Ước gì tôi biết…
TÂM LINH
không ĐÁNH ĐỒNG
với việc “ĐI NHÀ THỜ”
Chín tháng sau đám cưới, Jill và Matt ngồi trong văn phòng của tôi. Jill nói: “Chúng tôi có một vấn đề và chúng tôi không biết phải giải quyết như thế nào.” “Vấn đề gì vậy?” Tôi hỏi. “Matt không muốn đi nhà thờ với tôi. Anh ấy nói nhà thờ thật buồn tẻ và anh ấy cảm thấy gần gũi với Chúa hơn khi anh ấy ở trên sân golf chứ không phải trong nhà thờ. Tháng trước, anh ấy đã lái xe tới sân golf trong khi tôi đi nhà thờ. Đó không phải là điều tôi mong muốn. Tôi không bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra.”
“Trước khi chúng tôi kết hôn, Matt luôn đến nhà thờ cùng tôi vào các ngày Chủ nhật. Anh ấy dường như thích thế. Chúng tôi thảo luận về các bài giảng. Anh nói với tôi anh là một tín đồ Kitô giáo, nhưng bạn có thể trở thành một tín đồ Kitô giáo mà không đi nhà thờ không? Anh ấy nói rằng tôi đang phán xét anh ấy và có lẽ tôi như thế thật. Tôi đau khổ thực sự và tôi bắt đầu cảm thấy chúng tôi đã sai lầm khi kết hôn.”
Vấn đề của Jill là ở việc đi nhà thờ và không đi nhà thờ. Tuy nhiên, Matt lại có quan điểm hoàn toàn khác về tâm linh. Trước kia, anh không phải là người hay đi nhà thờ. Khi còn là một sinh viên, anh tham gia vào một tổ chức Kitô giáo do sinh viên đứng đầu. Sau vài tháng tham gia các cuộc họp hành, đọc Kinh Thánh và nhiều sách Kitô giáo khác, anh tự coi mình là một người theo đạo Kitô giáo. Khi anh và Jill hẹn hò, anh thường cùng cô tới nhà thờ vào các ngày Chủ nhật và anh thấy khá thú vị. Nhưng giờ anh ấy đã tốt nghiệp đại học, đi làm và thấy những hoạt động của nhà thờ đều có thể dự đoán trước được, các bài giảng không còn hữu ích nữa. Thật sự anh thấy gần Chúa trên sân golf hơn là ở trong nhà thờ. Anh không hiểu tại sao đi nhà thờ lại là vấn đề quan trọng với Jill đến vậy?
Còn Jill lại thấy bị tổn thương. Đi nhà thờ là một trong những giáo lý của Đức tin. Không thể có chuyện là một tín đồ Kitô giáo nhưng lại không đi nhà thờ. “Chúng tôi sẽ làm gì khi chúng tôi có con?”, cô hỏi. “Tôi không thể chịu nổi ý nghĩ những đứa con tôi không đi nhà thờ.” Tôi có thể nói rằng Matt đã thấy thấy vọng vô cùng. “Jill, chúng ta chưa có con”, anh nói. “Chúng ta có thể vượt qua cái cầu đó khi chúng ta tới đó mà”.
Rất nhiều cặp vợ chồng không bao giờ thảo luận về niềm tin tôn giáo của họ.
Matt và Jill là một trong rất nhiều cặp vợ chồng đã ngồi trong văn phòng của tôi để chia sẻ về những xung đột trong niềm tin tôn giáo của họ. Tuy nhiên, tâm linh thường là điều cuối cùng được thảo luận trong mối quan hệ hẹn hò. Thực tế, rất nhiều cặp vợ chồng không bao giờ thảo luận về niềm tin tôn giáo của họ. Là một nhà tư vấn, tôi thấy thất vọng về điều này.
