Độc đoán, chính là sự bảo thủ cố chấp, cũng là biểu hiện của cái tôi quá cao. Trong lịch sử, Alexandros và Adolf Hitler đều là những người vô cùng độc đoán, họ tự cho rằng mình có thể chinh phục được cả thế giới, nhưng rốt cuộc lại bị thế giới chinh phục ngược trở lại.
Độc đoán, chính là độc tài chuyên chế. Ngày nay, vẫn có một số nước trên thế giới còn thực thi rất nhiều chính sách về chế độ độc tài chuyên chế. Thế nhưng, đây chỉ là một mảng nhỏ của tảng băng chìm mà thôi, một khi nó sụp đổ thì chắc chắn sẽ thê thảm vô cùng. Tần Thủy Hoàng là một hoàng đế tài trí mưu lược, song chính vì ông quá độc tài nên đã đẩy đất nước đến chỗ diệt vong một cách nhanh chóng. Còn Tống Tương Công thì khoe khoang mình là bậc thầy nhân nghĩa, nhưng vì không có khả năng xem xét thời thế, hơn nữa lại không chịu lắng nghe quần thần can gián, cứ một mực tiến đánh quân Sở, nên cuối cùng ông phải nhận lấy kết cục quân bại mạng vong.
Trái nghĩa với độc đoán chính là dân chủ, hay còn gọi là chủ nghĩa nhân dân. Dân chủ là trào lưu của thời đại, còn là lý tưởng mà mọi người hướng đến. Nếu một quốc gia có người lãnh đạo độc đoán và độc quyền, thì không thể mở rộng quyền tự do ngôn luận cho quần chúng nhân dân, ngược lại sẽ hình thành nên chủ nghĩa uy quyền trong chính trị. Cũng may là thời đại “vua bảo thần chết, thần không thể không chết” đã qua. Hơn nữa, nếu một đoàn thể, một gia đình mà có một thành viên độc đoán, thì chắc chắn sẽ không có lấy một ngày bình yên.
Riêng Tăng đoàn Phật giáo được gọi là “hòa hợp chúng”, bởi tất cả mọi việc đều dựa vào quy củ và giới luật của Phật môn để chung sống với nhau trên tinh thần lục hòa, chứ không mong muốn có một người nào đó độc đoán theo hướng chủ quan. Và ngay cả Đức Phật cũng thường nói: “Ta là một người cũng như tất cả mọi người!”. Mặc dù Đức Phật đưa ra chân lý độc nhất vô nhị tại thế gian, nhưng mỗi lần thuyết xong một bài pháp, Đức Phật đều hỏi chúng đệ tử rằng: “Các thầy có ý kiến gì không?”. Điều này cho thấy, Đức Phật rất xem trọng đại chúng và luôn quan tâm đến cảm nhận của mọi người như thế nào. Bên cạnh đó, “Ba lần thuyết pháp” và “Ba lần chuyển pháp luân Tứ diệu đế” của Đức Phật, cũng đều nói lên sự chân thật tuyệt đối của Như Lai đối với chân lý bình đẳng.
Trong Chiến quốc sách có nhắc đến câu chuyện Tề Vương. Vì muốn lắng nghe những lời can gián, nên vua đã hạ lệnh: “Ai có thể đứng trước mặt trẫm chỉ ra được lỗi lầm của trẫm, thì sẽ được trọng thưởng; người nào dâng tấu sớ khuyên can trẫm, thì được thưởng vừa. Ngược lại, kẻ nào chê bai triều đình mà việc ấy đến tai trẫm, thì sẽ được thưởng ít”. Kết quả, khi lệnh vừa ban xuống, tất cả quần thần trong triều đều tranh nhau khuyên can góp ý, làm cho triều đình huyên náo giống như một cái chợ. Sau vài tháng, vẫn thường thấy có người vào triều can gián, nhưng sau hai năm tuy rất muốn nói, song không còn ai thích vào triều nữa. Bởi ai khuyên gì, Tề Vương cũng nghe theo mà không có lập trường chính kiến. Việc này muốn nhắn gửi tới chúng ta một thông điệp, chỉ cần bản thân làm tốt, sợ gì mọi người không tôn trọng!
Người độc đoán làm chính trị dĩ nhiên là rất tốt, nhưng khi họ phạm sai lầm thì vô phương cứu chữa. Cho nên mới nói: “Độc đoán việc của mình, mối hại đó còn nhỏ. Độc đoán việc của người, tai họa sẽ khôn lường”. Đây thật sự là những điều mà người làm lãnh đạo nên tránh, để có hướng đi sáng suốt, và duy trì tổ chức đoàn thể một cách bền vững, dài lâu!