Ước gì tôi biết…
Tôi đang KẾT HÔN
trong một GIA ĐÌNH
Nếu bạn nghĩ rằng sau khi đám cưới, cuộc sống chỉ có hai vợ chồng bạn, thì bạn đã nhầm. Bạn đang kết hôn trong một gia đình, dù tốt hơn hay xấu hơn. Gia đình của cô ấy không biến mất sau ngày cưới của hai bạn. Gia đình hai bên có thể cho phép các bạn có một khoảng thời gian riêng tư trong tuần trăng mật, nhưng sau đó họ sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của hai bạn. Ở một số nền văn hóa, sự can thiệp của cha mẹ vào cuộc sống của con cái rất sâu và công khai. Trong một số trường hợp, cô dâu phải về sống cùng nhà với bố mẹ chồng. Sau khi của hồi môn đã được trả, cô sẽ thuộc về gia đình nhà chồng. Mẹ chồng cô sẽ dạy cô cách trở thành một người vợ mà con trai bà cần. Ở các nền văn hóa phương Tây, mối quan hệ nhà chồng - nàng dâu không cứng nhắc nhưng dù sao cũng vẫn là mối quan hệ có thật.
Trong hơn 30 năm qua, các cặp vợ chồng đã ngồi tại văn phòng tư vấn của tôi và phàn nàn những câu sau:
• “Mẹ chồng tôi muốn dạy tôi cách nấu ăn. Tôi đã nấu ăn 10 năm nay rồi. Tôi không cần bà ấy giúp.”
• “Bố vợ tôi không thích tôi. Ông nói với bạn bè rằng con gái ông lấy phải người không xứng đáng. Tôi đoán ông muốn tôi là bác sĩ hoặc luật sư. Tôi là một thợ sửa ống nước, tôi đang kiếm tiền nhiều hơn một trong số những người trong gia đình ông.”
• “Chị chồng và mẹ chồng tôi không bao giờ rủ tôi tham gia các hoạt động xã hội của họ. Họ luôn mời chị dâu tôi, nhưng lại không bao giờ mời tôi.”
• “Anh vợ tôi nghiện thể thao. Chúng tôi không có nhiều điểm chung. Tôi không nghĩ rằng anh ấy có thể đọc được một cuốn sách trong nhiều năm và anh ấy không quan tâm tới chính trị.”
• “Bố vợ tôi là kế toán. Bất kể khi nào chúng tôi ở cạnh nhau, ông đều cho tôi lời khuyên về cách quản lý tiền bạc. Thành thật mà nói, tôi thường không đồng ý với những lời khuyên đó của ông, nhưng tôi phải cố lịch sự.”
• “Anh chồng tôi thường khuyên chồng tôi phải làm thế này, phải làm thế kia. Anh hơn chồng tôi bốn tuổi. Tôi nghĩ anh ấy vẫn đang cố gắng để tỏ ra là một người anh lớn, nhưng nó khiến tôi phát ngán vì chồng tôi luôn bị ảnh hưởng bởi những lời khuyên của anh ấy. Nếu tôi có ý kiến khác, thì chồng tôi luôn đứng về phía anh trai mình.”
♥ “Bố mẹ vợ tôi luôn cho vợ tôi tiền để mua những thứ mà chúng tôi không đủ tiền mua. Tôi rất bực mình. Tôi ước gì họ có thể để chúng tôi tự lo cho cuộc sống của mình.”
• “Bố mẹ chồng tôi luôn bất thình lình bảo chúng tôi bỏ hết mọi việc để về thăm họ. Việc đó khiến tôi rất khó chịu. Tôi không muốn làm tổn thương cảm xúc của họ, nhưng tôi ước gì họ có thể gọi điện và trao đổi trước với chúng tôi để tìm ra thời gian thuận tiện cho chúng tôi.”