Vì tôi theo học ngành nhân chủng học nên tôi thường có những khám phá văn hóa của một nhà nhân chủng học. Một trong những khám phá của tôi là con người có niềm tin tôn giáo mãnh liệt. Không có nền văn hóa nào lại không có một hệ thống niềm tin về thế giới phi vật chất. Từ sự tôn kính các vị thần La Mã cổ đại đến niềm tin vào các linh hồn ma quỷ trong các bộ lạc thổ dân, con người tin rằng có nhiều thứ hơn có thể được nhìn thấy bằng mắt. Khám phá thứ hai của một nhà nhân chủng học là niềm tin tôn giáo này ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của những người theo tôn giáo đó. Điều này đúng cả trong những gì được gọi là tôn giáo nguyên thủy và những tôn giáo phát triển sau này như Đạo Do Thái, Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo. Quan điểm của chúng ta về tôn giáo sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách sống của chúng ta.
Do đó, khi các cặp đôi đang có dự định nghiêm túc về hôn nhân, thì tôn giáo cần được coi là một trong những vấn đề hàng đầu phải thảo luận. Câu hỏi đặt ra là: “Niềm tin tôn giáo của chúng ta có tương đồng với nhau không?” hay “Chúng ta đang đi đều bước, vậy chúng ta có bước cùng nhịp không?” Khác biệt về quan điểm tôn giáo là một trong những vấn đề ẩn chứa tiềm năng gây ra những xung đột nhiều nhất trong hôn nhân. Đó là lý do tại sao hầu hết các tôn giáo trên thế giới đều khuyên các tín đồ của họ kết hôn với người cùng tôn giáo với mình. Kinh Thánh của Kitô giáo có nói: “Đừng mang ách cùng với những người không có Đức tin. Vì công bằng và gian ác có điểm gì chung? Ánh sáng có theo sau bóng tối? Giữa những người có Đức tin và những người không có Đức tin có điểm gì chung?” Đây là những câu hỏi thuyết phục và những cặp đôi khôn ngoan sẽ không lảng tránh chúng.
Theo quan sát của tôi, rất nhiều người lớn lên mà không bao giờ tìm hiểu về hệ thống tín ngưỡng tâm linh của mình. Họ tự gọi mình là người theo đạo Phật, theo đạo Hindu hoặc theo đạo Thiên Chúa giáo nhưng họ làm như vậy chỉ đơn giản là họ lớn lên trong gia đình có người theo đạo Phật, theo đạo Hindu hoặc theo đạo Thiên Chúa giáo. Họ không tìm hiểu những tín ngưỡng cơ bản của những tôn giáo này. Chúng ta không lựa chọn gia đình mình, do đó, tôn giáo là một trong những yếu tố vốn có khi chúng ta sinh ra. Nhưng khi trưởng thành, chúng ta phải có trách nhiệm tìm kiếm sự thật trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Nếu bạn cho rằng tôn giáo chỉ đơn giản là một tạo tác văn hóa, tôi mong bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu thêm về lịch sử, tín ngưỡng của tôn giáo mà bạn đang theo và trao đổi cởi mở với người bạn đang hẹn hò. Nếu bạn không thể thành thật và cởi mở về những vấn đề tín ngưỡng tôn giáo trước khi kết hôn, thì bạn sẽ không thể làm được điều đó sau khi kết hôn và niềm tin tôn giáo của bạn sẽ trở thành nguyên nhân của những xung đột.
Tìm hiểu về các nhánh của Thiên Chúa giáo
Vì 80% dân số tại Mĩ coi Thiên Chúa giáo là tôn giáo chính của mình, nên cho phép tôi đi sâu phân tích về những điều bạn cần lưu ý về tôn giáo này trước khi kết hôn. Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa giáo được chia thành rất nhiều nhánh, trong đó có ba nhánh chính là: Chính thống giáo phương Đông, Công giáo La Mã và Đạo Tin Lành. Ba nhánh này vừa có điểm thống nhất về những niềm tin cốt lõi như thiên tính của Đức Chúa Trời, cái chết và sự tái sinh của Đức Chúa Trời, vừa có những điểm khác biệt. Nếu bạn đang dự tính chuyện hôn nhân với một người không theo truyền thống Thiên Chúa giáo giống mình, tôi khuyên bạn nên tìm hiểu truyền thống tôn giáo của cả hai bạn và tìm ra sự thỏa thuận cho sự khác biệt. Kết hôn chỉ bởi các bạn yêu nhau và quên đi những hệ quả của sự khác biệt về tâm linh chính là dấu hiệu của sự non nớt.
