Tâm bình thì khí hòa, bất bình ắt kêu ca. Vì con người thường so đo thiệt hơn và cảm thấy người khác đối xử bất công với mình, nên sinh ra rất nhiều phiền não, thị phi. Thuở nhỏ, trẻ em đã biết phân bì tình thương của cha mẹ đối với anh chị em trong gia đình, mượn tiếng khóc để bày tỏ sự bất bình trong lòng mình. Đến khi cắp sách đến trường, ta lại hơn thua điểm số với bạn bè, còn so sánh xem thầy cô giáo có thiên vị ai hay không? Khi bước chân vào xã hội, lại so đo ai được ưu ái hơn, để ý xem sếp có công bằng hay không? Thậm chí lúc cha mẹ qua đời, một số người vẫn tỵ nạnh ai được thừa kế nhiều tài sản hơn, ganh nhau từng chút một, để xem di chúc có công bằng hay không?
Vì con người thích tính toán thiệt hơn, nên thường hay so sánh xem người ta có đối xử công bằng giữa hai bên hay không. Tất cả sự phân biệt, tranh giành cũng từ đây mà phát sinh. Điển hình như khi xưa “bảy nước tranh hùng”, “tám vương dấy loạn”, anh em bất hòa, cho đến những bi kịch cốt nhục tương tàn đều do so đo, tính toán mà ra.
Cho nên, làm người ai cũng hy vọng được người khác đối xử công bằng. Tuy nhiên trên thực tế, giáo lý nhà Phật đã nói rõ “về mặt lý, Phật tính bình đẳng”, nhưng “về mặt sự, nhân quả có sai biệt”. Vậy nên, thế gian vẫn luôn tồn tại vô vàn điều bất công, phi lý.
Cho đến mỗi quốc gia, đều có hàng trăm nghìn người thi nhau làm việc nghĩa, song hằng ngày bạn có thấy truyền thông đăng tải tin tức gì liên quan đến họ không? Nhưng ngược lại, trong xã hội chỉ cần có ai đó gây gổ đánh nhau vung một cái đấm, tung một cú đá, thì ngay hôm sau, truyền thông, báo chí đã đồng loạt “giật tít” trên trang bìa.
Đứng ở góc độ tích cực mà nói, trong xã hội vẫn có rất nhiều người quý trọng đạo thánh hiền, chỉ có một số ít là lãng quên. Vậy mà, hằng ngày báo chí chỉ đưa tin về những thành phần thiểu số này, bạn nói xem liệu chuyện ấy có công bằng hay không? Như một người nào đó mất tới mấy mươi năm nhọc công nghiên cứu mới chế tạo ra được sản phẩm chất lượng cao, song vài ngày sau đó đã bị kẻ xấu sao chép, đánh cắp bản quyền, lại còn bày bán tràn lan trên thị trường. Bạn nói xem công bằng nằm ở đâu?
Rốt cuộc công bằng của thế gian nằm ở đâu? “Công lý ngay tại tâm”, “Nhân quả tự công bằng”. Bởi pháp thế gian chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như tình cảm chủ quan của mỗi người, nên rất khó có sự công bằng tuyệt đối. Thậm chí, ngay cả luật pháp dùng để duy trì trật tự xã hội cũng thường bị chi phối bởi các nhân tố khách quan, nên cũng không giữ được sự công bằng tuyệt đối.
Tuy là vậy, nhưng thế gian vẫn tồn tại công bằng. Vì công bằng, chính là luật “nhân quả”. Cho nên, bất luận là người quyền cao chức trọng hay người buôn bán tảo tần, cũng không một ai có thể vượt ra ngoài định luật nhân quả “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”. Bởi vậy, chúng ta không cần nhọc lòng mong cầu nhận được sự khoan dung hay ưu ái đặc biệt, cũng đừng vì những công danh lợi lộc ở thế gian mà đánh mất công lý chính nghĩa, càng không nên phẫn nộ vì xã hội thiếu công bằng dân chủ. Thật ra, đứng trước cán cân nhân quả, hết thảy ai ai cũng bình đẳng như nhau. Vậy mới nói, nhân quả chính là vị trọng tài công bằng nhất của thế gian.