Khi bạn kết hôn, bạn trở thành một phần trong gia đình mở rộng. Gia đình này có thể gồm cha, mẹ, dì ghẻ, cha dượng, anh chị em, cô dì, chú bác, anh em họ, cháu gái, cháu trai, con riêng của chồng hay chồng cũ, vợ cũ. Bạn không thể sống mà bỏ qua gia đình mở rộng này. Họ sẽ không biến mất. Mối quan hệ của bạn có thể xa lạ hoặc gần gũi, tích cực hoặc tiêu cực, nhưng bạn vẫn có một mối quan hệ bởi bạn đang kết hôn trong một gia đình.
Cuộc sống sẽ dễ chịu hơn nếu bạn có mối quan hệ tích cực với gia đình mở rộng. Mối quan hệ của bạn với mỗi thành viên trong gia đình mở rộng phụ thuộc vào cơ hội bạn tiếp xúc với người đó. Nếu bạn sống cách gia đình mở rộng hàng nghìn dặm thì có lẽ mối quan hệ của bạn với gia đình mở rộng có thể là mối quan hệ tích cực nhưng đó là mối quan hệ xa xôi. Cơ hội để phát triển mối quan hệ của bạn chỉ giới hạn trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi, ma chay. Tuy nhiên, nếu bạn sống gần gia đình mở rộng, thì bạn có cơ hội tương tác với các thành viên trong gia đình mở rộng nhiều hơn.
Năm vấn đề chính
Thông thường, mối quan hệ thân mật nhất của những mối quan hệ này là mối quan hệ với cha mẹ hai bên. Do đó, trong chương này, tôi muốn tập trung vào mối quan hệ của hai bạn với cha mẹ hai bên. Bạn cần xử lý những vấn đề gì với gia đình nhà chồng/vợ? Dưới đây là năm vấn đề chính cần sự thấu hiểu và thảo luận giữa hai bên.
Một trong những vấn đề đầu tiên cần có sự chú ý của bạn là các ngày lễ. Đứng đầu trong danh sách này là Lễ Giáng Sinh. Tại phương Tây, nhiều gia đình được ở bên nhau trong dịp Giáng Sinh nhiều hơn bất cứ dịp lễ nào khác. Thường thì vấn đề ở chỗ cha mẹ chồng cũng muốn cả hai bạn phải có mặt ở nhà họ vào ngày Giáng Sinh, trong khi cha mẹ vợ cũng muốn như vậy. Nếu cha mẹ hai bên ở trong cùng một thành phố, thì có lẽ bạn sẽ đáp ứng được yêu cầu của cả hai bên. Nếu họ ở trong cùng một bang, thì các bạn có thể chia nhau đêm Giáng Sinh ở nhà người này, ngày Giáng Sinh ở nhà người kia. Tuy nhiên, nếu họ ở các bang cách xa nhau, bạn cần thương thuyết Giáng Sinh năm nay sẽ ở với nhà người ngày, Giáng Sinh năm sau sẽ ở nhà người kia và sẽ dành dịp lễ Tạ Ơn ở với gia đình mà dịp Giáng Sinh bạn không có điều kiện ở cùng.
Bên cạnh những ngày lễ Tết, còn có những ngày truyền thống của gia đình. Một người vợ trẻ nói: “Em gái tôi và tôi vẫn thường xuyên đưa mẹ ra ngoài ăn tối vào ngày sinh nhật của bà. Nhưng giờ chồng tôi nói rằng chúng tôi không có tiền để tôi có thể xả tay vào dịp sinh nhật mẹ. Điều này thật khó chấp nhận với tôi. Tôi không muốn mẹ và em gái tôi nghĩ xấu về anh ấy, nhưng tôi sợ rằng điều đó vẫn sẽ xảy ra.” Một người chồng trẻ nói: “Tôi luôn nhớ vào ngày Quốc Khánh hàng năm cả gia đình tôi đều đi câu cá. Trong ngày đó tôi có thể gặp các anh em họ của mình và đó là sự kiện rất vui vẻ. Vợ tôi lại nghĩ chúng tôi nên dành ngày hôm đó ở bên nhà cha mẹ cô ấy, nhưng tất cả những gì họ làm là ra nhà hàng ăn tối. Chúng tôi có thể làm điều đó vào bất cứ lúc nào.” Truyền thống thường được củng cố bằng những cảm xúc sâu sắc và bạn không nên xem nhẹ.
