Ánh sáng, không khí và nước, là ba thứ quý giá nhất ở đời.
Trên trái đất, chỉ cần có khoảng trống thì ánh sáng đều có thể chiếu rọi qua. Miễn là có không gian, không khí theo gió tràn tới lấp đầy. Chỉ riêng nước là đặc biệt nhất mà thôi. Mặc dù nước ở sông Hoàng Hà, Trường Giang và đại dương rất nhiều, nhưng ở một số khu vực như sa mạc lại thiếu nước trầm trọng và gây ra nạn hạn hán. Cho nên, những nơi nào có nước mới có văn hóa, tiền bạc của cải, vạn vật mới sinh sôi nảy nở.
Nước có bốn đức tính: Cho người tắm gội, lưu chuyển vạn vật, đó là nhân. Gạn đục khơi trong, rửa sạch bụi bẩn, đó là nghĩa. Mềm mại nhưng khó thứ gì có thể phá vỡ, yếu đuối mà có thể chiến thắng, đó là dũng. Dẫn đường khơi thông dòng chảy cho sông suối, khiêm nhường nhưng cũng rất dũng mãnh, đó là trí.
Tuy nước có bốn đức tính nhân, nghĩa, trí, dũng, nhưng nếu bị ô nhiễm hoặc tràn bờ thì sẽ trở thành mối tai họa lớn cho con người. Chẳng hạn như vấn nạn nước bẩn hiện nay, đang khiến cho con người đau đầu và chưa thể xử lý. Thêm vào đó, hàng năm nạn nước lũ còn gây ra biết bao tai họa khủng khiếp. Và hơn thế, cũng không thể xem thường những giọt nước mắt đầy uy lực của nữ nhân. Bởi xưa kia, chỉ một nụ cười hay giọt lệ của giai nhân thôi, cũng có thể quyết định hạnh phúc và tai họa của cả một đất nước.
Từng có người lấy nước và dầu để hình dung về tính cách của bậc quân tử và kẻ tiểu nhân: “Tính đậm đặc, trơn tru của dầu, chỉ cho kẻ tiểu nhân. Tính trong sạch, điềm đạm của nước, chính là người quân tử”. Nước có thể làm cho những thứ dơ bẩn trở nên tinh khiết, còn dầu lại khiến những vốn tinh khiết biến thành bẩn nhơ.
Vì thế, con người cũng nên rèn luyện một số phẩm tính tốt đẹp giống như nước vậy. Bậc quân tử khi kết bạn sẽ chỉ “nhạt như nước”, vì mối tương giao giữa người với người nếu quá ngọt ngào đường mật, thì nhất định sớm muộn gì cũng phát sinh nhiều hệ lụy đáng buồn.
Vậy nên, con người cần phải học theo nước, vì nước có nguyên tắc riêng của nó. Nước có thể tự mình lưu chuyển, cũng có khả năng khiến những thứ khác dao động theo mình. Nước có thể tự tìm dòng chảy mà không cần đến con người. Khi gặp vật cản, nước có thể dùng sức mạnh thâm sâu của mình để đánh ngã mọi trở ngại. Đồng thời, nó còn rửa sạch được mọi vết bẩn, đó cũng là một ưu điểm nữa của nước.
Nước sâu thì sóng lặng, học rộng tâm thường khiêm. Đây chính là câu nói mà những người có học vấn uyên thâm thường nhắc nhở chính mình. Riêng đặc tính của nước có thể cao thấp tùy ý, chỉ tiến mà không lui, có thể nâng đỡ thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền, dù nhỏ giọt cũng làm cho đá phải mòn.
Đặc biệt, trong kinh điển Phật giáo thường dùng hình ảnh so sánh “pháp như thủy”. Bởi nước có tác dụng giải khát, tắm gội, và dưỡng nuôi vạn vật. Cũng như thế, Phật pháp có thể gột rửa mọi nghiệp chướng, tội lỗi của con người, khiến tâm hồn trở nên thanh lương, rộng lớn. Pháp Phật là chân lý nhiệm màu giúp con người dứt trừ mọi tham ái, dục vọng. Và có hiểu rõ Phật pháp thì thế giới tự nhiên sẽ phồn vinh tươi đẹp, mọi người cùng nhau chung sống hài hòa.
Sông cạn thì nước chảy xiết, biển sâu thì sóng càng tĩnh lặng. Làm người có thể dung nạp được trăm sông, xem xét nhìn nhận một cách uyển chuyển, không nên gió chiều nào xoay chiều ấy, và chớ để cảm xúc làm gợn sóng trên mặt hồ xuân. Nếu có thể giữ tâm bình lặng như nước, yên ả không dao động, đó mới là phong thái của bậc đại trí.
Cho nên, đối nhân xử thế nên giống như “nước” vậy. Bởi vì, khi nước gặp phải núi, đá, hay bờ, thì nó đều tự động biết chuyển hướng. Do đó, bất kể chúng ta gặp ai đi nữa, cũng nên uyển chuyển, tùy duyên. Chính vì lẽ đó, mà trong chặng đường của đời người, ngại gì quanh co vòng vèo, điều quan trọng phải tạo ra được lưu vực đặc biệt và những khúc quanh lý tưởng cho riêng mình.