Kết hôn chỉ bởi các bạn yêu nhau và quên đi những hệ quả của sự khác biệt về tâm linh chính là dấu hiệu của sự non nớt.
Giả sử hai bạn đều là tín đồ truyền thống Thiên Chúa, thì đây là thời điểm tốt để bạn kiểm tra sâu hơn về niềm tin và thực hành. Trong truyền thống Chính thống có Chính thống giáo Hy Lạp, Chính thống giáo Nga, Chính thống giáo Armenia… Ở mỗi nước, các chính thống giáo này lại có niềm tin và thực hành tôn giáo khác nhau. Trong Giáo hội Công giáo La Mã, niềm tin và thực hành tôn giáo trong một nước thường giống nhau, nhưng giữa các nước lại khác nhau. Sự khác biệt này cần được tìm hiểu đầy đủ nếu bạn đang suy nghĩ nghiêm túc về một cuộc hôn nhân.
“Thiên Chúa giáo” kiểu nào?
Như vậy, tôi đã nói về sự khác biệt thần học trong Đức tin và thực hành tôn giáo, giờ cho phép tôi nói đến khía cạnh mang tính chất cá nhân. Chúng ta đã thấy rõ mức độ khác nhau giữa những người theo Đạo Thiên Chúa. Ví dụ, một số người tự gọi mình là tín đồ Thiên Chúa giáo khi họ chỉ đến nhà thờ vào lễ Phục Sinh và lễ Giáng Sinh. Ngoài những ngày lễ đó, thì tôn giáo ảnh hưởng tới họ rất ít. Bên cạnh đó, lại có những người đi nhà thờ rất thường xuyên, có thể mỗi tuần một lần, mỗi lần kéo dài từ một đến ba tiếng, phụ thuộc vào buổi lễ hôm đó. Tuy nhiên cũng có những người không chỉ quan tâm đến việc thờ phụng Đức Chúa Trời như thế nào, mà họ còn tham gia vào các nhóm nghiên cứu Kinh Thánh, tìm hiểu xem làm thế nào để áp dụng những lời dạy của Kinh Thánh vào cuộc sống cá nhân của mình. Những người này sống sâu sắc và gần gũi với các thành viên trong nhóm. Họ sẵn sàng hy sinh vì nhau. Họ quan tâm đến nhau và họ thường tìm cách phục vụ cộng đồng bằng những cách rất thực tế. Nhiều Kitô hữu dành thời gian đọc kinh hàng ngày để mong nghe được tiếng nói của Chúa Trời trong đó và họ mong được đáp lại Chúa Trời bằng những lời tạ ơn, những lời cầu nguyện chân thành. Họ coi Thiên Chúa giáo như một mối quan hệ tình yêu của mình với Chúa. “Thời gian yên tĩnh” là phần quan trọng nhất trong ngày của họ.
Do vậy, biết được người bạn đang hẹn hò theo Thiên Chúa giáo kiểu nào là điều cực kì quan trọng. Họ tham gia vào cộng đồng Kitô hữu với mức độ thế nào? Niềm tin của họ quan trọng như thế nào? Và mặt nào của Thiên Chúa giáo ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ? Rõ ràng, những người theo Thiên Chúa giáo Phục Sinh – Giáng Sinh rất khác với những người theo Thiên Chúa giáo cần “thời gian yên tĩnh” hàng ngày.
Tôi nhớ, một phụ nữ trẻ đã nói với tôi: “Tôi đã hẹn hò với Andrew được ba năm. Khi bắt đầu hẹn hò, anh ấy nói cho tôi biết rằng anh ấy là một người theo đạo Thiên Chúa. Chúng tôi có rất nhiều sở thích chung và chúng tôi có nhiều khoảnh khắc thời gian bên nhau tuyệt vời. Nhưng dần dần tôi nhận ra rằng chúng tôi không đi chung một nhịp khi nói đến tâm linh. Với anh ấy, Thiên Chúa giáo là một tôn giáo, còn với tôi Thiên Chúa giáo là cuộc sống của tôi. Với tôi không gì quan trọng hơn trong cuộc sống là phục vụ Chúa. Tôi nhận ra rằng chúng tôi không có nền tảng tâm linh chung để có thể xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Do đó, tôi đã chia tay anh ấy.”