Cha mẹ hai bên cũng có những kỳ vọng. Trừ khi bạn đã dành nhiều thời gian với họ trước khi kết hôn, nếu không bạn có thể không đoán được những kỳ vọng của họ. Một người chồng kể: “Tôi rất khó chịu khi vợ chồng tôi ra ngoài ăn tối cùng bố mẹ vợ, lần nào họ cũng muốn tôi trả tiền bữa ăn đó. Tôi rất xấu hổ khi vợ tôi nhắc: ‘Anh trả tiền đi.’ Khi vợ chồng tôi đi ăn tối cùng bố mẹ tôi thì họ luôn trả tiền cho suất ăn của họ. Tôi không bao giờ nghĩ rằng họ muốn tôi trả tiền cho họ.”
Cha mẹ hai bên cũng có những kỳ vọng. Trừ khi bạn đã dành nhiều thời gian với họ trước khi kết hôn, nếu không bạn có thể không đoán được những kỳ vọng của họ.
Cha mẹ mỗi bên đều có thể có kiểu hành xử khiến bạn cảm thấy bị tổn thương hoặc phiền hà. Bạn có thể phát hiện ra rằng cha vợ mình thường ra ngoài cùng các bạn bè ông vào tối thứ Năm hàng tuần và trở về nhà trong trạng thái say mềm, rồi mắng vợ con. Mẹ vợ bạn có thể đã nói với vợ bạn về điều này, và vợ bạn đã kể cho bạn biết. Bạn ước có thể làm được điều gì đó, nhưng bạn bất lực. Bạn thấy lo lắng về lối hành xử của cha vợ và bạn cũng thấy bực tức vì mỗi lần vợ bạn nói chuyện với mẹ cô ấy, bà lại nói về chủ đề này khiến cô ấy buồn phiền.
Megan mới chỉ kết hôn được năm tháng khi cô ngồi tại văn phòng tư vấn của tôi: “Mẹ chồng tôi là một phụ nữ có tổ chức nhất mà tôi từng biết. Anh nên nhìn vào tủ đồ của bà. Giầy được xếp bên phải và tất cả quần áo của bà đều được phối hợp màu sắc khi treo trong tủ. Vấn đề là tôi không phải là người biết cách tổ chức và khi bà bước vào phòng vợ chồng tôi, bà đã đưa ra rất nhiều lời khuyên mà bà nghĩ là sẽ giúp cuộc sống của chúng tôi dễ dàng hơn. Tôi xin lỗi nhưng đó không phải là con người tôi. Hơn nữa tôi không có thời gian để giữ mọi thứ có tổ chức.”
Cha mẹ hai bên cũng có thể có niềm tin tôn giáo khác xa với các bạn. Một người chồng trẻ nói: “Bất kể khi nào ở bên bố vợ tôi, dường như ông cũng muốn cố gắng biến tôi thành tín đồ của Kitô giáo. Tôi cũng là một người theo đạo Kitô, nhưng tôi không giáo điều và quá sùng bái như ông. Tôi nghĩ tôn giáo là vấn đề cá nhân và tôi bực mình vì ông cố tạo áp lực buộc tôi đồng ý với ông.”
Suzanne, lớn lên trong gia đình theo giáo phái Lutheran, đã nói: “Bố mẹ của anh ấy là người theo phái Baptist, họ liên tục nói về việc tôi cần phải rửa tội. Tôi đã rửa tội khi còn nhỏ và tôi thấy không cần phải rửa tội lại lần nữa. Họ nói cứ như thể đó là một ý tưởng vĩ đại. Tôi không thích điều đó.”
Học cách lắng nghe
Trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống, bạn sẽ khám phá ra rằng cha mẹ vợ/chồng bạn là những cá nhân có suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn riêng, hoàn toàn khác với suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của bạn. Vậy làm thế nào để bạn xây dựng được mối quan hệ tích cực với cha mẹ chồng/vợ? Tôi khuyên bạn nên bắt đầu quá trình này bằng việc học cách lắng nghe với sự đồng cảm. Lắng nghe với sự đồng cảm nghĩa là lắng nghe để thấu hiểu những điều họ nghĩ, họ muốn đưa ra và họ cảm nhận.
