đó như thế nào sau khi kết hôn, thì có thể họ sẽ không rơi vào những thảm kịch xung đột sau khi họ kết hôn. Thực tế, nếu bạn đã lường trước được những xung đột tiềm ẩn và thảo luận về những giải pháp có thể trước khi có xung đột, thì bạn sẽ giải quyết nó dễ dàng hơn so với việc bạn cố tìm ra những giải pháp khi xung đột đã xuất hiện.
Thảo luận
1. Trên thang điểm từ 1 đến 10, bạn hãy tự đánh giá các điểm tính cách sau đây của mình. 10 là điểm cao nhất và 1 là điểm thấp nhất.
a. Lạc quan
b. Bi quan
c. Cẩn thận
d. Cẩu thả
e. Suối chảy
f. Biển chết
g. Chỉ điểm
h. Họa sĩ
i. Chủ động
j. Bị động
k. Logic
l. Trực quan
m. Tổ chức
n. Tự phát
2. Hãy khuyến khích “đối tác” của bạn làm bài tập tương tự như trên sau đó thảo luận về những câu trả lời của nhau, đưa ra những minh họa cho biết tại sao bạn lại đánh giá mình với số điểm như thế.