Tôi nghĩ người phụ nữ trẻ này đã quyết định đúng đắn. Nếu sau ba năm cô ấy không thể làm thay đổi quan niệm của chàng trai mà cô đang hẹn hò về Chúa, thì sau khi kết hôn, chắc chắn cũng sẽ không có sự thay đổi này. Ba năm sau, cô đã kết hôn với một người đàn ông trẻ có chung quan điểm như cô về Đức Chúa Trời và họ đã có một đám cưới được tiến hành theo đúng nghi thức của những người theo Đạo Thiên Chúa.
Với nhiều cặp đôi đang hẹn hò, tâm linh không phải là chủ đề được họ đề cập đến. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng, sau khi kết hôn họ sẽ quan tâm tới vấn đề này. Những người khác có thể sẽ trao đổi rất cởi mở về vấn đề tâm linh, nhưng lại thường bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo. Họ quá yêu nhau, vui sướng bên nhau, mong muốn làm cho nhau hạnh phúc mà họ không nhìn thấy những khác biệt trong quan điểm của nhau về vấn đề tâm linh.
Jill và Matt, cặp đôi mà chúng ta đã gặp ở đầu chương này, cuối cùng cũng đã khám phá ra sự hòa hợp về mặt tâm linh. Sau vài buổi tư vấn, tôi đã giúp họ lắng nghe tâm tư của nhau và cố gắng thấu hiểu rằng điều này quan trọng với họ như thế nào. Họ cố gắng đánh giá những mối quan tâm của nhau và trở thành bạn bè của nhau thay vì là kẻ thù của nhau. Khi họ chuyển từ mối quan hệ thù địch sang mối quan hệ bạn bè mà cả hai cùng cố gắng hiểu và giải quyết những xung đột hơn là cố gắng giành phần thắng trong cuộc tranh cãi, thì họ sẽ dễ dàng tìm được giải pháp.
Matt đã đồng ý sẽ không chơi golf vào sáng Chủ nhật nữa để cùng đi nhà thờ với Jill. Còn Jill đồng ý sẽ cùng Matt tìm kiếm một nhà thờ mà anh thấy thú vị hơn. Họ đã tìm được một nhà thờ như thế và họ đã cùng nhau đến nhà thờ không chỉ để tham gia các buổi lễ, mà còn làm từ thiện là dạy một lớp các em năm tuổi. Thật bất ngờ, giờ đây họ đã có một cậu con trai ba tuổi. Họ đều đồng ý rằng họ đã rất vui khi tìm thấy điểm chung trong hành trình tâm linh của mình trước khi con trai họ ra đời.
Niềm tin tôn giáo thường gắn liền với những cảm xúc mạnh mẽ và niềm tin sâu sắc. Ngay cả với những người vô thần, thường giữ quan điểm Không-Chúa Trời, thì những niềm tin này cũng ảnh hưởng tới cách sống của họ. Theo ý nghĩa này, thì dù họ không công nhận sự tồn tại của Chúa Trời, nhưng họ vẫn là những người có niềm tin tôn giáo sâu sắc. Bởi niềm tin tôn giáo ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta, nên điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra nền tảng tâm linh tương thích với nhau trước khi chúng ta bước vào một cuộc hôn nhân. Hy vọng, chương này sẽ giúp bạn làm được điều đó.
Thảo luận
1. Niềm tin tôn giáo cơ bản của gia đình bạn là gì?
2. Bạn đang ở đâu trên hành trình tâm linh của chính mình? Bạn chấp nhận, từ chối hay điều chỉnh những niềm tin tôn giáo mà bạn đã được dạy khi còn là một đứa trẻ?
3. Bạn theo tổ chức tôn giáo nào? Bạn tham gia vào những hoạt động của nó như thế nào?
4. Niềm tin tôn giáo đã ảnh hưởng đến phong cách sống hàng ngày của bạn như thế nào?