Bất kể khi nào ở bên bố vợ tôi, dường như ông cũng muốn cố gắng biến tôi thành tín đồ của Kitô giáo.
Bản chất, hầu hết chúng ta không phải là những người lắng nghe tốt. Chúng ta thường chỉ nghe đủ dài để đưa ra một bác bỏ và chúng ta thường kết thúc cuộc tranh luận không cần thiết. Lắng nghe với sự đồng cảm được duy trì cho đến khi bạn chắc chắn hiểu rõ những gì người khác đang nói. Nó sẽ bao gồm những câu hỏi làm rõ vấn đề kiểu như: “Tôi hiểu điều bạn đang nói là… Có chính xác không?” hoặc “Có vẻ như bạn đang nói rằng tôi… Đó có phải là điều bạn muốn?” Khi bạn đã nghe đủ dài để hiểu những gì người khác đang nói và cảm nhận của họ, thì sau đó bạn có thể tự do đưa ra quan điểm của mình về chủ đề đó. Vì bạn đã nghe họ mà không có bất cứ lời chỉ trích nào, nên họ cũng sẵn sàng nghe những ý kiến chân thành của bạn.
Lắng nghe với sự đồng cảm không đòi hỏi bạn phải đồng ý với những ý tưởng của người khác, nhưng nó đòi hỏi bạn phải đối xử với họ và những ý tưởng của họ bằng sự tôn trọng. Nếu bạn tôn trọng những ý tưởng của họ và nói với họ bằng sự ân cần, họ cũng sẽ tôn trọng ý tưởng của bạn và đối xử ân cần với bạn. Sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau xuất phát từ việc lắng nghe với sự đồng cảm.
Khi giao tiếp với những người trong gia đình của chồng/vợ, trước hết bạn hãy luôn luôn nói với chính bản thân mình. Thay vì nói: “Anh/chị làm tôi bị tổn thương khi anh chị nói thế” bạn nên nói: “Tôi cảm thấy bị tổn thương khi nghe anh chị nói thế.” Khi bạn bắt đầu câu nói với đại từ chỉ bản thân “tôi”, là bạn đang đưa ra quan điểm của mình. Khi bạn bắt đầu câu nói với đại từ chỉ người khác “anh/chị” bạn trở thành người đổ lỗi và chắc chắn bạn sẽ gặp phản ứng phòng thủ từ những người trong gia đình chồng/vợ.
Học cách đàm phán
Nhân tố thứ ba để có mối quan hệ tốt với gia đình chồng/vợ là học cách đàm phán về những sự khác biệt. Đàm phán bắt đầu bằng việc ai đó đưa ra một lời đề nghị. Jeremy nói với cha mẹ vợ: “Con biết bố mẹ muốn chúng con ở lại đây để tổ chức lễ Giáng Sinh cùng gia đình. Dĩ nhiên, bố mẹ con cũng muốn như vậy. Vì bố mẹ ở cách chúng con gần nghìn cây số, nên chúng con biết chúng con không thể cùng có mặt ở hai nơi trong một ngày được. Con đang cân nhắc đến việc xen kẽ giữa dịp lễ Tạ ơn và lễ Giáng Sinh. Chúng con có thể ở cùng bố mẹ trong dịp Giáng Sinh này và đến nhà bố mẹ con vào dịp lễ Tạ ơn. Năm sau thì sẽ ngược lại. Con chỉ đang cố gắng để có thể ở được với cả hai bên gia đình.”
Jeremy đã đưa ra một đề nghị. Bây giờ cha mẹ vợ anh có thể chấp nhận đề nghị đó, hoặc thay đổi đề nghị đó, hoặc đưa ra một đề nghị khác của mình. Đây chính là quá trình lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Quá trình này sẽ cho phép đàm phán tiến triển. Cuối cùng bạn sẽ tìm được một giải pháp mà tất cả mọi người đều có thể đồng ý, do đó mối quan hệ của bạn với gia đình chồng/vợ càng được củng cố. Sự khác biệt về ngày lễ Tết, truyền thống, kỳ vọng, lối ứng xử và tôn giáo, tất cả đều cần sự đàm phán. Người Do Thái có câu ngạn ngữ: “Mọi sự tốt đẹp có được là khi anh em sống với nhau trong sự hòa hợp.” Để hòa hợp cần phải đàm phán.
Đàm phán được củng cố khi bạn đưa ra các yêu cầu chứ không phải là đòi hỏi.
Đàm phán được củng cố khi bạn đưa ra các yêu cầu chứ không phải là đòi hỏi. Tim nói với cha mẹ vợ mình: “Chúng con thật sự vui mừng khi cha mẹ tới chơi và chúng con muốn dành thời gian ở với cha mẹ, nhưng con muốn đưa ra một đề nghị. Thay vì đến đột ngột, bố mẹ có thể gọi điện trước cho chúng con để xem liệu buổi tối đó có thuận tiện cho chúng ta không ạ? Lý do là vì tuần trước khi bố mẹ tới chơi vào tối thứ Năm, thì con đã phải thức đến nửa đêm để hoàn thành báo cáo cho buổi làm việc hôm sau. Tối thứ Sáu sẽ tốt hơn nhiều cho con. Bố mẹ thấy như thế có được không?”
Tim đã đưa ra một đề xuất và một yêu cầu. Cha mẹ vợ anh có thể đồng ý hoặc phản đối yêu cầu của anh, hay họ có thể đưa một đề xuất khác, chẳng hạn đồng ý họ sẽ đến vào một tối cụ thể nào đó trừ khi có lý do đặc biệt thì sẽ chuyển sang tối khác. Ở bất kỳ trường hợp nào, bằng cách đưa ra một yêu cầu mà không phải là một đòi hỏi, Tim đã giữ được mối quan hệ tích cực với cha mẹ vợ của mình.
Học ngôn ngữ tình yêu của người khác
Lời khuyên cuối cùng của tôi để duy trì mối quan hệ tích cực và tốt đẹp với gia đình chồng/vợ là học ngôn ngữ tình yêu của họ và thường xuyên nói ngôn ngữ đó. Không có cách thể hiện tình yêu nào sâu sắc hơn việc nói đúng ngôn ngữ tình yêu. Cả Karolyn và tôi đều không trải qua những tổn thương trong mối quan hệ với gia đình mở rộng. Hai năm đầu tiên kết hôn, chúng tôi sống cách xa hai gia đình hàng nghìn dặm. Giáng Sinh là dịp duy nhất chúng tôi ở nhà và cả hai gia đình đều sống trong một thành phố. Vợ chồng tôi ở tại gia đình tôi vào đêm Giáng Sinh, còn ngày Giáng Sinh vợ chồng tôi sang nhà bố mẹ vợ. Vì thế, quan hệ của vợ chồng tôi với gia đình hai bên tuy xa xôi nhưng rất tích cực.
Bố Karolyn mất trước khi chúng tôi cưới nhau. Khi tôi tốt nghiệp đại học, chúng tôi đã chuyển về sống gần nhà bố mẹ chúng tôi hơn và mẹ vợ tôi chính là người luôn cổ vũ cho tôi. Ngôn ngữ tình yêu của bà là hành động phục vụ. Bà là người rất hay giúp đỡ người khác, sống tích cực và không bao giờ phàn nàn về điều gì. Vì vậy, tôi đã không chuẩn bị để giải quyết xung đột với mẹ vợ. Karolyn và tôi không bao giờ thảo luận về chủ đề này. Giờ đây tôi mới thấy chúng tôi đã ngây thơ như thế nào. Hàng trăm cặp vợ chồng tới văn phòng tư vấn của tôi đã làm tôi nhận ra chúng tôi không phải là trường hợp duy nhất gặp phải tình cảnh đó. Để có mối quan hệ tốt với cha mẹ vợ/chồng đòi hỏi bạn phải có thời gian và nỗ lực.
Tôi hy vọng rằng chương này sẽ giúp hai bạn đối mặt được với những lĩnh vực tiềm ẩn xung đột với gia đình mở rộng và sẽ giúp bạn biết cách giải quyết những xung đột đó. Trước hôn nhân bạn càng thảo luận vấn đề này sâu sắc bao nhiêu, thì sau hôn nhân bạn càng ít phải đối mặt với xung đột bấy nhiêu.
Thảo luận
1. Các bạn hãy chia sẻ với nhau những ngày lễ Tết và những dịp lễ đặc biệt trong gia đình bạn được tổ chức như thế nào. Hãy tìm ra những khía cạnh tiềm ẩn sự xung đột.
2. Những ngày truyền thống trong gia đình hai bên là ngày nào? Những ngày truyền thống có thể không chỉ tập trung vào những ngày lễ Tết hay sinh nhật, nhưng đó là những dịp đặc biệt quan trọng với mọi thành viên trong gia đình.
3. Tìm hiểu xem kỳ vọng mà cha mẹ chồng/vợ mong muốn ở bạn sau khi kết hôn là gì. Nếu bạn có anh chị em hoặc bạn bè đã kết hôn, bạn có thể tham khảo ý kiến của họ.
4. Giống như hầu hết chúng ta, tất cả các bậc cha mẹ cũng đều có kiểu hành vi của riêng mình. Một số người có thể có hành vi tích cực, như chơi golf vào thứ Bảy. Một số khác có thể có hành vi tiêu cực, như uống rượu vào tối thứ Sáu. Cha mẹ bạn có kiểu hành vi nào? Hãy thảo luận với nhau nếu như bạn thấy kiểu hành vi nào đó của cha mẹ vợ/ chồng khiến bạn cảm thấy bị tổn thương.
5. Cha mẹ bạn theo niềm tin tôn giáo nào? Hãy thảo luận về những điều mà bạn cảm thấy không thoải mái.
6. Khi cha mẹ bạn đang thảo luận về những ý tưởng mà bạn không đồng ý, làm thế nào để bạn học cách giữ bình tĩnh và lắng nghe một cách đồng cảm để có thể đưa ra những phản ứng thông minh? Hãy chia sẻ với người khác những ví dụ về thời gian bạn lắng nghe tốt hoặc không tốt.
7. Trong một cuộc hội thoại thông thường, bạn đã học cách nói với chính mình như thế nào? Khi hai bạn có một sự tranh cãi, bạn thường xuyên bắt đầu câu nói của mình với đại từ nhân xưng “anh/em” trái ngược với đại từ “tôi” như thế nào? Hãy thảo luận với nhau và học cách nói với chính mình.
8. Khi hai bạn bất đồng với nhau, thì các bạn cần một sự đàm phán. Tiến trình này đòi hỏi một người phải đưa ra đề xuất rồi lắng nghe đề xuất từ người kia, từ đó tìm ra một giải pháp cả hai bên cùng đồng ý. Trong quá khứ bạn thực hiện quá trình này như thế nào? Hãy chia sẻ những trải nghiệm của bạn.
9. Đàm phán được nhấn mạnh khi bạn đưa ra một yêu cầu hơn là một nhu cầu. Hãy hỏi người khác xem làm thế nào để bạn có thể định lại mong muốn của mình để nghe nó giống như một lời yêu cầu.
10. Bạn có biết ngôn ngữ tình yêu của cha mẹ mình không? Bạn có biết ngôn ngữ tình yêu của cha mẹ chồng/vợ mình không? Nếu có, bạn đã nói ngôn ngữ tình yêu của họ chưa? Nếu không, bạn sẽ làm gì để khám phá ra ngôn ngữ tình yêu của họ?
11. Nếu bạn là người có con riêng và đang định tái hôn, thì tôi khuyên bạn nên đọc và thảo luận về cuốn sách The Smart Step-Family của Ron Deal. Xung đột số một trong một cuộc hôn nhân liên quan đến con cái là xung đột giữa con cái và cha mẹ kế.